SUY NIỆM VỚI THÁNH TÔMA AQUINÔ – MÙA PHỤC SINH 20

0
42

20. NHỮNG CỰC KHỔ CỦA ĐỜI SÔNG HIỆN TẠI

Bí tích Rửa Tội có sức mạnh hủy bỏ những cực khổ của đời sống hiện tại: tuy rằng nó không cất chúng đi trong đời sống này, nhưng chính do năng lực của bí tích Rửa Tội mà những người công chính sẽ được cứu thoát khỏi chúng trong ngày sống lại khi “thân xác hay chết nhận lấy tính bất tử” (1 Cr 15,54). Và điều đó rất hợp lý.

1) Trước hết, bởi vì con người được tháp nhập vào Chúa Kitô nhờ bí tích Rửa Tội và như vậy trở nên một trong các chi thể của Người. Vậy một cách thích hợp, cái gì đã xảy ra nơi Đầu thì cũng xảy ra cho các chi thể. Mà, nếu Đức Kitô từ giây phút đầu tiên được cưu mang “đã đầy tràn ân sủng và chân lý”, vẫn có thân thể khả thụ và thân thể này do sự khổ nạn và sự chết của Người đã được nâng lên tới đời sống vinh quang. Như vậy, người Kitô hữu bởi bí tích Rửa Tội lãnh nhận ân sủng trong linh hồn mình, đang khi họ có thân thể khả thụ mà trong thân thể này họ có thể chịu đau khổ vì Đức Kitô, nhưng rồi cuối cùng họ sẽ sống lại cho đời sống bất khả thụ. Do đó, thánh Phaolô (Rm 8,11) đã nói : “Đấng đã cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết cư ngụ trong anh em, thì Đấng đã cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết cũng sẽ tác sinh thân xác hay chết của anh em nhờ bởi Thánh Thần cư ngụ trong anh em.” Và Thánh nhân đã nói tiếp (Rm 8,17): “Chúng ta là những kẻ thừa tự của Thiên Chúa, và đồng thừa tự với Đức Kitô, một khi ta cùng cam chịu khổ với Ngài, để rồi cùng chia phần vinh phúc với Ngài.”

2) Thứ hai, điều đó cũng thích hợp với việc huấn luyện đời sống tâm linh của chúng ta, tức là nhờ chiến đấu với các dục vọng và với các sự yếu đuối khác mà con người sẽ lãnh nhận triều thiên vinh phúc. Như vậy, về lời nói của thánh Phaolô (Rm 6,6): “Để thân xác tội lỗi bị phá hủy”, sách Chú giải nói: “Nếu sau khi chịu bí tích Rửa Tội, con người vẫn còn sống trong xác thịt, họ còn giữ lại tính ham muốn mà họ phải chiến đấu với nó, và chiến thắng nó nhờ ơn trợ giúp Thiên Chúa.” Đó là điều tượng trưng lời nói này (Tl 3,1-2): “Đây là các dân tộc Giavê đã để lại, để dùng chúng mà thử thách Israel, tất cả những ai đã không biết đến các trận giặc ở Canaan, để con cháu Israel học biết chiến đấu và giữ lại tập quán chiến đấu.

3) Thứ ba, điều đó cũng thích hợp ngõ hầu nhân loại không đến với bí tích Rửa Tội để đạt được tính bất khả thụ trong đời sống hiện tại (thoát khỏi đau khổ và xung đột), nhưng để đạt được vinh phúc đời sống vĩnh cửu. Đó là điều thánh Phaolô đã nói (1 Cr 15,19): “Nếu ta đặt mối hy vọng vào Đức Kitô vỏn vẹn cho lúc sinh thời này thôi, thì quả ta là những kẻ khốn nạn nhất trong cả thiên hạ.

Khổ hình vĩnh cửu thì đã được Đức Kitô bãi bỏ, ngõ hầu những ai đã được rửa tội và thực sự sám hối không phải chịu hình phạt đó. Tuy nhiên, Người vẫn chưa bãi bỏ khổ hình tạm thời. Vì đói, khát và cái chết vẫn còn. Nhưng Người đã lật đổ vương quốc và quyền lực của nó theo nghĩa là con người không còn sợ hãi nó nữa, và cuối cùng Người sẽ tiêu diệt hoàn toàn nó vào ngày sau hết.

(ST III, q. 69, a. 3)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here