NHỮNG YẾU TỐ CỐT YẾU CỦA ĐỜI TU – MỤC III. NGHÈO KHÓ

0
5159

Phan Tấn Thành

   Chúng tôi xin trình bày bốn điểm: 1/ Khái niệm, xét theo ngôn ngữ thông thường và trong lịch sử đời tu. 2/ Kinh thánh. 3/ Giá trị. 4/ Thực hành.

I. Ý nghĩa

Có người định nghĩa “khó nghèo” là “khó mà nghèo”. Thiết tưởng điều khó khăn không chỉ nằm ở chỗ thực hành, mà ngay từ quan niệm: Nghèo là gì ? Thế nào là nghèo ? Tại sao phải sống nghèo ?

Trước hết, chúng ta hãy điểm qua vài ý niệm sơ đẳng về cái nghèo. Kế đó, chúng ta sẽ rảo qua những quan niệm khác nhau của các Dòng tu về lời khuyên nghèo khó.

A. Khái niệm

1. Trong ngôn ngữ thường ngày, cái “nghèo” thường đi đôi với “túng”, “khổ”, “cực”. Nhưng khi bước sang kinh-tế-học, thì các từ đó không đồng nghĩa với nhau, bởi vì các nhà chính trị thường ấn định một tiêu chuẩn để định nghĩa các cấp: bần cùng, vô sản, rồi tiến lên các bậc cao hơn. Tuy nhiên, tiêu chuẩn này vẫn dựa trên tài sản vật chất. Các nhà xã-hội-học còn sử dụng nhiều tiêu chuẩn khác để định lượng tình trạng nghèo khổ. Người nghèo không chỉ là người không đủ cơm ăn áo mặc, mà còn thiếu những nhu yếu căn bản để sống xứng với nhân phẩm (giáo dục, công ăn việc làm, quyền công dân): cái nghèo lôi kéo theo sự dốt nát, đồi tệ (“Cái khó bó cái khôn”! “Bần cùng sinh đạo tặc”!). Dưới cái nhìn đó, cảnh nghèo là một tai ương xã hội. Người tín hữu có nhiệm vụ tham gia vào chiến dịch “chống đói giảm nghèo”, chứ không thể nào cổ động duy trì cái nghèo.

2. Tuy nhiên, cái nghèo có thể mang một giá trị tích cực nếu nhìn dưới một khía cạnh tâm lý đạo đức. Người nghèo không phải là người cơ cực túng quẫn, nhưng là người đủ ăn đủ mặc và “an cư lạc nghiệp”. Có ý kiến giải thích rằng tính từ pauper (trong tiếng latinh, từ đó chuyển ngữ sang tiếng Pháp là pauvre, tiếng “nh là poor) bắt nguồn bởi paucum, có nghĩa là “ ít” (không nhiều, nhưng không phải là không có chi): một người tuy ít tiền của nhưng cảm thấy đủ thì vẫn sướng hơn kẻ có nhiều tiền nhưng lòng tham vô đáy. Sự vui sướng hoặc cực khổ không nhất thiết gắn liền với tình trạng giàu hay nghèo xét về tài sản sở hữu: có người nghèo mà an vui, và có người giàu mà lao đao.

3. Lên cấp độ cao hơn, cái nghèo không chỉ được nhìn trong tương quan với tài sản vật chất, nhưng trong tương quan với Thiên Chúa. Đối diện với vị Chủ tể vạn vật, con người ý thức thân phận thọ taọ mỏng manh của mình, và do đó tất cả những gì mình đang chiếm hữu thì sớm muộn cũng tới lúc phải buông ra. Từ đó, họ sẽ nhìn vạn vật với cặp mắt khác: họ lãnh nhận tất cả như hồng ân với tâm tình tri ân, nhưng không gán cho chúng giá trị tuyệt đối. Họ không khư khư muốn chiếm giữ tất cả cho mình, nhưng cũng muốn chia sẻ cho những người túng thiếu.

Chúng ta cần đặt lời khuyên khó nghèo trong bối cảnh đó, nghĩa là trong mối tương quan với Thiên Chúa, là Chủ tể của vạn vật, là Cha Quan phòng cho hết mọi người. Sự khó nghèo không chỉ liên quan đến việc chiếm hữu tài sản vật chất, nhưng còn đi kèm theo nhiều nhân đức khác: khiêm tốn, đơn sơ, tín thác, quảng đại, phục vụ, vv.

B. Lịch sử

Trên thực tế, trong lịch sử Giáo hội, sự khó nghèo đã được giải thích theo nhiều chiều hướng khác nhau, không chỉ do đặc sủng của các Dòng nhưng còn chịu ảnh hưởng phối bởi những trào lưu cải cách xã hội nữa. Chúng ta có thể tạm chia ra bốn giai đoạn để nghiên cứu: 1/ Các đan sĩ. 2/ Trung cổ. 3/ Cận kim. 4/ Hiện đại.

