Những giá trị và lý tưởng cuộc đời:
sự đóng góp của tâm lý học cho cuộc đào tạo
Amedeo Cencini
Trích Thời sự Thần học, số 83 (tháng 2/2019), trang 118-139.
Đây là bài thuyết trình tại buổi hội thảo “Tâm lý học và đời sống thánh hiến” do Học viện Claretianum về đời sống thánh hiến tổ chức tại Roma hồi tháng 12 năm 2012. Tác giả là một linh mục dòng Canossa, giảng viên của môn tâm lý học ở nhiều học viện công giáo ở Roma, và đã xuất bản nhiều sách bàn về đào tạo tu sĩ, chẳng hạn: Il respiro della vita. La grazia della formazione permanente, Cinisello-Balsamo (Milano), Edizioni San Paolo, 2002 ; L’albero della vita. Verso un modello di formazione iniziale e permanente, Cinisello-Balsamo (Milano), Edizioni San Paolo, 2005 ; La verità della vita. Formazione continua della mente credente, Cinisello-Balsamo (Milano), Edizioni San Paolo, 2007 ; I sentimenti del Figlio. Il cammino formativo nella vita consacrata, Bologna, Edizioni Dehoniane, 2005; Amerai il Signore Dio tuo. Psicologia dell’incontro con Dio, Bologna, Edizioni Dehoniane, 2004 ; La croce, verità della vita. Ricerca vocazionale ed esperienza della croce, Milan, Ed. Paoline, 2002. Một số tác phẩm đã được dịch sang tiếng Pháp, Anh và Việt Nam.
Viết tắt. TLH : tâm lý học
Nội dung
1. Sự đóng góp của TLH vào việc cổ động ơn gọi
1.1 Sự trưởng thành của người cổ động ơn gọi
1.2 Những khát vọng của tuổi trẻ
1.3 Logic của ơn gọi
1.4 Phân định khởi đầu
2. Sự đóng góp của TLH vào việc đào tạo sơ khởi
2.1 Vai trò giáo dục
2.2 Đào tạo nhân bản: cần tránh một sự hiểu lầm
2.3 Từ cung cách đến tâm tình
2.4 Mối tương quan với Thiên Chúa
3. Sự đóng góp của TLH vào việc đào tạo thường xuyên
3.1 Đào tạo sâu đậm và đào tạo nới rộng
3.2 Từ docilitas đến docibilitas
3.3 Từ bền đỗ đến trung tín
———
Trong bài thuyết trình này, tôi chỉ muốn trình bày một vài đóng góp của TLH vào con đường đào tạo của một ứng sinh về đời sống thánh hiến. Nếu chỉ xét thuần túy dưới khía cạnh lý thuyết thì có nguy cơ là sẽ gây ra những cuộc tranh luận do những ý thức hệ chống đối lẫn nhau, song nếu chúng ta nhìn thẳng vào cuộc sống và việc đào tạo hiện nay thì chúng ta sẽ nhận thấy khá nhiều điểm gặp gỡ và đồng quy. Thậm chí có thể khẳng định rằng cuộc sống đi trước, khiến cho những cuộc tranh luận và đối đầu lắm khi trở thành giả tạo. Tôi xin đưa ra một thí dụ. Những xì-căng-đan về tính dục mới đây đã làm xấu bộ mặt của Giáo hội, của đời sống thánh hiến và của chúng ta. Thử hỏi: ngày nay, có ai giải thích hiện tượng bi đát này mà không xét đến khía cạnh nhân bản (và do đó tâm lý) của những người liên hệ và sự đào tạo mà họ đã nhận? Ai có thể giải thích cách thức hành động của Giáo hội cho tới những thập niên gần đây như là một lối hành sử nhằm bảo vệ và che chở kẻ lạm dụng (bởi vì là người của Giáo hội) chứ không tìm hiểu và giúp đỡ kẻ bị lạm dụng, mà không cần nại tới TLH của cách thức hành động như vậy? Hoặc ai có thể tưởng tượng ngày nay một lối huấn luyện đức khiết tịnh nhằm phòng ngừa các xì-căng-đan ấy mà không cần biết đến TLH của con người tận hiến và một thứ can thiệp của TLH trong việc chọn lựa và phân định các ứng sinh cũng như trong việc đào tạo khởi đầu và thường xuyên?
Đối với tôi, vấn đề đã quá rõ ràng. Chúng ta đừng mất thời giờ vào những cuộc tranh luận lê thê, nhưng hãy tìm kiếm những lộ trình đào tạo toàn diện, trong đó mỗi bên tôn trọng lãnh vực chuyên biệt của mình. Tôi muốn nói đến thái độ của vài người trong Giáo hội lên tiếng chống đối TLH nhưng lại không chịu phân biệt giữa “tâm lý học” (psicologia) với thuyết “duy-tâm-lý” (psicologismo). Thuyết duy-tâm-lý là một thứ ngụy tạo TLH và đã gây ra nhiều tai hại đáng tiếc; nhưng ta cần phải biết phân biệt thực hư, ngõ hầu không bỏ mất một dụng cụ quý giá trong việc phân tích sự tăng trưởng nhân bản và tâm linh, với một truyền thống lâu đời trong lịch sử.
Tôi sẽ chia bài thuyết trình làm ba phần, để cho thấy sự đóng góp của TLH vào ba chặng của việc đào tạo đời sống thánh hiến: cổ động ơn gọi, đào tạo sơ khởi, đào tạo thường xuyên.
Tôi có thể nói trước luận đề như thế này: TLH giúp cho bạn trẻ trong giai đoạn đào tạo được sống thật hơn: thật với chính mình, thật với Thiên Chúa, thật với tha nhân, thật với kế hoạch của ơn gọi. Đó là sự đóng góp cốt yếu.
1. Sự góp phần của TLH vào việc cổ động ơn gọi
Có lẽ đề tài này ít khi được mang ra thảo luận, Tuy nhiên, ngay từ giai đoạn cổ võ ơn gọi ta đã thấy tầm quan trọng của những suy tư TLH ở nhiều cấp độ khác nhau.
