Sự Phân Biệt Cần Thiết Giữa Các Thần Khí

0
870


Lm. Nguyễn Hữu Thy

 

Sống giữa ngã ba cuộc đời đa dạng, con người luôn phải tranh đấu, phải luồn lách, phải nhận định và phải chọn lựa một lối đi đúng đắn để mong đạt tới được mục đích mong đợi sau cùng.

1. Các cảnh báo của Kinh Thánh

Trong nhiều chỗ khác nhau trong phần Kinh Thánh Tân Ước, toàn thể nhân loại chúng ta đã được cảnh giác một cách nghiêm trọng là cần phải tỉnh táo phân biệt, cần phải xem xét các thần khí, chứ không nên nhẹ dạ vội vàng nghe theo ngay.

Thật vậy, để giúp chúng ta phân biệt được rõ ràng đâu là Thần Khí Thiên Chúa và đâu là thần khí thế tục nguy hại, thánh Phaolô đã nêu rõ trong Thư của ngài gửi giáo đoàn Ga-lát đích danh các hoa quả tích cực của Thần Khí Thiên Chúa cần thiết cho sự hạnh phúc chân thật của con người và hoa quả tiêu cực của thần khí xác thịt chỉ đưa con người vào ngõ bí bất hạnh không lối thoát (x. Gl 5,16-24). Còn trong Thư I của ngài, thánh Gioan Tông Đồ lại thẳng thắn cảnh giác các tín hữu: “Anh em thân mến, anh em đừng cứ thần khí nào cũng tin, nhưng hãy cân nhắc các thần khí xem có phải bởi Thiên Chúa hay không, vì đã có nhiều ngôn sứ giả lan tràn khắp thế gian” (1Ga 4,1tt). Và chính Chúa Giêsu cũng đã nhắc nhủ các Môn Đệ phải luôn cẩn thận trước các ngôn sứ giả, những người không mang trong mình Thần Khí Thiên Chúa, nhưng là thần khí của tên Phản-Kitô, nên đừng nghe theo những gì họ nói, nhưng hãy tỉnh táo nhìn hoa quả của các việc họ làm, thì sẽ biết ngay họ là ai và họ thuộc thành phần nào (x. Mt 7,15-23).

Vấn đề này cũng từng đã được đề cập tới trong phần Kinh Thánh Cựu Ước. Trong phần này, người ta đã ghi nhận được rằng, các vị ngôn sứ chân chính của Thiên Chúa đã từng phải đối mặt với bọn ngôn sứ giả, một bọn người đông đảo chỉ luôn truyền bá sự dối trá và lừa bịp, hòng mong mua chuộc và lôi cuốn được những người nhẹ dạ cả tin. Đó là trường hợp ngôn sứ Elija đã phải can trường chống lại 450 ngôn sứ giả của thần Baal; ngôn sứ Micha Ben Jimla đã phải đối mặt với 400 ngôn sứ giả khác (x. 1 V, 22) và cả ngôn sứ Giê-rê-mi-a cũng đã một mình chống lại ngôn sứ giả Kha-nan-gia, một người đã tự nhận là ngôn sứ và đã dùng những lời ngon ngọt, bùi tai và mị dân để lừa bịp dân Ít-ra-el (x Gr 28).

2. Nỗi phân vân trước sự lựa chọn

Điều đó muốn nói rằng, vấn đề này không phải là một hiện tượng mới lạ trong xã hội loài người, nhưng đồng thời nó vẫn luôn mang tính cách thời sự và vì thế có liên quan đến chúng ta. Bởi vậy, nhiều người đã phải tự hỏi: Khi nghe một người nào đó, nhất là một người có danh giá trong xã hội hay một vĩ nhân, phát biểu hay trình bày một vấn đề quan trọng nào đó, thì làm sao có thể phân biệt được lời phát biểu của người ấy là do thiện ý đã được Thần Khí Thiên Chúa soi sáng hướng dẫn, hay chỉ là ý kiến phóng đại vô căn cứ của cá nhân người ấy, hay còn tồi tệ hơn nữa là để đánh lừa người nghe với một hậu ý ích kỷ nào đó? Khi nào người ta có thể tin tưởng một người nào đó, hay nói đúng hơn, người ta phải để ý quan sát những dấu chỉ cảnh báo nào? Và sau cùng, ai có thể phân biệt được giữa thật và giả, sai và đúng một cách chắc chắn?

