TGH Gioan Phaolô II – BÀI 62: LINH MỤC PHẢI SỐT SẮNG CẦU NGUYỆN

0
1374

Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh

BÀI 62: LINH MỤC PHẢI SỐT SẮNG CẦU NGUYỆN

Bởi vì Linh mục được nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô theo bí tích, các ngài phải là con người của cầu nguyện, như một người được thụ phong để tiếp tục sứ mạng của vị Thượng Tế Tối Cao

Đời sống cầu nguyện của các linh mục là chủ đề bài giáo lý hàng tuần của Đức Thánh Cha tại buổi tiếp kiến chung thứ Tư ngày 2 tháng Sáu. Bài chia sẻ được trình bày bằng tiếng Ý với hàng ngàn người hành hương từ mọi châu lục. Trong bài chia sẻ, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng các linh mục cần phải suy niệm, cử hành Thánh lễ và Phụng vụ các giờ kinh, thường xuyên lãnh nhận Bí tích Hòa Giải. Đây là bản dịch bài chia sẻ của ngài.

1. Hôm nay, chúng ta quay lại một số ý tưởng đã được đề cập trong bài giáo lý trước để nhấn mạnh hơn các yêu cầu và tác động bắt nguồn từ thực tế về một người đã tận hiến cho Thiên Chúa, như chúng ta đã mô tả họ. Tắt một lời, chúng ta có thể nói rằng, sự thánh hiến hệ tại ở hình ảnh của Đức Kitô, linh mục phải là một người cầu nguyện như chính Đức Kitô. Định nghĩa ngắn gọn này bao trùm toàn bộ đời sống thiêng liêng mang lại cho các linh mục một căn tính Kitô giáo đích thực, xác định các ngài là một linh mục và là nguyên tắc thúc đẩy hoạt động tông đồ của các vị.

Tin Mừng cho thấy Đức Giêsu cầu nguyện vào mọi thời khắc quan trọng trong sứ vụ của Ngài. Cuộc đời công khai của Đức Giêsu, được khai mạc bằng Bí tích Rửa Tội, bắt đầu bằng lời cầu nguyện (Lc 3,21). Ngay cả trong những giai đoạn dày đặc công việc giảng dạy cho đám đông, Người vẫn dành những khoảng thời gian để cầu nguyện (Mc 1, 35; Lc 5,16). Trước khi chọn nhóm Mười Hai, Đức Giêsu đã dành một đêm để cầu nguyện (Lc 6,12). Người cầu nguyện trước khi yêu cầu các Tông đồ tuyên xưng đức tin (Lc 9,18); Người cầu nguyện một mình trên núi sau phép lạ hóa bánh ra nhiều (Mt 14,23; Mc 6,46); Người cầu nguyện trước khi dạy các môn đệ cầu nguyện (Lc 11,1); Người đã lên núi cầu nguyện trước biến cố mặc khải phi thường là Biến Hình Trên Núi (Lc 9:28); Người cầu nguyện trước khi thực hiện một số phép lạ (Ga 11,41-42). Đức Giêsu cầu nguyện trong Bữa Tiệc Ly để giao phó tương lai của mình và của Giáo Hội cho Chúa Cha (Ga 17). Ở Gethsemani, Người dâng lên Chúa Cha lời nguyện xin tha thiết về nỗi khổ đau và khiếp sợ của Người (Mc 15,35-39). Và trên thập giá, Ngài đã đưa ra những lời cầu khẩn cuối cùng, đầy đau khổ (Mt 27,46), nhưng cũng đầy phó thác tin cậy (Lc 23,46). Có thể nói rằng, toàn bộ sứ mạng của Chúa Kitô được đầy sinh khí với lời cầu nguyện, từ khi khởi đầu sứ vụ Thiên Sai cho đến hành động tư tế tối cao: hy tế trên thập giá.

Các linh mục hãy siêng năng cầu nguyện

2. Những người được kêu gọi chia sẻ sứ mạng và hy tế của Đức Kitô, sẽ tìm thấy trong hình mẫu của Người động lực đưa việc cầu nguyện vào vị trí chính đáng của nó trong cuộc sống của họ; như là nền tảng, gốc rễ và bảo đảm của sự thánh thiện trong hành động. Thật vậy, chúng ta học được từ Chúa Giêsu rằng việc thi hành chức linh mục không thể mang lại hoa trái nếu không có lời cầu nguyện. Cầu nguyện giúp bảo vệ vị linh mục khỏi nguy cơ bỏ bê đời sống nội tâm bởi lợi ích của hành động và khỏi cơn cám dỗ lao mình vào công việc như bị lạc vào nó.

