TGH Gioan Phaolô II: Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh – Bài 3

0
971

BÀI 3: HỘI THÁNH VÀ ĐỨC KITÔ LÀ BẤT KHẢ PHÂN LY

Thưa “vâng” với Đức Ktiô cũng là thưa “vâng” với Hội Thánh mà Người thiết lập. Đức thánh cha đã  trình bày giáo lý thứ ba về niềm tin Công giáo vào Hội Thánh trong buổi tiếp kiến chung thứ Tư, ngày 24 tháng Bảy. Chủ đề hôm nay là chiều kích nhân loại và thần linh của Hội Thánh. Đức thánh cha nói bằng tiếng Ý.

1. Chúng ta tiếp tục loạt bài giáo lý về Hội Thánh. Chúng ta đã diễn giải nét đặc trưng của lời tuyên tín vào chân lý này trong Kinh Tin Kính, bởi lẽ Hội Thánh không chỉ là đối tượng của đức tin nhưng còn là chủ thể của đức tin: Chính chúng ta là Hội Thánh, mà trong đó chúng ta tuyên xưng đức tin; chúng ta tin vào Hội Thánh, cũng là Hội Thánh mà chúng ta tin và cầu nguyện. Chúng ta là Hội Thánh trong chiều kích hữu hình. Chiều kích này diễn tả đức tin của Hội Thánh vào chính thực tại của chính mình là Hội Thánh, một thực tại vừa thần thiêng vừa mang tính nhân loại: hai chiều kích này không thể tách rời, đến độ nếu một chiều kích mất đi, thì toàn bộ thực tại Hội Thánh cũng tan biến, vì Đức Kitô đã có ý định và đã thiết lập Hội Thánh. Tính thần thiêng và nhân loại của Hội Thánh được liên kết hữu cơ với chính thiên tính và nhân tính của Đức Kitô. Theo một nghĩa nào đó, Hội Thánh là sự nối dài mầu nhiệm Nhập Thể. Thánh Tông đồ Phaolô thực sự đã nói về Hội Thánh như là Thân mình Đức Kitô (x. Cr 12,27; Ep 1,23; Cl 1,24), cũng như Đức Giêsu đã so sánh “tổng thể” Đức Kitô – Hội Thánh với sự kết hiệp của cây nho và cành nho (x.Ga 15,1-5).

Tiền đề này cho thấy rằng, việc tin vào Hội Thánh và thưa “vâng” với Hội Thánh để đón nhận niềm tin là hệ quả hợp lý của toàn bộ Kinh Tin Kính, và cách riêng, của lời tuyên tín vào Đức Kitô, Thiên Chúa làm người. Đây là một đòi hỏi phát xuất từ tính hợp lý nội tại của Kinh Tin Kính và cần được ghi nhớ, nhất là trong thời đại của chúng ta, khi chúng ta thấy rằng có nhiều người phân tách, thậm chí đối lập Hội Thánh với Đức Kitô. Chẳng hạn, có người nói rằng: “Đức Kitô thì được, còn Hội Thánh thì không”. Sự đối lập này không gì mới mẻ, nhưng tái xuất hiện ở một số vùng của thế giới đương đại. Vì thế, thật tốt để dành bài giáo lý hôm nay để xem xét một cách điềm tĩnh và đúng đắn về ý nghĩa của lời thưa “vâng” với Hội Thánh, và thậm chí, về sự đối lập trên đây.

2. Chúng ta có thể thừa nhận rằng, sự đối lập “Đức Kitô thì được, còn Hội Thánh thì không” bắt nguồn từ một rắc rối trong Kinh Tin mà chúng ta tuyên xưng: “Tôi tin Hội Thánh”. Người ta có thể thắc mắc rằng, liệu có chính đáng khi đưa một thực tại mang tính nhân loại, lịch sử, hữu hình như Hội Thánh vào giữa những chân lý thiêng liêng không. Như mọi thứ thuộc nhân tính, thực tại ấy có đầy giới hạn, bất toàn, tội lỗi nơi mọi người thuộc mọi cấp độ trong phẩm trật Hội Thánh: giáo dân cũng như giáo sĩ, thậm chí các mục tử của Hội Thánh; không một ai được miễn trừ khỏi di sản đáng buồn của Ađam.

