Khảo Luận Về Đời Sống Tâm Linh của thánh Vincentê Ferrer O.P.

0
1902

MỤC LỤC

THÁNH VICENTÊ FERRER: TIỂU SỬ VÀ SỰ NGHIỆP
TÁC PHẨM “KHẢO LUẬN ĐỜI SỐNG TÂM LINH

NỘI DUNG

PHẦN I: NỀN TẢNG CỦA ĐỜI SỐNG TÂM LINH
CHƯƠNG 1: VỀ ĐỨC KHÓ NGHÈO TỰ NGUYỆN

CHƯƠNG 2: YÊU MẾN THINH LẶNG
CHƯƠNG 3: VỀ SỰ THANH SẠCH CỦA TÂM HỒN
CHƯƠNG 4: SỰ KẾT HỢP VỚI THIÊN CHÚA

PHẦN II: THỰC HÀNH ĐỜI SỐNG TÂM LINH

CHƯƠNG 5: SỰ TRỢ GIÚP CỦA MỘT VỊ LINH HƯỚNG
CHƯƠNG 6: ĐỨC VÂNG PHỤC
CHƯƠNG 7: KHỔ CHẾ TRONG VIỆC ĂN UỐNG
CHƯƠNG 8: NHỮNG QUY ĐỊNH VỀ VIỆC NGỦ NGHỈ VÀ CANH THỨC
CHƯƠNG 9: NHỮNG QUY ĐỊNH VỀ HỌC HÀNH
CHƯƠNG 10: NHỮNG QUY ĐỊNH VỀ ĐỌC KINH THẦN VỤ
CHƯƠNG 11: THI HÀNH TÁC VỤ
CHƯƠNG 12: NHỮNG PHƯƠNG DƯỢC CHỐNG LẠI NHỮNG CÁM DỖ TINH THẦN
CHƯƠNG 13: NHỮNG PHƯƠNG DƯỢC CHỐNG LẠI NHỮNG MẶC KHẢI SAI LẦM

PHẦN III: NHỮNG YÊU SÁCH CỦA ĐỜI SỐNG TÂM LINH

CHƯƠNG 14: NHỮNG ĐỘNG LỰC THÔI THÚC CHÚNG TA VƯƠN TỚI SỰ HOÀN THIỆN
CHƯƠNG 15: Ý MUỐN TIẾN TỚI TUỲ THEO NHỮNG HOÀN CẢNH SỐNG ĐẠO
CHƯƠNG 16: HAI NGUYÊN TẮC CHÍNH CỦA ĐƯỜNG TÂM LINH
CHƯƠNG 17: NHỮNG TÂM TÌNH CỦA NGƯỜI MUỐN KẾT HỢP VỚI CHÚA
CHƯƠNG 18: BẬC THANG TRỌN LÀNH
CHƯƠNG 19: NHỮNG CHỈ DẪN THỰC TIỄN

 


Giới thiệu

Chúng tôi hân hạnh trình bày bản dịch tập sách “Khảo luận về đời sống tâm linh” (Tractatus de vita spirituali) của thánh Vincentê Ferrer O.P. (1350-1419). Vị thánh này được gán nhiều biệt hiệu: “ông thánh làm phép lạ dễ như chơi”[1]; “thiên thần Sách Khải huyền”; nhưng ở đây chúng tôi muốn chú trọng đến tính cách “bậc thầy của linh đạo Đaminh”, nhờ tác phẩm ngắn gọn Tractatus de vita spirituali được truyền thụ trong các tập viện của Dòng trải qua nhiều thế kỷ. Trước hết, chúng ta hãy lược qua tiểu sử; kế đó là các tác phẩm; sau đó chúng ta sẽ phân tích nội dung của quyển sách vừa nói.

I. Tiểu sử và sự nghiệp của thánh Vicentê Ferrer

Vicente Ferrer được kể vào số những vị thánh “phổ biến” nhất tại châu Âu. Khá nhiều truyền kỳ được thêu dệt chung quanh ngài. Khi ngành phê bình sử học ra đời, người ta đã phải duyệt lại các tư liệu để viết lại tiểu sử của ngài. Người có công trong việc này là cha H. D. Fages O.P. Các nguồn tài liệu (đặc biệt là hồ sơ phong thánh) do cha xuất bản[2] vẫn còn được các tác giả cận đại quy chiếu.

Vicente Ferrer sinh năm 1350 tại Valencia (có lẽ vào ngày 23 tháng giêng), trong một gia đình quý phái và đông con (3 trai 3 gái). Thân phụ là Guillén (Guillermo) Ferrer và thân mẫu là Constanza Miguel. Cậu bé lãnh nhận tên Vicente ngày rửa tội, trùng với lễ kính vị phó tế tử đạo nổi tiếng của thành phố[3]. Vicente có một người em tên là Bonifaxiô đi tu dòng Chartreux và làm Bề trên cả.

Khi lên 17 tuổi, thánh nhân gia nhập dòng Đaminh tại tu viện ngay ở quê nhà: mặc áo dòng ngày 5/2/1367 và tuyên khấn ngày 6/2/1368. Mãn năm tập, ngài học Logica tại Valencia (Studium provinciale, lúc đó gọi là studium solemne) và Barcelona (Studium generale), bổ túc triết học tại Leriđa (tại đây ngài dạy Logica trong hai năm 1370-1371), rồi lại quay về Barcelona để học thần học (1372-75) và dạy triết học luôn tại đây. Kế đó là hai năm bổ túc thần học ở Toulouse (1376-78). Ngài trở về Valencia năm 1378 và thụ phong linh mục (có thể là sớm hơn), và được bổ làm giáo sư triết học.

Năm sau (tháng 10 năm 1379), cha Vicente Ferrer được bầu làm bề trên tu viện Valencia nhưng mới làm việc được 6 tháng thì đã từ chức. Từ năm 1381 trở đi, cha bị lôi cuốn vào một công cuộc nhiều sóng gió kéo dài suốt đời. Vừa viết xong hai tập sách về triết học De suppositionibus temporum, e unitate universalis (môn mà ngài đang dạy), ngài cho ra đời thiên khảo luận về sự Chia rẽ trong Giáo hội (De moderno Ecclesiae schismate), một hiện tượng đau thương vừa mới chớm nở[4].

Từ năm 1380 đến 1385, ngài được hồng y Pedro Luna chiêu mộ vào đoàn sứ giả đi cổ động bênh vực giáo hòang Avignon tại các triều đình Tây Ban Nha (Aragon, Castilla, Navarra) và Bồ Đào Nha. Khi chính vị hồng y này đắc cử giáo hoàng (Benêđictô XIII) vào ngày 28/9/1394 thì Vicentê được mời vào làm thành viên của giáo triều, với chức vụ Magister s. Palatii (cố vấn thần học)[5] và Penitentiarius (xá giải). Cha Vicentê lưu lại giáo triều Avignon từ năm 1390-1398.

Nhận thấy cuộc phân rẽ Giáo hội tiếp tục kéo dài, cha quyết định rời bỏ Avignon, và dấn thân vào công cuộc giảng thuyết, bắt đầu từ năm 1399 (bước sang 50 tuổi đời) cho đến lúc từ trần[6]. Đây là giai đoạn phong phú nhất của cuộc đời cha Vicentê. Cha đi khắp các thành phố và làng mạc để rao giảng Tin Mừng, kêu gọi sám hối và canh tân[7]. Khởi hành Carpentras, cha đi suốt miền Nam nước Pháp, sang Bắc Italia, qua Thụy sĩ, trở về miền Trung nước Pháp (1399-1404). Cho tới năm 1407, cha đi giảng nhiều lần trong những vùng vừa nói. Từ năm 1408 đến năm 1410, cha trở về quê hương (Valencia) và giảng thuyết khắp nước Tây Ban Nha.

Ngày 1/11/1408, cha tham dự công đồng Perpignan, yêu cầu Đức Bênêđictô XIII hãy tìm sự hợp nhất Giáo hội (kể cả từ chức nếu cần). Tình hình đen tối thêm khi công đồng Pisa bầu thêm vị giáo hòang thứ ba (Alêxanđrô V) ngày 23/3/1409. Cha đi hô hào vận động các vua chúa tái lập sự thống nhất Giáo hội qua việc triệu tập công đồng Constanza (1/11/1414).

Trước sự cố chấp của Bênêđictô XIII không chịu từ chức, cha đoạn giao với vị này luôn (Perpignan 6/1/1416). Cha tiếp tục công cuộc giảng thuyết tại Cataluna, và từ năm 1417, lại đi giảng ở miền nam và trung nước Pháp. Tại Dijon, cha được tin công đồng Constanza bầu đức Martinô V làm giáo hòang (11/11/1417)[8]. Cha tiếp tục tiến về mạn Bretagne (tây bắc nước Pháp), giảng tại Nantes, Vannes, Rennes, rồi lên miền Normandie (Caen).

Vào mùa chay năm 1419, cha giảng tại Vannes, nhưng phải bỏ dở vì kiệt sức. Cha qua đời tại Vannes ngày 5/ 4/1419, được Đức Giáo hòang Callixtô III phong thánh ngày 29/6/1455 (đang khi mà Catarina phải chờ đến 29/6/1461 mới được đặt lên bàn thờ, tuy qua đời sớm hơn gần 40 năm)[9].

II. Tác phẩm

Ngoài những tác phẩm đã nhắc đến trên đây (viết trong thời kỳ dạy học tại Valencia), cha Vicente Ferrer còn để lại vài khảo luận: Tractatus novus et valde compendiosus contra perfidiam iudaeorum, Tractatus consolatorius in tentationibus circa fidem, Liber de sacrificio Missae. Dù sao, cha được nổi tiếng nhờ các Bài giảng và Khảo luận về đời sống tâm linh.

  1. Sermones. Đa số là “reportatio”, nghĩa là do các thính giả (có thể là một thư ký riêng) ghi tốc ký, chứ không phải là bản văn của chính tác giả biên soạn. Các bài giảng – bằng tiếng địa phương và tiếng Latinh – được phân làm nhiều loại: theo mùa (de tempore) hoặc theo lễ các thánh (de Sanctis). Nên lưu ý là đề tài “tận thế” chỉ chiếm một phần rất nhỏ (không quá 10%) trong số các bài giảng. Thường cấu trúc của một bài giảng như sau: a/ mở đầu bằng một câu Kinh Thánh trích từ bài lễ; b/ trình bày đạo lý (cắt nghĩa đoạn Sách Thánh), áp dụng vào ngày lễ (kính thánh hoặc theo mùa phụng vụ); c/ phần thực hành luân lý; d/ kể chuyện tích tóp.
  2. Tractatus de vita spirituali (Khảo luận về đời sống tâm linh), đôi khi cũng mang tựa đề dài hơn: Tractatus de vita et instructio pie in Christo vivere et in spirituali vita proficere volentium (Khảo luận về đời sống và huấn thị dành cho những ai muốn sống đạo đức trong Chúa Kitô và thăng tiến trong đời sống tâm linh). Đây là tác phẩm mà chúng tôi muốn giới thiệu. Tuy được đặt tên là khảo luận, nhưng nó mang giọng điệu của bức tâm thư của một người đàn anh dành cho một tu sĩ trẻ trong Dòng Giảng thuyết (có thể là một tập sinh hoặc sinh viên). Có những học giả đã muốn đưa giả thuyết nhằm xác định rõ ràng hơn căn cước của người ấy: có thể là một tu sĩ ở Ý, hoặc ở Tây ban nha. Có người còn chỉ đích danh là Pietro Geremia (1399-1452)[10]. Thiết tưởng vấn đề này không quan trọng lắm.

Về thời gian biên soạn, có ý kiến (H. Gheon, A. Sinues Ruiz) cho rằng tác phẩm này được viết vào khoảng năm 1394-95, một giai đoạn yên tĩnh trong cuộc đời của thánh Vicentê; một ý kiến khác (V. Forcada) cho rằng thánh nhân viết vào khoảng những năm cuối đời, khoảng 1398-99.

Ấn bản đầu tiên ra đời vào năm 1493 tại Magderburg (Đức), và đã gây tiếng vang mạnh mẽ trong suốt thế kỷ XVI và XVII với hơn 40 lần tái bản. Các nhà tu đức cổ điển đều đã dùng làm sách suy gẫm: Savonarola, Bellarminô, Têrêsa Avila, Ignaxiô. Vì được xuất bản và tái bản nhiều lần, cho nên bản văn cũng được thêm bớt tuỳ tiện. Chúng tôi dịch theo bản văn tiếng Tây-ban-nha (Adolfo Robles Serra 1996), đối chiếu với các bản dịch tiếng Ý (P.S.G. Nivoli 1931), tiếng Pháp và tiếng Anh.

NỘI DUNG

Bố cục

Tác phẩm này đã được sao chép nhiều lần, và mỗi lần có những thêm bớt không nhỏ. Đặc biệt là các nhà xuất bản đã thêm những phần, chương, đoạn…, và do đó không có sự thống nhất trong cách phân chia. Dựa theo bản dịch tiếng Ý của P.S.G. Nivoli (Torino 1931), chúng tôi chia tác phẩm thành 3 phần và 19 chương.

Phần thứ nhất bàn về nền tảng của đời sống tâm linh, chú trọng đến ba nhân đức dẫn đến sự chiêm niệm: khó nghèo, thinh lặng, tâm hồn thanh tịnh (chương 1-4)

Phần thứ hai bàn về việc thực hành đời sống tâm linh. Sau hai chương (5-6) dành cho việc linh hướng và đức vâng phục, tác giả bàn về vài vấn đề cụ thể: khổ chế trong việc ăn uống (chương 7), ngủ nghỉ và cách thức (chương 8), học hành và cầu nguyện (chương 9-10), thi hành tác vụ giảng thuyết và giải tội (chương 11). Trong khung cảnh hướng dẫn các linh hồn, tác giả đưa những nguyên tắc thực tiễn nhằm giúp biện phân những cám dỗ, thị kiến, mặc khải tư (chương 12-13).

Phần thứ ba đưa ra những châm ngôn thực tiễn ngắn gọn nhằm thúc đẩy linh hồn tiến đến sự hoàn thiện (chương 14-19).

Nguồn mạch

Trong lời nói đầu, tác giả cho biết là mình trình bày đạo lý dựa trên truyền thống Giáo hội nhưng sẽ không trưng dẫn các nguồn mạch, bởi vì không muốn cho tác phẩm trở nên nặng nề. Tuy nhiên, khi phân tích bản văn, các học giả cũng nhận thấy nhiều chỗ trích dẫn hoặc nguyên văn hoặc ý tưởng của vài bậc thầy quen thuộc vào thời ấy.

Trong các nguồn mạch tư tưởng, trước tiên phải kể đến Kinh thánh. Kế đó là tu luật thánh Augustinô và Hiến pháp Dòng Giảng thuyết. Các tác giả khác là: thánh Grêgoriô Cả, thánh Bênarđô, Ludolphus de Saxonia (đan sĩ dòng Chartreux, k.1295-1378, tác phẩm Vita Christi), Venturino de Bergamo O.P. (1304-1346). Những trích dẫn này được thêm vào bản văn, dựa theo bản dịch tiếng Tây-ban-nha của Adolfo Robles Sierra.

Lời tựa (của thánh Vicentê)

Trong khảo luận này, tôi có ý mang lại những lời khuyên bổ ích được rút ra từ đạo lý của các vị các vị thánh tiến sĩ Hội Thánh. Tuy nhiên, tôi sẽ không trích dẫn bất cứ giáo phụ nào nói riêng cũng như không trích dẫn những chứng cứ từ Kinh Thánh để minh chứng cho những khẳng định của tôi, bởi vì tôi mong muốn chỉ dùng một vài lời ngắn gọn, nhắm đến những tâm hồn đơn sơ và khiêm tốn, chỉ mong muốn làm vừa lòng Thiên Chúa. Vì thế, tôi chỉ muốn hướng dẫn những tâm hồn khiêm tốn để họ thêm đoan chắc hơn, chứ tranh luận với những kẻ tự cao.

