THẦN HỌC VỀ NIỀM VUI

0
3616

THẦN HỌC VỀ NIỀM VUI[1]

Phan Tấn Thành

Trước tiên, chúng ta hãy khảo sát xem Kinh thánh nói gì về sự vui mừng (I). Kế đến, chúng ta sẽ tiếp tục nghiên cứu đề tài này nơi các tác giả nổi tiếng trong lịch sử Kitô giáo; đặc biệt, chúng ta cố gắng tìm hiểu hai điểm: vui mừng là gì? làm thế nào được vui? (II) Sau cùng, để kết luận, chúng tôi sẽ nói tơi phong trào làm tông đồ qua sự gieo rắc niềm vui: người Kitô hữu không những có thể tìm thấy niềm vui ở đời này, nhưng họ còn có bổn phận phải giúp cho thiên hạ được sống vui (III). Kitô giáo là đạo của sự vui tươi chứ không phải của ưu sầu ảm đạm! Những ai năng suy gẫm kinh Mân côi có thể nhận ra rằng có tới 5 sự vui và 5 sự mừng, trong khi chỉ có 5 sự thương: như vậy là vui mừng thắng với tỉ số 2/1.

I. Niềm vui theo Kinh thánh

A. Cựu ước

Trong tiếng Việt, chúng ta có nhiều từ ngữ để diễn tả niềm vui, thí dụ như: vui vẻ, vui tươi, vui mừng, vui sướng, sung sướng, hân hoan, hoan hỉ, mừng rỡ, hớn hở; – khoan khoái, khoái trá, đắc chí, hả hê, thoải mái, mãn nguyện… Các ngôn ngữ của Kinh thánh cũng dồi dào từ ngữ không kém. Nhưng thay vì dừng lại ở khía cạnh ngữ học, chúng ta hãy đi sâu vào nội dung thần học của niềm vui. Chúng ta có thể xếp thần học về niềm vui trong Cưụ ươc theo bốn khía cạnh:1) niềm vui tự nhiên của cuộc đời; 2) niềm vui của lễ hội cộng đoàn; 3) niềm vui trong Chúa; 4) niềm vui của thời cánh chung.

1) Niềm vui tự nhiên của cuộc đời

Trong Kinh thánh, đặc biệt là trong các sách Khôn ngoan, ta gặp thấy những đọan văn kêu mời hãy biết khám phá niềm vui từ những hồng ân mà Đấng Tạo hóa đã ban cho ta, chẳng hạn như niềm vui của gia đình êm ấm, của vợ hiền con ngoan (Hc 26,2; Tv 113,9). Thậm chí sách Giảng viên, một tác phẩm có tiếng là bi quan nhất bởi vì coi tất cả mọi sự trên đời đều là phù vân, cũng đã khuyên thế này: ”Nào, bạn hãy vui vẻ ăn đi, hãy sung sương thưởng thức chén rượu, vì Chúa đã chiếu nhận việc làm của bạn. Mọi thời, áo bạn phải trắng trẻo bảnh bao, và đừng quên xức thuốc thơm lên đầu. Bạn hãy hưởng cuộc đời với người vợ yêu dấu mà Chúa đã ban cho bạn” (Gv 9,7). Tác giả nhìn nhận có những niềm vui chính đáng, tựa như niềm vui của sự nghỉ ngơi sau khi vất vả lao nhọc (2,24; 3,13). Ta gặp thấy nhiều đọan văn của thánh vịnh nói lên niềm vui vì được hưởng hoa trái của công lao mình gây dựng ra, niềm vui của mùa gặt hái (Is 9,2; Tv 126,5), niềm vui của bữa ăn ngon, của ly rượu làm vui thỏa tâm hồn (Tv 104,5; Hc 21,27). Dù sao, thì niềm vui rất cần thiết cho cuộc sống: nó giúp ta bồi dưỡng sức khoẻ (Hc 17,22; 30,21-23), xua đuổi những tư lự xao xuyến (Gv 3,22).

2) Niềm vui của lễ hội

Ngoài niềm vui cá nhân và gia đình, còn có những niềm vui của cộng đoàn, của dân tộc: niềm vui chiến thắng (1Sam 18,6), niềm vui nhân dịp nhà vua đăng quang (1V 1,40), niềm vui khi các tù nhân trở về (Tv 126,5), niềm vui của những ngày lễ hội trên đền thánh Chúa. Chúng ta thấy có nhiều thánh vịnh hành hương, ca ngợi thú vui được về thành đô dự lễ, thí dụ Tv 122: “Vui dường nào khi thiên hạ bảo tôi, nào ta hãy lên đền thánh Chúa”. Những từ ngữ thường gặp trong các thánh vịnh để diễn tả niềm vui là: ”hoan hỉ”, “nhảy mừng”, ”vỗ tay xương hát đàn ca”, vv.

3) Niềm vui trong Chúa

Đối với dân Israel, không thể nào có niềm vui đích thực khi mà con người không tuân giữ luật Chúa. Những cuộc truy hoan chè chén say sưa chỉ để lại sầu muộn sau đó (Cn 14,13). Người gian ác không bao giờ vui được, cho dù bề ngoài xem ra khoái trá hả hê (Cn 2,14).

Nhưng đó mới chỉ là khía cạnh tiêu cực. Trong các thánh vịnh ta còn thấy đạo lý tích cực hơn nữa. Vịnh gia không những nhiều lần hân hoan ca ngợi Chúa khi chiêm ngắm bao kỳ công mà Ngài đã thực hiện trong vũ trụ (“Lạy Chúa, sự nghiệp Ngài khiến con mừng rỡ, công việc tay Ngài làm, con phải reo lên” Tv 92,5. Xc: Tv 8; 104), trong lịch sử Israel (Tv 78; 103; 105; 126) nhưng còn tìm thấy tìm vui ngay trong chính Chúa. Thánh vịnh 119 ca tụng niềm vui thích thú của luật Chúa, tựa như: ”tuân theo thánh ý Ngài, / con vui sương / hơn là được tiền rừng bạc bể” (c.14), ”con vui thú với thánh chỉ Ngài / chẳng quên lời Ngài phán” (c.16), ”thánh ý Ngài làm con vui sướng thỏa thuê” (c.24), “thánh ý Ngài là gia nghiệp con mãi mãi, vì đó là hoan lạc của lòng con” (c.111). Thực vậy, người tín hữu tìm được niềm an vui trong Chúa (“Hỡi những người công chính, hãy vui lên, hãy nhảy mừng. Mọi tâm hồn ngay thẳng, nào cất tiếng hò reo” Tv 32,11; ”Hãy lấy Chúa làm niềm vui của bạn, Ngài sẽ cho được phỉ chí tọai lòng” Tv 37,4; 104, 33-34; ”hãy phụng sự Chúa với niềm hoan hỷ” Tv 100,2). Sự an vui trong Chúa được ví như ”trẻ thơ nép mình lòng mẹ / trong con, hồn lặng lẽ an vui” (Tv 131,2), ”Chúa ban xuống lòng con nhiều hoan lạc, / hơn khi thiên hạ được mùa / lúa rượu đầy dư. Thư thái bình an, vừa nằm con đã ngủ, vì chỉ có mình Ngài, lạy Chúa, ban cho con được sống yên hàn” (Tv 4,8-10; 16,9). Niềm vui vừa nói không  chỉ dành cho kẻ lành thánh, nhưng cả cho người tội lỗi, miễn là họ biết hối cải: họ sẽ lãnh được niềm vui của ơn tha thứ (Tv 51,10-11.14), niềm vui của lòng khoan nhân: ”chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi, chớ khá quên mọi ân huệ của Ngài … Chúa là Đấng nhân hậu, Ngài chậm giận và giàu tình thương, chẳng trách cứ luôn luôn, không oán hờn mãi mãi” (Tv 103,2.8-9). Chắc hẳn hầu hết các tín hữu ở Việt nam đã quen thuộc với Tv 126: ”Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống, mùa gặt mai sau khấp khởi mừng. Họ ra đi, đi mà nức nở, mang hạt giống vãi gieo. Lúc trở về, về reo hớn hở, vai nặng gánh lúa vàng”.

