TGH Gioan Phaolô II – BÀI 40. GIÁM MỤC DIỄN TẢ SỰ HIỆP NHẤT CỦA GIÁO HỘI

0
1225

Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh

BÀI 40. GIÁM MỤC DIỄN TẢ SỰ HIỆP NHẤT CỦA GIÁO HỘI

Hợp nhất với Đức Giáo Hoàng và không bao giờ tách rời khỏi ngài, Giám mục đoàn diễn tả tính duy nhất và phổ quát của Dân Thiên Chúa

Giám mục đoàn là chủ đề bài phát biểu của Đức Thánh Cha tại buổi Tiếp kiến chung vào thứ Tư, 7 tháng Mười. Đây là bài thứ 40 của loạt bài giáo lý về bản tính Giáo Hội.

1. Trong Hiến chế Lumen gentium, Công đồng Vaticanô II đưa ra sự tương đồng giữa Tông đồ đoàn và Giám mục đoàn trong sự hiệp nhất với Giám mục Rôma: “Do Chúa thiết định, thánh Phêrô và các Tông đồ khác đã tạo thành một Tông đồ đoàn duy nhất, cũng với cách thức tương tự, Giám mục Rôma là người kế vị thánh Phêrô, cùng với các Giám mục là những người kế vị các Tông đồ luôn liên kết với nhau” (Lumen gentium, số 21). Đạo lý này hướng đến Giám mục đoàn trong Giáo Hội. Nền tảng cơ bản của đạo lý này là khi thiết lập Giáo Hội, Đức Kitô đã kêu gọi Nhóm Mười Hai, chỉ định họ là những Tông đồ và trao phó sứ mạng loan báo Tin mừng, ban quyền dẵn dắt mọi tín hữu. Bằng cách đó, Ngài cũng thiết lập cơ cấu “thừa tác” trong Giáo Hội.

Chúng ta thấy Mười hai Tông đồ như thân thể và một tập đoàn gồm những thành viên liên kết với nhau bằng tình yêu của Đức Kitô. Ngài đã đặt họ dưới quyền của Phêrô khi Ngài nói với ông: “Anh là Phêrô, và trên tảng đá này Thấy sẽ xây Hội Thánh của Thầy” (Mt 16,18). Và khi lãnh nhận sứ mạng loan báo Tin mừng đến khi thời gian viên mãn, Nhóm Mười Hai cần phải có người kế vị, đó là hàng Giám mục. Theo Công đồng, sự kế vị này giúp duy trì cơ cấu ban đầu của Tông đồ đoàn, vốn liên kết với nhau đặt dưới sự lãnh đạo của Phêrô, theo ý muốn của Đức Kitô.

Giám mục đoàn hoàn trọn ý muốn của Đức Kitô

2. Ngoại trừ trong công thức, Công đồng không trình bày đạo lý này như một điều mới mẻ, nhưng như là nội dung của một thực tại lịch sử, lãnh nhận và hoàn trọn ý muốn của Chúa Kitô, được truyền lại qua Thánh Truyền.

a) Công đồng nói về “một định chế có từ xa xưa, theo đó các Giám mục trên khắp hoàn cầu thông hiệp với nhau và với Giám mục Rôma bằng mối dây hiệp nhất, bác ái và bình an.” (Lumen gentium, số 22)

b) “Cũng như qua việc triệu tập Công đồng để cùng nhau quyết nghị về những vấn đề quan trong hơn, bằng những định chế đã được cân nhắc với ý kiến của nhiều người; các Công Đồng chung được nhóm họp trong các thế kỷ xác nhận rõ ràng điều này.” (Lumen gentium, số 22)

c) Tính tập thể “cũng đã được đưa vào một tập tục xa xưa, qua việc mời nhiều Giám mục đến cùng cử hành nghi lễ tấn phong cho người vừa được chọn để nhận lãnh tác vụ tư tế tối cao. Một người được thiết định là thành viên của cộng đoàn Giám mục nhờ sự thánh hiến bí tích và nhờ sự hiệp thông phẩm trật với vị Thủ Lãnh và những phần tử của Giám mục đoàn.” (Lumen gentium, số 22)

3. Chúng ta đọc lại, Giám mục đoàn “xét như được tạo thành với nhiều thành viên, Giám mục đoàn diễn tả đặc tính đa dạng và phổ quát của Dân Thiên Chúa; còn xét như được quy tụ dưới một vị thủ lãnh duy nhất, cộng đoàn Giám mục diễn tả tính duy nhất của đoàn chiên Đức Kitô” (Lumen gentium, số 22). Hiệp thông với Người kế vị Thánh Phêrô, toàn thể tập đoàn Giám mục thực thi quyền bính tối cao đối với Giáo Hội hoàn vũ. Trong các bài giáo lý sau, chúng ta sẽ thảo luận về “Thừa tác vụ Phêrô” trong Giáo Hội. Tuy nhiên, khi nói về tập đoàn Giám mục, chúng ta phải nghĩ đến thừa tác vụ ấy.