Những ai muốn trở thành một nhà hướng dẫn hữu ích cho các linh hồn[11] và soi sáng cho họ nhờ lời nói của mình thì trước tiên phải thủ đắc cho mình những nhân đức mà mình khao khát để truyền đạt cho những người khác[12]. Nếu không, thì người đó sẽ khó thực hiện được vai trò của mình. Những lời nói sẽ không có hiệu quả bao nhiêu nếu thính giả không thấy họ thực hành điều mình dạy, hoặc không có những nhân đức mà họ đòi hỏi nơi người khác.

PHẦN I: NỀN TẢNG CỦA ĐỜI SỐNG TÂM LINH

[Da theo đạo lý cổ truyền, ai muốn tiến trên đường trọn lành thì cần phải dứt bỏ sự quyến luyến trần gian. Theo thánh Vicentê, sự dứt bỏ này bao hàm ba lãnh vực: tinh thần, trái tim, ý chí. Dứt bỏ về phía tinh thần bằng việc khinh chê những gì thuộc về thế gian; dứt bỏ về phía trái tim, bằng việc siêu thoát khỏi mọi quyến luyến hoặc ước muốn; dứt bỏ về phía ý chí bằng cách hạn chế việc sử dụng các của cải trần thế. Điều này đòi hỏi mọi sự khổ chế thiêng liêng, bắt đầu bằng đức khó nghèo tình nguyện].

CHƯƠNG 1: VỀ ĐỨC KHÓ NGHÈO TỰ NGUYỆN

  1. Yêu mến sự khó nghèo

Những ai khao khát trở nên người hướng dẫn người khác về tâm linh thì buộc phải khinh chê tất cả những của cải trần thế, coi chúng như thể rác rưởi[13] để chỉ chấp nhận những thứ cần thiết tối thiểu, kèm theo việc chịu đựng những túng thiếu vì đức khó nghèo. Một tác giả nào đó đã nhận định rằng: “Sự nghèo khó tự nó chẳng có công trạng gì cả; nhưng công trạng nằm ở chỗ yêu mến sự khó nghèo, vui vẻ chịu đựng những thiếu thốn đau khổ vì danh Đức Ki-tô.”[14]

  1. Khó nghèo giả dối

Tiếc rằng nhiều người tự hào chỉ mang danh khó nghèo, những người chấp nhận đức khó nghèo với điều kiện là họ sẽ không thiếu thốn gì hết. Họ ước ao được coi là những người bạn của đức khó nghèo nhưng lại xa tránh những đòi hỏi hằng ngày của nhân đức này, chẳng hạn như nhịn đói và nhịn khát, bị coi thường và hạ nhục. Sự khó nghèo kiểu ấy không dựa trên mẫu gương của Đức Giê-su, Đấng giàu sang nhưng đã trở nên nghèo khó vì chúng ta[15], cũng chẳng dựa theo các hành động và các lời dạy của các thánh Tông đồ và của cha thánh Đaminh.

  1. Những nguyên tắc thực hành

Bạn đừng xin xỏ ai điều gì trừ khi thật sự cần thiết, cũng đừng nhận quà cáp gì của những người biếu tặng, kể cả khi họ năn nỉ bạn nhận để phân phát cho những người nghèo. Bạn hãy tin rằng điều này sẽ đánh động họ khi nhận thấy tính vô vị lợi của bạn. Nhờ vậy bạn sẽ dễ dàng dẫn dắt họ đến chỗ khinh thường thế gian và nâng đỡ những người nghèo khổ.

Khi nói đến “cần thiết” thì tôi hiểu là điều mà hiện thời bạn đang cần, đó là: lương thực thanh đạm, y phục và giày dép giản dị. Chiếm hữu nhiều sách vở không phải là điều cần thiết, bởi vì các sách của cộng đoàn hoặc những sách có thể mượn được đã đủ rồi[16].

Những lời khuyên trên đây có ích lợi gì không? Bạn cứ khiêm tốn mang ra thực hành thì sẽ thấy. Nếu vì kiêu căng mà bạn chống cự thì bạn sẽ chẳng hiểu gì hết. Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng dạy dỗ chúng ta bài học khiêm tốn bằng chính mẫu gương của mình, đã cất giấu chân lý này khỏi những người tự cao tự đại nhưng lại mặc khải cho những ai khiêm nhường[17].

CHƯƠNG 2: YÊU MẾN THINH LẶNG

  1. Kiềm hãm miệng lưỡi

Sau khi đã đặt nền vững chắc trên đức khó nghèo mà chính Đức Giê-su Ki-tô đã bắt đầu bài giảng trên núi: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó”[18], bạn hãy cố gắng thêm để kiềm chế miệng lưỡi. Lưỡi được ban cho bạn để thốt ra những lời hữu ích mà thôi, chứ đừng bao giờ để trở thành khí cụ của những lời vô nghĩa và vớ vẩn.

  1. Thực hành thinh lặng

Để hạn chế miệng lưỡi cách tốt hơn, bạn hãy tập chỉ mở miệng khi có ai hỏi, và trả lời những câu hỏi hữu dụng và cần thiết. Đối với những câu hỏi vô nghĩa, bạn hãy trả lời bằng thinh lặng[19].

Nếu ai khôi hài trêu chọc bạn, thì bạn đừng buồn bực nhưng hãy tỏ ra vui tươi trên nét mặt; tuy vậy, bạn đừng lên tiếng , cho dù sự thinh lặng của bạn gây cho người khác sự lẩm bẩm, buồn phiền, hoặc bị coi là lập dị, nghiêm khắc, khó tính. Gặp tình cảnh như vậy, bạn hãy tha thiết cầu xin Chúa xua đuổi khỏi tâm hồn họ những tâm tình chua cay ấy.

Tuy nhiên, bạn hãy lên tiếng khi một sự cần thiết thực sự bắt buộc, hoặc khi đức ái hoặc đức vâng phục đòi hỏi. Trong những trường hợp như thế, hãy suy nghĩ trước điều bạn nên nói, và diễn tả những điều nói ra thật ngắn gọn, nhỏ nhẹ và khiêm tốn. Bạn cũng nên tuân theo quy tắc ấy khi phải trả lời cho người nào muốn hỏi han điều gì đó.

Bạn hãy tập im lặng một thời gian, nhờ vậy bạn sẽ xây dựng điều tốt cho những người thân cận, và học biết cách thức phát biểu khi đến thời điểm thuận tiện. Trong khi chờ đợi, bạn hãy cầu xin Thiên Chúa bù đặp sự thinh lặng của bạn và giúp những người khác hiểu rằng bạn không nói chuyện với họ bởi vì bạn có bổn phận kiềm chế miệng lưỡi[20].

CHƯƠNG 3: SỰ THANH SẠCH CỦA TÂM HỒN

  1. Sự thanh sạch hoàn hảo của tâm hồn

Nhờ sự khó nghèo tự nguyện và thinh lặng, bạn đã xua đuổi khỏi tâm hồn bạn những mối quan tâm vô bổ và những sợ hãi vô ích làm bóp nghẹt các hạt giống nhân đức mà Chúa đã gieo vào lòng bạn. Bạn hãy tiếp tục nỗ lực hơn nữa để đạt được những nhân đức cần thiết cho phép bạn đạt đến sự thanh sạch của tâm hồn. Như lời Đức Giê-su, Chúa chúng ta, đã nói trong Tin Mừng[21], sự thanh sạch này sẽ mở ra cho tinh thần bạn ánh sáng nội tâm cho phép chiêm ngắm những sự thiêng liêng về Thiên Chúa. Nhờ ánh sáng ấy, bạn sẽ thủ đắc được sự yên tĩnh và bình an bởi vì Đấng là Bình an của Người sẽ hạ cố để ở lại với bạn[22].

Bạn hiểu là ở đây tôi không đề cập đến sự thanh sạch loại trừ những tư tưởng xấu xa tội lỗi mà tất cả mọi người đều buộc phải tránh, nhưng tôi muốn nói về sự thanh sạch trọn vẹn của tâm hồn, loại bỏ tất cả mọi sự phù phiếm ngăn trở con người khỏi Thiên Chúa, ngõ hầu trong cuộc sống tại thế này, họ quy hướng mọi tư tưởng và ước muốn về Thiên Chúa mà thôi.

Tuy nhiên, để đạt đến ơn trong sạch thiên phú như thế, xét vì ai gắn bó với Thiên Chúa thì trở nên một thần khí với Ngài [23], có nhiều điều cần thiết phải thi hành.

  1. Làm thế nào đạt được sự thanh sạch của tâm hồn? Bằng cách từ bỏ ý riêng

Trước tiên, bạn hãy từ bỏ chính mình theo như lời của Đức Giê-su, Chúa chúng ta, đã nói: “Ai muốn theo Tôi, phải từ bỏ chính mình”[24]. Điều này có nghĩa là bạn khổ chế bản thân, ra như dày đạp ý riêng của mình, và chống lại ý riêng mình bằng cách tự nguyện tuân theo ý muốn của những người khác nếu điều họ đòi hỏi là chính trực, được phép và đứng đắn.

– Về những việc phàm trần

Như một quy tắc chung, trong tất cả mọi việc phàm trần liên quan đến những nhu cầu của thân xác, bạn đừng bao giờ theo ý của riêng mình khi nhận thấy nó trái ngược với ý muốn của những người khác. Bạn hãy chịu đựng những phiền toái ngõ hầu gìn giữ một sự thanh bình bên trong tâm hồn, đừng để nó bị xáo trộn vì những tranh luận vô bổ nảy sinh từ việc bênh vực quan điểm riêng tư.

– Về những việc thiêng liêng

Chúng ta không nên theo ý riêng mình chẳng những trong những việc phàm trần mà thậm chí ngay cả trong những việc liên quan đến đời sống thiêng liêng hay điều gì là ná ná như thế. Bạn hãy theo ý muốn của người khác nếu ý đó là tốt, mặc dù phán đoán của chúng ta có thể tốt hơn và hoàn hảo hơn. Lý do là bởi vì những cuộc tranh giành và cãi cọ khiến cho chúng ta bị mất mát do thiếu khiêm tốn, thanh thản và bình an trong tâm hồn, hơn là điều chúng ta có thể đạt được khi thực hành nhân đức mà ta muốn nhưng trái ý người khác.

Ở đây tôi nói về những người đã gắn bó với việc thực hành nhân đức với bạn, đang khao khát giống như bạn trên đường hoàn thiện, chứ không phải về những người “nói xấu là tốt và nói tốt thành xấu”[25]. Đối với những kẻ thích phê bình chỉ trích những người khác thay vì sửa chữa những sai lầm bản thân, thì bạn đừng theo ý họ trong những việc thiêng liêng. Nhưng trong những việc phàm trần thì khác: bạn cứ làm theo ý của họ đi, hơn là theo ý riêng của mình.

  1. Sống phó thác

Đôi khi Thiên Chúa gợi lên trong bạn một ý tưởng lành thánh để làm vinh danh Ngài hoặc mưu ích cho tha nhân, nhưng bạn gặp phải sự chống đối hoặc ngăn cản, thì bạn đừng tranh luận với họ, dù là bề trên hoặc những người ngang hàng hoặc ở dưới bạn. Gặp hoàn cảnh như vậy, bạn hãy trở về với nội tâm, và gắn bó với Thiên Chúa hơn và thưa với Ngài rằng: “Lạy Chúa, con đang bị áp bức, xin Ngài đáp lời con và minh xử cho con[26]. Bạn đừng than trách về nghịch cảnh: Chúa cho phép nó xảy đến bởi vì cuối cùng chắc chắn điều này sẽ mang lại lợi ích cho chính bạn và cho những người khác nữa.

Tôi muốn nói thêm rằng: điều mà hiện nay bạn chưa nhìn thấy thì một ngày nào đó bạn sẽ rõ; điều mà hiện nay dường như là một trở ngại cho kế hoạch của bạn thì thật sự sẽ là phương tiện giúp cho kế hoạch đó thành tựu. Ở đây tôi có thể đưa ra nhiều mẫu gương lấy ra từ Kinh Thánh tựa như gương mẫu của Giu-se và nhiều người khác, nhưng tôi không muốn đi trệch khỏi mục tiêu đặt ở lúc đầu là tránh trích dẫn. Bạn cứ tin vào chính kinh nghiệm của bản thân tôi đi.

“Đôi khi chính Thiên Chúa gây ra những trở ngại cho ý định của bạn muốn làm vinh danh Chúa, chẳng hạn như bằng một bệnh tật hoặc bằng một sự cố nào đó, thì bạn cũng đừng buồn rầu, nhưng hãy tín thác đón nhận tất cả từ bàn tay của Thiên Chúa là Đấng thấu suốt điều gì là tốt đẹp nhất và hữu ích cho bạn; Ngài vẫn lôi kéo bạn đến với Ngài, đôi khi bạn không biết, miễn là bạn phó thác chính mình hoàn toàn cho Ngài dẫn dắt. Mối bận tâm nhất của bạn là luôn giữ lấy sự bình an và thanh thản của tâm hồn, cho dù dưới bất cứ trạng huống nào. Nếu có buồn thì chỉ đau buồn vì tội lỗi của bạn và tội lỗi của những người khác hay bất cứ điều gì có ý định dẫn bạn vào con đường tội lỗi”[27]. Tôi lặp lại một lần nữa, đừng để bị tuyệt vọng trong những tai họa rơi xuống trên bạn, cũng đừng để bực tức vì những lỗi lầm của những người khác; nhưng hãy bày tỏ lòng yêu mến và thương xót đối với tất cả mọi người, luôn nghĩ nếu Đức Giê-su Ki-tô không gìn giữ bạn nhờ ân sủng của Người thì bạn sẽ phạm tội còn lớn hơn cả những điều họ đã làm nữa.

  1. Hãm dẹp tính tự ái

–  Chịu đựng những sự sỉ nhục

Hãy sẵn sàng để chịu đựng những điều sỉ nhục, những thứ khó chịu và phật lòng, và những kiểu chống đối khác nhau vì danh Đức Ki-tô; vì chưng nếu không có những điều này, có lẽ bạn không thể trở thành môn đệ của Người được.

Khi thấy nổi lên trong mình những ước muốn làm lớn dưới danh nghĩa bác ái hoặc bất cứ lý do nào, bạn hãy dập tắt chúng ngay, đập tan đầu của “con rồng” ghê tởm này nhờ thập giá của Đức Giê-su, hãy nhớ lại sự sỉ nhục thẳm sâu và sự đau khổ khôn cùng của Con Thiên Chúa[28]. Hãy trân trọng và luôn gìn giữ cẩn thận tư tưởng này là Đức Giê-su đã xem thường những vinh quang trần thế khi dân chúng muốn tôn vinh ngài làm vua và tự nguyện chịu chết trên cây Thập giá cách xấu hổ và ô nhục[29].

–  Suy xét về nỗi khốn khổ của bản thân

Bạn hãy tránh những lời khen ngợi tán dương của người đời như tránh nọc độc. Ngược lại, bạn hãy vui mừng khi bị người ta khinh thường, vì hãy thâm tín rằng bạn xứng đáng bị sỉ nhục và giẫm nát dưới bàn chân của tất cả mọi người.

“Đừng bao giờ bỏ qua những tội lỗi và khuyết điểm của mình, và hãy vạch rõ sự xấu xa của chúng. Còn những khiếm khuyết của những người khác, thì đừng để ý đến; nếu bạn không thể tránh để nhìn thấy những thiếu sót của họ, thì hãy cố gắng làm giảm nhẹ chúng hoặc tìm cách thông cảm bào chữa cho họ hoặc tìm mọi cách để giúp đỡ họ. Bạn hãy ngoảnh cặp mắt thể chất và tinh thần khỏi nhìn những người khác để có thể xem xét chính mình rõ ràng hơn.

–  Sự bất toàn trong những việc lành của mình

Hãy tra vấn những hành động của mình và lên án chính mình một cách không chút khoan nhượng. Bạn hãy kiểm tra mọi lời nói, tư tưởng và trong việc làm, để tìm ra những lỗi lầm thiếu sót để mà thống hối. Đồng thời luôn nhắc nhở mình rằng điều tốt bạn làm vẫn còn bất toàn, bởi vì chưa đủ nhiệt tình khi thực hiện, còn pha trộn vô vàn thiếu sót và cuối cùng việc lành của mình chỉ đáng so sánh với những thứ ô uế nhất trên thế gian này mà thôi[30][31].

