Thân Phận Lữ Hành – Phần Cuối

0
762


 

THÂN PHẬN LỮ HÀNH

Người dịch: Tu sĩ Giuse Nguyễn Trị An, OP.

 

Thân Phận Lữ Hành – Phần I

Thân Phận Lữ Hành – Phần II

    VI. CUỘC HÀNH HƯƠNG CỦA KITÔ HỮU HÔM NAY

32- Mọi Kitô hữu được mời gọi tham dự cuộc lữ hành vĩ đại, mà Chúa Kitô, Giáo hội và nhân loại đã thực hiện và phải tiếp tục hoàn thành trong lịch sử. Đền thánh mà người Kitô hữu quy hướng về phải trở thành “Lều Hội Ngộ”, tên mà Kinh thánh đặt cho nhà tạm chứa giao ước [126]. Thực vậy, ở đó diễn ra một cuộc gặp gỡ nền tảng, mặc khải nhiều chiều kích khác nhau và được trình bày dưới nhiều phương diện khác nhau. Chính vì nhiều khía cạnh như thế mà chúng ta có thể thảo ra những chương trình mục vụ chăm lo cho các cuộc hành hương.

Đối với các Kitô hữu, việc hành hương được xem là một cuộc cử hành đức tin, biểu lộ lòng tôn thờ, và được thực hiện một cách trung thành theo truyền thống, với cảm thức tôn giáo mạnh mẽ, và cũng được xem là việc hoàn trọn cuộc hiện hữu Vượt Qua của mỗi người [127].

Tính năng động của các cuộc hành hương cho thấy rõ một vài giai đoạn trong chuyến đi mà khách hành hương thực hiện. Những giai đoạn ấy trở thành mô thức của đời sống đức tin. Giai đoạn khởi hành cho thấy quyết định của con người muốn tiến tới đích điểm và đạt được những mục tiêu thiêng liêng trong ơn gọi của Bí Tích Rửa Tội; giai đoạn lên đường dẫn họ tới tình liên đới với anh chị em và tới sự chuẩn bị cần thiết cho cuộc gặp gỡ  Chúa Kitô; giai đoạn kính viếng đền thánh mời gọi họ lắng nghe Lời Chúa và cử hành Bí Tích; cuối cùng, giai đoạn trở về nhắc nhớ sứ mạng của Kitô hữu trong thế giới hôm nay, trở thành chứng nhân của ơn cứu độ và trở nên  những người đi xây dựng hoà bình. Cần ghi nhớ rằng, ở từng giai đoạn hành hương, dù thực hiện theo nhóm hoặc cá nhân, các Kitô hữu đều phải biểu lộ rõ nét hành vi thờ phượng, vì điều này sẽ cho thấy chiều kích đúng đắn của chúng, cùng với việc tận dụng những bối cảnh khác nhau như đã được đề nghị trong các sách phụng vụ cho mục đích này.

Những khía cạnh bắt buộc tất cả mọi chuyến hành hương cần phải được thực hiện cách hài hoà với lòng tôn kính các truyền thống riêng nơi mỗi dân tộc và phù hợp với các điều kiện của khách hành hương. Đó là nhiệm vụ của Hội đồng Giám mục ở mỗi quốc gia, soạn thảo các chỉ dẫn mục vụ thích hợp nhất cho những hoàn cảnh khác nhau và thiết định những cấu trúc mục vụ cần thiết giúp nhận ra những điều đó. Khi chăm lo mục vụ cho các cuộc hành hương giáo phận, cần nhận ra vai trò nổi bật của các khu đền thánh. Nhưng, đồng thời, các giáo xứ và các đoàn thể giáo hội khác cũng phải được trình bày trong những cấu trúc mục vụ này, vì giáo xứ có liên hệ trực tiếp với các cuộc hành hương và thường là những địa điểm khởi hành của các nhóm hành hương đông đúc nhất.

Hoạt động mục vụ phải thực hiện được những điều đó, để rồi thông qua các tính chất đặc biệt của mỗi cuộc hành hương, mà người tín hữu hoàn thành một hành trình đức tin hữu ích [128]. Nhờ có huấn giáo thích hợp và hỗ trợ chu đáo từ phía tác nhân mục vụ, mà việc trình bày các khía cạnh nền tảng của việc hành hương Kitô giáo đã mở ra những viễn cảnh mới cho việc thực hiện hành hương trong đời sống Giáo hội.

