THỜI SỰ THẦN HỌC – SỐ 102, THÁNG 11/2023

0
896

CHỦ ĐỀ : THẦN BÍ KITÔ GIÁO

 

 

LỜI GIỚI THIỆU

Những từ ngữ “huyền bí” hay “thần bí” có thể gợi lên trong đầu óc người đọc nhiều ý tưởng khác nhau, cũng tựa như các từ “mystique” trong tiếng Pháp và mystical trong tiếng Anh vậy. Chắc hẳn có người đã ngỡ ngàng với tựa đề bài viết “Thánh Tôma nhà thần học, nhà thần bí” của Jean-Pierre Torrell trong số báo 101 vừa rồi. Số 102 này muốn nghiên cứu thêm đề tài “huyền bí”, trùng với hai dịp kỷ niệm: 400 năm sinh nhật của Blaise Pascal (1623-1662), và 55 năm tạ thế của Thomas Merton (10-12-1968). Nhiều độc giả đã biết cha Thomas Merton, một đan sĩ Trappist đã xúc tiến nhiều cuộc đối thoại thần bí với Phật giáo Á châu. Nhưng ít người biết rằng Blaise Pascal một nhà khoa học nổi tiếng cũng là một nhà huyền bí: đêm 23 tháng 11 năm 1654, ông đã được một cảm nghiệm huyền bí làm thay đổi cuộc đời ông.

Các bài viết của số báo này được sắp xếp như sau.

 1. Huyền bí Kitô giáo. Vài khái niệm căn bản

Trong bài mở đầu, linh mục Phan Tấn Thành trình bày những vấn đề chung quanh việc định nghĩa từ ngữ huyền bí, thần bí trong tiếng Việt, cũng như mysterium, mysticus trong các ngôn ngữ Âu châu. Các từ ngữ thay đổi ý nghĩa qua dòng thời gian, từ đó gây ra nhiều cuộc tranh luận sôi nổi khi đi vào nội dung của chúng, chẳng hạn như: Kitô giáo có phải là một tôn giáo huyền bí không? Nếu có, thì huyền bí Kitô giáo có gì khác biệt với các tôn giáo thế giới không? Trong nội bộ Giáo hội Công giáo, cũng nảy ra một cuộc tranh luận không kém phần sôi nổi: ơn gọi huyền bí nhắm đến tất cả các tín hữu hay chỉ là đặc ân của một vài người?

2. Huyền bí Kitô giáo trải qua lịch sử

Linh mục Juan Martin Velasco trình bày những nét chính của huyền bí Kitô giáo trải qua lịch sử. Khởi đi từ các bản văn Tân Ước, tác giả tiếp tục với thời các giáo phụ, thời trung cổ, thời cận đại, và kéo dài cho đến thế kỷ XXI. Kể cả trong thời đại mà chúng ta đang sống, thời đại vô thần và tục hóa, tác giả cũng cho thấy những hình thức huyền bí mới: sự vắng lặng của Thiên Chúa và sự hiện diện của Chúa Kitô nơi người nghèo. Mặc dù qua những hình thức đa dạng như vậy, tác giả cũng rút ra, trong phần kết luận, những mẫu số chung tạo nên căn cước của huyền bí Kitô giáo.

3. Cảm nghiệm huyền bí

Cha Aniano Álvarez-Suárez, O.C.D. nhận xét rằng nhiều cuộc tranh luận thần học về huyền bí Kitô giáo đã không để ý đến hai khía cạnh của huyền bí: khía cạnh khách thể (dựa trên mầu nghiệm Kitô giáo) và khía cạnh chủ thể (cảm nghiệm cá nhân). Cần phải tinh ý lắm mới có thể nhận ra điều đó khi đọc số 2014 của Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo.