  1. Khiêm tốn trước mặt Chúa

Bạn hãy cẩn thận khiển trách mình cách nghiêm khắc trước nhan Chúa, không chỉ về những lỗi lầm hay sự lơ đễnh len lỏi vào trong những lời nói và hành động của bạn, mà còn về những tư tưởng tuy không xấu xa nhưng vô bổ. Bạn hãy nghĩ rằng mình hèn hạ và đáng thương hơn tất cả những tội nhân khác, dù tội lỗi của họ có nặng đến mấy đi nữa. Hãy luôn tự thuyết phục mình rằng nếu Thiên Chúa đối xử với bạn theo sự công bình của Ngài chứ không phải do lòng thương xót, thì bạn sẽ đáng bị sự trừng phạt nghiêm khắc nhất và bị loại khỏi niềm vui hạnh phúc vĩnh cửu, bởi vì Ngài đã tuôn đổ trên bạn nhiều ân sủng hơn cho những người khác, thế mà Ngài chỉ nhận được sự vô ơn bạch nghĩa nơi bạn mà thôi.

Lại nữa, “bạn hãy thường gợi lên trong tâm trí với lòng yêu mến và kính sợ rằng bất cứ tâm tình nào hướng đến điều tốt, bất cứ ân huệ và khao khát nào nhằm thủ đắc nhân đức, tất cả đều do chính Đức Giê-su Ki-tô mang lại cho bạn theo như lòng thương xót của Người; Người đã có thể ban những điều đó cho kẻ tội lỗi nhất trên đời và có thể để cho bạn rơi trong một vực thẳm bùn nhơ khốn nạn[32].

  1. Khiêm tốn trước mặt tha nhân

Hãy luôn luôn tự thuyết phục rằng không có một người nào đầy gánh nặng tội lỗi mà lại chẳng phục vụ Thiên Chúa khá hơn bạn và sẽ biết ơn Chúa bạn, nếu họ nhận được những ân huệ mà Thiên Chúa nhân lành đã đoái thương ban cho bạn. Vì thế, bạn đừng sợ bị sai lầm khi nhận thấy chính mình là kẻ đáng thương nhất trong số con cái loài người; và bạn có lý do để sợ rằng Đức Giê-su Ki-tô sẽ xua đuổi bạn bởi vì sự vô ơn và tội lỗi ”[33].

Tôi không có ý nói rằng bạn hãy tin rằng mất ân sủng với Thiên Chúa và sống trong tình trạng tội lỗi ghê tởm; hoặc là chẳng có ai phạm tội nặng nề hơn bạn. Tuy vậy, làm sao biết được tình trạng của người khác? sự phê phán của chúng ta sai sót bởi vì có những điều ẩn kín mà chúng ta không biết, và Thiên Chúa có thể chạm đến tâm hồn của họ bất cứ lúc nào, để ban cho họ ơn sám hối thực tình.

Khi bạn khiêm tốn muốn đối chiếu mình với tình trạng của những người tội lỗi khác, thì bạn đừng nên đi vào chi tiết các tội lỗi của họ, nhưng chỉ cần xét chung là đủ để so sánh thái độ vô ơn của mình. Tuy nhiên, nếu bạn xét đến chi tiết tội lỗi của những người khác, thì bạn cũng có thể trách cứ bản thân mình vì những tội lỗi ấy. Chẳng hạn như khi thấy một người phạm tội sát nhân, bạn có thể tự nhủ: Không phải chính tôi cũng là kẻ sát nhân bởi vì biết bao lần tôi đã mang cái chết đến cho linh hồn tôi đấy ư? Người kia phạm tội dâm ô hoặc ngoại tình, còn tôi chẳng mỗi ngày phạm tội ngoại tình trong tinh thần vì dám quay lưng lại với Thiên Chúa và chiều theo những cám dỗ của ma quỷ đấy ư? Bạn có thể tìm thấy những tội lỗi khác theo cách thức tương tự[34].

  1. Sự cần thiết của việc sám hối

Nhưng nếu bạn nhận thấy rằng do việc suy gẫm những điều này, quỷ dữ có thể cám dỗ để bạn rơi vào tuyệt vọng, thì bạn hãy bỏ nó đi và chuyển sang lòng tin tưởng vào Thiên Chúa bằng cách suy gẫm về sự tốt lành và lòng thương xót lớn lao của Ngài. Ngài đã ngăn ngừa bạn khỏi rơi vào tuyệt vọng vì đã tuôn đổ biết bao lợi ích thiêng liêng cho bạn, và Ngài sẽ hoàn thành nơi bạn công việc đã khởi sự[35].

Thông thường, người đã có kinh nghiệm về đời sống tâm linh sẽ không rơi vào cảnh tuyệt vọng khi nhớ đến những yếu đuối và những sự vô ơn của mình. Tuy nhiên, điều này có thể xảy đến đối với kẻ mới bắt đầu, hoặc những kẻ mới được Thiên Chúa cứu thoát ra khỏi tình trạng tội lỗi nặng nề.

CHƯƠNG 4: SỰ KẾT HỢP VỚI THIÊN CHÚA

[Đức khiêm nhường dẫn đến tâm hồn thanh sạch; tâm hồn thanh sạch dẫn sự kết hiệp với Chúa. Đến đây tác gia mô tả những hệ quả của tâm hồn thanh sạch].

  1. Sự kết hợp với Chúa nhờ chiêm niệm

Những suy gẫm vừa rồi đã giúp bạn định hình nhân đức vượt trội, là nguồn mạch, mẹ và trụ cột cho các nhân đức khác: đó là nhân đức khiêm nhường. Nhân đức này khiến tâm hồn được thanh luyện khỏi những tư tưởng phù phiếm và vô bổ, mở con mắt tâm hồn và cho phép nó chiêm ngắm tôn nhan của Thiên Chúa.

Thật vậy, khi một người cúi gập mình xuống để đi sâu vào cõi lòng mình, khám phá ra những sự hư hỏng nơi mình, khiển trách và đau buồn vì những hành động của mình, thì người ấy sẽ bận rộn với những việc của lương tâm đến nỗi chẳng còn nghĩ đến điều gì khác nữa. Họ quên đi những gì trước đây họ đã thấy, đã nghe, đã làm. Những gì thuộc về thời gian đều tan biến mất. Họ bắt đầu đi sâu vào tình trạng hồi niệm, trở về với chính mình, và tiến đến gần sự công chính nguyên tuyền và sự trong trắng của những phúc nhân. Do đó, nhờ trở về với chính mình, cặp mắt của người đó sẽ được mở ra chiêm ngắm những điều huyền nhiệm của các thiên thần hoặc của Thiên Chúa. Nhờ việc chiêm ngắm này, linh hồn bừng lên lòng yêu mến những thực tại trên trời đến nỗi xem những thứ trần thế này như thể không đáng là gì.

Đó là lúc đức ái hoàn hảo bắt đầu thiêu đốt con tim, và sức nóng của Thiên Chúa thiêu rụi hết tất cả những rỉ sét của tội lỗi. Một khi đức ái đã chiếm trọn linh hồn rồi thì không còn chỗ nào cho danh vọng phù hoa nữa. Tất cả những tư tưởng, lời nói và hành động đều được hướng dẫn bởi đức bác ái yêu thương[36].

  1. Sự an toàn để làm việc tông đồ

Khi đó, họ có thể hướng dẫn những người khác mà không sợ rơi vào tật hư danh. Vì như đã nói, danh vọng phù hoa không bao giờ có thể lẻn vào một linh hồn tràn ngập lòng bác ái yêu thương. Làm sao họ có thể cám dỗ về lợi lộc thế gian khi người đó đã coi tất cả là rác rưởi? [37] Làm thế nào họ còn bị lung lạc vì những lời khen lao, một khi trước mặt Thiên Chúa họ đã coi chính mình như một đống phân hôi thối, một đồ vật đáng khinh chê, một thụ tạo có khả năng phạm các tội tày trời nếu bàn tay quan phòng của Đấng Tạo Hóa không ngừng gìn giữ? Làm thế nào họ có thể vênh vang tự đắc vì những công việc tốt lành của mình khi mà người ấy ý thức rằng mình không có khả năng làm điều tốt nếu như không được thúc đẩy từng giờ từng phút bởi ân sủng của Thiên Chúa toàn năng? Làm thế nào họ dám gán những việc tốt lành cho mình nếu họ đã cảm nghiệm trăm ngàn lần về sự bất lực của mình để làm bất cứ điều tốt nào, dù lớn hay nhỏ, mặc dù mình rất muốn làm. Đang khi đó, có khi họ chẳng muốn và cũng chẳng nghĩa tới, thì lại được một sức mạnh khiến họ có khả năng thực hiện được điều vượt quá sức lực của mình?

Thực vậy, Thiên Chúa cho phép, đôi khi trong thời gian khá dài, con người cảm thấy không có khả năng làm điều gì tốt để cho họ biết khiêm tốn hơn, đừng bao giờ vênh vang tự đắc nhưng hãy quy hướng tất cả mọi điều tốt lành về Thiên Chúa, không chỉ như thói quen hay công phúc riêng nhưng là với tấm lòng chân thành[38].

Ai đã có kinh nghiệm như vậy thì sẽ nhận thức rõ ràng và chắc chắn rằng: mình không có khả năng làm bất cứ hành động nào, thậm chí chẳng có khả năng để kêu tên danh thánh Giê-su, nếu không nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần[39] và nhờ ân huệ của Đấng đã dạy: “Không có Thầy, anh em không thể làm gì được[40] .

Ước chi điều này giúp cho bạn chúc tụng Chúa hết lòng và thưa lên : “Lạy Chúa, tất cả mọi việc chúng con làm đều do Ngài thực hiện cho chúng con[41]; và thốt lên mạnh mẽ lời của thánh vương Đa-vit: “Xin đừng làm rạng rỡ chúng con, vâng lạy Chúa, xin đừng, nhưng xin cho danh Ngài rạng rỡ[42].

Như vậy, linh hồn nào được vinh quang Thiên Chúa và ơn cứu độ các linh hồn chiếm ngự rồi thì không có gì phải sợ hãi về việc tự cao tự đại nữa.

4.3. Tóm tắt học thuyết về đời sống tâm linh

Sau đây là tóm lược những điều cần thiết này cho những ai muốn sống cuộc đời hoàn thiện và quan tâm đến việc cứu rỗi các linh hồn. Điều nói ở đây đã đủ cho ai muốn thủ đắc một kiến thức về những sự thuộc về Thiên Chúa và những ai tập quen dần với việc thực hành đời sống tâm linh. Vì lẽ tất cả những điều đã trình bày có thể thu gọn vào ba nguyên tắc: khó nghèo tình nguyện, yêu mến thinh lặng và tâm hồn thanh tịnh. Việc thực hành ba điều ấy sẽ giúp cho việc thực hành khác được dễ dàng. Tuy nhiên, vì không phải hết mọi người đều hiểu bản tóm lược như nhau, cho nên chúng tôi sẽ bàn rộng thêm một vài hành vi đặc thù của các nhân đức.

PHẦN II: THỰC HÀNH ĐỜI SỐNG TÂM LINH

CHƯƠNG 5: SỰ TRỢ GIÚP CỦA VỊ LINH HƯỚNG

[Đời sống tâm linh được ví như một hành trình, với những nẻo đường bấp bênh, vì thế cần đến một người hướng dẫn. Truyền thống Giáo hội đã nói nhiều đến sự cần thiết của linh hướng. Tuy nhiên, tác giả cũng thú nhận rằng khó tìm được một linh hướng thành thạo. Điều này sẽ còn được thánh nữ Têrêsa lặp lại]

  1. Sự cần thiết của một vị linh hướng

Chắc chắn rằng người nào theo đuổi sự hoàn thiện sẽ đạt tới dễ dàng hơn và nhanh chóng hơn nếu được sự trợ giúp của một vị linh hướng mà họ phải vâng nghe trong mọi việc dù lớn dù nhỏ. Dù ai có trí thông minh sắc sảo và các sách cao siêu viết về đời sống tâm linh đi nữa, nhưng nếu thiếu người hướng dẫn thì vẫn khó đạt đến đích.

Hơn nữa, Chúa Giê-su sẽ không bao giờ ban ân sủng (mà nếu không có ân sủng thì chúng ta không thể làm được gì cả[43]) cho kẻ có người hướng dẫn ở gần ngay bên nhưng lại phớt lờ đi bởi cho rằng mình có đủ khả năng tự mình tìm ra con đường ơn cứu độ. Vâng phục là đường hoàng đạo dẫn đưa con người đỉnh cao của chiếc thang huyền nhiệm mà Thiên Chúa đang dựa vào [44].

  1. Gương mẫu các thánh

Đó là con đường mà các sư phụ trên sa mạc đã trải qua; những kẻ đạt tới sự trọn lành cũng đều qua con đường ấy. Tuy nhiên, nếu Thiên Chúa, do một ân sủng đặc biệt, đoái thương hạ cố đến hướng dẫn trực tiếp vài linh hồn, thì chẳng qua cũng là để bổ sung sự thiếu thốn các linh hướng. Trong trường hợp này, Chúa dùng phương thế đặc biệt, miễn là linh hồn chạy đến với Ngài bằng một tấm lòng thật khiêm tốn và nhiệt thành.

  1. Sự khan hiếm những vị linh hướng tốt

Thật đáng tiếc là thời nay khó tìm ra những nhà linh hướng có khả năng dạy dỗ các linh hồn về đường trọn lành. Tệ hơn nữa, nếu có ai người khao khát theo đuổi con đường hoàn thiện thì sẽ gặp nhiều kẻ ngăn cản, và ít kẻ khuyến khích.

Trong trường hợp như vậy, cần phải thiết tha và khiêm tốn cầu xin Chúa hãy đích thân giữ vai trò linh hướng. Thật vậy, họ phải đặt bản thân vào bàn tay quan phòng yêu thương của Chúa, giống như một em bé mồ côi, van xin Ngài đón nhận mình, bởi vì Ngài không hề muốn cho ai bị hư mất nhưng mong muốn tất cả đạt đến sự nhận biết chân lý của Người[45].

Do đó, tôi viết điều này cho bạn là một người luôn tha thiết tìm kiếm Chúa và khát khao nên hoàn thiện để phục vụ tha nhân. Tôi viết cho bạn là người luôn tìm kiếm Thiên Chúa với lòng đơn sơ, không gian trá, người luôn tha thiết hướng đến sự hoàn thiện về nhân đức; và ngắn gọn hơn, người luôn khao khát đạt tới vinh quang muôn đời nhờ con đường khiêm nhường.

CHƯƠNG 6: VỀ ĐỨC VÂNG PHỤC

[Sau khi đã phát biểu ba nguyên tắc then chốt của đời sống tâm linh, tác giả nêu lên vài trường hợp cụ thể để mang ra áp dụng các nguyên tắc ấy. Mở đầu là đức vâng phục. Mặc dù đoạn này được biết cho các tu sĩ, nhưng cũng có thể tuỳ nghi áp dụng cho các hàng ngũ khác]

Sau khi đã thiết lập những nền tảng của toà nhà thiêng liêng là đức khó nghèo và thinh lặng, người chiến sĩ của Đức Ki-tô phải thắt lưng và sẵn sàng mạnh dạn đi theo con đường vâng phục. Hãy tuân giữ chính xác tu luật, hiến pháp và chữ đỏ, mọi nơi mọi lúc, dù ở trong hay ở ngoài nhà, tại nơi ăn chốn ngủ, tại cung nguyện; vâng phục những gì đã quy định điều phải làm, trong tư thế đứng hoặc ngồi, hoặc cúi đầu hoặc phủ phục. Hãy tuân hành các lệnh truyền của Bề trên, thường xuyên nhắc nhở mình những lời của Chúa Giê-su: “Ai nghe anh em là nghe Thầy; và ai khước từ anh em là khước từ Thầy; mà ai khước từ Thầy là khước từ Đấng đã sai Thầy”[46].