33- Mục đích trên hết mà cuộc hành hương hướng tới là lều hội ngộ với Thiên Chúa. Ngôn sứ Isaia đã đề cập đến lời Thiên Chúa phán: “Nhà của Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện cho mọi dân” [129]. “Ở cuối con đường, nơi đó trái tim khổ đau của kẻ lữ hành mong ước gặp thấy thánh nhan Thiên Chúa” [130]; khu Đền thánh là nơi hoàn trọn lời Chúa hứa rằng: “Đôi mắt Ta và trái tim Ta sẽ luôn luôn ở đấy” [131], khách hành hương đến Đền thánh sẽ gặp thấy huyền nhiệm Thiên Chúa, khám phá ra tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa. Tín hữu hành hương sẽ có kinh nghiệm này cách đặc biệt khi cử hành Thánh Thể, mầu nhiệm Vượt Qua, Chúa Kitô là “viên mãn của mặc khải về mầu nhiệm khôn dò của Thiên Chúa” [132]; cũng tại các khu Đền thánh, con người chiêm niệm Thiên Chúa, Đấng luôn sẵn lòng trao ban ân sủng trong Đức Thánh Mẫu Maria [133], và Đấng được tán dương rất mực tuyệt vời nơi các thánh nhân [134]. Trong các chuyến hành hương, người tín hữu nhận biết rằng “từ bối cảnh, gốc gác của mình, con người (…) được mời gọi tới đàm đạo với Thiên Chúa” [135], và nhờ thế, con người được trợ giúp để khám phá ra rằng con đường mà chúng ta lãnh nhận, để “ở lại trong sự hiệp nhất nguyên thuỷ với Thiên Chúa”, chính là Đức Kitô, Lời đã thành xác phàm. Hành trình của người Kitô hữu phải cho thấy “điểm trọng yếu này, bởi đó là dấu cho biết Kitô hữu hành hương khác biệt với tất cả khách hành hương của các tôn giáo khác” [136]. Xét cách toàn thể, các cuộc hành hương phải chỉ ra rằng “đối với nhân loại, Đấng Tạo Hoá không phải là một quyền năng nặc danh và xa xôi nào đó, nhưng là Chúa Cha” [137], và tất cả chúng ta là con cái của Người, là anh chị em trong Chúa Kitô. Cần lưu ý điều chỉnh định hướng mục vụ, sao cho chân lý nền tảng của đức tin Kitô giáo [138] không bị lu mờ bởi các phong tục hay truyền thống văn hoá, hoặc bởi những phong trào hay những đường lối tinh thần mới. Tuy nhiên, hoạt động mục vụ sẽ phải nhắm tới mục tiêu là không ngừng hội nhập các sứ điệp tin mừng vào văn hóa của mỗi dân tộc.

Cuối cùng, hiệu năng của các Đền thánh sẽ được lượng định qua khả năng đáp ứng nhu cầu mạnh mẽ muốn “gặp gỡ Thiên Chúa và gặp lại bản thân trong thinh lặng và chú tâm”, [139] đấy là điều mà mọi người cảm nhận được ở bên dưới nhịp điệu điên cuồng của cuộc sống hiện đại. Lộ trình và đích đến của các cuộc hành hương dẫn tới sự tăng trưởng đức tin và hiệp thông với Thiên Chúa qua lời cầu nguyện, và cũng từ đấy, điều ngôn sứ Malakhi xưa kia đã nói nay được thành toàn: “Từ đông sang tây, Danh Ta thật cao cả giữa chư dân; và ở khắp nơi, người ta dâng lễ hy sinh và lễ vật tinh tuyền kính Danh Ta, bởi vì Danh Ta thật cao cả giữa chư dân – Đức Chúa các đạo binh phán” [140].

34- Các cuộc hành hương dẫn đến lều hội ngộ với Lời Chúa. Cảm nghiệm nền tảng của khách hành hương phải là cảm nghiệm về sự lắng nghe, bởi vì “lời Chúa sẽ phán ra từ Giêrusalem” [141]. Vì vậy, quyết tâm tiên khởi của hành trình thánh thiêng này là việc loan báo tin mừng, vốn là sứ mạng đã ăn sâu vào bản tính của các Đền thánh [142]. Việc công bố, tuyên đọc và suy niệm Tin Mừng phải đi kèm với từng giai đoạn trên chuyến hành hương và phải được thực hiện khi người tín hữu tham quan Đền thánh, đúng như lời Thánh Vịnh xưa kia đã nhắc đến: “Lời Chúa là ngọn đèn soi con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” [143].

Các giai đoạn của cuộc hành hương, những hoàn cảnh thúc đẩy, những đích điểm nhắm đến, cộng với sự háo hức, ước mong gắn với đời sống hằng ngày, tất cả làm nên “mảnh đất” đang sẵn sàng đón nhận Lời Chúa [144]; từ đó, Lời Chúa trở nên sức mạnh của niềm tin, nên lương thực của linh hồn, nên nguồn mạch tinh ròng và vĩnh cửu cho đời sống thiêng liêng [145].

Toàn bộ hoạt động mục vụ chăm sóc các chuyến hành hương đều phải nỗ lực tập trung vào chủ đích đem khách hành hương đến gần Lời Chúa hơn. Một mặt, phải sắp xếp, chuẩn bị sẵn một chương trình huấn giáo thích hợp cho đời sống đức tin của khách hành hương, được diễn tả bằng ngôn ngữ văn hóa qua việc sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại. Mặt khác, khi chuẩn bị chương trình huấn giáo nhằm giải thích những sự kiện được tổ chức tại các nơi thánh và giải thích bản chất của các sự kiện ấy, thì vẫn không được quên trình bày các chân lý đức tin theo một phẩm trật đúng đắn [146], và lồng trong khung cảnh của hành trình phụng vụ của Giáo hội [147].

