Thời sự Thần học, số 85

0
3331

CHỦ ĐỀ : TRIẾT HỌC CÔNG GIÁO

“Triết học Kitô giáo – Danh xưng này nguyên nó là chính đáng, nhưng không nên hiểu cách mập mờ: ta không nên hiểu đó là triết học chính thức của Giáo Hội, vì đức tin nguyên nó không phải là một triết học. Đúng ra, với danh xưng ấy người ta có ý ám chỉ lối tư duy triết học Kitô hữu, một suy tư triết học được quan niệm trong sự liên kết mật thiết với đức tin. Điều đó không liên hệ cách đơn thuần đến một nền triết học, được xây dựng bởi những triết gia Kitô hữu, những người khi nghiên cứu không muốn chống đối đức tin. Khi nói về triết học Kitô người ta có ý bao gồm những phát triển quan trọng của tư tưởng triết học đã thành tựu với phần đóng góp, trực tiếp hay gián tiếp, của đức tin Kitô giáo.” __Fides et Ratio, số 76__

————————

LỜI GIỚI THIỆU

Số báo này được phát hành vào dịp kỷ niệm 140 năm thông điệp Aeterni Patris của Đức thánh cha Lêô XIII (ban hành ngày 4-8-1879), về việc phục hưng triết học Kitô giáo theo tinh thần của thánh Tôma Aquinô. Thật là cơ hội tốt để một tờ báo thần học suy tư về vai trò của triết học, vốn được coi như “tì nữ” (ancilla). Nhưng trước hết, cần phải xác định ý nghĩa của tựa đề “triết học công giáo” qua hai câu hỏi: Triết học là gì? Triết học Công giáo hay Kitô giáo?

I. Triết học

Ai cũng biết là “triết học” chuyển dịch từ philosophia (gốc Hy Lạp, hoặc philosophie tiếng Pháp, philosophy tiếng Anh); nhưng có lẽ ít người để ý rằng philosophia không hẳn là triết học.

Thật vậy, có người đã muốn phân biệt giữa “triết học” và “triết lý”, cách riêng khi bàn về việc đối chiếu giữa Đông phương và Tây phương. Vào năm 1960, trong quyển sách “Những dị biệt giữa hai nền triết lý Đông Tây” (Tủ sách Ra Khơi, Sài Gòn), linh mục Lương Kim Định đã đưa ra sự phân biệt giữa “minh triết”, “triết lý”, “triết học” như sau:

1/ Minh triết (sagesse) “chỉ sự khôn sáng của các thánh hiền đã được kết tinh vào những câu triết ngôn thuộc Truyền thống tinh thần. Các ngài là những vị siêu quân bạt chúng đã tới cái trí tri thể nghiệm nên những lời huấn đức của các ngài tuy vắn tắt kiểu châm ngôn nhưng có hiệu lực muôn đời như: Pythagore, Khổng Tử, Lão Tử, Thích Ca, v.v… Các ngài lo sống cái minh triết hơn là nghĩ đến sách vở. Phương pháp của các ngài là thể nghiệm, trực giác, không dùng lý luận, phân tách hoặc dùng rất ít trường hợp Khổng” (trang 19).

2/ Triết lý là “những sách vở do môn đệ các vị trên để lại như: Tuân Tử, Mạnh Tử, Chu Hi, v.v… Những đề tài họ suy tư cũng là những vấn đề của thầy, nghĩa là xoay quanh cứu cánh thân phận con người; phương pháp là dùng lý luận biện chứng để tìm hiểu và phổ biến minh triết, nhờ thế mà quảng đại quần chúng hiểu rõ được chỗ sâu xa của minh triết […] Như vậy triết lý giống với minh triết ở đối tượng: cả hai lấy cứu cánh con người làm trọng tâm suy nghĩ, nhưng khác với minh triết về phương pháp: minh triết nhìn thẳng thực nghiệm, trái lại triết lý đưa ra lý sự, biện chứng, bàn giải (trang 20).

