GIÁO PHỤ HỌC – PATER ECCLESIAE
(THẦN HỌC CỦA CÁC GIÁO PHỤ)
Lm. Antôn Trần Minh Hiển, Giáo sư ĐẠI CHỦNG VIỆN HUẾ
***
***
CHƯƠNG V
THỜI BÚT CHIẾN VỀ KITÔ HỌC
(431 – 750)
***
PHẦN II
CÁC GIÁO PHỤ TÂY PHƯƠNG
***
ĐOẠN II
BOÈCE: “NGƯỜI ROMA CUỐI CÙNG”
(480-524)
Ancinius Manlius Severinus BOETIUS sinh năm 480 trong một gia đình Romanus rất lẫy lừng và giầu có. Ông được coi là một người Romanus chính cống “cuối cùng” (le dernier Romanusin) cả về dòng giống cả về văn hóa. Nhờ được hấp thụ một nền giao dục rất hoàn hảo, ngoài văn hóa Latin, ông còn thông thạo tiếng Hy Lạp và có nhiều kiến thức khác nữa. Sống vào thời người Goths cai trị tại nước Italia, ông đã tham chính dưới triều Théodoric, một ông vua man ddi theo phái Arius nhưng rất hào phóng, và được nhà vua rất trọng vọng kính nể. Năm 510, ông làm quan Chấp chính (Consul) duy nhất trong triều, rồi sau đó trở thành như Thủ tướng bên cạnh vua, trong khi hai người con trai trẻ tuổi của ông cũng được bổ niệm làm Chấp chính năm 522.
Boèce là một trong những người vua Théodoric muốn trọng dụng để tỏ cho thiên hạ thấy Đế Quốc La Mã vẫn đang tiếp tục. Phần ông hiểu rằng, Romanus đã mất quyền lực chính trị và chỉ còn có thể tìm được rạng danh nhờ sự khôn ngoan (sagesse) trí thức mà nguồn gốc phải tìm ở văn hóa và triết học Hy Lạp. Vì thế trong khi thi hành những trách vụ chính trị quan trọng của mình, ông không hề xao nhãng việc trau dồi mọi thứ kiến thức nhất là triết học. Ông đọc Aristote và Platon Cựu và Tân thuyết và lưu ý đặc biệt đến khoa luận lý học của Aristote. Ông muốn dung hòa học thuyết của hai triết gia này, nên đã dịch các tác phẩm của cả hai rồi đem đối chiếu với học thuyết Kitô giáo. Từ đó ông xây dựng một quan niệm Kitô giáo chịu ảnh hưởng sâu đậm của triết thuyết Tân Platon.
Mặc dầu chỉ là một giáo dân, Boèce đã là nhà tiền phong của Triết học Kinh Viện trong việc dịch các tác phẩm của Aristote sang tiếng Latin và muốn liên kết uy tín của triết học với Thần học để giúp đào sâu các tín điều. Về điểm này, ông đã không mấy chiếm được cảm tình của người đương thời, nhưng thời Phục hưng dưới triều Charlemagne ông đã được rất mực ngưỡng mộ và tôn thờ.
Về mặt chính trị, ông đã đạt tới đỉnh cao chót vót của vinh dự, nhưng bỗng nhiên một biến cố bất ngờ đã thay đổi tất cả và mau chóng đưa ông lên đoạn đầu đài vào năm 524. Số là một thành viên trong Thượng Nghị Viện đã lén lút gởi thư liên lạc với hoàng đế Đông Phương tại Constantinople (Byzance). Lá thư bị chặn bắt và nghị sĩ bị tống ngục chờ được kết án. Boèce đã mạnh bạo đứng ra bênh vực và khẳng khái tuyên bố nếu nghị sĩ kia đắc tội thì cả Thương Nghị Viện đều mang trách nhiệm. Vậy phải tống giam ngay chính bản thân ông. Nhà vua liền buộc cho ông tội phản trắc, bị kết án tử hình và bị tống ngục chờ ngày hành quyết (năm 524)!
Trong ngục thất, ông đã viết cuốn “De consolatione philosophiae” (niềm an ủi của triết học) mà chúng ta sẽ nói tới dưới đây. Ông đã chết vì Thượng Nghị Viện chứ không phải vì danh Chúa Kitô. Nhưng vì ông đã bị giết bởi tay một nhà vua theo phái Arius, nên thời Trung Cổ đã tôn kính ông như một thánh tử đạo dưới danh hiệu “Sanctus Severinus Boetius”.
Về thần học ông đã viết 4 tác phẩm nhỏ:
– Tác phẩm 1: “Về Thiên Chúa Ba Ngôi”.
– Tác phẩm 2: “Về Nhập Thể”.
– Tác phẩm 3: “Vấn đề sự dữ”.
– Tác phẩm 4: “Chống Eutychès và Nestorius” (chống nhất tính thuyết), trong đó ông phàn nàn rất hữu lý là những ý niệm về Ngôi vị (personne), bản tính (nature), bản thể (substance), yếu tính (essence),.v.v… chưa được xác định minh bạch đúng mức nên gây nhiều ngộ nhận.