1/ Các đan sĩ

Vào buổi khai nguyên của Giáo hội, cộng đồng các Kitô hữu tiên khởi ở Giêrusalem đã tình nguyện đặt tất cả tài sản của họ thành công hữu, để phân chia cho mỗi người tùy theo nhu cầu (Cv 2,44-45). Không rõ tình trạng này kéo dài được bao lâu; nhưng xem ra không có cộng đoàn nào khác bắt chước họ cả. Thậm chí ta còn thấy thánh Phaolô đã phải đi lạc quyên để giúp đỡ giáo đoàn Giêrusalem lâm vào cảnh túng thiếu. Tuy dù biết rằng lý tưởng của cộng đồng Giêrusalem thiếu tính cách thực tế, nhưng trải qua dòng lịch sử không thiếu những thuyết-gia cộng-sản vẫn coi đó như là phương thế để giải quyết những bất công xã hội do sự chênh lệch giữa lớp giàu với lớp nghèo gây ra. Điều mơ ước không-tưởng đối với xã hội và Giáo hội thì đã trở thành nếp sống thường nhật của các tu sĩ, nhờ việc tình nguyện khấn giữ nghèo khó.

Như ta đã biết, các đan sĩ đầu tiên (như thánh “ntôn) đã bán hết tài sản, phân phát cho người nghèo, rồi lên rừng đi tu. Sự nghèo khó được quan niệm như là biểu hiệu của tinh thần siêu thoát những ràng buộc vật chất ngõ hầu tinh thần được thanh thản hơn trong việc theo đuổi các giá trị siêu việt. Đến khi hình thức tu hành cộng đoàn ra đời, thì sự khó nghèo mang thêm những giá trị khác nữa: nó không chỉ biểu lộ sự thanh thoát khỏi ràng buộc vật chất, mà còn đóng góp vào việc xây dựng cộng đoàn. Nói đúng ra, trong các bản luật cổ ta thấy có hai khuynh hướng thực hiện sự khó nghèo, tùy theo khía cạnh được nhấn mạnh tới. Một khuynh hướng (tựa như thánh Pacomiô) nhấn mạnh tới tính cách khổ hạnh: sống nghèo có nghĩa là sống nhiệm nhặt khắc khổ. Khuynh hướng thứ hai (tượng trưng nơi thánh Basiliô và “ugustinô) coi việc chia sẻ tài sản quan trọng hơn; do đó họ đặt nặng vấn đề cộng đồng tài sản trong tu viện hơn là nếp sống khắc khổ cá nhân. Dù sao thì cả Pacomiô lẫn Basiliô đều lưu ý tới tinh thần liên đới với người nghèo. Thánh Pacomiô cảnh giác các đan sĩ (đa số thuộc thành phần bần-cố-nông) về nguy cơ là khi vào nhà dòng họ tìm thấy một mức sống cao hơn ở ngoài đời; thánh Basiliô thì mong muốn các đan viện hãy biết xử dụng tài sản để làm việc bác ái đối với người nghèo.

Luật thánh Biển-đức (tức là luật nền tảng của các đan sĩ Tây phương) chịu ảnh hưởng của “ugustinô hơn là của Pacomio. Khi đan sĩ bước chân vào nhà dòng, thì hãy coi nhà dòng như nhà của mình: Viện phụ sẽ lo lắng cho các nhu cầu của đan sĩ; vì vậy đan sĩ hãy loại bỏ ý tưởng chiếm giữ tư sản nhưng hãy làm việc cho cộng đồng. Với khẩu hiệu “cầu nguyện và làm việc”, các đan sĩ không phải là hạng ăn không ngồi rồi, nhưng là những người lao động cần cù. Hơn nữa, các đan sĩ còn dạy dỗ cho các nông dân về cách trồng trọt và các công nghệ. Tuy nhiên, có lẽ một điều mà thánh Biển-đức không lường trước, đó là tài sản của nhà dòng. Do những hoàn cảnh lịch sử của Âu châu, sau khi Đế quốc Rôma sụp đổ và sự xâm lăng của các man di, các đan viện Biển-đức dần dần đã đóng vai trò lãnh đạo trong việc khai khẩn đất đai cũng như thành trì bảo vệ kho tàng văn hóa. Nói khác đi, các đan viện trở nên thái ấp, và các viện phụ nắm quyền hành không thua kém các lãnh chúa. Liệu có thể duy trì tinh thần nghèo khó trong các đan viện trù phú hay không ? Cần phải thú nhận rằng thường tình là không được. Trên thực tế, các cuộc cải tổ Dòng tu phát xuất từ Cluny, Xitô đều muốn trở lại nếp sống khó nghèo nhiệm nhặt nguyên thủy của đời đan tu; nhưng dần dần chính các đan viện Cluny và Xitô cũng trở nên giàu, với những tài sản tích lũy từ sức lao động của các đan sĩ hay do sự dâng cúng của các ân nhân.