Thật vậy, theo Hiến chế Lumen gentium, “quyền tối cao của Giám mục đoàn trên toàn thể Giáo Hội được thi hành cách trọng thể trong Công đồng chung.” (Lumen gentium 22). Nhưng chúng ta cũng thấy rằng, chỉ duy “vị Giám mục Rôma có đặc quyền triệu tập, chủ toạ và phê chuẩn các công đồng này” (Lumen gentium 22). Một Công đồng không thể được gọi là Công đồng Đại kết đúng nghĩa nếu không được Giám mục Rôma phê chuẩn, hoặc ít là chấp nhận. Bởi vì khi đó, Công đồng sẽ thiếu mất dấu chỉ hiệp nhất được Đấng kế vị thánh Phêrô bảo đảm. Khi sự hiệp nhất và tính phổ quát được đảm bảo, một Công đồng Đại kết cũng có thể xác định cách không sai lầm những chân lý trong lĩnh vực đức tin và luân lý. Trong lịch sử, các Công đồng Đại kết đóng vai trò rất quan trọng và quyết định trong việc ấn định, làm rõ và khai triển đạo lý, điển hình như các Công đồng Nicea, Constantinople, Ephesus và Chalcedon.

4. Thêm nữa, đối với các Công đồng Đại kết, “hợp nhất với Giáo hoàng, các Giám mục cư ngụ trên khắp thế giới có thể thi hành quyền cộng đoàn ấy khi vị thủ lãnh mời gọi các ngài thực hiện một hành động tập thể, hay ít ra phê chuẩn hoặc sẵn lòng chấp nhận hành động mang tính liên kết của những Giám mục đang ở nhiều nơi khác nhau, xem đó thực sự là một hành động tập thể.” (Lumen gentium 22).

Được triệu tập sau Công đồng Vaticanô II, các Thượng hội đồng Giám mục được nhìn nhận tham gia cách cụ thể vào việc quản trị Giáo Hội hoàn vũ của tập đoàn Giám mục.

Các Thượng Hội đồng này nghiên cứu, thảo luận các chủ đề mục vụ và đạo lý có tầm quan trọng đáng kể đối với Giáo Hội hoàn vũ. Kết quả của mỗi Thượng hội đồng, được xuất bản dưới sự chấp thuận của Tòa thánh, được tóm kết thành các tài liệu và phổ biến rộng khắp. Các tài liệu đúc kết của các Thượng hội đồng gần đây được gọi là bản văn đúc kết “Hậu Thượng hội đồng”.

Sự liên hệ giữa hàng Giám mục và Giáo Hội hoàn vũ

5. Một lần nữa, “Sự hợp nhất của Giám mục đoàn cũng hiển hiện qua những mối liên hệ hỗ tương giữa mỗi Giám mục với Giáo Hội địa phương và Giáo Hội phổ quát” (Lumen gentium 23). “Mỗi Giám mục tiêu biểu cho Giáo Hội mình, và tất cả các Giám mục, cùng với Giáo hoàng, tiêu biểu cho toàn thể Giáo Hội trong mối dây bình an, yêu thương và hợp nhất.” (Lumen gentium 23)

Vì lý do này, Giám mục “với tư cách là thành viên của Giám mục đoàn và là người kế vị hợp pháp của các Tông đồ, mỗi Giám mục, do sự thiết định và mệnh lệnh của Đức Kitô, có bổn phận ân cần chăm lo cho toàn thể Giáo Hội, một sự chăm lo, cho dù không được thực thi bằng một hành động thuộc quyền tài thẩm, vẫn mang lại rất nhiều lợi ích cho Giáo Hội phổ quát.” (Lumen gentium 23) “Thật vậy, tất cả các Giám mục có nhiệm vụ phát huy và bảo vệ tính duy nhất của đức tin và kỷ luật chung của toàn Giáo Hội, dạy cho tín hữu biết yêu mến toàn Nhiệm Thể Đức Kitô, nhất là các chi thể nghèo khó, đau khổ và đang chịu bách hại vì sự công chính (x. Mt 5,10), sau cùng các ngài còn có nhiệm vụ phát huy mọi hoạt động sinh ích lợi cho toàn thể Giáo Hội, nhất là để giúp tăng triển đức tin và làm cho ánh sáng chân lý toàn vẹn chiếu soi trên mọi người.” (Lumen gentium 23)

6. Công đồng nhắc nhớ về điểm này như sau: “Chúa Quan phòng đã muốn các Giáo Hội đã được các Tông đồ và những người kế vị thành lập tại nhiều nơi khác nhau theo dòng thời gian, tụ họp lại thành nhiều nhóm liên kết với nhau một cách có tổ chức, các nhóm này được có kỷ luật riêng, phụng vụ riêng, di sản thần học và thiêng liêng riêng, trong khi vẫn luôn gìn giữ sự hợp nhất trong đức tin cũng như cơ cấu duy nhất và thần linh của Giáo Hội phổ quát. Một số trong các Giáo Hội ấy, nhất là những Giáo Hội cổ xưa có tòa Thượng phụ, tựa như những người mẹ trong đức tin, có thể nói đã sinh ra nhiều người con là các Giáo Hội khác, và cho đến nay vẫn còn liên kết với nhau bằng mối dây bác ái khá mật thiết trong đời sống bí tích và trong sự tôn trọng quyền lợi và nghĩa vụ lẫn nhau.” (Lumen gentium 23)