Khi thuật lại cảm nghiệm cá nhân, các tác giả sử dụng những từ ngữ, hình ảnh quen thuộc của mỗi thời đại và nơi chốn; không lạ gì mà chúng ta thấy nhiều cách diễn tả, đặc biệt trong hai lãnh vực: a) Những hình ảnh diễn tả sự tiến triển của cảm nghiệm huyền bí; b) Những “hiện tượng huyền bí”.

4. Blaise Pascal: khoa học – lý trí – huyền bí

Năm nay kỷ niệm 400 sinh nhật của Blaise Pascal (chào đời tại Clermont Ferrand ngày 19-6-1623 và qua đời tại Paris ngày 19-8-1662 tại Paris). Tên tuổi của ông còn được nhắc đến qua các định luật vật lý và toán học. Ông cũng được biết như là một triết gia nhân sinh, cách riêng qua câu nói “Con người là một cây sậy, yếu ớt nhất trong các thụ tạo”. Tuy nhiên, ông ít được nhìn nhận như một nhà huyền bí, thậm chí còn bị hiểu sai nữa. Khi nói rằng “Con tim có những lý lẽ mà lý trí không hiểu nổi”, ông không hiểu con tim theo nghĩa là tình cảm lãng mạn nhưng là khuynh hướng tìm về Thiên Chúa. Bài viết của giáo sư Matteo Perrini muốn trình bày “cảm nghiệm huyền bí” của ông vào đêm 23-11-1654 (được đặt tên là Đêm Lửa) và mở ra cho ông nghiệm thấy chìa khóa cho các vấn đề nhân sinh.

5. Đức Thánh Cha Phanxicô với Blaise Pascal

Nhân dịp kỷ niệm 400 năm sinh nhật của Blaise Pascal, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố tông thư Sublimitas et miseria hominis (Sự cao quý và khốn cùng của con người). Ký giả Pablo J. Ginés ghi nhận hai điều đặc biệt: 1/ Đây là lần thứ hai (sau Dante Alghieri), một tông thư được dành cho một giáo dân chưa được phong thánh. 2/ Pascal đã công kích thần học Dòng Tên tượng trưng nơi Luis Molina. Đức Thánh Cha giải thích lý do của cuộc bút chiến; trước đó, có lần ngài đã cho biết không có ngăn trở nào để xúc tiến việc phong chân phúc cho ông. Bài viết tóm lại 12 điểm nổi bật nhất của tông thư. (Nên lưu ý là văn kiện không đánh số các đoạn, khiến cho việc trích dẫn hơi khó khăn). Tông huấn đã được dịch sang tiếng Việt với hai phiên bản, và có thể đọc trên Internet.[1]

6. Thomas Merton: luôn luôn tìm kiếm

Nhân dịp 55 năm ngày mất của cha Thomas Merton (1915-1968), William Paulsell ôn lại những nét chính của một tác giả huyền bí nổi tiếng trong thế kỷ XX. Sau một tuổi trẻ phóng đãng Thomas đã trở lại đạo Công giáo, gia nhập dòng Trappist. Những nghiên cứu và thực hành thần bí đã thúc đẩy cha tìm hiểu thần bí trong các tôn giáo, đặc biệt là các tôn giáo Á Đông. Cha qua đời tại Bangkok đang khi tham dự một hội nghị bàn về cuộc đối thoại giữa đan tu Kitô giáo với Phật giáo. Chuyến hành trình này cũng là cơ hội để cha tiếp xúc với Đức Đạt Lai Lạt Ma ở Tây Tạng và viếng thăm các di tích tôn giáo ở Sri Lanka.

Trung tâm Học vấn Đa Minh

——————

[1] Nữ tu Anna Ngọc Diệp, https://tgpsaigon.net/bai-viet/toan-van-tong-thu-cua-duc-thanh-cha-phanxico-nhan-ky-niem-400-nam-ngay-sinh-cua-blaise-pascal-69163
và Vũ Văn An,http://www.vietcharities.org/News/Home/Article/283480

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here