4) Niềm vui của thời cánh chung

Cựu ước còn nói đến một chiều kích nữa của niềm vui, hướng về tương lai vào thời mà Chúa sẽ gửi vị thiên sai để khai mào kỷ nguyên của hòa bình an lạc, thịnh vựợng phú quý. Ngôn sứ Isaia đã nhiều lần nói tới niềm vui mới, niềm vui bất diệt vào thời cánh chung, khi Chúa sẽ lau khô hết mọi nước mắt (25,8), khi Chúa sẽ an ủi dân mình như bà mẹ ủi an con thơ (Is 40,1; 49,13; 66,10-14). Ngày Chúa cứu chuộc sẽ là ngày của hoan hỉ hò reo (Xp 3,14-15; Ge 2,21.23; x.Tv 96,11-13; 97).

B. Tân ước

Bước sang Tân ươc, chúng ta thấy niềm vui được đề cập dưới nhiều khía cạnh. Thánh Luca trình bày lúc Chúa Giêsu ra đời như thời kỳ thực-hiện những lời các ngôn sứ tiên báo về niềm vui của thời đấng Thiên sai. Tư tưởng tương tự như vậy cũng được thấy ở thánh Gioan. Ngoài ra, chúng ta cũng gặp thấy những đoạn nói đến chính niềm vui của Chúa Giêsu. Thêm vào đó, Phúc âm cũng nói tới sự vui mừng trọn vẹn khi công cuộc cứu độ hoàn tất với mầu nhiệm Vượt qua của đức Kitô. Sau cùng, các tác phẩm của các thánh Tông đồ bàn về niềm vui của các tín hữu, dù gặp phải những cơn thử thách bách hại.

1) Niềm vui của thời cứu độ

Đề tài niềm vui đã xuất hiện ngay từ những chương đầu của Phúc âm theo thánh Luca. Thiên sứ Gabriel báo tin cho ông Dacaria biết là ngày chào đời của Gioan tiền hô sẽ mang lại vui mừng hoan hỉ cho ông và cho nhiều người (1,14.58). Nhất là khi đến gặp đức Maria, thiên sứ Gabriel đã mở đầu câu chuyện với những lời: “Vui lên đi, hỡi người đầy ân sủng” (1,28). Các nhà chú giải cho rằng thánh sử Luca trích lại những lời của các ngôn sứ Sophonia (3,14) và Dacaria (9,9) về niềm vui khi đấng Cứu tinh xuất hiện. Dù sao thì đức Maria đã nhận ra sứ điệp đó. Đức Maria không những đã hân hoan tạ ơn Chúa vì đã thương đoái nhìn đến thân phận thấp hèn của mình khi chọn làm mẹ đấng Cứu thế (1,46-48), mà còn vì Ngài đã nhớ lại lời hứa cùng tổ phụ Abraham (1,55). Đức Maria không giữ niềm vui cho riêng mình, nhưng còn thông chuyển cho bà chị họ Ysave (1,41). Biến cố Chúa Cứu thế sinh ra tại Bêlem được các thiên sứ loan báo cho các mục đồng như là một tin mừng trọng đại (2,10). Việc đức Giêsu xuất hiện đã khai mạc thời đại vui mừng cũng được các thánh sử khác nói tới: đó là thời hoan hỉ, sánh được như thời ăn cươi (Ga 2,1-12; 3,29); vì thế mà các môn đệ của Ngài không có lý do để ăn chay khổ  chế (Mc 2,19; Mt 9,15).

Chính đức Giêsu cũng ý thức rằng mình được Thần khí Chúa sai đi để loan Tin mừng cho người nghèo, để công bố sự giải thoát cho những kẻ bị tù đày, áp bức (Lc 4,18-21). Trọng tâm của sứ điệp vui mừng mà đức Giêsu rao giảng là lòng thương xót của Thiên Chúa. Trong chương 15, thánh Luca đã gom lại ba dụ ngôn nói về tình thương: Thiên Chúa vui mừng khi tội nhân thống hối, giống như người cha thấy đứa con lạc trở về, giống như người mục tử tìm lại được con chiên lạc, giống như bà lão tìm được đồng tiền rớt trong xó kẹt. Đức Kitô cũng dậy cho chúng ta biết đâu là các mối phúc thật (Lc 6,20-23; Mt 5,2-12). Sứ điệp của các phúc thật cảnh giác chúng ta về những thú vui giả tạo, dựa trên thế lực, tiền của (x. Lc 16,19-31: dụ ngôn trọc phú và  Ladarô; Lc 12,16-21: dụ ngôn phú hộ tự mãn), đồng thời vạch cho ta một bí quyết để sống an vui, đó là tín thác nơi sự quan phòng của Cha lành, Đấng nuôi chim trên trời, hoa ngoài đồng (Lc 12,22-32; Mt 6,25-34).

2) Niềm vui của Đức Kitô

Phúc âm không chỉ nói đến việc đức Giêsu mang lại niềm vui cho nhân lọai mà thôi; các thánh sử còn mô tả việc Ngài chia sẻ những niềm vui của cuộc đời. Ngài vui vơi các môn đệ sau khi họ đi giảng về (Lc 10,17-20). Ngài hân hoan chúc tụng Thiên Chúa vì đã mạc khải những bí nhiệm nươc trời cho những tâm hồn bé nhỏ (Lc 10,21).

Dù không nói rõ, nhưng ta cũng có thể đoán được là Ngài cũng chia sẻ niềm vui vơi bà góa thành Naim khi thấy đứa con mình sống lại (7,15-16), của bao nhiêu người tật bệnh được chữa lành (13,17), của ông Dakêo được hân hạnh tiếp rươc Ngài vào nhà và thay đổi cuộc đời (19,9), người thu thuế được ơn tha thứ vì biết khiêm nhường thống hối (18,14). Ngài đùa giỡn vơi các nhi đồng quấn quýt bên mình, đang khi mà các môn đệ trách mắng chúng (18,15-17).

