TGH Gioan Phaolô II – BÀI 95: PHẨM GIÁ CỦA CHỨC VỤ LÀM MẸ

0
469

Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh

BÀI 95: PHẨM GIÁ CỦA CHỨC VỤ LÀM MẸ

Thiên chức làm mẹ là một sự chia sẻ đặc quyền trong tình yêu sáng tạo của Thiên Chúa là chủ đề của bài giáo ngày 20 tháng 07. Tiếp tục cuộc thảo luận về vai trò của giáo dân, Đức Giáo hoàng nói về “địa vị trọng yếu” mà phụ nữ được hưởng trong Giáo hội và trong xã hội.

1. Mặc dù phụ nữ có nhiều cơ hội hoạt động nghề nghiệp trong xã hội hoặc hoạt động tông đồ trong Giáo hội, nhưng không gì có thể so sánh với phẩm giá ưu việt trong thiên chức làm mẹ khi được sống trong tất cả mọi chiều kích của nó. Chúng ta thấy rằng, Đức Maria, người phụ nữ mẫu mực, đã chu toàn sứ mạng được mời gọi trong nhiệm cục Nhập thể và Cứu chuộc bằng con đường làm mẹ.

Trong Tông thư “Phẩm giá của Phụ nữ”, tôi đã nhấn mạnh rằng chức làm mẹ của Đức Maria được kết hợp một cách đặc biệt với đức trinh khiết của Người, vì thế Người cũng là khuôn mẫu cho những người nữ đã dâng hiến sự trinh khiết của mình cho Thiên Chúa (x. MD số 17). Khi nào bàn về đời sống thánh hiến, chúng ta sẽ trở lại chủ đề đức trinh khiết được tận hiến cho Chúa. Trong bài giáo lý hôm nay, tiếp tục bàn về vai trò của các giáo dân trong Giáo hội, tôi muốn suy nghĩ về sự đóng góp của người nữ cho cộng đồng nhân loại và Kitô giáo qua thiên chức làm mẹ.

Giá trị của thiên chức làm mẹ đã được nâng lên tầm mức cao nhất nơi Đức Maria, Mẹ Ngôi Lời Thiên Chúa hằng hữu đã làm người trong cung lòng trinh khiết của Người. Nhờ thiên chức làm mẹ này, Đức Maria là một phần thiết yếu của mầu nhiệm Nhập thể. Ngoài ra, nhờ sự kết hợp với hy tế cứu chuộc của Chúa Kitô, Đức Maria đã trở thành Mẹ của tất cả các Kitô hữu và của tất cả mọi người. Về phương diện này, ta cũng nhận thấy giá trị được Thiên Chúa gán cho chức làm mẹ được diễn tả cách độc nhất vô nhị nơi Đức Maria, nhưng từ đỉnh cao ấy cũng chiếu tỏa lên hết tất cả thiên chức làm mẹ của nhân loại.

Vào thời nay, thiên chức làm mẹ đang gặp nhiều chỉ trích

2. Ngày nay, có lẽ hơn bao giờ hết, cần phải xem xét lại ý tưởng về thiên chức làm mẹ. Nó không phải là một khái niệm cổ xưa, thuộc về khởi nguyên thần thoại của nền văn minh. Tuy nhiều vai trò của người nữ có thể được tăng lên và mở rộng nhưng tất cả mọi thứ ở nơi họ – sinh lý học, tâm lý, tập tục tự nhiên, cảm tính luân lý, tôn giáo và thậm chi thẩm mỹ- đều bộc lộ và đề cao thái độ, khả năng và sứ vụ sinh hạ một con người mới. Trong việc sinh sản, người nữ được giao trọng trách nhiều hơn so với người nam. Do việc mang thai và sinh đẻ, họ gắn bó mật thiết hơn với đứa trẻ, gần gũi hơn với toàn thể sự phát triển của trẻ, chịu trách nhiệm trực tiếp hơn với sự tăng trưởng của trẻ, chia sẻ sâu sắc hơn trong niềm vui, nỗi buồn và rủi ro trong sự sống của trẻ. Cho dẫu nhiệm vụ của người mẹ phải được phối hợp với sự hiện diện và trách nhiệm của người cha, nhưng người nữ đóng vai trò quan trọng nhất vào lúc đầu đời của mỗi con người. Vai trò này làm nổi bật một đặc tính thiết yếu của bản vị con người, đó là không khép kín trong bản thân nhưng mở ra và tự hiến cho người khác. Hiến chế Vui mừng và Hy vọng Gaudium et Spes tuyên bố: “Con người…chỉ có thể gặp lại chính bản thân mình nhờ thành thực hiến thân” (GS 24). Việc hướng đến tha nhân nằm trong bản tính của bản vị bởi vì nó bắt nguồn từ tình yêu cao thượng giữa Thiên Chúa Tam vị, là cội rễ của con người. Và thiên chức làm mẹ tượng trưng cho đỉnh cao để khuynh hướng vị tha và cộng đồng ấy..