3/ Minh triết và triết lý có thể coi là hương hỏa triết Đông, tuy nhiên không có nghĩa là Tây Âu không có minh triết và triết lý, nhưng cứ chương trình chính thức qua các đời mà xét thì triết học khác với triết lý ở ba đầu mối như sau:

a) Trước nhất về đối tượng không lấy con người mà lấy thiên nhiên sự vật làm trung tâm suy tư; chẳng hạn bàn về bản thể sự vật, sự hữu chung.

b) Thứ đến phương pháp: theo lối khoa học phê phán và phân tách, cố tìm ra những ý niệm độc đáo và tích lũy sự kiện để kết thành những hệ thống mạch lạc, chặt chẽ và vững vàng hay bàn những vấn đề liên hệ đến khoa học.

c) Nhân đó về mục tiêu lấy tri thức làm cùng đích. Triết học được coi là một việc tìm hiểu đối tượng khách quan, một phương pháp thăm dò ngoại vật, nhằm đó nhà triết học cũng thường kiêm nhiệm khoa học gia. Thí dụ điển hình là Aristote và Descartes. Vì thế nó không nhằm thực hiện vào bản thân như triết lý mà nhằm tìm biết sự vật khách quan” (trang 22).

Chúng tôi không muốn phê bình việc phân chia này nhưng chỉ muốn cho thấy rằng cùng một danh từ philosophia mà có thể chuyển sang ba thuật ngữ khác nhau trong tiếng Việt[1]. Một điều tương tự như vậy cũng đã xảy ra cho danh từ religion, vừa có nghĩa là “tín ngưỡng” vừa có nghĩa là “tôn giáo”: hai từ ngữ này không hoàn toàn đồng nghĩa, và chẳng có từ nào dịch sát nguyên gốc religio trong tiếng Latinh, bởi vì religious life không chỉ là “đời sống tôn giáo” mà còn là “đời sống tu trì” nữa! Điều này đưa chúng ta đến một nhận xét thú vị, đó là philosophia không phải lúc nào cũng là “triết”; bằng cớ là chẳng mấy ai muốn nhìn nhận văn bằng Ph.D. (Philosophiae Doctor) là “tiến sĩ triết học”, và lại càng không muốn được gọi là “triết gia”!

Xét vì “Triết học Công giáo” liên quan đến môi trường văn hóa Tây phương, cho nên chúng tôi không dừng lại ở việc phân tích ý nghĩa của từ “triết” bên Đông phương, nhưng cố gắng theo dõi những ý nghĩa khác nhau của danh từ “philosophia”.

A. Philosophia: Sự tiến triển ý nghĩa

Theo tầm nguyên, philosophia gồm bởi philein (yêu mến) và sophia (sự khôn ngoan). Thế nhưng “Khôn ngoan” là gì? Trong lịch sử tư tưởng châu Âu, có một sự tiến triển sâu xa trong cách hiểu từ philosophia.

Ở Hy Lạp, cho đến thế kỷ VII trước CN, sophos ám chỉ ngành thủ công. Sau đó, ngành này được gọi là technê, còn sophia được dành cho công việc trí tuệ, và cho đến thời ông Socrates, sophistes là hạng người rất được kính trọng (sau này mang nghĩa là “ngụy biện”). Người ta cho rằng ông Pythagoras là người đã chế ra từ ngữ philosophia, bởi vì ông cho rằng duy chỉ Thượng đế mới là Sophos, còn loài người cùng lắm chỉ ước mong được trở nên Philosophos mà thôi (nghĩa là những kẻ ái mộ sophia), tức là ái mộ chân lý, đi tìm về nguồn gốc vạn vật. Công cuộc truy tầm này mang tính cách thực hành, diễn tả qua lối sống, luôn luôn đặt câu hỏi, để tìm ý nghĩa cho cuộc đời[2]. Theo nghĩa này, ông Socrates được coi là philosophos nổi danh nhất, với châm ngôn “Hãy biết mình”.

Tiến thêm một bước nữa, người ta chuyển từ khôn ngoan như một “lối sống” sang khôn ngoan như là “hiểu biết”. Philosophia trở thành yêu mến sự hiểu biết. Và rồi nhiều câu hỏi được đặt ra: Hiểu biết cái gì? Hiểu biết như thế nào? Chúng ta sẽ thấy rằng philosophia sẽ được Aristote mở rộng đến toàn thể tri thức của nhân loại, và rồi bị thu hẹp vào một loại kiến thức “chung chung” hoặc “mơ hồ” vào thời cận đại[3].

