Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh
BÀI 33: HỘI THÁNH LÀM CHỨNG CHO ĐỨC KITÔ
Nhờ làm chứng cho Đức Kitô, Hội Thánh chỉ cho nhân loại con đường tiến đến sự hoàn thiện bằng cách chia sẻ đời sống của Đấng Phục Sinh
Trong buổi Tiếp kiến chung vào thứ Tư, ngày 20 tháng Năm, Đức Thánh Cha tiếp tục bài giáo lý về mầu nhiệm Giáo hội. Bài thứ 31 trong loạt bài giáo lý, ngài nói về phương cách giúp đời sống Kitô hữu trở nên chứng tá ngôn sứ cho niềm tin của mình trong Đức Kitô. Đây là bài phát biểu của ngài.
1. Ở bài giáo lý trước, chúng tôi đã khẳng định rằng Hội Thánh thực thi tính ngôn sứ qua chứng tá của đức tin. Chứng tá này bao hàm và nêu bật mọi khía cạnh về cuộc đời và giáo huấn của Đức Kitô. Công đồng Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes trình bày Đức Giêsu Kitô như là Con Người mới chiếu tỏa ánh sáng trên những điều bí ẩn về sự sống và cái chết. Hiến chế viết: “Mầu nhiệm về con người chỉ thật sự được sáng tỏ trong mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể.” (Gaudium et spes, số 22) Nhờ mầu nhiệm mạc khải này, Hội Thánh muốn cống hiến cho nhân loại sự trợ giúp, đó là khám phá hoặc tái khám phá căn tính đích thực của mình. Thật vậy, chúng ta đọc thấy trong Hiến chế: “Được trao phó nhiệm vụ tỏ bày mầu nhiệm của Thiên Chúa, Đấng là cùng đích của con người, Giáo Hội cũng đồng thời tỏ cho con người biết ý nghĩa của cuộc hiện hữu nhân sinh, tức là sự thậ̣t thâm sâu về con người. Giáo Hội biết chắc rằng chỉ có Thiên Chúa mà Giáo Hội phụng sự mới đáp ứng được các khát vọng sâu xa nhất của lòng người, một cõi lòng không bao giờ hoàn toàn thỏa mãn với những của ăn trần thế.” (Gaudium et spes, số 41). Điều đó có nghĩa là, tính ngôn sứ của Hội Thánh, bao hàm rao giảng chân lý thần thiêng, tiếp nối sứ vụ mạc khải cho nhân loại sự thật về chính mình, sự thật ấy được mạc khải trọn vẹn chỉ nơi Đức Kitô.
2. Hội Thánh cống hiến cho con người sự thật này không chỉ bằng lý thuyết hay phương pháp trừu tượng mà còn qua những điều cụ thể và rất hiện sinh. Bởi vì ơn gọi của Hội Thánh là mang đến cho nhân loại sự sống của Đấng Kitô chịu đóng đinh và phục sinh: như chính Đức Giêsu tiên báo cho các Tông đồ “vì Thầy sống và anh em cũng sẽ được sống” (Ga 14,19).
Sự sống mới trong Đức Kitô được ban tặng cho con người ngay từ khi lãnh nhận Phép Rửa. Thánh Phaolô đã khẳng định điều này trong thư gửi tín hữu Rôma: “Anh em không biết rằng: khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Ki-tô Giê-su, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người sao? Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới. Thật vậy, vì chúng ta đã nên một với Đức Ki-tô nhờ được chết như Người đã chết, thì chúng ta cũng sẽ nên một với Người, nhờ được sống lại như Người đã sống lại… Anh em cũng vậy, hãy coi mình như đã chết đối với tội lỗi, nhưng nay lại sống cho Thiên Chúa, trong Đức Ki-tô Giê-su.” (Rm 6,3-5; 11). Mầu nhiệm của Phép Rửa là khởi đầu một đời sống mới trong Đức Kitô, “Con Người Mới”, nhờ được tháp nhập vào thân thể duy nhất của Ngài là Hội Thánh.
3. Nhờ các bí tích, đặc biệt là Phép Rửa chúng ta thật sự có thể nói rằng “Hội Thánh bày tỏ cho con người ý nghĩa của cuộc hiện hữu nhân sinh” cách sống động và gần gũi. Chúng ta có thể khẳng định cuộc “phúc âm hóa mang chiều kích bí tích” thuộc về đặc tính ngôn sứ của Hội Thánh và giúp chúng ta hiểu rõ hơn chân lý này, Hội Thánh như một “cộng đoàn ngôn sứ”.