CHƯƠNG 7: KHỔ CHẾ TRONG VIỆC ĂN UỐNG

[Tinh thần cần được điều chỉnh bằng đức vâng phục; thân thể cũng cần được điều chỉnh bằng kỷ luật nghiêm khắc]

  1. Sự cần thiết của việc khổ chế thân xác

Người chiến sĩ của Chúa Ki-tô cần phải điều chỉnh cử điệu bên ngoài sao cho thân xác của mình hoàn toàn suy phục Chúa. Vì thế, trong hết mọi hành vi và cử động bên ngoài, cần phải có một thứ kỷ luật. Thật vậy, bạn sẽ không tài nào chế ngự các cuộc nổi loạn trong linh hồn nếu trước đó bạn không buộc thân xác phải tuân theo những bài học kỷ luật cách chính xác, hầu ngăn cản không những là hành vi mà cả các chuyển động lệch lạc nữa.

Để điều chỉnh thân xác, trước tiên bạn phải cố gắng hết sức chống lại tật mê ăn uống, bởi vì nếu không chế ngự tật xấu này thì không thể nào thủ đắc những nhân đức khác. Vì thế, bạn hãy tuân giữ điều tôi nói với bạn sau đây.

  1. Những nguyên tắc chung về đức tiết độ

Hãy bằng lòng với chế độ ăn uống thông thường giống như các anh em khác, và đừng tìm kiến thứ món gì khác biệt cho bản thân[47]. Nếu có người ngoài đời muốn gửi cho bạn thứ gì đó ngoài phần ăn thông thường thì bạn đừng nhận; nhưng nếu họ biếu tặng cho cộng đoàn thì để tuỳ họ.

Nếu có người anh em nào mời đi ăn ở ngoài tu viện thì hãy từ chối. Bạn hãy luôn luôn dùng bữa ở tại tu viện, tuân giữ tất cả những luật lệ về việc giữ chay, bao lâu sức khoẻ cho phép.

Khi đau ốm, bạn hãy chấp nhận những gia giảm cần thiết, nhưng bạn đừng yêu cầu điều gì cả và hãy bằng lòng và biết ơn đón nhận những gì người ta mang đến.

Để tránh thái quá trong cách ăn uống, bạn hãy kiểm điểm nghiêm túc khí chất cơ thể của bạn và xem điều gì cần để nuôi sống của mình, ngõ hầu có thể phân biệt cái gì là cần thiết và cái gì là thừa thãi.

Quy tắc chung là thế này: hãy ăn bánh bao nhiêu có thể theo đòi hỏi của cơ thể, cách riêng vào những ngày chay tịnh, và đừng chiều theo những lời của ma quỷ khi nó dụ dỗ bạn làm khác đi[48].

Để phân biệt cái gì cần thiết và cái gì thừa thãi, bạn hãy theo tiêu chuẩn sau đây: vào những ngày được ăn hai bữa, bạn thấy uể oải nặng nề sau kinh giờ Chín, đến nỗi không thể cầu nguyện, đọc hoặc viết, thì đó là dấu hiệu đã ăn quá mức rồi. Nếu bạn cũng cảm thấy tương tự như vậy sau giờ kinh Đêm (vào ngày được ăn bữa tối) hoặc sau giờ kinh Tối (nếu là ngày giữ chay), thì cũng do một nguyên nhân[49].

Do đó, bạn hãy ăn bánh theo như nhu cầu, nhưng làm thế nào để sau khi dùng bữa bạn vẫn có thể đọc, viết hoặc cầu nguyện. Tuy vậy, nếu sau bữa ăn mà bạn không cảm thấy sẵn sàng làm những điều này, thì chưa hẳng là dấu hiệu đã ăn quá mức, miễn là bạn không cảm thấy sự uể oải mà tôi đã nói trên đây.

Vì thế, bạn hãy dùng phương pháp này (hoặc một phương pháp khác mà Chúa soi sáng) để kiểm tra xem điều nào là cần thiết để duy trì sức khỏe của bạn, và hãy trung thành tuân giữ chừng mực đã đặt ra. Hãy luôn cảnh giác trong cách ăn. Nếu chẳng may bạn đã đi quá mức thì bạn hãy ra một hình phạt tương xứng.

  1. Về việc uống

Thật là khó để ấn định những quy tắc chính xác cho việc uống. Bạn hãy gắng hạn chế từ từ, bằng cách càng ngày càng uống ít đi, nhưng tránh đừng để cho mình khát nước, dù ban ngày hay ban đêm. Bạn có thể giảm bớt nước uống nếu bạn đã dùng thức ăn lỏng.

Đừng uống nước ngoài bữa ăn, trừ khi vào buổi tối những ngày giữ chay (nhưng chỉ uống ít thôi) hoặc khi bị mệt lử sau một hành trình dài.

Nếu uống rượu, thì bạn hãy pha thêm nước. Nếu là rượu mạnh thì tăng thêm nước. Bạn hãy gia tăng hoặc tiết giảm tuỳ theo Chúa gợi hứng cho bạn[50].

  1. Thánh hóa bữa ăn

–  Trước bữa ăn

Khi nghe chuông, bạn hãy rửa tay cách nghiêm trang, mau chóng tới hành lang chờ tới khi tiếng chuông khác mời gọi bạn đến bàn ăn. Khi đó, hãy chúc tụng Chúa với tất cả sức lực của mình, tuy vẫn giữ lịch sự trong lời nói và cử điệu. Hãy ngồi đúng vị trí ở bàn ăn như chỗ đã xếp đặt. Chuẩn bị để nuôi dưỡng tâm hồn nhờ nghe bài đọc trong bữa ăn, hoặc nếu không đọc sách thì hãy suy gẫm vài tư tưởng đạo đức, ngõ hầu đừng chỉ nghĩ đến việc ăn uống nuôi dưỡng thân xác mà thôi: linh hồn cũng cần đến lương thực thần linh nữa[51].

–  Trong bữa ăn

Hãy chỉnh tề khi ngồi vào bàn ăn, điều chỉnh tu phục cho ngay ngắnvà sắp xếp áo cappa cao hơn đầu gối một tí. Hãy đặt một quy ước với cặp mắt là đừng bao giờ quay ngang quang ngửa, nhưng chỉ nhìn cái được đặt trước mặt bạn mà thôi.

Vừa ngồi vào bàn, đừng vội vã cắt bánh ngay tức khắc. Hãy chờ một lát, ít là cho tới khi bạn đọc hết Kinh Lạy Cha và Kính Mừng cầu cho các linh hồn trong luyện ngục cần được bạn giúp đỡ.

Khi ăn, hãy giữ điều độ nết na trong hành vi và cử chỉ. Nếu được chọn lựa giữa nhiều thứ bánh (bánh dòn hoặc mềm, bánh mì đen hay trắng, hoặc loại khác), bạn hãy lấy thứ nào đặt gần nhất, và cái mà chẳng thích gì.

Khi ngồi bàn, đừng yêu cầu gì hết, nhưng hãy chờ cho người khác yêu cầu thay cho bạn; nếu họ lơ là thì hãy kiên nhẫn chịu đựng[52]. Đừng chống khuỷu tay trên bàn; trên bàn chỉ đặt bàn tay mà thôi. Đừng dạng chân hay bắt chéo chân.

Đừng nhận hai khẩu phần hoặc bất cứ món gì mà các anh em khác không có, kể cả khi bề trên gửi đến cho bạn. Bạn hãy khéo léo giấu món ấy hoặc đặt chung với những món đồ dư.

Một thói quen làm đẹp lòng Thiên Chúa là giữ lại một phần súp để mang đến cho Đức Giê-su Ki-tô hiện thân nơi những người nghèo. Ta cũng có thể làm như vậy đối với bánh, nhưng hãy giữ phần tốt nhất cho Đức Giê-su Ki-tô chứ đừng đưa các mảnh vụn. Đừng bực bội khi có ai đó xầm xì lẩm bẩm về cách thực hành này, miễn là được bề trên cho phép. Hãy thường xuyên dành cho những người nghèo – hình ảnh của Đức Giê-su- một phần lương thực của bạn, và hãy trao phần tốt nhất chứ không phải là phần tệ nhất. Thật vậy, có những người mang đến cho Đức Giê-su Ki-tô những phần ăn tệ nhất, và như thế tôi dám nói là họ đối xử với Người giống như thú vật. Nếu một phần món ăn dọn ra đã đủ để dùng với bánh, thì bạn hãy dành phần còn lại cho Đức Giê-su Ki-tô.

Nhờ ơn Chúa, bạn có thể thực hành vài sự kiêng khem đẹp lòng Ngài mà không ai biết, chẳng hạn như: người ta mang tới một món ăn nhạt nhẽo vì thiếu muối hoặc thiếu vài đồ gia vị; bạn cứ để như vậy chứ đừng pha thêm gia vị vào nó, nhớ lại Đức Giê-su Ki-tô vẫn bằng lòng uống giấm chua và mật đắng[53]. Hãy chống lại xu hướng chiều theo khoái cảm. Bạn cũng hãy tiết giảm những đồ gia vị chỉ nhằm kích thích sự khoái khẩu.

Vào cuối bữa ăn, nếu người ta mang lại món tráng miệng (trái cây, bánh ngọt, rượu mạnh, vv), bạn hãy khước từ vì lòng yêu mến Thiên Chúa. Những thứ này không cần thiết cho sức khỏe, và đôi khi có thể làm tổn hại sức khỏe cho bạn: cái khoái miệng chưa hẳn là bổ ích[54].

Nếu bạn kiêng những món ngon vì lòng mến yêu Đức Giê-su Ki-tô, thì chắc chắn là Người sẽ dọn cho bạn sự ngọt ngào của những niềm an ủi thiêng liêng, và cho bạn cảm thấy ngon miệng những món ăn còn lại mà bạn chấp nhận vì lòng mến yêu Người.

Để giúp việc kiêng khem được dễ dàng hơn, khi đi ăn bạn nghĩ rằng vì những tội lỗi đã phạm, bạn chỉ xứng đáng ăn những chiếc bánh khô với nước lã mà thôi[55]. Vì vậy, hãy xem bánh như là đồ ăn duy nhất, còn những thức ăn khác đều nhằm giúp cho dễ nuốt trôi bánh mà thôi. Ý tưởng này sẽ giúp bạn cảm thấy rằng tất cả các món dọn ra đều ngon cả.

Chỉ lấy một lượng canh vừa đủ trong đĩa để chấm bánh mì. Khi không có gì khác ngoài bánh mì, thì bạn có thể ăn hết phần, hoặc một nửa phần. Vào những ngày được phép dùng hai bữa, hãy ăn vừa phải để nuôi sống mà thôi.

Còn rất nhiều hành động khổ chế tương tự mà tôi không thể kể ra hết, nhưng Chúa Giê-su sẽ dạy cho bạn nếu bạn sốt sắng cầu xin và tín thác vào Người. Không thể nào diễn tả những phương cách mà Người sẽ mặc khải cho bạn nếu bạn biết chăm chú lắng nghe.

Bạn đừng vào số những người cuối cùng kết thúc bữa ăn. Trái lại, hãy xong sớm để tập trung chú ý nghe bài đọc sách.

–  Sau bữa ăn

Khi rời bàn ăn, bạn hãy hết lòng cám ơn Thiên Chúa toàn năng đã cho bạn chia sẻ sự hồng ân phong phú và đã ban cho bạn ân sủng để vượt thắng thói ham ăn. Đừng tiếc lời ca ngợi và chúc tụng Đấng phân phát rộng rãi mọi phúc lành[56].

Hỡi người anh em yêu quý, hãy nghĩ đến vô số người nghèo mà bữa ăn thịnh soạn của họ là những chiếc bánh mà Thiên Chúa đã ban cho bạn chứ còn thứ thức ăn nào khác. Hãy đinh ninh rằng chính Đức Giê-su Ki-tô đã mang lại tất cả cho bạn, và chính Người phục vụ bạn ở bàn ăn. Vì thế, bạn cần phải có tư thế nghiêm trang như thế nào khi biết rằng Thiên Chúa đang hiện diện và phục vụ bạn! Thật là một hạnh phúc nếu bạn nhận ra tất cả những điều tốt đẹp này với con mắt của linh hồn! Bạn sẽ nhìn thấy chính Chúa Giê-su, với đông đảo các thánh theo sau, đang hiện diện nơi phòng ăn.

  1. Để kiên trì trong thanh đạm và kiêng khem

Nếu muốn tiếp tục sống kiêng khem và thanh đạm trong ăn uống, bạn đừng cậy dựa sức mình, nhưng hãy nhớ rằng chính Thiên Chúa ban cho bạn nhân đức này, và bạn hãy xin Ngài ban ơn kiên trì trong việc thực hành[57].

Để tránh sai sót, bạn đừng phê phán hoặc kết án người khác. Đừng bực bội tức tối khi thấy ai không tuân giữ những quy định cần thiết về ăn uống. Hãy thương mến họ, cầu nguyện cho họ và chữa lỗi cho họ bao nhiêu có thể. Hãy ý thức rằng bạn cũng chẳng hơn gì họ, nếu Chúa không ban ơn nâng đỡ, và ân sủng được ban không vì công lênh của bạn, nhưng nhờ lòng thương xót của Ngài[58]. Những ý tưởng như thế sẽ giúp cho bạn kiên trì trong sự kiêng khem.

Tại sao nhiều người khi mới khởi đầu thì đầy phấn khởi và tiến bộ nhanh chóng trong việc khổ chế về ăn uống kiêng khem và các nhân đức khác, nhưng sau đó lại nản chí vì thân xác kiệt quệ và tinh thần suy yếu? Tại vì ngạo mạn và kiêu căng, khiến họ quá cậy dựa vào chính mình và phẫn nộ với những người khác và lên án những người ấy. Thế rồi Thiên Chúa rút lại ân sủng, và rồi họ đánh mất sự hăng hái ban đầu. Đôi khi, vì thiếu khôn ngoan, họ không biết giữ chừng mực để rồi rơi vào tình trạng kiệt lực. Họ trở nên ốm yếu, và để phục hồi sức khỏe của mình, họ còn đòi hỏi ăn uống quá độ còn hơn những kẻ tham ăn nữa. Tôi biết nhiều người đã rơi vào tình trạng bi thảm như thế. “Thiên Chúa thường để cho những người kết án kẻ khác cách vội vàng lại rơi vào lỗi lầm tương tự mà họ đã quở mắng và đôi khi còn rơi vào lỗi lầm nặng hơn nữa. Vì vậy, hãy phục vụ Thiên Chúa với lòng kính sợ[59]. Mỗi khi bạn cảm thấy kiêu hãnh vì những ân huệ Thiên Chúa đã ban, thì hãy chỉ trích và trách mắng chính mình vì sợ rằng Ngài nổi giận chống lại bạn và bạn sẽ tiêu vong vì tách ra khỏi con đường chính lộ[60].

Do vậy, hãy theo những khuyên vừa nói và bạn sẽ được vững mạnh và ổn định[61], nhờ đó bạn có thể kháng lại tật tham ăn để làm đẹp lòng Thiên Chúa”[62].

CHƯƠNG 8: NHỮNG QUY ĐỊNH VỀ VIỆC NGỦ NGHỈ VÀ CANH THỨC

[Lãnh vực thứ hai của việc khổ chế thân xác là việc ngủ nghỉ và canh thức. Nghỉ ngơi là điều cần thiết để phục hồi sức lực. Cần biết giữ quân bình điều độ].

  1. Phân định khôn ngoan

Chúng ta hãy gắng đừng rơi vào thái quá hoặc bất cập trong việc ngủ nghỉ và canh thức. Tôi nhận thấy khó mà vạch ra một tiêu chuẩn chính xác, khiến cho thân xác và linh hồn dễ vượt qua ranh giới của đức khôn ngoan và rơi vào thái cực. Khi thực hành các nhân đức khác, thì không sợ thái quá, nhưng việc kiêng khem và canh thức thì dễ thái quá, và dễ bị ma quỷ lợi dụng. Khi thấy người nào có lòng sốt sắng[63], ma quỷ sẽ dùng tất cả mưu mẹo của nó để xúi giục họ hãy tăng gia kiêng khem và canh thức, đến nỗi rời vào tình trạng yếu nhược thể xác, chẳng còn làm gì được nữa; và cuối cùng, như tôi đã nói, họ còn ăn và ngủ nhiều hơn những người khác. Từ đó, họ sẽ không còn dám mạo hiểm để quay trở lại với việc ăn chay tịnh và canh thức vì nhớ đến những hậu quả đáng tiếc cho sức khoẻ. Ma quỷ lại xem vào để thuyết phục người đó rằng sự khổ chế mang lại bệnh tật. Quả là trò lường gạt, bởi vì bệnh tật không do chay tịnh và canh thức gây ra, nhưng là do thiếu chừng mực.

