TGH Gioan Phaolô II: Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh – Bài 6

0
659

BÀI 6: VƯƠNG QUỐC CỦA THIÊN CHÚA, VƯƠNG QUỐC CỦA ĐỨC KITÔ

Vương quốc của Đức Kitô đã khởi đầu trên thế gian này, nhưng đừng quên tính siêu việt của Vương quốc ấy. Đức thánh cha đã nói như trên trong buổi tiếp kiến chung tuần này.

Trong buổi tiếp kiến chung ngày 4 tháng Chín, Đức thánh cha tiếp tục bài giáo lý về Hội Thánh. Hôm nay, ngài nói về vương quốc của Thiên Chúa.

1. Chúng ta đọc thấy trong hiến chế Lumen Gentium rằng: “[Thiên Chúa] muốn quy tụ những ai tin vào Đức Kitô trong Hội Thánh … [Hội Thánh này] đã được chuẩn bị trong lịch sử của dân Israel và trong giao ước cũ … và được biểu lộ vào ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống” (LG, 2). Trong bài giáo lý trước, chúng ta đã nói về bước chuẩn bị cho Hội Thánh trong giao ước cũ, và chúng ta thấy ý niệm về vương quốc tương lai của Thiên Chúa ngày càng rõ nét hơn trong tiến trình nhận thức tiệm tiến của dân Israel về kế hoạch của Thiên Chúa nhờ lời mạc khải của các ngôn sứ và qua từng biến cố trong lịch sử dân tộc. Ý niệm đó trổi vượt và phổ quát hơn những gì tiên báo về số phận của triều đại Đavít. Hôm nay, chúng ta sẽ đề cập đến một sự kiện lịch sử khác, một điều mang đậm ý nghĩa thần học: Đức Giêsu Kitô khởi đầu sứ vụ thiên sai với lời loan báo: “Thời kỳ đã mãn. Triều đại Thiên Chúa đã đến gần” (Mc 1,15). Những lời này nói đến “sự viên mãn của thời gian” đã điểm như lời thánh Phaolô sẽ nói (x. Gl 4,4), và chúng cũng dọn đường cho giao ước mới đặt nền trên mầu nhiệm nhập thể cứu chuộc của Chúa Con, và sẽ là giao ước vĩnh cửu. Nơi cuộc đời và sứ vụ của Đức Giêsu Kitô, vương quốc của Thiên Chúa không những “đến gần” (Lc 10,9), nhưng đã hiện diện nơi trần gian rồi, đang hoạt động trong lịch sử nhân loại. Chính Đức Giêsu nói: “Triều đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông” (Lc 17,21).

2. Chính Đức Giêsu đã chỉ ra sự khác biệt giữa thời kỳ chuẩn bị và thời viên mãn – giữa giao ước cũ và mới – khi Người nói về Gioan Tẩy Giả, vị tiền hô của Người rằng: “Thật, tôi bảo thật các ông, trong số những người sinh bởi người nữ, không một ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả; nhưng người nhỏ nhất trong Nước Trời thì cao trọng hơn ông” (Mt 11,1). Từ bờ sông Jordan (cũng như trong nhà tù), Gioan chắc chắn đã góp công sức lớn lao hơn bất kỳ ai, thậm chí hơn các ngôn sứ xa xưa (x. Lc 7,26-27), trong việc trực tiếp dọn đường cho Đấng Mêsia. Dầu vậy, theo một nghĩa nào đó, ông vẫn ở ngưỡng cửa của vương quốc mới đã đến thế gian với sự xuất hiện của Đức Kitô và được tỏ lộ qua sứ vụ thiên sai của Người. Chỉ nhờ Đức Kitô mà mọi người trở nên “con cái đích thức của vương quốc ấy”, tức là con cái của vương quốc mới, vương quốc trổi vượt hơn vương quốc mà người Do Thái thời đó tự coi mình là người thừa kế theo huyết thống (x. Mt 8,12).

3. Vương quốc mới mang đậm tính thần khí. Muốn vào vương quốc ấy, cần phải sám hối và tin vào Tin Mừng để được giải thoát khỏi sức mạnh của thần khí xấu, để quy phục quyền năng của Thần Khí Thiên Chúa mà Đức Kitô mang đến cho nhân loại. Như Đức Kitô nói: “Nếu tôi dựa vào Thần Khí của Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là triều đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông” (Mt 12,28; x. Lc 11,20).

