Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh
BÀI 96: PHỤ NỮ VÀ CHỨC TƯ TẾ THỪA TÁC
Trong bài giáo lý ngày 27 tháng 07, khi đề cập đến vai trò của phụ nữ trong Giáo hội, Đức Thánh Cha giải thích những lý do tại sao Giáo hội cảm thấy không có thẩm quyền tứ tế thừa tác cho phụ nữ, dựa theo ý định của Chúa Kitô.
1. Phụ nữ chia sẻ chức tư tế phổ quát của tín hữu (x. LG 10) dưới nhiều cách thức, nhưng đặc biệt là qua thiên chức làm mẹ, không chỉ là làm mẹ theo nghĩa tinh thần, mà còn theo lối mà nhiều người nữ chọn trong vai trò tự nhiên của họ liên quan đến việc thụ thai, sinh hạn và nuôi dưỡng dục con cái: “Ban cho thế giới một con người!”
Trong Giáo hội, nhiệm vụ này hàm chứa một ơn gọi cao cả và trở thành một sứ vụ nhờ việc tham gia của người nữ trong chức tư tế phổ quát của các tín hữu.
2. Gần đây, một số phụ nữ, ngay cả trong giới Công giáo, đã đòi hỏi được nhận chức tư tế thừa tác. Yêu sách này dựa trên một giả định không thể chấp nhận được. Thực vậy tác vụ tư tế không phải là một chức năng có thể đạt được dự trên các tiêu chí xã hội học hoặc thủ tục pháp lý, nhưng chỉ do việc tuân theo ý muốn của Chúa Kitô.
Thế nhưng Chúa Giêsu đã chỉ úy thác chức vụ tư tế thừa tác cho người nam. Mặc dù Người mời gọi một số phụ nữ đi theo và thậm chí yếu cầu họ cùng sự cộng tác, nhưng Người đã không gọi hoặc đưa ai vào nhóm mà Người ủy thác chức tư tế thừa tác trong Giáo hội. Ý muốn của Người được bày tỏ trong toàn bộ cách cư xử của Người, đó là chưa kể những hành vi đầy ý nghĩa mà truyền thống Kitô giáo đã liên tục giải thích như những đường hướng phải tuân theo.
Giáo hội tuân theo ý định của Đức Kitô
3. Theo các sách Tin Mừng, Chúa Giêsu không hề phái cử các phụ nữ đi giảng dạy, giống như Người đã làm với nhóm Mười Hai, tất cả đều là người nam (x. Lc 9,1-6), và cũng như với nhóm Bảy mươi hai, trong đó cũng không nói đến sự hiện diện nào của người nữ (x. Lc 10, 1-20). Chúa Giêsu chỉ trao cho nhóm Mười Hai quyền cai trị vương quốc: “Vì thế, Thầy chuẩn bị cho anh em một Vương Quốc, cũng như như Chúa Cha đã chuẩn bị cho Thầy” (x. Lc 22,29).
Chúa Giêsu chỉ trao cho nhóm Mười Hai sứ vụ và quyền hành để cử hành Bí tích Thánh Thể nhân danh Người (x. Lc 22,19) –là bản chất của chức tư tế thừa tác. Sau khi phục sinh, Người chỉ ban riêng cho các tông đồ quyền năng tha tội (x. Ga 20,22-23) và đảm nhận công việc rao giảng khắp hoàn cầu (x. Mt 28,18-20; Mc 16,16-18).
Ý muốn của Chúa Kitô đã được tuân hành bởi các tông đồ và các vị hữu trách khác của các cộng đoàn tiên khởi, khai sinh truyền thống Kitô giáo vẫn còn hiệu lực từ đó cho đến nay. Tôi cảm thấy bổn phận phải nêu bật truyền thống này với Tông thư Ordinatio Sacerdotalis gần đây (ngày 22 tháng 5 năm 1994), khẳng định rằng, “Giáo hội không có thẩm quyền nào để truyền chức tư tế cho phụ nữ và phán quyết này phải được coi là chung quyết đối tất cả mọi tin hữu của Giáo hội” (số 4). Vấn đề ở đây là lòng trung thành với tác vụ mục tử như đã được Chúa Kitô thiết lập. Điều này đã được đức Giáo Hoàng Piô XII khẳng định khi nói rằng: “Giáo hội không có quyền hành gì trên bản thể của các bí tích, nghĩa là, trên bất cứ điều gì mà Chúa Kitô muốn duy trì trong dấu chỉ của bí tích, dựa theo chứng tích của các nguồn mặc khải”, và Đức Giáo Hoàng kết luận rằng, Giáo hội có nghĩa vụ phải chấp nhận như là quy chuẩn “việc thực hành của Chúa Kitô về việc phong chức tư tế cho người nam” (x. AAS 40 [1948], trang 5).
4. Không thể chống lại giá trị vĩnh viễn và quy chuẩn của thực hành này bằng cách nói rằng, ý muốn rõ ràng của Chúa Kitô chịu ảnh hưởng bởi tâm thức đương thời đại và những thành kiến chống lại người nữ vào thời ấy và sau này. Trên thực tế, Chúa Giêsu không bao giờ chiều theo một tâm thức bất lợi đối với phụ nữ; ngược lại, Người đã phản đối sự bất bình đẳng dựa trên những khác biệt về giới tính. Qua việc mời gọi phụ nữ đi theo, Người cho thấy là mình đã vượt ra khỏi phong tục và não trạng của khung cảnh xã hội. Nếu Người đã dành riêng chức tư tế thừa tác cho người nam, thì Người đã làm như vậy cách hoàn toàn tự do, và trong các quyết định và lựa chọn của Người, không có chủ trương nào bất lợi đối với phụ nữ.
