TGH Gioan Phaolô II: Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh – Bài 7

0
808

BÀI 7: HỘI THÁNH CŨNG LÀ MỘT SỰ KIỆN LỊCH SỬ

Mặc dù Hội Thánh mang đầy tính mầu nhiệm, nhưng Hội Thánh cũng là một thực tại lịch sử, bắt đầu ở Giêrusalem và lan rộng trên khắp hoàn cầu.

Đức thánh cha tiếp tục bài giáo lý về Hội Thánh trong buổi tiếp kiến chung thứ Tư, ngày 11 tháng Chín. Trong bài nói chuyện hôm nay, ngài bàn về công trình của Đức Kitô trong việc thiết lập Hội Thánh như là “vương quốc của Đức Kitô đã hiện diện trong mầu nhiệm”.

1. Trong kế hoạch vĩnh cửu của Chúa Cha, Hội Thánh được cưu mang và được kỳ vọng là vương quốc của Thiên Chúa và Con của Người, Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời nhập thể. Hội Thánh được thành hình trong thế giới như là một sự kiện lịch sử. Mặc dù, Hội Thánh, chắc chắn, chất chứa trong mình các mầu nhiệm, cùng với các phép lạ ở buổi bình minh và có thể nói là suốt dọc dài lịch sử, nhưng, Hội Thánh vẫn hiện diện trong phạm vi của những điều có thể quan sát được, kiểm chứng được và chứng minh được.

Về mặt này, Hội Thánh khởi đầu với nhóm Mười Hai môn đệ do chính Đức Giêsu chọn giữa muôn vàn những kẻ theo Người (x. Mc 3,13-19;Ga 6,70; Lc 6,13), và họ được gọi là các Tông đồ (x.Mt 10,1-5; Lc 6,13). Đức Giêsu gọi họ, Người đào tạo họ cách đặc biệt, và cuối cùng, sai họ đi vào thế gian như những chứng nhân và những người rao giảng sứ điệp, cuộc khổ nạn và sự phục sinh của Người. Trên nền tảng này, Người sai các ông đi thiết lập Hội Thánh như là vương quốc của Thiên Chúa, dù vương quốc này luôn đặt nền trên Đức Kitô (x. 1Cr 3,11; Ep 2,20).

Sau biến cố thăng thiên, nhóm các môn đệ tụ họp xung quanh các Tông đồ và Đức Maria để đón chờ Chúa Thánh Thần đến như lời Đức Giêsu đã hứa. Thật ra, khi đối diện với “lời hứa của Chúa Cha” mà Đức Giêsu đã lặp lại đang khi dùng bữa, một lời hứa liên quan đến “phép rửa trong Thánh Thần” (Cv 1,4-5), họ hỏi Thầy mình: “Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Israel không?” (Cv 1,6). Rõ ràng, tâm trí họ vẫn bị ảnh hưởng bởi niềm hy vọng về vương quốc thiên sai; đó là niềm mong chờ của dân Israel về sự khôi phục tạm thời của nhà Đavít (x. Mc 11,10; Lc 1,32-33). Đức Giêsu đã chặn họ khỏi niềm mong đợi này, và tái khẳng định lời hứa của Người: “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8).

2. Vào ngày lễ Ngũ Tuần – mà đối với người Israel, đây là ngày lễ mùa gặt (x. Xh 23,16), nhưng cũng là lễ canh tân giao ước (x.2Sb 15,10-13)- lời hứa của Đức Kitô được thực hiện theo cách mà ngày nay ai cũng biết: dưới tác động của Thánh Thần, nhóm các Tông đồ và các môn đệ được kiện cường, và những người đầu tiên được hoán cải nhờ lời giảng của các Tông đồ, đặc biệt là của thánh Phêrô, quy tụ quanh các Tông đồ. Sự phát triển của cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi bắt đầu theo cách này (Cv 2,41) và Hội Thánh ở Giêrusalem được thiết lập (x. Cv 42,47) và nhanh chóng lớn mạnh và mở rộng đến các thành phố, vùng miền, và dân tộc khác – thậm chí đến Rome! – nhờ vào động lực nội tại của mình do Chúa Thánh Thần thúc đẩy, cũng như nhờ vào hoàn cảnh buộc các Kitô hữu phải chạy trốn khỏi Giêrusalem và Giuđêa, rồi bị phân tán ở nhiều vùng khác nhau, và nhờ vào công khó của các Tông đồ muốn thực hiện lệnh truyền Phúc âm hóa vũ hoàn của Đức Kitô.

Đây là một sự kiện lịch sử về buổi khai nguyên của Hội Thánh được thánh Luca mô tả trong sách Công vụ Tông đồ, và được bổ túc nhờ vào các bản văn Kitô giáo và ngoài Kitô giáo khác ghi chép về sự lan rộng của Kitô giáo và sự hiện diện của các Hội Thánh khác nhau trên khắp vùng Địa Trung Hải – và hơn thế nữa – vào những thập kỷ cuối thế kỷ thứ nhất.