Sau khi tuyên bố rằng “chuẩn mực của đời sống linh mục” được tìm thấy trong sự thánh hiến của Đức Kitô, nguồn mạch thánh hiến của Tông đồ, Thượng hội đồng Giám mục năm 1971 cũng áp dụng quy tắc này để cầu nguyện trong những lời sau: “Theo gương của Đức Kitô, Đấng cầu nguyện liên lỉ, và được dẫn dắt bởi Chúa Thánh Thần mà nhờ Người chúng ta kêu lên hai tiếng “Abba, Cha ơi”. Các linh mục nên hăng say suy ngẫm Lời Chúa và hàng ngày tìm cơ hội để xem xét các biến cố trong cuộc sống dưới ánh sáng Tin Mừng, để bản thân trở nên con người trung tín và chú tâm lắng nghe Lời Chúa. Nhờ đó, họ có thể trở thành những thừa tác viên đích thực của Lời. Xin để họ chuyên cần cầu nguyện, tham gia Phụng vụ các giờ kinh, và thường xuyên lãnh nhận bí tích Hòa giải và đặc biệt là có sùng kính mầu nhiệm Bí tích Thánh Thể” (x. Enchiridion Vaticanum, IV, 1201).

3. Công đồng Vatican II không quên nhắc nhở các linh mục về sự cần thiết phải thường xuyên kết hiệp với Chúa Kitô, và Công đồng đề nghị việc siêng năng cầu nguyện cho mục đích này: “Bằng nhiều cách, nhất là bằng việc sử dụng tâm nguyện vẫn được thực hành trong Giáo Hội và những hình thức cầu nguyện khác nhau tùy ý lựa chọn, các linh mục tìm kiếm và sốt sắng khẩn cầu Chúa ban cho mình một tinh thần thờ phượng đích thực, nhờ đó các ngài cùng với dân được trao phó sẽ kết hợp mật thiết với Đức Kitô là Đấng Trung Gian của Giao Ước Mới” (Presbyterorum ordinis, số 18). Như chúng ta thấy, trong số các hình thức cầu nguyện khả dĩ, Công đồng lưu ý đến tâm nguyện. Đó là một cách cầu nguyện không có công thức cứng nhắc, không đòi hỏi phải nói thành lời, cũng như đáp lại sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần trong chiêm ngắm mầu nhiệm thánh thiêng.

Công đồng khuyến nghị việc cử hành Phụng vụ giờ kinh

4. Thượng hội đồng Giám mục năm 1971 đặc biệt nhấn mạnh việc “chiêm niệm Lời Chúa” (x. Enchiridion Vaticanum, IV, 1201). Người ta không nên sợ hãi từ “chiêm niệm” và bổn phận thiêng liêng mà nó đòi hỏi. Có thể nói rằng, trong số các hình thức và lối sống, “đời sống chiêm niệm” vẫn là viên ngọc tuyệt vời nhất của Giáo Hội, Hiền thê của Chúa Kitô. Lời mời gọi lắng nghe và suy niệm Lời Chúa theo tinh thần chiêm niệm hữu ích với tất cả mọi người, để trái tim và tâm trí họ có thể được nuôi dưỡng. Điều này giúp linh mục phát triển lối suy nghĩ và cách nhìn thế giới bằng sự khôn ngoan, cũng như trong viễn cảnh của mục đích tối cao – Thiên Chúa và kế hoạch cứu rỗi của Người. Thượng hội đồng nói: “Xem xét các biến cố của cuộc sống dưới ánh sáng của Tin Mừng” (x. Enchiridion Vaticanum, IV, 1201).

Ở đây sự khôn ngoan siêu nhiên nằm trên hết như một món quà của Chúa Thánh Thần, Đấng làm cho nó trở nên khả dĩ để thực hiện phán đoán tốt trong ánh sáng của “những lý do tối thượng”, “những điều vĩnh cửu”. Do đó, sự khôn ngoan trở thành yếu tố chính trong sự liên kết với Chúa Kitô trong suy nghĩ, phán đoán, đánh giá bất kỳ vấn đề nào dù lớn hay nhỏ. Vì vậy, người ta có thể nói linh mục (giống như mọi Kitô hữu, hay hơn thế) phản chiếu ánh sáng, lòng nhiệt thành thiết thực, sự vâng phục đối với Chúa Cha, nhịp cầu nguyện, hành động và có thể nói đó là hơi thở thiêng liêng của Đức Kitô. Mục tiêu này có thể đạt được bằng cách để Chúa Thánh Thần hướng dẫn trong việc suy niệm Tin Mừng, thúc đẩy mối thâm tình sâu sắc hơn với Chúa Kitô, giúp ta tiến sâu hơn vào tư tưởng của Thầy Giêsu và giúp họ gắn bó hơn với Người. Nếu các linh mục siêng năng thực hiện điều này, các ngài duy trì dễ dàng hơn trạng thái hân hoan phát sinh từ nhận thức về việc thi hành Lời Chúa cách mật thiết, cá vị mà các ngài phải giảng dạy cho người khác. Trên thực tế, Công đồng nói về những linh mục: “khi tìm những phương cách thích hợp để có thể thông ban cho kẻ khác những điều mình đã chiêm niệm, các ngài cảm nếm cách sâu sắc hơn sự phong phú không thể khám phá hết được của Chúa Kitô (Ep 3,8) và sự khôn ngoan thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa” (Presbyterorum ordinis, số 13). Chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa ban cho chúng ta nhiều linh mục biết nhận ra, đồng hóa và cảm nếm sự khôn ngoan của Thiên Chúa trong đời sống cầu nguyện; và giống như thánh Phaolô, họ cũng cảm nhận được thiên hướng để công bố và dành cho nó lý do đích thực cho hoạt động tông đồ của họ (x. Pastores dabo vobis, số 47).