1.1 Sự trưởng thành của người cổ động ơn gọi
Người ta nói rằng cuộc khủng hoảng ơn gọi tiên vàn là cuộc khủng hoảng các người cổ động đích thực cho ơn gọi. Hoặc là bởi vì không có hoặc có ít, nhưng nhất là người ta có cảm tưởng rằng đã không tôn trọng một nguyên tắc nhất quán đã được TLH truyền thông nêu bật: một người càng có nhiều sức thuyết phục trong lời nói nếu lời nói đi đôi với việc làm, và nhất là với lối sống. Đây là đặc trưng thứ nhất của người cổ động ơn gọi, mà ta có thể diễn tả như thế này: bên trên viễn tượng của cá nhân, trong một dòng tu, việc cổ động ơn gọi cần phải đi đôi với việc đào tạo thường xuyên của các phần tử. Nói cách khác, chỉ có thể làm việc cổ động ơn gọi người tu sĩ nào quý trọng việc đào tạo thường xuyên, người nào sống ơn gọi của mình như một biến cố thường nhật, được lặp lại và đổi mới mỗi ngày, và mỗi ngày tìm thấy động lực mới cho việc tận hiến: việc cổ động ơn gọi là tốt khi người cổ động loan báo và đề nghị cho người khác điều mà mình đã khám phá và đang sống hôm nay. Nếu không, thì họ chỉ lặp lại các sáo ngữ (kể cả khi đề cập đến các nhu cầu của Giáo hội và của thế giới) và không gây ấn tượng nơi bạn trẻ.
Điều này cũng được áp dụng cho cộng đoàn dòng tu, dựa theo cũng một nguyên tắc tâm lý đó: một cộng đoàn có khả năng thu hút ơn gọi trong mức độ họ sống trung thành với đặc sủng của mình. Thật ra, những điều đang nói chẳng có gì mới lạ; có điều là thực tế xảy ra hoàn toàn trái ngược lại: những người cổ động ơn gọi lại là những người không sống ơn gọi của mình cách trung thực, những người thích an nhàn chứ không muốn dấn thân, và nói cho cùng, đó là những người không thích hợp với ơn gọi. Vì thế không lạ gì mà ít người đáp ứng ơn gọi (số lượng) hoặc chỉ có những ơn gọi tầm thường (phẩm chất). Đừng nên đổ lỗi cho các bạn trẻ, nhưng là lỗi tại chứng tá kém cỏi của chúng ta.
Do đó, các quy tắc của TLH khá nghiêm khắc, và có lẽ vì vậy mà thường bị gạt bỏ ra ngoài.
1.2 Những khát vọng của tuổi trẻ
Một sự đóng góp khác của TLH cho việc cổ động ơn gọi là: cần phải làm cái gì đáp ứng lại các nhu cầu của việc đi tìm một ơn gọi, là điều có ở nơi bất cứ một bạn trẻ nào, mặc dù họ không biết. Vào lứa tuổi này, cá nhân có nhu cầu phải định nghĩa bản ngã của mình, đi tìm một ý nghĩa cho cuộc đời, lựa chọn một lý tưởng mà mình muốn đồng hóa, một bản lĩnh lý tưởng. Đây là một yêu sách tâm lý tuyệt đối, nhưng tiếc rằng ngày nay ít được quan tâm bởi vì thiếu một lời đề nghị về phía người lớn. Điều này đòi hỏi chúng ta phải đọc lại đặc sủng của mình để tìm ra một lý tưởng có khả năng mang lại ý nghĩa cho cuộc đời, để nhận ra chính mình trong lý tưởng đó và chọn nó như điều mang lại ý nghĩa cho cuộc đời của mình.
Tuy nhiên, điều này đòi hỏi rằng đề nghị của chúng ta phải chính xác, độc đáo, làm thế nào cho bạn trẻ nắm được khả năng mình có thể diễn căn tính trong đó và dám dấn thân suốt đời, nhất là làm thế nào bạn trẻ nhận thấy rằng điều này có thể thực hiện được. Nói cách khác, cần làm sao để bạn trẻ đọc thấy nơi lối sống của chúng ta một điều gì trong sáng và thuyết phục, không cần phải giải thích dài dòng, nơi luật dòng và nếp sống cụ thể.
Một lần nữa, đây là sứ điệp mà TLH đặt ra cho chúng ta: hãy trở nên chân thực và trong sáng với chính mình.
1.3 Logic của ơn gọi
TLH còn mang lại một sự đóng góp quý giá nữa liên quan đến nội dung của việc cổ võ ơn gọi. Nó nhắc nhở chúng ta hãy tránh dùng những sứ điệp xem ra hữu hiệu và mang lại kết quả, nhưng thực sự là lừa dối, chẳng hạn như logic làm anh hùng. Tôi xin giải thích. Ơn gọi tận hiến thường được giới thiệu như là một biểu tượng của tính cách anh hùng, của lòng quảng đại, của cái gì phi thường, được ban cho một ít người.
Điều này có lẽ đúng với sự thật, nhưng không nên giới thiệu như vậy. Bởi vì logic làm anh hung không thích hợp với khuynh hướng của giới trẻ ngày nay. Bạn trẻ ngày không bị thu hút bởi tiếng gọi sống triệt để; có thể là họ thấy hấp dẫn đấy, nhưng họ sẽ phản ứng là: “Tuyệt vời, nhưng – cám ơn – không dành cho tôi”. Họ an phận với mức thấp hơn, mà chẳng thấy thẹn thùng gì.
Thiết tưởng nên đi theo một thứ logic khác, logic thông thường của sự sống, đó là nắm bắt ý nghĩa của sự sống qua món quà được lãnh nhận, và rồi muốn trở thành món quà được trao ban. Sự sống là một món quà, một điều có được không bởi công trạng, và rồi tự bản chất nó trở thành món quà, để trao tặng. Đây là một chân lý dành cho tất cả mọi người, không trừ ai. Bất cứ người nào có đầu óc bình thường đều nhận ra rằng cái gì mà mình đã nhận được không do công trạng thì phải cho đi cái mà mình đã nhận. Nói cách cụ thể, người bạn trẻ cần biết rằng mình được tự do làm điều gì mình muốn cho tương lai; nhưng họ không có tự đo để ra khỏi các logic ấy.
