Thân Phận Luân Lý Và Thần Học Của Phôi Thai – (5)

0
2511


THÂN PHẬN LUÂN LÝ VÀ THẦN HỌC CỦA PHÔI THAI:

NHẬN ĐỊNH TRÊN QUAN ĐIỂM GIÁO HỘI CÔNG GIÁO

VÀ PHÔI THAI HỌC HIỆN ĐẠI

Tác giả: Soeur Trần Như Ý- Lan, CND.

***

***

PHẦN IV

VĂN HÓA VÀ TRUYỀN THỐNG VIỆT NAM VỀ PHÔI THAI

 

Vài tác giả Công giáo Việt-Nam thường nói rằng trước khi trở thành Công giáo, người Công giáo Việt-Nam đã là người Việt-Nam. Kitô giáo không nhổ rễ văn hóa, truyền thống của Công giáo Việt-Nam để thay thế, nhưng xây dựng những giá trị Kitô giáo trên những giá trị đã có của Việt-Nam. Đây chính là công việc của hội nhập văn hóa mà Giáo Hội Châu Á, đặc biệt là Giáo Hội Việt-Nam được kêu mời. Như Thánh Thomas Aquinas đã nêu, ân sủng không phá hủy tự nhiên, nhưng biến chuyển để nó trở nên phong phú hơn, sâu xa hơn, và thúc đẩy tự nhiên trở thành chính mình trong ý nghĩa thật sự và tròn đầy.[1]

Thật khó tìm ra những cuốn sách xưa Việt-Nam đề cập trực tiếp đến phôi thai hay phá thai. Các nhà chuyên môn về truyền thống và tôn giáo Việt-Nam như linh mục Hoàng Sĩ Quý S.J. và Đỗ Quang Chính S.J. đã phải thừa nhận sự kiện này. Theo hai vị giáo sư này, lý do có thể là phôi thai là một mầu nhiệm và phá thai vốn được coi hiển nhiên là vô luân. Theo như vậy, một mặt thật khó viết về phôi thai, mặt khác, không cần kết án phá thai, vốn xã hội coi như là giết người. [2] Tuy nhiên, nghiên cứu văn chương (hiếm) truyền khẩu, thói quen và niềm tin truyền thống, ta có thể tìm thấy vài điểm ý nghĩa và nổi bật soi sáng quan điểm dân tộc Việt-nam về phôi thai.

1. Trái tim và khối óc Việt-Nam một cách tự nhiên sẵn sàng đón nhận hạt giống Tin Mừng sự sống

Trẻ con được coi như quà tặng, lời chúc phúc của Trời Đất. Mang thai được gọi là “có tin mừng.” Ngày nay, quan niệm này tuy không còn nguyên nghĩa như xưa do sự hạn chế số trẻ con của mỗi gia đình, do nhiều lý do, nhưng nó vẫn giữ giá trị. Người Việt-Nam vẫn quan niệm mỗi gia đình nên có ít nhất một hoặc hai con. Nếu không, thật là một gia đình không may, không được chúc lành dưới mắt của chính đôi vợ chồng đó, bà con, bạn bè và xã hội.

Trong truyền khẩu, cho đến 1975 khi chính quyền cách mạng thắng lợi và quảng bá ngừa thai, phá thai như chính sách để kiểm soát việc tăng dân số, phá thai luôn bị coi là một tội phạm nghiêm trọng, ngay cả coi như giết người. Bác sĩ có thể bị mất phép hành nghề nếu thực hành phá thai. Hơn nữa, ngay cả những phụ nữ phải dùng biện pháp phá thai, những người này sau đó thường cảm thấy mặc cảm tội lỗi trong ý nghĩa tôn giáo, đạo đức, tình cảm, hay tâm lý. Một số phụ nữ có thể lo sợ về trừng phạt phải chịu hoặc bị báo thù bởi Trời Đất, hay ngay cả bởi chính đứa con bị phá của mình.

