TGH Gioan Phaolô II: Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh – Bài 4

0
1072

BÀI 4: KẾ HOẠCH CỦA THIÊN CHÚA CHO HỘI THÁNH LÀ VĨNH CỬU

Trong ý định của Chúa Cha, và trong Đức Kitô, Hội Thánh đóng vai trò chính yếu trong kế hoạch thần linh nhằm cứu chuộc và hiệp nhất mọi người trong tình yêu của Ba Ngôi.

Vào buổi tiếp kiến chung ngày 31 tháng Bảy, Đức thánh cha tiếp tục bài giáo lý về Hội Thánh. Hôm nay, ngài nói về vai trò của Hội Thánh trong ý định vĩnh vửu của Thiên Chúa cho nhân loại. Hội Thánh sống sự sống thần linh của Ba Ngôi Chí Thánh, một sự sống mang lại ơn cứu độ và sự hiệp nhất cho dân rải rác trên thế giới. Đức thánh cha nói bằng tiếng Ý.

1. Hội Thánh là một thực tế lịch sử, có nguồn gốc được ghi chép lại, như chúng ta sẽ thấy sau. Nhưng khi bắt đầu loạt vài giáo lý về Hội Thánh, chúng tôi muốn khởi đi từ nguồn mạch chân lý Kitô giáo cao nhất và xác thực nhất, đó là Mạc khải, như công đồng Vatican II đã làm. Trong hiến chế Lumen Gentium, Công đồng đã nói về Hội Thánh trong sự thiết lập vĩnh cửu, tức là kế hoạch cứu độ của Chúa Cha trong Ba Ngôi. Công đồng nói rõ: “Chúa Cha hằng hữu, với ý định tự do và nhiệm mầu đầy khôn ngoan nhân lành, đã tạo dựng toàn thể vũ trụ, và đã quyết định nâng con người lên để chia sẻ sự sống thần linh; và khi con người sa ngã nơi Ađam, Người đã không bỏ mặc loài người, nhưng không ngừng trao ban cho họ phương thế cứu độ, nhờ sự đền bồi của Đức Kitô, Đấng Cứu Chuộc” (LG, 2).

Trong kế hoạch vĩnh cửu của Thiên Chúa, trong Đức Kitô và với Đức Kitô, Hội Thánh là một phần chính yếu của nhiệm cục cứu độ phổ quát tỏ bày tình yêu của Thiên Chúa.

2. Kế hoạch vĩnh cửu đó hàm chứa vận mệnh của con người, vốn được tạo dựng trong hình ảnh Thiên Chúa và giống như Thiên Chúa, được ban tặng phẩm giá làm con Thiên Chúa và được nhận như là con cái của Cha trên trời trong Đức Giêsu Kitô. Như chúng ta đọc thấy trong thư gửi tín hữu Êphêsô, Thiên Chúa đã chọn chúng ta và “đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu Kitô, theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, để ta hằng ngợi khen ân sủng rạng ngời, ân sủng Người ban tặng cho ta trong Thánh Tử yêu dấu” (Ep 1,4-6). Và chúng ta cũng đọc thấy trong thư gửi tín hữu Rôma rằng: “Vì những ai Người đã biết từ trước, thì Người đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người, để Con của Người làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc” (Rm 8,29).

Để hiểu rõ về nguồn gốc của Hội Thánh như là đối tượng của niềm tin (mầu nhiệm Hội Thánh), cần phải trở lại chương trình mà thánh Phaolô nói: “soi sáng cho mọi người được thấy mầu nhiệm đã được giữ kín từ muôn thuở nơi Thiên Chúa … để giờ đây, nhờ Hội Thánh, mọi quyền năng thượng giới được biết sự khôn ngoan thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã hành động như thế theo quyết định Người đã có từ muôn thuở và đã thực hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (Ep 3,9-11). Như đã rõ trong đoạn văn trên, Hội Thánh là một phần của kế hoạch quy Kitô đã được Thiên Chúa Cha thiết định từ đời đời.