Thiết tưởng cách trình bày logic của sự trao tặng bản thân thì phù hợp hơn là logic làm anh hung, bởi vì nó nằm trong định luật của sự sống, chung cho hết mọi người; nó cũng phù hợp với tinh thần Phúc âm (“các con đã nhận lãnh nhưng không, thì hãy cho nhưng không”).
1.4 Phân định khởi đầu
Sau cùng, TLH có thể mang lại một sự đóng góp quan trọng cho việc phân định khởi đầu. Thánh Hiêronimô đã lưu ý rằng: có những kẻ thực sự được Chúa gọi trực tiếp mà không qua trung gian nhân loại (như trường hợp của vài nhân vật trong Kinh thánh) hoặc qua trung gian nhân loại (như đa số các trường hợp); có những kẻ được kêu gọi không bởi Chúa mà chỉ bởi con người (những người chịu nhiều thứ áp lực khác nhau hoặc không được đồng hành hoặc đối chất); và có những kẻ được kêu gọi không bởi Chúa, không bởi con người, mà chỉ .. bởi chính mình. Do đó cần phải có sự phân định cẩn thận. Sự phân định không thể nào chỉ dừng ở bề ngoài, qua việc quan sát cung cách, hoặc qua các thể chế, hoặc dựa theo cảm tính của đương sự, nhưng phải cố gắng khám phá ra, một đàng là những động lực sâu xa của đương sự, một đàng là những yếu tố bệnh hoạn có thể làm cản trở sự đáp ứng ơn gọi cách chân thực. Vào thời nay, người ta thường quan tâm đến những vấn đề thuộc lãnh vực tính dục (những dấu hiệu ấu dâm tuy chưa thể hiện, khuynh hướng đồng tính, không có khả năng kiềm chế các xung năng tính dục, những trải nghiệm trong lãnh vực này..), thêm vào những động lực cổ truyền (tìm cách thăng tiến xã hội, đi tìm danh dự, tiện ích, yên thân, vv)
Ngoài ra TLH còn có thể nhắc nhở chúng ta đừng hạ thấp những tiêu chuẩn phân định, cách riêng vì quá lo lắng khi thấy số ứng sinh giảm sút, bởi vì điều ấy chẳng giúp ích gì cho đương sự và cho hội dòng.
Do đó, cần phải cảnh giác đối với những người quá tự tín, không hề đặt vấn đề về ơn gọi của mình, hoặc những người cho rằng mình đã biết hết mọi sự trên đời, hoặc người quá đạo mạo, quá đạo đức, những người tỏ ra đã từng trải, những người sợ hãi, những người nghi ngờ mọi sự, những người tránh hết mọi tương quan, những người coi rẻ các thực tại nhân bản (tình yêu, bạn hữu) … hoặc những người quá say mê học hành, đòi tìm ra lý lẽ của mọi sự, hoặc những người quá miệt mài với kinh kệ!
Nói khác đi, TLH mang lại sự chẩn đoán để hiểu rõ hơn sự thật về nhân cách cũng như động lực ơn gọi.
2. Sự đóng góp của TLH vào việc đào tạo sơ khởi
TLH có thể góp phần quan trọng vào việc đào tạo sơ khởi, ở nhiều cấp độ thực tiễn. Tôi chỉ xin nêu ra một vài thí dụ.
2.1 Vai trò giáo dục
Một trong những sai lầm tại hại nhất của các chế độ giáo dục của chúng ta là đề ra ngay lập tức tất cả cho hết mọi người, hoặc là vạch ra lập tức các lý tưởng và đòi hỏi ứng sinh phải họa theo đó. TLH nhắc nhở chúng ta rằng có một tiến trình cần phải khởi đầu và thực hiện qua nhiều chặng, và cần tôn trọng nhịp độ của nó. Các chặng đó là: giáo dục (educare), huấn luyện (formare), biến đổi (trasformare)[1]. Tôi không thể đi sâu vào từng điểm, nhưng chỉ vạch ra vài điều thường không được tôn trọng.
Điều căn bản là sớm nhất có thể, ngưởi bạn trẻ cần được giúp đỡ để hiểu biết chính mình, một công tác đôi khi vất vả – tựa như đi xuống âm phủ – để khám phá những chỗ thiếu nhất quán, những chỗ mà mình còn tỏ ra ấu trĩ, những vùng mà đương sự cảm thấy ít tự do và nhiều mỏng dòn, những điểm mà mình thấy khó chấp nhận tiếng gọi của Chúa, hoặc thấy dễ bị cám dỗ. Công việc hiểu biết bản thân cần được thực hiện sớm nhất có thể, bởi vì, theo một nghĩa chặt, hành trình đào tạo khởi sự kể từ ngày người bạn trẻ đã đặt tên cho sự thiếu nhất quán cơ bản của mình (mỗi người có một bộ mặt khác nhau),
TLH có thể giúp rất nhiều cho công tác khá vất vả này. Nó là một việc cầu nguyện, bởi vì diễn ra trước mặt Chúa, đòi hỏi không những là phải chân thành (nhận ra và đặt tên cho những cảm xúc, những sở thích, những ngại ngùng) mà còn phải chân thật (nghĩa là nắm bắt cội rễ, những động lực tâm lý của nó). Chính hành trình này sẽ giúp ứng sinh biết luôn chân thật với chính mình, với Thiên Chúa, với tha nhân, với ơn gọi.