2/ Thời Trung cổ

Vào thế kỷ XII-XIII, ngoài sự thay đổi hoàn cảnh kinh tế xã hội tại Âu châu với sự xuất hiện của lớp thương gia, người ta còn chứng kiến sự thay đổi trong tâm tình tôn giáo nữa. Nguồn gốc có lẽ bắt nguồn từ những cuộc hành hương hay viễn chinh của các tín hữu sang đất thánh. Khi trở về nhà, họ thuật lại những nơi mà Chúa Giêsu đã sống (Belem, Nazareth, vân vân). Từ đó nảy ra một luồng sống đạo muốn bắt chước nếp sống khó nghèo của Chúa. Những phong trào giáo dân (tựa như Pauperes Christi, Humiliati) đề cao nếp sống đơn giản thanh bần, và họ chỉ trích nếp sống xa hoa phong lưu của các giáo sĩ và đan sĩ. Đi thêm một bước nữa, họ tự coi như là những đồ đệ chân chính của Đức Kitô và ly khai khỏi Giáo hội. May thay, cũng vào thời này, Phanxicô “ssisi và Đaminh Guzman đã cho thấy rằng người tín hữu có thể thực hiện yêu sách trở về với tinh thần khó nghèo của Phúc âm mà không cần phải ly khai khỏi Giáo hội. Phanxicô và Đaminh đã khởi xướng một hình thức tu trì mới, trong đó sự khó nghèo phải được thực hiện không những trên bình diện cá nhân mà cả trên bình diện cộng đồng nữa. Nói khác đi, không những các tu sĩ phải khước từ tư sản, mà kể cả các cộng đồng cũng không được có tư sản: họ sống khất thực hàng ngày để kiếm ăn; và sau đó nếu còn thừa thì phân chia cho ngươi nghèo chứ không tích lũy tài sản. Đó là nguồn gốc của các Dòng hành khất. Tưởng cũng cần thêm rằng tuy Phanxicô và Đaminh sống cùng thời và cùng chia sẻ vài điểm lý tưởng, nhưng thực ra hai vị mang hai quan niệm khác nhau về khó nghèo. Đaminh coi sự khó nghèo như là một phương tiện cần thiết để việc giảng thuyết được hiệu nghiệm hơn: nhà giảng thuyết rao giảng Tin mừng trong thái độ của người nghèo sẽ làm nổi bật sức mạnh siêu nhiên của Lời Chúa. Còn Phanxicô thì ra như say mê kết duyên với Bà Chúa Nghèo, để trở nên giống Chúa Kitô trần trụi trên thập giá: sự khó nghèo mang giá trị tuyệt đối. Trong bối cảnh này sự hành khất không phải là một phương thế để kiếm kế sinh nhai song là trường thực tập khó nghèo và khiêm nhường. Vì thế sau khi Phanxicô qua đời, các tu sĩ của Dòng đã chia ra thành hai phe: một phe thì muốn áp dụng khó nghèo đúng chữ đen; còn phe kia (gồm bởi một số người đã là giáo sĩ hay giáo sư trước khi vào Dòng) nhận thấy cần phải thích nghi với những hoàn cảnh mới, khi mà Dòng phát triển rộng lớn, đòi hỏi cơ cấu tổ chức. Tòa thánh đã nghiêng về phe thứ hai, khiến cho phe thứ nhất (mệnh danh là nhóm “Tinh thần” Spirituales), ly khai chống lại Giáo hoàng. Dù sao thì dần dần lối sống hành khất cũng biến đi vì không thích thời. Hai vị thánh tiến sĩ của hai dòng, Tôma “quino và Bonaventura, đã giải thích ý nghĩa thần học của nếp sống khó nghèo: đó là bắt chước Chúa Giêsu và tập luyện tinh thần siêu thoát khỏi quyến luyến thế tục. Thêm vào đó, đời sống khó nghèo cũng giúp ta thực tập đức khiêm nhường, hiền lành và khổ chế đền tội. Thánh Tôma cũng thêm rằng không thể đồng hóa sự khó nghèo với sự trọn lành: không phải ai trở nên nghèo thì đương nhiên là người thánh; sự khó nghèo chỉ là phương tiện nên trọn lành bao lâu gắn liền với đức ái (Summa Theologica II-II, q.187, 5; q. 188, 7).

3/ Cận kim

 Sau hai dòng Đa-minh và Phan-sinh, tới lượt Dòng Âu-tinh và Cát-minh cũng được xếp vào loại hành khất. Nhưng từ thế kỷ XV trở đi, nói được là không có sự khác biệt đáng kể giữa các Dòng hành khất với những Dòng khác trong việc chiếm hữu bất-động-sản. Vào thời Cải cách của ông Martin Luthêro, tình trạng sống khó nghèo của các tu sĩ đáng nói là thương tâm. Nhiều tu viện sống xa hoa, vì chủ trương rằng cần giữ “tinh thần khó nghèo” là đủ ! Mặt khác, những tu viện chật vật túng thiếu cũng làm cho các tu sĩ xuống tinh thần không kém. Vì thế mà không lạ gì một số tu sĩ đã sổ chuồng khi Luthêro tuyên bố giải phóng họ khỏi các lời khấn. Tiếp theo phong trào Cải cách Tin Lành, những cuộc cách mạng chính trị tại các nước Âu châu đã nhiều lần trục xuất các tu sĩ khỏi các tu viện, bởi vì Nhà Nước thèm thuồng muốn chiếm đoạt các cơ sở nghệ thuật, văn hóa, kinh doanh của nhà dòng.