5. Nếu muốn tìm ra lý do liên quan vì sao Chúa Giêsu đã dành riêng cho nam giới việc đón nhận chức tư tế thừa tác, thì có thể khám phá một sự kiện là Tư tế đại diện cho chính Chúa Kitô trong mối tương quan của Người đối với Giáo hội. Thế mà mối tương quan này thuộc vào loại phu phụ: Chúa Kitô là Chàng rể (x. Mt 9,15; Ga 3,29. 2 Cr 11,2; Ep 5,25); Giáo hội là cô dâu (x. 2 Cr 11,2; Ep 5,25-27. 31-32; Kh 19,7. 21,9). Để cho mối tương quan giữa Chúa Kitô và Giáo hội được thể hiện một cách hợp thức trong các Bí tích, Chúa Kitô phải được đại diện bởi một người nam. Sự phân biệt giữa hai giới rất có ý nghĩa trong trường hợp này và không thể bị phớt lờ nếu không muốn làm suy yếu bí tích. Thật vậy, bản chất cụ thể của dấu chỉ được sử dụng là điều cần thiết cho các bí tích. Phép Rửa tội phải được thực hiện bằng nước để rửa, chứ không thể dùng dầu để xức, cho dù dầu đắt tiền hơn nước. Tương tự như thế, bí tích Truyền chức được cử hành với người nam, tuy điều này không liên quan đến việc đánh giá con người. Do đó, chúng ta có thể hiểu giáo huấn của Công đồng rằng, các linh mục được phong chức “để họ có thể hành động với danh nghĩa của Chúa Kitô là Đầu Giáo hội” (PO 2), “thi hành chức năng của Chúa Kitô, là Đầu và Mục tử, xét theo thẩm quyền dành cho họ” (PO 6).
Tông huấn Mulieris Dignitatem cũng giải thích lý do của quyết định của Chúa Kitô, được Giáo hội Công giáo trung thành bảo vệ trong luật pháp và kỷ luật của mình (x. MD 26-27).
6. Mặt khác, cần nêu bật rằng sự thăng tiến phụ nữ đích thực hệ ở chỗ thăng tiến điều riêng biệt và phù hợp với phụ nữ nghĩa là một thụ tạo khác với người nam, được kêu gọi để trở nên chính mình, như khuôn mẫu của nhân vị không kém gì người nam. Đó chính là sự “giải phóng” tương ứng với các chỉ dẫn và quyết định của Chúa Giêsu, Đấng muốn trao cho người nữ một sứ mệnh của riêng họ, phù hợp với sự khác biệt tự nhiên với người nam.
Trong việc chu toàn sứ mệnh này, một con đường được mở ra cho sự triển nở nhân cách của người nữ, có thể mang lại cho nhân loại và đặc biệt là cho Giáo hội, một sự phục vụ phù hợp với những phẩn tính của họ.
7. Để kết luận, chúng ta có thể nói rằng, Chúa Giêsu, trong việc không trao chức tư tế thừa tác cho phụ nữ, đã không đặt họ vào vị trí thấp kém, cũng không tước đoạt một quyền lợi mà họ có thể đòi hỏi, cũng chẳng vi phạm sự bình đẳng của phụ nữ đối với người nam, nhưng đúng ra Người đã nhìn nhận và tôn trọng phẩm giá của họ. Qua việc thiết lập chức tư tế thừa tác cho người nam, Người không có ý định ban cho họ một vị trí cấp trên, mà chỉ mời gọi họ khiêm tốn phục vụ, theo gương phục vụ của Con Người (x. Mc 10,45; Mt 20,28). Qua việc trao cho phụ nữ một sứ vụ tương xứng với tư cách của họ, Người đã nâng cao phẩm giá của họ và khẳng định quyền của họ có một chỗ đứng độc đáo ngay cả trong Giáo hội.
Vai trò của phụ nữ phải được nhìn nhận trong ánh sáng của Đức Maria
8. Tấm gương của Đức Maria, Thân mẫu Chúa Giêsu, bố túc cho việc thể hiện sự tôn trọng phẩm giá người phụ nữ trong sứ mệnh được giao phó cho Mẹ trong Giáo hội.
Đức Maria không được mời gọi đến chức tư tế thừa tác. Thế nhưng sứ mệnh mà Mẹ lãnh nhận không thua kém gì một tác vụ mục tử; quả thật, sứ vụ đó khá vượt trội. Mẹ đã nhận được một sứ mạng làm mẹ ở cấp độ cao nhất: trở thành mẹ của Chúa Giêsu Kitô, và do đó trở thành Thân mẫu của Thiên Chúa –Theotokos. Sứ mạng này sẽ mở rộng thiên chức làm mẹ đối với tất cả người nam và nữ theo hệ trật ân sủng.
Điều tương tự cũng có thể nói về sứ mạng làm mẹ mà nhiều phụ nữ đảm nhận trong Giáo hội (x. MD 27). Họ được Chúa Kitô đặt trong ánh sáng kỳ diệu của Đức Maria tỏa ra trên chóp đỉnh của Giáo hội và mọi thụ tạo.”