3. Bối cảnh lịch sử của sự kiện này chứa đựng yếu tố mầu nhiệm của Hội Thánh, như công đồng Vatican II nói: “Để chu toàn thánh ý Chúa Cha, Đức Kitô đã khai nguyên nước trời nơi trần gian này và mạc khải cho chúng ta mầu nhiệm của Người, và thực hiện việc cứu thế bằng việc vâng phục Chúa Cha. Hội Thánh – tức là vương quốc của Đức Kitô – đã hiện diện cách mầu nhiệm, phát triển trong thế gian cách hiển nhiên nhờ thần lực Thiên Chúa” (LG, 3). Những lời này đã tổng hợp các bài giáo lý trước đây về sự khai nguyên của vương quốc Thiên Chúa trên trần gian trong Đức Kitô và nhờ Đức Kitô, đồng thời cũng chỉ ra rằng: Hội Thánh được được đưa vào hiện hữu nhờ Đức Kitô để vương quốc ấy có thể tồn tại và phát triển trong Hội Thánh và qua Hội Thánh trong dòng lịch sử của nhân loại trên mặt đất.

Từ khi bắt đầu sứ vụ thiên sai, Đức Giêsu Kitô rao giảng về sự hoán cải và kêu gọi mọi người đến với đức tin: “Hãy sám hối, và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Người đã giao cho các Tông đồ và Hội Thánh nhiệm vụ liên kết mọi người trong sự hiệp nhất đức tin bằng cách mời gọi họ bước vào cộng đoàn đức tin mà Người thiết lập.

4. Cộng đoàn đức tin cũng là cộng đoàn ơn cứu độ. Đức Giêsu lặp đi lặp lại rằng: “Con Người đến để tìm kiếm và cứu những gì đã hư mất” (Lc 19,10). Ngay từ đầu, người biết và công bố sứ vụ của Người là “đem tin vui cho người nghèo, công bố sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm và lấy lại ánh sáng cho người mù” (x. Lc 4,18). Người biết và công bố rằng, Người được Cha sai đến làm Đấng Cứu Độ (x. Ga 3,17; 12,47). Đây là lý do vì sao Người quan tâm đặc biệt đến người nghèo và người tội lỗi.

Do đó, Hội Thánh thực sự bắt đầu và phát triển như một cộng đoàn của ơn cứu độ. Công đồng Vatican II nhấn mạnh điểm này trong sắc lệnh Ad gentes: “Giờ đây, những gì Chúa đã rao giảng hay đã thực hiện để cứu rỗi nhân loại, phải được công bố và loan truyền cho đến tận cùng trái đất, bắt đầu từ Giêrusalem, như thế những gì đã được thực hiện chỉ một lần để cứu rỗi mọi người, sẽ có hiệu lực phổ quát” (Ad gentes, số 3). Việc truyền giáo và các sứ vụ của Hội Thánh trên khắp thế giới bắt nguồn từ nhu cầu truyền bá ơn cứu độ, được diễn tả trong Tin Mừng và sách Công vụ Tông đồ.

5. Sách Công vụ Tông đồ chứng thực rằng, trong Hội Thánh sơ khai, tức là trong cộng đoàn Giêrusalem, có một đời sống cầu nguyện nhiệt thành và các Kitô hữu tụ họp nhau để “bẻ bánh” (Cv 2,42tt). Trong ngôn ngữ của Kitô giáo, cụm từ này ám chỉ nghi thức Thánh Thể (x. 1Cr 10,16; 11,24, Lc 22,19; …).

Đức Giêsu thực sự đã muốn Hội Thánh của Người là cộng đoàn thờ phượng Thiên Chúa trong Thần Khí và sự thật. Đây là ý nghĩa mới của việc thờ phượng mà Người đã dạy: “Nhưng giờ đã đến – và chính là lúc này đây– giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế” (Ga 4,23). Đức Giêsu đã nói như thế khi trò chuyện với người phụ nữ Samari. Nhưng việc thờ phượng trong Thần Khí và sự thật không loại trừ bất kỳ yếu tố hữu hình nào; nó cũng không loại trừ các dấu chỉ và nghi thức phụng vụ mà các Kitô hữu tiên khởi đã quy tụ cả trong Đền Thờ (x.Cv 2,46) và tại tư gia (x. Cv 2,46; 12,12). Trong cuộc nói chuyện với Nicôđêmô, chính Đức Giêsu đã ám chỉ đến nghi thức Phép Rửa: “Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí” (Ga 3,5). Đó là bí tích đầu tiên của cộng đoàn mới, bí tích đem lại sự tái sinh nhờ Thánh Thần, và là cửa ngõ vào vương quốc Thiên Chúa, được biểu thị bằng nghi thức khả thị là đổ nước (x. Cv 2,38.41).