3) Niềm vui trong thời cánh chung

Tuy nhiên, niềm vui mà đức Giêsu mang lại cho nhân loại chỉ mới có tính cách khai mào chứ chưa trọn vẹn. Niềm vui chỉ trọn vẹn khi không còn lo sợ phải mất đi, không còn pha lẫn với đau khổ buồn rầu. Niềm vui ấy được diễn tả dưới hình ảnh của một bữa đại tiệc (Lc 14,15; 22,16.30).

Thế nhưng, trước khi ngồi chung nhau trong bữa tiệc vĩnh cửu ấy, Chúa Giêsu phải chia tay các môn đệ, để đón nhận cuộc tử nạn trên thập tự. Trong bữa Tiệc ly, ngài nói như sau: “Thầy bảo thật các con: các con sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Các con sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của các con sẽ trở thành niềm vui. Khi sinh con, người đàn bà lo buồn vì đến giờ của mình; nhưng sinh con rồi, thì không còn nhơ đến cơn gian nan nữa, bởi được chan chứa niềm vui vì một con người đã sinh ra trong thế gian. Các con cũng vậy, bây giờ các con lo buồn, nhưng thầy sẽ gặp lại các con, lòng các con sẽ vui mừng, và niềm vui của các con không ai lấy mất được” (Ga 16,20-22). Cũng trong bài đàm đạo ấy, Chúa Giêsu không những nói tới niềm vui trọn vẹn vì sẽ gặp lại Chúa sống lại (20,20), nhưng còn niềm vui vì được thông dự vào tình yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con (15,11; xc 1Ga 1,4; 2Ga 12), niềm vui vì được Chúa Cha yêu thương và nhận lời cầu (16,23). Nói tóm lại, niềm vui của các môn đệ là được chia sẻ niềm vui của chính Chúa Giêsu (17,13). Các nhà chú giải đã lưu ý một thành ngữ độc đáo của thánh Gioan, đó là: “niềm vui trọn vẹn” (gaudium plenum, perfectum) phát sinh từ việc kết hiệp mật thiết giữa Chúa Giêsu với Chúa Cha (14,20) và giữa Chúa Giêsu vơi các môn đệ (Ga 15,11; 1Ga 1,4; 2Ga 12). Niềm vui ấy đồng nghĩa với sự “bình an”, một thứ bình an độc đáo vì là món quà của Chúa, và không ai có thể tước đi được (14,27-28; 16,12.24.33).

Thánh Gioan cho ta thấy rằng có một thứ niềm vui của người tín hữu khác hẳn vơi niềm vui của thế gian: vào lúc đóng đinh Chúa Giêsu, thế gian khoái trá đắc chí đang khi mà các môn đệ buồn phiền. Thế nhưng sau cảnh buồn phiền ngắn ngủi, niềm vui của các môn đệ sẽ tăng gia gấp bội khi gặp lại Chúa phục sinh (16,20; 20,20).

4) Niềm vui trong gian truân

Thánh Luca đã kết thúc sách Phúc âm với việc Chúa Giêsu lên trời, và các môn đệ trở về Giêrusalem, lòng đầy hoan hỉ (Lc 24,52-53). Tiếp sang sách Tông đồ công vụ, thánh Luca cũng mô tả cộng đoàn các Kitô hữu tiên khởi tràn ngập niềm vui do tác động của Thánh Thần. Niềm vui là hậu quả của tình yêu đồng tâm nhất trí trong việc nghe lời giảng, trong việc cử hành phụng vụ và thông chia tài sản (Cv 2,46; 13,52). Tuy nhiên, chúng ta cũng biết rằng không phải các Kitô hữu ấy vui vì suốt ngày ăn chơi múa nhảy. Họ sớm nếm phải cảnh đánh đập, tù đầy, bách hại. Đây là điểm độc đáo của cộng đoàn tín hữu tiên khởi: niềm vui giữa cảnh bách hại (Cv 5,41). Chúa Kitô đã chúc phúc cho những ai phải chịu bách hại vì danh Ngài (Mt 5,11-12). Giờ đây, họ có dịp nếm thử điều ấy. Các thánh tông đồ đã viết thư cho các giáo đoàn để nâng đỡ tinh thần của các tín hữu, giúp họ làm sao giữ được niềm vui giữa những cơn thử thách.

Sự vui mừng nói đây không còn là một cảm tính tự nhiên nữa, nhưng là một hồng ân của Thánh Thần. Theo thánh Phaolô, niềm vui là một hoa trái của Thánh Thần, tựa như những hoa trái khác như là: bác ái, bình an, độ lượng, hiền hậu (Gl 5,22). Nói thế có nghĩa là sự vui mừng là một hồng ân của Thiên Chúa ban cho ta, cùng với hy vọng và tình yêu (Rm 15,13).

Thánh Phaolô cũng định nghĩa vương quyền của Chúa được biểu lộ qua sự vui mừng (Rm 14,17). Vì thế niềm vui ấy được gọi là vui “trong Chúa” (Pl 1,25; Rm 15,13), hoặc “trong Thánh Thần” (Rm 14,17; 1Tx 1,6). Hơn nữa, Thiên Chúa muốn cho chúng ta hãy luôn luôn hoan hỉ (1Tx 5,16-18) trong lời kinh tán tạ. Các tín hữu được thúc giục không ngừng: “nào anh em, hãy vui lên, tôi nhắc lại: anh em hãy vui lên trong Chúa” (Pl 3,1; 4,4). Như vậy, sự vui mừng của người Kitô hữu không chỉ mang tính cách cá nhân mà còn có chiều kích cộng đoàn nữa, đặc biệt khi sống trọn tình bác ái huynh đệ (2Cr 13,11).

Thánh Phaolô không chỉ trình bày một lý thuyết về niềm vui. Chính Người đã cảm nghiệm niềm vui dưới nhiều hình thức. Vui vì đức Kitô được loan báo (Pl 1,18); vui vì được thiện cảm của các tín hữu (Pl 4,10). Dù sao, thánh Phaolô cảm thấy được an ủi và vui mừng trong hoạt động truyền giáo, bất chấp những khó khăn trắc trở (2Cr 6,10; 7,4). Người thành thực thú nhận rằng mình gặp phải nhiều gian truân bên ngoài cũng như những trắc trở trong nội bộ các giáo đoàn, nhưng Người đã vui mừng gánh chịu tất cả để bổ khuyết cho những gì còn thiếu trong các sự đau khổ của đức Kitô (Cl 1,24). Thậm chí, chính sự tử đạo sẽ mang lại sư vui mừng cho người bởi vì sẽ chóng gặp lại đức Kitô (Pl 2,6). Dù sao ta thấy rằng thánh Phaolô nói tới một niềm vui như là hồng ân của Chúa, chứ không phải là niềm vui giả tạo của thế gian. Cũng vậy, chúng ta nhận thấy thánh Phaolô phân biệt cái buồn “theo thế gian” đưa tới tuyệt vọng, và cái buồn “theo Chúa” (2Cr 7,7-10) dẫn đến sự cải hoán.