Người thiếu kinh nghiệm sẽ dễ rơi vào những trò lừa đảo của ma quỷ. Dưới bộ dạng đạo đức giả hiệu, tên cám dỗ nói với người ấy rằng: “Mày đã phạm quá nhiều tội, nếu không làm những điều phi thường khi không thể nào đền bù những tội lỗi ấy”. Nếu người ấy không phạm những tội trọng, ma quỷ sẽ gợi lên những sự khổ hạnh mà các sư phụ trên sa mạc đã thực hành. Con người non nớt không thể nhận ra rằng những tư tưởng bề ngoài có vẻ tốt lành như thế lại không bắt nguồn từ Thiên Chúa.

  1. Vâng phục và khiêm tốn

Do vậy, người ấy dễ bị lầm lẫn, nhất là khi không cậy dựa vào Chúa bằng việc cầu nguyện tha thiết cùng với lòng kính sợ và khiêm nhường. Vì lẽ nếu người ấy cầu nguyện, Thiên Chúa sẽ nghe và chính Người sẽ hướng dẫn người đó khi không có một linh hướng.

Thật vậy, người nào sống dưới quy luật vâng phục thánh thiêng này và được hướng dẫn bởi vị linh hướng thì sẽ được giải thoát khỏi tất cả những mê hoặc như thế. Thản hoặc nếu chính vị linh hướng bị sai lầm đi nữa, thì Thiên Chúa sẽ xếp đặt để mọi sự đều sinh ích cho kẻ khiêm tốn và biết vâng lời. Chúng ta có thể đưa ra nhiều chứng tích về điểm này.

  1. Vài lời khuyên để thánh hóa giấc ngủ

Sau đây là những điều có thể được tuân giữ liên quan đến việc ngủ nghỉ và canh thức.

Vào mùa hè, khi chuông báo hiệu thinh lặng sau bữa trưa, bạn hãy nghỉ ngơi một lát. Giờ này không thuận tiện để làm các việc đạo đức. Nếu bạn nghỉ vào ban trưa thì sẽ dễ canh thức ban đêm.

Một quy tắc chung cho mọi lúc ngủ nghỉ là hãy cố gắng suy tưởng một thánh vịnh hay một vài tư tưởng đạo đức, để khi thức giấc, tư tưởng ấy sẽ trở về đầu óc.

Ban tối, hãy đi ngủ sớm, bởi vì ai thức khuya thì sẽ khó tập trung chú ý khi đọc Kinh Đêm: họ cảm thấy buồn ngủ, nặng nề, và đôi khi bỏ luôn cả giờ kinh nữa.

Nên tập thói quen đọc một vài lời nguyện ngắn, vài trang sách đạo đức trước khi đi ngủ tối. Trong những đề tài suy gẫm, tôi thích những điều liên quan đến những sự đau khổ của Đức Giê-su trong cuộc tử nạn. Bạn hãy nghĩ đến những khổ hình của Đức Giê-su chịu đau khổ vào những thời khắc mà bạn đang nghỉ ngơi; đó là lời khuyên của thánh Bê-na-đô[64]. Tuy nhiên, mỗi người được Thánh Linh đánh động một cách khác nhau. Đối với vài người, việc cư ngụ trong những “lỗ đá”[65], tức là những vết thương nơi Đức Ki-tô, như Kinh Thánh viết, thì đã đủ. Dù sao, dù ai đã đạt đến mức độ tinh thần cao siêu thì cũng đừng bỏ qua những điều có thể nuôi dưỡng tâm tình sốt sắng.

CHƯƠNG 9: NHỮNG QUY ĐỊNH VỀ HỌC HÀNH

[Trong chương này, tác giả bàn về việc học hành, là một bổn phận của những tu sĩ Giảng thuyết. Việc học hành có thể khiến cho con tim trở thành khô khan và lý trí lạc vào những ngóc ngách của kiến thức. Nhằm đề phòng những nguy cơ ấy, cần biết kết hợp việc học hành với cầu nguyện]

  1. Tất cả quy hướng về Đức Kitô

Trong khi học hành hay đọc sách, bạn hãy luôn hướng tư tưởng về Đức Ki-tô, hàn huyên với Người và xin Người ban cho ánh sáng và sự hiểu biết.

Lúc đang học, thỉnh thoảng hãy rời mắt khỏi cuốn sách để hồi tâm và nép mình vào trong những vết thương của Đức Giê-su Ki-tô, rồi lại học tiếp. Lúc khác, bạn hãy quỳ xuống và đọc một vài lời nguyện ngắn và tha thiết. Tuỳ theo con tim thúc đẩy, bạn hãy rời phòng riêng và đi ra nhà thờ, hành lang, phòng hội,vv, dưới sự đánh động của Chúa Thánh Thần. Bằng một kinh nguyện, một lời than thở vắn tắt, bạn hãy kêu cầu danh Chúa Giê-su, dâng lên Người những khao khát và mong mỏi của bạn. Bạn cũng hãy nài xin các thánh đến trợ giúp những điều bạn chuẩn bị làm.

Những sự vươn lên như thế có thể thực hiện bất cứ lúc nào mà không cần đến một kinh nguyện hoặc thánh vịnh nào hết. Tuy nhiên, chúng thường nảy ra tiếp theo một thánh vịnh, một đoạn Thánh Kinh, một cuốn sách đạo đức, hoặc do chính Thiên Chúa gợi lên trong tâm tư của ta.

Lòng sốt mến ấy thường không kéo dài lâu. Sau khi nó đã qua rồi, bạn hãy nhớ rằng mình đang học hành. Nhờ thế bạn sẽ hiểu biết rõ ràng hơn.

  1. Xen lẫn cầu nguyện và học hành

Sau đó, bạn hãy quay lại với việc học và rồi cầu nguyện. Hãy thực hành những điều này luân phiên nhau vì nhờ thay đổi những hành động khác nhau, bạn sẽ tha thiết hơn trong lời cầu nguyện và trí tuệ sắc bén hơn khi học.

Mặc dù sự nhiệt tâm đạo đức này có thể xảy ra bất cứ lúc nào, tuỳ theo lòng hải hà của Đấng làm cho mọi thứ ngọt ngào[66]; nhưng thông thường điều này diễn ra sau giờ Kinh Đêm hơn bất cứ thời điểm nào khác trong ngày. Vì thế, nếu được, thì buổi tối đừng thức khuya ngõ hầu bạn có thể dành sức lực cho việc học hành và cầu nguyện sau giờ Kinh Đêm.

CHƯƠNG 10: NHỮNG QUY ĐỊNH VỀ ĐỌC KINH THẦN VỤ

[Thánh Đa Minh muốn dành cho kinh Thần vụ một chỗ đứng quan trọng trong đời sống cộng đoàn. Kinh Thần vụ được hát hoặc đọc ở cung nguyện (chorus). Ngoài ra, anh em còn đọc kinh Nhật khóa kính Đức Mẹ – Officium parvum de Beata Virgine Maria, do lòng thảo hiếu riêng, và có thể đọc bất cứ ở đâu. Thánh Vincentê xem việc đọc kinh Nhật khóa này như là chuẩn bị để đọc kinh Nhật tụng].

  1. Thức dậy

Khi bạn nghe đồng hồ gõ vào buổi tối hay bất cứ tín hiệu nào khác báo hiệu giờ Kinh Đêm[67], hãy vượt thắng tính lười biếng, rời khỏi giường cách nhanh chóng dường như bạn đang ở trên lửa vậy. Kế đó, quỳ xuống và dâng một lời cầu nguyện ngắn và tha thiết, ít nhất hãy đọc một Kinh Kính Mừng hay một vài lời nguyện khác để hâm nóng tinh thần. Để dễ thức dậy cách mau lẹ thì tốt nhất là bạn mặc sẵn áo dòng và nằm trên một giường cứng.

Các tôi tớ Thiên Chúa nên tránh tất cả những sự dễ dãi và chiều chuộng thân thể. Tuy nhiên, cần phải giữ chừng mực. Vì vậy, hãy dùng một cái đệm trấu vào mùa đông và nó càng cứng bao nhiêu thì nó càng phù hợp với bạn bấy nhiêu. Để phòng ngừa cái rét, hãy sử dụng một hoặc hai cái chăn tuỳ theo mùa hay tuỳ theo nhu cầu đòi hỏi. Để gối đầu, bạn hãy dùng một bao độn trấu chứ không độn lông. Tránh mọi những đồ êm ả chẳng hạn như chiếc khăn ở mặt, ở cổ và ở thắt lưng, là những đồ không cần thiết trừ khi vào mùa hè để lau mồ hôi. Đó là những đồ xa xỉ được du nhập do những tập tục xấu.

Hãy ngủ với tu phục mặc ban ngày, tháo giày ra và nới lỏng thắt lưng. Vào mùa hè thì bỏ áo cappa nhưng chỉ mặc scapulare[68]. Nếu làm theo điều tôi nói, bạn sẽ thức dậy mà không thấy uể oải, trái lại còn vui tươi nữa.

  1. Kinh nhật tụng kính Đức Mẹ

Khi buộc phải đọc giờ kinh thần vụ kính Đức Trinh Nữ , bạn hãy đứng ở cửa phòng mà đọc, đứng thẳng người chứ không dựa vào bất cứ thứ gì. Kế đó, hãy đọc kinh này cách chú tâm, với một âm điệu rõ ràng và tha thiết bao nhiêu có thể như chính Đức Trinh Nữ đang hiện diện hữu hình trước bạn[69].

Sau khi bạn đã đọc xong kinh nhật khóa này và không có thứ gì khác để làm trong phòng riêng thì hãy đi đến nhà thờ hay hành lang hoặc bất cứ nơi nào mà cảm thấy lòng sốt sắng. Hãy cố gắng đừng để đầu óc trống rỗng khi ra khỏi phòng hoặc khi trở về phòng riêng của mình; trái lại, hãy nghĩ đến các thực tại thiêng liêng, bằng cách suy đi gẫm lại trong lòng một vài thánh vịnh hay những tư tưởng đạo đức. Bạn cũng có thể vào trong cung nguyện trước khi bắt đầu kinh phụng vụ và chuẩn bị những gì sẽ đọc hoặc hát, để khi tới lúc nguyện, bạn sẽ tham dự cách chú ý và sốt sắng hơn.

  1. Trong cung nguyện

Khi đến giờ nguyện Kinh Đêm, trừ khi nào phải cúi mình hay phủ phục theo luật định, bạn hãy đứng thẳng người, không dựa vào cái gì hết. Hãy đặt mình trước sự hiện diện của Thiên Chúa, và hãy để cho thân xác và linh hồn cùng nhau bày tỏ lòng kính trọng Người. Hãy hát ca ngợi Thiên Chúa với niềm vui, hãy nghĩ đến sự hiện diện của các thiên thần[70] và lòng cung kính với dành cho những vị đang nhìn ngắm dung nhan Cha trên trời[71], đang khi chúng ta ở đời này chỉ được phép nhìn như qua một bức gương cách lờ mờ[72].

–  Cách hát thánh vịnh

Đừng tiết kiệm âm lượng của bạn khi hát, nhưng hãy để nó được điều chỉnh cách điều độ thích hợp. Đừng bỏ qua phần nào của kinh thần vụ hoặc là các thánh vịnh, các xướng đáp, lời Chúa, lời cầu, thánh ca Tin Mừng hay bất cứ phần nào nên được hát. Nếu tiếng hát của bạn không mạnh như những người khác thì hãy hát nhỏ tiếng thôi nhưng hát nhiều bao nhiêu có thể. Bạn hãy sử dụng một cuốn sách để từ đó hát những bài thánh vịnh, thánh thi và lời cầu, hầu tâm trí bạn có thể chú ý hơn nữa và bạn có thể nhận được những sự an ủi lớn lao hơn.

Trong khi hát ca ngợi Chúa, đừng tỏ ra bên ngoài điều gì cho thấy tính nhẹ dạ hời hợt, qua tư thế của thân xác hay trong tiếng hát. Trái lại, bạn nên thể hiện hành vi này với tất cả sự trịnh trọng nghiêm trang. Niềm vui bên trong của tinh thần đôi khi sẽ dẫn đến việc khinh xuất nếu bạn không kiềm nén nó bằng sự chừng mực. Do vậy, hãy nỗ lực hết sức để hát với toàn thể linh hồn và tâm trí[73], bởi vì điều này không dễ dàng, cách riêng đối với những người mới bắt đầu chưa được lớn mạnh trong ân sủng của Thiên Chúa, họ rất dễ bị chia trí khi hát thánh vịnh.

Hãy luôn đứng ở vị trí thường xuyên của bạn trong cung nguyện, trừ khi nào phải nhường chỗ ấy cho một người khác.

–  Bình thản và từ tốn

Khi bạn nhìn thấy bất cứ lỗi lầm nào phạm phải trong cung nguyện, hãy cố gắng để bổ khuyết nó, hoặc là chính bạn làm hoặc nhờ người khác.

Thật là đẹp lòng Thiên Chúa nếu trước khi nguyện, bạn nhìn qua chữ đỏ và tất cả những điều sẽ diễn ra, để sẵn sàng bổ khuyết những thiếu sót hoặc sai lầm của người khác.

Nếu xảy ra những tranh cãi về bài đọc hay bài hát, bạn nên cẩn thận đừng xen vào, bởi vì thường toàn là những chuyện vụn vặt thôi. Thà bỏ qua một lỗi lầm còn hơn là tranh luận và cãi vã về nó. Tuy nhiên, nếu có thể khắc phục sai lầm này bằng một lời ngắn gọn, bạn hãy làm điều đó, cách riêng nếu bạn thuộc hàng niên trưởng; nhưng nếu bạn cảm thấy sự ấm ức nảy sinh trong bạn, thì tốt hơn nên cố gắng trấn an sự xáo trộn trong tâm hồn hơn là nghĩ đến việc sửa lỗi người khác.

Nếu có người nào đó hát, đọc hay làm điều không đúng, thì bạn đừng lẩm bẩm phàn nàn hoặc đừng quở trách họ, bởi vì một sự sửa sai như thế sẽ chứng tỏ một thái độ tự cao. Cho dù có lỗi thế nào đi nữa, bạn đừng tỏ ra khó chịu, bởi vì điều này biểu lộ sự kiêu căng.

Nếu đã có nhiều người cùng can thiệp để sửa chữa một lỗi lầm, thì bạn đừng pha mình vào nữa. Nhưng nếu không có ai lên tiếng thì bạn hãy làm điều đó với tất cả sự khiêm tốn. Dĩ nhiên, chuẩn bị trước để tránh phạm lỗi thì tốt hơn là sửa chữa một lỗi khi đã xảy ra.

Đừng tự mình đọc hai bài đọc hoặc hai câu đáp liền nhau, nhất là khi có nhiều người trong cung nguỵên; nhưng nếu là cộng đoàn ít người thì không sao. Nếu bạn còn nhỏ thì đừng hấp tấp thay thế chỗ của những người lớn hơn mình.

Tránh đừng để cho cặp mắt đảo điên xem xét điều người khác làm; nhưng tốt hơn, hãy chúi mắt xuống đất hoặc hướng mắt lên trời, nhắm mắt lại hoặc để mắt tập trung vào trong cuốn sách của bạn.

Khi cử hành giờ kinh thần vụ, dù đứng hoặc ngồi, đừng chống tay dưới cằm, nhưng hãy đặt tay dưới cappa hay scapulare. Đừng bắt chân chéo nhau hoặc dạng chân ra, nhưng hãy giữ thái độ đoan trang trước sự hiện diện của Thiên Chúa. Hãy tránh những gì bất lịch sự, vì chúng có thể do ma quỷ gây ra để làm chia trí và giảm bớt lòng sốt sắng.

Có vô số những việc làm tương tự như thế mà tôi không muốn đi vào chi tiết, nhưng nếu bạn có sự khiêm tốn và đức ái hoàn hảo thì “dầu của Chúa Thánh Thần”[74] sẽ dạy bạn cách thức ứng xử trong mọi việc.