2. Đời sống của trẻ chưa sinh được trân trọng

Trong “Quốc Triều Hình Luật: Hình Luật Triều Lê”, một nữ phạm nhân mang thai mà bị kết án tử hình sẽ được phép sống cho đến khi sau sanh con 100 ngày (đạo luật 23). [3] Như vậy, đời sống trẻ chưa sinh được luật pháp bảo vệ.

Đối với người Việt-Nam, những gì liên quan đến sự sống là một mầu nhiệm và là một điều gì đó mang tính thánh thiêng. Ngay cả bánh nhau, sau khi sinh, được chôn sâu trong lòng đất.  Chúng ta có thể diễn giải rằng nếu người Việt-nam tôn trọng ngay cả bánh nhau là một cơ quan phụ của thai nhi, thì họ phải tôn trọng thai nhi nhiều hơn thế. Nơi sinh ra được gọi là “nơi chôn nhau cắt rốn”. Địa điểm này gắn liền với con người như một tương quan máu thịt. Thời gian qua đi, ngạn ngữ “chôn nhau cắt rốn” chỉ đến tình yêu, sự tôn kính dành cho quê hương của mỗi người. [4]

3. Nhân đức hiếu sinh

Đời sống con người là một mầu nhiệm. Nó thuộc về quyền lực của Trời Đất. Cố tình phá hủy đời sống của một con người là hành động chống lại Trời Đất. [5] Một nhân đức nền tảng phương Đông ảnh hưởng trên sự tôn trọng phôi thai là nhân đức hiếu sinh. Nhân đức này bao gồm tình yêu thương và sự tôn trọng mở rộng đến mọi tạo vật, đặc biệt là những vật sống gần với con người, với con người ở địa vị cao nhất trong thế giới hiện hữu. Như có câu tục ngữ “Nhân Linh ư Vạn vật.”

4. Vài phong tục truyền thống biểu lộ nhãn quan nhìn nhận đứa trẻ chưa sinh là một con người

Cha mẹ có thể hứa hôn cho con mình ngay cả khi con còn ở trong bụng mẹ. Hoặc “thai giáo”:  người Việt-Nam cho rằng con trẻ phải được giáo dục bởi người mẹ ngay khi còn trong lòng mẹ. Đối với người Việt-Nam thái độ và tình cảm của người mẹ trong suốt thời gian mang thai có thể ảnh hưởng xấu hoặc tốt trên đứa trẻ và sau khi sinh, đứa trẻ có thể bắt chước hành động của người mẹ. Thế nên trong suốt thời gian mang thai, người phụ nữ phải chú ý cẩn thận hành vi của mình, cố gắng hiền lành, dịu dàng, ý nghĩ tốt lành và tránh những tư tưởng, tình cảm, hành động xấu xa. [6] Nói chung, hiểu biết của người Việt-Nam không thật rõ ràng trong việc định những đặc tính của tính con người. Tuy nhiên, những dấn thân, kế hoạch của cha mẹ cho thai nhi của mình như cho một đứa trẻ cũng khẳng định một cách có ý nghĩa về tính con người của thai nhi.

Một chi tiết thú vị, là phần lớn người Việt-nam khi khai tuổi, đều khai “tuổi ta”, nghĩa là tính tuổi từ lúc bắt đầu được thụ thai, chứ không phải khi sinh ra.

5. Truyền thống, tôn giáo, và văn hóa Việt-Nam không phân biệt giữa thai chưa thành hình và đã thành hình

Điểm này là then chốt và trong cùng một luồng tư tưởng của truyền thống Giáo Hội phương Đông. Củng cố và là nền tảng cho truyền thống này, là niềm tin con người là hồn và xác và linh hồn hiện hữu vào lúc bắt đầu của phôi thai. Do đó, khi sẩy thai sớm, và phôi lúc ấy chỉ như “cục máu đông”, người phụ nữ, nếu nhận ra đó là sẩy thai, sẽ thu nhặt “cục máu” và chôn nó. Một nghi thức (chính thức hay không chính thức) cầu cho thai nhi sẽ được cử hành. Người Việt-Nam tin rằng những thai chưa thành hình bị sẩy có mang tính cách thánh thiêng, và mẹ và gia đình của trẻ đôi khi cầu nguyện với trẻ thai đã qua đời. Trong đời sống hằng ngày, người phụ nữ thường tính cả người con bị sẩy trước khi sinh trong tổng số con của bà và kể tuổi thai kỳ là tuổi của đứa trẻ đã chết.