Trong giai đoạn đào tạo khởi đầu, ứng sinh cần biết học một phương pháp để giúp mình đọc ra bản thân, không lừa gạt mình, nhận ra điều gì xao động trong con tim của mình. Nếu ai không tự biết mình thì không thể nào bước vào con đường đào tạo. Và chúng ta có nhiều ứng sinh đã hoàn tất chương trình đào tạo nhưng chưa hề được “giáo dục”. Ngược lại, chừng nào ứng sinh bắt đầu nhận biết mình, thì:
– Thứ nhất, đương sự bắt đầu làm việc và tập trung cố gắng vào bốn chiều hướng: bản thân, tương quan với Thiên Chúa, tương quan với tha nhân, hiểu biết ơn gọi.
– Thứ hai, đương sự trở nên cứng rắn hơn với chính mình, sẵn sàng chiến đấu cam go[2], không những với chính bản thân mà nhất là với Thiên Chúa, để cho Chúa hướng dẫn, lắng nghe Lời Chúa, sẵn sàng trao cho người khác long kính trọng, hiểu biết và thông cảm.
– Thứ ba, các “cảm quan” bắt đầu được mở ra, và tiếp xúc với chân – thiện – mỹ, giải thoát khỏi những nỗi lo sợ và cứng cỏi. Ứng sinh được huấn luyện để cho “mắt thấy”, “tai nghe”, “tay sờ” “tim cảm”. Đương sự trở thành nhạy cảm đối với những giá trị của Thần khí[3].
– Để rồi sau đó được biến đổi dần dần[4].
Như thế TLH mang lại sự đóng góp mang tính cách sư phạm, vạch ra lộ trình phải tiến hành (giáo dục, huấn luyện, biến đổi), một lộ trình cá-vị, dựa trên việc nhận chân khía cạnh bất nhất nơi chủ thể. Điều này có thể giúp phòng ngừa biết bao cuộc khủng hoảng trong tương lai. Do đó, TLH cũng mang vai trò phòng ngừa, và tất cả đều nhằm phục vụ sự thật.
2.2 Đào tạo nhân bản: cần tránh một sự hiểu lầm
Người ta thường nói rằng TLH có thể đóng góp vào việc đào tạo nhân bản. Đây là một sự trân trọng đáng kể đối với TLH, kể cả trong các văn kiện huấn quyền, khi nói rằng việc đào tạo nhân bản là “nền tảng cần thiết” cho sự đào tạo Kito hữu (Tông huấn Pastores dabo vobis số 43-59). Thế nhưng, phải hiểu thế nào là đào tạo nhân bản?
Dưới viễn tượng TLH, thuật ngữ “đào tạo nhân bản” có vẻ lạ kỳ, bởi vì đâu có ai nghĩ đến “đào tạo phi nhân” hoặc “đào tạo siêu nhân” đâu? Duy có điều là người ta thường tách rời khía cạnh nhân bản ra khỏi đời sống tâm linh, ra như là một khi đã thủ đắc các nhân đức hướng Chúa thì không còn cần đến các nhân đức nhân bản nữa! Người ta dễ quên rằng mình sống các nhân đức hướng Chúa trong những nguồn lực của con người: chúng ta sống các đức tin, cậy, mến bằng trái tim trí tuệ và ý chí[5]. Hoặc đôi khi người ta hiểu đào tạo nhân bản là tập luyện các nhân đức được người đời trân trọng (thành thực, công bình, liên đới, vv). Nói khác đi, có nhiều hiểu lầm về “đào tạo nhân bản”!
Một cách tương tự như vậy, khi khẳng định rằng việc đào tạo nhân bản là “nền tảng của cuộc đào tạo tâm linh” (x. Pastores dabo vobis số 43), người ta nghĩ rằng việc đào tạo nhân bản chỉ có tính cách chuẩn bị làm tiền đề, và có thể kết thúc để chuyển sang việc đào tạo đúng nghĩa: tâm linh, thần học, mục vụ, vv. Sự phân chia ấy được gặp thấy nơi nhiều trung tâm huấn luyện, chẳng hạn như “đào tạo nhân bản” ở giai đoạn thỉnh viện, “đào tạo tâm linh” ở giai đoạn tập viện, “đào tạo thần học” ở giai đoạn học viện. Như vậy, sự đào tạo mang tính tiệm tiến: trước hết, huấn luyện con người; kế đó, huấn luyện Kitô hữu; rồi đến huấn luyện tu sĩ và người tông đồ. Thế nhưng, tiếc rằng trên thực tế, lối hoạch định các khía cạnh đào tạo theo từng chặng như vậy quả là không ổn.
Đến đây TLH mang lại sự đóng góp quý giá về sự đào tạo nhân bản, nếu được hiểu đúng chỗ. Tông huấn Vita consecrata quan niệm đào tạo nhân bản như là một công tác liên tục nhằm họa lại các tâm tình của Chúa Con (các số 64-69). Như vậy, ở đây không còn là “đi theo” hoặc “trở nên đồng hình đồng dạng” như trước, nhưng là sống lại các “tâm tình” của Người. Ra như văn kiện muốn nói rằng bắt chước các cung cách bên ngoài thì chưa đủ; cần phải có sự rung cảm và tâm tình của Người nữa. Đó mới thực sự là đào tạo, và đào tạo nhân bản. Điều này cho thấy rằng cần làm sao cho tính nhân bản, thế giới nội tại của chúng ta được đồng nhất với Chúa Kitô.
Do đó, việc đào tạo không phải là một tiền đề mà đến một lúc nào đó có thể kết thúc để chuyển sang giai đoạn khác, nhưng nó cần theo suốt hành trình đào tạo cho đến giây phút cuối đời, bởi vì bên trong chúng ta vẫn luôn có những ngóc ngách mà Tin mừng chưa chạm đến, chẳng hạn như tình cảm, tính dục, căn tính.
