TGH Gioan Phaolô II – BÀI 75: PHÓ TẾ ĐƯỢC MỜI GỌI SỐNG THÁNH THIỆN

0
714

Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh

BÀI 75: PHÓ TẾ ĐƯỢC MỜI GỌI SỐNG THÁNH THIỆN

Vì phó tế cam kết phục vụ các mầu nhiệm của Chúa Kitô và Giáo Hội, nên hoa trái trong các công việc tốt sẽ là đặc trưng cho cuộc sống của họ

Linh đạo của phó tế là chủ đề bài giáo lý của Đức Thánh Cha tại buổi tiếp kiến chung Thứ Tư ngày 20 tháng 10. Ngài tiếp tục thảo luận về vai trò của thừa tác viên này trong đời sống của Giáo Hội. Đức Thánh Cha tuyên bố ân sủng đặc biệt được ban qua việc phong chức củng cố các ân tứ tự nhiên của phó tế để các vị nên đồng hình đồng dạng hơn với Đức Giêsu Kitô. Bài nói chuyện của Đức Thánh Cha là bài thứ 75 trong loạt bài về mầu nhiệm Giáo Hội và được trình bày bằng tiếng Ý.

1. Trong số các chủ đề giáo lý về chức phó tế, một chủ đề về tinh thần của người phó tế đặc biệt quan trọng và hấp dẫn, vì nó liên quan đến tất cả những ai nhận bí tích này để thực hiện các nhiệm vụ của nó trong viễn cảnh Tin Mừng. Đây là cách dẫn các thừa tác viên đến sự trọn hảo của Đức Kitô và cho phép họ phục vụ thực sự hiệu quả (diakonia) trong Giáo Hội, để “xây dựng thân thể của Chúa Kitô” (Ep 4,12).

Đây là nguồn gốc của linh đạo phó tế, bắt nguồn từ cái mà Công đồng Vatican II gọi là “ơn bí tích của chức phó tế” (AG 16). Ngoài việc là sự trợ giúp quý giá trong việc thực hiện các nhiệm vụ khác nhau, nó còn ảnh hưởng sâu sắc đến trái tim các phó tế, thúc đẩy các vị tận hiến toàn bộ bản thân để phục vụ vương quốc của Thiên Chúa trong Giáo Hội. Như chính từ “chức phó tế” (diaconate) chỉ ra, tinh thần phục vụ là đặc trưng cho tinh thần và ý chí của người lãnh nhận bí tích. Trong tác vụ phó tế, một nỗ lực được thực hiện để thi hành những gì Chúa Giêsu đã tuyên bố về sứ mệnh của mình: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người“(Mc 10, 45; Mt 20, 28).

Không nghi ngờ gì, Chúa Giêsu đã gửi những lời này đến nhóm Mười Hai mà Người đã chọn cho chức tư tế, để cho họ hiểu rằng, mặc dù được giao cho quyền bính của Đức Giêsu, họ nên hành động như Người, như những người đầy tớ. Lời khuyên áp dụng cho tất cả các thừa tác viên của Chúa Kitô; tuy nhiên, nó có ý nghĩa đặc biệt đối với các phó tế. Đối với họ, khía cạnh của sự phục vụ được nhấn mạnh bởi việc truyền chức. Cho dù các phó tế không thực thi thẩm quyền mục vụ của các linh mục, nhưng trong khi thực hiện tất cả các nhiệm vụ của họ, họ làm với mục đích cụ thể là thể hiện ý hướng phục vụ. Nếu tác vụ của họ phù hợp với tinh thần này, họ sẽ làm sáng tỏ hơn đặc điểm nhận diện khuôn mặt của Chúa Kitô – sự phục vụ. Họ không chỉ là “tôi tớ của Chúa” mà còn là tôi tớ của anh chị em.

Những ứng viên cho chức phó tế phải sẵn sàng phục vụ

2. Bài học về đời sống tâm linh này có nguồn gốc Tin Mừng và được đưa vào Truyền thống Kitô giáo từ rất sớm, như bản văn cổ ở thế kỷ thứ ba có tên là Didascalia Apostolorum xác nhận. Bản văn khuyến khích các phó tế lấy hứng khởi từ sự kiện Tin Mừng về việc rửa chân: “Nếu Chúa đã làm điều này thì các phó tế đừng ngần ngại làm điều đó cho người bệnh và đau yếu, vì các ngài là người phục vụ của sự thật, người đã mặc lấy Chúa Kitô” (XVI, 36: Connolly ed., 1904, p. 151). Các phó tế cam kết dấn thân theo Đức Giêsu với thái độ phục vụ khiêm nhường này, điều không chỉ được thể hiện trong các công việc bác ái, mà còn định hình và bao trùm toàn bộ cách nghĩ và hành động của một người.

