Thánh nữ Catarina Siena – Tiến Sĩ Hội Thánh

0
4586

Trích ĐGH Bênêdictô XVI, 36 Thánh Tiến Sĩ (Tp. HCM: Nxb Phương Đông, 2017),
tr. 367-376.

Đây là người nữ giáo dân tận hiến duy nhất được tôn phong tước hiệu “Tiến Sĩ Hội Thánh.” Quả vậy, Catarina Siena đi theo tinh thần của thánh Đa Minh, dấn thân mạnh mẽ trong việc rao truyền Lời Chúa và phục vụ Giáo Hội. Thánh nữ có công lớn trong việc thuyết phục đức giáo hoàng Grêgôriô XI trở về Rôma. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ngài là quyển “Đối Thoại,” nội dung đậm chất thần bí với những cuộc trò chuyện thân mật với Thiên Chúa. Đức Bênêđictô XVI dành buổi tiếp kiến chung ngày 24 tháng 11 năm 2010 để giới thiệu những nét chính trong cuộc đời và đạo lý của thánh nhân.

*****

Anh chị em thân mến,

Hôm nay, tôi muốn nói về một người nữ đóng vai trò nổi bật trong lịch sử Giáo Hội, thánh Catarina Siena. Thánh nhân sống vào thế kỷ XIV, thời kỳ rối ren, phức tạp cả trong đời sống Giáo Hội lẫn hoàn cảnh xã hội ở Italia và châu Âu lúc bấy giờ. Nhưng, ngay trong thời điểm lịch sử đầy khó khăn như thế, Thiên Chúa vẫn không ngừng chúc phúc cho dân Người, bằng cách gởi nhiều vị thánh đi trước, hầu thức tỉnh các tâm hồn, kêu gọi hoán cải và canh tân đời sống.

Catarina là một trong những vị thánh được Thiên Chúa sai đến, nói với chúng ta và thúc bách chúng ta can đảm tiến đến sự thánh thiện, để ngày càng trở nên những môn đệ đích thực của Chúa Kitô.

Được sinh ra ở Siena năm 1347, Catarina lớn lên trong một đại gia đình rất đông anh chị em, và thánh nhân qua đời ở Rôma năm 1380. Năm mười sáu tuổi, cảm mến linh đạo của cha thánh Đa Minh, Catarina gia nhập Huynh đoàn Giáo dân, thuộc một ngành nữ mang tên Mantellate. Từ lúc còn ở gia đình, tuy mới chỉ là thiếu nữ, chị đã tự nguyện khấn giữ đồng trinh và hiến dâng chính mình, chuyên lo cầu nguyện, sám hối, làm việc bác ái, đặc biệt là cứu giúp những người ốm đau, bệnh tật.

Khi danh thơm về sự thánh thiện lan rộng, Catarina trở thành nhà hướng dẫn tâm linh đắc lực cho dân chúng thuộc mọi tầng lớp xã hội khác nhau: giới quý tộc và chính trị gia, trí thức cũng như thường dân, những người nam nữ sống đời thánh hiến và các tu sĩ, trong đó có cả đức giáo hoàng Grêgôriô XI, lúc đó đang ở Avignon, và thánh nữ đã cố gắng thuyết phục đức giáo hoàng trở về Rôma.

Thánh nữ đi đến nhiều nơi, nhấn mạnh và kêu gọi toàn thể Giáo Hội canh tân đời sống, đồng thời cổ võ hòa bình giữa các quốc gia và dân tộc. Chính vì lý do đó mà thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II công bố quyết định, chọn thánh nữ là vị đồng Bổn mạng của châu Âu: cầu xin cho lục địa cổ xưa này không bao giờ quên nguồn cội Kitô giáo, vốn nằm ở gốc rễ đối với sự phát triển của châu Âu, tiếp tục rút ra từ Tin Mừng những giá trị nền tảng, nhằm đảm bảo sự công bằng và hài hòa toàn châu lục.