1) Hy Lạp cổ đại 

Ông Platon (Republica) phân biệt giữa doxa (ý kiến) và episteme (kiến thức). Ý kiến là sự hiểu biết nảy lên trong đầu óc, không cần vất vả tìm kiếm; còn kiến thức là sự hiểu biết đạt được do sự tìm kiếm. Từ đó trở đi, philosophia không còn chỉ là yêu mến sự khôn ngoan hay là sự hiểu biết chung chung nữa, nhưng là kiến thúc đạt được qua lý luận, suy tư, đặc biệt là bằng dialectica, nghĩa là suy xét những lý lẽ thuận và nghịch.

Đang khi ông Platon xác định phương pháp để đạt tới kiến thức, ông Aristote chú ý đến nội dung của kiến thức. Đối với Aristote, philosophia bao trùm toàn thể tri thức của con người, tất cả những gì mà trí tuệ có thể biết được. Với kiến thức rộng rãi của mình, ông đã phân biệt ba lãnh vực chính của tri thức: logica, physica, ethica.

– Logica bao gồm những môn học về các phương tiện để đạt được kiến thức, các phương pháp để nắm bắt bản chất của sự vật.

– Physica bao gồm những kiến thức về vạn vật, do thiên nhiên làm ra.

– Ethica gồm những kiến thức về hoạt động của con người, bao gồm từ chính trị cho đến nghệ thuật, thi ca.

2) Thời Trung cổ 

Qua thời Trung cổ, philosophia được hiểu theo nghĩa mà Aristote đã để lại, nghĩa là bao trùm toàn thể kiến thức của nhân loại. Duy có nhiều là các kiến thức này có thể được thủ đắc do hai nguồn khác nhau: hoặc do lý trí hoặc do mặc khải. Từ đó có sự phân biệt giữa philosophia và theologia:

– Theologia ám chỉ những kiến thức về Thiên Chúa.

– Philosophia ám chỉ những kiến thức của con người về thiên nhiên.

Nên ghi nhận là philosophia bao trùm tất cả tri thức của con người. Không lạ gì mà khi viết tác phẩm về “vật lý” (lý lẽ sự vật), ông Isaac Newton đã đặt tựa đề là Philosophiae Naturalis Principia Mathematica (Những nguyên tắc toán học của triết học thiên nhiên, năm 1687). Một dấu vết khác của việc sử dụng thuật ngữ này là tên gọi các phân khoa đại học bên Đức (và Anh Mỹ): đại học gồm bốn phân khoa: luật, y, thần và “philosophia”. Vì thế “philosophia” là tên đặt cho phân khoa không phải là luật, y, thần. Không lạ gì tất cả các sinh viên tốt nghiệp vật lý, hóa học, toán học, văn chương, sử địa, tâm lý, vv… đều lãnh bằng Philosophiae Doctor (Ph.D.).

3) Thời cận đại 

Sang thời cận đại, phạm vi của philosophia bị thu hẹp lại, do sự “ly khai” của các khoa học thực nghiệm. Kể từ thế kỷ XVIII không còn các nhà “bác học” như xưa nữa (kể từ Aristote cho đến Descartes, Leibniz): các ngành toán học cũng như vật lý, hóa học tách rời khỏi philosophia, và được mang tên chung là “khoa học” (scientia). Trước đây scientia được hiểu là “kiến thức” nhưng từ nay được hiểu về các môn học về thiên nhiên, áp dụng phương pháp đo lường, giả thuyết, chứng minh. Điển hình cho “khoa học” theo nghĩa cận đại là Physica (vật lý), tuy rằng theo nguyên nghĩa là môn nghiên cứu về bản tính sự vật (cách vật trí tri).

B. Philosophia và Theologia

Như vừa nói, trong lịch sử Kitô giáo, ít là từ thời Kinh viện, người ta cố gắng xác định sự khác biệt giữa “triết học” và “thần học” như sau: triết học dựa trên lý luận của lý trí, còn thần học dựa trên các dữ kiện của mặc khải. Tuy nhiên, vào thời đầu công nguyên, người ta không hiểu như vậy, và các giáo phụ có thiện cảm với philosophia hơn là với theologia. Lý do là vì đối với người Hy Lạp, theologia có nghĩa là “thần thoại”, vì vậy bị các triết gia như Aristote khinh thường. Phải mất nhiều thời gian, các giáo phụ mới “rửa tội” cho danh từ theologia theo nghĩa là bàn về Thiên Chúa chân thật. Trong bối cảnh ấy, không lạ gì mà nhiều giáo phụ thích trình bày Kitô giáo như là philosophia theo nghĩa nguyên thủy là “yêu mến Thiên Chúa”, Đấng Khôn ngoan đích thực, dựa trên tư tưởng của các tác phẩm cuối cùng của Cựu Ước, được xếp vào loại “các văn phẩm khôn ngoan” (libri sapientiales)[4].

