TGH Gioan Phaolô II – BÀI 64: CÁC LINH MỤC PHẢI NUÔI DƯỠNG LÒNG SÙNG KÍNH ĐỐI VỚI ĐỨC MARIA

0
710

Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh

BÀI 64: CÁC LINH MỤC PHẢI NUÔI DƯỠNG
LÒNG SÙNG KÍNH ĐỐI VỚI ĐỨC MARIA

Vì Đức Maria đã thông dự vào hiến tế của Người Con của mình, nên Ngài có thể mang đến cho các thừa tác viên của Đức Kitô những ân sủng cần thiết  để đáp ứng đầy đủ cho ơn gọi của họ

Tại buổi Tiếp Kiến Chung ngày 30 tháng 6, Đức Thánh Cha đã trở lại cuộc thảo luận về linh đạo linh mục. Trong tuần này, ngài tập trung về vai trò của lòng sùng kính Đức Maria trong đời sống cầu nguyện của các giáo sĩ. Bài nói chuyện của Đức Thánh Cha là bài thứ 63 trong loạt bài về mầu nhiệm của Giáo hội và được trình bày bằng tiếng Ý.

1. Tiểu sử của các linh mục thánh luôn ghi lại vai trò to lớn mà đời sống thiêng liêng của họ gắn với đức Maria. “Cuộc đời được viết ra” tương ứng với kinh nghiệm của “cuộc đời thực” của rất nhiều linh mục đáng kính mà Chúa đặt làm các thừa tác viên của ân sủng thiêng liêng giữa dân chúng được giao cho họ chăm sóc mục vụ, hoặc như các nhà truyền giáo, tuyên úy, cha giải tội, giáo sư, nhà văn. Các vị linh hướng và các bậc thầy tâm linh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn sùng Đức Mẹ trong đời sống linh mục, như một trợ giúp hữu hiệu trên hành trình nên thánh, hay một sự an ủi liên lỉ trong cơn thử thách và một nguồn lực mạnh mẽ trong hoạt động tông đồ.

Thượng hội đồng Giám Mục năm 1971 cũng thông qua cách diễn đạt của Truyền thống Kitô giáo đối với các linh mục ngày nay khi đề nghị: “Với tâm trí được nâng lên trời và chia sẻ trong sự hiệp thông các thánh, các linh mục nên thường xuyên hướng về Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, người đã đón nhận Ngôi Lời của Thiên Chúa với đức tin hoàn hảo, và hàng ngày xin ngài ban ơn để họ vâng theo Đức Giêsu ,Con của ngài” (Enchiridion Vaticanum., IV, 1202). Lý do sâu xa để các linh mục có lòng sùng kính đối với Đức Maria rất thánh dựa trên mối quan hệ cốt yếu được thiết lập trong kế hoạch thiêng liêng giữa Mẹ Đức Giêsu và chức tư tế của các thừa tác viên của Người Con. Chúng tôi muốn suy tư về khía cạnh quan trọng này của linh đạo linh mục và rút ra kết luận thực tế từ nó.

2. Mối quan hệ của Đức Maria với chức tư tế bắt nguồn chủ yếu từ việc làm mẹ của ngài. Trở thành Mẹ của Đức Kitô bằng sự ưng thuận với thông điệp của sứ thần, Đức Maria trở thành Mẹ của vị Thượng Tế Tối Cao. Đây là một thực tại khách quan: bằng cách đảm nhận bản tính con người trong sự Nhập thể, Con Thiên Chúa vĩnh cửu đã đáp ứng điều kiện cần thiết để trở thành một thượng tế của nhân loại qua cái chết và sự phục sinh của mình (x. Hr 5,1). Chúng ta có thể ngạc nhiên trước sự tương ứng hoàn hảo giữa Đức Maria và Con của ngài tại thời điểm Nhập thể. Thật vậy, Thư Hipri tiết lộ cho chúng ta rằng khi Ngôi Hai “đến thế gian”, Người đã định hướng cho các linh mục đến với hiến tế của Người và nói với Chúa: “Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể…Bấy giờ con mới thưa : Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài” (Hc 10, 5-7). Tin Mừng cho chúng ta biết rằng cùng lúc đó, Đức Trinh Nữ Maria đã bày tỏ thái độ tương tự, khi nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1, 38).

