Thánh Gioan Đamascô

0
2685

Trích ĐGH Bênêdictô XVI, 36 Thánh Tiến Sĩ (Tp. HCM: Nxb Phương Đông, 2017),
tr. 377-389.

 

Đây là nhân vật đại diện cuối cùng cho Byzantine, nổi bật nhất trong lịch sử Giáo Hội hoàn vũ về cuộc tranh luận chống lại những kẻ bài trừ ảnh tượng thánh. Ngài có công lớn trong việc tìm ra một thuật ngữ Kitô giáo thích hợp để bảo vệ việc tôn kính ảnh tượng: “thờ phượng” (latreia) chỉ dùng cho Thiên Chúa, khác với “tôn kính” (proskynesis) có thể dùng cho các phúc nhân. Đức Bênêđictô XVI dành buổi tiếp kiến chung ngày 06 tháng 05 năm 2009 để chia sẻ về những đóng góp của thánh Gioan Đamascô.

*****

 

 

Anh chị em thân mến,

Hôm nay, tôi muốn chia sẻ về thánh Gioan Đamascô, một người có tầm quan trọng lớn lao trong lịch sử thần học Byzantine, một vị tiến sĩ lẫy lừng trong lịch sử Giáo Hội. Trên hết, thánh nhân là người đã chứng kiến một lộ trình khởi đi từ những nền văn hóa Hylạp và Syria (được chia sẻ bởi một phần phía Đông của đế quốc Byzantine) kéo dài cho tới nền văn hóa Hồi giáo (đang lan rộng qua những cuộc xâm chiếm lãnh thổ, được gọi là khu vực Trung Cận Đông).

Gioan được sinh ra trong một gia đình Kitô giáo giàu có. Ngay từ niên thiếu, ngài đã đảm trách chức vụ quản gia cho Caliphat, vua Hồi giáo (có lẽ do tiếp nối chức vụ của cha mình). Tuy nhiên, Gioan sớm thấy không thỏa mãn với đời sống quan trường, nên quyết định sống đời đan tu, gia nhập đan viện Mar Saba gần Giêrusalem. Biến cố đó xảy ra khoảng năm 700. Ngài không bao giờ rời bỏ đan viện này. Nhưng đã tận hiến hết sức lực của mình để sống đời khổ chế và sáng tác văn chương, đồng thời không khinh chê bất cứ công việc mục vụ nào, như đã được thấy trong rất nhiều bài giảng của thánh nhân. Lễ kính nhớ ngài trong Phụng vụ được cử hành vào ngày 04 tháng 12. Đức giáo hoàng Lêô XIII đã tuyên phong thánh Gioan Đamascô là vị “Tiến Sĩ Hội Thánh” năm 1890.

Ở Đông phương, những tác phẩm nổi bật nhất của thánh Gioan Đamascô là ba tập “Bài Giảng Chống Lại Những Kẻ Bài Trừ Ảnh Thánh.” Ngay khi thánh nhân qua đời, những tác phẩm này bị Công đồng Hieria (754) của những kẻ muốn bài trừ ảnh tượng kết án. Tuy nhiên, những bài giảng ấy cũng là nền tảng để sau này người ta phục hồi danh dự và tuyên thánh cho Gioan, qua ý kiến của các Giáo phụ Chính Thống, được triệu đến Công đồng Nixêa (năm 787), Công đồng hoàn vũ đệ thất của Giáo Hội. Những bản văn này ghi dấu nhiều nỗ lực thần học quan trọng ban đầu để hợp thức hóa việc tôn kính ảnh thánh, liên kết với mầu nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa trong cung lòng Đức Trinh Nữ Maria.