Cũng nên biết là ngày nay, bên các Giáo hội Đông phương, theologia không đối lại philosophia cho bằng đối lại với oikonomia. Theologia bàn về bản tính Thiên Chúa: đây là một mầu nhiệm mà tốt hơn chúng ta nên kính cẩn thờ lạy; Oikonomia bàn về công trình cứu độ của Thiên Chúa đã được tỏ lộ cho chúng ta (x. Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo số 236)[5].

Dù sao, ngày nay trong các học viện và chủng viện Công giáo, Philosophia được hiểu theo nghĩa cận đại, chứ không còn theo nghĩa bao quát như thời Trung Cổ nữa. Trên thực tế, đôi khi có sự hiểu lầm về môn học (Psychologia, Anthropologia, Sociologia), bởi vì tuy cùng đối tượng nhưng khác biệt về phương pháp tiếp cận (chẳng hạn như giữa “tâm lý học thuần lý” và “tâm lý học thực nghiệm”.

II. Triết học Công giáo

Lẽ ra phải nói Triết học “Kitô giáo” thì đúng hơn là “Công giáo”[6], nhưng tiêu đề đã được chọn nhằm giới hạn phạm vi nghiên cứu và cũng do những lý do lịch sử. Thật vậy, triết học phát triển bên Giáo hội Công giáo hơn là bên các Giáo hội Chính thống (trong thiên niên kỷ thứ nhất), và thậm chí đã bị gạt bỏ bên các Giáo hội Cải cách (do ảnh hưởng của Luther).

Trên thực tế, vào hồi thập niên 30 của thế kỷ trước, một cuộc tranh luận sôi nổi đã xảy ra tại Pháp xoay quanh đề tài “Có triết học Kitô giáo không?”[7]

A. Cuộc tranh luận liên quan đến triết học Kitô giáo

Trước đây, người ta vẫn nghĩ rằng nếu đã có những triết gia Kitô giáo (chẳng hạn như thánh Augustinô, Tôma Aquinô) thì đương nhiên phải có triết học Kitô giáo, đặc biệt kể từ khi thông điệp Aeterni Patris đã muốn giới thiệu học thuyết của thánh Tôma Aquinô như là triết học chính thức của Công giáo.

Thế nhưng có những người chủ trương ngược lại, vì muốn bảo vệ tính cách đa nguyên của triết học, theo đó chỉ có các “triết gia Kitô giáo” chứ không có “triết học Kitô giáo”, cũng tương tự như có các bác sĩ, nhạc sĩ Kitô giáo chứ không có y khoa hoặc âm nhạc Kitô giáo[8].

Ngày nay, khi nhìn lại vấn đề, người ta thấy rằng thuật ngữ “triết học Kitô giáo” có thể hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau[9].

1/ Triết học Kitô giáo có thể được hiểu như người Kitô hữu suy tư về triết học. Đây là một câu hỏi thuộc tri thức luận: Một triết gia Kitô giáo sẽ suy tư bằng đầu óc của mình, hay là phải dựa trên những luận cứ của đức tin? Có gì khác biệt giữa “hiểu” và “tin”: một triết gia có thể chấp nhận một chân lý mà mình không thể chứng minh bằng lý luận hay không?

2/ Mở rộng thêm nhãn giới, triết học Kitô giáo cũng có thể hiểu như là mối tương quan giữa Kitô giáo với triết học: Kitô giáo có phải là một philosophia không? Kitô giáo có cần đến philosophia không? Philosophia có thể hòa hợp với đức tin Kitô giáo không? Philosophia có quy chế tự trị hay chỉ là “nữ tì của thần học” (ancilla theologiae)?

3/ Dù sao, khác với thời các giáo phụ (thánh Augustinô) và kinh viện (thánh Tôma) khi mà bên Tây phương chỉ có một triết học thống lĩnh (học thuyết Platon hoặc Aristote), ngày nay có rất nhiều triết thuyết (kể cả marxism, hiện sinh): chúng có thể sống chung với đức tin Kitô giáo được không? Một triết gia Kitô giáo có buộc phải theo Aristote, hay có thể theo các học thuyết khác? Điều này được đặt ra cách đặc biệt khi tiếp xúc với các nền văn hóa và tín ngưỡng tại Á châu. Hiểu theo nghĩa này, có thể nói rằng có nhiều triết học Kitô giáo, chứ không phải chỉ có một[10].

