TGH Gioan Phaolô II – BÀI 65: LINH MỤC ĐƯỢC GỌI TRỞ MỘT NGƯỜI GIÀU LÒNG BÁC ÁI

0
1455

Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh

BÀI 65: LINH MỤC ĐƯỢC GỌI TRỞ MỘT NGƯỜI GIÀU LÒNG BÁC ÁI

Những người được Thiên Chúa trao sứ mạng để trở thành những mục tử thông qua việc truyền chức, được mời gọi để thể hiện tình yêu anh hùng của chính Chúa Giêsu

Tại buổi tiếp kiến chung ngày 7 tháng 7, Đức Thánh Cha tiếp tục bài giáo lý về linh đạo linh mục, đề tài tuần này thảo luận về vị linh mục như một người bác ái theo hình mẫu của Chúa Kitô, Vị Mục tử nhân lành. Bài nói chuyện này là bài thứ 64 trong loạt bài về mầu nhiệm của Giáo hội và được trình bày bằng tiếng Ý.

1. Trong các bài giáo lý trước dành cho các vị linh mục, chúng ta đã đề cập nhiều lần về tầm quan trọng của đức ái huynh đệ trong cuộc sống của họ. Bây giờ chúng tôi muốn thảo luận điều này rõ ràng hơn, bắt đầu từ căn nguyên của đức ái này trong cuộc sống của linh mục. Căn nguyên này được tìm thấy trong căn tính của ngài như là “người của Chúa”. Thư thứ nhất của thánh Gioan dạy chúng ta rằng “Thiên Chúa là tình yêu” (4, 8). Bởi các linh mục là “người của Chúa”, cho nên linh mục phải là con người giàu lòng bác ái. Người linh mục sẽ không có tình yêu đích thực đối với Thiên Chúa (thậm chí cả lòng đạo đức hay lòng nhiệt thành tông đồ thực sự) nếu không dành tình yêu cho những người lân cận.

Chính Chúa Giêsu đã cho thấy mối liên hệ giữa tình yêu dành cho Thiên Chúa và tình yêu dành cho người lân cận, vì “yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi” không thể tách rời khỏi “yêu người thân cận” (x. Mt 22,36-40). Do đó, một cách nhất quán, tác giả của thư Gioan đã trích dẫn những lý do trên: “Đây là điều răn mà chúng ta đã nhận được từ Người: ai yêu mến Thiên Chúa, thì cũng yêu thương anh em mình” (1 Ga 4,21).

2. Khi nói về bản thân mình, Đức Giêsu mô tả tình yêu này như tình yêu của một “mục tử nhân lành”, người không tìm kiếm lợi ích cho riêng mình giống như một người làm thuê. Người lưu ý rằng người Mục Tử Nhân Lành yêu thương đàn chiên của mình đến nỗi hiến dâng mạng sống của chính mình vì đàn chiên (x. Ga 10,11, 15). Do đó, nó là một tình yêu đỉnh cao của đức tính anh hùng.

Chúng ta biết tầm mức này đã được thực hiện trong cuộc sống và cái chết của Đức Giêsu. Những người, bởi việc lãnh tác vụ linh mục, cũng lãnh nhận nhiệm vụ của các mục tử, được mời gọi diễn tả lại nhiệm vụ đó trong cuộc sống của mình và làm chứng bằng hành động tình yêu anh hùng của người Mục tử nhân lành.

3. Trong cuộc đời của Đức Giêsu, người ta có thể thấy rõ những đặc trưng thiết yếu của “đức ái mục vụ” mà Người dành cho anh chị em của mình, “con người”. Người yêu cầu những anh em “mục tử” của mình bắt chước đức ái ấy. Trên hết, tình yêu của Đức Giêsu thật khiêm nhường: “tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,29). Người kêu gọi các Tông đồ từ bỏ tham vọng cá nhân và bất kỳ tinh thần thống trị nào để bắt chước tấm gương của “Con Người”, Người đến “không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10,45; Mt 20,28; xem Pastores dabo vobis, số 21-22).

Vì vậy, nhiệm vụ của người mục tử không thể được thực hiện với thái độ độc đoán hay thống trị (x. 1 Pr 5,3), điều này sẽ gây khó chịu cho các tín hữu và có thể đẩy họ ra khỏi cộng đoàn. Theo bước chân của Chúa Kitô là Mục Tử Nhân lành, chúng ta phải được định hình trong tinh thần phục vụ khiêm nhường (x. SGLHTCG, số 876).