Sự phân biệt cần thiết giữa thật-hư và đúng-sai không chỉ dựa trên sự kiểm tra của những đặc sủng (Charismen) mà Thiên Chúa đã ban riêng cho Giáo Hội –tức những khả năng nổi trội do Thần Khí Chúa tác động – ngõ hầu Giáo Hội chu toàn quyền giáo huấn của mình trong lãnh vực đức tin và luân lý hoàn toàn phù hợp với chân lý của Đức Kitô[1], nhưng cả trên sự phán đoán và đánh giá đúng đắn của mỗi người về những sự kiện xảy trong đời sống của chính mình. Dĩ nhiên trong thực tế, cả hai lãnh vực ấy không hoàn toàn tách biệt nhau một cách rõ ràng. Lãnh vực thứ nhất có liên quan tới sự đòi hỏi chắc chắn về chân lý của giáo huấn của Giáo Hội. Ví dụ: đứng trước những sự kiện xảy ra (kể cả những mặc khải tư) câu hỏi đầu tiên bao giờ cũng được đặt ra là liệu những sự kiện ấy có hội đủ tính chất xác thực khách quan hay không. Còn lãnh vực thứ hai liên quan trực tiếp tới sự phán đoán về điều cần thiết phải có trong đời sống tâm linh. Ví dụ: làm sao tôi có thể phân biệt được đâu là những suy tư đúng đắn và đâu chỉ là những ảo tưởng hay những tư tưởng nguy hiểm, trong chính mình tôi hay nơi những người khác, trong trường hợp có sự giúp đỡ tinh thần của một ai đó?

3. Sự phân biệt giữa đức tin và cảm tính

Trong những trường hợp này còn phải kể đến các yếu tố khác nữa, chẳng hạn cần phải xác định rõ ràng giới hạn các khả năng cá nhân: Những dấu chỉ nào có thể hoà hợp với khả năng cảm hứng hay dự định của mình? Nhưng cả trong cuộc sống hằng ngày: Những cảm xúc, những cảm nhận và những hứng cảm trong khi cầu nguyện có ý nghĩa gì không? Và người ta có thể tự lừa dối mình vì những điều ấy không?

Để nhận chân được vấn đề này, chúng ta có thể đưa ra một ví dụ cụ thể, chẳng hạn một người nào đó mặc dù đã hết lòng ăn năn hối cải các tội lỗi của mình và đã lãnh nhận Bí tích Cáo Giải một cách thành sự, nhưng vẫn cảm thấy lòng mình còn áy náy, chưa được bằng an, thì trong trường hợp này đương sự không được phép hồ nghi về tính cách thành sự hay sự hiệu nghiệm của Bí tích Cáo Giải mà người ấy đã lãnh nhận, nếu không, người ấy đã coi trọng và đặt cảm xúc thuần tuý chủ quan của mình lên trên đức tin Kitô giáo. Cảm xúc hay cảm nhận trong mỗi người là điều cần thiết để cân bằng các sinh hoạt tâm lý của người ấy và làm cho cuộc sống người ấy tăng phần hưng phấn, nhưng chúng không phải là tiêu chuẩn chính để phê phán và nhận định một người hay một sự việc một cách chắc chắn được. Chính lý trí mới là tác nhân các phán đoán của con người.

Ngay từ thời Giáo Hội sơ khai, các vấn đề này cũng đã được đặt ra; và vào thời hậu trung cổ các vị Tổ phụ các Dòng Tu và các nhà thần học đã đặc biệt phân tích chúng với một sự hiểu biết và nhận thức thần học rất đúng đắn. Chẳng hạn thánh Bernardin thành Siena đã tìm cách biện giải vấn nạn gai góc này, khi ngài đã tự hỏi mình về những cảm nghĩ trong lòng: Tại sao và cho ai khi tôi muốn thực hiện điều này điều nọ? Dự định ấy có phù hợp với các khả năng thể lý và tinh thần của tôi không? Mỗi người đều đã biết rất rõ rằng “thần khí của chính mình” có thể đánh lừa họ, ví dụ: Khi một người bỗng cảm thấy lòng mình cháy bỏng – một trường hợp mà người ta thường sử dụng cụm từ “một sức mạnh vô hình” thúc đẩy – mong ước theo đuổi và tìm cách đạt tới những trải nghiệm thiêng liêng bằng mọi giá, nhưng theo tâm lý học thì hiện tượng ấy có thể mới chỉ là một sự ép buộc các cảm xúc của mình mà thôi, tức mới chỉ là sự tác động và thôi thúc của “thần khí” đương sự.