Tuy nhiên, ngày nay khi chính phủ quảng bá ngừa thai và phá thai như sách lược để hạn chế dân số, cái tên “điều hòa kinh nguyệt” được dùng để gọi các phá thai sớm. Cái tên mập mờ tế nhị này gây ra sự mơ hồ trong đầu óc của một số phụ nữ ít hiểu biết. Họ có thể hiểu lầm “điều hòa kinh nguyệt” như một loại ngừa thai mà theo họ, không liên quan đến phá thai và do đó, thực hiện nó không ngần ngại hoặc mặc cảm tội lỗi.

Buồn thay, trong những năm gần đây, thêm vào sự cho phép phá thai như một biện pháp kiểm soát dân số, những kẽ hở của hệ thống giáo dục, chính sách mở cửa của chính phủ (vốn giúp đất nước phát triển), cũng làm du nhập văn hóa phương Tây với nhiều tự do về đời sống tình dục của giới trẻ, phân phối tự do các viên thuốc “ngày hôm sau” (morning after pill) và ít tôn trọng phôi thai. Thực hành phá thai gia tăng một cách đáng sợ. Nhiều lúc những thai bị trục xuất ra khỏi bụng mẹ bị quăng đi hoặc chôn một cách vội vã như để che lấp tội lỗi bởi chính những người mẹ đó. Một phong trào khởi phát do một nhóm phật tử ở Huế thu thập các xác thai nhi bị phá và làm các nấm mộ nhỏ cho các em. Một lần trông thấy vài xác thai nhi bị phơi bày sau cơn mưa do bị chôn nông trong vội vã, linh mục  Nguyễn Văn Đông, ở Pleiku, xây dựng một nghĩa trang dành cho các trẻ bị phá thai. Mục đích của Cha Đông khi làm việc này nhắm đến hai điều: thứ nhất, diễn tả lòng thương cảm và tôn trọng đối với các trẻ chưa sinh kém may mắn này, và thứ đến là để nhắc nhở cha mẹ suy nghĩ lại hành động và trách nhiệm của họ. Một câu được khắc trên bức tường phía trước nghĩa trang: “Chúng con tha thứ cho cha mẹ!” [7] Hành động của Cha Đông đã gây âm vang tốt và các tôn giáo khác cũng bắt đầu hợp tác với nhau để tiếp tục và mở rộng công việc này đồng thời lên tiếng nhắc nhở chính phủ và những nhà giáo dục về nhu cầu cấp thiết cho sự tôn kính sự sống con người, ngay cả đời sống phôi thai. Nói cách khác, tái giáo dục những giá trị truyền thống Việt-Nam về tôn trọng sự sống là một nhu cầu cấp bách của thời đại để xây dựng một nền văn minh tình thương.

Tóm lại

Trong tục lệ lâu đời, người Việt-Nam dường như ngấm ngầm nhìn nhận rằng phôi thai là một con người ngay từ khi mới thụ thai. Mặc dù phát xuất từ nhiều nguồn khác nhau, cái nhìn về phẩm giá phôi thai từ truyền thống Việt-nam và giáo huấn Giáo Hội Công Giáo Rôma, đặc biệt là truyền thống Giáo Hội phương Đông, gần như có chung quan điểm. Đó là sự tôn kính thai nhi ngay từ lúc khởi đầu sự sống, cái hữu thể người mới phát sinh. Phôi thai được nhìn nhận như một con người. Quan điểm này được diễn tả qua các lễ nghi, phân định luân lý và sinh hoạt hàng ngày của người Việt Nam.