– Thêm một tác phẩm thứ 5: “Về Đức Tin Công Giáo” (trước đây bị nghi ngờ nhưng nay phần đông học giả đều công nhận đích thực là của ông). Cuốn này chịu ảnh hưởng thần học Hy Lạp rõ rệt.
Về triết học, ngoài phần phiên dịch các tác phẩm của Aristote và Platon nói trên, Boèce trong khi ngồi tù chờ ngày hành quyết đã viết tác phẩm thời danh “De consolatione philosophiae” (niềm an ủi của triết học). Cuốn sách có mục đích chuẩn bị cho cái chết này đã gặt hái đuợc một kết quả to lớn thời Trung Cổ. Trong bất hạnh, Boèce đã tìm được an ủi nơi Bà Chúa Triết học (La Dame Philosophie), chứ không phải nơi Đức Kitô mà ông không hề nêu danh lấy một lần trong suốt tác phẩm của ông. Ông là một Kitô hữu rất thâm tín nhưng trước vấn đề đau khổ và cái chết ống đã lý luận như một triết gia khắc kỷ: ông tìm sức mạnh nơi triết học chứ không tìm nơi Thiên Chúa.
Cuốn “De consolatione philosophiae” gồm 5 tập, văn xuôi và văn vần xen kẽ. Đây thật là một tuyệt tác của ngôn ngữ Cổ điển với một cung giọng bi tráng và thậm chí trữ tình một cách kín đáo, nhất là trong 39 bài thơ. Trước tâm trạng bấn loạn của ông, Triết học như một Bà Chúa uy quyền và một người bạn trung thành luôn luôn nhắc nhở cho ông vận mệnh (fortuna) là điều bấp bênh, vô thường: Hạnh phúc chỉ có duy nơi Nhất Thể (l’Un của Platon). Thế giới hỗn độn này chỉ là ảo ảnh. Duy có sự lựa chọn tự do của con người mới cho phép nó trở về với “mặt trời đích thực”.
Tác phẩm “De consolatione Philosophiae” chuẩn bị cho cái chết này, mang đậm sắc thái tôn giáo của thời kỳ Hy Lạp hóa. Quan niệm hữu thần trong tác phẩm tuy chính thống vẫn không hề nêu danh Đức Kitô. Đây là một công trình của lý trí độc lập với đức tin. Người Kitô hữu Boèce luôn luôn khoác trên mình chiếc áo choàng triết gia của ông. Ông là vị cuối cùng trong số các hiền nhân cổ thời. Chính vì thế nhân vật lỗi lạc này chỉ chiếm một chỗ đứng rất khiêm tốn trong hàng các Giáo Phụ.
***
PHỤ LỤC
1.- Lời than vãn của Boèce
Hỡi Đấng tác tạo vòm trời lấp lánh tinh sao, Đấng ngự trên ngai toà vĩnh cửu sai khiến trời đất xoay nhanh và bắt muôn thiên thể tuân theo định luật của Ngài (…).
Mọi sự đều được dẫn dắt bởi ý muốn bất di bất dịch của Ngài nhưng chỉ có nhân loại là Ngài từ chối áp dụng những qui luật công minh của quyền tối thượng! Bởi lẽ, số phận con người trong cơn lốc xoáy bất định, sao lại mang nhiều mâu thuẫn sâu xa đến thế?
Người vô tội bị nghiền nát dưới bao hình khổ chỉ dành cho trọng tội. Còn xấu xa đồi bại lại ngất ngưởng tòa cao! Và trong sự đảo ngược bất công, kẻ có tội lại đạp lên cổ người chính trực (…) Hởi Người, Đấng đặt định những qui luật cho hoàn vũ, dù Người là ai, thì giờ đây, xin Người hãy ghé mắt nhìn xem những đau thương cùng khốn trên cõi đất.
Chúng tôi, những con người, là thành phần đâu đến nỗi đáng khinh trong công trình sáng tạo hết sức lớn lao, sao chúng tôi lại chịu cảnh vật vờ trên đại dương số phận.
Ôi Chúa tể, xin cầm giữ những cơn sóng hung hăng, xin hãy cho trái đất sự ổn định vững vàng dưới cùng một qui luật đang chi phối vũ trụ mênh mông.[1]
2.- Câu trả lời của triết học
Nếu bạn muốn nhận ra chân lý trong ánh sáng chói loà
và bước đi trên nẻo chính đường ngay
thì hãy xua đi niềm vui và nỗi sợ hãi
hãy loại bỏ hy vọng và đẩy xa đớn đau.
Vì bao lâu những đam mê còn bá chủ
thì tinh thần còn bị mây mù phủ che
vẫn còn nằm trong vòng cương tỏa.[2]
Trong khi lời than vãn gợi hứng từ tác phẩm Hyppolyte của Sénèque, thì câu trả lời của triết học lại gần với Khắc kỷ, mời gọi loại trừ bốn đam mê chính trong đời sống cảm tình.
[1] Consolation philosophique, I, Poésie V, Paris 1937, pp. 27-28 ; trad. A. Bocognano.
[2] Ibid., Poéssie VII, p. 39.