TGH Gioan Phaolô II – BÀI 69: SỰ VÂNG PHỤC CỦA LINH MỤC LÀ HÀNH ĐỘNG BÁC ÁI

0
643

Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh

BÀI 69: SỰ VÂNG PHỤC CỦA LINH MỤC LÀ HÀNH ĐỘNG BÁC ÁI

Tinh thần hiệp thông của các linh mục đòi hỏi mỗi vị phải luôn luôn thực thi tác vụ của mình trong sự tôn trọng cộng tác với Đức Giám mục

Tại buổi tiếp kiến chung thứ tư ngày 25 tháng 8, Đức Thánh Cha trở lại cuộc thảo luận về tác vụ và đời sống thiêng liêng của các linh mục. Trong buổi nói chuyện tuần này, bài thứ 69 trong loạt bài về mầu nhiệm Giáo hội, Đức Thánh Cha đã nói về sự cần thiết của các việc hợp tác giữa các linh mục với Giám mục của họ trong tinh thần vâng phục và bác ái. Đây là bản dịch bài nói chuyện của Đức Thánh Cha, được trình bày bằng tiếng Ý.

1. Sự hiệp thông được Đức Giêsu mong muốn giữa tất cả những ai lãnh nhận bí tích Truyền Chức Thánh, phải được biểu lộ theo cách hoàn toàn đặc biệt trong mối quan hệ giữa các linh mục với các giám mục của họ. Về chủ đề này, Công đồng Vatican II nói về một “hiệp thông phẩm trật” xuất phát từ sự hiệp nhất của sự thánh hiến và sứ vụ. Chúng ta đọc: “Tất cả các linh mục, hợp nhất với các Giám mục, đều tham dự cùng một chức Tư tế và một tác vụ duy nhất của Chúa Kitô, như thế chính tính cách duy nhất trong thánh chức và sứ mệnh đó đòi hỏi phải có sự hiệp thông phẩm trật giữa các linh mục và hàng Giám mục, mối hiệp thông đó được biểu hiện cách tuyệt hảo mỗi khi các ngài cùng cử hành phụng vụ, và được tỏ bày khi cử hành tiệc Thánh Thể cùng với các Giám mục” (Presbyterorum ordinis số 7). Rõ ràng, mầu nhiệm Thánh Thể cũng xuất hiện ở đây như một dấu hiệu và nguồn của sự hợp nhất. Bí tích Truyền Chức Thánh được kết nối với Bí tích Thánh Thể. Bí tích này thiết lập sự hiệp thông phẩm trật giữa tất cả những người tham dự vào chức tư tế của Chúa Kitô. Công Đồng nói thêm: “Tất cả các linh mục triều cũng như dòng, bởi chức thánh và thừa tác vụ, luôn gắn kết với Giám mục đoàn và tuỳ theo ơn gọi và ân sủng mà phục vụ cho lợi ích của toàn thể Giáo Hội” (Lumen gentium số 28).

Các linh mục là những cộng sự viên không thể thiếu của Giám mục

2. Mối ràng buộc này giữa các linh mục thuộc bất kỳ loại hoặc cấp bậc nào và các giám mục là điều cần thiết để thi hành chức vụ tư tế. Các linh mục nhận được từ Giám mục năng quyền bí tích và sự ủy quyền thuộc phẩm trật cho chức vụ này. Các dòng tu cũng nhận được năng quyền và sự ủy quyền này từ Giám mục, người truyền chức cho họ và từ vị cai quản giáo phận nơi họ thi hành chức vụ. Ngay cả khi họ thuộc các dòng tu được đặc ân miễn trừ quyền tài phán của các Giám mục giáo phận liên quan đến việc quản trị nội bộ, họ vẫn nhận được từ Giám mục, theo quy tắc của giáo luật, sự ủy thác và đồng ý cho sự tham gia và hoạt động của họ trong giáo phận. Những ngoại lệ phải luôn luôn được thực hiện theo thẩm quyền mà Đức Giáo Hoàng ban cho. Với tư cách là người đứng đầu Giáo Hội, ngài có thể ban cho các dòng tu hoặc các hiệp hội khác quyền tự quản theo hiến pháp riêng của họ và hoạt động trên quy mô phổ quát. Đến lượt các Giám mục, các ngài xem các linh mục như những “trợ tá và cố vấn cần thiết trong thừa tác vụ, cũng như trong phận vụ dạy dỗ, thánh hóa và chăn dắt Dân Chúa” (Presbyterorum ordinis, số 7).

