TGH Gioan Phaolô II – BÀI 34: HỘI THÁNH LÀM CHỨNG CHO NIỀM HY VỌNG TIN MỪNG

0
945

Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh

BÀI 34: HỘI THÁNH LÀM CHỨNG CHO NIỀM HY VỌNG TIN MỪNG

Nhờ Đức Kitô, Hội Thánh lớn lên trong đời sống mới của ân sủng và được nuôi dưỡng trong niềm hy vọng ngày cánh chung, ngày được thông phần vào sự sống đời đời của Thiên Chúa

Vào buối Tiếp kiến chung thứ Tư, 27 tháng Năm, Đức Thánh Cha tiếp tục bài giáo lý của ngài về Giáo Hội. Bài thứ 34 của loạt bài giáo lý, ngài nói về đề tài Giáo Hội như là cộng đoàn ngôn sứ, chứng tá của niềm hy vọng. Đây là bài phát biểu của ngài.

1. Như chúng tôi đã đề cập trong bài giáo lý trước, Hội Thánh, chứng tá của Đức Kitô và trong Đức Kitô, cũng là chứng tá của niềm hy vọng: niềm hy vọng Tin mừng bắt nguồn từ Đức Kitô. Thực vậy, trong Hiến chế Mục vụ Gaudium et spes, Công đồng Vaticanô II nói về Đức Kitô: “Chúa là cùng đích của lịch sử nhân loại, …, là trung tâm của nhân loại, là niềm vui của tâm hồn và là sự viên mãn của mọi niềm khao khát.” (Gaudium et spes, số 45). Trong đoạn văn này, Công đồng trích dẫn lời của đức Phaolô VI trong một bài phát biểu của ngài rằng Đức Kitô là “tâm điểm những khát khao của lịch sử và văn minh” (Bài phát biểu vào 3/2/1965). Như chúng ta biết, niềm hy vọng mà Hội Thánh làm chứng có rất nhiều khía cạnh, thậm chí chúng ta có thể nói là vô vàn khía cạnh.

2. Trước hết, niềm hy vọng về sự sống đời đời. Niềm hy vọng này chính là nỗi khát khao bất tử hiện diện nơi sâu thẳm tâm hồn con người. Hội Thánh rao giảng rằng sau cuộc sống dương thế này là một đời sống khác, đó là đời sống trong Chúa, nơi “sẽ không còn sự chết” (Kh 21,4). Bởi vì, như thánh Phaolô nói, Đức Kitô là “là trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại” (Cl 1,18; x. 1Cr 15,20), nhờ sự phục sinh của Ngài, con người sống trong niềm mong đợi sự sống đời đời, sự sống mà Ngài đã loan báo và mang đến.

3. Niềm hy vọng về hạnh phúc viên mãn trong Thiên Chúa. Chúng ta được mời gọi đến hạnh phúc này, theo như lệnh truyền của Đức Giêsu: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15). Một lần khác, Đức Giêsu quả quyết với các môn đệ rằng “trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở” (Ga 14,2), và Ngài rời bỏ thế gian, lên cùng Chúa Cha để “dọn chỗ cho anh em… để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (Ga 14,3)