Đức Giêsu cũng đã đưa ra ví dụ về một tình yêu đầy lòng trắc ẩn – một sự chia sẻ chân thành, tích cực trong những đau khổ và vấn nạn của các tín hữu. Người chạnh lòng thương đám đông không người chăn dắt (x. Mt 9,36). Vì lý do này, Đức Giêsu quan tâm hướng dẫn họ bằng lời nói và bắt đầu “dạy dỗ họ nhiều điều” (Mc 6,34). Cũng với lòng từ bi này, Người đã chữa nhiều bệnh nhân (Mt 14,14), như một dấu hiệu của ý định chữa lành tâm hồn. Ngài đã hóa bánh ra nhiều cho những người đói (Mt 15,32; Mc 8, 2), đó là một biểu tượng hùng hồn của Bí tích Thánh Thể. Người chạnh lòng thương trước cảnh khốn khổ của con người (Mt 20,34; Mc 1, 41) và muốn chữa lành cho họ. Người chia sẻ nỗi đau mất đi người thân với những người đang u buồn (Lc 7,13; Ga 11, 33-35). Ngài đã tỏ lòng thương xót ngay cả với những người tội lỗi (x. Lc 15, 1-2), trong sự kết hiệp với Chúa Cha, Đấng đầy lòng thương xót đối với người con hoang đàng (x. Lc 15,20) và thích lòng nhân hơn là lễ tế (x. Mt 9, 10-13). Trong một số trường hợp, Chúa Giêsu đã khiển trách đối thủ của mình vì không hiểu lòng thương xót của Người (Mt 12,7).

4. Về vấn đề này, điều quan trọng là Thư Hipri, dưới ánh sáng của cuộc sống và cái chết của Chúa Giêsu, một lần nữa cho thấy một điểm đặc trưng thiết yếu của chức tư tế đích thực trong tính liên đới và lòng trắc ẩn. Thật vậy, điều đó khẳng định lại rằng Vị Thượng Tế, “được chọn trong số người phàm, và được đặt lên làm đại diện cho loài người, trong các mối tương quan với Thiên Chúa, … có khả năng cảm thông với những kẻ ngu muội và những kẻ lầm lạc” (Hr 5,1-2). Do đó, Con Thiên Chúa cũng “giống anh em mình về mọi phương diện, để trở thành một vị Thượng Tế nhân từ và trung tín trong việc thờ phượng Thiên Chúa, hầu đền tội cho dân” (Hr 2,17). Vì thế, niềm an ủi lớn lao của chúng ta khi các Kitô hữu biết rằng “Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội” (Hr 4,15).

Do đó, người linh mục tìm thấy nơi Chúa Kitô kiểu mẫu của một tình yêu đích thực dành cho những ai đang đau khổ, nghèo khổ, u sầu và đặc biệt là cho những người tội lỗi, bởi vì Đức Giêsu gần gũi với con người với cuộc đời như chính chúng ta. Người chịu đựng những gian nan và thử thách như của chúng ta. Do đó, Đức Giêsu đầy lòng trắc ẩn đối với chúng ta và “có khả năng cảm thông với những kẻ ngu muội và những kẻ lầm lạc” (Hr 5, 2). Cuối cùng, Người có thể giúp đỡ những ai đang chịu thử thách: “Vì bản thân Người đã trải qua thử thách và đau khổ, nên Người có thể cứu giúp những ai bị thử thách (Hr 2,18).

Linh mục tái hiện tình yêu của Vị Mục tử Nhân Lành nơi chính mình

5. Tiếp tục dưới ánh sáng của tình yêu linh thiêng này, Công đồng Vatican II trình bày sự thánh hiến của các linh mục như một nguồn đức ái mục vụ: “Các linh mục của Giao Ước Mới, do ơn gọi và chức thánh, một cách nào đó được tuyển chọn ngay giữa Dân Chúa, không phải để tách biệt khỏi đoàn dân ấy hoặc khỏi bất cứ một ai nhưng để được thánh hiến dành riêng hoàn toàn cho công việc Chúa trao phó. Các ngài không thể là thừa tác viên của Đức Kitô nếu không trở nên chứng nhân và nên người ban phát một đời sống khác với đời sống trần thế này. “Tuy nhiên các ngài không thể phục vụ nhân loại nếu lại trở nên xa lạ với cuộc sống và những hoàn cảnh của nhân loại” (Presbyterorum ordinis, số 3). Vấn đề là hai khía cạnh nơi hành vi của các linh mục được dựa trên hai yêu cầu: đối với những linh mục, “Chính thừa tác vụ đặc biệt của các ngài đòi buộc các ngài không được sống rập theo đời này ; nhưng đồng thời lại đòi hỏi các ngài phải sống giữa mọi người trong thế gian này, phải như những mục tử nhân lành biết các con chiên của mình, lại phải tìm kiếm và dẫn về những con chiên chưa thuộc đàn này, để chúng được nghe tiếng Chúa Kitô và sẽ chỉ có một đàn chiên và một Chủ Chăn” (Presbyterorum ordinis, số 3). Điều này giải thích hoạt động mạnh mẽ của thánh Phaolô trong việc thu thập viện trợ cho các cộng đoàn nghèo nhất (x. 1 Cr 16, 1-4), và khuyến nghị của tác giả Thư Hipri để thực hành chia sẻ của cải (Koinonía) trong việc giúp đỡ người khác như những người theo Chúa (Hr 13,16).