Bản tính thần khí và siêu việt của vương quốc ấy cũng được diễn tả bằng một từ ngữ tương đương trong các bản văn Tin Mừng là “Nước Trời”. Đây là một hình ảnh tuyệt vời, cho phép chúng ta có cái nhìn sơ qua về nguồn gốc và mục đích của vương quốc – “Thiên đàng” – và phẩm giá thần-nhân của Đấng mà nhờ cuộc nhập thể của Người, Nước Thiên Chúa được đặt nền móng trong lịch sử.

4. Tính siêu việt của vương quốc Thiên Chúa có nguồn gốc từ việc vương quốc ấy không chỉ do sáng kiến của con người, nhưng do kế hoạch, chủ trương và ý muốn của chính Thiên Chúa. Đức Giêsu Kitô, Đấng đã làm cho vương quốc ấy tỏ lộ và hiện thực hóa trên trần gian, không đơn thuần là một ngôn sứ được Thiên Chúa sai đến, nhưng là Người Con, đồng bản thể với Chúa Cha và đã làm người qua việc nhập thể. Vì thế, vương quốc của Thiên Chúa cũng là vương quốc của Chúa Cha và của Chúa Con. Nước Thiên Chúa là nước của Đức Kitô; đó là Nước Trời đã khởi đầu trên mặt đất này hầu giúp con người được bước vào thế giới mới của thần khí và vĩnh cửu. Đức Giêsu nói: “Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho” (Mt 11,27). “Chúa Cha có sự sống nơi mình thế nào, thì cũng ban cho Người Con được có sự sống nơi mình như vậy, lại ban cho Người Con được quyền xét xử, vì người Con là Con Người” (Ga 5,26-27).

Cùng với Chúa Cha và Chúa Con, Chúa Thánh Thần cũng hoạt động, hiện thực hóa vương quốc đó trên thế gian này. Chính Đức Giêsu mạc khải điều này: Con Người “dựa vào Thần Khí của Thiên Chúa mà trừ quỷ”, và vì thế, “triều đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông” (Mt 12,28).

5. Tuy nhiên, dù vương quốc Thiên Chúa đã khởi đầu và triển nở trên mặt đất này, nhưng đích điểm của vương quốc ấy là ở trên “trời”. Đây là tính siêu việt nơi nguồn gốc, cũng như nơi mục đích của vương quốc Thiên Chúa sẽ được đạt đến trong vĩnh cửu, miễn là người ta tin vào Đức Kitô ở đời này và suốt cuộc đời. Đức Giêsu đã loan báo điều này cho chúng ta khi Người nói rằng, theo quyền “phán xét” của Người (Ga 5,27), vào ngày thế mạt, Con Người sẽ ra lệnh tập trung “những kẻ gây cớ vấp phạm, mà tống ra khỏi Nước của Người”, tức là mọi tội ác đã phạm ngay cả trong vương quốc Đức Kitô. Đức Giêsu còn thêm: “Bấy giờ, người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha họ” (x.Mt 13,41.43). Vì thế, đó là sự viên mãn và thành toàn của “vương quốc của Chúa Cha”, mà Người Con trao cho những người được tuyển chọn; họ là những người được cứu nhờ công cuộc cứu độ của Người Con và nhờ hoạt động của Chúa Thánh Thần. Và, vương quốc thiên sai sẽ mạc khải căn tính của mình nơi vương quốc của Thiên Chúa (x.Mt 25,34;1Cr 15,24).

Vì thế, có một chu trình lịch sử tiến đến vương quốc của Đức Kitô, Ngôi Lời nhập thể. Nhưng điểm khởi đầu và điểm kết thúc của vương quốc này, và thậm chí người ta còn nói đến nền tảng khởi đầu, sống, tiến triển và đạt đến sự hoàn bị, là mầu nhiệm Ba Ngôi (mysterium Trinitas). Chúng ta đã nói và sẽ nói lại sau này về mầu nhiệm Hội Thánh (mysterium Ecclesiae) cắm rễ sâu nơi mầu nhiệm này.