  • – Đừng cãi cọ

Xin lưu ý: những điều tôi vừa nói có thể châm chế tùy theo hoàn cảnh khác nhau. Chẳng hạn khi nói rằng hãy tránh sửa chữa một lỗi lầm trong cung nguyện, thì các bậc niên trưởng được phép làm điều này.

Điều quan trọng cần ghi nhớ là một tôi tớ của Thiên Chúa không nên tranh luận cãi cọ. Như tôi đã nói, thà nhắm mắt trước một lỗi lầm còn hơn gây ra một cuộc tranh luận cãi cọ, nhất là ở cung nguyện, kẻo chúng gây ra xao lãng và mất bình an nơi linh hồn[75].

Cũng cần giải thích cách tương tự điều tôi đã nói về việc đọc hay hát. Đôi khi một người cảm thấy tinh thần được nâng lên cao nhưng bị hãm lại do việc ca hát. Trong trường hợp như thế, tốt hơn là thầm thĩ đọc kinh Phụng vụ, để cho cộng đoàn tiếp tục hát (giả thiết là cộng đoàn có nhiều người).

Còn nhiều hoàn cảnh bất ngờ khác, mà Chúa toàn năng sẽ dạy dỗ bạn tốt hơn tôi, miễn là bạn gắn bó với Ngài với con tim đơn sơ và chân thành. Nhưng đừng vội chiều theo những quan điểm riêng của mình thay vì tuân theo đường lối chung, trừ khi bạn đã đạt được tinh thần biện phân nhờ việc thực hành lâu dài các nhân đức.

CHƯƠNG 11: THI HÀNH TÁC VỤ

[Trong chương này, tác giả bàn về hai tác vụ chính yếu của một tu sĩ Giảng thuyết: giảng thuyết và giải tội. Những dòng này phản ánh kinh nghiệm bản thân thánh Vincentê]

  1. Về việc giảng thuyết

Khi giảng thuyết hay khuyến dụ, hãy dùng những từ ngữ đơn giản và thân mật để giải thích rõ ràng mạch lạc điều bạn muốn nói.

Bạn hãy minh họa điều mình nói với một vài thí dụ, bao nhiêu có thể, để những người tội lỗi có thể cảm thấy như thể bạn đang nói riêng cho họ mà thôi. Tuy nhiên, khi quở trách nết xấu, bạn hãy làm cách nào đó để những lời nói của bạn không xuất phát từ môi miệng kiêu căng, nhưng từ tấm lòng bác ái của người cha cảm thương, một người cha đau lòng vì lỗi lầm của con cái mình, khóc lóc khi con cái bị ốm đau, và tan nát tâm can khi chúng ngã xuống vực thẳm, cho nên tìm hết mọi cách để cứu gỡ chúng. Cũng có thể ví với tình thương dịu dàng của một người mẹ, vuốt ve con cái, vui mừng vì thấy con tiến bộ, hy vọng rằng một ngày nào đó chúng sẽ được tham dự vào vinh quang bất diệt đời đời.

Nhờ yêu thương êm dịu, bạn sẽ giúp ích cho những người nghe; ngược lại, họ sẽ ít bị đánh động nếu bạn chỉ dừng lại ở vài điểm khái quát về các nết xấu và nhân đức.

  1. Bí tích hòa giải

Bạn hãy tỏ ra êm ái dịu dàng trong tòa giải tội, dù khi khuyến khích những tâm hồn nhút nhát hoặc khi cảnh cáo những người có trái tim chai đá. Hãy để họ cảm nhận mối quan tâm của một người cha và hương thơm của đức ái tinh tuyền qua những lời nói của bạn.

Vì thế khi phải trách móc ai, bạn hãy để cho những lời nói yêu thương và ngọt ngào đi trước. Trước hết, với lòng khao khát để giúp ích cho tha nhân, bạn hãy thành thật chạy đến cùng Chúa, nài xin Ngài ban cho bạn đức ái thánh thiêng, là nhân đức gồm tóm tất cả mọi nhân đức, và cho phép bạn thực hiện điều bạn mong muốn.

CHƯƠNG 12
NHỮNG PHƯƠNG DƯỢC CHỐNG LẠI NHỮNG CÁM DỖ TINH THẦN[76]

Để vinh danh Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, tôi sẽ dạy bạn những phương dược chống lại những cám dỗ tinh thần thường xảy ra ở thời đại này, mà Thiên Chúa cho phép xảy ra với mục đích là để thanh luyện và thử thách những kẻ được tuyển chọn. Và mặc dù chúng có vẻ như không tấn công đức tin cách trực tiếp, nhưng những ai xem xét chúng cách cẩn thận sẽ nhận thấy rằng chúng phá hủy những tín điều chính yếu về tôn giáo và dọn đường cho triều đại của tên Phản-Kitô[77].

Tôi sẽ không giải thích chi tiết những cám dỗ này để khỏi trở thành cơ hội phạm tội và gương mù cho bất cứ ai; nhưng tôi sẽ chỉ cho bạn cách cư xử khôn ngoan không bị lạc lối.

Có hai loại cám dỗ. Thứ nhất là những lời dụ dỗ của ma quỷ, khiến cho con người bị lường gạt trong cách xử sự với Thiên Chúa và những điều liên quan đến Ngài. Thứ hai là những học thuyết sai lầm và những gương xấu của những kẻ đã rơi vào những cám dỗ ấy. Vì thế tôi sẽ dạy bạn cách thức xử sự thích hợp trước nhan Thiên Chúa và trong mọi điều liên hệ đến Người để bạn có thể an tâm chống lại những cám dỗ này. Sau nữa, tôi sẽ chỉ cho bạn cách thức hành động với con người, liên quan đến học thuyết và lối sống của họ.

  1. Những ảo tưởng do ma quỷ gây ra

Sau đây là những phương dược chống lại những ảo tưởng mà ma quỷ gây ra

–  Đừng ước ao tìm kiếm những ơn ngoại thường

Phương dược thứ nhất. Những ai muốn sống tùng phục Thiên Chúa thì đừng khao khát tìm kiếm những mạc khải hay những cảm nghiệm thiêng liêng vượt quá những tiến trình thông thường của đường mến Chúa, qua việc cầu nguyện, suy gẫm hay làm bất cứ việc thiện nào khác. Một lòng khao khát vượt quá trật tự thông thường như vậy chỉ có thể bắt nguồn bởi sự tự cao tự đại, kiêu căng, một sự tò mò vô ích về những việc của Thiên Chúa; và ngắn gọn, do đức tin yếu nhược.

 Chính để trừng phạt sự khao khát xấu xa này mà Thiên Chúa đã từ bỏ linh hồn đó và cho phép linh hồn rơi vào mê lầm và cám dỗ của ma quỷ, quyến dụ linh hồn vào những thị kiến sai lầm và những mặc khải lừa dối. Đó là nguồn gốc của phần lớn những cám dỗ tinh thần thường xảy ra vào thời nay, do thần khí xấu gieo vào linh hồn của những kẻ nói được là sứ giả của tên Phản-Kitô, như sẽ nói tiếp theo đây.

Bạn nên biết rằng những mặc khải chân thật, và những phương tiện ngoại thường để đi sâu vào những huyền nhiệm về Thiên Chúa không phải là do kết quả của lòng khao khát hay nỗ lực của con người, mà chỉ là công hiệu của lòng Chúa nhân lành thông ban cho một linh hồn khiêm tốn, thành tâm muốn biết Chúa và tôn kính phụng thờ Ngài.

Như thế, chúng ta không nên thực hành những việc khiêm tốn và kính sợ Thiên Chúa chỉ vì để được Chúa ban những thị kiến, mặc khải và những cảm giác ngoại thường; bởi vì như vậy ta sẽ rời vào cũng một tội giống như kẻ ước mong thủ đắc những điều ấy.

–  Ảo tưởng về những an ủi thiêng liêng

Phương dược thứ hai. Khi cầu nguyện hoặc chiêm ngắn, bạn hãy xua đuổi khỏi linh hồn những niềm an ủi, dù chỉ là nhỏ bé thôi, nếu tình cờ bạn nhận thấy rằng nó gây ra trong tâm hồn bạn những cảm nghĩ kiêu ngạo hay tự tôn. Điều này sẽ dẫn bạn đến việc ước muốn được tiếng tăm và danh giá, khiến cho bạn tưởng rằng mình xứng đáng được ca ngợi và tán dương ở đời này và đời sau nữa.

Hãy biết rằng linh hồn nào dính bén với những niềm an ủi sai lầm này sẽ bị sa vào trong những sai lầm nguy hiểm. Vì lẽ Thiên Chúa cho phép ma quỷ tăng thêm những ngon ngọt thiêng liêng cách thường xuyên, và tạo ra những cảm thức hoàn toàn sai lầm, nguy hiểm. Thế nhưng linh hồn ấy cứ tưởng đó là do Chúa thông ban. Khốn thay, biết bao nhiêu linh hồn đã bị dụ dỗ bởi những niềm an ủi giả dối như thế! Bạn nên biết chắc rằng phần lớn những chuyện ngất trí và xuất thần, (đúng là những điên cuồng của tên Phản Kitô) bắt nguồn từ đó.

Vì thế, khi cầu nguyện và chiêm ngắm, niềm an ủi duy nhất mà bạn nên mong ước cho linh hồn là biết rõ hơn về sự hư không và bất toàn của mình. Sự hiểu biết như vậy sẽ gìn giữ bạn trong tâm tình khiêm tốn và thôi thúc bạn tôn kính Thiên Chúa cao vời và uy quyền, và ước ao làm cho Ngài được vinh dang. Bạn không sợ lạc hướng với những niềm an ủi như vậy.

–  Thấu hiểu những bí nhiệm của Thiên Chúa

Phương dược thứ ba. Bạn hãy kinh tởm mọi tư tưởng hay thị kiến nào làm tổn thương một tín điều hoặc luân lý, đặc biệt là chúng trái nghịch đức khiêm tốn và thanh tịnh. Thật không nghi ngờ gì nữa: chúng bắt nguồn từ ma quỷ. Do vậy, kể cả khi một thị kiến không mắc phải những khuyết điểm vừa kể, và bạn có cảm tưởng rằng nó bắt nguồn từ Thiên Chúa hoặc làm đẹp lòng Thiên Chúa, thì bạn cũng đừng dựa vào thị kiến ấy.

–  Bám vào những người thánh thiện

Phương dược thứ tư. Đừng bám chặt vào bất cứ ai – dù là người đạo đức, thánh thiện, thông thái hoặc tài đức thế nào đi nữa, – và đừng đi theo lời khuyên hoặc tấm gương của họ, nếu bạn có lý do để nghi ngờ rằng những ý kiến của người ấy không phù hợp với điều mà Thiên Chúa, Kinh thánh và các thánh đã dạy. Khi coi thường những lời khuyên của họ, bạn đừng sợ sẽ phạm tội tự cao tự đại hay kiêu ngạo; thật sự bạn hành động do lòng nhiệt thành và yêu mến chân lý.

–  Đừng lui tới những người có thị kiến

Phương dược thứ năm. Xa lánh tất cả những giao thiệp và gần gũi những ai gieo rắc những cám dỗ vừa nói, những ai tán dương và bảo vệ những điều xấu nói trên. Cũng đừng nghe những lời của họ, đừng tham gia các buổi họp hoặc mong mỏi chứng kiến điều họ làm, bởi vì ma quỷ có thể lợi dụng sự tò mò để quyến rũ bạn tin vào họ qua những lời nói và những dấu lạ, và bạn bị lôi cuống vào những sai lầm của họ.

CHƯƠNG 13: NHỮNG PHƯƠNG DƯỢC CHỐNG LẠI NHỮNG MẶC KHẢI SAI LẦM

Tôi muốn chỉ dẫn thêm những phương dược để đối phó với những người truyền bá những cám dỗ sai lầm nói trên bằng đời sống và lời giảng dạy của họ.

  1. Đừng quan tâm đến mạc khải tư

Phương dược thứ nhất. Đừng chiếu cố nhiều đến những thị kiến, những cảm giác ngoại thường, những cuộc xuất thần và ngất trí, và nếu họ quả quyết điều gì đối nghịch lại với đức tin, Kinh thánh và luân lý thì hãy coi những thị kiến ấy như chuyện điên rồ và huyền hoặc.

Tuy nhiên, nếu những lời nói, phán đoán, khuyên lơn của họ phù hợp với đức tin, mặc khải, gương các thánh và phong hóa, thì bạn đừng coi thường chúng, kẻo lại là xem thường những thứ thuộc về Thiên Chúa[78]. Nhưng bạn cũng nên thận trọng dè dặt, bởi vì thường trong những cơn cám dỗ tinh thần, điều sai lầm vẫn được ẩn giấu dưới điều chân thật, cái xấu xa được che đậy bởi dáng vẻ đạo đức. Ma quỷ cũng thường sử dụng những đường lối ấy để lừa dối và truyền bá nọc độc dễ dàng hơn cho những người ngây thơ.

Theo tôi nghĩ, trong những dịp như thế, tốt hơn là đừng chú ý đến những chuyện khác thường, mặc dù chúng có vể tốt lành và chân thật. Cứ để mặc chúng, trừ khi nào chúng đến từ những người mà không ai nghi ngờ gì về tính trung thực, khôn ngoan và khiêm tốn, khiến ta có thể chắc chắn rằng những người này không thể rơi vào ảo giác hoặc họ không bị ma quỷ lường gạt.

Kể cả trong trường hợp chấp nhận các thị kiến và những cảm nghiệm siêu nhiên của những người đáng tin cậy, bạn cũng hãy tin chúng không phải bởi vì là thị kiến nhưng bởi vì phù hợp với đức tin Công Giáo, luân lý, những lời nói và giáo huấn của các thánh.

  1. Suy tư và bàn luận trước khi hành động

Phương dược thứ hai. Giả như bạn được thôi thúc bởi một mặc khải hay một cảm nghiệm phi thường để bắt đầu một kế hoạch quan trọng mà bạn chưa có kinh nghiệm, và bạn không chắc điều đó có đẹp lòng Thiên Chúa hay không; trái lại, bạn còn có lý do đúng đắn để nghi ngờ nó nữa. Trong trường hợp này, hãy dành thời gian để suy nghĩ, bàn hỏi trước khi hành động. Trước tiên, hãy cân nhắc các trạng huống của nó, cách riêng là mục đích của nó, để khám phá ra nó có phù hợp với Thiên Chúa không.

Bạn đừng suy xét một mình. Bạn hãy tra cứu Kinh Thánh, kèm theo mẫu gương của các thánh mà ta có thể noi theo. Tôi muốn nhấn mạnh ở “những mẫu gương có thể noi theo”, bởi vì theo thánh Grê-gô-ri-ô, không phải tất cả các thánh đều đáng noi gương. Họ đã làm những điều tốt đối với họ và đáng khâm phục, nhưng không nên bắt chước.

Cuối cùng, nếu bạn vẫn chưa đạt đến kết luận rõ ràng, thì hãy bàn hỏi những người có kiến thức và đạo đức chắc chắn. Các lời khuyên của họ sẽ giúp bạn nhận ra chân lý.

  1. Bước theo những con đường thông thường

Phương dược thứ ba. Nếu bạn được thoát khỏi những cám dỗ mà tôi đã nói đến, hoặc là bởi vì bạn chưa bao giờ trải nghiệm chúng hoặc là bởi vì khi bị cám dỗ, bạn vượt thắng được, thì bạn hãy nâng trái tim và linh hồn lên tới Chúa để dâng lên Ngài những hành vi khiêm tốn tạ ơn, chứ đừng gán cho sức lực, tài trí, công trạng, kỷ luật sống của mình. Đừng nghĩ rằng bạn thoát khỏi những cám dỗ này do may rủi, mà không nhận ra ơn Chúa. Theo lời dạy của các thánh, để trừng phạt những tư tưởng kiêu ngạo, Thiên Chúa đã rút lại ân sủng, để cho con người làm mồi cho những cám dỗ và mưu mô của ma quỷ.