35- Các cuộc hành hương cũng dẫn tới lều hội ngộ với Giáo hội, “cộng đoàn của những người cùng được kêu gọi bởi Lời Chúa, quy tụ thành Dân Thiên Chúa. Nhờ được nuôi dưỡng bởi Mình Thánh Chúa, họ hợp thành Thân thể Chúa Kitô” [148]. Kinh nghiệm sống chung với những anh chị em hành hương cũng trở thành cơ hội để tái khám phá dân Thiên Chúa, một dân đang lữ hành về Giêrusalem hoà bình, trong lời tán dương và ca ngợi, trong tình yêu của một thân thể duy nhất là Chúa Kitô. Khách hành hương phải cảm nhận chính mình là một thành viên trong gia đình của Thiên Chúa, xung quanh có rất nhiều anh chị em cùng một đức tin, dưới sự hướng dẫn của “vị Mục tử vĩ đại của đoàn chiên” [149], Đấng dẫn dắt chúng ta “qua những nẻo đường ngay chính vì Danh Người” [150] dưới sự hướng dẫn hữu hình, cụ thể của các vị mục tử địa phương, mà Chúa đã trao cho sứ mạng dẫn dắt dân Người.

Khi các cuộc hành hương được thực hiện bởi một Giáo xứ, một đoàn thể Giáo hội, một Giáo phận hoặc những đoàn thể lớn hơn, chúng trở thành một dấu chỉ của đời sống Giáo hội [151]. Trong những trường hợp này, người ta có thể nhận ra rằng tất cả những ai tham dự hành hương thì quy tụ lại với nhau làm nên một thành phần của Giáo hội, theo ơn gọi và chức vụ riêng của họ. Sự hiện diện của một vị linh hoạt tâm linh có tầm quan trọng đặc biệt. Sứ mạng vị này nằm trong tác vụ tư tế, theo đó các linh mục “quy tụ gia đình Thiên Chúa lại với nhau trong tình huynh đệ hiệp nhất sống động, và dẫn dắt đoàn chiên đến với Chúa Cha nhờ Chúa Kitô, trong Chúa Thánh Thần,” [152]. Nhằm thi hành sứ vụ này, các linh mục phải có một chương trình huấn giáo đặc biệt, để chuyển trao Lời Chúa cách trung thành và rõ ràng, và cần chuẩn bị tâm lý thích hợp để có thể chào đón và hiểu biết sự khác biệt giữa các đoàn khách đến hành hương. Các linh mục cũng cần hiểu biết lịch sử và nghệ thuật, để hướng dẫn các khách hành hương đi vào kho tàng giáo lý thể hiện trong các tác phẩm nghệ thuật, chúng là những bằng chứng thường hằng của đức tin Giáo hội trong các khu Đền thánh [153].

Mặt khác, khi thi hành tác vụ của mình, các linh mục cũng không bao giờ được quên chức năng đặc biệt của người giáo dân trong một “Giáo hội hiệp thông” [154]. Việc giáo dân tham gia vào đời sống phụng vụ [155] và đời sống huấn giáo của cộng đoàn Giáo hội [156], và khả năng giáo dân trình bày diện mạo Giáo hội trong mỗi nhu cầu khác nhau của con người [157] làm cho họ dễ cộng tác – sau khi chuẩn bị hợp lý và đặc biệt – vào việc cổ võ các cuộc hành hương và giúp đỡ anh chị em trong suốt chuyến hành hương.

Chăm sóc mục vụ cho các cuộc hành hương cũng đòi hỏi phải có sự hỗ trợ tinh thần tương tự dành cho những ai đến hành hương từ những nhóm nhỏ hoặc theo tư cách cá nhân. Trong bất cứ trường hợp nào, người chịu trách nhiệm đón tiếp ở các Đền thánh đều phải sắp xếp trước những phương tiện cần thiết cho khách hành hương, giúp cho khách hành hương nhận ra rằng, chuyến hành hương của họ là một thành phần trong cuộc lữ hành đức tin của toàn thể Giáo hội.

Việc khách hành hương hội ngộ với Giáo hội và việc họ cảm nghiệm mình là thành phần của Thân Thể Chúa Kitô sẽ thúc đẩy tiến trình canh tân đời sống, làm mới lại những lời đã cam kết khi lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội. Một cách nào đó, các cuộc hành hương cũng tái hiện hành trình đức tin mà trước đây đã dẫn họ tới giếng rửa tội [158], và bây giờ được biểu hiện cách mới mẻ nhờ việc họ tham dự vào các Bí Tích.

36- Tuy nhiên, Đền thánh cũng là lều hội ngộ với Bí Tích Hoà Giải. Thực vậy, khi đến Đền thánh, tâm hồn của khách hành hương được chuyển biến; ở đó người ta xưng tội, ở đó người ta được tha thứ và biết tha thứ, ở đó họ trở thành thụ tạo mới nhờ Bí Tích Hoà Giải, ở đó họ cảm nghiệm lòng thương xót và ân sủng của Thiên Chúa. Vì thế, khách hành hương lặp lại kinh nghiệm của người con hoang đàng tội lỗi, kẻ đã trải qua các gian nan, thử thách và biết sám hối, biết ôm lấy những hiến lễ là cuộc trở về, ăn chay, hy sinh. Nhưng anh ta cũng cảm thấy niềm vui khi được Cha ôm ấp, một người Cha giàu lòng thương xót, Đấng đưa anh ta từ cõi chết về với sự sống: “Con Ta đã chết nay lại sống; đã thất lạc nay lại tìm thấy” [159]. Vì vậy, các Đền thánh phải thường xuyên cử hành Bí Tích Hoà Giải, có chương trình phụng vụ được chuẩn bị tốt nhất, có các thừa tác viên luôn sẵn sàng ngồi toà vào thời gian đã ấn định, có sách cầu nguyện và sách hát, để việc sám hối cá nhân được ghi dấu thánh và được thực hiện đúng như Giáo hội hướng dẫn.