Để an ủi các tín hữu đang xuống tinh thần vì những cảnh bắt bớ, tác giả thư gửi người Do thái đã khuyên nhủ họ hãy theo gương Chúa Kitô, đấng đã khước từ sung sướng vinh quang, chấp nhận thập giá; và nay Ngài được ngự bên hữu ngai Thiên Chúa (Dt 12,2). Cũng vậy, khi bị tước đoạt, bị bóc lột, các tín hữu hãy vui vẻ chấp nhận, vì biết rằng mình còn có những của vừa quý giá vừa bền vững (Dt 10,34). Điều này được  thánh Phêrô nói rõ hơn nữa: “Anh em thân mến, đựơc chia sẻ những đau khổ của đức Kitô bao nhiêu, anh em hãy vui mừng bấy nhiêu, để khi vinh quang Người tỏ hiện, anh em cùng được vui mừng hoan hỉ” (1Pr 4,13; xc. Gc 1,2).

Tác phẩm cuối cùng của Tân ước cũng được viết ra để nâng đỡ các tín hữu dươi thời bách hại. Tác giả sách Khải huyền loan báo niềm vui bất tận của thời cánh chung ở Giêrusalem trên trời, nơi không còn tang chế khóc than nữa (Kh 21,1-4). Các người được cứu thoát sẽ tham dự tiệc cưới của Chiên trong vui mừng hoan hỉ (19,7).

II. Những chứng nhân của niềm vui Kitô giáo

Kitô giáo không những loan báo Tin mừng nhưng còn thực sự thông ban sự vui mừng cho những ai tin vào Tin mừng. Nói cách khác, những ai đã sống trọn vẹn Tin mừng, đặc biệt các thánh nhân, đều là những chứng nhân của niềm vui Kitô giáo: họ hưưng niềm vui phát xuất từ các chân phúc của Tin mừng. Ở đây, chúng tôi chỉ xin dừng lại nơi vài tác giả nổi bật vì đã để lại một giáo huấn về sự vui mừng, xếp theo ba giai đọan: thời các giáo phụ, thời Trung cổ và thời cận đại.

A. Thời các giáo phụ

Một tác giả đã để lại ảnh hưởng sâu đậm hơn cả cho thần học chắc hẳn là thánh Augustinô (354-430). Trong các bài giảng cũng như trong các tác phẩm tự thuật, thánh nhân trình bày bản chất của sự vui mừng cũng như thôi thúc các tín hữu đạt được niềm vui. Niềm vui là trạng thái chủ quan của hạnh phúc. Ai ai cũng mong được hạnh phúc; khi đã đạt được hạnh phúc rồi thì ta thấy vui. Nói thế có nghĩa là con người tự bản chất mong được hưởng vui mừng. Vai trò của một vị mục tử là chỉ giáo cho các tín hữu biết đâu là con đường đưa tơi hạnh phúc và vui mừng đích thực.

Thực vậy, thánh Augustinô cảnh giác rằng có thứ hạnh phúc giả tạo, đưa tới niềm vui giả tạo (Confessiones I 10,32: ML 32,793). Người Kitô hữu cần phải đi tìm hạnh phúc thực sự. Hạnh phúc thực sự là thứ dựa trên sự thực (tức là chân lý). Nhiều người không dám tới gần sự thực vì sợ sẽ bị tố giác những sai lầm giả dối của mình. Nhưng người Kitô  hữu đừng sợ tới gần sự thực là đức Kitô. Cho dù khi đối diện vơi Ngài, chúng ta sẽ buồn rầu vì thấy những thiếu sót lầm lỗi của mình, nhưng nếu ta khiêm nhường thống hối, thì Ngài sẽ sửa chữa sự yếu đuối của ta, soi sáng và an ủi ta. Con đường dẫn tơi sự vui mừng phải trải qua sự khiêm nhường thống hối; nhưng bù lại, ta sẽ được Chúa soi sáng cho ta thấy những thú vui hão huyền, và nhất là ban cho ta niềm vui đích thực là chính Chúa (Sermo 171,1: ML 38,993). Dù sao, ta nên biết rằng bao lâu còn ở trên đời này, niềm vui chưa được trọn vẹn. Niềm vui được ở bên Chúa thường bị pha lẫn nỗi buồn vì những lần sa ngã phạm tội, cũng như pha lẫn với niềm khát mong được về hưởng hạnh phúc bất diệt (Sermo 21,1: ML 38,142). Ngoài hạnh phúc do việc kết hiệp vơi Chúa, thánh Augustinô cũng nói đến niềm vui của tình bác ái thương yêu huynh đệ.

B. Thời Trung cổ

Lịch sử của Giáo hội thời Trung cổ bên Âu châu ghi nhận sự xuất hiện của những phong trào hãm mình đền tội (nguồn gốc của các Dòng Ba) cũng như những phong trào du ca. Vì thế không lạ gì mà hai thánh lập dòng Đaminh và Phanxicô để lại bức chân dung vừa khắc khổ (đồng hóa vơi đức Kitô trên thập giá) vừa vui tươi, với những bài ca bộc phát từ tâm hồn đơn sơ khi chiêm ngắm vũ trụ. Các tín hữu từ Việt nam đều thuộc lòng bài ”kinh cầu hòa bình” của thánh Phanxicô, nơi mà chúng ta học được bí quyết của niềm vui. Nếu muốn tìm một học thuyết có hệ thống về niềm vui, thì chúng ta có thể lục lọi các tác phẩm của thánh Tôma Aquinô.

Thánh Tôma bàn về sự vui mừng dưới hai khía cạnh: khía cạnh tâm lý tự nhiên, và khía cạnh ân sủng siêu nhiên. Dưới khía cạnh tâm lý, thánh Tôma phân tích niềm vui như là một trạng thái của tâm hồn. Còn dưới khía cạnh siêu nhiên, thánh Tôma bàn tới sự vui mừng trong tương quan với các nhân đức Kitô giáo; cách riêng sự vui mừng được phân tích như một hoa trái của Thánh Thần được thánh Phaolô nói đến trong thư gửi Galát.