3. Vì mối liên kết bí tích giữa các linh mục và Giám mục, các linh mục là một cộng sự viên và công cụ của hàng Giám mục, như Hiến chế Lumen Gentium đã tuyên bố (LG 28). Trong mỗi cộng đoàn, các linh mục tiếp nối hành động của Giám mục và một cách nào đó đại diện cho vị Giám mục như là người mục tử trong các lĩnh vực khác nhau.

Rõ ràng, nhờ vào căn tính mục tử và nguồn gốc bí tích, tác vụ của chức linh mục được thực thi dưới quyền của Giám mục. Theo Lumen Gentium, dưới quyền của Giám mục, họ “nhiệt thành tham gia vào việc mục vụ của cả giáo phận” bằng việc thánh hoá và coi sóc một phần đoàn chiên Chúa đã trao phó cho họ (LG 28).

Đúng là các linh mục đại diện cho Chúa Kitô và hành động nhân danh Người, chia sẻ nhiệm vụ của Ngài với tư cách là Đấng Trung Gian theo cấp bậc chức vụ của họ. Tuy nhiên, họ chỉ có thể đóng vai trò là cộng sự viên của Giám mục, cho nên họ mở rộng tác vụ của vị Mục tử giáo phận trong các cộng đoàn địa phương.

4. Mối quan hệ thiêng liêng phong phú giữa các Giám mục và linh mục dựa trên nguyên tắc thần học là sự tham dự vào trong khuôn khổ của sự hiệp thông phẩm trật. Hiến chế Lumen Gentium mô tả mối quan hệ này như sau: “Vì tham dự vào chức tư tế và sứ mệnh của Giám mục, linh mục phải thật sự xem ngài như người cha và kính cẩn vâng phục ngài. Phần Giám mục phải xem các linh mục, những cộng sự viên của mình, như thể con cái và bạn hữu, như Đức Kitô không còn gọi môn đệ là tôi tớ nhưng là bạn hữu (x. Ga 15,15)” (LG 28).

Các Giám mục hãy xem linh mục như anh em và bạn hữu

Ở đây, mẫu gương của Đức Kitô là quy tắc ứng xử của các Giám mục và linh mục. Nếu Đức Giêsu, Đấng có thẩm quyền thiêng liêng, đã không muốn coi các môn đệ của Ngài như những đầy tớ nhưng là bạn hữu, thì Giám mục không thể coi các linh mục của mình như những người hầu trong việc làm. Các linh mục phục vụ Dân Chúa cùng với Giám mục. Về phần mình, các linh mục nên đáp lại vị Giám mục theo những gì luật tình yêu đòi hỏi trong sự hiệp thông Giáo Hội và linh mục, nghĩa là với tư cách là bạn hữu và là “con” thiêng liêng. Bởi thế, thẩm quyền của Giám mục và sự vâng phục của các cộng sự viên, các linh mục, nên được thực thi trong bầu khí của tình bạn chân thành.

Bổn phận này không chỉ dựa trên tình huynh đệ hiện hữu giữa các Kitô hữu nhờ Bí tích Rửa Tội và dựa trên bí tích Truyền Chức Thánh, mà còn dựa trên lời nói và mẫu gương của Đức Giêsu. Ngay cả khi Đức Giêsu phục sinh khải hoàn, Người đã từ địa vị tối cao hạ mình xuống với các môn đệ và gọi họ là “anh em của Thầy”, tuyên bố rằng Cha của Người cũng là “của họ” (x. Ga 20,17; Mt 28,10). Do đó, theo mẫu gương và giáo huấn của Đức Giêsu, Giám mục nên đối xử với cộng sự viên của mình, các linh mục như anh em và bạn hữu, mà vẫn không làm giảm uy quyền của ngài như là Mục tử và là Đấng Bản Quyền trong Giáo Hội. Bầu khí của tình huynh đệ và tình bạn hữu thúc đẩy niềm tin và sự tự nguyện của các linh mục để cộng tác và làm việc hài hòa trong tình bạn, trong tình bác ái huynh đệ và lòng hiếu thảo đối với các Giám mục của họ.

