Suy niệm với Thánh Tôma Aquinô – Mùa Vọng 9

0
84

MÙA VỌNG

Ngày 5 tháng 12

SỰ NHẬP THỂ NHIỆM LẠ CỦA CON THIÊN CHÚA

1. Trong tất cả các công trình của Thiên Chúa, mầu nhiệm Nhập Thể này vượt quá tầm hiểu biết của lý trí cách đặc biệt, bởi vì không thể nào nghĩ ra điều gì tuyệt vời hơn là Con Thiên Chúa, Đấng là Thiên Chúa thật, đã trở thành con người thật. Và bởi vì đây là mầu nhiệm tuyệt vời nhất, cho nên những việc lạ lùng khác đều nhắm đến niềm tin ấy như là trọng tâm, xét vì điều gì đứng đầu một loài là nguyên nhân của tất cả các phần khác.

2. Dựa vào quyền thế của lời Chúa, chúng ta tuyên xưng việc Nhập thể kỳ diệu của Thiên Chúa, bởi vì có lời viết trong Tin mừng rằng: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và ở giữa chúng ta.” (Ga 1,14). Thánh Phaolô, khi nói đến Con Thiên Chúa, đã viết rằng: “Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Pl 2,6-7).

Chính những lời của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, khi đề cập đến bản thân mình cũng chứng minh mầu nhiệm này, tựa như: “Chúa Cha cao trọng hơn Thầy” (Ga 14,28), và: “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được” (Mt 26,38). Những lời ấy hợp với bản tính con người của Người. Còn những lời cao siêu và thần linh: “Thầy và Chúa Cha là một.” (Ga 10,30), “Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy” (Ga 16,15) thì thích hợp bản tính Thiên Chúa của Người.

Những công việc của Người được Tin mừng kể lại cũng chứng minh thực tại của sự Nhập Thể. Sự sợ hãi, buồn rầu, khát nước và chết đều đến từ bản tính con người của Người. Những công việc do quyền năng của mình như chữa lành các bệnh nhân, làm cho kẻ chết sống lại, làm cho sóng yên biển lặng, trừ quỷ, tha thứ tội lỗi và cuối cùng lên trời, những điều này chứng tỏ quyền lực thần linh nơi Người.

(Contra Gentiles, IV, 17)

3. Hơn nữa, trong mọi sự vật được tạo thành, không có gì sánh được với sự kết hợp giữa bản tính Thiên Chúa và bản tính con người trong sự Nhập thể; ngoại trừ sự kết hợp của linh hồn với thể xác. Do đó, thánh Athanasius nói rằng: “Cũng như linh hồn có lý trí và thân xác hợp thành một con người duy nhất thế nào, thì Thiên Chúa và con người hợp thành một Đức Kitô duy nhất như vậy.” Nhưng sự so sánh ấy bất toàn, bởi vì linh hồn có lý trí kết hợp với thể xác như là chất thể hợp với mô hình của mình. Nếu mà áp dụng như vậy vào việc Nhập thể thì hóa ra Thiên Chúa với con người hợp thành một bản tính duy nhất.

Vì vậy, cần phải sử dụng việc so sánh theo nghĩa là linh hồn được kết hợp với thân xác như một công cụ. Trên thực tế, một số Tiến sĩ nói rằng bản tính con người nơi Đức Kitô giống như một công cụ của thiên tính cũng tựa như thân xác là công cụ của linh hồn. Nhưng thân xác là công cụ của lình hồn không giống như các công cụ khác bên ngoài. Một cái rìu không phải là công cụ của linh hồn như là bàn tay; bàn tay là một công cụ kết hợp với linh hồn và thuộc riêng của linh hồn; còn cái rìu là công cụ bên ngoài và là cái gì của chung. Cái rìu có thể được bất cứ ai sử dụng cũng được, còn bàn tay của tôi chỉ có thể là dụng cụ hoạt động riêng của linh hồn tôi mà thôi.

Bây giờ chúng ta thử áp dụng những điều vừa nói về sự kết hợp giữa Thiên Chúa và con người. Xét trong tương quan với Thiên Chúa, tất cả mọi người đều có thể được coi như những công cụ để cho Ngài sử dụng, như thánh Phaolô viết: “Chính Thiên Chúa tác động trong ý muốn và hành động trong chúng ta do lòng yêu thương của Ngài” (Pl 2,13). Trong tương quan với Thiên Chúa, tất cả mọi người đều là những công cụ bên ngoài và riêng biệt. Tất cả mọi người đều được Thiên Chúa thúc đẩy, không những để làm những công tác riêng mà còn làm những công tác chung cho hết mọi bản tính có lý trí, như là nhận biết chân lý, yêu mến điều tốt lành, làm những việc công chính.

Trái lại, bản tính con người được Đức Kitô đảm nhận như công cụ để thực hiện những công tác riêng của Thiên Chúa mà thôi, tựa như tha thứ tội lỗi, soi sáng tâm trí bằng ân sủng và dẫn đưa chúng ta đến cuộc sống vĩnh cửu. Vì vậy, trong tương quan với Thiên Chúa, bản tính nhân loại của Đức Kitô được ví như công cụ riêng biệt và hợp nhất, tựa như cánh tay liên kết với linh hồn. Tuy nhiên, ví dụ nói trên không phải là một so sánh hoàn toàn. Cần phải nhớ rằng Lời Chúa được kết hợp với bản tính con người một cách cao siêu và mật thiết hơn nhiều, mà chúng ta không thể nào nghĩ tới.

(Contra Gentiles IV, 41)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here