1) Sự vui mừng dưới khía cạnh tâm lý tự nhiên

Thánh Tôma tìm hiểu bản chất của niềm vui khi đối chiếu nó với những tâm tình khác của con người. Hai tâm tình căn bản nhất là ”yêu” (amor) và ”ghét” (odium): ta yêu cái gì tốt lành, và ghét cái gì xấu. Khi mà ta chưa được cái tốt, thì ta ươc ao thèm khát (desiderium). Còn khi đã được nó rồi thì ta vui thích (gaudium). Đối với sự xấu cũng vậy: một đàng ta lo sợ (timor) cái xấu khi nó chưa tới; và lỡ gặp nó rồi thì ta đâm ra buồn (tristitia). Như vậy, sự vui sướng là trạng thái an tĩnh của tâm hồn sau khi đã đạt được mục tiêu, tức là điều thiện (quies appetitus in fine: I-II, 34, 2, 2m).

Thánh Tôma lại còn phân biệt cái ”vui” (gaudium) với cái ”khoái” (delectatio). Cái khoái thuộc cấp độ giác quan, chung cho cả động vật và con người; còn cái vui thuộc cấp độ tinh thần, riêng của con người (I-II, 31, 3-4). Dĩ nhiên, trên thực tế, con người gồm cả phần giác quan lẫn phần tinh thần; do đó mà thường cái khoái đem lại cái vui và ngược lại. Cả hai đều giả thiết rằng các tiềm năng của ta họat động đắc lực: ta vui khi thấy mọi sự trôi chảy, thành công. Sự vui là dấu hiệu của sự thỏa mãn, hài lòng, ưng ý. Xét vì sự vui thuộc về lãnh vực tinh thần, cho nên nó chịu ảnh hưưng của lý trí, phân biệt thế nào là vui “thực” và thế nào là vui “giả”, cũng như vui “tốt” và vui “xấu”. Sự vui mừng xấu khi dựa trên những điều xấu (thí dụ như đắc chí khi thấy người khác gặp họan nạn, sự hả hê vì hạ nhục được đối phương). Sự vui mừng tốt khi dựa trên chân lý. Đó là chưa kể niềm vui phát sinh từ việc nghiên cứu, chiêm ngắm chân lý.

Tuy rằng niềm vui thuộc về lãnh vực tinh thần, nhưng thường hay bộc lộ ra thể xác, qua nụ cười, tiếng hát, sự nhảy múa. Niềm vui lại còn chiếu tỏa, lây sang người khác nữa.

2) Sự vui mừng trong đời sống Kitô hữu.

Người Kitô hữu đón nhận các niềm vui tự nhiên như món quà của Chúa. Cần phải lôt bỏ thành kiến sai lầm, theo đó muốn nên thánh thì phải nghiêm trang đạo mạo, không dám vui. Thánh Tôma khẳng định rằng cần phải vui thì mới có thể tiến trên đường trọn lành được. Niềm vui làm cho hành vi thêm năng động, thúc đẩy sự nhiệt thành hăng say của ta (xc. In Ad Phil. cap.IV, lect.1; Sum. Theol. I-II, q.33,4). Ngoài niềm vui tìm thấy trong thế giơi tự nhiên, người tín hữu khám phá thêm những động lực mơi của niềm vui từ ánh sáng của đức tin.

Chúa Giêsu đã mạc khải cho ta biết Thiên Chúa là cha nhân lành; Ngài hằng săn sóc ta. Đức tin mở cho ta thấy một mối tương quan mới với Thiên Chúa, đưa ta vào một thế giơi mới của tình yêu.

Thực vậy, dựa trên giáo huấn của Tân ươc, thánh Tôma nhấn mạnh rằng đức Kitô không những dạy ta hãy tin tưởng vào tình yêu của Chúa, nhưng chính tình yêu của Chúa đã được phú vào con tim ta. Tình yêu ấy chính là Chúa Thánh Thần. Trên bình diện siêu nhiên, niềm vui là một hoa trái của Thánh Thần, của đức ái (II-II,q.28,4). Thánh Tôma coi đặc trưng của luật Tân ước ở chỗ nó được Thánh Thần ghi khắc vào con tim của ta, nhờ đó ta có khả năng thi hành luật Chúa một cách vui vẻ nhiệt thành (I-II, q.106-108). Đây là bí quyết niềm vui của người Kitô hữu: họ cảm thấy được Thánh Thần dẫn vào trong tình yêu của Chúa; không những họ cảm nhận được tình yêu mà Chúa dành cho họ, nhưng họ được chia sẻ vào chính tình yêu của Thiên Chúa. Thiên Chúa là Hạnh phúc tột đỉnh bởi vì Ngài là Sự Thiện hảo tuyệt đối. Vì vậy, nói tới việc mến Thiên Chúa hay việc được Thiên Chúa yêu thì cũng như nói rằng được chìm đắm trong hạnh phúc vô tận. Đành rằng niềm vui trọn vẹn chỉ có thể có trong tương lai mai hậu khi ta được hưởng nhan Chúa trên thiên quốc, nhưng từ đời này, ta có thể nói rằnh hạnh phúc ấy đã khởi đầu khi mà Thiên Chúa đến ngự trong lòng ta, dựa vào lời hứa của Chúa Giêsu: “Nếu ai mến Thầy, thì Cha sẽ yêu họ và chúng ta sẽ đến cư ngụ nơi họ” (Ga 14,23).

Thánh Tôma đã phân tích mẫu gương tuyệt vời nhất về niềm vui khi bàn đến đức Giêsu lúc còn tại thế. Bất chấp bao nhiêu cay đắng khổ cực, đức Giêsu không bao giờ mất niềm vui, bởi vì Ngài luôn luôn kết hiệp vơi Chúa Cha: ngài với Cha là một (Ga 10,30). Ngài sống cho Cha, lấy ý Cha làm lương thực (Ga 6,58). Thản hoặc đức Giêsu cảm thấy buồn là vì Ngài nhận thấy sự dữ của cái đau khổ và chết xảy tới cho mình hay cho người khác, và nhất là sự dữ của tội lỗi khiến cho bao tội nhân xa cách tình yêu của Chúa (III,q.15,6).

Đến đây ta gặp thấy tính nghịch lý của niềm vui Kitô hữu. Trên bình diện tự nhiên, thì vui buồn chống nhau như sáng với tối. Cái vui sẽ lọai trừ cái buồn; còn khi cái buồn tới thì ta mất vui. Thế nhưng người tín hữu có thể vừa vui lại vừa buồn. Vui vì đã được hưởng điều thiện, tức là tình yêu của Chúa; nhưng đồng thời họ buồn vì tình yêu ấy chưa trọn vẹn. Họ khám phá sự bất toàn ở ngay nơi chính bản thân của mình: những  ngăn trở bởi nết xấu và tội lỗi khiến cho lòng mến Chúa không triển nở hết tiềm năng được!

Tuy nhiên, nỗi buồn này không làm họ tê liệt, nhưng thúc bách họ tìm cách hành động, sao cho tình yêu của Chúa càng ngày càng lan rộng trong tâm hồn mình cũng như trong thế giới. Niềm vui của người Kitô hữu mang theo chiều kích truyền giáo là vậy: họ không vui một mình, nhưng mong cho thật nhiều người vào chia sẻ niềm vui với Chúa.