Hiểu như vậy, TLH sẽ hỗ trợ nhất nhiều cho việc đào tạo, bởi vì nó giúp chúng ta đi vào hố sâu thẳm của nhân cách của mình, đến vùng vô thức, để giúp chúng ta sống phù hợp với sự thật. Trước đây, công cuộc đào tạo đặt nặng khía cạnh bên ngoài, các lối ứng xử, mà không quan tâm đến các cảm nghĩ bên trong, các động lực sâu thẳm, các cảm xúc…, để rồi sau đó những con người xem ra đứng đắn trong giai đoạn đào tạo khởi đầu lại bị rơi vào khủng hoảng: hoặc là trước đây, họ chỉ tìm cách che đậy bề ngoài, hoặc là tuy chân thành (không muốn đánh lừa ai) nhưng thiếu chân thật (bởi vì không sâu xa). Như vậy là họ vô tình không sống sự thật đối với chính mình.
Có lẽ đường lối giáo dục cổ điển không quan tâm đến chiều sâu bởi vì chưa có dụng cụ; nhưng ngày nay TLH cung cấp những khí cụ để giúp khám phá thế giới nội tại, các động lực, các cảm xúc và tâm tình. Theo nghĩa này TLH giữ vai trò quan trọng trong việc khám phá chân lý: kiểm chứng xem các đạo lý về đời sống tâm linh, các lời khuyên lơn đạo đức … đã thâm nhập vào xương tủy của đương sự hay chưa, nghĩa là họ đã xác tín, gắn bó, quyết tâm thực hành hay chưa. TLH biến chân lý khách thể (của đạo lý) thành chân lý chủ thể (của những tâm tình, ước mong, lối sống). TLH giúp cho ta được sống chân lý và thực hành chân lý.
2.3. Từ cung cách đến tâm tình
Đối với tôi, trong khung cảnh của việc đào tạo nhân bản, việc huấn luyện tâm tình rất quan trọng, nhưng lại ít được chú ý. Mỗi người chúng ta có những cảm xúc riêng, và người ta nghĩ đến không ai có thể đụng đến lãnh vực này, bởi vì ra như nó gắn với bản tính của mình. Hôm nọ, một tu sĩ đã đến gặp tôi; người ấy đã khấn khiết tịnh độc thân, nhưng vẫn tiếp dục duy trì một tương quan gần như vợ chồng với một phụ nữ. Tôi đặt câu hỏi chất vấn, và anh trả lời rằng có cảm thức rằng điều này là tốt cho mình (đang khi cảm thức của tôi thì khác), và mỗi người cần tôn trọng lẫn nhau.
Tuy nhiên, một TLH lành mạnh không cho phép trả lời như vậy. TLH không cho phép ta để con tim hướng dẫn, nhưng bắt con tim phải đi đến nơi mà ta chỉ định. Nói khác đi, mỗi người có một cảm thức riêng, nhưng ta có nhiệm vụ định hướng cho cảm thức ấy, qua những quyết định lựa chọn, từ việc lớn cho đến việc nhỏ. Mỗi lần lựa chọn đều đòi hỏi một cuộc định hướng, và như vậy phải vận dụng năng lực tâm linh hoặc tâm lý theo một chiều hướng nhất định. Vì thế tất cả mọi cuộc lựa chọn nào đều quan trọng.
Trong TLH không có sự lựa chọn nào là vô nghĩa. Trong thần học luân lý, có những hành vi trung lập (không tốt không xấu), hoặc với giá trị khác nhau, từ tối thiểu (tội nhẹ) đến quan trọng (tội trọng). Còn đối TLH thì mọi sự lựa chọn đều bao hàm một sự động viên năng lực nội tại theo hướng này hoặc hướng khác, và thường để lại một dấu vết, hoặc là tiếp tục sự lôi cuốn, hoặc kích thích lặp lại.
Bởi vậy, tiêu chuẩn luân lý (điều này có tội hay không) chưa đủ, nhưng còn cần tiêu chuẩn tâm lý nữa (điều này có phù hợp với căn tính của tôi hay không). Tiếc rằng, thường các bạn trẻ chỉ được huấn luyện để sử dụng tiêu chuẩn luân lý (điều này có lẽ không có tội, vì vậy được phép làm), nhưng lại không biết thực hành tiêu chuẩn tâm lý (điều này không phù hợp với căn tính ơn gọi của tôi, nghĩa là với sự thật). Hiểu theo nghĩa này, ta có thể quả quyết rằng TLH nghiêm khắc hơn thần học luân lý, cho dù người ta thường nghĩ ngược lại.
Đây là một thí dụ về cảm thức luân lý (cũng gọi là lương tâm), nhưng có nhiều cảm thức tâm lý: tương quan (tha nhân có ảnh hưởng gì đến tôi? Tôi phải quan tâm đến họ tới mức nào), tâm linh (tương quan với Thiên Chúa), tâm lý, trí thức, thẩm mỹ, tình cảm, vv. Đó là những lãnh vực quan trọng đối với bất cứ người nào, và nhất là đối với tu sĩ. Chúng tôi muốn nhấn mạnh là việc đào tạo cần phải chạm đến và biến đổi các cảm quan và cảm thức của ứng sinh. Đối tượng của việc đào tạo là uốn nắn trái tim của bạn trẻ nên giống với trái tim của Chúa Con tùng phục, Tôi tớ đau khổ, Con Chiên vẹn tuyền. Con tim của người tu sĩ cần có mối nhạy cảm theoTin mừng, diễn tả Tin mừng theo phương thức của cảm thức nhân bản. Bạn trẻ cần ý thức trách nhiệm đối với việc huấn luyện cảm thức của mình.
Theo nghĩa này, TLH góp phần vào việc làm sáng tỏ các khái niệm và các động lực, gây ý thức trách nhiệm qua việc tỉnh thức và chú ý, qua việc chọn lựa hằng ngày. Một cách gián tiếp, TLH có vai trò trong việc đào tạo luân lý, huấn luyện lương tâm, huấn luyện cảm thức còn đi xa hơn tiêu chuẩn luân lý nữa.