Những đóng góp của Hội đồng Giám mục

7. Sau đó, chúng ta thấy rằng Công đồng cũng mời gọi hướng tới (trong đoạn văn bàn về Hội đồng Giám mục) chân lý nền tảng về sự hỗ tương và hợp nhất ở cả khía cạnh cụ thể lẫn chiều kích phổ quát trong cơ cấu Giáo Hội. Vai trò của các Hội đồng Giám mục cũng phải được xem xét từ quan điểm này. Hiến chế Lumen gentium khẳng định: “Cũng thế, ngày nay các Hội đồng Giám mục có thể góp phần phong phú và hiệu quả để thể hiện cụ thể tinh thần cộng đoàn” (Lumen gentium 23).

Sắc lệnh về Nhiệm vụ Mục tử của các Giám mục trong Giáo Hội Christus Dominus nói chi tiết hơn về chủ đề này: “Hội Đồng Giám mục là một tập thể quy tụ các vị lãnh đạo Giáo Hội trong một quốc gia hay một địa phương, liên đới thực thi phận vụ mục tử để những thiện ích Giáo Hội muốn trao ban cho con người được thêm phong phú, nhất là nhờ các hình thức hoạt động tông đồ và những phương pháp thích hợp với hoàn cảnh hiện đại.” (CD, số 38,1)

Kết luận rút ra từ trích đoạn trên là, vượt ra khỏi ranh giới các Giáo phận đơn lẻ, Hội đồng Giám mục có thể giải quyết những vấn đề trong lãnh thổ của mình và trả lời những câu hỏi về bản chất của mục vụ và giáo lý. Họ cũng có thể trình bày quan điểm về những vấn đề liên quan đến Giáo Hội phổ quát. Trên hết, họ có thẩm quyền cung cấp các nhu cầu cần thiết nhằm phát triển Giáo Hội, phù hợp với tâm lý và văn hóa của quốc gia. Họ có thể đưa ra các quyết định tác động lớn đến hoạt động mục vụ, với sự chấp thuận của các Giám mục thành viên.

Giám mục Rôma bảo đảm sự hiệp nhất hoạt động của hàng Giám mục

8. Hội đồng Giám mục có trách nhiệm trong lãnh thổ thuộc thẩm quyền của mình, tuy nhiên những quyết định của họ tác động đến Giáo Hội hoàn vũ. Thừa tác vụ Phêrô, Giám mục Rôma bảo đảm sự phối hợp hoạt động của các Hội đồng Giám mục bằng đời sống và giáo huấn của Giáo Hội hoàn vũ. Về vấn đề này, Sắc lệnh xác định: “Các quyết định của Hội Đồng Giám mục, khi đã được biểu quyết hợp pháp và ít nhất hội đủ hai phần ba số phiếu của các thành viên có quyền biểu quyết trong Hội Đồng, và khi các quyết định đó được Tòa Thánh công nhận, thì có hiệu lực pháp lý, nhưng chỉ trong những trường hợp hoặc được ấn định bởi luật chung, hoặc được xác định do một chỉ thị đặc biệt của Tòa Thánh, được ban hành do ý Toà Thánh hay theo lời thỉnh cầu của Hội Đồng Giám mục.” (CD, số 38,4) Cuối cùng, “Tại những nơi có yêu cầu do hoàn cảnh đặc biệt, các Giám mục của nhiều quốc gia, với sự chấp thuận của Tòa Thánh, có thể họp thành một Hội Đồng.” (CD, số 38,5)

Tương tự như vậy đối với các Công đồng hay Thượng Hội đồng Giám mục ở cấp châu lục, chẳng hạn, Công đồng của các Hội đồng Giám mục Mỹ-Latin (CELM) hoặc Công đồng của các Giáo Hội Âu Châu (CCEE). Như vậy, Giáo Hội sắp xếp các nhóm hay tổ chức mới thuộc nhiều phạm vi khác nhau nhằm nổ lực đáp ứng các nhu cầu tâm linh khác nhau và giải quyết những vấn đề của thế giới ngày nay. Đây là một dấu chỉ cho thấy Giáo Hội hiện hữu, phản ánh và dấn thân cho công việc tông đồ của Tin mừng trong thời đại chúng ta. Trong mọi trường hợp, Giáo Hội nhận thức tính cần thiết sự hiện hữu và hoạt động của chính mình, trung thành với hai đặc điểm cơ bản của Cộng đoàn Kitô giáo thuộc mọi thời đại, đặc biệt là Cộng đoàn các Tông đồ: tính duy nhất và công giáo.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here