Sau cùng, trong việc thực hành các nhân đức trong đời sống xã hội, thánh Tôma liệt kê nhân đức nhã nhặn (affabilitas: II-II,q.114), lịch thiệp trong tương giao với tha nhân. Nó đối nghịch vơi sự tâng bốc nịnh bợ cũng như sự cục cằn thô lỗ. Thánh Tôma còn nói tơi nhân đức vui tính bông đùa (iucunditas: II-II,q.168,a.2).

C. Thời cận đại

Chúng ta nhận thấy có vài vị thánh không những chỉ để lại vài trang viết về niềm vui, nhưng họ dùng sự vui tươi làm con đường nên thánh. Chúng ta có thể lấy một gương điển hình nơi thánh Thomas More, người Anh (1478-1575), đùa cợt cho tới khi chết. Ngài được kính như thánh tử đạo (lễ 22/6), vì bị kết án tử hình bởi đã phản đối việc ly khai của vua Henricô VIII khỏi Giáo hội công giáo. Khi bị dẫn lên đọan đầu đài, ngài giỡn vơi lý hình: ”Này ông ơi, làm ơn dắt tôi lên đi; còn việc đi xuống thì ông khỏi lo!” Sau khi đã dọn mình xong, ngài ôm hôn lý hình và chúc: ”Can đảm lên, đừng sợ! Cổ tôi ngắn lắm; chặt sao cho khéo kẻo thiên hạ cười cho đấy!” Khi đã đút cổ vào bục, ngài còn dặn dò lý hình lần chót: “Nhớ chặt đầu, chứ đừng chặtt râu nhé, nó chẳng có tội tình gì đâu!”. Dù sao, lời nguyện sau đây của ngài đã trở thành cổ điển để xin Chúa ban cho tính khôi hài:

 Lạy Chúa, xin cho con được ăn ngon, và đồng thời xin cho con kiếm được cái gì nhét vào bao tử. Xin cho con được sức khoẻ thể xác, và cho con sự vui tính để mà gìn giữ sức khoẻ. Lạy Chúa, xin cho con tâm hồn lành thánh, biết thu lượm hết những gì tốt lành trong sạch, để lỡ khi gặp tội lỗi thì không hỏang sợ nhưng mà biết cách sửa chữa.

Xin cho con một tâm hồn không hề biết tới  chán nản, lẩm bẩm, rên rỉ, thở dài; xin cho con đừng quá bận tâm đến cái thằng chuyên phá rối, nó tên là thằng TÔI. Lạy Chúa, xin cho con được chút ít khôi hài; xin cho con ơn biết tiếp nhận chuyện bông đùa diễu cợt, để con có thể thấy được tí chút vui vẻ trên đời, và giúp cho người khác cũng được thông dự vào. Amen.

Trong số những vị thánh đã lấy niềm vui để đo lường mức độ đạo đức, ta phải kể  thánh Phanxicô de Sales (1567-1622). Ngài viết rằng: ”một ông thánh buồn là một ông thánh đáng buồn  (Un saint triste est un triste saint). Một vị thánh đương thời là Philipphê Nêri (1595-1622). Tính vui tươi độc đáo của ngài đã được ghi lại trong các lời nguyện phụng vụ và trong bài đọc giờ Kinh sách của ngày 26/5.

Vào thời đại gần chúng ta hơn, cần phải nhắc tơi các tác phẩm của của thánh nữ Têrêxa Hài đồng Giêsu. Bí quyết niềm vui là sống phó thác cho tình yêu Chúa.

Sau cùng, chúng ta không thể nào bỏ qua một văn kiện của Tòa thánh nói về sự vui mừng. Đó là tông huấn Gaudete in Domino (hãy vui lên trong Chúa) của đức Phaolô VI, ban hành vào lễ Hiện xuống, ngày 9/5/1975. Xét vì thời điểm chính trị của nước Việt nam lúc đó, có thể quả quyết rằng hầu hết đồng bào ở nhà không hề nghe nói tới.  Nói đúng ra, ngay cả bên Âu châu cũng ít tác giả lưu ý đến văn kiện đó. Xem ra niềm vui không phải là một đề tài nghiêm túc của thần học! Tuy nhiên, khi đọc kỹ tông huấn này, chúng ta tìm thấy rất nhiều lời khuyên thực hành để có thể đáp lại lời kêu gọi của thánh Phaolô: ”hãy vui lên trong Chúa!”. Văn kiện gồm có 6 chương: 1) Lòng khao khát niềm vui trong con tim của mỗi người. 2) Lời loan báo vui mừng trong Cựu ươc. 3) Niềm vui theo Tân ươc. 4) Niềm vui trong tâm hồn các thánh nhân. 5) Niềm vui cho toàn dân. 6) Niềm vui và hy vọng trong con tim các bạn trẻ. 7) Niềm vui của khác hành hương trong Năm thánh.

III. Thực hành niềm vui

Sau khi đã rảo qua các thứ học thuyết về nguồn gốc và bản chất của niềm vui, bây giờ tới lúc bước sang phần thực hành. Chúng ta thử cố gắng tìm hiểu những bí quyết để sống vui. Hơn thế nữa, đã có những tác giả đề nghị làm việc tông đồ cho Chúa Kitô qua việc gieo rắc niềm vui.

A. Làm thế nào để được vui?

Dựa theo giáo huấn của các thánh nhân đã trình bày nên đây, chúng ta có thể phân biệt hai cấp độ của nguồn vui: những niềm vui tự nhiên, và những niềm vui siêu nhiên. Chúa không cấm ta hưởng những niềm vui tự nhiên, cùng với bao thụ tạo khác. Người Kitô hữu có thêm lợi điểm là họ khám phá một nguồn vui mới, nhờ ánh sáng đức tin.

1) Vui tự nhiên

Có những người bẩm tính sinh ra đã lạc quan yêu đời rồi. Họ lại còn gặp nhiều may mắn, khiến cho đời họ càng thêm tươi hơn nữa. Tuy nhiên, ngoài cái tính vui bẩm sinh, mỗi người chúng ta  đều có thể và cần tập luyện để sống vui. Dươi khía cạnh này, chúng ta có thể thâu lượm bao nhiêu lời khuyên khôn ngoan từ kho tàng kinh nghiệm của các dân tộc. Xin mạn phép tóm lại vào một vài điểm căn bản sau đây.