Các cuộc hành hương đến Đền thánh phải là một hành trình hoán cải, được nuôi dưỡng bởi một niềm hy vọng vững chắc vào chiều sâu và sức mạnh vô tận của ơn tha thứ do Thiên Chúa trao ban; một con đường hoán cải “cho thấy yếu tố nổi bật nhất trong chuyến hành hương của mỗi người trên trần thế trong thân phận kẻ lữ hành (in statu viatoris)” [160]. 

37- Đích đến của các cuộc hành hương phải là lều hội ngộ Thánh Thể với Chúa Kitô. Nếu Kinh Thánh là quyển sách hạng nhất của những người lữ hành, thì Bí Tích Thánh Thể là tấm bánh nuôi dưỡng họ trên đường đi, vì đó là lương thực cho ông Êlia trong hành trình tới núi Horep [161]. Hoà giải với Thiên Chúa và với anh chị em sẽ dẫn đến việc cử hành Thánh Thể. Điều này hỗ trợ những giai đoạn khác nhau trong các chuyến hành hương, mà các chuyến hành hương lại phải phản ánh hành trình xuất hành – vượt qua của con người, nhưng trên hết là cuộc lữ hành của Đức Kitô, Đấng đã cử hành lễ Vượt Qua của Người tại Giêrusalem, mà chặng cuối của hành trình, Đức Giêsu hướng về thập giá và vinh quang. Vì vậy, theo những chỉ dẫn phụng vụ tổng quát và những chỉ dẫn của các Hội đồng Giám mục địa phương, “ở những Đền Thánh, các phương tiện của ơn cứu độ phải được chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tín hữu: bằng cách công bố Lời Chúa, khích lệ đời sống Phụng vụ, đặc biệt cử hành Thánh Thể và sám hối, và khuyến khích những hình thức đạo đức bình dân phù hợp” [162].

Cần có chương trình mục vụ dành cho các khách hành hương đến Đền thánh để cử hành những sự kiện đặc biệt của cuộc đời, với việc lắng nghe Lời Chúa và cử hành Thánh Thể. Trong niềm vui của sự kiện đó, mong rằng họ sẽ nhận ra Lời Chúa mời gọi hãy trở nên những sứ giả Tin Mừng trong đời sống thường nhật và trở nên những người đi xây dựng Nước Thiên Chúa, kiến tạo công lý và hoà bình.

38- Từ đó, dễ dàng hiểu được rằng các cuộc hành hương cũng là lều hội ngộ với tình yêu. Ở đây, trên tất cả là tình yêu của Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương chúng ta đến nỗi trao ban Con của Người cho trần gian. Tình yêu này không chỉ được bày tỏ qua việc Đức Kitô trở nên một hy lễ chuộc tội chúng ta, mà còn được thể hiện qua những dấu lạ như chữa lành hay ủi an, vì chính Chúa Kitô đã làm những điều đó trong suốt cuộc đời trần thế của Người, và điều này vẫn còn được lặp lại trong chiều dài lịch sử của các khu Đền thánh.

“Vì Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước, nên chúng ta cũng phải yêu thương nhau” [164]. Tình yêu được nuôi dưỡng trong suốt chuyến hành hương, bằng việc giúp đỡ những người nghèo khổ nhất, chia sẻ lương thực, thời gian và hy vọng, với nhận thức rằng chỉ trong cách thức này chúng ta mới có được những người bạn cùng lữ hành trên đường. Một biểu hiện quý giá của lòng bác ái như thế là tập tục được thực hiện ở vài nơi, qua đó các tín hữu hành hương diễn tả tâm tình đạo đức qua việc quyên góp tài vật để giúp đỡ những anh chị em nghèo khổ nhất. Hoạt động mục vụ nên khích lệ những việc làm bác ái như thế, và ghi nhớ rằng phải luôn tôn trọng cảm nghiệm của khách hành hương và những sáng kiến của họ khi tỏ bày ý định trao quà, giúp đỡ người khác. Trong ý nghĩa này, nên chú ý nhiều đến công việc đang được tiến hành trong một vài Đền thánh, đó là cộng tác với nhiều tổ chức bác ái, để trợ giúp cộng đồng các quốc gia đang phát triển. Phải dành tình thương đặc biệt cho những người đau ốm trong đoàn hành hương, vì lời Chúa dạy: “Các ngươi làm điều đó cho một trong những kẻ bé mọn nhất đây là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” [165]. Trợ giúp những khách hành hương đau ốm là biểu hiện quan trọng nhất của tình yêu, sẽ nuôi dưỡng tâm hồn các Kitô hữu đang tiến về Đền thánh. Trên tất cả, những khách hành hương đau ốm phải nhận được sự tiếp đón nồng hậu nhất. Do đó, cần phải có những cách tiếp đón, cung cấp các dịch vụ, chuẩn bị phương tiện thông tin truyền thông và di chuyển, tân trang các thiết bị và điều hành với lòng nhiệt thành, quan tâm và yêu thương. Về phần mình, những người đau ốm nên để cho tình yêu của Chúa Kitô chiếu sáng tâm hồn, nhờ thế biết sống cuộc đời đau yếu của mình như một hành trình ân sủng và quà tặng cho chính bản thân. Việc hành hương đi tới các Đền thánh, nơi đó ân sủng của Thiên Chúa được biểu hiện thông qua “những dấu hiệu” đặc biệt, sẽ giúp cho những người đau ốm trở thành những nhà rao giảng Tin Mừng ngay giữa cộng đoàn những người đau khổ. Vì thế, từ việc là “những đối tượng cần đến lòng thương xót”, họ trở thành “những chủ thể cam kết hành động”, “những kẻ lữ hành của Thiên Chúa” đúng nghĩa trên mọi nẻo đường thế giới. 