2.4 Mối tương quan với Thiên Chúa
Sau cùng, trong giai đoạn đào tạo sơ khởi, TLH còn giữ một vai trò đáng kể khi nó không chỉ để ý đến khía cạnh nhân bản của ứng sinh, mà còn quan tâm đến việc ứng sinh tiếp nhận chân lý về Thiên Chúa, không còn sợ hãi, đối kháng, cũng như cho phép ứng sinh chọn lựa ơn gọi theo đúng sự thật khách quan chứ không theo một đòi hỏi chủ quan cần được thỏa mãn. Có hai chặng mà TLH có thể can thiệp một cách có ý nghĩa: thứ nhất là những mục tiêu trung gian, thứ hai là mục tiêu tận điểm.
a) Những mục tiêu trung gian
Văn kiện về việc sử dụng chuyên môn TLH vào việc đào tạo (ứng sinh linh mục) đã mô tả những lãnh vực mà TLH có thể hỗ trợ như sau: “Cảm thức tích cực và ổn định về căn tính của mình là người nam và có khả năng tương quan cách trưởng thành với những người khác hoặc những nhóm khác; một cảm thức vững chắc về sự thuộc về, là nền tảng của sự hiệp thông trong tương lai với linh-mục-đoàn và của sự cộng tác có trách nhiệm với tác vụ của giám mục; sự tự do để ôm ấp những lý tưởng cao cả và sự nhất quán trong việc thực hiện chúng trong hành động hằng ngày; sự can đảm để quyết định và trung thành với những quyết định ấy; sự hiểu biết về bản thân, về những tài năng và giới hạn của mình trong sự liên kết hài hòa để có một cái nhìn tích cực về bản thân trước mặt Thiên Chúa; khả năng biết sửa mình; biết thưởng thức vẻ đẹp được hiểu như là “sự tỏa sáng của chân lý” và thủ thuật khám phá cái đẹp; sự tin tưởng bắt nguồn từ lòng kính trọng đối với người khác và dẫn tới thái độ cởi mở; khả năng của ứng sinh biết sống hài hòa phái tính của mình, theo nhãn quan Kitô giáo, cũng như xét đến nghĩa vụ của bậc độc thân”[6], bên cạnh khả năng nhận ra rằng sự sống, sự hiện hữu như là dấu chỉ của Vẻ đẹp của Thiên Chúa, nơi mà Ngài biểu lộ ơn cứu độ qua những môi giới của loài người.
Những khía cạnh vừa nói rất phong phú về linh đạo, nhưng ít khi được diễn tả thành những thái độ tâm lý. Vì thế TLH cần phải can thiệp để ứng sinh không chỉ cư xử theo các thực tại vừa kể (cử chỉ bên ngoài), nhưng còn để cho chúng thấm nhập vào toàn thể con người, chi phối cả các động lực nội tâm, xuống tận chiều kích vô thức nữa.
b) Mục tiêu tận điểm
Ơn gọi còn có một mục tiêu tận điểm nữa, đó là dung nhan của Chúa Cha. Thomas Green đã viết: “Nhiều người nói rằng thật là khó mà hiểu biết Chúa, bởi vì không thể nhìn thấy, nghe tiếng, đụng chạm Ngài, như là với những con người khác. Đúng thế. Nhưng tôi đã đạt được xác tín là trở ngại lớn nhất cho việc phân định (và cho sự tăng trưởng trong việc cầu nguyện) không phải là bản tính của Thiên Chúa không thể nào chạm được, nhưng là bởi vì chúng ta chưa biết được chính mình và chúng ta không muốn biết mình thực sự như thế nào. Hầu như hết mọi người chúng ta đều che giấu mình với một chiếc mặt nạ, không những trước mặt người khác mà kể cả khi chúng ta soi mình trong tấm gương”[7]. Chúng ta quen nói dối với người khác, và rồi chúng ta cũng nói dối với chính mình; và điều này dẫn đến nguy cơ là làm lệch lạc mọi cái trong đời, kể cả tương quan với Thiên Chúa mà chúng ta không ngờ.
Hẳn nhiên là mối tương quan với Thiên Chúa thường được diễn tả qua hình ảnh thời thơ ấu, thường là qua môi giới của hình ảnh về cha mẹ của mình, Cha Franco Imoda đã nhận xét thế này: “Những ý tưởng lớn lao về sự sống và sự chết trong đời người thường được gắn liền với những hình ảnh của buổi ban đầu của sự phát triển. Đây là một trong những nhiều vĩ đại của mầu nhiệm con người. Phẩm giá con người, là hình ảnh của Thiên Chúa, thường lệ thuộc vào những tương quan mỏng dòn với những người khác, và sự thương tổn trong tương quan này sẽ gây ra những ảo tưởng, những giới hạn, những lạm dụng. Thế nhưng chính những tương quan mỏng dòn ấy lại trở nên mối giới để cấu tạo (hoặc tái cấu tạo) phẩm giá ấy. Thật là mầu nhiệm vĩ đại[8].
Nhà phân tâm A.M. Rizzuto đã kể lại một linh mục đến trị liệu và kể lại hình ảnh về Thiên Chúa với cách diễn tả giống như khi nói về thân sinh của mình, “một người nghiêm khắc và hay trừng phạt”. Hình ảnh sơ khai về Thiên Chúa đối nghịch với hình ảnh về Thiên Chúa mà đương sự đã học trong lớp thần học. Khi đối chiếu hai hình ảnh với nhau, đương sự rơi vào khủng hoảng, dẫn đến lo âu, mất ngủ, căng thẳng, cứng cỏi, không thể thư dãn được, tựa hồ như bị Thiên Chúa luôn theo dõi và kiểm soát. Công việc chữa trị nhằm điều chỉnh những ấn tượng chủ quan về Thiên Chúa, với quan niệm vềThiên Chúa được biết nhờ thần học, tức là để cho hình ảnh Thiên Chúa trong Kinh thánh dần dần điều chỉnh lại hình ảnh của cảm nghiệm về người cha[9].
Đây là vấn đề của ký ức, và lắm khi khá phức tạp: làm thế nào để cho ký ức của đức tin (Kinh thánh) chữa lành ký ức tình cảm của chủ thể, để khỏi rơi vào tình trạng “tâm thần phân lập” (schizophrénie) về tâm linh, có thể đưa tới việc từ bỏ đức tin[10].