Gioan Đamascô cũng là một trong số những tác giả đầu tiên phân biệt: trong một nghi lễ thờ cúng, ở mức độ công cộng cũng như cá nhân các Kitô hữu, thế nào là “thờ phượng” (latreia) và thế nào là “tôn kính” (proskynesis). “Thờ phượng” chỉ dành riêng cho Thiên Chúa mà thôi (vì Người là Đấng Thiêng Liêng trên tất cả mọi sự); còn “tôn kính” có thể sử dụng đối với ảnh tượng, qua đó, chúng ta hướng tới Đấng mà ảnh tượng diễn tả. Rõ ràng, một vị thánh không thể được đồng hoá với chất liệu tạo nên hình ảnh về vị thánh đó. Ngay lập tức, sự phân biệt này được xem là rất quan trọng trong việc tìm ra một thuật ngữ Kitô giáo để trả lời cho những ai quan niệm rằng: Cựu ước hết sức nghiêm cấm sử dụng ảnh tượng, do đó, không bao giờ được dùng chúng trong phụng tự. Đây cũng là một vấn đề tranh luận rất lớn trong thế giới Hồi giáo, vì họ chấp nhận truyền thống Dothái là hoàn toàn loại bỏ hình ảnh trong phụng tự.

Nhưng trong bối cảnh ấy, các Kitô hữu vẫn thảo luận về vấn đề này và tìm thấy một lời biện minh cho việc tôn kính các ảnh tượng. Thánh Gioan Đamascô viết như sau: “Trong những thời kỳ trước đây, Thiên Chúa không được diễn tả qua các hình ảnh vì Người vốn không có diện mạo hay danh tính. Nhưng nay, vì Thiên Chúa đã được nhìn thấy trong xác phàm, sống giữa con người, và như vậy, cũng có thể nói, Thiên Chúa hữu hình. Tôi không tôn kính vật chất, nhưng tôn kính Đấng sáng tạo nên vật chất, Đấng đã hạ mình trở nên xác đất vật hèn vì chúng ta và mang lại ơn cứu độ cho chúng ta thông qua vật chất. Do đó, tôi sẽ không dừng lại ở việc tôn kính vật chất, mà thông qua vật chất ấy, ơn cứu độ của tôi đã được thành toàn. Tôi không tôn kính vật chất trong ý nghĩa tuyệt đối: nó là Thiên Chúa! Dĩ nhiên, từ vật chất, vốn không phải là sự hữu, thì làm sao có thể mang lại cho chúng ta Sự Hữu là chính Thiên Chúa?… Nhưng tôi vẫn tôn kính và trân trọng mọi thứ vật chất đã mang lại ơn cứu độ cho tôi, vì nó đầy năng lượng và ân sủng của Thiên Chúa. Chẳng lẽ, gỗ của cây Thánh giá, ba lần được suy tôn, lại không phải là vật chất sao?… Mực và sách Tin Mừng cũng không phải vật chất sao? Bàn thờ cứu chuộc, nơi để Bánh Sự Sống, lại không phải là vật chất sao?… Hơn nữa, Mình và Máu Đức Giêsu Kitô lại không phải là vật chất sao? Hoặc chúng ta bỏ qua bản chất thánh thiện của tất cả những thứ vật chất này, hoặc chúng ta đi theo truyền thống của Giáo Hội mà tôn kính các ảnh tượng của Thiên Chúa, và ảnh tượng các bạn hữu Thiên Chúa, những người đã được thánh hóa bởi danh xưng mà họ mang lấy, và vì lý do này, họ cũng được đầy ân sủng của Chúa Thánh Thần. Do đó, đừng phi bác vật chất: nó không phải là thứ ô uế, bởi vì chẳng có gì Thiên Chúa đã tạo ra mà lại ô uế.”[1]

Chúng ta thấy rằng, nhờ mầu nhiệm Nhập Thể, vật chất được nhìn nhận là đã trở nên thánh thiêng, là nơi Thiên Chúa cư ngụ. Đó là một nhãn quan mới về thế giới và thực tại vật chất. Thiên Chúa đã trở nên xác phàm và xác phàm đã thực sự trở nên nơi Thiên Chúa cư ngụ, và vinh quang của Người chiếu tỏa trên Dung Nhan của Đức Giêsu Kitô.”