39- Tuy nhiên, các cuộc hành hương cũng dẫn tới lều hội ngộ với nhân loại. Tất cả các tôn giáo trên thế giới, như đã đề cập ở trên, cũng có những hành trình thánh thiêng và những vùng đất thiêng liêng của họ. Ở mọi nơi trên trái đất, chính Thiên Chúa trở nên một cuộc hội ngộ với kẻ lữ hành và Người công bố lời hiệu triệu hoàn vũ đến thông dự trọn vẹn vào niềm vui của Abraham [166]. Đặc biệt, ba tôn giáo độc thần lớn được mời gọi tái tìm kiếm “lều hội ngộ” trong đức tin, nhờ đó họ có thể minh chứng và xây dựng một nền công lý và hoà bình của Đấng Mêsia trước mọi dân tộc, để giải phóng lịch sử.

Về phía những người chăm sóc mục vụ, phải đặc biệt chú ý: các Đền thánh Kitô giáo là đích đến của nhiều chuyến hành hương do các tín hữu thuộc các tôn giáo khác nhau thực hiện, vì truyền thống thế tục và vì những vấn đề di cư hiện nay. Điều này thu hút chương trình mục vụ của Giáo hội, tập trung đáp ứng các hoạt động: tiếp khách, đối thoại, hỗ trợ và biểu lộ tình huynh đệ đại đồng [167]. Hiếu khách, nồng hậu tiếp đón những người đến viếng Đền thánh, chắc chắn sẽ giúp họ khám phá ra ý nghĩa lớn lao của các chuyến hành hương. Đối với họ, Đền thánh là nơi tôn kính, mà chính chúng ta phải tỏ lộ lòng tôn kính trước hết qua niềm tin tưởng tuyệt đối vào Chúa Kitô, Đấng cứu độ nhân loại [168].

Cũng cần lưu ý rằng, ngoài việc tổ chức các hội nghị đại kết và buổi họp mặt liên tôn, các Kitô hữu phải tới gần những ai tìm kiếm Thiên Chúa với một trái tim chân thành qua các nẻo đường tinh thần, thậm chí cách mò mẫm “tuy rằng Thiên Chúa không ở nơi xa xôi gì” [169]. Chuyến hành hương của họ, thường được thực hiện ở vùng đất lạ, dẫn tới hiểu biết thêm về các truyền thống và văn hoá khác nhau. Vì thế, hành hương phải được chuyển thành một cơ hội hiệp thông trong kết đoàn với những giá trị của các dân tộc khác, của những anh chị em trong nhân loại mà mỗi chúng ta chia sẻ trong cùng nguồn gốc từ một Đấng Sáng Tạo.

Những chuyến hành hương cũng là thời gian sống chung với những người ở các độ tuổi khác nhau và có các nền tảng giáo dục khác nhau. Cần phải đi với nhau, để có thể tiếp tục đồng hành trong đời sống xã hội và giáo hội. Các bạn trẻ đi theo những nẻo đường của họ và hướng tới ngày Đại Hội Giới Trẻ thế giới; đôi khi những người cao niên và các bệnh nhân, cùng đi với các bạn trẻ, hướng về những Đền thánh cổ truyền. Ngay trong sự khác biệt của họ, các khách hành hương cùng nhau hoàn trọn điều mà Thánh vịnh xưa đã nói: “Bậc vua chúa cũng như hàng lê thứ, khanh tướng công hầu, thủ lãnh trần gian, ai là nam thanh, ai là nữ tú, khắp mặt bô lão, khắp mặt nhi đồng! Nào ca tụng thánh danh Đức Chúa, vì thánh danh Người cao cả vô song và oai phong vượt quá đất trời” [170].