3. Sự góp phần của TLH vào việc đào tạo thường xuyên
Do giới hạn thời gian, tôi sẽ không đi sâu vào sự góp phần của TLH vào việc đào tạo thường xuyên, nhưng tôi chỉ vạch ra một vài yếu tố mà ngay từ thời gian đào tạo sơ khởi có thể chuẩn bị cho đương sự tiếp tục việc đào tạo suốt cuộc đời. Nói đúng ra, vấn đề đích thực của việc đào tạo thường xuyên là một vấn đề tâm lý học về sự tự do và sẵn sàng và xác tín của đương sự.
Như vậy, luận đề của tôi như thế này: xét về tâm trạng chuẩn bị, việc đào tạo thường xuyên khởi sự ngay từ cuộc đào tạo khởi đầu với một vài điều kiện. Chúng ta hãy lấy một vài thí dụ minh họa[11].
3.1 Đào tạo sâu đậm và đào tạo nới rộng
Mổ bạn trẻ sẽ sẵn sàng chuẩn bị cho việc đào tạo thường xuyên nếu ngay từ đầu họ đã được giáo dục để sống việc đào tạo như là điều gì mở rộng đến toàn thể nhân cách của mình, theo nghĩa đã nói trên đây.
Việc đào tạo càng mở rộng đến toàn thể con người của ứng sinh bao nhiêu, thì chính ứng sinh càng cảm thấy yêu sách phải mở rộng việc đào tạo đến hết mọi ngày của cuộc sống trên cõi đời dương thế bấy nhiêu. Nói khác đi, tiến trình đào tạo, đặc biệt vào lúc khởi đầu, càng sâu đậm và bao gồm toàn thể nhân cách của đương sự (các giác quan, bản năng, tâm tình, cảm xúc, động lực, ký ức, các vết thương, các ước mơ, …) thì càng cần thiết phải kéo dài suốt cuộc sống. Đó là mối tương quan tỉ lệ, nằm trong chính bản chất của sự việc.
Ngược lại, nếu một người chỉ giới hạn tiến trình đào tạo vào các hành vi ứng xử, nếu họ sợ nhận biết bản thân, sợ xuống dưới âm ti của mình, thì đương nhiên là chẳng bao giờ được đào tạo đích danh, lại càng không hề nghĩ đến việc đào tạo thường xuyên (bởi vì họ không thấy ích lợi). Việc đào tạo mà hời hợt thì cũng chấm dứt chóng vánh. Việc đào tạo càng sâu đậm thì càng lan rộng.
3.2 Từ docilitas đến docibilitas
Một bước khác giúp cho việc tạo ra thái độ sẵn sàng tiếp tục hành trình đào tạo là chuyển hướng từ docilitas đến docibilitas[12]. Docilitas là thái độ tuân phục đối với cấp trên, giới hạn trong thời gian, mang tính thụ động, chờ đợi sự can thiệp từ bên ngoài, và lắm khi mang tính cưỡng bách. Sự phân tích tâm lý đi sâu hơn thái độ và hành vi, và nhận thấy rằng docilitas nhiều khi còn bất cập, thậm chí tương phản với việc đào tạo đích thực. Docibilitas muốn bổ túc cho docilitas bằng yếu tố tự do: docibilis là người chấp nhận học hỏi thêm từ cuộc sống và từ tương quan với những người khác, cũng như từ mọi trải nghiệm hoặc tốt hoặc xấu, thành công hay thất bại. Docibilitas nói lên tính cách chủ động, không chờ đợi lệnh từ bên ngoài, nhưng đích thân tìm kiếm cơ hội học hỏi trong bất cứ hoàn cảnh nào, bởi vì cảm thấy mình cần phải tăng trưởng.
Như vậy, người docibilis không hạn chế sự tuân phục vào bề trên hoặc vào những chỉ thị được đề ta vào một lúc nào đó, nhưng biểu lộ sự tuân phục phổ quát (đối với hết mọi người) và như một thái độ bền bỉ (luôn luôn) ngõ hầu tận dụng mọi thời cơ để đào tạo.
Hẳn nhiên thái độ ấy cần được huấn luyện và chuẩn bị. Và có thể nói được rằng mục tiêu chính của việc đào tạo sơ khởi là huấn luyện docibilitas, sao cho chủ thể không phải sợ hãi và khép kín với thực tại, nhưng luôn cởi mở với thực tại, để cho nó dạy ta, khiêu khích ta. Một người docibilis là người học cách thức học, học từ mọi người và mọi thời, học cách sống từ cuộc sống và cho đến hết đời. Thoạt tiên xem ra đây là một cuộc chơi chữ, nhưng không phải như vậy: ta phải học cách sống từ cuộc sống: hãy để cuộc sống dạy dỗ và rèn luyện ta. Nói thực là điều này không đơn giản.
3.3 Từ bền đỗ đến trung tín
Đây cũng là một sự phân biệt dựa trên động lực tâm lý. Bền đỗ là một hiện tượng ở lại trong một cơ cấu, không rời bỏ nó. Nhưng đó mới chỉ là khía cạnh vật chất, hoàn toàn bên ngoài và có tính cách vật lý.
Người bạn trẻ nào sẵn sàng coi cuộc sống như là việc đào tạo liên tục thì sẽ không an tâm với việc bền đỗ với sự lựa chọn đã thực hiện, nhưng sẽ cố gắng tỉnh thức để lợi dụng các cơ hội tang trưởng do cuộc sống mang lại, tìm hiểu các lý tưởng để khám phá những nét phong phú của nó, để hoán cải, không ngừng thay đổi cuộc đời. Đó chính là “trung tín”: nó mang tính cách năng động và sáng tạo.