Những bài học quá khứ đã làm cho thánh Ignaxiô đắn đo rất nhiều khi viết Hiến pháp cho Dòng mới thành lập để chuyên lo việc tông đồ. Một đàng Người nhìn thấy sự cần thiết của việc tuân giữ khó nghèo thực sự kể cả trên bình diện cộng đồng; đàng khác Người nhận thấy Dòng cũng cần phải có cơ sở dùng vào việc đào tạo, tông đồ. Thánh Ignaxio bèn nghĩ một biện pháp chiết trung như thế này: các tu viện Dòng Tên không được phép có lợi tức nhất định; ngoại trừ các trung tâm đào tạo giáo dục. Nhưng trên thực tế, dần dần các trung tâm giáo dục tăng lên, đến nỗi điều mà thánh Ignatio dự trù như luật trừ đã biến thành luật chung.

Từ thời Trung cổ đến nay, người ta chú trọng đến vấn đề khó nghèo cộng đồng. Xem ra sự khó nghèo cá nhân đã được giải quyết ổn thoả, nghĩa là tu sĩ không còn giữ tài sản riêng nữa. Thực ra, vấn đề không đơn giản như vậy. Luật chung của Giáo hội cũng như luật riêng của mỗi dòng đã dự trù những miễn chuẩn cho phép một vài đan sĩ sống đời ẩn tu, các giáo sĩ, các giáo sư đại học, được phép xử dụng một số tiền riêng. Tiếc rằng những luật trừ hợp lý đó không thiếu lần đã sinh ra những lạm dụng.

Dù sao, xưa nay lý tưởng khó nghèo được nêu lên như là bắt chước Đức Kitô. Vào những thế kỷ gần đây, một hướng đi mới nảy ra trong các hội dòng mới thành lập, đó là phục vụ người nghèo, săn sóc các người nghèo qua các công tác xã hội (nhà thương, trạm phát thuốc), các công tác giáo dục (dạy các trẻ em nghèo) nhằm đáp lại những tình trạng chật vật mà người nghèo găp phải, từ thiếu cơm ăn thuốc men, cho tới thiếu giáo dục, nghề nghiệp, vân vân.

4/ Hiện đại

Thời nào trong lịch sử cũng có những người nghèo. Tuy nhiên với hiện tượng kỹ nghệ hóa tại Âu châu trong những thế kỷ gần đây, hiện tượng nghèo trở nên trầm trọng hơn. Hố ngăn cách giữa người nghèo với người giàu trở nên rõ rệt hơn, tới độ ra như tạo thành hai giai cấp xã hội tranh chấp nhau. Sau nhiều cuộc tranh đấu nhiều lần đẫm máu, dần dần các quốc gia Âu Mỹ đã thực hiện những chương trình cải cách xã hội, nâng cao mức sống của người nghèo, đảm bảo những nhu cầu sơ đẳng cho hết mọi công dân: tỉ như nhà cửa, trường học, bệnh viện. Nhưng mặt khác, hiện tượng nghèo đói mang một chiều kích hoàn vũ, không những theo nghĩa là nạn nghèo đói vẫn còn hoành hành ở nhiều miền trên thế giới, nhưng còn theo nghĩa là nó mang những chiều kích khổng lồ đến nỗi có thể họp thành một “khối nước nghèo” (Thế giới thứ ba, Các nước chậm tiến) đối lại với “khối nước giàu” (các nước kỹ nghệ, bắc bán cầu). Người ta cũng cố gắng phân tích những nguyên nhân và hậu quả của hiện tượng nghèo. Hiện tượng nghèo không thể chỉ giải quyết bằng những cuộc bố thí, nhưng đòi hỏi phải can thiệp vào những cơ cấu, chính thể gây ra cảnh nghèo đói.

Trước những hiện tượng đó, người ta nhận thấy có hai ý thức mới trong việc sống nghèo của các tu sĩ. 1/ Sống nghèo có nghĩa là hòa đồng với dân nghèo, chia sẻ cảnh bấp bênh thiếu thốn của họ. Tiêu biểu của lý tưởng này là cha Charles de Foucauld. 2/ Sống nghèo có nghĩa là dấn thân bênh vực người nghèo, cộng tác vào việc thăng tiến giải phóng họ khỏi cảnh nghèo. Luồng tư tưởng này được nhấn mạnh tại châu Mỹ Latinh. Bộ Tu sĩ cũng dành một văn kiện năm 1980 để nói về vấn đề “Tu sĩ và sự thăng tiến con người”.

 Sau cùng, thiết tưởng cũng cần nói thêm ít lời về sự khó nghèo trong các Tu hội đời. Nói chung, các thành viên Tu hội đời không sống thành cộng đoàn. Họ sống giữa đời, với một nghề nghiệp sinh nhai. Do đó, họ vẫn giữ quyền tư hữu và quản trị tài sản. Đối với họ, việc sống khó nghèo được quan niệm như là tinh thần thanh thoát đối với tiền của và các giá trị trần thế. Sống khó nghèo cũng có nghĩa là tận tâm với chức nghiệp. Sống khó nghèo là xử dụng tài sản có trách nhiệm, biết để ý tới những nhu cầu của người nghèo.