3. Các đoạn văn tương tự của thánh Phaolô cũng đề cập đến vận mạng của con người là được chọn và được nhận làm nghĩa tử của Thiên Chúa, không chỉ trong chiều kích cá nhân, nhưng còn trong chiều kích cộng đồng nhân loại. Thiên Chúa nghĩ ra, tạo dựng và quy tụ cho mình một cộng đồng nhân loại. Kế hoạch thần linh này được diễn tả rõ ràng trong một đoạn văn quan trọng trích từ thư gửi tín hữu Êphêsô: “Người cho ta được biết thiên ý nhiệm mầu: thiên ý này là kế hoạch yêu thương Người đã định từ trước trong Đức Kitô. Đó là đưa thời gian tới hồi viên mãn là quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô” (Ep 1,9-10). Vì thế, trong ý định vĩnh cửu của Thiên Chúa, Hội Thánh, với vai trò hiệp nhất toàn nhân loại trong Đức Kitô Thủ lãnh, trở thành một phần của kế hoạch; mà kế hoạch ấy bao gồm toàn thể thụ tạo. Người ta có thể nói đó là kế hoạch “vũ trụ”, kế hoạch hiệp nhất mọi sự trong Đức Kitô Thủ lãnh. Vị Trưởng Tử của mọi loài thụ tạo trở thành nguyên lý “quy tụ” tất cả, hầu Thiên Chúa là “tất cả trong tất cả” (1Cr 15,28). Vì thế, Đức Kitô là viên đá đỉnh vòm của vũ trụ này. Là thân thể sống động của những ai thuộc về Người nhờ việc đáp lại tiếng gọi trở nên con cái Thiên Chúa, Hội Thánh được cộng tác với Người như cộng tác viên và thừa tác viên, tại trung tâm của kế hoạch cứu chuộc phổ quát.

4. Công đồng Vatican II giải thích “mầu nhiệm Hội Thánh” tương phản với quan điểm này của thánh Phaolô mà trong đó phản ánh và diễn tả chính xác cái nhìn về thế giới mang tính Kinh Thánh. Công đồng tuyên bố: “Người [Chúa Cha] quyết định quy tụ những ai tin vào Đức Kitô thành một Hội Thánh thánh thiện, được tiên báo bằng hình ảnh biểu trưng ngay từ lúc khởi nguyên thế giới, được chuẩn bị cách diệu kỳ nơi lịch sử dân Israel và Cựu ước, được thiết lập vào thời kỳ sau hết, được tỏ lộ trong ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống và sẽ được hoàn tất trong vinh quang vào lúc kết tận thời gian. Bấy giờ, như các giáo phụ đã nói, tất cả những người công chính từ thời Ađam, “từ Abel, người công chính, tới người được tuyển chọn cuối cùng” sẽ được qui tụ lại bên Chúa Cha trong Hội Thánh phổ quát” (LG, 2). Không có cách nào tốt hơn để tóm tắt lịch sử cứu độ được trình bày trong Kinh Thánh chỉ trong vài dòng cho bằng tập trung vào ý nghĩa Giáo hội học của nó, đã được các giáo phụ trình bày và giải thích phù hợp với những chỉ dẫn mà các Tông đồ và chính Đức Giêsu trao lại.

5. Khi được nhìn trong viễn cảnh của kế hoạch đời đời của Chúa Cha, Hội Thánh xuất hiện như là hoa trái của tình yêu vô biên, thần thiêng nối kết Chúa Cha và Chúa Con trong Ba Ngôi ngay từ đầu, trong suy nghĩ của các Tông đồ và các thế hệ Kitô hữu đầu tiên. Chính trong tình yêu này, Chúa Cha đã muốn kết hiệp nhân loại với Con của Người. Vì thế, mầu nhiệm Hội Thánh (mysterium Ecclesiae) tìm thấy nguồn gốc của mình nơi mầu nhiệm Tam Vị (mysterium Trinitatis). Ở đây, chúng ta phải ngạc nhiên rằng: khi tái hiện hy tế Thánh Thể, thánh lễ là nơi quy tụ Hội Thánh: mysterium fidei!

