TGH Gioan Phaolô II – Bài 113. NHẬN RA TẦM QUAN TRỌNG CỦA VIỆC CẦU NGUYỆN

0
595

Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh

Bài 113. NHẬN RA TẦM QUAN TRỌNG CỦA VIỆC CẦU NGUYỆN

Phong trào đại kết đòi hỏi các tín hữu có lòng mến, sự trung thành với Giáo Hội Công giáo cùng với ước muốn thanh tẩy và đổi mới cách chân thành. “Không thể phủ nhận rằng… sự duy nhất của Giáo Hội chưa thể hiện đầy đủ sự lớn mạnh và lan rộng mà Giáo Hội có thể và phải đạt tới theo như đòi hỏi của Tin Mừng”.

1. Con đường của công cuộc đại kết là một bổn phận của cả tín hữu Công giáo lẫn Kitô hữu của các cộng đồng Giáo Hội khác. Công đồng Vaticanô II đã thông qua chương trình hành động này và trong sắc lệnh Unitatis Redintegratio, Công đồng thiết lập những nguyên tắc hữu ích cho phong trào đại kết. Hôm nay, tôi muốn đề cập đến những điểm chính yếu, những định hướng thực tế mà chúng ta đã thiết lập cách chi tiết trong Kim chỉ nam áp dụng những nguyên tắc và quy chuẩn của đại kết (1993).

Đối mặt với sự chia rẽ đã từng gây ra bao đau khổ cho thế giới Kitô giáo trong suốt nhiều thế kỷ, chúng ta không thể cứ mãi dậm chân tại chỗ. Tín hữu Công giáo lẫn không Công giáo không thể không cảm thấy đau khổ khi chứng kiến sự phân ly này. Phân ly là điều trái ngược với những lời xuất phát từ tâm can của Đức Kitô trong Bữa tiệc ly (x. Ga 17,20-23). Dĩ nhiên, mong muốn có một Giáo Hội duy nhất của Đấng Sáng Lập chưa khi nào nguôi ngoai. Mong ước đó vẫn không suy xuyển trong Giáo Hội Công giáo. Giáo Hội được khai sinh vào ngày lễ Ngũ Tuần với tặng phẩm Thánh Thần được trao ban cho các Tông đồ. Giáo Hội vẫn luôn trung thành với những nguyên tắc của truyền thống đạo lý và cộng đoàn, dựa trên nền tảng của các vị mục tử hợp pháp trong sự hiệp thông với Đấng kế vị thánh Phêrô. Đây là yếu tố mà trong đó các sự kiện lịch sử đan xen với những nền tảng thần học như là ý muốn của Đức Kitô. Nhưng không thể phủ nhận rằng: Trong lịch sử, quá khứ cũng như hiện tại, sự duy nhất của Giáo Hội chưa thể hiện đầy đủ sự lớn mạnh và lan rộng mà Giáo Hội có thể và phải đạt tới theo như đòi hỏi của Tin Mừng.

2. Do đó, thái độ trước tiên của các Kitô hữu – những người đã hiệp nhất và nhận thức được khoảng cách thực sự giữa sự hiệp nhất mà Đức Giêsu mong muốn với những gì đã đạt được trong thực tế – không thể cứ mãi hướng mắt về thiên đàng và cầu khẩn Thiên Chúa không ngừng ban phát ơn huệ mới nhằm thúc đẩy sự hiệp nhất với ơn linh hứng của Chúa Thánh Thần. Theo hướng dẫn của Công đồng, trước hết chúng ta nên nhận ra giá trị thiết yếu của việc cầu nguyện cho sự hiệp nhất. Thật vậy, việc cầu nguyện này không bị giảm xuống như là một hình thức hòa thuận trong các mối tương quan tốt đẹp của con người. Đức Giêsu đã nài xin Chúa Cha cho các kẻ tin được hợp nhất nên “một” như mối thông hiệp thần linh giữa Người và Chúa Cha, trong sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần (Ga 17,20-21). Mục tiêu này chỉ có thể đạt được nhờ sự trợ giúp của ân sủng Thiên Chúa. Do đó, cầu nguyện là điều cần thiết.

Hơn nữa, chúng ta thấy rằng phong trào đại kết còn gặp rất nhiều khó khăn, khiến chúng ta nhận thấy việc tin tưởng vào quyền năng tuyệt đối của Thiên Chúa lại càng nổi bật. Đây là những gì chúng tôi muốn bày tỏ, đặc biệt trong tuần lễ dành riêng để cầu nguyện cho sự hiệp nhất trọn vẹn giữa các Kitô hữu. Trên hết, đây là thời điểm cầu nguyện tha thiết nhất. Phong trào này thực sự còn thúc đẩy việc nghiên cứu, gặp gỡ và trao đổi ý tưởng cũng như kinh nghiệm. Nhưng trước hết phải là luôn cầu nguyện.

Trong nhiều dịp khác nữa, sự hợp nhất các Kitô hữu cũng là mối bận tâm trong những lời cầu nguyện của Giáo Hội. Thật vậy, ước mong hợp nhất nơi các Kitô hữu được nhắc lại ngay trước phần hiệp lễ của mỗi buổi cử hành Thánh Thể, Linh mục thân thưa lên Chúa lời cầu xin hợp nhất và bình an cho Giáo Hội.