6. Điểm chuyển tiếp và nối kết từ mầu nhiệm này đến mầu nhiệm kia chính là Đức Kitô, Đấng đã được tiên báo trong giao ước cũ và được chờ mong như là Vua – Đấng Mêsia, Đấng đồng nhất với vương quốc Thiên Chúa. Trong giao ước mới, Đức Kitô đồng nhất vương quốc Thiên Chúa với bản thân và sứ vụ của Người. Người không chỉ loan báo nước Thiên Chúa đã đến trần gian này với sự xuất hiện của Người, nhưng còn dạy người ta từ bỏ mọi sự quý giá “vì Nước Thiên Chúa” (x. Lc 18,29-30), từ bỏ tất cả những thứ đó “vì danh Thầy” (x.Mt, 19,29), hoặc “vì Thầy và vì Tin Mừng” (Mc 10,29).

Vì thế, vương quốc Thiên Chúa đồng nhất với vương quốc của Đức Kitô. Vương quốc ấy được tỏ bày nơi Người, và được hiện thực hóa nơi Người. Và nhờ sáng kiến của Người, vương quốc ấy được chuyển trao cho các Tông đồ, và qua họ, cho tất cả những ai tin vào Người: “Thầy sẽ trao Vương Quốc cho anh em, như Cha Thầy đã trao cho Thầy” (Lc 22,29). Vương quốc này hệ tại ở việc loan truyền Đức Kitô cho toàn thế giới, cho lịch sử nhân loại như là sự sống mới phát xuất từ nơi Người và được trao ban cho các tín hữu nhờ Chúa Thánh Thần, Đấng Bảo trợ mà Người gửi đến (x.Ga 1,16; 7,38-39; 15,26; 16,7).

7. Vương quốc thiên sai mà Đức Kitô hiện thực hóa trên trần gian này được mạc khải và cho thấy ý nghĩa đích thực và đầy đủ của mình trong khung cảnh của cuộc khổ nạn và cái chết trên thập giá của Người. Khi Đức Kitô tiến vào thành Giêrusalem, một sự kiện đã diễn ra như Người đã định liệu trước; và thánh Mátthêu trình bày sự kiện này như là sự ứng nghiệm lời tiên báo của ngôn sứ Dacaria: “Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi hiền hậu ngồi trên lưng lừa, lưng lừa con, là con của một con vật chở đồ” (Dcr 9,9; Mt 21,5). Trong tâm trí của vị ngôn sứ này, trong ý định của Đức Giêsu và trong sự diễn giải của tác giả Tin Mừng, con lừa tượng trưng cho sự hiền lành và khiêm nhường. Đức Giêsu là vị vua hiền lành và khiêm nhường đang tiến vào thành vua Đavít để ứng nghiệm các lời tiên báo về vương quyền thiên sai đích thực qua hy tế của chính Người.

Vương quyền này được sáng tỏ trong cuộc thẩm vấn Đức Giêsu trước tòa Philatô. Người ta tố cáo Đức Giêsu rằng: “Tên này sách động dân chúng, và ngăn cản dân chúng nộp thuế cho hoàng đế Xêda, lại còn xưng mình là Mêsia, là Vua nữa” (Lc 23,2). Do đó, Philatô hỏi người bị tố cáo có phải là vua không. Và đây là câu trả lời của Đức Giêsu: “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do Thái. Nhưng thật ra Nước tôi không thuộc chốn này”. Tác giả Tin Mừn viết: “Ông Philatô liền hỏi : ‘Vậy ông là vua sao ?’ Đức Giêsu đáp : ‘Chính ngài nói rằng tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi’” (Ga 18,36-37).

8. Lời tuyên bố này tóm kết toàn bộ những lời tiên báo từ xa xưa, trải dài suốt dòng lịch sử Israel và đã trở thành hiện thực và đã tỏ lộ nơi Đức Kitô. Những lời của Đức Giêsu giúp chúng ta bắt lấy nhưng tia sáng lóe lên trong đêm tối của mầu nhiệm vốn được cô đọng trong ba từ: vương quốc Thiên Chúa, vương quốc thiên sai, Dân Thiên Chúa được quy tụ trong Hội Thánh. Dưới ánh sáng của lời ngôn sứ và thiên sai này, chúng ta có thể hiểu rõ hơn và lặp lại với sự hiểu biết rõ ràng về lời kinh mà Đức Giêsu đã dạy (Mt 6,10): “Nước Cha trị đến”. Vương quốc của Chúa Cha đã đến trần gian cùng với Đức Kitô; vương quốc thiên sai tiến triển nhờ hoạt động của Chúa Thánh Thần trong mỗi người và trên thế giới, để trở về với trái tim của Chúa Cha trong vinh quang thiên đàng.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here