a- Nếu sự vui là hậu quả của việc chiếm hữu điều tốt đẹp, thì nguyên tắc căn bản nhất để sống vui là biết nhận ra cái tốt đẹp chung quanh mình. Nói như vậy có nghĩa là bí quyết sống vui lệ thuộc vào bản thân của ta hơn là vào ngọai cảnh! Hằng ngày ta chìm ngập giữa bao nhiêu điều tốt đẹp, nhưng vì không biết đánh giá chúng cho nên ta không biết vui. Chừng nào nằm  liệt giường ta mơi biết rằng sức khoẻ đáng già ngàn vàng. Khi bị nhốt trong ngục tối ta mới biết ánh sáng là quý. Thế nhưng thử hỏi có bao người nhận thấy mình hạnh phúc vì được sức khỏe, đôi mắt để nhìn, miệng lưỡi để nói, tay chân để cử động? Chúng ta còn nhớ bài hát ở Việt Nam: “Ai bảo chăn trâu là khổ? không chăn trâu sướng lắm chứ?”. Anh chăn trâu cảm thấy sướng vì khám phá ra bao nhiêu cái vui thú của công việc của mình: “đầu tôi đội nón mẹ như lọng che. Tay cầm cành tre như roi ngựa, ngất ngểu ngồi trên mình trâu, ta nghe chim hót trong chòm cây, mắt trông bướm lượn trên đám cỏ”. Nếu chúng ta biết thưởng thức bao nhiêu cái tốt cái đẹp như em bé chăn trâu kia, thì đời ta sẽ thấy vui sướng biết bao!

b- Điểm thứ hai là một hệ luận đối lại với điểm thứ nhất vừa rồi. Đó là đừng than thân trách phận. Người nào thường hay than trách nhăn nhó thì chỉ thấy toàn là chuyện xui xẻo, trục trặc, hư hỏng chung quanh mình. Hơn thế nữa, xem ra người đó chỉ biết có cái “tôi”, lấy mình làm trung tâm của vũ trụ. Người ích kỷ như vậy thì dễ có khuynh hướng phóng đại những hẩm hiu của mình. Như  vậy thì làm sao mà vui nổi?

c- Từ đó, ta có thể rút thêm một nhận xét thứ ba. Để có thể sống vui, ta hãy biết khiêm nhường. Khiêm nhường để chấp nhận những giơi hạn của mình, chấp nhận tính cách tương đối của những cái mình cho là đáng giá. Khiêm nhường để dám chế nhạo những cái lố lăng của mình. Khiêm nhường để nhận ra những điều hay điều tốt nơi người khác.

d- Như vậy, ta thấy rằng kể cả trong lãnh vực tự nhiên, muốn được vui, ta cần biết quảng đại. Quảng đại để không lấy mình làm trung tâm của vũ trụ. Quảng đại để khỏi đặt thỏa mãn nhất thời làm mục tiêu hành động. Thực vậy, nhiều lần chúng ta cảm thấy rằng sự cố gắng tận tụy với bổn phận tuy đòi hỏi hy sinh nhưng sau đó đem lại niềm vui sâu đậm, hơn là thú vui do sự lười biếng. Sự quảng đại cũng đồng nghĩa với tình yêu. Chúng ta biết rằng nhiều chuyện vui buồn trong đời bắt nguồn từ những mối tương giao với người khác (trong gia đình hay ngoài xã hội). Thế nhưng tính chất của các mối tương giao ấy tùy thuộc khá lớn vào thái độ của ta. Nếu ta yêu họ, thì ta sẽ nhận ra bao nhiêu điểm tốt đẹp nơi họ, và rồi ta thấy vui; còn nếu ta không ưa họ thì chỉ thấy toàn là khuyết điểm nơi họ, và chúng gây ra bao nhiêu bực bội! Tục ngữ Việt nam đã để lại nhiều nhận xét rất tinh tế: Yêu nên tốt, ghét nên xấu. – Yêu cho nhau ăn cháy, ghét chửi nhau cạy nồi. – Lúc ghét bẻ ngay hóa vẹo, khi ưa vẽ méo nên tròn. – Thương nhau củ ấu cũng tròn, ghét nhau quả bồ hòn cũng méo.

e- Thiết tưởng một nhận xét cuối cùng về bí quyết sống vui là hãy giúp cho người khác vui.  “Điều gì bạn thích người khác làm cho mình, bạn hãy làm cho họ”. Một khi đã biết yêu tha nhân vì đã biết khám phá ra điều tốt nơi họ rồi, ta hãy quảng đại thêm chút nữa, để nói cho họ  biết điều tốt mà ta nhận thấy nơi họ. Lời khen thành thực làm cho họ vui thích và chính ta cũng sướng nữa. Kinh nghiệm cho ta thấy biết bao lần rằng việc gây hạnh phúc cho người khác sẽ đem lại cho ta niềm vui khôn tả. Thí dụ điển hình hơn cả là niềm vui của bà mẹ khi phải hy sinh giấc ngủ để canh thức cho đứa con của mình. Đối với bà, cái điều tốt cần đạt là giấc ngủ của đứa con, chứ không phải là giấc ngủ của riêng mình; vì thế bà vẫn vui được, tuy rằng mình phải hy sinh một cái lợi của bản thân.

Từ đó, ta cũng có thể suy diễn rằng điều thiện càng cam go bao nhiêu thì khi đạt được nó, ta lại càng thấy vui bấy nhiêu. Đây là lý do giải thích niềm vui sau khi chinh phục một cuộc mạo hiểm, niềm vui sau khi hoàn thành một công tác khó nhọc. Hiểu như vậy,  niềm vui không loại trừ gian khổ; thậm chí còn dám vui trong cực khổ.

Con người cần vui để mà sống. Ảnh hưởng của niềm vui đối với sức khoẻ tâm lý và thể lý là một điều không thể nào chối cãi được. Khi vui thì mọi sự trôi chảy, nhẹ nhàng. Ngược lại, khi buồn ta thấy tất cả mọi cái trở nên nặng nề tối sầm.

2) Dưới nhãn quan của đức tin

Trong phần trình bày đạo lý về niềm vui theo Kinh thánh và các chứng nhân Kitô giáo, chúng ta thấy rằng đức tin mở rộng nhãn giơi về niềm vui.

a- Tiên vàn đức tin cho ta biết đâu là điều thiện tuyệt đối, đâu là Hạnh phúc đích thực và bền vững: đó là Thiên Chúa. Hơn thế nữa, đức tin cũng cho ta biết rằng Thiên Chúa yêu ta. Do đó, bí quyết của niềm vui Kitô giáo là làm sao khám phá ra tình yêu ấy, làm sao cảm được rằng mình được Chúa yêu. Điều này đòi hỏi cả một sự giáo dục, chứ ít ai thủ đắc từ bẩm sinh! Nói khác đi, niềm vui siêu nhiên là một hồng ân Chúa ban cho ta. Phần ta chỉ biết khiêm tốn khẩn nài.