4. Niềm hy vọng được sống với Đức Kitô “trong nhà Chúa Cha” sau cuộc sống dương thế này. Thánh Phaolô Tông đồ tràn đầy niềm hy vọng này khi nói rằng: “ao ước của tôi là ra đi để được ở với Đức Kitô” và “điều này tốt hơn bội phần” (Pl 1,23). “Chúng tôi luôn mạnh dạn, và điều chúng tôi thích hơn, đó là lìa bỏ thân xác để được ở bên Chúa” (2Cr 5,8). Niềm hy vọng Kitô giáo bảo đảm cho chúng ta “sự giam hãm trong thân xác phải chết” sẽ qua đi và sự phục sinh của thân xác vào thời sau hết sẽ hoàn thành niềm hy vọng của chúng ta trong Chúa. Đức Giêsu chứng thực điều này khi Ngài liên kết với Bí tích Thánh Thể: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết” (Ga 6,54). Đó là sự phục sinh đích thực của thân xác, có nghĩa là mỗi chúng ta hoàn toàn tái hòa nhập vào đời sống mới trên thiên quốc, đó không phải là sự tái sinh trở lại cuộc sống trần thế này trong một thân xác khác. Mạc khải mà Đức Giêsu loan báo và Hội Thánh làm chứng, niềm hy vọng phục sinh được đặt trong bối cảnh “trời mới đất mới” (Kh 21,1), theo đó “đời sống mới” mà con người chia sẻ với Ngôi Lời nhập thể sẽ được nhận thức đầy đủ, tường tận.

5. Nếu Hội Thánh làm chứng cho niềm hy vọng về sự sống đời đời, về sự phục sinh của thân xác, về hạnh phúc viên mãn trong Chúa, Giáo Hội cũng làm vang lên lời dạy của các Tông đồ, đặc biệt là lời thánh Phaolô, chính Đức Kitô là nguồn gốc và nền tảng niềm hy của chúng ta. Thánh Tông đồ nói trong thư gửi Timôthê: “Đức Giêsu Kitô, niềm hy vọng của chúng ta” (1Tm 1,1) và ngài cũng viết rằng, trong Đức Kitô “mầu nhiệm đã được giữ kín từ bao thời đại và qua bao thế hệ, nhưng nay đã được tỏ ra cho dân thánh của Thiên Chúa. Người đã muốn cho họ được biết mầu nhiệm này phong phú và hiển hách… đó là chính Đức Kitô … niềm hy vọng đạt tới vinh quang.” (Cl 1,26-27)

Vì thế, tính ngôn sứ của niềm hy vọng này đặt nền tảng trên Đức Kitô, chính nhờ Ngài và trong Ngài, “đời sống mới” và niềm hy vọng “sự sống đời đời” ngày càng thành toàn.

6. Mặc dù niềm hy vọng Kitô giáo có cùng đích vượt trên giới hạn trần thế, tuy nhiên, niềm hy vọng đó thấm nhập vào đời sống Kitô hữu trong thời gian. Thánh Phaolô nhấn mạnh: “Trong Đức Kitô, cả anh em nữa anh em đã được nghe lời chân lý là Tin Mừng cứu độ anh em; vẫn trong Đức Kitô, một khi đã tin, anh em được đóng ấn Thánh Thần, Đấng Thiên Chúa đã hứa. Thánh Thần là bảo chứng phần gia nghiệp của chúng ta, chờ ngày dân riêng của Thiên Chúa được cứu chuộc, để ngợi khen vinh quang Thiên Chúa.” (Ep 1,13-14). Chính Thiên Chúa là Đấng “củng cố chúng tôi… trong Đức Kitô và đã xức dầu cho chúng ta…; Chính Người cũng đã đóng ấn tín trên chúng ta và đổ Thần Khí vào lòng chúng ta làm bảo chứng.” (2Cr 1,21-21)

Cho nên, niềm hy vọng ấy là quà tặng của Thánh Linh, Đấng làm cho con người sống trong cõi vĩnh hằng ngay từ thời đại này: trong Đức Kitô, chúng ta chia sẻ sự sống đời đời, sự sống mà Chúa Con đã lãnh nhận từ Chúa Cha và ban cho các môn đệ (x. Ga 5,26; 6,54-57;  10,28; 17,2). Thánh Phaolô nói rằng, hy vọng như thế chúng ta “không phải thất vọng” (Rm 5,5), bởi vì tình yêu của Thiên Chúa “đổ vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta.” (Rm 5,5)

Hội Thánh là chứng tá cho niềm hy vọng này. Hội Thánh cưu mang và loan báo niềm hy vọng ấy cho những ai đón nhận Đức Kitô và sống trong Ngài, hơn nữa Hội Thánh còn muốn cho toàn thể nhân loại và hết mọi dân tộc đón nhận “Tin mừng về Thiên quốc” (Mt 24,14) theo như ý định của Chúa Kitô.