Hội Thánh thể hiện sứ vụ ngôn sứ của mình khi thiết lập và mời gọi “bước theo Đức Kitô”, họa lại hình ảnh Đức Kitô, không chỉ trong ý nghĩa luân lý mà còn cuộc sống dương thế của Ngài – một “đời sống mới” (Rm 6,4), đời sống thần thiêng mà Đức Kitô chia sẻ với nhân loại, như thánh Phaolô không ngừng lặp đi lặp lại: “Trước kia, anh em là những kẻ chết vì anh em đã sa ngã… nay Thiên Chúa đã cho anh em được cùng sống với Đức Ki-tô” (x. Cl 2,13), “Cho nên, phàm ai ở trong Đức Ki-tô đều là thọ tạo mới.” (2Cr 5,17)
4. Bởi thế, Đức Kitô, Con Người hoàn hảo, chính là câu trả lời thoả đáng nhất mà Giáo Hội nêu ra trước những vấn đề nền tảng của nhân loại. Công đồng khẳng định “Ai theo Chúa Kitô, Con Người hoàn hảo, kẻ ấy sẽ được trở nên người hơn.” (Gaudium et spes, số 41). Bằng cách làm chứng về cuộc đời Đức Kitô, “Con Người hoàn hảo”, Hội Thánh chỉ cho mỗi người chúng ta cách nhận thức đầy đủ nhất nhân tính của mình. Qua việc giảng dạy, Hội Thánh mang đến một gương mẫu đích thực về cuộc sống, và với các bí tích Hội Thánh truyền cảm hứng cho người tín hữu, nhờ đó đời sống mới triển nở và lan tỏa giữa các thành viên trong cộng đoàn Hội Thánh. Cũng vì lý do này, Đức Giêsu gọi các môn đệ của Ngài là “muối cho đời” và “ánh sáng cho thế gian” (Mt 5,13-14)
5. Khi làm chứng cho cuộc đời Đức Kitô Hội Thánh mởi ra cho nhân loại biết đến Ngài, Đấng kiện toàn cách hoàn hảo “điều răn quan trọng nhất” (Mt 22,38-40) như Ngài đã tuyên bố và thực hiện trong suốt cuộc đời trần thế. Ngài kiện toàn “điều răn quan trọng nhất” ấy trong hai chiều kích. Thật vậy, qua cuộc đời và cái chết, Đức Giêsu Kitô cho thấy thế nào là yêu mến Thiên Chúa “trên hết mọi sự”, trong thái độ tôn kính và vâng phục, Ngài thưa với Chúa Cha: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người.” (Ga 4,34). Ngài còn củng cố và kiện toàn tình yêu tha nhân khi tuyên bố: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.” (Mt 20,28)
6. Hội Thánh là chứng tá cho Bát Phúc, điều mà Đức Giêsu đã công bố (x. Mt 5,3-12). Hội Thánh luôn nổ lực để ngày càng có nhiều người trên thế giới sống cho những điều này:
– “Tinh thần nghèo khó”, không đặt mục đích đời mình nơi tiền bạc hay của cải trần thế;
– “Hiền lành”, noi gương Đức Kitô “hiền lành và khiêm nhượng trong lòng” và khước từ bạo lực;
– “Tâm hồn trong sạch”, luôn sống trong sự thật và ngay chính;
– “Đói khát sự công chính”, …, thiết lập sự thánh thiêng trong đời sống cá nhân cũng như cộng đồng;
– “Xót thương người”, động lòng thương cảm trước những người gặp đau khổ và giúp đỡ họ;
– “Xây dựng hòa bình”, thúc đẩy sự hòa giải, hiểu biết lẫn nhau giữa cá nhân cũng như các quốc gia.
7. Hội Thánh là chứng tá và mang nơi mình của lễ hiến tế chính Đức Kitô đã thiết lập. Hội Thánh bước theo con đường thập giá và luôn ý thức kết hiệp đau khổ của mình với hiến tế của Đấng Cứu Thế. Tính ngôn sứ của Hội Thánh thể hiện qua việc nhận thức giá trị của thập giá. Do đó, Hội Thánh đặc biệt phấn đấu sống tinh thần Bát Phúc, sẵn sàng chịu đau khổ và bách hại.
Đức Giêsu đã tiên báo cuộc bách hại mà các môn đệ sẽ trải qua (x. Mt 24,9). Kiên trì trước sự bắt bớ là cách làm chứng cho Đức Kitô của Giáo Hội: từ sự tử đạo của thánh Stêphanô (x. Cv 7,55-60), các Tông đồ, những người kế vị và rất nhiều Kitô hữu, đến những đau khổ của các giám mục, linh mục, tu sĩ và nhiều tín hữu trong thời đại chúng ta cũng đã đổ máu, chịu tra tấn, tù đày, sĩ vả vì lòng trung thành với Chúa Kitô.
Giáo Hội là nhân chứng của phục sinh; một chứng từ hướng đến niềm vui của Tin mừng; một chứng từ hướng đến hạnh phúc viên mãn. Hạnh phúc ấy đã hiện diện nơi cuộc sống dương thế và là hạnh phúc mà Đức Kitô phục sinh đã ban tặng, như chúng ta sẽ nói đến trong bài giáo lý kế tiếp.
8. Khi là chứng nhân sống động cho cuộc đời Đức Kitô, Hội Thánh thực thi sứ mạng ngôn sứ của riêng mình. Song song đó, qua chứng nhân ngôn sứ, Hội Thánh “giúp con người hiểu biết đầy đủ về chính mình và nhận ra ơn gọi vô cùng cao quý của mình” (Gaudium et spes, số 22). Sứ mạng ngôn sứ có ý nghĩa Kitô giáo rõ ràng và cũng vì lý do này, sứ mạng ấy có một giá trị nhân học sâu sắc, như sức mạnh quan trọng đến từ Ngôi Lời nhập thể. Ngày nay, hơn bao giờ hết, Hội Thánh đại diện cho nhân loại tham dự vào sứ mạng này bởi vì Hội Thánh nhận thức rằng, vinh quang Thiên Chúa tỏ hiện qua ơn cứu độ con người. Vì lẽ đó, trong Thông điệp đầu tiên, Redemptor hominis, tôi đã nói rằng “nhân loại là con đường của Hội Thánh” (Redemptor hominis, số 14)