TGH Gioan Phaolô II – Bài 114: SỰ HỢP NHẤT ĐƯỢC THÚC ĐẨY NHỜ VIỆC ĐỔI MỚI LIÊN LỈ

0
760

Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh

Bài 114: SỰ HỢP NHẤT ĐƯỢC THÚC ĐẨY NHỜ VIỆC ĐỔI MỚI LIÊN LỈ

Như một tặng phẩm của Chúa Thánh Thần, sự hiệp nhất Kitô giáo đòi hỏi tất cả các tín hữu phải hoán cải không ngừng và dấn thân theo đuổi sự thánh thiện.

1. Trong bài giáo lý trước đây, chúng tôi đã nhấn mạnh Công đồng Vaticanô II khuyến nghị việc cầu nguyện là nhiệm vụ quan trọng của các Kitô hữu, những người thực sự có ý định cống hiến cho thành tựu hiệp nhất mà Chúa Kitô mong muốn. Công đồng nói thêm về phong trào đại kết “toàn thể Giáo Hội, tín hữu cũng như chủ chăn, đều phải quan tâm đến công cuộc tái lập sự hợp nhất”, theo khả năng của mỗi người, cho dù nó được thực hiện trong đời sống hàng ngày hay trong các nghiên cứu thần học và lịch sử (x. UR, 5). Điều này có nghĩa là trách nhiệm trong lĩnh vực này có thể và phải được thực hiện ở nhiều cấp độ khác nhau. Nó liên quan đến tất cả các Kitô hữu, nhưng có thể hiểu là bó buộc đối với một số người, chẳng hạn như các nhà thần học và sử gia. Mười năm trước tôi đã nhận thấy rằng: “Chúng ta phải chú ý đáp ứng những mong muốn và khát vọng chính đáng của anh em Kitô hữu, tìm hiểu lối suy nghĩ và cảm giác của họ. Tài năng của mỗi người phải được phát triển vì sự hợp nhất và lợi ích của tất cả mọi người” (Address to the Roman Curia, 28/6/1985 AAS 77, pp. 1151-1152).

2. Chúng ta có thể kể ra các đường lối chính yếu mà Công đồng đề xuất cho hoạt động đại kết. Trước hết, Công đồng nhắc lại sự cần thiết phải đổi mới liên tục. “Trên đường lữ hành, Giáo Hội được Đức Kitô mời gọi phải đổi mới liên lỉ, đây là điều luôn luôn cần thiết vì Giáo Hội là một định chế nhân loại tại thế” (UR, 6). Cải cách liên quan đến hành vi cũng như kỷ luật của Giáo Hội. Có thể nói thêm rằng, nhu cầu này đến từ bên trên. Nghĩa là, nó là mệnh lệnh của chính Thiên Chúa, Đấng đặt Giáo Hội trong tình trạng phát triển thường xuyên. Điều này liên quan đến việc điều chỉnh sao cho phù hợp với các hoàn cảnh lịch sử, nhưng trên hết, tiến tới việc hoàn thành ơn gọi của Giáo Hội như lời đáp lại thích đáng hơn bao giờ hết đối với các mệnh lệnh từ kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.

Một điểm cơ bản khác là Giáo Hội cam kết việc nhận thức những thiếu sót và nhược điểm, do sự yếu đuối của con người, đã làm khổ các thành viên lữ hành trong suốt lịch sử. Điều này đặc biệt đúng đối với tội lỗi chống lại sự hiệp nhất, ngay cả là do bởi người Công giáo. Chúng ta không được quên lời cảnh tỉnh của thánh Gioan: “Nếu chúng ta nói là chúng ta đã không phạm tội, thì chúng ta coi Người là kẻ nói dối, và lời của Người không ở trong chúng ta” (1 Ga 1,10). Đề cập chính xác đến lời cảnh tỉnh này, Công đồng khuyến khích: “Vì thế chúng ta hãy khiêm nhường xin Chúa và những anh em ly khai tha lỗi cho chúng ta, như chúng ta cũng tha những kẻ có nợ chúng ta” (UR, 7).

Trong hành trình này, việc thanh luyện những ký ức lịch sử được chứng minh là rất quan trọng, vì “mỗi người nên được hoán cải triệt để với Tin Mừng, mà không bao giờ đánh mất kế hoạch của Thiên Chúa, thay đổi cách nhìn của họ về mọi thứ” (UUS, 15).

3. Chúng ta cũng nên nhớ rằng sự hòa hợp với các anh em trong Giáo Hội và cộng đồng Giáo Hội khác, cũng như với những người khác nói chung, bắt nguồn từ quyết tâm hướng đến một cuộc sống noi theo Chúa Kitô. Do đó, sự thánh thiện của cuộc sống, được đảm bảo nhờ kết hợp với Thiên Chúa qua ân sủng của Thánh Thần, làm cho của tất cả những người theo Chúa Kitô trở nên gắn kết và thúc đẩy nó tiến tới, bởi vì sự hiệp nhất là một món quà đến từ trên trời.