4. Thái độ thận trọng cần phải có

Để đánh giá đúng đắn sự khả tín của một người, và dù đã dựa trên các tiêu chuẩn của Kinh Thánh, thì người ta cũng không được phép vội quả quyết là người ấy hoàn toàn đúng hay sai trong các chi tiết được; hay nói rõ hơn, nếu một người nào đó thực hiện được một sự kiện lạ lùng, thì sự kiện lạ lùng ấy cũng chưa thể được hợp thức hóa hay được công nhận một cách chắc chắn, vì các phù thủy vua Pharaon cũng có thể làm cho chiếc gậy biến thành con rắn hoàn toàn tương tự như Tổ phụ Môsê vậy (x. Xh 7,8-13). Và chính Chúa Giêsu cũng nói là mấy tên ngôn sứ giả, tức mấy tên Phản-Kitô, cũng có thể làm được các điều thiêng dấu lạ vĩ đại có sức thuyết phục (x Mt 24,24).

Trong khi việc tìm kiếm lợi ích vật chất cá nhân hay ý tưởng chỉ muốn làm vừa lòng người khác một cách trần thế trong sứ mệnh phụng sự Nước Trời rõ ràng là những dấu hiệu báo động quan trọng (x. 1Tx 2,3-7), vì chúng chắc chắn không do Thần Khí Thiên Chúa tác động, thì chính nhịp độ và cách thức sống hợp lý cũng chưa nhất thiết là tiêu chuẩn đích thực để phê phán một người nào đó là bạn tâm phúc của Thiên Chúa. Một cuộc sống hoàn thiện chân chính mới là tiêu chuẩn đích thực để được đánh giá là thuộc hàng ngũ các bạn hữu của Thiên Chúa. Dĩ nhiên, trước tiên người ta không thể luôn luôn xác định cuộc sống ấy một cách chính xác được, nếu không, Chúa Giêsu đã không cảnh giác trước cảnh “chó sói đột lốt chiên” (x. Mt7,15). Tiếp đến, trong suốt dòng lịch sử của Giáo Hội đã có những người và những phong trào chủ trương đi tìm kiếm sự hoàn hảo thánh thiện qua một lối sống chìm đắm trong kinh nguyện và trong chay tịnh khắc khổ, nhưng đáng tiếc là các giáo huấn của họ lại hoàn toàn đi ngược với các giáo huấn chính thức của Giáo Hội.

Ở đây chúng ta có thể liên tưởng đến, ví dụ: Phong trào của những Kitô hữu Katharer từ thế kỷ 12 đến thế kỷ 14 tại miền Nam nước Pháp, sau đó lan tràn sang cả Ý, Tây Ban Nha và Đức. Các Kitô hữu này cũng được gọi là Albigenser, danh xưng này phát xuất từ tên của thành phố Albi ở miền Nam nước Pháp, bản doanh của phong trào. Họ tự cho mình là “veri Christiani”: các Kitô hữu chân chính. Họ là những người ngoan đạo, nhưng các chủ trương thần học của họ lại hoàn toàn khác với giáo lý của Giáo Hội. Họ chủ trương thuyết Nhị Nguyên (Dualisme), tức cho rằng hiện hữu song hành hai thế giới đối lập nhau – thế giới sự dữ, tức thế giới vật chất đời này, và thế giới tinh thần là thế giới thánh thiện và chỉ có trên Thiên đàng – và sự thiện hảo trong con người, tức linh hồn, sẽ giải thoát con người thoát khỏi thế giới này và đưa về Thiên đàng.