Đức Maria hợp tác toàn diện trong sứ mạng tư tế của Chúa Kitô

Sự tương ứng hoàn hảo này cho chúng ta thấy rằng một mối quan hệ chặt chẽ đã được thiết lập giữa thiên chức làm mẹ của Đức Maria và chức tư tế của Chúa Kitô. Bởi thực tế đó, một mối dây liên kết đặc biệt tồn tại giữa thừa tác vụ linh mục và Đức Maria

3. Như chúng ta đã biết, Đức Trinh Nữ diễm phúc đã hoàn thành vai trò người mẹ của mình không chỉ trong việc sinh ra Chúa Giêsu về thể xác mà còn trong việc hình thành phẩm hạnh nơi Người. Với tư cách là mẹ, Đức Maria chịu trách nhiệm nuôi dạy trẻ Giêsu theo cách phù hợp với sứ mạng tư tế của Người. Đó là ý nghĩa mà Đức Maria học được từ thông điệp Nhập thể.

Trong sự đồng thuận của Đức Maria, chúng ta có thể nhận ra một sự tin nhận với sự thật quan trọng về chức tư tế của Chúa Kitô và sự sẵn sàng hợp tác để thực hiện nó trên thế giới. Điều này đặt cơ sở khách quan cho vai trò mà Đức Maria được mời gọi để tham gia trong việc đào tạo các thừa tác viên của Đức Kitô, những người chia sẻ trong chức tư tế của Người. Tôi mời gọi các bạn chú ý đến điều này trong Tông huấn Pastores dabo vobis: mọi khía cạnh của viêc đào tạo linh mục đều có thể được giao cho đức Maria (x. số 82).

4. Chúng ta biết thêm rằng Đức Mẹ đã sống trọn vẹn mầu nhiệm của Đức Kitô, điều mà Mẹ đã khám phá sâu sắc hơn bao giờ hết qua suy tư cá nhân về các sự kiện hạ sinh và thời thơ ấu của Con (x. Lc 2,19; 2,51). Đức Maria cố gắng lĩnh hội kế hoạch thiêng liêng với cả tâm trí và con tim để cộng tác cách ý thức và hiệu quả trong kế hoạch đó. Ai có thể soi sáng cho các thừa tác viên của Đức Giêsu tốt hơn Đức Maria, dẫn họ đến với “sự giàu có không kể xiết” của mầu nhiệm Đức Giêsu để hành động phù hợp với sứ mạng tư tế của Người?

Đức Maria được liên kết độc đáo với hy tế tư tế của Chúa Kitô, chia sẻ ý định của Người là cứu độ thế gian bằng thập giá. Đức Maria là người đầu tiên chia sẻ cách thiêng liêng trong của lễ của Đức Kitô với tư cách là Sacerdos et Hostia, và đã làm điều đó một cách hoàn hảo nhất. Như vậy, Đức Maria có thể thông ban ân sủng cho những ai chia sẻ chức tư tế của Con ngài ở mức độ thừa tác. Ân sủng khiến họ đáp ứng tốt hơn với những đòi hỏi của hiến lễ thiêng liêng mà chức linh mục đòi hỏi: đặc biệt là ân sủng của đức tin, đức cậy và kiên trì trong những gian nan thử luyện, được chấp nhận như thử thách để chia sẻ quảng đại hơn trong hy tế cứu chuộc.

Chúa Giêsu giáo phó các linh mục cho sự bảo trợ của Mẹ Maria

5. Trên đồi Canvê, Đức Giêsu đã giao phó vai trò làm mẹ mới cho Đức Maria khi Người nói: “Thưa Bà, đây là con của Bà” (Ga 19,26). Chúng ta không thể bỏ qua thực tế rằng vào lúc vai trò làm mẹ này được tuyên bố thì nó liên quan đến một “linh mục”, người môn đệ yêu dấu. Trên thực tế, theo các Tin Mừng nhất lãm, thánh Gioan đã được nhận từ Thầy trong Bữa tiệc ly vào đêm hôm trước, quyền để tiếp tục làm lại hiến tế thập giá trong việc tưởng nhớ của ngài. Cùng với các tông đồ khác, thánh Gioan thuộc nhóm “linh mục” đầu tiên; bây giờ ngay bên cạnh Đức Maria, ông thay thế một Linh Mục Tối Cao sắp rời khỏi thế gian. Chắc chắn, ý định của Đức Giêsu tại thời điểm đó là thiết lập thiên chức làm mẹ phổ quát của Đức Maria trong đời sống ân sủng cho mọi môn đệ, ngay lúc đó và cho các thế hệ mai sau. Nhưng chúng ta không thể bỏ qua thực tế rằng vai trò làm mẹ này đã đảm nhận một hình thức cụ thể, trực tiếp liên quan đến một tông đồ- “linh mục”. Và chúng ta có thể nghĩ rằng ánh mắt của Chúa Giêsu đã vượt ra ngoài thánh Gioan hướng đến hàng loạt “linh mục” của Người ở mọi thời đại cho đến tận thế. Như với người môn đệ yêu dấu, Người cũng giao phó thiên chức làm mẹ của Đức Maria cho họ cách cụ thể, từng người một.