Đúng là trong hơn ba thập niên vừa qua, chính sách cho tự do phá thai cùng với điều kiện sống khó khăn đã đẩy một số phụ nữ vào việc phá thai. Giá trị truyền thống Việt-Nam về phôi thai đã tạo nên một đạo đức tốt tôn trọng sự sống rất đáng được bảo tồn và phát huy. Một tục ngữ nói rằng (vốn cũng được Chúa Giêsu nhắc đến trong Mt 7, 16) “Nhìn quả biết cây”. Chưa nại đến những lý luận, chỉ nhìn đến “hoa trái không ngon lành” của việc phá thai và luồng tư tưởng phổ biến hiện đại trong đời sống tình dục, thiếu tôn trọng phôi thai, sự sai lạc của chính sách và thực hành phá thai đó thật hiển nhiên.

Khi nói như vậy, tôi không chối bỏ nhiều khó khăn và thử thách mà nhiều phụ nữ mang thai đang phải đối phó, đặc biệt là khi thai nhi bất thường dị dạng hoặc tính mạng người mẹ bị nguy hiểm. Lưỡng nan này phụ thuộc vào không chỉ người phụ nữ mang thai mà còn phụ thuộc vào mạng lưới gia đình, bà con, cộng đoàn tôn giáo, xã hội và y tế, và nhiều yếu tố quan trọng khác không đề cập đến trong phần nghiên cứu này.

Sau khi lược qua quan điểm Kinh Thánh, truyền thống Công Giáo và giáo huấn Giáo Hội, truyền thống Việt Nam, chúng ta sẽ xem xét quan điểm hiện đại về thân phận và phẩm giá của phôi thai. Thomas Shannon đã viết khá đầy đủ về thân phận của phôi thai và bảo vệ lập trường rằng phôi giai đoạn sớm không phải là con người. Các lập luận của ông sẽ được khảo sát và phê phán trong phần kế tiếp. Lập trường của tôi- ủng hộ giáo huấn chính thức của Giáo Hội Công Giáo, đó là phôi thai là một con người đang trên đường hình thành và phát triển- cũng được trình bày gián tiếp qua phần phê phán lập trường của Shannon và nhóm ủng hộ ông.

 

 


[1]  Được trích dẫn trong Thiện Cẩm, “Có chăng một nền văn hóa Công-giáo Việt nam?” Công-Giáo và Dân Tộc tháng 11/ 2000, số 71), 32.

[2]  Một phỏng vấn riêng của tác giả với các giáo sư này.

[3]  “Quốc Triều Hình Luật: Hình Luật Triều Lê,” biên tập do Nguyễn Sĩ Giác, Vũ Văn Mầu, dịch bởi Lương Thần và Cao Nải Quang (Saigon: Nhà Xuất Bản Nguyễn Văn Của, 1956), 271.

[4] Trung Tâm Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn Quốc Gia, Viện Ngôn Ngữ, Kể chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Hà Nội: Nhà Xuất bản Khoa Học Xã Hội, 1994), 114-115.

[5]  Nguyễn Trãi Tòan Tập, Quyển 1, Mai Quốc Liên, Nguyễn Khuê, Kiều Thu Hoạch, sưu tập và dịch (Thành phố Hồ Chí Minh: Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Gia và Nhà Xuất Bản Văn Hóa,1998), 382, 627, 655.

[6] Toàn Ánh, Nếp Cũ Con Người Việt Nam (Thành Phố Hồ Chí Minh: Nhà Xuất Bản thành phố Hồ Chí Minh, 1992), 38; Nguyễn Trãi, Gia Huấn Ca, 37.

[7] Bích Thủy, “Sau lưng một Thành phố,” Công Giáo và Dân Tộc, tuần báo, tuần lễ 10/7/2005, số 1515-1516) 56-57.