Như những vị thánh khác, Catarina trải qua nhiều nỗi thống khổ lớn lao. Có những người đã nghi ngờ thánh nữ, cho rằng không nên đặt niềm tin ở Catarina; và xảy ra một biến cố, năm 1374, sáu năm trước khi Catarina qua đời, Tổng hội dòng Đa Minh đã triệu mời ngài đến Florence để chất vấn về nhiều việc làm và tư tưởng. Tổng hội cắt cử cha Raymundo Capua, một người anh em thông thái và khiêm tốn, và cũng là vị Tổng Quyền của dòng trong tương lai, làm cha linh hướng cho Catarina. Cha Raymundo trở thành vị giải tội cho người chị em Giáo dân Đa Minh này, rồi cũng dần trở thành “người con thiêng liêng” của thánh nữ. Cha đi tiên phong trong việc viết tiểu sử về cuộc đời Catarina. Người nữ kiệt xuất này được phong thánh năm 1461.

Lịch sử ghi lại, Catarina phải trải qua nhiều khó khăn mới học được cách đọc, và mãi đến tuổi trưởng thành, mới học được cách viết chữ. Giáo huấn của thánh Catarina được chứa đựng trong tác phẩm “Đối Thoại Với Thiên Chúa Quan Phòng” (Dialogue of Divine Providence) hoặc quyển“Đạo Lý Thánh”(Libro della Divina Dottrina),một kiệt tác Văn chương tâm linh, trong các “Bức thư”(Epistolario) và trong tuyển tập “Những Lời Cầu Nguyện” của thánh nữ.

Giáo huấn của thánh nữ được nhìn nhận là ưu việt, thâm sâu, do đó, năm 1970, đức chân phước Phaolô VI đã tuyên phong thánh nữ là “Tiến Sĩ Hội Thánh,” và một tước hiệu nữa dành cho Catarina: vị đồng Bổn mạng của thành Rôma, như mong ước của đức chân phước giáo hoàng Piô IX, và là Bổn mạng của toàn Italia, theo quyết định của đấng đáng kính giáo hoàng Piô XII.[1]

Trong một thị kiến đã từng xuất hiện trong tâm trí Catarina, Mẹ Maria Đồng Trinh trao thánh nữ cho Chúa Giêsu, và Chúa Giêsu ban tặng thánh nữ một chiếc nhẫn rạng ngời, ngỏ lời rằng: “Ta, Đấng Tác Tạo và Cứu Chuộc con, kết hôn với con trong đức tin, con hãy luôn gìn giữ sự trinh khiết cho đến khi cử hành hôn lễ vĩnh cửu với Ta trên Thiên Đàng.”[2] Chiếc nhẫn này chỉ một mình thánh nhân thấy được. Từ biến cố phi thường ấy, chúng ta thấy được trọng tâm ý nghĩa của đời sống thờ phượng, và trọng tâm ý nghĩa của tất cả những khía cạnh tâm linh sâu sắc nơi Catarina: quy Kitô. Đối với thánh nhân, Đức Kitô tựa như vị Hôn phu mà thánh nữ có mối tương quan thân tình, hiệp nhất, và trung thành gắn bó; Người là tình yêu tuyệt vời nhất mà thánh nữ kính mến trên mọi sự thiện hảo. Nơi Catarina, sự kết hiệp sâu thẳm với Thiên Chúa còn được diễn tả qua một khía cạnh khác nổi bật trong đời sống thần bí: trao đổi hai trái tim. Theo cha Raymundo Capua, người kể lại những điều huyền bí mà Catarina nhận được, Chúa Giêsu đã hiện ra với thánh nữ, đang khi “đôi tay thánh thiện của Ngài cầm lấy một quả tim con người, đỏ tươi và sáng chói.” Chúa Giêsu mở cạnh sườn và đặt quả tim vào tâm hồn thánh nữ, Người nói: “Hỡi con yêu dấu của Ta, Ta đã lấy khỏi con trái tim xưa cũ, giờ đây, Ta trao cho con trái tim của Ta, vì thế con có thể sống với trái tim của Ta mãi mãi.”[3] Quả thật, Catarina đã sống đúng như lời của thánh Phaolô: “Tôi sống nhưng không là phải tôi sống, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).

