TGH Gioan Phaolô II – BÀI 68: GIÁM MỤC VÀ LINH MỤC PHẢI HIỆP NHẤT VỚI NHAU

0
686

Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh

BÀI 68: GIÁM MỤC VÀ LINH MỤC PHẢI HIỆP NHẤT VỚI NHAU

Trong sự từ bỏ chính mình, người linh mục tìm thấy cách thức diễn đạt trong những gì các ngài làm để giữ gìn sự hiệp thông tồn tại giữa bản thân, Giám mục và các anh em linh mục khác.

Tại buổi tiếp kiến chung thứ Tư ngày 4 tháng 8, Đức Thánh Cha tiếp tục cuộc thảo luận về đời sống và linh đạo của linh mục, lần này bàn về sự cần thiết duy trì sự hiệp thông giữa Giám mục và các linh mục của mình. Bài chia sẻ của Đức Thánh Cha là bài thứ 68 trong loạt bài về mầu nhiệm Giáo hội và được trình bày bằng tiếng Ý.

1. Trong các bài giáo lý trước đây, chúng ta đã suy tư về tầm quan trọng của lời mời hướng đến lời khuyên Tin Mừng về khiết tịnh và khó nghèo trong đời sống của linh mục, và về cách thức và mức độ chúng có thể được thực hiện theo truyền thống linh đạo và khổ chế Kitô giáo, và với luật lệ của Giáo Hội. Hôm nay thật tốt khi nhớ lại rằng Đức Giêsu đã không ngần ngại nói với những người muốn theo Người khi Người thi hành sứ vụ thiên sai rằng họ phải “từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16,24; Lc 9,23) để thực sự là môn đệ Người. Đây là một câu châm ngôn tuyệt vời về sự trọn hảo, có giá trị đối với đời sống Kitô hữu như là tiêu chí dứt khoát cho nhân đức anh hùng của các thánh. Nó áp dụng đặc biệt cho đời sống linh mục, trong đó nó mang những hình thức nghiêm ngặt hơn được chứng minh bằng ơn gọi đặc thù và đặc sủng đặc biệt của các thừa tác viên của Chúa Kitô.

Một khía cạnh chính của “việc từ bỏ mình” xuất hiện trong các sự từ bỏ liên hệ đến cam kết hiệp thông mà các linh mục được kêu gọi để thi hành giữa họ và Giám mục của họ (x. Lumen gentium số 28; Pastores dabo vobis số 74). Chức tư tế thừa tác được thiết chế trong bối cảnh cộng đoàn và sự hiệp thông linh mục. Đức Giêsu tập hợp nhóm đầu tiên, nhóm Mười Hai và kêu gọi họ thiết lập sự hiệp nhất trong tình yêu thương lẫn nhau. Người muốn những người cộng tác tham gia vào cộng đoàn “linh mục” đầu tiên này. Bằng cách phái nhóm 72 môn đệ đi rao giảng, cũng như nhớm 12 Tông đồ, Người đã sai từng hai người một (x. Lc 10, 1; Mc 6, 7), để họ có thể giúp đỡ nhau trong cuộc sống và công việc và phát triển thói quen làm việc chung, trong đó không ai hành động một mình, độc lập với cộng đoàn Giáo Hội và cộng đoàn của các Tông đồ.

Sự bỏ mình đòi hỏi phải từ bỏ chủ nghĩa cá nhân

2. Sự thật này được xác nhận bằng việc suy tư dựa trên lời kêu gọi của Đức Kitô, đó là nguồn gốc của cuộc sống và tác vụ của các linh mục. Tất cả chức tư tế trong Giáo Hội bắt đầu bằng một ơn gọi. Điều này được tập trung vào một người cụ thể, nhưng lại được gắn liền với những lời kêu gọi được đưa ra cho những người khác trong khuôn khổ của một người và cùng một kế hoạch cho việc loan báo Tin Mừng và thánh hóa thế giới. Giống như các Tông đồ, các Giám mục và linh mục cũng được kêu gọi cùng nhau, mặc dù trong nhiều ơn gọi cá nhân đa dạng bởi Đức Giêsu, Đấng muốn hoàn toàn giao phó cho họ mầu nhiệm cứu chuộc. Cộng đoàn ơn gọi này chắc chắn ngụ ý sự cởi mở của người này với người kia và với mọi người, để sống và hoạt động trong sự hiệp thông.