  1. Đừng thi hành những điều quan trọng lúc còn hồ nghi

Phương dược thứ bốn. Nếu bạn trải qua cơn cám dỗ khiến cho mình rơi vào nghi nan, thì đừng nhúng tay vào bất cứ vấn đề quan trọng nào mà bạn chưa quen. Bạn hãy kiềm hãm những ước muốn của con tim và ý chí, chờ đợi với lòng khiêm tốn, kính sợ và tôn trọng cho tới khi Thiên Chúa soi sáng cho bạn. Bởi vì đang khi còn hồ nghi mà bắt tay vào những công việc quan trọng chưa quen thuộc, thì công việc ấy sẽ chẳng đi tới đâu cả. Ở đây, tôi chỉ nói đến việc dự tính những hành động quan trọng và chưa quen thuộc trong khi hồ nghi mà thôi.

  1. Kiên trì thực hành những việc đạo đức thông thường

Phương dược thứ năm. Nếu bạn đã khởi đầu vài công việc tốt đẹp trước khi bạn bị tấn công bởi cám dỗ nghi nan, thì bạn đừng để cho nó ngăn cản sự hoàn thành. Nhất là đừng bỏ việc cầu nguyện, xưng tội, rước lễ, ăn chay và những hành động khiêm tốn mà bạn đã quen thực hiện, mặc dù bạn không hề cảm thấy bất cứ sự ngọt ngào hay an ủi nào trong những việc đó cả.

  1. Phó thác cho ý Chúa

Phương dược thứ sáu. Khi xao xuyến bởi những cơn cám dỗ, hãy nâng trái tim và linh hồn lên tới Chúa, khiêm tốn nài xin Ngài hãy thực hiện điều gì hữu ích cho vinh quang của Ngài và cho phần rỗi của bạn. Hãy bắt ý muốn của mình tùng phục ý muốn của Chúa. Nếu Chúa muốn cho bạn chịu đựng những cám dỗ này, thì hãy vui lòng đón nhận chúng và xin ơn đừng bao giờ xúc phạm đến Người.

PHẦN III: NHỮNG YÊU SÁCH CỦA ĐỜI SỐNG TÂM LINH

[Đời sống tâm linh nhắm đến sự hoàn thiện: “Hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời” (Mt 5,48). Đây là một hành trình năng động, luôn tiến triển. Trong phần thứ ba, tác giả trình bày những động lực thúc đẩy chúng ta tiến tới không ngừng, đặc biệt bằng việc thực thi đức mến]

CHƯƠNG 14: NHỮNG ĐỘNG LỰC THÔI THÚC CHÚNG TA VƯƠN TỚI SỰ HOÀN THIỆN[79]

Tôi vui mừng vì thấy bạn đã bắt đầu quan tâm đến việc làm điều thiện và đặc biệt khao khát tôn vinh Chúa, cho nên tôi ước ao muốn giúp cho bạn kiên trì tiếp tục tiến lên, hoặc ít là gợi lên lòng mong ước. Vì thế, tôi đề nghị một loạt những động lực hầu thôi thúc tâm hồn bạn tiến đến đời sống hoàn thiện hơn. Tuy nhiên, đừng tưởng rằng bạn có thể thực hiện điều này chỉ với sức riêng mình.

  1. Thiên Chúa đáng được yêu mến

Hãy nghĩ xem xét Thiên Chúa đáng được chúng ta yêu thương và tôn thờ biết bao, vì sự tốt lành, khôn ngoan và vô số những điều hoàn thiện khác nơi Ngài.

Nghĩ đến điều ấy, bạn sẽ dễ dàng hiểu rằng điều mà bạn tưởng là quan trọng trong nỗ lực phục vụ Chúa thì trong thực tế lại là quá ít hoặc chẳng là gì, so với điều bạn phải làm cho xứng với những điều hoàn thiện nơi Thiên Chúa và để làm vừa lòng Người.

Tôi đặt động lực này ở hàng thứ nhất, bởi vì trong tất cả các hoạt động của mình, chúng ta phải nhắm đến việc tôn thờ, kính sợ và yêu mến Thiên Chúa. Chỉ có mình Người mới xứng đáng được yêu mến trên hết mọi loài thụ tạo.

  1. Đức Giêsu đã chịu đau khổ vì chúng ta

Bạn hãy suy gẫm về sự khinh thường, sỉ nhục, tước đoạt, đau đớn và cay đắng mà Chúa Giê-su đã sẵn sàng chịu đựng vì yêu thương bạn. Nếu vì lý do ấy mà bạn yêu mến và tôn kính Người, bạn sẽ dễ nhận thấy rằng tất cả những điều bạn có thể làm để chứng tỏ tình yêu và niềm tôn trọng của bạn dành cho Người là quá ít, so với điều mà bạn phải chứng tỏ đối với Người. Động lực này cao cả hơn và hoàn hảo hơn những điều kế tiếp, vì thế tôi xếp vào vị trí thứ hai.

  1. Ơn gọi nên thánh

Bạn hãy nghĩ đến đời sống thanh tịnh và sự hoàn thiện mà Luật Chúa đòi hỏi bạn. Luật Chúa đòi hỏi tâm hồn bạn phải thoát khỏi khỏi mọi nết xấu và tội lỗi, cũng như đầy tràn mọi nhân đức. Đó là ý nghĩa của mệnh lệnh phải yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết tâm trí và hết sức lực của chúng ta[80]. Nghĩ đến đây, bạn sẽ nhận ra những yếu đuối của mình và khoảng cách rất xa giữa sự trong trắng và hoàn thiện mà bạn đang có so với sự hoàn thiện mà Thiên Chúa đòi buộc bạn.

  1. Nhớ lại những ân huệ của Thiên Chúa

Bạn hãy nhớ lại vô vàn những ân huệ của Thiên Chúa, gồm những phúc lộc trần thế cũng như thiêng liêng mà Thiên Chúa đã phân phát cho các thụ tạo và cho bạn cách riêng. Bạn sẽ bị cảm thấy ngay rằng điều bạn đang làm và tất cả những gì bạn có thể làm cho Thiên Chúa trong tương lai đều chẳng là chi so với biết bao nhiêu ơn lành mà Ngài đã tuôn đổ xuống trên bạn.

  1. Niềm vui trên trời

Hãy cố gắng thấu suốt những phần thưởng cao quý và vinh quang đã được hứa ban cho những ai tôn vinh Thiên Chúa bằng cuộc sống thánh thiện của họ. Bạn hãy hiểu rằng vinh quang này tương xứng với đời sống công chính và đạo đức.

Dĩ nhiên, những công trạng của chúng ta không cân xứng gì với vinh quang lớn lao như thế. Vì thế, đến nỗi từ nay về sau, chúng ta hết lòng ước mong sẽ tăng gia những việc tốt lành đạo đức hơn nữa.

  1. Vẻ đẹp của nhân đức và sự bỉ ổi của tội lỗi

Hãy ngắm nhìn vẻ đẹp cao quý của nhân đức, phẩm tính mà các nhân đức tô điểm cho linh hồn, đối lại với sự xấu xí của tội lỗi và sự hèn hạ nơi linh hồn rơi vào nết xấu.

Tư tưởng này dẫn bạn đến việc dùng mọi nỗ lực để vun trồng nhân đức và cẩn thận xa lánh các nết xấu.

  1. Gương các thánh

Hãy suy gẫm về cuộc sống cao thượng và hoàn thiện của các thánh, về các nhân đức vừa đa dạng vừa trổi vượt mà các ngài đã thực hành. Bạn thấy nếp sống của chúng ta còn uể oải, các công việc của chúng ta còn bất toàn chừng nào!

  1. Quá khứ tội lỗi

Ước gì cảm thức về tội lỗi sẽ giúp chúng ta khám phá số lượng và tầm mức trầm trọng của những tội lỗi mà mà chúng ta xúc phạm đến Thiên Chúa. Chúng ta sẽ nhận thức rằng tất cả những công việc đã làm, dù tốt đẹp đến mấy, thì vẫn không cân xứng với những điều xúc phạm và những đền bù mà chúng ta mắc nợ với Thiên Chúa công minh.

  1. Nguy cơ có thể sa ngã

Phàm ai nhận biết những hiểm nguy mà ma quỷ, thế gian và xác thịt gợi lên, thì hẳn là phải cương quyết tìm phương thế để tránh thoát. Họ sẽ thực hành nhân đức cách tối ưu để phòng ngừa những cơn cám dỗ.

  1. Sợ hãi sự phán xét của Thiên Chúa

Bạn hãy nghĩ đến cuộc phán xét công thẳng của Chúa. Bạn hãy chuẩn bị xuất hiện trước tòa Chúa với các công phúc việc lành và những việc đền tội, và bạn sẽ thấy rằng những thực hành nhân đức và sám hối mà bạn đã làm quả chưa thấm vào đâu.

  1. Cuộc đời ngắn ngủi

Hãy suy nghĩ về sự ngắn ngủi của cuộc đời, về cái chết sẽ đến vào lúc ta không ngờ đến. Lúc ấy, bạn sẽ chẳng còn cơ hội để lập công đền tội nữa. Ý tưởng này chắc chắn sẽ khuyến khích bạn thực hành nhân đức cách quảng đại hơn và sẽ dẫn bạn đến sự sám hối nghiêm khắc hơn là điều bạn đang làm.

  1. Những nguy cơ kiêu ngạo và lười biếng

Hãy tâm niệm rằng dù thực hiện nhân đức đến đâu và tiến bộ đến mấy, nhưng nếu bạn không ước mong sống trọn lành hơn và cố gắng vươn tới, ấy là bạn vẫn chưa thắng được tính tự cao tự đại, thói kiêu căng, hoặc tật cẩu thả và lười biếng. Sự hiện diện của những nết xấu này sẽ lôi kéo bạn vào hố sâu các xáo trộn thiêng liêng. Về điểm này tôi có thể trưng ra rất nhiều chứng cứ nếu thời gian cho phép.

Tôi chỉ muốn nói vắn tắt rằng, để thoát khỏi những sự xấu này, bạn phải cố gắng liên lỉ để đạt đến tình trạng hoàn thiện và cao cấp hơn vị trí hiện tại. Trong bài chú giải thánh vịnh 90, khi đề cập đến những kẻ lúc đầu tha thiết trong công việc tâm linh nhưng tưởng rằng mình đã thành công, cho nên đã rơi vào tình trạng suy nhược và nguội lạnh, thánh Bê-na-đô đã nói như sau: “Giả như bạn biết rằng có rất ít sự tốt lành nơi bạn, và ngay cả điều tốt lành đôi chút ấy sẽ chóng tàn nếu Thiên Chúa là Đấng ban ơn cho bạn đã không gìn giữ nó”[81].

  1. Phán đoán sâu thẳm của Thiên Chúa

Hãy nghĩ đến những phán quyết khôn dò của Thiên Chúa dành cho những người đã tiến tới trong đường thánh thiện nhưng sau đó lại rơi vào hố tội lỗi, bởi vì Thiên Chúa đã bỏ rơi họ vì những tật xấu thầm kín mà họ nghĩ là không can chi.

Tôi nghĩ rằng ý tưởng này sẽ giúp cho bạn, dù hoàn thiện thế nào đi nữa, hãy thanh luyện tâm tư mỗi ngày, chỉnh sửa các tật xấu, cố gắng không ngừng để trở nên hoàn hảo và thánh thiện hơn, kẻo một tội kín đáo nào đó sẽ khiến cho bạn lìa bỏ Thiên Chúa.

  1. Hình phạt hỏa ngục

Bạn hãy thường xuyên gợi lên trong tâm trí những đau đớn và khổ sở của những linh hồn bị đọa đày và những kẻ phạm tội. Điều này sẽ giúp cho bạn xem nhẹ những gian lao, việc đền tội, sự sỉ nhục, sự khó nghèo ở đời này, hay ngắn gọn tất cả những thứ bạn chịu đựng vì Chúa, ngõ hầu thoát khỏi các hình khổ. Nỗi sợ hãi và nguy hiểm của việc rơi vào sự đau đớn này sẽ thôi thúc bạn đến nỗ lực nhiều hơn để tránh chúng và đưa bạn đến một cuộc sống càng ngày thánh thiện và hoàn thiện hơn.

CHƯƠNG 15: Ý MUỐN TIẾN TỚI TUỲ THEO NHỮNG HOÀN CẢNH SỐNG ĐẠO

[Trong chương trước, tác giả nêu ra mười bốn động lực để thúc đẩy tiến tới trên đường trọn lành. Trong chương này, tác giả đưa ra áp dụng vào những môi trường sống khác nhau]

Tôi chỉ lướt qua những động lực dẫn đến sự hoàn thiện chứ không giải thích dài dòng, để bạn có thể tập quen suy gẫm với những câu vắn tắt, và mỗi lý do cung cấp chất liệu dồi dào cho việc suy gẫm. Để các động lực này mang lại ích lợi thực sự, bạn không nên chỉ suy nghĩa trong đầu óc mà thôi nhưng còn đưa chúng vào con tim để yêu mến và chuyển sang ý chí để thực hành nữa.

Để giúp đỡ bạn, tôi sẽ lặp lại vắn tắt mỗi lý do ấy để cho thấy rằng chúng chỉ phát sinh công hiệu trong linh hồn khi chúng thâm nhập vào tâm tư và tình cảm .

  1. Những người chiêm ngắm

Động lực đầu tiên sẽ tác dụng mạnh nơi những tâm hồn cao thượng, tức là những người nâng cao tâm hồn và tư tưởng để nhận ra sự cao cả, hoàn hảo và quyền uy của Thiên Chúa, và dồn hết nỗ lực để yêu mến và tôn kính Ngài xứng với tầm cỡ.

  1. Những người suy niệm

Động lực thứ hai sẽ đụng chạm cách riêng những người âu yếm cảm nhận lòng yêu thương và nhân lành vô biên của Đức Giê-su Ki-tô, qua những dấu hiệu mà Người đã bày tỏ qua cuộc Tử nạn. Các linh hồn ấy sẽ bừng lên lòng khao khát muốn đền đáp lòng yêu thường và nhân lành chủa Chúa.

  1. Những kẻ ước mong

Động lực thứ ba sẽ có ích đối với những người hiểu thấu mức độ hoàn hảo mà Thiên Chúa mong muốn nơi các thụ tạo, và họ cố gắng quảng đại thực hành các mệnh lệnh của Ngài vì mong muốn đạt đến sự hoàn thiện ấy.

  1. Những kẻ biết ơn

Động lực thứ tư sẽ tác động trên những người có lòng tri ân. Ý thức sự cao trọng của những phúc lộc và ân sủng mà họ đã nhận được từ nơi Thiên Chúa, họ cố gắng hết sức phục vụ Ngài để đáp lại những hồng ân đã lãnh.

  1. Những người hy vọng

Động lực thứ năm thôi thúc những người khao khát vinh quang Nước Trời và vững lòng trông mong, khiến họ làm tất cả mọi sự để đạt được vinh quang ấy.

  1. Những người cân nhắc

Động cơ thứ sáu sẽ phát sinh hiệu quả nơi các linh hồn ghê tởm các tội lỗi và nết xấu, quy trọng sự hoàn thiện và công chính, quý trọng các ân huệ của Chúa. Đó là những tâm tình mà tất cả các linh hồn cần chiếm hữu cách sâu sắc.

  1. Những người bắt chước

Động cơ thứ bảy chỉ áp dụng cho những người được hấp dẫn bởi đời sống các thánh và mong mỏi noi gương các ngài, đặc biệt những vị hoàn hảo nhất, tựa như là Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, thánh Gio-an Tẩy giả, thánh Gio-an Tông đồ, các thánh Tông đồ và các vị thánh khác mà chúng tôi không thể nào kể hết.

  1. Những người đền tạ

Động lục thứ tám sẽ đánh động những người cảm thấy gánh nặng của tội lỗi đã phạm, và hết lòng mong mỏi đền tạ sự công bình của Thiên Chúa bằng mọi việc lành.

  1. Những người lẩn trốn

 Động lực thứ chín nảy sinh hiệu quả nơi những người ý thức về sự yếu đuối của linh hồn và nguy cơ có thể sa vào những cơn cám dỗ đang bao vây tứ phía. Ý tưởng này thúc đẩy linh hồn hãy trốn tránh những cơ hội xúc phạm Thiên Chúa, cảnh giác để gìn giữ ân sủng.