Tuy nhiên, chúng ta phải nhớ rằng, chính Đức Giêsu Kitô đã muốn niềm tin vào Hội Thánh phải đối diện và vượt qua mọi trở ngại, khi Người chọn Phêrô như “đá tảng, trên đó Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy” (x. Mt 16,18). Vốn tường thuật những lời nói của Đức Giêsu, Tin Mừng cho chúng ta thấy viên đá tảng được chọn mang những yếu đuối và bất toàn của thân phận phàm nhân như thế nào, như khi Phêrô bộc lộ lúc bị thử thách lớn lao. Dầu vậy, chính Tin Mừng chứng thực rằng, ba lần chối Thầy của Phêrô không hủy bỏ sự tuyển chọn của Đức Kitô được (x. Lc 22,32; Ga 21,15-17). Đúng hơn, có người cho rằng, Phêrô đạt được một bước trưởng thành mới nhờ biết ăn năn hối tội, cho nên, sau khi Đức Giêsu phục sinh, ông đã bù lại ba lời chối Thầy bằng ba lời tuyên xưng: “Thưa Thầy, có, Thầy biết con yêu mến Thầy” (Ga 21,25), và ông xứng đáng được Đức Kitô phục sinh ủy quyền làm mục tử của Hội Thánh đến ba lần: “Hãy chăn dắt chiên của Thầy” (Ga 21,15-17). Sau đó, Phêrô đã chứng tỏ mình yêu mến Đức Kitô “hơn những người khác” (x. Ga 21,15) qua việc phục vụ Hội Thánh, theo sự ủy thác tông đồ và quyền cai quản của mình cho đến khi tử đạo, làm chứng tá tỏ tường cho việc xây dựng Hội Thánh.

Nhờ việc suy niệm về cuộc đời và cái chết của Simon Phêrô, chúng ta dễ dàng biến quan niệm đối lập Đức Kitô thì được, Hội Thánh thì không  thành lời xác quyết Đức Kitô thì được, Hội Thánh cũng được, như một sự tiếp nối lời thưa “vâng” với Đức Kitô.

3. Cái logic của mầu nhiệm Nhập thể – bao hàm lời thưa “vâng” với Đức Kitô – đòi hỏi sự đón nhận mọi thứ thuộc về nhân tính nơi Đức Kitô, bởi Con Thiên Chúa đã nhận lấy bản tính nhân loại trong sự liên đới với bản tính đã bị tổn thương do tội của dòng dõi Ađam. Dù tuyệt đối không vướng mắc tội lỗi, nhưng Đức Kitô đã mang vào mình tất cả tội lỗi của nhân loại: Agnus Dei qui tollit peccata mundi. Thánh Phaolô viết trong thư thứ hai gửi tín hữu Côrintô rằng: Chúa Cha “đã làm cho Người nên tội lỗi” (5,21). Vì thế, tội lỗi của các Kitô hữu (mà người ta cho rằng: họ chẳng tốt lành hơn những người khác), tội lỗi của chính các giáo sĩ, không nên gợi ra một thái độ tách biệt hay loại trừ kiểu Pharisêu. Đúng hơn, nó buộc chúng ta phải đón nhận Hội Thánh một cách quảng đại và tin tưởng hơn, phải thưa “vâng” cách thuyết phục và xứng hợp hơn với niềm kính trọng Hội Thánh. Bởi vì, chúng ta biết rõ rằng, trong Hội Thánh và nhờ các phương tiện của Hội Thánh, các tội nhân trở nên đối tượng của sức mạnh cứu độ của Thiên Chúa, dưới tác động của lòng yêu mến; lòng yêu mến đó hiện thể hóa và giúp đạt tới sự hối cải cá nhân, sự công chính hóa tội nhân, sự thay đổi trong đời sống và gia tăng làm điều tốt, thậm chí còn đạt tới một đức tính anh hùng, tức là nên thánh. Liệu chúng ta có thể phủ nhận rằng trong lịch sử Hội Thánh có nhiều tội nhân đã hoán cải và ăn năn, trở về với Đức Kitô và trung thành bước theo Người cho đến cuối không?