40- Các chuyến hành hương cũng có mục đích là lều hội ngộ cá nhân với Thiên Chúa và với chính mình. Bị đánh mất trong sự đa dạng của những lo toan cuộc sống hằng ngày, con người cần khám phá chính mình nhờ việc suy niệm, cầu nguyện, kiểm điểm lương tâm, thinh lặng. Trong lều thánh là khu đền thánh người ta đến hành hương, họ phải tự vấn linh hồn “sẽ ở lại trong bóng đêm” bao lâu, như Isaia đã thể hiện trong ca khúc của người lính canh: “Sáng đến rồi và cả đêm cũng đến, còn muốn hỏi gì cứ việc hỏi. Nhưng hãy trở lại đây, hãy đến đây” [171]. Những câu hỏi quan trọng về ý nghĩa hiện hữu, về sự sống, sự chết, về cùng đích của đời người, phải vọng lại trong tâm hồn của khách hành hương, để rồi hành trình họ đi sẽ không chỉ là một sự chuyển động của thể xác nhưng còn là một hành trình của tâm hồn. Trong sự tĩnh tại nội tâm, Thiên Chúa sẽ mặc khải chính Ngài một cách chuẩn xác là một “tiếng gió hiu hiu” [172] làm lay chuyển tâm hồn và hiện hữu của con người. Chỉ trong cách thức này, khách hành hương sẽ không quay lại tính xao nhãng và nông cạn khi họ về nhà, nhưng bảo tồn được một khoảnh khắc sáng láng mà họ đã nhận được trong linh hồn và sẽ cảm thấy nhu cầu cần phải lặp lại cái cảm nghiệm “thành toàn cá nhân” trong tương lai, “ấp ủ trong lòng giấc mộng hành hương” [173]. Thế rồi, khách hành hương hoàn tất lộ trình, có sự hỗ trợ của Giáo hội qua lời cầu nguyện và những thực hành tận hiến đơn giản nhất, qua những giây phút thinh lặng cầu nguyện riêng tư, qua việc chiêm niệm xuất phát từ tâm hồn của những kẻ nghèo khổ nhất, những kẻ “hướng đôi mắt (…) vào tay ông chủ” [174].

41- Trong lúc hành hương, nhiều người cũng có cơ hội để đi vào lều hội ngộ vũ trụ với Thiên Chúa. Các Đền thánh thường toạ lạc trong những nơi có khung cảnh rộng lớn, thể hiện những hình thức nghệ thuật hấp dẫn; các Đền thánh thường tập trung những địa danh lịch sử xa xưa; chúng cho thấy một nền văn hoá cao cấp và phổ thông. Vì thế, các cuộc hành hương không nên bỏ qua chiều kích tinh thần này. Trên tất cả, cần hiểu rằng một khuynh hướng đánh giá cao thiên nhiên sẽ mặc khải chiều kích tâm linh của con người hiện đại. Điều này đã có thể trở thành chủ đề của nhiều giờ phút suy niệm và cầu nguyện, từ đó khách hành hương tán dương Thiên Chúa vì các tầng trời công bố vinh quang Người [175], và họ có thể cảm nhận rằng mình được kêu gọi trở thành một người phục vụ thế giới trong thánh thiện và công bình [176].

Cũng nên chú ý rằng, xét trên một vài cách thức, mỗi cuộc hành hương đều biểu lộ một khía cạnh du lịch tôn giáo, được hoạch định không chỉ vì kho tàng văn hoá của con người, nhưng còn hướng về một sự thành toàn đời sống tinh thần. Chiêm niệm cái đẹp là một nguồn mạch đời sống tâm linh. Vì vậy, “trong các Đền thánh hoặc ở những khu vực bên cạnh đó, phải trưng bày hợp lý và giữ gìn cẩn thận các tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng” [177]. Phải giới thiệu cho khách hành hương những kho tàng này, thông qua những lời chỉ dẫn hoặc các vật dụng khác nữa, để rồi, nhờ cái đẹp nghệ thuật và đặc tính tự phát của những chứng tích đức tin lâu đời này, họ có thể vui mừng ca khen Thiên Chúa và hy vọng nhờ nghệ thuật [178], nhiều người có thể bình thản chiêm niệm những điều kỳ diệu trong vũ trụ,  đồng thời “nhờ nét hùng vĩ và vẻ đẹp của các loài thụ tạo (…), bằng loại suy, họ chiêm ngắm tác giả của chúng” [179].

Hoạt động mục vụ phải quan tâm đến tất cả những ai rảo bước hành hương vì nhiều lý do khác, như thói quen văn hoá hoặc tận dụng thời gian rảnh. Cách thức trình bày những nơi chốn và những công trình nghệ thuật sẽ chỉ ra mối tương quan đặc biệt của chúng với hành trình tâm linh của con người, với đích đến thiêng liêng mà chúng dẫn tới con người đến, với kinh nghiệm đức tin đã khởi nguồn từ chúng; những nơi chốn và những công trình ấy vẫn còn sống động. Phải cung cấp thông tin này cho những ai tổ chức các chuyến đi, như thế, người ta sẽ biết tôn trọng hết mức những nơi chốn và công trình nghệ thuật, để chúng có thể cộng tác thực sự vào kho tàng văn hoá phong phú và góp phần thăng tiến tinh thần của khách du lịch.

42- Cuối cùng, các chuyến hành hương cũng thường là con đường để đi vào lều hội ngộ với Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa. Nơi Mẹ Maria, hành trình của Ngôi Lời đến với trần thế đã gặp gỡ hành trình đức tin của cả nhân loại [180], Mẹ là “Đấng đã tiên phong trong cuộc lữ hành đức tin” [181], vì thế Mẹ trở nên “ánh sao soi sáng cho hành trình rao giảng Tin Mừng” [182] của toàn thể Giáo hội. Các khu Đền thánh lớn kính Đức Mẹ (như Lộ Đức, Fatima hay Loreto; Czestochowa, Altötting hay Mariazell; Guadalupe, Aparecida hay Luján) và nhiều  Đền thánh nhỏ khác nữa, có cả hàng ngàn hàng vạn dân địa phương thể hiện tâm tình tận hiến, có thể là những nơi sáng giá cho các cuộc gặp gỡ với Đức Kitô, Con dấu ái của Mẹ, Đấng Mẹ trao cho chúng ta. Cung lòng của Mẹ chính là thánh điện đầu tiên, là lều hội ngộ giữa Thiên Chúa và nhân loại, nơi đó Thánh Thần ngự xuống và “quyền năng Đấng Tối Cao rợp bóng” trên Mẹ [183].