Viễn cảnh này giải thích điều kiện được đặt ra trong Sacrum Diaconatus Ordinem khi chấp nhận các thanh niên trở thành các phó tế: “Chỉ những thanh niên mới được đăng ký để đào tạo cho chức phó tế. những thanh niên đã thể hiện thiên hướng tự nhiên phục vụ cho hệ thống phẩm trật và cộng đoàn Kitô hữu” (n. 8: Enchiridion Vaticanum, II, 1378). “Thiên hướng” không nên được hiểu theo cảm xúc mang tính tự phát đơn giản của các khuynh hướng tự nhiên, mặc dù điều này cũng là một giả định cần được cân nhắc. Nó đúng hơn là một thiên hướng được gợi hứng bởi ân sủng, với tinh thần phục vụ khiến hành vi của con người giống với Chúa Kitô. Bí tích của chức  phó tế phát triển khuynh hướng này: nó làm cho đối tượng thụ lãnh chia sẻ chặt chẽ hơn trong tinh thần phục vụ của Chúa Kitô và thấm nhuần ý chí với một ân sủng đặc biệt, để trong mọi hành động của mình, anh ta sẽ được thúc đẩy bởi một khuynh hướng mới để phục vụ anh chị em.

Việc phục vụ này trước hết nên có hình thức là giúp đỡ giám mục và linh mục, trong việc phụng vụ và hoạt động tông đồ. Ở đây cần ghi nhớ rằng bất cứ ai có thái độ kẻ cả, một trong những thách thức hoặc chống đối, đều không thể thực hiện đúng nhiệm vụ của một phó tế. Chức phó tế chỉ có thể được trao cho những người tin vào giá trị của sứ mạng mục vụ của Giám Mục lẫn linh mục và sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần đối với họ trong mọi hành động và quyết định. Cụ thể, một lần nữa phải nói rằng phó tế phải “tuyên xưng lòng tôn trọng và sự tuân phục với Giám Mục” (Enchiridion Vaticanum, II, 1400).

Tuy nhiên, việc phục vụ của phó tế cũng được hướng đến cộng đoàn Kitô hữu và toàn thể Giáo Hội, với những gì các ngài phải gắn bó sâu sắc, bởi sứ mạng và thiết chế thiêng liêng của Giáo Hội mà.

3. Công đồng Vatican II cũng nói về các bổn phận và nghĩa vụ mà các phó tế gánh vác nhờ sự tham gia của chính họ vào trong sứ mạng và ân sủng của chức tư tế tối cao: “các phó tế, khi phục vụ các mầu nhiệm của Đức Kitô và Giáo Hội, phải giữ mình tinh sạch khỏi mọi nết xấu, phải làm đẹp lòng Thiên Chúa và nêu gương sống tốt lành trong mọi sự trước mặt mọi người (x.1 Tm 3,8-10 và 12-13)” (LG số 41). Sau đó, bổn phận của họ là làm chứng, không chỉ việc phục vụ và hoạt động tông đồ mà còn bao gồm cả cuộc sống của họ.

Trong Sacrum Diaconatus orDinem, Đức Giáo Hoàng Phaoloo VI đã lưu tâm đến trách nhiệm này và các bổn phận mà nó đòi hỏi: “Các phó tế phục vụ các mầu nhiệm của Đức Kitô và Giáo Hội, và phải tránh các nết xấu, cố gắng làm hài lòng Chúa và ‘sẵn sàng cho bất kỳ công việc tốt lành nào’ vì sự cứu rỗi của con người. Vì vậy, bởi nhận được chức thánh này, họ trở nên trổi vượt hơn những người khác trong đời sống phụng vụ, sốt sắng cầu nguyện, trong tác vụ thiêng liêng, trong sự vâng phục, bác ái và khiết tịnh” (n 25: Enchiridion Vaticanum, II, 1395).