7. Ngay cả khi đối diện với những khó khăn của cuộc sống dương thế và cả những kinh nghiệm đau thương về thất bại và sai trái của lịch sử nhân loại, niềm hy vọng ấy luôn là căn nguyên của sự lạc quan Kitô giáo. Chắc chắn, Hội Thánh không thể nhắm mắt trước sự dữ thế gian. Tuy nhiên, Hội Thánh cũng luôn cậy dựa vào sự hiện diện của Chúa Kitô và truyền cảm hứng cho những hoạt động bền bỉ và kiên nhẫn của mình với sự đảm bảo này. Hội Thánh luôn tâm niệm những lời của Đức Kitô đã nói với các Tông đồ: “Thầy nói với anh em những điều ấy, để trong Thầy anh em được bình an. Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian.” (Ga 16,33). Chiến thắng của Đức Kitô trải rộng trong lịch sử ở tầm mức thâm sâu, chiến thắng này đảm bảo cho Hội Thánh có được sự lạc quan siêu nhiên đó khi nhìn vào cuộc sống thế gian, nơi quà tặng của niềm hy vọng trở nên hành động. Được toi luyện trong dòng lịch sử, Hội Thánh tiếp nối vai trò thừa tác viên của Đức Kitô chịu đóng đinh và phục sinh: nhưng với sức mạnh của Thánh Linh, Đấng mà Hội Thánh luôn hy vọng mang đến những chiến thắng mới, thấm nhập mọi linh hồn và đổ đầy thế gian Tin mừng của ân sủng và sự thật (x. Ga 16,13). Hội Thánh muốn trao lại cho tất cả Kitô hữu cũng như hết mọi dân tộc niềm lạc quan Kitô giáo, niềm lạc quan xuất phát từ niềm tin, lòng can đảm và kiên định. Hội Thánh luôn ghi nhớ lời của thánh Tông đồ Phaolô trong thư gửi Rôma: “Xin Thiên Chúa là nguồn hy vọng, ban cho anh em được chan chứa niềm vui và bình an nhờ đức tin, để nhờ quyền năng của Thánh Thần, anh em được tràn trề hy vọng.” (Rm 15,13). Thiên Chúa, nguồn hy vọng cũng là “Thiên Chúa là nguồn kiên nhẫn và an ủi”. (Rm 15,5)

8. Thực tế, Hội Thánh thuộc mọi thời có thể suy gẫm những lời đáng nhớ của thánh Phanxicô Xaviê, ân sủng trong công cuộc truyền giáo đã truyền cảm hứng cho ngài nói những lời ấy: “Tôi không nhớ đã trải qua bao nhiêu lần cảm giác an ủi tâm hồn khi sống trên những hòn đảo này (..the Muluccas là nơi mà thánh nhân gặp rất nhiều khó khăn khi rao giảng Tin mừng). Tôi đã đi rất nhiều trên những hòn đảo này, bao quanh là những kẻ thù và vô số những người bạn không chân thành, ở vùng đất không có bất kỳ phương thuốc chữa bệnh nào hoặc bất kỳ sự giúp đỡ nào trong việc giữ gìn sự sống. Những hòn đảo đó không nên gọi là ‘Những hòn đảo của Moor’ mà được gọi là ‘những hòn đảo của niềm hy vọng trong Chúa” (Epist. S. Francisci Xaverii, in Monumenta Missionum Societatis Iesu, vol. I [Rome, 1944], p. 380).

Chúng ta có thể nói rằng, nhờ quyền năng cứu chuộc và chiến thắng khải hoàn của Đức Kitô, thế giới trở thành “hòn đảo của Niềm Hy Vọng Thánh”.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here