6. Nguyên lý cho tính năng động trong sứ vụ của Hội Thánh cũng được tìm thấy nơi nguồn mạnh vĩnh cửu này. Sứ vụ của Hội Thánh là nối dài, hay mở rộng sứ vụ của Chúa Con và Chúa Thánh Thần trong lịch sử, và vì thế, người ta có thể gọi đây là sự thông dự sống động vào hoạt động của Tam Vị trong lịch sử nhân loại, dưới dạng cộng tác sứ vụ.

Trong hiến chế Lumen gentium (số 1-4), công đồng Vatican II nói nhiều về sứ vụ của Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Sắc lệnh Ad gentes nói rõ đặc tính chung của việc con người tham phần vào sự sống thần linh khi nói rằng: kế hoạch của Thiên Chúa “tuôn trào từ “mạch suối yêu thương” nghĩa là tình yêu của Thiên Chúa Cha. Là nguyên ủy bởi đó Chúa Con được sinh ra, và cũng bởi đó Chúa Thánh Thần phát xuất ra nhờ Chúa Con, Thiên Chúa, vì lòng nhân từ thương xót vô biên, tạo dựng chúng ta, và hơn nữa, ưu ái mời gọi chúng ta chia sẻ sự sống và vinh quang của Ngài. Người rộng rãi tuôn đổ và không ngừng tuôn đổ lòng nhân từ, đến độ Đấng tác tạo muôn loài lại trở nên “mọi sự trong mọi người” (1Cr 15,28), vì chính vinh quang của Người và đồng thời vì hạnh phúc của chúng ta. Tuy nhiên, Thiên Chúa muốn mời gọi mọi người tham dự vào sự sống của Người, không chỉ từng cá nhân không liên quan gì đến nhau, nhưng còn liên kết họ thành một đoàn dân duy nhất, trong đó con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi được qui tụ về một mối (x. Ga 11,52)” (Ad gentes, số 2).

7. Do ý muốn của Thiên Chúa trong kế hoạch vĩnh cửu của Người, nền tảng của cộng đồng này là công trình cứu chuộc, giải thoát con người khỏi sự chia rẽ và phân tán do tội lỗi. Kinh Thánh dạy chúng ta rằng, tội lỗi là nguồn mạch cho mọi thái độ thù nghịch và bạo lực như đã thấy trong chuyện huynh đệ tương tàn của Cain (x. St 4,8), và như cuộc phân tán các dân tộc, mà trong khía cạnh tiêu cực của nó, tìm thấy lối diễn tả điển hình trong trình thuật tháp Babel.

Thiên Chúa muốn giải thoát nhân loại khỏi tình trạng đó nhờ Đức Kitô. Ý muốn cứu độ của Người, dường như, vang vọng trong lời của Caipha nói với Thượng hội đồng Do Thái, được tác giả tin mừng Gioan viết lại: “Vì ông là thượng tế năm ấy, nên đã nói tiên tri là Đức Giêsu sắp phải chết thay cho dân, và không chỉ thay cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối” (Ga 11, 51-52). Caipha nói những lời này để thuyết phục Thượng hội đồng kết án tử Đức Giêsu, viện cớ Người đang gây ra mối nguy chính trị cho dân tộc liên quan đến người Roma đang đô hộ đất Palestine. Nhưng thánh Gioan biết rõ rằng, Đức Giêsu đến để mang lấy tội trần gian và để cứu độ con người (x. Ga 1,29), và vì thế, thánh nhân đã không ngần ngại mặc cho những lời nói đó của Caipha một ý nghĩa tiên tri như là lời mạc khải về kế hoạch thần linh. Kế hoạch đó như thế này: qua hy tế cứu chuộc được hoàn tất nhờ cái chết trên thập tự, Đức Kitô sẽ trở nên nguồn mạch của một sự hiệp nhất mới cho nhân loại là những người được kêu gọi trong Đức Kitô để giành lại phẩm vị là nghĩa tử của Thiên Chúa.

Trong hy tế trên thập giá, Hội Thánh đã được sinh ra như là cộng đồng của ơn cứu độ.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here