6. Biểu hiện cao cả nhất của việc thờ phượng mới – trong Thần Khí và sự thật – là Thánh Thể. Việc thiết lập bí tích này là điểm then chốt cho việc hình thành Hội Thánh. Trong tương quan với bữa ăn Vượt qua của Israel, Đức Giêsu đã muốn và đã thiết lập bí tích ấy như một bàn tiệc, nơi đó Người trao ban chính mình dưới hình dạng của đồ ăn, thức uống: bánh và rượu, dấu chỉ của việc chia sẻ sự sống thần linh – sự sống vĩnh cửu – với những ai tham dự vào bàn tiệc đó. Trong thư gửi tín hữu Côrintô, thánh Phaolô diễn tả chiều kích Hội Thánh của việc tham dự Thánh Thể thật tuyệt vời: “Tấm Bánh chúng ta cùng bẻ, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao? Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (1Cr 10,16-17).

Ngay từ đầu, Hội Thánh hiểu rằng, việc thiết lập bí tích Thánh Thể trong Bữa tiệc ly là cửa ngõ đưa các Kitô hữu vào trung tâm vương quốc Thiên Chúa mà Đức Kitô đã khởi sự nhờ việc nhập thể cứu độ và đã thiết lập trong lịch sử nhân loại. Từ đầu, các Kitô hữu nhận ra rằng, vương quốc ấy vẫn tiếp tục nơi Hội Thánh, đặc biệt là qua bí tích Thánh Thể. Thánh Thể, như một bí tích trong Hội Thánh, đã và đang là hình thức cao nhất của việc thờ phượng trong Thần Khí và sự thật như Đức Giêsu đã nói với người phụ nữ Samari. Đồng thời, bí tích Thánh Thể là nghi thức do Đức Giêsu thiết lập để Hội Thánh cử hành. Thật vậy, trong Bữa tiệc ly, Người nói: “hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (Lc 22,19; x.1Cr 11, 24-25). Đây là những lời được nói vào đêm trước cuộc khổ nạn và cái chết trên thập giá của Đức Giêsu; đêm đó, Người nói chuyện với các Tông đồ để hướng dẫn và chuẩn bị cho các ông bước vào hy tế của Người. Các ông hiểu ý nghĩa của những lời này. Và từ đó, Hội Thánh rút ra đạo lý và các thực hành bí tích Thánh Thể như một hiến tế mới không đổ máu. Thánh Tôma Aquinô đã diễn tả chiều kích nền tảng này trong một điệp ca nổi tiếng: Ôi yến tiệc Mình và Máu Thánh, Chúa Kitô thành lương thực nuôi ta; và thánh nhân nói thêm về điều mà Thánh Thể đem lại cho những ai dự phần vào bàn tiệc ấy, như lời Đức Giêsu rao giảng về sự sống đời đời: Tiệc nhắc nhớ Người đã chịu khổ hình, và đổ đầy ân sủng xuống cõi lòng nhân thế, tiệc bảo đảm cho ta một ngày mai huy hoàng rực rỡ.

7. Công đồng Vatican II tóm lược đạo lý của Hội Thánh về điểm này như sau: “Mỗi lần hy lễ thánh giá được cử hành trên bàn thờ, nhờ đó ‘Chúa Kitô, chiên vượt qua của chúng ta chịu hiến tế’ (1Cr 5,7), thì công trình cứu chuộc chúng ta được thực hiện. Bí tích Thánh Thể cũng biểu thị và thực hiện sự hiệp nhất các tín hữu, là những kẻ hợp thành một thân thể trong Chúa Kitô (x. 1Cr 10,17)” (LG, 3).

Theo Công đồng, Bữa tiệc ly là lúc Đức Kitô thiết lập Hội Thánh: Hội Thánh được sinh ra cùng với bí tích Thánh Thể, bởi vì Hội Thánh được kêu mời “kết hiệp cùng Đức Kitô như vậy. Người là ánh sáng thế gian. Chúng ta phát xuất từ Người, sống nhờ Người và hướng về Người” (LG, 3). Đức Kitô cũng vượt trên tất cả trong hy lễ cứu độ của Người. Chính lúc đó, Người hoàn thành những lời đã nói: “Con Người đến không để được phục vụ nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10,45; Mt 20,28). Lúc đó, Đức Kitô thực hiện kế hoạch của Chúa Cha, mà theo đó, Người “phải chết. .. để quy tụ nên một những con cái Chúa đang bị phân tán” (Ga 11, 51-52). Vì thế, trong hy lễ trên tập giá, Đức Kitô là trung tâm hiệp nhất của Hội Thánh, như Người đã tiên báo: “Khi tôi được nâng lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Ga 12,32). Trong hy lễ trên thập giá được tái diễn trên bàn thờ, Đức Kitô vẫn là nguồn sự sống vô tận cho Hội Thánh, trong đó, tất cả mọi người được kêu gọi để chia sẻ sự sống đời đời, để một ngày kia được thông phần vào vinh quang vĩnh cửu của Người. Tiệc bảo đảm cho ta một ngày mai rực rỡ huy hoàng.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here