Hay trong thời đại ngày nay, chúng ta cũng có thể liên tưởng đến nhóm Công Giáo thủ cựu của TGM Marcel Lefèbre. Họ bác bỏ các quyết định canh tân hợp lý và cần thiết trong đời sống Giáo Hội của Công đồng Vatican II, vì cho đó không phải là tác động của Thần Khí Thiên Chúa, nhưng là của thần khí thế tục, thần khí Tam Điểm. Nhưng điểm quyết định ở đây là họ phê phán và chối bỏ các quyết định của Công đồng như thế không dựa trên lý do pháp lý, tức tính cách hợp pháp hay bất hợp pháp của các quyết định ấy của Công đồng, nhưng là dựa trên cảm tính thuần tuý, tức dựa trên các cảm xúc và cảm nhận của họ. Họ tự cho mình là những người Công Giáo chính thống, vì họ vẫn giữ nguyên cuộc sống Kitô hữu của mình như thời trước Công đồng. Hơn thế nữa, xem ra họ không còn tự coi mình là con cái của Mẹ Giáo Hội nữa, nhưng là đối tác ngang hàng với các yêu sách chủ quan khó chấp nhận của họ trong các cuộc đối thoại tay đôi với Giáo Hội trong suốt mấy thập niên vừa qua. Và hiện tại họ đang do dự, chứ chưa dứt khoát giữa hai sự lựa chọn: hoặc tuân phục quyền giáo huấn của Giáo Hội, chấp nhận các quyết định của Công đồng như là hoa quả của Thần Khí Thiên Chúa và đoàn tụ lại trong lòng Mẹ Giáo Hội, hoặc vẫn tiếp tục bảo thủ quan điểm chủ quan lệch lạc của mình để trở thành một lạc giáo mới!

Đây là trường hợp hoàn toàn tương tự như trường hợp nhóm “Cựu Công Giáo”, tức những người cũng đã phản đối tín điều “Bất khả ngộ” của Đức Giáo Hoàng mà Công đồng Vatican I đã thiết lập dưới sự soi sáng của Thần Khí Thiên Chúa, và họ đã tự tách ra khỏi Giáo Hội Công Giáo. Họ tự gọi mình là những người “Cựu Công Giáo” (Alt-Katholiken), vì họ vẫn giữ nếp sống Công Giáo như trước Công đồng Vatican I. Ngày nay nhóm này chỉ còn sống rời rạc ở một vài nước Thụy Sĩ hay Hoà Lan, còn đa số đã trở lại với Giáo Hội Công Giáo Roma.

4. Điểm nhận diện những người được tuyển chọn

Trên đây là ba trường hợp tiêu biểu trong bao trường hợp khác đã từng xảy ra trong lòng Giáo Hội, và đã làm cho trái tim của Mẹ Giáo Hội bao phen phải rớm máu. Tất cả những hiện tượng và sự kiện ấy đều có một điểm gặp gỡ chung trong cuộc sống tinh thần của họ, đó là: Họ tách biệt hoàn toàn sự xác tín chủ quan của mình cũng như lý tưởng tìm kiếm một cuộc sống hoàn thiện và chay tịnh khắc khổ ra khỏi tinh thần tuân phục và đức khiêm tốn. Trong khi hai nhân đức tuân phục và khiêm tốn là dấu chỉ để nhận diện những người được tuyển chọn của Nước Trời, chứ không phải là lòng kiêu căng và sự tự khẳng định mình một các chủ quan, vì Kinh Thánh đã dạy: “Vâng lời thì tốt hơn của lễ!” (x. 1Sm 15,22b). Và đồng thời họ quên đi lời khẳng định của Chúa với Giáo Hội: “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho tới tân thế” (Mt 28,20b).

Đàng khác chúng ta cũng đừng quên nguyên tắc này: Điểm quyết định khi phán đoán về một sứ điệp nào đó là phải dựa trên chính nội dung của nó, chứ không phải nhất thiết dựa trên cách thức của những người sống theo sứ điệp ấy. Thật vậy, Tin Mừng Cứu Độ của Đức Kitô đã được các thánh Tông Đồ rao giảng cho mọi dân tộc trên khắp thế giới và các ngài đã lưu truyền quyền giáo huấn ấy lại cho Giáo Hội Công Giáo, một Giáo Hội được nối tiếp liên tục từ các thánh Tông Đồ qua dòng lịch sử trên 2000 năm và mãi cho tới hôm nay. Vì thế, trong số các Giáo Hội thuộc Kitô giáo thì Giáo Hội Công Giáo được gọi là Giáo Hội Tông Truyền và được ủy quyền giáo huấn và cắt nghĩa Tin Mừng Đức Kitô một cách hợp pháp, mặc dù trong suốt hơn 2000 năm lịch sử của Giáo Hội đã không thiếu những thành phần của Giáo Hội từng gây nên những xì-căng-đan bằng những lý thuyết chủ quan, ngược lại với các giáo huấn chính thức của Giáo Hội và đã gây nên những cuộc chia rẽ và ly giáo đầy đau thương, như đã từng xảy ra trong Giáo Hội.