4/ Những nghĩa trên đây chú ý đến hành vi suy tư. Bây giờ chúng ta chuyển sang một nghĩa khác, đó là kết quả của những suy tư vừa kể. Theo nghĩa này, triết học Kitô giáo cũng có thể hiểu là “tư tưởng Kitô giáo” (hoặc “học thuyết” Kitô giáo) liên quan đến các đề tài triết học, tựa như:

– về con người (nhân sinh quan): quan niệm của Kitô giáo về tự do, lương tâm, luân lý, giáo dục, lao động, xã hội…

– về vũ trụ (vũ trụ quan): nguồn gốc và cứu cánh của nó (lịch sử quan) …

– về Thượng đế, về sự tạo dựng, nguồn gốc sự dữ…

Một thí dụ. Ngày nay, Giáo hội Công giáo muốn trình bày cho thế giới một “Học thuyết (hoặc giáo huấn, đạo lý) xã hội”, bàn về nhân phẩm, gia đình, chính trị, lao động kinh tế, môi trường, vv…, vừa dựa trên những nguyên tắc của lý trí vừa dựa trên ánh sáng của đức tin[11]. Nhưng nếu hiểu như là “học thuyết” thì ranh giới giữa “triết học” và “thần học” không được rõ rệt. Dù sao, xem ra sự phân biệt này chỉ được đặt ra về phía Kitô giáo, chứ không có nơi các tôn giáo khác, (chẳng hạn như khi nói: triết học Phật giáo, Khổng giáo, Lão giáo, Ấn giáo, Islam, vv…, thì không ai nêu thắc mắc về thần học của họ).

5/ Ngoài ra, cũng nên biết là tại vài nơi, Triết học Kitô giáo có thể hiểu theo một nghĩa hẹp hơn, tức là: “triết học tôn giáo” (philosophy of religion), bàn luận về sự hiện hữu của Thiên Chúa[12], hoặc “thần học tự nhiên” (natural theology): lý trí có thể nói gì về Thiên Chúa? (đối lại với “thần học siêu nhiên”, nghĩa là sự hiểu biết về Thiên Chúa do mặc khải). Đàng sau quan niệm này là sự phân biệt thần học giữa “tự nhiên” (natura) và “ân sủng” (gratia) hoặc “siêu nhiên” (supernaturalis)[13].

B. Lối tiếp cận trong số báo này

Các bài viết theo hướng lịch sử và hệ thống: nhìn lại tương quan giữa Kitô giáo và triết học trong lịch sử, trải qua các giai đoạn chính:

1. Mở đầu, linh mục Phan Tấn Thành trình bày Sự thành hình triết học Kitô giáo. Cuộc đối thoại của các giáo phụ với triết học cổ điển. Trong ba thế kỷ đầu tiên, chúng ta nhận thấy hai khuynh hướng trái ngược nhau nơi các giáo phụ đối với triết học Hy Lạp: một khuynh hướng đối thoại (tượng trưng nơi thánh Giustinô, Clêmentê Alexandria, Origène), một khuynh hướng chống đối (điển hình nơi Taxianô, Tertullianô). Từ thế kỷ IV trở đi, các giáo phụ đã sử dụng triết học để trình bày các chân lý đức tin (mở đầu với Công đồng Nixêa). Mặt khác, do ảnh hưởng khác nhau của Platon và Aristote mà nảy sinh hai trường phái thần học khác nhau (Alexandria và Antiôkia), với những lạc thuyết đi kèm trong các tranh luận Kitô học. Dù sao, việc đối thoại giữa triết học và đức tin mang tính hỗ tương.

2. Sang thời Trung đại, qua bài Triết học Kinh viện. Sự dung hòa giữa đức tin và lý trí, linh mục Tạ Văn Tịnh trình bày tư tưởng triết gia Kinh viện về tương quan triết-thần: Scotus Erigene; Thánh Anselm; Thánh Albert; Thánh Bonaventura; Thánh Thomas Aquinas.