Các Kitô hữu lữ hành với Đức Maria trên mọi nẻo đường yêu thương và cũng gắn kết với bà Elizabeth, đại diện cho các anh chị em trên thế giới, mà chúng ta phải liên kết với họ trong sợi dây đức tin và tâm tình ngợi khen Thiên Chúa [184]. Lời tán tụng Magnificat đã trở thành một bài ca bất hủ, không chỉ thuộc về cuộc lữ hành của Đức Maria, nhưng còn là của mỗi người chúng ta trong niềm hy vọng [185]. Các Kitô hữu cùng đi với Đức Maria trên các nẻo đường thế giới, tiến thẳng tới đồi Canvê và ở bên cạnh Mẹ, như người môn đệ được Chúa thương mến xưa đã ở cạnh Mẹ; nhờ thế, Chúa Kitô trao Mẹ cho chúng ta, và Mẹ trở thành Mẹ của mỗi người Kitô hữu chúng ta [186]. Các Kitô hữu cùng lữ hành với Đức Maria trên con đường đức tin, để cuối cùng đi đến Phòng tiệc ly, và ở đó, cùng với Mẹ, chúng ta đón nhận hồng ân Thánh Thần từ Chúa Phục Sinh, Con của Mẹ,

Phụng vụ và đạo đức Kitô giáo cung cấp cho khách hành hương rất nhiều mẫu thức mà nhờ đó, họ có thể đến với Mẹ Maria, một người đồng hành với nhân loại. Họ phải tham khảo những mẫu thức này, trên hết, ghi nhận rằng những việc đạo đức hướng về Đức Trinh nữ Maria phải thể hiện rõ ràng chiều kích Ba Ngôi và Kitô luận một cách thực chất, cơ bản [188]. Bằng việc nuôi dưỡng tâm tình yêu mến và dâng hiến cho Mẹ [189], khách hành hương sẽ làm phong phú thêm kho tàng các việc đạo đức, tận hiến cho Mẹ trong đời sống Giáo hội, bằng những hình thức mới và những cách biểu hiện mới xuất phát từ cảm thức sâu thẳm nhất trong tâm hồn.

KẾT LUẬN

43- Các cuộc hành hương biểu trưng cho kinh nghiệm của “con người lữ hành” (homo viator), kẻ đã lên đường ngay từ khi rời khỏi cung lòng của mẹ, trên hành trình trải qua không gian và thời gian của cuộc đời. Đây là kinh nghiệm nền tảng của Israel, một kinh nghiệm đang hướng về miền đất hứa của ơn cứu độ và tự do hoàn toàn; đây cũng là kinh nghiệm của Đức Kitô, Đấng đã về trời từ vùng đất Giêrusalem, nhờ đó, Người mở ra con đường về với Chúa Cha; đây còn là kinh nghiệm của toàn thể Giáo hội, vốn đang bước đi trên dòng lịch sử hướng về Giêrusalem trên trời; đây cũng là kinh nghiệm của toàn thể nhân loại vốn đang hướng về niềm hy vọng và sự viên mãn. Mỗi khách hành hương nên tuyên xưng: “Nhờ ân sủng Thiên Chúa, tôi là một con người và là một Kitô hữu; bằng hành động của tôi, một kẻ tội lỗi vô cùng; bằng thân phận của tôi là một lữ khách không có chỗ tựa đầu, là một kẻ trong số những người bé mọn nhất đang lang thang từ nơi này đến nơi khác. Tài sản của tôi là một chiếc bị trên đôi vai với một mẩu bánh mì khô và một quyển Kinh Thánh mà tôi mang dưới tấm áo của mình. Hàng trang của tôi chẳng có cái gì khác nữa.” [190]

Lời Chúa và Thánh Thể trợ giúp chúng ta trong hành trình hướng về Giêrusalem Thiên Quốc. Các Đền thánh là một dấu chỉ hữu hình, sống động về điều này. Khi chúng ta đi tới nơi đó, các cánh cổng Nước Trời sẽ mở ra, chúng ta sẽ bỏ lại trang phục lữ hành và những hành trang cơ bản của người lữ khách, rồi bước vào ngôi nhà đích thực của chúng ta một cách dứt khoát, để “ở với Thiên Chúa chúng ta mãi mãi” [191]. Nơi đó, Người sẽ ở giữa chúng ta như “một Đấng phục vụ” [192], chia sẻ bữa ăn với chúng ta, ở bên cạnh chúng ta” [193].

Ngày 11 tháng 04 năm 1998, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, cho phép xuất bản tài liệu này.

Vaticano, 25 tháng 4 năm 1998. 

Hồng y Giovanni CHELI, Chủ tịch
Tổng giám mục Francesco GIOIA, Tổng thư ký 

 

********************

 

 

 

CHÚ THÍCH

[126] X. Xh 27, 21; 29, 4.10-11.30.32.42.44. 