3. Bên cạnh đó, Công đồng còn mong muốn sự đóng góp khác của mỗi Kitô hữu là chủ động dấn thân hướng đến sự hợp nhất, trước tiên là ngay trong suy nghĩ và lời nói của mình. Nhằm cổ vũ sự hợp nhất các Kitô hữu, tín hữu Công giáo được khuyến khích thực hiện “mọi nỗ lực loại bỏ những lời nói, xét đoán và hành vi thiếu công bình và không đúng sự thật về các anh em ly khai, những điều chỉ làm cho mối tương giao càng thêm khó khăn” (UR, 4). Trong khi tôi nhấn mạnh khuyến nghị quan trọng này, tôi kêu gọi tất cả hãy vượt qua những định kiến về các anh em ly khai và thay vào đó là thái độ nhân hậu và lòng tự trọng, chú trọng vào sự hợp nhất thay vì chỉ để ý đến các khía cạnh gây chia rẽ. Như vậy mới có thể bảo vệ toàn bộ gia sản đức tin mà các Tông đồ truyền lại.

Hơn nữa, để có sự hiểu biết về nhau tốt hơn, cần phải chú trọng đến văn hóa đối thoại. Nếu điều này được thực hiện bởi các chuyên viên (x. UUS, 81), nó có thể khuyến khích gia tăng lòng tự trọng và sự hiểu biết giữa các Giáo Hội và Cộng đồng khác nhau cũng như “hợp tác với nhau cách rộng rãi hơn trong những hoạt động mưu tìm thiện ích chung” (UR, 4).

Dựa trên nền tảng của việc đối thoại và mỗi kế hoạch đại kết khác, cần có thiện ý và nhất quán hầu nhận ra những biểu hiện ân sủng nơi anh chị em, những người chưa hiệp thông trọn vẹn với chúng ta. Như Công đồng xác quyết: “Người Công giáo phải vui mừng nhìn nhận và tôn trọng những giá trị thực sự mang tính Kitô giáo, phát xuất từ cùng một gia sản chung, được tìm thấy nơi các anh em đã tách rời khỏi chúng ta” (UR, 4). Tuy nhiên, “trong hành trình can đảm hướng tới sự hợp nhất này, sự minh bạch và thận trọng của đức tin đòi hỏi chúng ta phải tránh cả hai thái độ thỏa hiệp và lãnh đạm đối với các lễ nghi của Giáo Hội” (UUS, 79). Để khám phá và nhận ra sự tốt lành thì nhân đức và lòng khao khát một ân sủng lớn hơn bao giờ hết, thứ ân sủng đang hiện diện trong các Giáo Hội khác, cũng trợ giúp cho tiến trình khai sáng của chính chúng ta.

4. Công cuộc đại kết đòi hỏi tín hữu Công giáo phải có một số thái độ cần thiết để mong đạt được kết quả. Đòi hỏi đầu tiên là lòng bác ái với lòng trắc ẩn và mong muốn hợp tác chân thành với tất cả anh chị em chúng ta thuộc các Giáo Hội và cộng đồng khác. Thứ hai là lòng trung thành với Giáo Hội Công giáo nhưng cũng không coi thường hay chối bỏ những thất bại trong cách chỉ đạo của một số thành viên. Thứ ba là tinh thần sáng suốt để phân định, đánh giá đúng những gì tốt đẹp và đáng khen ngợi.

Cuối cùng là ước muốn thanh tẩy và đổi mới cách chân thành, qua việc dấn thân của mỗi người hướng đến sự hoàn thiện Kitô giáo và “mỗi người phải tùy theo hoàn cảnh của mình cố gắng làm cho Giáo Hội, tuy đang mang trên mình sự khiêm tốn và hy sinh của Chúa Kitô (x. 2Cr 4,10; Pl 2,5-8), mỗi ngày một thêm trong sạch và mới mẻ cho tới khi Chúa Kitô cho trình diện trước mặt mình Giáo Hội vinh quang không một vết ố, nét nhăn (Ep 5,27)” (UR, 4).

5. Đây không phải là một ước vọng viển vông. Điều này có thể và phải được thực hiện liên lỉ từ ngày này qua ngày khác, từ thế kỷ này đến thế kỷ khác, từ thế hệ này qua qua thế hệ kia mặc cho những sự kiện vô định phía trước cũng như dòng thời gian bất tận của lịch sử. Công cuộc đại kết được thực hiện trong viễn cảnh ấy. Thế nên, tiến trình này phải đặt trong một bối cảnh rộng lớn hơn là mối tương quan cá nhân giữa các tín hữu thuộc Giáo Hội Công giáo với các Giáo hội Kitô khác. Sự giao hòa của họ không đối lập với công cuộc đại kết, bởi vì “tất cả đều phát xuất từ những đường lối kỳ diệu của Thiên Chúa” (UR, 4).

Vì vậy, chúng ta hãy kết thúc bài giáo lý này với niềm hy vọng và tin tưởng rằng, tất cả mọi người trong Hội Thánh có thể bảo toàn tính duy nhất trong những gì là cốt yếu, và tận hưởng tự do trong nghiên cứu, đối thoại và hợp tác với những ai tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa. Xin cho họ luôn kiên trì trong đức ái, vốn là cách tốt nhất để diễn tả ý muốn hoàn thiện đặc tính duy nhất và công giáo của Giáo Hội.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here