Trong đời sống thực tế, một kinh nghiệm cụ thể cũng chứng minh cho thấy rằng, trên thế giới hiện tại chỉ có Giáo Hội Công Giáo là điểm tựa luân lý khả tín và chắc chắn duy nhất cho toàn thế giới, cũng như tiếng nói của các Đức Giáo Hoàng luôn vẫn còn gây được những ảnh hưởng tinh thần sâu rộng nhất định, và là tiếng nói luân lý duy nhất còn được cả thế giới đánh giá cao và đón nhận.

Tiếp đến, một kinh nghiệm khác cũng chứng minh cho thấy rằng, khi một người hay một nhóm người nào đó vì bất cứ lý do gì mà lìa bỏ Giáo Hội Công Giáo, không còn hay không được thông công với đời sống Giáo Hội nữa, thì cuộc sống đức tin của họ không chóng thì chầy sẽ từ từ bị phôi phai, lệch lạc, rã rời và mất dần sức sống; và nếu không trở thành lạc giáo và tiếp tục lún sâu vào những giáo lý sai lạc và những lối sống phản luân lý Kitô giáo, thì cũng sẽ bị đồng hóa vào xã hội trần thế. Đó là hiện tượng đang xảy ra cho các Giáo Phái hay các Giáo Hội thuộc Kitô giáo ngoài Giáo Hội Công Giáo. Điển hình là trường hợp Giáo Hội Anh Giáo: Vì các nguyên nhân sai lạc, như phong chức Giám Mục và Linh Mục cho các người đồng tình luyến ái, cho các phụ nữ, làm phép hôn phối cho những người đồng tính, v.v…, nên từ nhiều năm nay đã có hàng loạt các tín hữu Anh Giáo quay trở về xin gia nhập Giáo Hội Công Giáo, từ các Giám Mục, Linh Mục cho tới các giáo dân.

Nhưng một câu hỏi lại được đặt ra là: Liệu cách thức phê phán một sứ điệp phải căn cứ trên nội dung của nó, như đã nói ở trên, có được tiếp tục áp dụng trong khi phê phán các sự kiện mặc khải như Giáo Hội vẫn luôn xác tín, hay mỗi người “được tự tiện giải thích Kinh Thánh theo ý riêng mình” (x. 2Pr 1,20)? Ở đây, chúng ta lại một lần nữa trích lời thánh Bernardin thành Siena: “Nếu như một ai đó sống rất đạo đức thánh thiện, nhưng ngôn ngữ và cách ăn nói của người ấy lại làm cho giáo huấn đức tin hay những chỉ dạy luân lý của Giáo Hội bị lu mờ, thì người ta không cần phải quan tâm đến các kinh nghiệm thần bí hay các sứ điệp của người ấy”.

Một tiêu chuẩn khác cũng được áp dụng trong khi phê phán những kinh nghiệm của bản thân, mà tất cả các tác giả đã được nêu danh, bắt đầu từ các Giáo Phụ qua thánh Caterina thành Siena và thánh Tê-rê-xa thành Avila cho tới Hans Urs von Balthasar, nhà thần học Công Giáo thời danh trong thế kỷ 20, đó là: Ai thực sự muốn tiếp cận Thiên Chúa, thì không thể làm được gì khác ngoài việc phải nỗ lực trở nên khiêm tốn hơn. Một sự trải nghiệm thực sự về ân sủng siêu nhiên và về khả năng của mình cũng sẽ làm cho con người nhận chân được rằng, ơn nghĩa Chúa và đức tin không phải là những điều con người có thể chiếm hữu hay kín múc được bằng sức lực của mình, nhưng hoàn toàn do Chúa ban một cách nhưng không. Chính sự khám phá và xác tín được những giới hạn của mình, người ta sẽ sống khiêm tốn hơn.