5. Khi bàn về việc cầu nguyện của linh mục, Công đồng cũng đề cập và khuyến nghị việc cử hành Phụng vụ các giờ kinh, vốn nối kết việc cầu nguyện cá nhân của linh mục với lời nguyện của Giáo Hội: “Khi đọc Kinh Nhật Tụng, các ngài đọc thay cho Giáo Hội để không ngừng cầu nguyện nhân danh toàn thể nhân loại, và để kết hợp với Chúa Kitô, Đấng “hằng sống luôn chuyển cầu cho chúng ta” (Dt 7,25)” (Presbyterorum ordinis, số 13).

Nhờ sứ mạng đại diện và trung gian chuyển cầu đã được giao phó cho mình, linh mục có nghĩa vụ thực hành hình thức cầu nguyện “chính thức” này, được Giáo Hội ủy thác và được làm không chỉ nhân danh các tín hữu mà còn của cả nhân loại và của toàn vũ trụ (x. CIC, can. 1174, ‘1). Bởi chia sẻ chức tư tế của Đức Kitô, các linh mục làm trung gian chuyển cầu cho nhu cầu của Giáo Hội, thế giới và mỗi con người; biết rằng các ngài đại diện tiếng nói của toàn thể vũ trụ để ca ngợi vinh quang Thiên Chúa và tìm kiếm ơn cứu độ nhân loại.

Các linh mục phải thường xuyên lãnh nhận bí tích Hòa Giải

6. Cần nhắc lại rằng, để đảm bảo chắc chắn hơn cho đời sống cầu nguyện của các linh mục, để củng cố và làm mới đời sống ấy bằng cách dựa vào các nguồn mạch của nó, Công Đồng yêu cầu các linh mục dành những khoảng thời gian (ngoài thời gian để cầu nguyện hàng ngày) để sống thân mật với Chúa Kitô: “Các ngài hãy chuyên chăm trong việc tĩnh tâm thiêng liêng và mến chuộng việc linh hướng” (Presbyterorum ordinis, số 18). Việc này sẽ như một sự nâng đỡ ấm áp dìu dắt họ trên đường. Khi họ cảm nghiệm được lợi ích của sự hướng dẫn này, họ cũng sẵn sàng cống hiến sự nâng đỡ này cho những người được ủy thác cho trách vụ mục tử của mình. Đây sẽ là một cách thế tuyệt vời cho con người ngày nay, đặc biệt là những người trẻ, và sẽ đóng một vai trò mang tính quyết định trong việc giải quyết vấn đề ơn gọi giống như kinh nghiệm của rất nhiều thế hệ linh mục và tu sĩ.

Trong bài giáo lý trước, chúng ta đã đề cập đến tầm quan trọng của bí tích Hòa Giải. Công đồng khuyến khích các linh mục năng lãnh nhận bí tích này. Rõ ràng bất cứ ai thực hiện tác vụ hòa giải Kitô hữu với Thiên Chúa thông qua bí tích Hòa Giải, thì chính các vị ấy cũng phải tự mình cậy dựa vào bí tích này. Người linh mục sẽ là người đầu tiên thừa nhận mình là một tội nhân và tin vào ơn tha thứ thiêng liêng được tỏ lộ bằng ơn tha tội của bí tích. Khi quản lý bí tích Hòa Giải, việc nhận thức mình là một tội nhân sẽ giúp người linh mục đồng cảm hơn với các tội nhân. Chẳng phải Thư Hipri đã nói về các linh mục, được chọn từ giữa muôn người: “Vị ấy có khả năng cảm thông với những kẻ ngu muội và những kẻ lầm lạc, bởi vì chính người cũng đầy yếu đuối” (Hr 5,2)? Ngoài ra, việc lãnh nhận bí tích Hòa Giải thúc đẩy linh mục sẵn sàng phân phát bí tích này cho các tín hữu lúc họ cần. Đây cũng là một nhu cầu mục vụ khẩn cấp trong thời đại của chúng ta.

7. Tuy nhiên, lời cầu nguyện của các linh mục đạt đến đỉnh cao trong cử hành Thánh Thể, “chức năng chính của họ” (Presbyterorum ordinis, số 13). Đây là một điểm quan trọng đối với đời sống cầu nguyện của các linh mục mà tôi muốn dành bài giáo lý tiếp theo cho nó.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here