5. Công đồng giải thích rõ một số bổn phận của Giám mục đối với các linh mục. Ở đây người ta chỉ cần nhắc nhở họ: các Giám mục cần quan tâm đến những thiện ích vật chất và thiêng liêng của các linh mục. Thật vậy, các ngài đảm nhận trọng trách thánh hóa các linh mục, và hết sức chú tâm đến việc đào luyện liên tục các linh mục của mình. Các ngài phải sẵn sàng lắng nghe, hơn nữa phải trao đổi ý kiến và đối thoại với các linh mục về những vấn đề cần thiết cho công việc mục vụ và thiện ích của Giáo phận (x. PO số 7).

Tương tự như vậy, các bổn phận của người linh mục đối với các giám mục của họ được tóm tắt bằng những từ này: “Về phần các linh mục, với ý thức về thánh chức sung mãn mà các Giám mục đã lãnh nhận, phải tôn trọng nơi các ngài quyền bính của Chúa Kitô, vị Mục Tử tối cao. Vì thế, các linh mục hãy liên kết với Giám mục của mình trong tình yêu thương và lòng vâng phục chân thành.” (PO 7).

Sự vâng phục làm cho việc mục vụ có kết quả

Bác ái và vâng phục là hai yếu tố tinh thần cần thiết hướng dẫn hành vi của các linh mục đối với Giám mục của chính họ. Đó là một sự vâng phục được thúc đẩy bởi bác ái. Ý hướng cơ bản của người linh mục trong chức vụ của mình chỉ có thể là cộng tác với giám mục của mình. Nếu các linh mục có tinh thần của đức tin, các ngài sẽ nhận ra ý muốn của Đức Kitô trong các quyết định của Giám mục.

Đôi khi, sự vâng phục có thể khó khăn hơn, đặc biệt là khi các ý kiến ​​khác nhau đụng độ. Tuy nhiên, sự vâng phục là thái độ nền tảng của Đức Giêsu trong việc thánh hiến chính mình, và nó đã mang lại kết quả là ơn cứu độ mà cả thế gian đã nhận được. Người linh mục sống bằng đức tin biết rằng các ngài cũng được kêu gọi để vâng phục. Sự vâng phục mang lại cho các linh mục sức mạnh và vinh quang của việc thông phần thành quả ơn cứu độ của hy tế thập giá bằng cách thực thi lời dạy “từ bỏ mình” của Đức Giêsu.

6. Cuối cùng, cần nói thêm rằng, như mọi người đều biết, ngày nay hơn bao giờ hết, vì sự phức tạp và rộng lớn của công việc mục vụ, các linh mục cần phải hết sức cộng tác và liên kết với các Giám mục. Công Đồng đã nói: “Ngày nay, sự hợp nhất giữa các linh mục và các Giám mục lại càng khẩn thiết hơn, vì trong thời đại chúng ta, bởi nhiều lý do, hoạt động tông đồ không những cần mặc lấy nhiều hình thức khác nhau, nhưng còn phải vượt khỏi ranh giới giáo xứ hay giáo phận. Thật vậy, không một linh mục nào có thể tự sức riêng hay đơn độc chu toàn đầy đủ sứ mệnh của mình, nhưng phải liên kết với các linh mục khác, dưới sự hướng dẫn của các vị lãnh đạo trong Giáo Hội” (PO 7).

Vì lý do này, “các hội đồng linh mục” cũng đã cố gắng đưa ra sự tham vấn của các linh mục cách có hệ thống bởi các giám mục  (Enchiridion Vaticanum, IV, 1224). Về phần mình, các linh mục tham gia vào các hội đồng này với tinh thần hợp tác sáng suốt và trung tín, với ý định trợ giúp để xây dựng “một Thân Thể”. Đặc biệt, trong mối tương quan cá nhân của họ với Giám mục, các linh mục nên ghi nhớ một điều quan trọng: sự tăng trưởng trong đức ái của mỗi người, đó là thành quả của sự hy sinh bản thân trong ánh sáng của thập giá.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here