Tuy dù trải qua lịch sử đã có sự khác biệt về cách thức diễn tả sự khó nghèo ra đời sống của các tu sĩ, nhưng nguồn hứng khởi không phải là một ý thức hệ mà là một khuôn mẫu sống động, tức là Đức Kitô theo như Tân ước đã trưng bày.

II. Kinh thánh

A. Cựu ước

Cũng như bao dân tộc khác trên thế giới, dân Do thái gắn liền cái nghèo với cảnh bạc phước ! Kẻ nhiều tiền nhiều của được coi như là được Chúa thương yêu chúc lành. Ta thấy quan điểm đó phản ánh trong các sách Cựu ước, từ thời các tổ phụ “braham cho đến các thánh vịnh (xc. Đnl 28,3-13; Tv 144,13) và kết luận sách Gióp. Tuy nhiên, sang đến sách các ngôn sứ thì ta nghe thấy một giọng điệu mới: sự giàu sang phú quý không nhất thiết gắn liền với phúc lành của Chúa nữa. Thực vậy, có người làm giàu dựa trên sự bóc lột người khác; tiếng kêu than của người nghèo đã thấu tới tai Chúa (thí dụ: “mos 2,6-7; 4,1; 5,11-12; Is 3,14-15; 10,1-2). Người hứa sẽ đứng lên bênh vực người nghèo, tái lập công bằng xã hội. Dần dần ta thấy nảy ra một thần học mới về việc giàu nghèo: người giàu dễ thành kiêu căng hống hách nên bị Chúa bỏ rơi; trái lại người nghèo thì được Chúa thương bởi vì họ không biết cậy dựa vào ai khác ngoài Chúa ra (Thí dụ: Tv 69,30.33-34). Dù sao thì các sứ ngôn tựa như Isaia loan báo thời điểm của đấng Cứu thế như là thời giải phóng người nghèo khỏi cảnh lầm than.

B. Tân ước

1/ Tin mừng cho người nghèo

Theo Phúc âm thánh Luca (4,18-19), trong bài giảng đầu tiên ra mắt tại hội đường Nazareth, Đức Giêsu đã tuyên bố sứ mạng của Người là thực thi lời tiên báo của Isaia (61,1-2): “ Thần khí Chúa đổ xuống trên tôi, xức dầu và sai tôi đi loan báo tin mừng cho người nghèo, công bố sự giải phóng cho người bị giam cầm, trả tự do cho người bị áp bức và tuyên bố một năm hồng ân Thiên Chúa”. Đức Giêsu coi việc loan báo Tin mừng cho người nghèo như là mục tiêu của sứ mạng của mình. Người không chỉ tuyên bố ngoài miệng, nhưng đã thật sự mang niềm vui cho người nghèo qua nhiều hành động cụ thể tựa như: chữa lành các bệnh nhân, những người mù què câm điếc, nhờ đó họ trở về đời sống lành mạnh; nhất là Người đi tiếp xúc với những thành phần bị xã hội bỏ rơi ghê tởm để tỏ cho họ thấy tình yêu của Cha trên trời. Sự quan tâm của Đức Giêsu đối với người nghèo nhằm diễn tả một chân lý thần học: Người muốn nói cho họ biết rằng Thiên Chúa là Cha trên trời yêu thương hết mọi người, cách riêng với những kẻ thấp cổ bé họng. Tình yêu đó không chỉ hệ tại sự mủi lòng cảm động trước thảm cảnh người nghèo, nhưng còn diễn tả ra hành động: đã tới lúc Thiên Chúa ra tay giải phóng con người khỏi những gông cùm của ích kỷ, hận thù. Thiên Chúa muốn cho hết mọi người được sống trong an vui khi biết nhìn nhận nhau như anh chị em một nhà.

2/ Tinh thần nghèo khó

Thêm vào đó, sách Phúc âm của Luca và Mattheo ghi nhận lời tuyên bố của Đức Giêsu về mối phúc thật dành cho người nghèo: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo, vì nước Chúa thuộc về anh em” (Lc 6,20); “Phúc cho ai có tinh thần nghèo, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,3). Nói khác đi, ai muốn vào Nước Trời thì phải đồng hóa mình với người nghèo. Chân phúc của người nghèo trở nên chủ đề chính của bài ca mà Đức Maria đã xướng lên, quen gọi là Magnificat: “Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giầu có, lại đuổi về tay trắng”. Thực ra chính Đức Giêsu là người đầu tiên mang ra thực hiện chân lý đó. Người xuất thân từ một gia đình bình dân; nếp sống của Người cũng hết sức bình dị. Lý do của việc chấp nhận lối sống như vậy có thể tìm thấy nơi những lời giảng về sự thanh thoát tâm hồn, không quá bận rộn về của cải tiền nong, nhưng phó thác vào Cha quan phòng (Mt 6, 25-34). Đức Giêsu muốn sống trọn tình con cái đó.