3. Hai bài trên đây theo dõi sự thành hình triết học Kitô giáo. Nhưng lịch sử không diễn tiến trơn tru như vậy. Trong bài Triết học với đức tin. Những bài học của lịch sử, linh mục Luis Augusto Campo Flores cho thấy những bước thăng trầm của mối tương quan giữa triết học với đức tin, cách riêng vào thời cận đại, khi mà ngay cả triết học cũng bị đẩy lui khỏi các ngành học thuật. Dù sao, phải nhìn nhận có những quan điểm khác nhau về tương quan giữa triết học với đức tin Kitô giáo, và từ đó, phải nhìn nhận nhiều thứ triết học Kitô giáo.

4. Đề tài Tương quan giữa triết học với thần học được trình bày từ hai phía do hai tác giả. Một đàng, giáo sư Luis Mariano de la Maza đặt vấn đề từ phía triết học, qua 6 mô hình khác nhau: 1) Đồng nhất; 2) Khác biệt; 3) Chi phối; 4) Lệ thuộc; 5) Đối lập; 6) Đối thoại. Đàng khác, giáo sư David Foster cho biết thần học đã “sử dụng” triết học theo 6 cách thức: như là 1) dẫn nhập; 2) dụng cụ; 3) bắt cầu; 4) thuẫn đỡ; 5) chất thể; 6) hệ thống.

5. Giáo hội có đề cao một nền triết học nào như là của mình không? Trong quá khứ xem ra Huấn quyền bênh vực triết học của thánh Tôma, nhưng thông điệp Fides et ratio chấp nhận tính đa nguyên triết học trong Giáo hội. Trong bài Những nguyên tắc căn bản của triết học Kitô giáo, Alan Vincelette cho thấy tính đa nguyên có giới hạn của nó. Điểm qua các tác phẩm trải qua lịch sử, tác giả cho thấy rằng giữa sự đa nguyên có sự đồng nhất giữa các tác giả Công giáo, tóm lại trong mười hai nguyên lý, liên quan đến tri thức luận, nhân học, thần luận, luân lý.

6. Trong quá khứ, đặc biệt là kể từ thông điệp Aeterni Patris, triết học Công giáo thường được đồng hóa với triết học của thánh Tôma Aquinô. Ngày nay, do chủ trương đa nguyên trong Giáo Hội, người ta không chấp nhận sự đồng hóa ấy nữa. Dù sao, trong bài Những thăng trầm của học thuyết Tôma, linh mục James A. Weisheipl, O.P. cho thấy rằng trải qua hơn 700 năm lịch sử, đã có nhiều phương pháp đọc và giải thích học thuyết của thánh Tôma, và hiện nay có sự phân biệt giữa “thomisme” và “thomasien” mặc dù đều căn cứ đến bản văn của ngài.

7. Như đã nói trên đây, tựa đề của số báo này là “triết học Công giáo” thay vì “triết học Kitô giáo” bởi vì nhiều Giáo hội không chấp nhận vai trò của triết học trong đời sống đức tin. Martin Luther là điển hình cho khuynh hướng này. Bài viết cuối cùng Martin Luther và triết học của mục sư Pawel Andrzej Gajewski giải thích lý do của sự từ chối này, và ảnh hưởng của nó đối với lịch sử tư tưởng Tây phương trong những thế kỷ gần đây.

Kết luận. “Triết học Công giáo” và philosophia christiana

Hẳn nhiên là trong khuôn khổ một số báo, không thể nào đề cập tất cả mọi vấn đề đặt ra cho triết học công giáo. Dù sao, chúng ta không được phép quên ý nghĩa nguyên thủy của philosophia: yêu mến sự khôn ngoan, tìm ra một lẽ sống cho cuộc đời. Dưới khía cạnh này, triết học Kitô giáo được diễn tả ra cuộc đời phù hợp với chân lý đã được Thiên Chúa mặc khải qua Đức Giêsu Kitô. Chúng ta có thể đi xa hơn nữa: thay vì nói đến philosophia christiana, các giáo phụ nói đến philosophia Christi (sự cao minh của Đức Kitô), thậm chí ipsa philosophia Christus[14] (Đức Kitô chính sự cao minh). Đức Kitô chính là sự cao minh mà chúng ta khao khát. Con đường dẫn tới sophia là đức tin và lòng mến, chứ không chỉ là lý luận suông.