6. Theo Công đồng, người linh mục muốn được noi theo Vị Mục tử Nhân Lành và tái hiện nơi mình tình yêu của Người cho anh chị em, sẽ phải tận tâm thực hiện một số nhiệm vụ rất quan trọng ngày nay, thậm chí còn quan trọng hơn cả những lần khác. Các vị mục tử phải biết tất cả các con chiên của mình (Presbyterorum ordinis, số 3), đặc biệt là qua các cuộc tiếp xúc, thăm viếng, tương quan bạn hữu, các cuộc gặp theo kế hoạch hoặc thỉnh thoảng, v.v., luôn luôn vì một lý do và với tinh thần của một mục tử nhân lành. Như Đức Giêsu đã làm, các ngài phải chào đón những người đến với mình, sẵn sàng lắng nghe, thấu hiểu, thực sự cởi mở và tử tế, tham gia vào các hoạt động giúp đỡ người nghèo và bất hạnh. Các linh mục phải trau dồi và thực hành “nhiều đức tính đáng được xã hội loài người quí trọng như từ tâm, chân thành, dũng cảm, kiên trì, yêu chuộng công lý, hòa nhã và những đức tính khác,” (Presbyterorum ordinis, số 3 ), cũng như kiên nhẫn, sẵn sàng tha thứ cách nhanh chóng và rộng lượng, có lòng tốt, hòa nhã, khả năng trao ban và giúp đỡ mà không cần đáp đền. Vô số nhân đức của con người và mục vụ mà hương thơm đức ái của Chúa Kitô có thể và phải xác định trong tư cách của người linh mục (x. Pastores dabo vobis 23)

Ân sủng nơi bàn thánh phải lan đến hoạt động của các linh mục

7. Được nuôi dưỡng bởi đức ái, các linh mục, trong khi thi hành sứ vụ của mình, có thể theo gương của Chúa Kitô, lương thực của Người là thi hành thánh ý Chúa Cha. Trong phục tùng tình yêu đối với thánh ý, các linh mục sẽ tìm thấy nguyên tắc và nguồn của sự hợp nhất trong cuộc sống của mình. Công Đồng tuyên bố rằng các linh mục có thể đạt được sự hợp nhất này “bằng cách kết hợp với Đức Kitô trong sự nhận biết thánh ý Chúa Cha…. khi dự phần vào công trình của vị Mục tử nhân lành, các ngài tìm thấy trong chính việc thực thi đức ái mục tử phương thức hoàn thiện đời linh mục bằng cách thống nhất đời sống và hoạt động của mình” (Presbyterorum ordinis, số 14). Nguồn gốc để rút ra đức ái này luôn luôn là Bí tích Thánh Thể, là “trung tâm và cội rễ của toàn thể đời sống linh mục”. Vì thế, tâm tư linh mục “luôn qui hướng về điều đã được thực hiện trên bàn tế lễ” (Presbyterorum ordinis, n. 14).

Do đó, ân sủng và đức ái nơi bàn thánh sẽ lan sang bục giảng, tòa giải tội, văn phòng giáo xứ, trường học, hoạt động giải trí, nhà và phố phường, bệnh viện, giao thông công cộng và phương tiện truyền thông, bất cứ nơi nào các linh mục có cơ hội thi hành nhiệm vụ của mình như một mục tử. Đó là Thánh lễ của Người được lan truyền trong mọi trường hợp. Đó là sự kết hiệp thiêng liêng của các ngài với Đức Kitô Thượng Tế và là Lễ Vật Hy Sinh biến các ngài, như thánh Inhaxio Antiokia nói, thành “lúa miến của Chúa để trở nên tấm bánh” vì lợi ích của anh chị em mình (x. Epist. ad Romanos, IV, 1).

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here