Như vậy, sự nghèo khó trở thành một “chân phúc” khi kèm theo tinh thần khiêm tốn, hiền lành, tín thác.

3/ Khó nghèo là điều kiện đi theo đức Giêsu.

Đức Giêsu đã gọi một số môn đệ đi theo Người, cùng chia sẻ kiếp sống và sứ mạng phục vụ Nước Trời. Người đòi hỏi họ cũng phải từ bỏ tài sản cũng như cắt đứt những mối quan hệ gia đình (Mt 19,21). Lý do của yêu sách từ bỏ không phải tại vì chúng xấu xa, nhưng tại vì muốn nói lên bậc thang giá trị mới mà Đức Giêsu đã mang lại: Nước Trời ví như viên ngọc quý, đáng giá gấp trăm ngàn lần những gì mà các môn đệ khước từ (Mt 19, 29). Tuy nhiên, ta cũng biết rằng dù Đức Giêsu nói tới sự nguy hiểm của tiền tài, xét vì nó ràng buộc con tim con người (Mt 6,21: “Của các ngươi ở đâu thì lòng các người ở đó” Mt 6,21; – “Kẻ có lắm của cải thì khó vào Nước trời”, Mt 19,23), và tuy quen lui tới với người nghèo, nhưng Người cũng tiếp xúc với hàng trưởng giả, tựa như ông Giakêo (Lc 19, 10) và chúc phúc cho ông vì đã biết dùng tài sản phục vụ tha nhân. Ông Giuse “ritmatêa, một nhà phú hộ được kể vào hàng ngũ môn đệ, vàông đã đứng ra lo việc mai táng cho Người (Mt 27,57-60). Chúa Giêsu đã bênh vực Maria Betania khi cô ta đổ bình dầu quý xức chân Người, trước lời trách móc của Giuda Iscariot (Ga 12,1-3).

Lời giảng và gương sống của Đức Giêsu về giá trị của sự khó nghèo trong Nước Chúa đã được mang ra thi hành trong cộng đồng tiên khởi tại Giêrusalem: các Kitô hữu, được Thánh Linh quy tụ lại thành cộng đồng, sống một con tim một linh hồn, qua việc gắn bó với Lời Chúa, cử hành phụng vụ. Sự hợp nhất tinh thần cũng được diễn tả ra việc đặt tài sản làm của chung (Cv 2,42-46). Mục tiêu của họ không phải là thành lập một xã hội vô sản chuyên chế, nhưng là diễn tả tình yêu, sự thông hiệp, sự chia sẻ liên đới. Xét về hình thức tổ chức, thì hình thức công sản không tồn tại lâu dài trong đời sống của Giáo hội, nhất là khi con số phần tử tăng gia. Nhưng tinh thần liên đới chia sẻ cần luôn luôn được duy trì, như ta nhận thấy qua các thư của thánh Phaolô. Thánh tông đồ đứng ra hô hào những cuộc lạc quyên giữa các giáo đoàn, cổ động tình liên đới. Và để thúc đẩy tinh thần tương trợ chia sẻ, thánh nhân đề cao chính Đức Kitô, “tuy giàu sang, nhưng đã trở nên khó nghèo vì anh em ngõ hầu anh em được nên giàu sang nhờ sự khó nghèo của Người” (2 Cor 8,9). Nói khác đi, nếu Đức Kitô đã chia sẻ sự giàu sang cho ta, thì đến lượt ta cũng hãy chia sẻ của cải của chúng ta cho tha nhân. Sự chia sẻ tài sản được coi như một hình thức của sự chia sẻ tình thương bác ái của Chúa.

III. Giá trị

Việc Chúa Giêsu sống khó nghèo và đặt sự khó nghèo làm đầu các mối phúc thật đã thúc đẩy rất nhiều tác giả về tu đức và thần học suy tư về giá trị của sự khó nghèo trong đường trọn lành, dành cho tất cả các tín hữu và toàn thể Hội thánh nói chung, chứ không riêng gì cho các tu sĩ. Từ công đồng Vaticano II, đã có rất nhiều tác phẩm viết về việc Giáo hội cần phải trở về với đời sống khó nghèo và liên đới với người nghèo. Ta cũng có thể đặt các giáo huấn xã hội của Giáo hội trong bối cảnh ấy (xc. GLCG số 2443-2449; 2544-2547). Ở đây, chúng tôi chỉ giới hạn về những điểm chính yếu liên quan đến các tu sĩ.