Cùng với việc hoán cải con tim và sự thánh thiện của cuộc sống, hoạt động đại kết cũng bao gồm cầu nguyện riêng và cầu nguyện chung cho sự hiệp nhất Kitô giáo. Những điều này được khuyến khích trong các hoàn cảnh khác nhau và đặc biệt là tại các cuộc hội họp đại kết. Tất cả chúng càng cần thiết, người ta càng nhận thấy những trở ngại trên con đường dẫn đến sự hiệp nhất trọn vẹn, hữu hình. Do đó, chúng ta hiểu rằng những tiến triển thực sự cho việc hiệp nhất mà Chúa Kitô mong muốn chỉ có thể đến từ ân sủng thiêng liêng, và bất cứ khi nào các môn đệ của Chúa Kitô tụ họp để cầu xin Chúa ban cho sự hiệp nhất đều đáng được ca ngợi.

Công đồng tuyên bố rằng điều này không chỉ được cho phép mà còn đáng mong muốn (x. UR, 8). Về phương cách hành động cụ thể, tuỳ theo hoàn cảnh thời gian, không gian và nhân sự được Đức Giám mục bản quyền địa phương khôn ngoan định đoạt, theo qui chế riêng do Tòa thánh hay Hội đồng Giám mục ấn định (x. UR, 8).

4. Một nỗ lực đặc biệt nên được thực hiện để chúng ta trở nên quen thuộc hơn với tâm trạng và quan điểm giáo lý, tu đức và phụng vụ của các anh em ly khai trong các Giáo Hội hoặc cộng đồng Giáo Hội khác. Các hội nghị nghiên cứu với sự tham gia của cả hai bên là một sự trợ giúp cho mục đích này, “nhất là khi bàn về các vấn đề thần học, trong đó mọi người được bình đẳng bàn luận, miễn là những người tham dự thật sự là những nhà chuyên môn, làm việc dưới sự giám sát của những vị giáo trưởng” (UR, 9). Các cuộc họp nghiên cứu này phải được thúc đẩy bởi khát khao chia sẻ kiến thức và ân sủng của Thánh Thần thông qua việc trao đổi hiệu quả các tặng phẩm dưới ánh sáng chân lý của Chúa Kitô và với tinh thần thiện chí (x. UR, 9). Một phương pháp luận được khơi dậy bởi niềm đam mê với chân lý trong tình yêu đòi hỏi cam kết mạnh mẽ từ tất cả những người tham gia để giải thích rõ ràng quan điểm của họ, để cố gắng hiểu lẫn nhau và tìm kiếm điểm đồng thuận.

Công đồng cũng khuyến nghị rằng, theo quan điểm của hình thức hoạt động đại kết này, việc giảng dạy thần học và các môn học khác, đặc biệt là các môn học lịch sử, cũng nên được thực hiện “từ quan điểm đại kết” (UR, 10). Điều này sẽ ngăn chặn một thái độ mang tính chính trị và thay vào đó là nỗ lực thể hiện sự hội tụ và phân kỳ tồn tại giữa các bên trong cách tiếp nhận và trình bày chân lý đức tin. Rõ ràng, sự vững chắc trong đức tin đã được minh định sẽ không bị lung lay nếu sự trung thành với Giáo Hội là nền tảng của phương pháp luận đại kết theo sau trong công tác đào tạo.

5. Những thủ tục đối thoại nên có cùng cơ sở. Trong cuộc đối thoại này, học thuyết Công giáo phải được giải thích rõ ràng trong tính toàn vẹn của nó: “Không gì phá hỏng công cuộc đại kết cho bằng chủ trương hòa đồng sai lạc, vừa làm tổn thương vừa làm lu mờ ý nghĩa đích thực và chắc chắn của giáo lý công giáo thuần túy” (UR, 11) .

Đức tin Công giáo phải được giải thích chính xác. Bởi thế, nhiệm vụ của các nhà thần học là giải thích đức tin Công giáo sâu sắc và chính xác hơn. Họ phải tiến hành công việc “trong thái độ yêu mến chân lý, bác ái và khiêm nhường” (UR, 11).

Hơn nữa, khi so sánh các giáo thuyết với nhau, như Công đồng khuyến nghị, các nhà thần học nên nhớ rằng “có một trật tự hay một “phẩm trật” trong các chân lý của giáo thuyết công giáo, dựa trên sự liên hệ khác nhau giữa các chân lý ấy với nền tảng đức tin Kitô giáo” (UR, 11). Liên quan đến điểm quan trọng này, các nhà thần học cần được đào tạo bài bản và có thể nhận ra mối quan hệ mà các quan điểm khác nhau và các tín điều của Kinh Tin Kính với hai chân lý cơ bản của Kitô giáo: Thiên Chúa Ba Ngôi và Ngôi Lời Nhập thể, Con Thiên Chúa “propter nos homines et propter nostram salutem”. Các nhà thần học Công giáo không thể đặt ra những đường lối đi ngược lại lại đức tin của các Tông đồ như đã được các Giáo phụ giảng dạy và được các Công đồng xác nhận. Họ phải luôn bắt đầu bằng cách khiêm tốn và chân thành chấp nhận huấn dụ được lặp lại bởi chính Công đồng về chủ đề đối thoại đại kết: “Toàn thể các Kitô hữu hãy tuyên xưng niềm tin vào một Thiên Chúa duy nhất và Ba Ngôi, vào Con Thiên Chúa nhập thể, là Đấng Cứu chuộc và là Chúa chúng ta” (UR, 12).

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here