Theo gương vị thánh thành Siena, mỗi tín hữu chúng ta hãy mặc lấy tâm tình cảm mến của Đức Kitô, để yêu Chúa và yêu tha nhân như chính Chúa Kitô đã yêu. Chúng ta hãy để con tim của mình được biến đổi và học cách yêu như Đức Kitô trong mối thân tình với Người. Hãy nuôi dưỡng mối thân tình ấy bằng đời sống cầu nguyện, suy niệm Lời Chúa, và năng lãnh nhận các bí tích, nhất là hãy thường xuyên rước Mình Thánh Chúa với hết lòng thành kính. Catarina cũng thuộc hàng ngũ các vị thánh đã hiến dâng trọn vẹn cho bí tích Thánh Thể. Cũng từ đó, thưa anh chị em, tôi đã kết luận vài lời trong Tông huấn Bí Tích Tình Yêu của tôi (x. n. 94). Bí tích Thánh Thể là một món quà đặc biệt của tình yêu, mà Thiên Chúa vẫn tiếp tục đổi mới hầu dưỡng nuôi hành trình đức tin của chúng ta, gia tăng niềm trông cậy và đốt lên lòng mến nơi tâm hồn chúng ta, làm cho chúng ta ngày càng trở nên giống Người hơn nữa.

Một gia đình thiêng liêng đúng nghĩa và thực thụ đã được xây dựng từ một nhân cách mạnh mẽ và chân thành nơi thánh Catarina. Những ai được lôi cuốn bởi đức hạnh của người nữ trẻ tuổi với một lối sống cao thượng này, thì cũng rất ấn tượng trước những cuộc xuất thần thường xuyên của Catarina, mà họ đã từng chứng kiến. Nhiều người để cho thánh nữ phục vụ, và quan trọng hơn cả, họ xem đó như một đặc ân, hầu nhận được sự hướng dẫn thiêng liêng của chị thánh. Như những người con yêu dấu, họ còn gọi thánh nữ là “mẹ,” vì đời sống tinh thần của họ nên vững mạnh nhờ thánh nhân. Ngày nay cũng vậy, Giáo Hội nhận được sự trợ giúp lớn lao từ những hành động của tình mẫu tử thiêng liêng, nhờ vào rất nhiều phụ nữ, giáo dân cũng như tu sĩ sống đời thánh hiến, là những người nuôi dưỡng các linh hồn bằng nhiều suy tư về Thiên Chúa, cũng là những người củng cố đức tin của dân chúng và hướng dẫn đời sống Kitô hữu ngày càng tiến đến đỉnh cao của sự trọn lành. “Này con, mẹ đã nói với con và hằng mời gọi con,” Catarina viết cho một trong những người con thiêng liêng của ngài, anh Giovanni Sabbatini, một tu sĩ Chartreux,[4] “vì mẹ đã sinh ra con trong những lời cầu nguyện liên lỉ và trong niềm khao khát được ngập chìm trong sự hiện diện Thiên Chúa, như một người mẹ sinh hạ con mình.”[5] Thánh nữ thường viết thư cho một tu sĩ Đa Minh, cha Bartolomeo de Dominici với những lời như thế này: “Gởi đến người anh em rất thân thương và cũng là người con yêu dấu nhất trong sự dịu ngọt của Chúa Giêsu Kitô.”

Một nét tiêu biểu khác về linh đạo của Catarina được nối kết với hồng ân nước mắt. Giọt lệ trên khuôn mặt biểu lộ một sự nhạy cảm tuyệt vời, một lòng trắc ẩn sâu sắc, một khả năng chạnh lòng thương và âu yếm. Nhiều vị thánh được trao ban hồng ân nước mắt, gợi nhắc lại sự xúc động của chính Đức Giêsu, Người đã không che giấu những giọt lệ khi đứng trước mộ phần của người bạn thân Lazarô, trước nỗi tiếc thương của hai chị em Matta và Maria, hay trước viễn cảnh thành Giêrusalem trong những ngày sau hết của Người trên trần gian. Theo thánh Catarina, những giọt nước mắt của các thánh được hòa quyện với Máu Chúa Kitô, thánh nhân đã nói về máu đó với giọng điệu sống động và hình ảnh biểu tượng vốn rất hiệu quả: “Tưởng nhớ Đức Kitô chịu đóng đinh, Đấng vừa là Thiên Chúa vừa là Con Người… gắn cùng đích đời mình vào Đức Kitô chịu đóng đinh, ẩn mình trong những thương tích của Đức Kitô chịu đóng đinh và chìm đắm trong Máu của Đức Kitô chịu đóng đinh.”[6]