Tiên vàn thiết tưởng cần đánh tan một sự ngộ nhận. Kinh thánh không có lên án sự giàu sang. Tài sản vật chất cũng là công trình của Chúa tạo dựng, do đó tự nó là tốt. Tuy nhiên, Kinh thánh cảnh giác con người về lòng tham lam vô độ (Lc 12,15), cũng như sự khai thác bóc lột tha nhân để làm giàu. Một cách tương tự như vậy, khi bàn tới những giá trị của sự khó nghèo, cả Kinh thánh lẫn thần học không chủ trương bần-cùng-hóa xã hội. Sự bần cùng, nghèo nàn là một tai ương xã hội, trái ngược với ý định của Thiên Chúa. Người muốn cho con người được hạnh phúc, cũng như muốn cho con người liên đới với nhau, nhường cơm sẻ áo cho nhau. Sự bần cùng, xét như là hậu quả của ích kỷ và bất công, cần phải bị diệt trừ. Khi nói tới giá trị thần học của sự khó nghèo, ta phải hiểu là “khó nghèo về tinh thần”, như thánh sử Matthêu đã chú giải vào mối chân phúc thứ nhất: “Phúc cho những kẻ có tinh thần khó nghèo” (Mt 5,3). Thực vậy, không phải bất cứ người nghèo nào cũng đương nhiên trở thành thánh nhân; nhưng chỉ ai chấp nhận sự khó nghèo vì Nước Trời thì mới mong lãnh nhận được Nước Trời. Những giá trị của sự khó nghèo “vì Nước Trời” có thể tóm lại như sau.

1/ Tinh thần khó nghèo đặt con người trong thái độ khiêm tốn trước mặt Thiên Chúa. Người nghèo không có gì để vênh váo. Họ chỉ có bàn tay trắng, và trông chờ tất cả nơi Thiên Chúa (Lc 12,22).

2/ Sự khó nghèo của người tu sĩ muốn bắt chước đức Kitô trong thái độ tự hạ, siêu thoát. Người không chiếm hữu gì hết, đến nỗi “không có chỗ tựa đầu” (Lc 9, 57-58). Đức Kitô làm gương cho ta về sự phó thác nơi Thiên Chúa, chỉ lo tìm sự công chính của Chúa, và để Cha trên trời lo liệu những nhu cầu khác (Lc 12,22-31). Một hình thức đặc biệt để phục vụ Nước Chúa trong đời đức Kitô là đi tới người nghèo để mang tình thương của Chúa cho họ.

3/ Sự khó nghèo của người tu sĩ mang chiều kích của yêu thương bác ái, qua việc chia sẻ với cộng đoàn tất cả tài sản lợi tức của mình. Sự chia sẻ đó bắt đầu từ những anh chị em cùng Dòng, và dần dần mở rộng tới các người túng thiếu khác.

4/ Sự khó nghèo tình nguyện của các tu sĩ mang giá trị chứng tá cho sự tự do thanh thoát đối với tài sản. “Kho tàng của anh ở đâu thì lòng anh ở đó” (Mt 6,21). Giữa một xã hội thiên về chiếm đoạt, làm giàu, trục lợi, thì sự khó nghèo của các tu sĩ là lời cảnh tỉnh rằng tiền tài thay vì tạo nên hạnh phúc thì có thể lôi con người vào tròng nô lệ, và trở thành ngẫu tượng (xc. Cl 3,5; Ep 5,5), đến nỗi loại trừ luôn cả Thiên Chúa (Mt 6,24).

IV. Thực hành

Trong việc thực hành lời khuyên khó nghèo, ta nên phân biệt hai khía cạnh: tu đức và pháp lý. Khía cạnh tu đức bao gồm tất cả những gì nhằm tới việc thể hiện lý tưởng mà Kinh thánh và thần học đã gợi lên. Khía cạnh pháp lý nhằm tới việc xác định những nghĩa vụ đặt ra cho các tu sĩ xét như cá nhân cũng như cộng đồng, trong tổ chức cơ chế của Giáo hội. Bộ giáo luật quy định nhiều nghĩa vụ khác nhau tuỳ theo bản chất của hội dòng (Dòng khấn trọng hoặc khấn đơn, Dòng tu hay Tu hội đời, Tu đoàn tông đồ), xét về cá nhân (dựa theo cấp độ gia nhập: tập sinh, khấn tạm thời hoặc vĩnh viễn) hoặc về cộng đoàn (trách nhiệm của pháp nhân và bề trên, vv). Ở đây chúng tôi chỉ bàn đến khía cạnh thần học tu đức và huyền nhiệm.

 Từ lâu, các tác giả Tu-đức đã nói tới hai khía cạnh của việc thực hiện sự khó nghèo: về thực chất và trong tâm tình (effectiva / affectiva; re et spiritu: DT 13). Tâm tình khó nghèo không chỉ có nghĩa là “tinh thần” siêu thoát khỏi quyến luyến với tài sản nhưng còn được lồng trong hành trình tiến tới kết hiệp huyền nhiệm.

A. Khó nghèo thực chất

 Sự khó nghèo của các tu sĩ nếu không muốn trở thành danh từ rỗng tuếch thì cần phải diễn tả ra nếp sống khó nghèo thực sự. Hình thức của sự khó nghèo có thể thay đổi tùy nơi tùy thời. Tỉ như đối với Phanxicô, sống nghèo có nghĩa là đi khất thực; đối với Charles de Foucauld, sống nghèo có nghĩa là sống chung đụng trong khu xóm người nghèo, chia sẻ sự thiếu thốn bấp bênh với họ.