Như vậy, tinh thần khiêm tốn không hề là một tự ti mặc cảm và cầm chân sự phát huy của con người, nhưng là nguồn mang lại niềm vui sâu thẳm cho tâm hồn, sự kiên nhẫn và sức mạnh nội tâm. Bởi vì, tinh thần khiêm tốn không phải là luôn luôn tự cho mình bé nhỏ, thấp hèn và vô dụng, nhưng là biết nhận chân được con người thật của mình với các ưu khuyết điểm và các giới hạn của mình. Nhất là luôn biết xác tín rằng, không có bất cứ quyền lực ngoại tại nào có thể ngăn cản được Lời Chúa và các tác động của Thần Khí Người, vì Thần Khí Chúa cũng giống như gió, muốn thổi đâu tùy ý (x.Ga 3,8). Tinh thần khiêm tốn còn là hoa quả của lòng từ bi nhân hậu và lòng đại lượng bao dung, và vì thế là dấu chỉ để nhận diện các ngôn sứ và các bạn hữu của Thiên Chúa, tức những người luôn biết liên kết với người khác qua kinh nguyện của mình và không bao giờ chỉ tìm kiếm lợi ích riêng mà quên các đồng loại của mình. Chính sự cảm nghiệm này sẽ làm nảy sinh lòng khao khát cháy bỏng là chỉ mong muốn sống một cuộc sống hoàn toàn theo sự an bài của thánh ý Thiên Chúa. Nghĩa là không bảo thủ sự cảm nghiệm ấy như một kỷ niệm cho riêng mình, vì như thế sẽ làm cho nó không thể sinh ra được các hoa quả bác ái hữu ích. Cuộc sống và các khả năng của con người chỉ thực sự có giá trị trước mặt Thiên Chúa và xã hội, khi chúng được sử dụng một cách đúng đắn để phục vụ và mưu ích cho đồng loại mà thôi (x. Mt 25,31-46).

5. Kết luận

Khi phải đối mặt với các thần khí khác biệt nhau và đối lập với nhau: một bên là Thần Khí Thiên Chúa, Thần Khí của sự sống, của chân lý và của tình yêu; còn một bên kia là thần khí thế tục, thần khí của sự dối trá, của bịp bợm, của ghen ghét hận thù, của sa đọa phóng túng và của sự chết chóc,v.v… con người đòi buộc phải có một sự phân biệt đúng đắn và rõ ràng, cũng như phải có một sự chọn lựa dứt khoát, ngay cả khi phải hy sinh từ bỏ những lợi ích và những vinh dự đời này hay cả đến mạng sống của chính mình nữa. Vì sự lựa chọn này có tác dụng mang tính cách quyết định đến cuộc sống hạnh phúc và sự tiêu diệt đời đời của con người (x. Gl 5,16-24).

Hay cụ thể hơn, sống giữa một xã hội đa nguyên và đa dạng như xã hội ngày nay, con người cần phải tỉnh táo để phân biệt được một cách đúng đắn các trào lưu tư tưởng, các quan niệm và các lối sống không chỉ hoàn toàn khác biệt nhau mà còn đối lập nhau nữa, hầu có thể chọn lựa cho mình được các tư duy đúng đắn và một lối sống hợp lý, để nhờ thế con người mới có thể đạt tới được sự hạnh phúc chân thật. Trên con đường dẫn tới sự hạnh phúc chân thật ấy chỉ có Thần Khí Thiên Chúa, tức Chúa Thánh Thần hay Ngôi Ba Thiên Chúa, là Đấng duy nhất mới có thể soi dẫn và dìu dắt con người đi đúng đường và đạt tới đích bằng bảy Ơn Thánh cao cả của Người được, đó là:

1. Ơn Khôn Ngoan: giúp ta phân biệt được phải-trái, thật-hư.

2. Ơn Hiểu biết: giúp ta hiểu rõ được các Giới Răn của Chúa và của Giáo Hội.

3. Ơn Lo Liệu: giúp ta biết giải quyết đúng đắn các khó khăn của cuộc sống.

4. Ơn Sức Mạnh: giúp ta vượt qua mọi khó nguy trong cuộc sống và chu toàn được các bổn phận của mình.

5. Ơn Thông Minh: giúp ta nhận ra được thánh ý Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống.

6. Ơn Đạo Đức: giúp ta luôn biết yêu mến và tín thác nơi Chúa và nâng đỡ trợ giúp các anh chị em đồng loại.

7. Ơn Kính Sợ Thiên Chúa: giúp ta tôn thờ Chúa, kính trọng quyền năng của Người và xa tránh tất cả những điều xúc phạm đến Người.

 


[1] x. Avery Dulles, A Church to Believe in (New York: Cossroad, 1982, trang 133), Tín Điều vô ngộ của Giáo Hội đã được Công đồng Vatican I công bố, và Công đồng Vatican II cũng đã xác quyết thêm một lần nữa trong Hiến Chế Lumen Gentium, số 25.