Chúa Giêsu cũng nói với thánh Gioan: “Đây là mẹ của anh” (Ga 19,27). Người đã giao cho người môn đệ yêu dấu nhiệm vụ chăm sóc Đức Maria như là mẹ ruột, yêu thương, tôn kính và bảo vệ ngài trong những năm còn lại của cuộc đời dương thế, nhưng trong ánh sáng của những gì được viết cho Đức Marria trên thiên đàng, nơi ngài sẽ được nâng lên và tôn vinh. Những lời này là nguồn gốc của lòng sùng kính Thánh Mẫu: sự kiện quan trọng là chúng đã được gửi đến một “linh mục”. Chúng ta không thể rút ra kết luận rằng “linh mục” có trách nhiệm thúc đẩy và phát triển sự lòng sùng kính này? Hay linh mục là người chịu trách nhiệm chính cho nó?

Các linh mục luôn có thể trông cậy vào sự trợ giúp của Đức Maria

Trong Tin Mừng của mình, thánh Gioan nghĩ rằng điều quan trọng là phải nhấn mạnh rằng “kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình” (Ga 19,27). Quả thực, thánh nhân đã ngay lập tức đáp lại lời mời của Chúa Kitô và đưa Đức Maria về nhà mình với lòng kính trọng xứng hợp. Tôi muốn nói rằng về mặt này, thánh nhân biểu lộ như một “linh mục thực sự”: môn đệ trung thành của Chúa Giêsu.

Đối với mỗi linh mục, việc đưa Đức Maria về chính ngôi nhà của mình đồng nghĩa với việc dành cho Mẹ một vị trí trong cuộc sống của chính mình, duy trì thói quen kết hợp với Mẹ trong suy nghĩ, cảm xúc, lòng nhiệt thành đối với vương quốc của Thiên Chúa và lòng tôn kính dành cho Mẹ (x. SGLHTCG, số 2673-2679).

6. Điều gì chúng ta nên kêu cầu Đức Maria như “người Mẹ của các linh mục”? Ngày nay, có lẽ hơn bất cứ lúc nào, linh mục đặc biệt cần phải xin Đức Maria ban ơn để biết cách chấp nhận món quà của Chúa với lòng biết ơn, hoàn toàn trân trọng món quà đó như Mẹ đã làm trong Magnificat. Ân sủng để quảng đại dâng hiến để noi theo tấm gương của Đức Maria như một “người Mẹ quảng đại”; ân sủng của sự khiết tịnh và trung thành trong nghĩa vụ độc thân, theo gương của Mẹ là “Trinh nữ tín trung”; ân sủng tình yêu cháy bỏng, nhân hậu, trong ánh sáng chứng nhân của người như “Mẹ của lòng thương xót”.

Các linh mục phải luôn nhớ rằng trong những khó khăn sẽ gặp, các vị có thể trông cậy vào sự giúp đỡ của Đức Maria. Trong Mẹ và với Mẹ, các linh mục tâm sự và giao phó bản thân, sứ vụ mục tử của mình, kêu cầu Mẹ làm cho nó sinh nhiều hoa trái. Cuối cùng, người linh mục xem Mẹ là hình mẫu hoàn hảo cho cuộc đời và sứ vụ của mình. Vì như Công đồng nói rằng Đức Trinh Nữ Maria là người “người được Chúa Thánh Thần dẫn dắt, đã hiến toàn thân cho mầu nhiệm cứu chuộc loài người”. Các linh mục phải lấy tình con thảo thành kính tôn sùng và mến yêu Đấng là Mẹ của vị Thượng Tế đời đời, là Nữ Vương các Tông Đồ và là nguồn trợ lực cho tác vụ linh mục”(Presbyterorum ordinis, số 18).

Tôi kêu gọi anh em trong chức tư tế ngày càng nuôi dưỡng “lòng sùng kính thực sự này đối với Đức Maria” và rút ra những kết quả thiết thực cho cuộc sống và sứ vụ của mình. Tôi kêu gọi tất cả các tín hữu tham gia với chúng tôi, các linh mục trong việc giao phó họ cho Đức Mẹ và cầu khẩn Mẹ tuôn đổ phúc lành cho họ và cho toàn thể Giáo Hội.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here