Liên quan đến đức khiết tịnh, những thanh niên  được phong chức phó tế cam kết tuân thủ tình trạng độc thân và hướng đến một cuộc sống kết hiệp mãnh liệt hơn với Chúa Kitô. Ở đây cũng vậy, ngay cả những người lớn tuổi và “đã được truyền chức … có thể không bước vào hôn nhân theo kỷ luật truyền thống của Giáo hội” (SDO số 16: Enchiridion Vaticanum, II, 1386).

4. Để thực hiện các bổn phận này và, sâu xa hơn nữa, để đáp ứng các yêu cầu thiêng liêng của chức phó tế với sự trợ giúp của ân sủng bí tích, các bài tập của đời sống tâm linh phải được thực hành, như được mô tả trong Tông Thư của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI. Các phó tế nên: 1) chuyên tâm vào việc đọc và suy gẫm Lời Chúa; 2) tham dự thánh lễ thường xuyên, thậm chí nếu có thể thì hàng ngày nên lãnh nhận và viếng thăm Bí tích Thánh Thể trong lòng sùng kính; 3) thường xuyên thanh tẩy linh hồn thông qua Bí tích Hòa Giải, và trước đó đã chuẩn bị đến với bí tích một cách xứng đáng thông qua việc xét mình hàng ngày; 4) thể hiện một tình yêu sâu sắc, hiếu thảo và tôn kính Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa (SDO số 16: Enchiridion Vaticanum, II, 1396).

Các phó tế cũng cần được liên tục bồi dưỡng

Hơn nữa, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI cho biết thêm: “Rất phù hợp để các phó tế vĩnh viễn hàng ngày đọc thuộc ít nhất một phần của kinh nguyện hàng ngày – được quy định bởi Hội đồng Giám mục” (SDO số 27: Enchiridion Vaticanum, II, 1397). Các Hội đồng Giám mục cũng chịu trách nhiệm thiết lập các quy phạm chi tiết hơn cho cuộc sống của các phó tế phù hợp với hoàn cảnh thời gian và địa điểm.

Cuối cùng, bất cứ ai nhận được chức phó tế đều có bổn phận phải tiếp tục trau dồi kiến thức giáo lý, bởi nó không ngừng tiến triển và cập nhật. Việc đào tạo là cần thiết trước khi thụ phong: “Các phó tế không nên chùng bước trong việc học hành nghiên cứu, đặc biệt là đạo lý thánh. Họ cần đọc thật kỹ Kinh Thánh. Ngoài ra, các phó tế tận tâm cho công việc học hành nghiên cứu về Giáo Hội đến nỗi mà họ có thể giải thích chính xác giáo lý Công giáo cho người khác và ngày ngày trở nên thích hợp để đào tạo và củng cố linh hồn của các tín hữu. Với suy nghĩ này, các phó tế nên được mời đến các cuộc họp thường lệ mà các vấn đề liên quan đến cuộc sống và tác vụ thánh của họ sẽ được xem xét” (SDO số 29: Enchiridion Vaticanum, II, 1399).

5. Như vậy, để hoàn thành bức tranh về hàng phẩm trật của Giáo Hội, các bài giáo lý mà tôi đã trình bày về chức phó tế, nêu bật những gì quan trọng nhất trong thánh chức này. Cũng như trong chức linh mục và Giám Mục: một sự tham dự thiêng liêng vào chức tư tế của Đức Kitô và cam kết một cuộc sống vâng theo Đức Kitô bởi hoạt động của Chúa Thánh Thần. Tôi không thể kết luận mà không nhắc lại rằng các phó tế, như các linh mục và Giám mục, những người cam kết theo Chúa Kitô theo con đường phục vụ, đặc biệt chia sẻ trong hy tế cứu chuộc của Người. Đây là theo nguyên tắc Đức Giêsu đã lập ra khi nói với nhóm Mười Hai về Con Người, Đấng đã đến “để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10,45). Do đó, các phó tế được mời gọi tham gia vào mầu nhiệm thập giá, để chia sẻ những đau khổ của Giáo Hội và chịu đựng sự thù địch mà Giáo Hội phải đương đầu, trong sự kết hiệp với Chúa Kitô, Đấng Cứu Độ. Khía cạnh đau khổ này trong sự phục vụ của các phó tế làm cho nó sinh nhiều hoa trái nhất.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here