Bền đỗ là đứng yên tại vị trí của mình, hoặc chống lại những cám dỗ muốn đổi ý kiến, nhưng cũng chẳng đào sâu ý nghĩa của sự chọn lựa. Trung tín thì quyết định ở lại bởi vì khám phá nơi sự chọn lựa trong quá khứ một tiếng gọi mới, một sự dấn thân cam go hơn. Dưới khía cạnh tâm lý, kẻ nào chỉ bền đỗ thì thụ động, còn kẻ trung tín thì chủ động. Người bền đỗ tôn trọng lời cam kết cách nghiêm túc; người trung tín khám phá trong lời cam kết một mối tương quan: họ cảm thấy mình được yêu thương, được kêu gọi, vì thế quyết định trung thành với Kẻ đã kêu gọi mình. Người bền đỗ thì trung thành với chính mình, với lời cam kết của mình; người trung tín thì trung thành với con tim đã được trao ban, trung tín với tình yêu được liên tục khám phá và đổi mới.
Trong kế hoạch đào tạo, sự bền đỗ chú trọng đến ý tưởng bắt chước, tuân thủ các luật lệ; sự trung tín phát sinh từ lòng trung thành với người khác, với Ai đó, chú trọng đến tâm tình, và đồng hóa với tâm tình của Đức Kitô.
Vì thế sự bền đỗ là câu chuyện của ý chí (và có thể kèm theo sự hãnh diện hoặc lo lắng) và bổn phận; còn sự trung thánh là câu chuyện của con tim, của tâm tình. Sự bền đỗ quan niệm việc đào tạo kết thúc vào giai đoạn khởi đầu. Sự trung tín tiếp tục tăng cường tính docibilitas kéo dài cho đến suốt đời. Hiểu như vậy, người trung tín bắt đầu tập viện thực sự không phải vào hồi còn trẻ, còn nhiều mơ mộng, nhưng là vào lúc cuối đời, khi muốn sống những tâm tình của Chúa Con kể cả vào lúc chết, hoàn toàn đồng hóa với Người.
Đó là điều cần tâm niệm cho hành trình đào tạo, và cần vận dụng những kinh nghiệm của TLH để diễn ra thực tế. Tóm lại, đó là luận đề của chúng tôi: TLH nhằm phục vụ sự thật về con người, về người tín hữu, về người tận hiến!
——————-
[1] Chú thích của người dịch. Trong tiếng Việt, cũng như các ngôn ngữ khác, các từ ngữ “giáo dục”, “đào tạo”, “huấn luyện” được xem như đồng nghĩa. Cha Cencini muốn phân biệt các từ này dựa theo tầm nguyên (Latinh), để nhấn mạnh một ý tưởng chủ đạo. “Giáo dục”, educare (Latinh), gốc bởi e-ducere (lôi ra) nhấn mạnh đến giai đoạn thanh luyện, lôi ra ánh sáng những gì ẩn giấu; “huấn luyện”, formare gốc bởi forma (hình thái) nhấn mạnh đến công tác uốn nắn dựa theo một khuôn mẫu; “biến đổi”, transformare mô tả kết quả của việc đào tạo là “thay hình đổi dạng”, từ con người cũ đến con người mới.
[2] Enzo Bianchi (Custodisci il tuo cuore. La lotta contro le tentazioni, Cinisello Balsamo 2012, p.12) đã lưu ý rằng cần phải trở về đề tài “cuộc chiến đấu thiêng liêng” của truyền thống tâm linh Kitô giáo, mà ngày nay thường bị lãng quên, đặc biệt là giới trê lớn lên trong văn hóa “duy tương đối”, mơ ước một cuộc đời không còn vất vả, chiến đấu trong việc chọn lựa lý tưởng.
[3] Đây là việc huấn luyện các “cảm giác”, tạo cho người tín hữu một thứ nhạy cảm, chống lại tật “vô cảm” ngày nay. A. Cencini, Abbiamo perso i sensi? Alla ricerca della sensibilità credente. Cinisello Balsamo 2012.
[4] Dĩ nhiên là tôi không thể khai triển đề tài này ở đây. Xin phép được trích dẫn cuốn sách A. Cencini, I sentimenti del Figlio. Il cammino formative nella vita consacrata, Bologna 2005.
[5] X. D. Coletti, La formazione umana e l’educazione al buon gusto, in: Seminarium 2003, 881-905. Formazione permanente del clero: come, a quali condizioni, in: Seminarium 2005,701-730.
[6] Bộ Giáo dục Công giáo, Những định hướng cho việc sử dụng các chuyên môn về tâm lý học
trong việc tiếp nhận và đào tạo những ứng sinh linh mục, ngày 29/6/2008, số 2.
[7] T. H. Green, Il grano e la zizania. Discernimento: punto d’incontro tra preghiera e azione, Roma 2007, p.24.
[8] F. Imoda, Sviluppo umano, psicologia e mistero, Bologna 2005, p.338.
[9] X. A. M. Rizzuto, “The Psychological Foundation of Belief in God”, in C. Brusselmans et al. (eds), Towards Moral and Religious Maturity. The First International Conference on Moral and Religious Development, Morristown, Silver Burdett Company 1980, p.118ss.
[10] X. G. Cucci, Psicologia e religione un invito a “pensare di piu e altrimenti”, in “La Civilta Cattolica” 3893 (2012) III, p.369-371.
[11] Tôi xin lấy lại vài suy tư đã được đề cập trong tập sách của tôi Formazione permanente: ci crediamo davvero? Bologna 2012.
[12] Chú thích của người dịch. Tác giả dùng lối chơi chữ trong tiếng Latinh. Động từ docere có nghĩa là “dạy dỗ”. Tính từ docilis có nghĩa “dễ dạy, dễ bảo, ngoan ngoãn” (tiếng Pháp và tiếng Pháp cũng có tính từ docile), và danh từ docilitas có nghĩa là “tính dễ bảo, ngoan ngoãn). Tính từ docibilis có nghĩa là “có thể dạy được”; nhưng ở đây tác giả muốn dùng theo nghĩa chủ động, tức là “muốn được dạy”, nêu bật ý muốn luôn luôn cầu tiến.