Điều này không xảy ra nếu không từ bỏ chủ nghĩa cá nhân thực sự, cũng như nếu không đạt được “từ bỏ mình” (Mt 16,24) trong chiến thắng của đức ái trên tính ích kỷ. Tinh thần của cộng đoàn ơn gọi, được thể hiện trong sự hiệp thông, tuy nhiên phải khuyến khích mỗi thành viên và mọi người làm việc hài hòa cùng nhau, để tỏ lòng biết ơn ân sủng được trao tặng cách riêng và tập thể cho các Giám mục và linh mục. Đó là một ân sủng được ban cho mỗi người, không phải do công trạng hay khả năng cá nhân, và không chỉ vì sự thánh hóa cá nhân, mà còn vì “xây dựng thân thể Đức Kitô” (Ep 4,12, 16).

Sự hiệp thông linh mục bắt nguồn sâu xa trong bí tích Truyền Chức, trong đó sự từ bỏ mình trở thành một sự chia sẻ thiêng liêng gần gũi trong hiến tế thập giá. Bí tích Truyền Chức có hàm ý rằng mỗi người tự do đáp trả đối với lời mời gọi được gửi đến cá nhân các ngài. Sự đáp trả thì cũng mang tính cá vị. Tuy nhiên, trong sự thánh hiến, hành động tuyệt đối của Đức Kitô, khi hoạt động trong bí tích Truyền Chức ngang qua Chúa Thánh Thần, tạo ra một căn tính mới và đưa tinh thần, lương tâm và lợi ích của người lãnh nhận bí tích vào cộng đoàn linh mục vượt trên phạm vi của những mục đích cá nhân. Đó là một thực tế tâm lý dựa trên việc thừa nhận mối liên kết bản thể giữa mỗi linh mục với nhau. Chức tư tế được trao cho mỗi người nên được thực hiện trong bối cảnh bản thể, tâm lý và tinh thần của cộng đoàn này. Sau đó, sự hiệp thông linh mục sẽ thực sự hiện hữu: một món quà của Chúa Thánh Thần, nhưng cũng là hoa trái của sự đáp trả quảng đại của các linh mục.

Đặc biệt, ân sủng của bí tích này tạo ra một mối liên kết đặc biệt giữa các Giám mục và linh mục, bởi vì việc truyền chức linh mục được nhận từ Đức Giám mục, chức tư tế được mở rộng bởi ngài. Chính ngài giới thiệu người mới được phong chức vào linh mục đoàn, mà chính ngài là thành viên.

3. Sự hiệp thông linh mục hàm ý rằng tất cả các Giám mục và linh mục được gắn liền với con người của Chúa Kitô. Khi Đức Giêsu muốn chia sẻ sứ mạng thiên sai của mình với nhóm Mười Hai, Tin Mừng Maccô nói rằng Người đã gọi họ và chọn họ “làm bạn đồng hành của mình” (Mc 3, 14). Trong bữa Tiệc Ly, Người nói với họ như những người đã luôn một lòng gắn bó với Người trong thử thách gian nan (Lc 22,28), thúc giục họ đoàn kết và thay mặt họ để cầu xin Chúa Cha cho họ nên một. Nhờ được hiệp nhất trong Chúa Kitô, tất cả họ sẽ được hiệp nhất với nhau (Ga 15,4-11). Một nhận thức sống động về sự hiệp nhất và hiệp thông này trong Chúa Kitô được tiếp nối trong các Tông đồ trong khi rao giảng, đã dẫn họ từ Giêrusalem đến các khu vực khác nhau trên thế giới được biết đến sau đó, dưới hành động thuyết phục nhưng hợp nhất của chúa thánh thần trong ngày lễ Ngũ Tuần. Nhận thức này xuất hiện trong các Thư, Tin mừng và Công vụ Tông đồ.

Mỗi linh mục phải cộng tác với những người khác

Khi kêu gọi những ứng viên mới cho chức tư tế, Đức Giêsu Kitô cũng yêu cầu họ hiến dâng cuộc sống của mình cho chính Người. Như thế, Đức Giêsu có ý định hiệp nhất họ với nhau bởi mối tương quan hiệp thông đặc biệt với Người. Đây là nguồn gốc thực sự của sự hòa hợp mạnh mẽ của tinh thần và con tim liên kết các linh mục và giám mục trong sự hiệp thông linh mục.

Sự hiệp thông này được thúc đẩy bằng việc cộng tác trong cùng một công việc: xây dựng cộng đoàn ơn cứu độ. Chắc chắn mỗi linh mục đều có lĩnh vực hoạt động riêng mà các ngài có thể cống hiến tất cả tài năng và năng lực của mình. Thế nhưng, lĩnh vực này là một phần của công việc bao quát hơn bằng việc mọi Giáo hội địa phương đều nỗ lực để phát triển vương quốc của Chúa Kitô. Công việc này về cơ bản là của chung, do đó mỗi người phải cộng tác với những người khác của cùng một vương quốc.