Những lập luận của vị tiến sĩ Đông phương này vẫn còn liên hệ đến cuộc sống ngày nay, khi chúng ta nhìn nhận phẩm giá lớn lao mà vật chất có được, thông qua mầu nhiệm Nhập Thể, với nhãn quan đức tin, vật chất có thể trở nên một dấu chỉ và bí tích rất hiệu nghiệm trong cuộc gặp gỡ của con người với Thiên Chúa. Do đó, thánh Gioan Đamascô vẫn là chứng nhân lỗi lạc trong việc tôn kính ảnh tượng. Quan niệm này đã trở nên một trong những khía cạnh nổi bật nhất của linh đạo Đông phương cho tới ngày nay. Tuy nhiên, chúng ta phải thấy rằng tôn kính ảnh tượng là một hình thức Lễ nghi đơn thuần thuộc về niềm tin Kitô giáo, tin rằng Thiên Chúa đã trở nên xác phàm hữu hình. Giáo huấn của thánh Gioan Đamascô tìm được một vị trí danh giá trong truyền thống Giáo Hội phổ quát. Đạo lý về bí tích của Giáo Hội tiên liệu rằng, các yếu tố vật chất tự bản tính có thể trở thành phương tiện chuyển trao của ân sủng, nhờ sức mạnh thánh hóa của Chúa Thánh Thần, cùng với lời tuyên xưng đức tin chân thật.

Gioan Đamascô cũng mở rộng những ý tưởng nền tảng này đến việc tôn kính các thánh tích, với niềm xác tín rằng, các thánh là những người đã thông dự vào sự Phục Sinh của Đức Kitô, không thể được xem đơn giản là đã qua đời. Điển hình, trong tập “Bài Giảng Thứ Ba,” thánh Gioan Đamascô nhấn mạnh việc tôn kính ảnh tượng cũng như các thánh tích: “Trước hết chúng ta hãy tôn kính những ai mà Thiên Chúa đang cự ngụ giữa họ, chỉ mình Thiên Chúa là Đấng Thánh, ngự trị giữa các thánh nhân,[2] chẳng hạn, Người ngự nơi Mẹ Maria và các thánh. Các Ngài là những người đã làm cho ý chí của mình trở nên hoà hợp với thánh ý Thiên Chúa; và nhờ sự hiện diện và sự trợ giúp của Thiên Chúa, các ngài thực sự được gọi là các bậc thần minh,[3] không phải tự bản chất nhưng là bởi ân ban, cũng như thanh sắt được nung đỏ thì gọi là lửa, không phải tự bản chất của sắt, nhưng nhờ được kết hợp và được thông dự vào lửa. Thực thế, Thiên Chúa phán rằng: các ngươi phải sống thánh thiện, vì Ta là Đấng Thánh.[4]

Sau hàng loạt những ví dụ tham chiếu như thế, thánh Gioan Đamascô có thể rút ra kết luận: “Thiên Chúa, Đấng Tốt Lành, vĩ đại hơn mọi sự thiện hảo khác trên trần gian, không bằng lòng với việc chiêm ngắm chính mình, nhưng muốn rằng sẽ có những sự vật được chung hưởng phúc lộc với Người, nên Thiên Chúa đã chia sẻ sự thiện hảo của Người, tạo dựng nên tất cả mọi sự từ hư vô, những loài hữu hình và vô hình, bao gồm con người, một thực tại vừa hữu hình, vừa vô hình. Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, ban cho có khả năng tư duy, và khả năng ấy được làm phong phú hơn nhờ Lời, được định hướng theo Thần Khí.”[5]

Để làm sáng tỏ tư tưởng này hơn nữa, thánh Gioan Đamascô nói: “Chúng ta hãy để cho mình biết ngạc nhiên về mọi kế hoạch quan phòng của Thiên Chúa, hãy đón nhận và tán dương mọi công trình của Người. Hãy vượt qua cơn cám dỗ muốn xem những khía cạnh khác nhau nơi thụ tạo là bất công và không hợp lý, thay vào đó hãy chấp nhận những dự phóng của Thiên Chúa, vượt trên khả năng hiểu biết của con người. Ngược lại, hãy nhớ rằng, chỉ mình Thiên Chúa mới có thể biết những suy nghĩ, hành động, và thậm chí, cả tương lai của chúng ta.”[6] Triết gia Platon cũng cho rằng mọi tư tưởng triết học đều xuất phát từ sự ngạc nhiên (con người tự thắc mắc). Cũng thế, đức tin của chúng ta xuất phát từ sự ngạc nhiên về thực tại là công trình sáng tạo và muôn vàn vẻ đẹp của Thiên Chúa, Đấng vô hình đã làm cho chính mình trở nên hữu hình.