Vào thời nay, có ba điểm thường được nói tới: 1/ khó nghèo có nghĩa là cần cù làm việc; 2/ khó nghèo có nghĩa là liên đới phục vụ người nghèo, giúp cho họ thăng tiến đời sống của họ; 3/ khó nghèo có nghĩa là chia sẻ tài sản. Ba điểm vừa nói được Đức Phaolô VI khai triển trong tông huấn “Chứng tá Phúc âm” (số 16-22).

 1/ Sự làm việc. Lao động là điều kiện chung của người nghèo. Chỉ có người giàu mới ngồi mát ăn bát vàng. Đối với tu sĩ, sự lao động không những nhằm chia sẻ kiếp sống của đại đa số quần chúng, nhưng còn có giá trị chứng tá cho Tin mừng lao công mà đức Kitô đã mang lại. Nhiều văn kiện của Giáo hội đã nói về điểm này (tỉ như thông điệp Laborem exercens của đức Gioan Phaolo II; xc. GLCG số 2427-2429).

2/ Phục vụ người nghèo. Như đã thấy trong phần lịch sử, nhiều Dòng đã được thành lập trong những thế kỷ gần đây với mục tiêu là phục vụ người nghèo qua các công tác bác ái xã hội. Tuy nhiên, trải qua thời gian, vì nhu cầu và hoàn cảnh, một số công tác đã bị biến tính, tỉ như có Dòng thành lập để giáo dục các trẻ em nghèo, nhưng dần dần thì chỉ con nhà giàu mới có tiền để theo học các trường đó. Vì vậy mà sau công đồng Vaticano II các Dòng được mời gọi xét lại đặc sủng của mình trong hoàn cảnh xã hội hôm nay, để tìm ra những hình thức nào thực sự phục vụ người nghèo. Điều này cũng giả thiết việc nhận thức các hình thức nghèo của thời đại hôm nay, tỉ như các người di cư tị nạn, các bệnh nhân liệt kháng. Phục vụ người nghèo cũng có nghĩa là tìm ra những căn cớ đã gây ra cái nghèo để mà diệt trừ nó, giúp cho người nghèo thoát ra cảnh khổ của họ.

3/ Chia sẻ tài sản. Nhìn vào nếp sống của các tu sĩ, có lẽ ít người tin rằng họ nghèo. Xét vì tiếng “khó nghèo” khá hàm hồ, nên không thiếu tác giả đề nghị loại bỏ nó khỏi lời khấn dòng (vì không có ai khấn trở thành bần cùng) và thay bằng lời cam kết “không có tư sản” (sine proprio) như các dòng cổ thời. Dù sao ta có thể nhận thấy sự chia sẻ tài sản (để tài sản làm của chung) là một lý tưởng mà một số nhà cải cách xã hội đã mơ tưởng, để xóa bỏ sự chênh lệch giữa các giai cấp trong xã hội. Điều này các tu sĩ đã thực hiện được, nhưng vẫn còn nhiều bước phải tiến; tỉ như sự chia sẻ tài sản không thể giới hạn trong vòng cộng đồng tu viện, nhưng cần mở rộng đến toàn dòng, đến các nhu cầu của Giáo hội. Chia sẻ tài sản cũng có nghĩa là không tích lũy ngoài mức cần thiết, nhưng biết phân phát có những người cần thiếu.

B. Khó nghèo trong tâm tình

Việc thực hành khó nghèo còn mang thêm chiều kích huyền bí, được các sư phụ đời sống tâm linh bàn đến trong tiến trình thanh luyện con tim khỏi mọi ràng buộc với thọ tạo, ngõ hầu gắn bó hoàn toàn với Thiên Chúa[1].

1/ Sự khó nghèo thường được nhìn trong tương quan với tài sản vật chất. Sống nghèo có nghĩa là sống bình dị, không tạo ra nhu cầu giả tạo; thậm chí lại còn phải chấp nhận những thiếu thốn cơ cực nữa. Sống nghèo cũng có nghĩa là không dính bén với các đồ vật đang hưởng dụng.

2/ Dần dần tâm tình nghèo khó được mở rộng sang những lãnh vực khác. Khó nghèo có nghĩa là không ham hố chức quyền danh vọng. Khó nghèo là cắt đứt sự quyến luyến kể cả với những tình cảm chính đáng cao thượng; do đó ta thấy sự khó nghèo có liên hệ tới khiết tịnh và vâng lời. Khó nghèo là chấp nhận sự từ bỏ, bị tước đoạt kể cả những yêu sách chính đáng nhất: thành công, kết quả của công tác đã tốn công gầy dựng. Khó nghèo là chấp nhận những giới hạn của sức con người: bệnh tật, ốm yếu, tuổi già, vân vân. “Người phải nổi bật lên, còn tôi thì phải lu mờ đi” (Ga 3,30). Khó nghèo là thông dự vào mầu nhiệm “tự hủy” của Đức Kitô (Pl 2,8).

——————————

[1] Xc Đời sống tâm linh, tập V trang 258-262; 309-314.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here