Ở đây, chúng ta có thể hiểu lý do vì sao Catarina luôn tôn trọng các linh mục, cho dẫu thánh nhân biết rõ về những thiếu sót của thân phận con người nơi các linh mục: nhờ các bí tích và Lời Chúa, các linh mục phân phát sức mạnh cứu chữa của Máu Thánh Đức Kitô. Với tình yêu sâu sắc và không thay đổi dành cho Giáo Hội, thánh nhân luôn mời gọi các vị thừa tác viên thánh, trong đó có cả đức giáo hoàng, người mà thánh nhân gọi là “Đức Kitô dịu ngọt trên trần gian,” hãy trung tín với bổn phận và trách nhiệm của mình, hãy luôn nhiệt thành với sứ mạng được trao. Trước khi qua đời, Catarina đã thốt lên: “Xin để lại tấm thân này, tôi đã tận lực và dâng hiến trọn cuộc đời trong Giáo Hội và cho Giáo Hội, đó là hồng ân đặc biệt nhất dành cho tôi.”[7]

Vậy, thưa anh chị em, chúng ta học ở thánh Catarina một điểm tuyệt vời: hãy học biết, yêu mến Đức Giêsu Kitô và Giáo Hội của Người. Trong quyển “Đối Thoại Với Thiên Chúa Quan Phòng,” thánh nữ diễn tả Đức Kitô, qua một hình ảnh lạ thường, như chiếc cầu nối giữa trời và đất. Chiếc cầu này gồm ba nấc thang lớn, được tạo thành bởi bàn chân, cạnh sườn, và khuôn mặt của Đức Giêsu. Đi lên bằng những nấc thang này, linh hồn trải qua ba giai đoạn của tiến trình thần hóa: thanh tẩy tội lỗi; thực hành các nhân đức và bác ái; kết hợp ngọt ngào bằng lòng mến với Thiên Chúa.

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy học theo gương thánh Catarina, yêu mến Chúa Kitô và Giáo Hội với lòng can đảm, mãnh liệt và chân thành. Hãy làm cho những lời của thánh Catarina có trong quyển Đối Thoại ở cuối chương nói về Đức Kitô như chiếc cầu nối, trở thành những lời của chính chúng ta: “Lạy Chúa, với lòng thương xót vô biên, Chúa đã tẩy rửa chúng con trong Máu của Ngài; với lòng thương xót không cùng, Chúa đã muốn đàm thoại với muôn loài thụ tạo. Ôi Tình yêu tuyệt vời! Làm sao con hiểu thấu! Chúa không chỉ mặc lấy xác phàm, nhưng còn ước mong chịu chết vì con… Ôi lòng xót thương bao la! Tâm hồn con đắm chìm trong những suy tưởng về Ngài, dù ở bất cứ nơi đâu, con chỉ muốn nghĩ tưởng và tìm kiếm lòng thương xót mà thôi.”[8]

————————————–

[1] Ngày 13.04.1866, đức Piô IX đặt chị thánh Catarina là vị bổn mạng của thành Rôma. Ngày 18.06.1939, đức Piô XII tôn phong chị làm bổn mạng nước Italia cùng với thánh Phanxicô Assidi.

[2] Chân phước Raymondo Capua, S. Caterina da Siena, Legenda maior, 115, Siena, 1998.

[3]Ibid.

[4] Đây là một dòng tu khổ hạnh do thánh Bruno thiết lập ở Pháp vào thế kỷ XI.

[5] Epistolario, Lá thư 141 gởi cha Giovanni de’ Sabbatini.

[6]Epistolario, Lá thư 16: Ad uno il cui nome si tace [gởi cho một người, tới nay vẫn chưa xác định rõ danh tính].

[7] Chân phước Raymondo Capua, S. Caterina da Siena, Legenda maior, n.115, Siena, 1998.

[8] Đối Thoại, ch. 30, tr. 79-80.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here