Chúng ta nhận thấy ở đây một tinh thần lạc quan trong lối suy tư và nhìn nhận về tự nhiên, cho rằng các thụ tạo hữu hình luôn chất chứa trong chúng nét thiện hảo, chân lý và vẻ đẹp. Tinh thần lạc quan Kitô giáo này không phải là một thứ ngây ngô trẻ con: nó liên hệ tới vết thương đã hằn lên bản tính con người kể từ khi con người lạm dụng tự do, đi ngược với thánh ý Thiên Chúa, hệ quả là đầy dẫy những xáo trộn, bất hoà nảy sinh. Từ cái nhìn lạc quan đó, Thánh Gioan Đamascô nhận thấy một nhu cầu như sau: bản tính tốt đẹp của con người (trong đó, sự thiện hảo và vẻ đẹp của Thiên Chúa được phản ánh) đã bị tổn thương do tội lỗi, “cần được củng cố và canh tân” nhờ Con Thiên Chúa xuống thế làm Người (sau khi Thiên Chúa đã cố gắng nhiều lần nhiều cách khác nhau) để chỉ cho nhân loại thấy rằng Thiên Chúa đã sáng tạo nên con người, để con người có thể hiện hữu không chỉ như “một hữu thể tầm thường” mà còn như “một hữu thể trổi vượt.”[7]

Với một niềm háo hức mãnh liệt, thánh Gioan giải thích thêm: “Điều cần thiết với bản tính con người là phải được củng cố và canh tân, phải được hướng dẫn và dạy dỗ cách hữu hiệu để bước vào con đường nhân đức, con đường dẫn người ta xa tránh những gì hư hoại và tiến tới sự sống vĩnh cửu… Vì thế, xuất hiện ở chân trời lịch sử, một đại dương tình yêu mà Thiên Chúa mang đến cho con người…” Đó quả là một lời diễn tả rất đẹp của thánh Gioan Đamascô. Một mặt, chúng ta thấy vẻ đẹp của công trình tạo dựng, và mặt khác, cũng chân nhận sự hủy hoại đã xảy ra do tội lỗi con người.

 Tuy nhiên, nơi Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng đã xuống trần gian để canh tân bản tính nhân loại, chúng ta nhận ra một đại dương tình yêu mà Thiên Chúa dành cho con người. Thánh Gioan Đamascô nói tiếp: “Chính Thiên Chúa, Đấng Sáng Tạo và là Chúa Tể Trời Đất, đã chiến đấu cho công trình tạo dựng của Người, đã truyền dạy nó những giáo huấn bằng gương sáng của Người… Và thế rồi, Con Thiên Chúa, trong khi vẫn luôn là Thiên Chúa, đã hạ mình xuống thế… đến với những kẻ tôi tớ của mình… đổi mới tất cả mọi sự, qua đó, Người diễn tả sức mạnh của Thiên Chúa.”[8]

Chúng ta có thể hình dung một niềm an ủi và hoan lạc mà những lời này đổ tràn tâm hồn các tín hữu, vì rất nhiều hình ảnh lôi cuốn. Hôm nay, chúng ta lắng nghe những lời ấy, chia sẻ cùng một cảm xúc với các Kitô hữu trong thời đại của thánh Gioan Đamascô: Thiên Chúa muốn cư ngụ giữa chúng ta, Thiên Chúa muốn canh tân bản tính chúng ta qua những cuộc hoán cải, Thiên Chúa cho phép chúng ta chia sẻ Thần tính của Người. Nguyện xin Chúa giúp chúng ta biết làm cho những lời này trở thành căn cốt của đời sống chúng ta.

[1]Contra imaginum calumniatores, I, 16, ed. Kotter, pp. 89-90.

[2] x. Is 57,15.

[3] x. Tv 82,6.

[4] Lv 19,2; Contra imaginum calumniatores,III, 33, col. 1352 a.

[5] Contra imaginum calumniatores, II, 2, p.94, col. 865 a.

[6] Contra imaginum calumniatores, II, 29, p.94, col. 964c.

[7]The Orthodox Faith, II, 1, p. 94, col. 981.

[8]The Orthodox Faith, III, 1, p.94, col. 981c-984b.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here