Trung tâm Học vấn Đa Minh

————————–

NỘI DUNG

Lời Giới Thiệu

Sự Thành Hình Triết Học Kitô Giáo (Phan Tấn Thành)

Triết Học Kinh Viện : Sự Dung Hòa Giữa Đức Tin Và Lý Trí (Tạ Văn Tịnh)

Triết Học Với Đức Tin : Những Bài Học Lịch Sử (Luis Augusto Campos Flórez)

Tương Quan Giữa Triết Học Với Thần Học (Tsth Biên Tập)

Những Nguyên Tắc Căn Bản Của Triết Học Công Giáo (Alan Vincelette)

Những Thăng Trầm Của Học Thuyết Thánh Tôma (James A. Weisheipl)

Martin Luther Và Triết Học (Pawel Andrzej Gajewski)

——————————————–

[1] Philosophia mới được dịch sang tiếng Hán vào cuối thế kỷ XIX sang đầu thế kỷ XX, nhờ học giả người Nhật Nishi Amane. X. Antonio S.Cua, “The Emergence of the History of Chinese Philosophy”, in : The Routledge History of Chinese Philosophy edited by Bo Mou, London 2009, p.44: “Nishi Amane, in his Hyakuichi shimron (Bai-Yi-Xin-Lun) (1874), appeared to be the first scholar to use zhe-xue (哲學) as a translation for the Greek philosophia and ‘philosophy’”.
[2] Pierre Hadot, La philosophie comme manière de vivre. Albin Michel, Paris, 2002.
[3] X. Manuel Garcia Morente, Lecciones preliminares de filosofia, nueva edición, Porrua, Mexico, 1980, p.4-14.
[4] Gustave Bardy,“Philosophie” et “Philosophe” dans le vocabulaire chrétien des premiers siècles, in: Revue d’ascétique et de mystique 25 (1949) 97-108. Johannes Zachhuber, Philosophy and Theology in Late Antiquity: Some reflections on concepts and terminologies,
https://www.academia.edu/36548030/Philosophy_and_Theology_in_Late_Antiquity_Some_reflections_on_concepts_and_terminologies
[5] Truyền thống Byzantin chỉ nhìn nhận ba người đáng mang danh là Theologos: thánh Gioan Tông đồ (vì đã chiêm ngưỡng Logos của Thiên Chúa), thánh Grêgôriô Nazianzô (vì đã trình bày chính xác đạo lý về Thánh Linh), thánh Simeon Theologos (k.949-1022, tác giả bàn về sự thiên hóa của con người).
[6] Thuật ngữ philosophia christiana được sử dụng kể từ thánh Augustinô (Contra Julianum pelagianum 4.14.72; PL 44, 774). X. Joseph Owens, Toward a Christian Philosophy, The Catholic University of America Press, Washington DC 1990, p.1. Về thuật ngữ “Triết học Công giáo”, xem cùng tác giả và tác phẩm, chương 3: “The Notion of Catholic Philosophy” p.97-118.
[7]Louis-Bertand Geiger, “Christian Philosophy”, in: New Catholic Encyclopedia, New Edition, Catholic University of America, Washington, 2003, vol. 3, p.538-542. Gregory B. Sadler, “The 1930s Christian Philosophy Debates”, in: Acta Philosophica II, 21, 2012, pp. 393-406
[8] Cuộc tranh luận bắt đầu từ một bài viết của E. Bréhier, Y a-t-il une philosophie chrétienne? Revue de Métaphysique et de Morale 38 (1931), 133-162. Tác giả phủ nhận một triết học Kitô giáo. Đối lại là chủ trương của Etienne Gilson và Jacques Maritain.
[9] ĐGH Gioan Phaolo II, trong thông điệp Fides et ratio số 76, đã cho thấy những cách hiểu khác nhau của thuật ngữ “triết học Kitô giáo”, xét từ phía chủ thể hoặc xét từ phía nội dung.
[10] X. ĐGH. Gioan Phaolô II, Thông điệp Fides et ratio, số 76.
[11] X. GLHTCG, số 2420-2422.
[12] Quan niệm này được gặp thấy nơi nhiều tác giả Tin Lành ở Anh và Hoa kỳ.
[13] Về triết học tôn giáo, xem bài của A. Aguti, “Triết học các tôn giáo. Những khuôn mẫu chính”, Thời sự thần học số 68 (tháng 5/2015), trang 40-69, và bài số 7 trong số báo này.

[14] H. Rochais, “Ipsa philosophia Christus”, in : Medieval Studes 13 (1951), 244-247.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here