Một điều chắc chắn: đời sống mà Đức Giêsu Kitô, và Hội Thánh cùng với Người đặt ra cho mỗi người là một đời sống đầy ắp các đòi hỏi luân lý; các đòi hỏi này ràng buộc họ với những điều tốt đẹp, thậm chí là với đỉnh cao của nhân đức anh hùng. Cần phải lưu ý rằng, khi một người nói “không với Hội Thánh, thì họ có thực sự không tìm cách thoát khỏi những đòi hỏi đó hay không. Ở đây, hơn bất kỳ trường hợp nào khác, lời nói “không với Hội Thánh” sẽ đồng nghĩa với lời nói “không với Đức Kitô”. Thật không may, kinh nghiệm cho thấy trường hợp này thường xảy ra.

Trái lại, người ta lại thấy rằng, nếu Hội Thánh – bất chấp mọi yếu đuối nhân loại và tội lỗi của các thành viên –vẫn luôn trung tín với Đức Kitô và đem đến cho Người nhiều con cái đã quỵ ngã trong lời cam kết của Phép Rửa, thì điều này có được là do “quyền năng từ trên cao” (x. Lc 24,49), do Chúa Thánh Thần, Đấng ban sự sống và hướng dẫn Hội Thánh trên hành trình đầy nguy hiểm của mình trong lịch sử.

4. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nói rằng, lời nói “không với Hội Thánh” đôi khi không phải dựa trên những khiếm khuyết của các thành viên của Hội Thánh, nhưng do khước từ vai trò trung gian. Thực ra, có những người, dù thừa nhận sự hiện diện của Thiên Chúa, muốn gắn bó cách cá vị với Người, nhưng không muốn bất kỳ một trung gian nào giữa lương tâm của mình với Thiên Chúa, và vì thế, trên hết mọi sự, họ loại trừ Hội Thánh.

Nhưng, hãy cẩn thận: Việc đánh giá cao lương tâm cũng nằm ở trung tâm của Hội Thánh vốn cho mình là đại diện của Thiên Chúa cho thiện ích của con người cả trong trật tự luân lý và, đặc biệt, trong cấp độ tôn giáo, và vì thế, Hội Thánh đưa ra sự soi sáng, đào luyện và phục vụ lương tâm con người. Nhiệm vụ của Hội Thánh là giúp tâm trí và lương tâm con người tiếp cận với chân lý về Thiên Chúa đã được Đức Kitô mạc khải; và Đức Kitô lại trao cho các tông đồ và Hội Thánh của Người nhiệm vụ này, tác vụ (diakonia) rao giảng chân lý trong tình yêu. Được thúc đẩy bởi lòng yêu mến chân thành với chân lý, mọi lương tâm không thể phớt lờ ao ước nhận biết và lắng nghe Tin Mừng mà Hội Thánh rao giảng cho nhân loại vì lợi ích của chính họ.

5. Nhưng thường thì vấn đề thưa “vâng” hay nói “không” với Hội Thánh trở nên phức tạp vào thời điểm này, vì chính vai trò trung gian của Đức Kitô và Tin Mừng bị khước từ. Điều này có nghĩa là nói “không” với Đức Kitô, hơn là với Hội Thánh. Bất cứ ai tự xưng là Kitô hữu hay muốn trở thành Kitô hữu phải suy xét nghiêm túc thực tế này. Họ không thể khước từ mầu nhiệm Nhập Thể, mà qua đó, chính Thiên Chúa ban cho con người tiềm năng thiết lập tương quan với Người qua Đức Kitô, Ngôi Lời Nhập Thể, Đấng mà thánh Phaolô nói: “Đó là Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và nhân loại, con người Đức Kitô Giêsu” (1Tm 2,5). Kể từ buổi bình minh của Hội Thánh, các Tông đồ đã rao giảng rằng “không có một danh nào khác [ngoài Đức Kitô] đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ” (Cv 4,12). Đức Kitô đã thiết lập Hội Thánh như là cộng đoàn cứu độ, mà vai trò trung gian cứu độ của Người được kéo dài cho đến tận thế nhờ Thánh Thần mà Người gửi tới. Vì thế, Kitô hữu biết rằng, theo ý định của Thiên Chúa, con người – vì là một ngôi vị, nên cũng là hữu thể có tính xã hội – được kêu gọi đi vào tương quan với Thiên Chúa trong cộng đoàn Hội Thánh. Không thể tách rời vai trò trung gian ra khỏi Hội Thánh, bởi Hội Thánh thông dự vào chức năng trung gian giữa Thiên Chúa và con người của Đức Kitô.