b- Thánh Phaolô đã coi sự vui mừng như là hoa trái mà Thánh Thần ban cho ta, cùng với sự an bình. Đối vơi đa số chúng ta, bươc đầu tiên để cảm nghiệm tình yêu của Chúa là qua ơn tha thứ các lỗi lầm: niềm vui của hòa giải. Tiếp đó, là niềm vui vì được kết hợp với Chúa khi cầu nguyện, khi lãnh bí tích. Và rồi, chúng ta cần xin Chúa gia tăng cho ta ơn được luôn sống trong tình nghĩa với Chúa, ơn được xác tín nơi tình yêu quan phòng của Cha. Đây không phải là điều dễ. Thực vậy, chúng ta thâm tín rằng khi biết tuân theo ý Chúa thì ta sẽ được hạnh phúc an vui. Thế nhưng đường lối của Chúa không lúc nào cũng hợp vơi những tính toán của ta. Chính vì vậy mà ta cần phải cầu nguyện để biết vâng theo ý Chúa. Đức Maria trở nên một mẫu gương cho chúng ta: “Này đây là nữ tì của Chúa. Xin hãy xảy đến nơi tôi theo lời Chúa”. Tuy nhiên, lịch sử đã hơn một lần ghi nhận những vị thánh đã dám giỡn vơi Chúa. Thánh Têrêxa Avila, sau khi đã bị thử thách nặng nề đã thốt lên: ”Giờ đây con mới biết vì sao ít người muốn chơi với Chúa”. Một vị khác đã thử cầu nguyện như sau: “Lạy Chúa, xin tha cho con vì tội hỗn láo. Con biết Chúa cứng lắm, không cách gì thay đổi được. Vì vậy, xin ban cho con ơn đành biết chấp nhận Chúa như thế”, hoặc: “Lạy Chúa xin cho con biết hài lòng với Chúa”.

c- Sau cùng, niềm tin và lòng mến nơi người Kitô hữu luôn gắn liền với hy vọng. Giữa bao nhiêu gian truân, các thánh nhân đã vui được bởi vì họ chắc rằng những đau khổ đời này không thấm vào đâu so sánh với phần thưởng dành cho các người tôi trung của Chúa.

B. Tông đồ của nụ cười

Trong lãnh vực tự nhiên, chúng ta đã thấy rằng một bí quyết sống vui là biết nhìn nhận ra điều tốt nơi tha nhân. Điều này lại càng đúng hơn nữa trong lãnh vực siêu nhiên. Người tín hữu không tìm cái vui cho riêng mình.

Trong sách Tông đồ công vụ (20,35) thánh Phaolô đã nhắc lại một câu nói của Chúa Giêsu: ”Cho đi thì vui hơn là nhận lãnh”. Người tín hữu dễ sống vui với tha nhân, nhờ có tình yêu Chúa thúc đẩy họ xích gần lại tha nhân vì nhận thấy điều thiện nơi họ, những hình ảnh của Thiên Chúa. Việc giúp vui cho người khác là một hành vi bác ái cao cả. Ý thức như vậy nên không thiếu người đã khởi xướng phong trào làm tông đồ bằng nụ cười. Nụ cười là phương thế để chuyển đạt niềm vui an bình của một tâm hồn sống trong ơn nghĩa với Chúa. Tùy theo tính tình cũng như hoàn cảnh của từng người (có người dễ cười, có người khó cười, có người cười trong nước mắt), việc nở nụ cười nhiều lần đòi hỏi sự cố gắng không nhỏ của ý chí cũng tương tự như khi thực tập các hành vi nhân đức khác. Dù sao, không ai chối được công hiệu của nụ cười gây ra cho tha nhân: nó làm dịu bao nỗi nhọc nhằn, khích lệ tiến tới.

Cha Frederick-William Faber (1814-1863) đã viết như sau: “Việc trao tặng nụ cười làm cho con tim được hạnh phúc, làm giàu cho người nhận được nó mà chẳng gây thiệt thòi gì cho người trao. Nụ cười chỉ kéo dài trong chốc lát, nhưng sẽ để lại ký ức lâu dài. Không ai giàu đến độ không còn cần nó, và không ai nghèo tơi độ không thể tặng nó. Nụ cười tạo ra niềm vui trong gia đình, nâng đỡ khi lao tác, và là dấu hiệu hữu hình của tình bạn. Nụ cười làm vơi nhẹ nỗi nhọc nhằn, đổi mới lòng can đảm trong những thử thách, là linh dược lúc buồn phiền. Nếu bạn gặp người nào không biết tặng nụ cười, thì bạn hãy quảng đại biếu họ một cái: không ai cần nụ cười cho bằng kẻ không biết trao tặng nó”.

Thánh Têrexa Hài đồng Giêsu (1873-1897) thêm rằng: “nụ cười là cành hoa của Chúa, tiếng vọng từ trời cao, nốt nhạc thoáng lướt của bản trường ca thiên quốc” (Poésie 5,4). Một nụ cười âu yếm đủ để giúp cho một tâm hồn ủ rũ được nở tươi (Manuscrits A,323). Ta cần phải luôn mỉm cười để  an ủi Chúa Giêsu (Poésie 15,15). Tôi muốn mỉm cười với Chúa mỗi khi Ngài muốn tránh mặt đi để thử thách đức tin của tôi; tôi mỉm cười để mong Chúa ló dạng (Poésie 19,5). Ta có thể thấy tư tưởng của thánh Têrêxa vọng lại trong lời kinh sau đây của Benedetto Magi:

Lạy Chúa, xin ban cho con ơn biết mỉm cười luôn mãi, cho dù nụ cười bị che khuất bởi giòng lệ: cho dù tim con bị tan nát, xin làm cho biết mỉm cười. Mỉm cười cho con và cho tha nhân, khi vui lẫn khi khóc, khi may lẫn khi rủi. Xin cho con biết mỉm cười, để vơi nhẹ gánh nặng của cuộc sống, cho tha nhân cũng như cho chính mình; để tỏa rạng niềm vui cho tha nhân, để khơi dậy cho họ niềm hy vọng và tin tưởng. Xin cho con biết mỉm cười khi sống và khi chết, khi sáng sủa và khi tối tăm, cười với Chúa và với mọi người. Và, lạy Chúa, cả Chúa nữa, xin hãy mỉm cười với con nhé; với nụ cười độc đáo của Chúa, tức là tình yêu đó mà!

Để kết thúc, xin phép kể lại một chuyện dí dỏm mà đức Gioan Phaolo I thuật lại trong sách Illustrissimi (Kính thưa quý ngài), viết khi còn làm Hồng y. Hồi ấy, có một anh phải ra trước tòa Chúa phán xét. Anh ta cúi gầm mặt xuống, vì không nhớ ra trên đời mình đã có lần nào cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống. Chợt anh giật mình lên vì thấy Chúa tiến đến vỗ vai anh và nói: “Này chú, ta thấy chú có nhiều công trạng lắm: Xưa kia ta buồn, chú đã đến an ủi ta; ta rầu rĩ, chú đã kể chuyện khôi hài để ta giải trí; ta nản chí, chú đã giúp ta lên tinh thần bằng cái cười. Hãy vào, và hưởng niềm vui Chúa dành cho những tôi tớ trung thành…”

—————————

[1] Đã đăng trên Nội san Giao Lưu của Trung tâm Học vấn Đa Minh, số 11 (2005) trang 291-311.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here