3. Thật đáng tiếc khi ghi nhận rằng giá trị của thiên chức làm mẹ đã gặp phải tranh cãi và chỉ trích. Vẻ cao cả xua nay vốn được gán cho thiên chức ấy thì ngày nay được coi như là một ý tưởng lạc hậu, một thứ tôn sung mê tín. Theo quan điểm nhân học và luân lý, có người cho rằng việc làm mẹ như là hạn chế sự phát triển nhân cách, hạn chế tự do và ước muốn của người nữ trong việc đảm nhận và tham gia vào các hoạt động khác. Do đó, nhiều người nữ cảm thấy buộc phải khước từ thiên chức làm mẹ, không phải vì lý do phục vụ người khác hoặc làm mẹ tinh thần, nhưng để dành trọn đời cho công tác nghề nghiệp. Thậm chí, nhiều người còn tranh đấu cho quyền hủy diệt sự sống của chính đứa con trong lòng mình qua hành vi phá thai, ra như là quyền được sở hữu trên cơ thể của mình cũng bao hàm quyền sở hữu trên đứa trẻ được thụ thai. Nếu một vài bà mẹ nào dám đối diện mới nguy cơ mất mạng sống để cứu thai nhi, thì họ bị chê bai là ngu xuẩn hoặc ích kỷ, và lạc hậu về văn hóa.

Những lệch lạc này cho thấy những ảnh hưởng đáng sợ của việc xa lìa tinh thần Kitô giáo, là nơi có thể đảm bảo và khôi phục các giá trị nhân bản.

4. Quan niệm về bản vị và hiệp thông của con người bắt nguồn từ Tin Mừng không cho phép chúng ta chấp nhận việc tứ ý khước từ thiên chức làm mẹ chỉ vì ước mong đạt được những lợi ích vật chất hoặc sự thỏa mãn trong việc thực hiện một số hoạt động nào đó. Quả thật, đây là một sự lệch lạc trong tư cách phụ nữ, được triển nở cách tự nhiên trong thiên chức làm mẹ.

Sự kết hợp hôn nhân không thể khép kín trong tương quan giữa vợ chồng: tình yêu gắn kết đôi bạn hướng đến sự triển nở nơi người con và trở thành tình yêu của cha mẹ dành cho con cái. Điều này được chứng minh bằng kinh nghiệm của rất nhiều cặp vợ chồng trong nhiều thế kỷ qua và cả trong thời đại của chúng ta: những cặp vợ chồng này đã tìm thấy con đường củng cố và định hướng bản thân nơi hoa trái tình yêu của họ và, trong một vài trường hợp, con đường phục hồi và được đổi mới tình yêu.

Mặt khác, nhân vị của đứa trẻ, ngay cả khi vừa mới thụ thai, đã được hưởng những quyền lợi cần phải được tôn trọng. Đứa bé không phải là một đồ vật mà người mẹ có thể sử dụng tùy ý muốn, nhưng là một nhân vị mà bà phải có bổn phận phải cống hiến bản thân mình, và với tất cả những hy sinh mà thiên chức làm mẹ đòi buộc, và cùng với niềm vui mà nó mang lại (x. Ga 16,21).

5. Vì thế, kể cả trong những điều kiện tâm lý xã hội của thế giới ngày nay, người nữ được mời gọi nhận ra giá trị của ơn gọi làm mẹ như một sự khẳng định về phẩm giá của bản thân mình, như khả năng và chấp nhận triển nở chính mình ở nơi một đời sống mới, và trong ánh sáng của thần học, như một sự thông dự vào tác động sáng tạo của Thiên Chúa (x. MD 18). Ở nơi người nữ, sự thông dự này sâu đậm hơn là ở nơi người nam, nhờ vai trò đặc thù của họ trong việc sinh sản. Ý thức về đặc ân này đã khiến bà Eva nói sau khi sinh con đầu lòng, như chúng ta đã đọc trong sách Sáng thế: “Nhờ Đức Chúa, tôi đã thủ đắc được một người” (St 4,1). Vì thiên chức làm mẹ là một đóng góp tuyệt hảo cho việc thông truyền sự sống, nên bản văn Kinh thánh đã gọi bà Eva là “mẹ của chúng sinh” (St 3,20). Tên gọi này khiến chúng ta nghĩ đến việc nhận ra nơi bà Eva -nơi mỗi người mẹ- là sự thể hiện hình ảnh Thiên Chúa, Đấng mà Chúa Giêsu đã tuyên bố, “không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là của kẻ sống” (Mc 12,27).

Trong ánh sáng của Kinh Thánh và mặc khải Kitô giáo, thiên chức làm mẹ được xem như sự thông dự vào tình yêu của Thiên Chúa đối với con người, một tình yêu mà theo Kinh Thánh cũng hàm chứa một khía cạnh mẫu tính của lòng trắc ẩn và thương xót (x. Is 49,15; Đnl 32,11; Tv 86,15; v.v.).

Chức làm mẹ thiêng liêng

6. Cùng với thiên chức làm mẹ ở trong đời sống gia đình, còn có nhiều dạng thức kỳ diệu khác của chức làm mẹ thiêng liêng, không chỉ ở trong đời sống thánh hiến (mà chúng ta sẽ bàn sau), mà còn ở bất cứ nơi nào mà người nữ dấn thân, giống như một người mẹ, cho những trẻ em mồ côi, bệnh tật hoặc bị bỏ rơi; cho những người nghèo khổ và bất hạnh, và trong công cuộc và các dự án gợi lên bởi lòng bác ái Kitô giáo. Trong những ví dụ vừa kể, ta thấy biến thành hiện thực nguyên tắc “nhân bản hóa xã hội”, là nguyên tắc cơ bản của công tác mục vụ của Giáo hội. Thật vậy, “nhờ kinh nghiệm làm mẹ, người phụ nữ xem ra có một sự nhạy cảm độc đáo đối với con người và tất cả những gì tạo nên điều tốt lành cho nó, bắt đầu từ giá trị nền tảng là sự sống” (CL 51). Do đó, không phải là thái quá khi khẳng định người phụ nữ giữ một vị thế “then chốt” trong Giáo hội và trong xã hội.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here