6. Cuối cùng, chúng ta không thể phớt lờ thực tế rằng, lời nói “không với Hội Thánh” thường có những nguồn gốc sâu xa hơn, cả nơi các cá nhân lẫn các nhóm người và bối cảnh – đặc biệt nơi các lĩnh vực nhất định của nền văn hóa thực hay giả định – nơi mà ngày nay, cũng như trước đây hoặc xa hơn nữa, không khó để nhận ra thái đồ từ khước, hoặc thậm chí thù nghịch. Nguồn gốc của vấn đề này, đó là tâm lý muốn tự trị hoàn toàn, bắt nguồn từ ý thức về sự tự đủ cho cá nhân hoặc tập thể. Nhờ đó, người ta tự cho mình độc lập khỏi Hữu thể siêu việt, vốn được đề nghị – hoặc được khám phá trong thâm tâm – như là tác giả và là Chủ của sự sống, của luật nền tảng, của trật tự luân lý, và vì thế, là căn cứ để phân biệt điều tốt và điều xấu. Một số người tự xác lập cho mình điều gì là tốt hoặc xấu, và vì thế, từ chối sự hướng dẫn của người khác, hoặc của Thiên Chúa siêu việt, hay của Hội Thánh là đại diện của Người trên thế gian.

Nhìn chung, quan điểm này do sự ngu muội về thực tại mà ra. Thiên Chúa được xem như kẻ thù của tự do con người, như một ông thầy độc tài. Nhưng thực ra, Người là Đấng tạo dựng sự tự do và là người bạn đáng tin cậy của tự do. Những giới luật của Người không có một mục đích nào khác ngoài việc giúp con người tránh khỏi những điều tồi tệ và tủi hổ nhất của thân nô lệ, của sự đồi bại, và giúp thăng tiến sự tự do đích thực. Không có tương quan phó thác với Thiên Chúa, con người không thể có được sự tăng trưởng thiêng liêng trọn hảo cho mình.

7. Vì thế, chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy thái độ tự trị triệt để dễ dàng sinh ra hình thức nô dịch tệ hại hơn là sự “dị trị” đáng sợ: tức là, lệ thuộc vào quan điểm của người khác, vào những ràng buộc về ý thức hệ hay chính trị, vào áp lực xã hội, hoặc vào các khuynh hướng hay đam mê của bản thân. Bất cứ khi nào một người xác tín hay tự hào rằng mình là người độc lập, là người thong dong khỏi mọi sự quy phục, thì anh ta để lộ ra điều này: mình đang bị chi phối bởi quan điểm cộng đồng, và bởi các hình thức cũ mới khác của việc đô hộ tinh thần! Thật dễ nhận ra rằng, cố gắng làm việc mà không có Chúa, hoặc tuyên bố không cần đến vai trò trung gian của Đức Kitô và Hội Thánh của Người, đều phải trả giá đắt. Cần phải nhớ lại chủ đích của chúng ta về vấn để này là để kết thúc phần giới thiệu loạt bài giáo lý về Giáo hội học mà chúng ta đang bắt đầu. Hôm nay, một lần nữa, chúng ta hãy thưa: “vâng với Hội Thánh” vì chúng ta thưa “vâng với Đức Kitô”.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here