Chúng ta biết khao khát hoạt động trong cùng một nhiệm vụ có thể hỗ trợ và thúc đẩy nỗ lực chung của mỗi người như thế nào. Nó tạo ra một cảm giác đoàn kết và có thể chấp nhận những hy sinh mà sự cộng tác đòi hỏi, bằng cách tôn trọng người khác và chấp nhận những khác biệt của họ. Do đó, điều quan trọng cần lưu ý là việc cộng tác này được tổ chức xung quanh mối tương quan giữa Giám mục và các linh mục của ngài; sự phụ thuộc của người sau với người trước là cần thiết cho cuộc sống của cộng đoàn Kitô hữu. Hoạt động cho vương quốc của Chúa Kitô chỉ có thể được thực hiện và phát triển theo cơ cấu mà Đức Giêsu đã thiết lập.

4. Bây giờ, tôi muốn nhấn mạnh vai trò của Bí tích Thánh Thể trong sự hiệp thông này. Trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu muốn thiết lập, theo cách đầy đủ nhất, sự hiệp nhất trong nhóm tông đồ, người mà trước tiên Ngài giao phó chức vụ tư tế. Để trả lời cho tranh chấp của họ về chỗ đứng đầu, Người đã đưa ra một ví dụ về sự phục vụ khiêm nhường bằng cách rửa chân cho họ (Ga 13, 2-15). Điều này đã giải quyết các xung đột xảy ra bởi tham vọng và dạy các tư tế đầu tiên của mình tìm kiếm chỗ cuối chứ không phải là chỗ đứng đầu. Trong suốt bữa Tiệc Ly, Đức Giêsu đã đưa ra điều răn của Ngài về tình yêu thương lẫn nhau (Ga 13,34; 15,12) và khai mở nguồn lực để ban sức giúp họ tuân giữ điều đó. Quả thực, tự sức mình các Tông đồ sẽ không thể yêu như Thầy đã yêu họ. Tuy nhiên với sự hiệp thông Thánh Thể, họ đã nhận được khả năng sống trong mối hiệp thông Giáo hội và, trong đó, cụ thể sự hiệp thông trong chức vụ tư tế. Nhờ bí tích, Đức Giêsu ban cho họ năng lực vượt trội để yêu và có thể can đảm dâng lời cầu xin lên Chúa Cha mà Người đặt trong các môn đệ của mình sự hợp nhất giống mối hiệp nhất giữa Chúa Cha và Chúa Con (Ga 17, 21-23). Cuối cùng, trong bữa Tiệc Ly, Đức Giêsu đã trao cho các Tông đồ sứ vụ của họ và quyền năng cử hành Bí tích Thánh Thể trong sự tưởng nhớ Người, do vậy càng làm sâu sắc thêm mối liên kết hiệp nhất họ. Sự hiệp thông trong quyền năng cử hành Bí tích Thánh Thể phải là dấu chỉ và nguồn của sự hiệp nhất đối với các Tông đồ và cho những người kế vị và những người cộng tác của họ.

Sự hiệp nhất của các linh mục phải phản ánh sự hiệp thông Ba Ngôi

5. Điều quan trọng là trong lời cầu nguyện tại Bữa Tiệc Ly, Đức Giêsu không chỉ cầu nguyện cho sự thánh hiến của các Tông đồ bằng sự thật (Ga 17,17), mà còn cho sự hiệp nhất của họ, một sự hiệp nhất phản ánh chính sự hiệp thông của các Ngôi Vị thần linh (Ga 17,11). Mặc dù lời cầu nguyện đó chủ yếu liên quan đến các Tông đồ mà Đức Giêsu muốn đặc biệt tập trung quanh Ngài, nhưng nó cũng được mở rộng cho các giám mục, linh mục và cho cả các tín hữu ở mọi thời đại. Đức Giêsu yêu cầu linh mục đoàn phải phản ánh cũng như tham gia vào sự hiệp thông của Ba Ngôi: thật là một lý tưởng cao siêu! Tuy nhiên, hoàn cảnh mà Đức Giêsu dâng lời cầu nguyện cho thấy sự hy sinh là cần thiết để đạt được lý tưởng này. Vào thời điểm khi dâng hiến mạng sống cho Chúa Cha, Đức Giêsu đã cầu xin cho sự hiệp nhất của các Tông đồ và những người theo Ngài. Ngài đã thiết lập sự hiệp thông linh mục trong Giáo hội của mình bằng cái giá là sự hy sinh của chính Ngài. Bởi thế, các linh mục không thể ngạc nhiên trước những hy sinh mà sự hiệp thông linh mục đòi hỏi nơi họ. Được dạy dỗ bằng lời của Chúa Kitô, họ khám phá ra trong những sự từ bỏ này một sự thông phần cụ thể thiêng liêng và mang tính Giáo Hội vào hy tế cứu chuộc của Thầy.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here