[127] X. BỘ PHỤNG TỰ, Những định hướng và đề nghị cho việc cử hành Năm Thánh Mẫu (3/4/1987),  Notitiae 23 (1987) tr. 342-396. 

[128] X. ĐGH GIOAN PHAOLÔ II, Diễn từ cho một nhóm giám mục Hoa kỳ “ad limina” (21/9/1993): AAS 86 (1994) tr. 495. 

[129] Is 56,7. 

[130] ĐGH GIOAN PHAOLÔ II, Diễn từ cho các người tham dự Hội nghị Quốc tế lần I về việc chăm sóc mục vụ các thánh điện và các chuyến hành hương (28/2/1992): Insegnamenti di Giovanni Paolo II, XV,1 (1992) p. 490. 

[131] 1 V 9, 3. 

[132] ĐGH GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp Dives in misericordia, 8. 

[133] X. ibid., 9. 

[134] X. CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Hiến chế Lumen Gentium, 50. 

[135] X. CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Hiến chế Gaudium et Spes, 19. 

[136] ĐGH GIOAN PHAOLÔ II, Tông thư Tertio Millennio Adveniente, 6. 

[137] ĐGH PHAOLÔ VI, Tông huấn Evangelii Nuntiandi, 26. 

[138] X. Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo, 240. 

[139] ĐGH GIOAN PHAOLÔ II, Thư nhân kỷ niệm 700 năm Nhà Đức Mẹ ở Loreto (15/8/1993):  Insegnamenti di Giovanni Paolo II, XVI,2 (1993) tr. 533. 

[140] Ml 1, 11. 

[141] Is 2, 3. 

[142] X. ĐGH GIOAN PHAOLÔ II, Tông huấn Catechesi tradendae,47. 

[143] Tv 119, 105. 

[144] x. ĐGH GIOAN PHAOLÔ II, Diễn từ cho các vị giám đốc các cuộc hành hương bên Pháp (17/10/1980): Insegnamenti di Giovanni Paolo II, II,2 (1980) tr. 894-897. 

[145] X. CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Hiến chế Dei Verbum, 21. 

[146] X. ĐGH PHAOLÔ VI, Tông huấn Evangelii Nuntiandi, 25. 

[147] X. CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium, 102; BỘ PHỤNG TỰ, Collectio Missarum de beata Maria Virgine, Nhập đề, 6. 

[148] Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo, 777. 

[149] Dt 13, 20. 

[150] Tv 23, 3. 

[151] X. ĐGH GIOAN PHAOLÔ II, Diễn từ cho các giám mục Pháp “ad limina” (4/4/1992):  AAS 85 (1993) tr. 368. 

[152] CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Sắc lệnh Presbyterorum Ordinis, 6. 

[153] X. ĐGH GIOAN PHAOLÔ II, Tông huấn Pastores dabo vobis (4/4/1992), 71-72: AAS 84 (1992) tr. 782-787. 

[154] X. ĐGH GIOAN PHAOLÔ II, Tông huấn Christifidelis laici, 18. 

[155] X. ibid., 23. 

[156] X. ibid., 34. 

[157] X. ibid., 7. 

[158] X. ĐGH GIOAN PHAOLÔ II, Bài giảng tại Vương cung thánh đường Aparecida, Brazil (4/7/1980):  Insegnamenti di Giovanni Paolo II, III, 2 (1980) tr. 99. 

[159] Lc 15, 24. 

[160] ĐGH GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp Dives in misericordia, 13. 

[161] X. 1 V 19, 4-8. 

[162] Bộ Giáo luật, điều 1234 § 1. 

[163] X. 1 Ga 4, 10. 

[164] 1 Ga 4, 11. 

[165] Mt 25, 40. 

[166] X. ĐGH PHAOLÔ VI, Tông huấn Gaudete in Domino, ch.V.  

[167] ĐGH GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp Redemptoris Missio, 37. 

[168] X. 1 Tm 2, 5. 

[169] Cv 17,27. 

[170] Tv 148, 11-13. 

[171] Is 21, 12. 

[172] 1 V 19, 12. 

[173] Tv 84, 6. 

[174] X. Tv 123, 2. 

[175] X. Tv 19, 2. 

[176] X. Kn 9, 3. 

[177] Bộ Giáo luật, điều 1234 § 2. 

[178] X. Tv 47, 7.  

[179] Tv 13, 5; x. Rm 1, 19-20. 

[180] X. ĐGH PHAOLÔ VI, Tông huấn Marialis cultus, 37. 

[181] ĐGH GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp Redemptoris Mater, 25. 

[182] X. ĐGH PHAOLÔ VI, Tông huấn Evangelii Nuntiandi, 82. 

[183] Lc 1, 35. 

[184] X. Lc 1, 39-56. 

[185] ĐGH GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp Redemptoris Mater, 37. 

[186] X. Ga 19, 26-27. 

[187] X. Cv 1, 14; 2, 1-4. 

[188] X. ĐGH PHAOLÔ VI, Tông huấn Marialis cultus, 25. 

[189] X. CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Hiến chế Lumen Gentium, 67. 

[190] Vô Danh, Người lữ hành nước Nga, I. 

[191] 1 Tx 4, 17. 

[192] Lc 22, 27. 

[193] X. Kh 3, 20.