  1. Những người run sợ

Động lực thứ mười thích hợp cho những linh hồn nhận thức tội lỗi của mình và run sợ khi nghĩ đến cuộc phán xét vào ngày Chung Thẩm dành cho những tội nhân không chịu sám hối.

  1. Những người sợ chết

Động lực thứ mười một có thể tác dụng trên những người vì sợ hãi sự chết nên cố gắng chuẩn bị tâm hồn bằng những việc công phúc.

  1. Những người dao động

Động lực thứ mười hai sẽ hữu dụng đối với những người biết rằng lòng ước ao nên trọn lành và thực hành nhân đức luôn bị pha trộn với sự kiêu căng hoặc tính buông thả. Vì thế, họ tìm mọi cách để tránh hai thói xấu nguy hiểm này.

  1. Những người lo lắng

Động lực thứ mười ba sẽ có ích cho những người quan tâm đến ơn cứu độ, cho nên lo lắng giữ gìn kẻo mất ơn nghĩa với Thiên Chúa.

  1. Những người sợ hình phạt

Động lực thứ mười bốn sẽ đánh động những người năng suy gẫm về các hình phạt vĩnh cửu mà Thiên Chúa sẽ giáng xuống trên những kẻ tội lỗi; vì thế họ cố gắng để thoát khỏi những sự trừng phạt này bằng việc ăn năn sám hối.

Tóm tắt

Các động lực vừa rồi có thể tóm vào hai điểm:

  • Một, nhìn nhận chúng ta bất toàn, khốn nạn, hư không;
  • Hai, ước mong sống cuộc đời hoàn hảo hơn.

Hai tâm tình này liên kết chặt chẽ với nhau. Do đó, ý thức về sự bất toàn và hư vô cần phải đi kèm với lòng ước ao đạt tới sự hoàn thiện, và ngược lại.

CHƯƠNG 16: HAI NGUYÊN TẮC CHÍNH CỦA ĐƯỜNG TÂM LINH

[Trong những chương chót, tác giả tóm tắt những tư tưởng căn bản dưới hình thức những châm ngôn ngắn ngọn. Cách riêng, trong chương này, đạo lý về đời sống tâm linh được thu tóm vào hai nguyên tắc căn bản: khiêm tốn từ bỏ bản thân; kết hợp với nhân tính Đức Kitô].

Phàm ai muốn thoát khỏi những mưu mô và cám dỗ của ma quỷ, đặc biệt lúc cuối đời, hãy tự khắc phục bởi hai tâm tình sau đây:

  1. Khiêm tốn từ bỏ mình

Trước tiên, hãy tự coi mình như một xác chết đầy giòi bọ và đang tan rữa, một xác chết hôi thối mà bất cứ người nào đến gần đều kinh tởm phải bịt mũi để khỏi ngửi và ngoảnh mặt đi để khỏi nhìn[82]. Vì thế, hỡi người anh em yêu mến của tôi, đó là điều mà bạn và tôi, chúng ta cần phải làm. Tôi còn hơn là bạn, bởi vì tôi thực sự cảm thấy rằng mình chẳng là gì ngoài sự hư hoại của thân xác và linh hồn. Nơi tôi chỉ có mùi hôi thối của tội lỗi cộng thêm vô vàn điều kinh tởm. Tệ hơn nữa, tình trạng này không ngừng lặp lại và gia tăng nơi tôi mỗi ngày.

Bên cạnh sự kinh tởm về sự xấu xa của mình, linh hồn của người công chính còn phải hạ mình xuống trước sự hiện diện của Thiên Chúa là Đấng đã nhìn thấu mọi sự, và mai ngày sẽ là vị thẩm phán nghiêm khắc. Khi ấy, linh hồn sẽ cảm thấy một nỗi đau đớn lớn lao do những lỗi lẫm đã xúc phạm đến Thiên Chúa, đã đánh mất ân sủng mà Máu của Chúa Kitô đã thủ đắc trên thập giá và được ban cho linh hồn nhờ bí tích Thánh Tẩy.

Linh hồn cảm thấy xấu hổ thẹn thùng trước mặt Thiên Chúa, trước mặt các thiên thần và các thánh trên trời cũng như trước trước mặt tất cả mọi người nữa. Vì thế linh hồn sẵn lòng chấp nhận cho người đời khinh thường mình, xa tránh mình để khỏi thấy và ngửi sự hư hoại, gạt bỏ mình như một xác chết hoặc một người phong hủi kinh tởm. Và cứ như vậy cho đến khi nào Thiên Chúa thương đến thăm viếng linh hồn, và chữa lành cho nó.

Đối với thân thể của mình, linh hồn nên thâm tín rằng người đời không bất công sai trái trong việc đối xử với mình bởi vì quả thật mình đáng tội; giả như họ có móc mắt, chặt tay, xẻo mũi, cắt tai, đánh đập tra tấn, hành hạ các cơ thể. Người ta làm như thế cũng là phải, bởi vì linh hồn đã dùng các giác quan để xúc phạm Thiên Chúa, là Đấng đã tạo thành nên nó.

Linh hồn hãy ước ao chịu bỏ rơi và chịu sỉ nhục, hãy đón nhận cách vui tươi những sự khiển trách, mắng nhiếc, vu khống và mọi thứ lăng nhục.

  1. Kết hợp với nhân tính của Đức Giêsu

Ngoài ra, cần biết coi rẻ chính mình. Hãy thâm tín rằng những hành động đạo đức và đời sống qua khứ đều chẳng là gì. Kế đó bạn hãy hướng về Chúa Giê-su, đặt mình trong lòng bàn tay của Đấng cứu độ, Đấng trở nên nghèo khó, khiêm tốn, bị sỉ nhục và nhận lãnh cái chết tàn ác nhất vì tình yêu dành cho chúng ta.

Do vậy, hãy tiêu diệt những cảm giác và những yêu thích thuộc con người hèn hạ, ngõ hầu chính Đức Giê-su Ki-tô chịu đóng đinh có thể sống trong bạn. Hãy để con người chúng ta biến đổi hoặc thay hình đổi dạng, đến độ không còn có bất cứ tình cảm nào trong tâm hồn, không còn nghe, nhìn, cảm bất cứ đối tượng nào khác ngoài Đức Giê-su, Đấng chịu đóng đinh trên thập giá và chịu chết vì chúng ta, theo gương của Đức Trinh Nữ Ma-ri-a. Như vậy, một khi đã hoàn toàn chết cho thế gian, linh hồn bạn chỉ còn sống trong đức tin[83]. Quả vậy, linh hồn hãy sống trong đức tin, chờ đợi ngày phục sinh vinh quang; lúc ấy, Chúa Giê-su sẽ lấp đầy niềm vui thiêng liêng và những ơn của Chúa Thánh Thần cho bạn và cho tất cả những ai muốn đổi mới Giáo hội bằng đời sống các tông đồ và sự thánh thiện.

Vì vậy, hãy chú tâm cầu nguyện, suy niệm và nuôi dưỡng những tâm tình lành thánh, để bạn có thể đạt đến những ân sủng và quà tặng của Thiên Chúa.

CHƯƠNG 17: NHỮNG TÂM TÌNH CỦA NGƯỜI MUỐN KẾT HỢP VỚI CHÚA

[Trong chương này, tác giả tìm cách diễn tả hai chân lý căn bản nói trên ra đời sống cụ thể hằng ngày, qua những tâm tình đối với Thiên Chúa, đối với bản thân, đối với tha nhân, đối với những việc thế sự]

  1. Những tâm tình của chúng ta đối với Thiên Chúa có thể được tóm lại đến bảy điều sau đây:

Thứ nhất, yêu mến Thiên Chúa với một tình yêu tha thiết và nồng nàn.
Thứ hai, kính sợ Ngài trên hết mọi sự.
Thứ ba, dâng lên Ngài vinh quang và tôn kính.
Thứ tư, nhiệt tâm bền vững trong việc phục vụ Thiên Chúa.
Thứ năm, tạ ơn và ngợi khen.
Thứ sáu, vâng phục mau mắn trong hết mọi sự.
Thứ bảy, ước ao thích thú với những sự trên trời.

Những tâm tình này khiến ta không ngừng thưa với Chúa: “Lạy Chúa Giê-su, xin đổ đầy xuống tâm hồn trí tuệ và xương cốt của con lòng kính sợ và tôn kính dành cho Ngài; xin khiến con cháy lên một sự nhiệt tình tha thiết đối với vinh quang của Ngài; nhờ nhiệt tình đó, con biết kinh tởm tất cả những sự lăng nhục gây ra cho Ngài, cách riêng những lăng nhục mà chính con đã gây ra hoặc người khác đã gây ra do lỗi của con.

 Xin ban cho con là thụ tạo của Chúa, lòng khiêm tốn sâu xa để con có thể tôn thờ Ngài như là Chủ Tể tuyệt đối và toàn năng, để con tạ ơn Ngài vì vô vàn ân huệ con đã nhận được. Xin thương ban cho con được ca ngợi và chúc tụng Ngài không ngừng với tâm hồn tràn đầy niềm vui, và biết vâng phục Ngài trong tất cả mọi sự hầu một ngày nào đó con có thể hưởng nếm sự ngọt ngào vô tận trong bàn tiệc muôn đời của Ngài, cùng với các thiên thần, các thánh Tông đồ và toàn thể các thánh, mặc dù con không xứng đáng hưởng một đặc ân quá lớn như thế bởi vì con đã bao lần vô ơn bạc nghĩa”.

  1. Những tâm tình cần có đối với bản thân

Đối với bản thân, bạn hãy có bảy tâm tình sau đây:

Thứ nhất, khiêm tốn hạ mình vì những lỗi lầm và sự bất toàn của bạn.

Thứ hai, khóc lóc đau đớn về những tội lỗi đã phạm, bởi vì chúng xúc phạm đến Thiên Chúa và làm ô uế linh hồn.

Thứ ba, ước mong bị coi thường, hạ thấp và bị mọi người giẫm đạp dưới chân giống như một vật tồi tệ và hư hỏng.

Thứ tư, hành hạ thân xác với những khổ chế nghiêm khắc nhất, và mong cho nó bị đối xử như là rác rưởi của tội lỗi, một hố phân, một huyệt mả kinh tởm.

Thứ năm, thù ghét ghê gớm đối với tội lỗi, và những khuynh hướng xấu là nguồn nảy sinh tội lỗi.

Thứ sáu, không ngừng canh chừng các giác quan, tất cả những hành động và tài năng của linh hồn, để bạn luôn có thể luôn sẵn sàng thực thi nhân đức và những việc thiện.

Thứ bảy, giữ quân bình điều độ trong mọi sự, biết phân định sự trung dung giữa thừa thãi và thiếu hụt, giữa thái quá và bất cập, giữa cần thiết và xa xỉ; ngõ hầu mọi việc đều diễn ra trong trật tự hài hoà.

  1. Những tâm tình cần có đối với tha nhân

Chúng ta cũng nên cố gắng vun trồng bảy tâm tình đối với tha nhân.

Thứ nhất, với lòng rộng lượng trắc ẩn, hãy cảm thông với tha nhân trong những lúc ưu phiền và bất hạnh, coi đó dường như là của chính chúng ta vậy.

Thứ hai, vui mừng khi thấy tha nhân thịnh đạt, như là thành công của chúng ta vậy.

Thứ ba, bình tĩnh chịu đựng và sẵn sàng tha thứ những xúc phạm người ta gây cho bạn.

Thứ tư, nhã nhặn và dịu dàng đối với tất cả mọi người, mong muốn điều tốt cho họ, và bày tỏ tâm tình này bằng lời nói và việc làm.

Thứ năm, khiêm tốn tôn kính người khác, xem họ lớn hơn mình, và vui vẻ phục tùng họ như những người làm chủ.

Thứ sáu, sống bình an và hòa hợp với tất cả mọi người, làm theo ý kiến của họ trong tầm mức hợp lý và công bắng theo luật Thiên Chúa, ngõ hầu chỉ có một tâm tình và một chí hướng giữa chúng ta.

Thứ bảy, sẵn sàng hy sinh tính mạng của mình vì ơn cứu độ của những người anh em chúng ta, theo gương Chúa Giê-su. Cầu nguyện và làm việc ngày đêm để làm cho mọi người yêu mến Chúa Giê-su và khiến họ xứng đáng để được Người yêu thương.

Từ những điểm vừa nói, bạn đừng kết luận rằng chúng ta không nên xa lánh những phường bất lương gian ác. Thực vậy, không có gì nguy hiếm hơn là giao du với họ. Mỗi khi những người gian ác nguội lạnh ngăn cản hoặc làm đình trệ hoàn thiện của bạn, thì bạn hãy xa tránh như tránh loài thú dữ và rắn độc. Không cục than nào, dù đỏ rực đến mấy, mà không bị tắt lịm khi bỏ vào nước, cũ; cũng như không có cái gì đông lạnh mà không bị hâm nóng khi gặp lửa cháy.

Nếu việc lui tới với những người này không gây nguy hiểm cho bạn, thì hãy ngoảnh mặt đừng nhìn những khuyết điểm của họ. Giả như bạn không thể tránh nhìn chúng, thì hãy chịu đựng những điều đó với lòng thương cảm.

  1. Những thái độ cần có đối với những vật trần thế

Để tạo cho bạn những lời khuyên hữu ích về những sự việc thuộc thế tạm và những sự việc trên trời, bạn hãy lưu ý bốn điểm sau đây.

Thứ nhất, hãy xem chính mình như một người lữ hành trên mặt đất này[84], và hãy xem mọi sự đều như là xa lạ, đến nỗi ngay cả chiếc áo bạn đang mặc cũng coi như thuộc về một kẻ xa lạ.

Thứ hai, trong những vật dụng mỗi ngày, hãy tránh những đồ thừa thãi như tránh thuốc độc, hoặc như bãi san hô dễ làm tàu mắc cạn.

Thứ ba, trong những đồ vật mà Dòng cho phép sử dụng, tập cho mình làm quen với thiếu thốn nghèo khó, vì đó chiếc thang huyền nhiệm dẫn đưa chúng ra đến kho tàng trên trời.

Thứ bốn, xa lánh việc lui tới, giao thiệp với những kẻ giàu có và những kẻ quyền thế, tuy vẫn không được khinh chê họ. Hãy lấy làm vinh dự vì được quen biết những người nghèo khó. Niềm vui của bạn là nhớ đến họ, là thăm viếng và chuyện trò với họ, tuy dù họ là những kẻ thiếu thốn, bị khinh chê, nhưng họ là hình ảnh sống động của Đức Ki-tô. Thật là một vinh dự đặc biệt và một niềm vui lớn lao cho bạn khi được gần gũi và phục vụ họ.

CHƯƠNG 18: BẬC THANG TRỌN LÀNH

[Trong chương này tác giả sử dụng hình ảnh chiếc thang để nói đến những cấp bậc trọn lành. Ta có thể phân biệt 15 cấp độ thành ba chặng của đạo lý cổ truyền: thanh luyện, chiếu sáng, kết hiệp]

Có 15 cấp độ hoàn thiện không thể thiếu được đối với những ai khao khát phụng sự Thiên Chúa trong đời sống tâm linh.

  1. Con đường khai tâm

Thứ nhất, hiểu biết rõ ràng và hoàn hảo về những yếu đuối và sai lầm của bản thân.

Thứ hai, can đảm chống lại những khuynh hướng xấu, những ước muốn và đam mê trái ngược với lý trí; nói ngắn gọn, chống lại mọi đam mê phóng túng.

Thứ ba, sợ hãi vì những tội lỗi mà chúng ta đã trót phạm mất lòng Chúa, bởi vì chúng ta không biết chúng ta đã đền tội đầy đủ chưa, đã trở lại với tình trạng ơn nghĩa với Chúa chưa.

Thứ tư, lo rằng sự yếu nhược nơi chúng ta sẽ đưa ta rơi vào những sự sai lầm tương tự hay thậm chí còn lớn hơn nữa.

Thứ năm, kiềm chế và kiểm soát chặt chẽ các giác quan, ngõ hầu thân xác quy phục linh hồn trong việc phục vụ Chúa Ki-tô.

Thứ sáu, can đảm và kiên nhẫn trong những cám dỗ và nghịch cảnh

Thứ bảy, mạnh mẽ xa lánh sự giao du với những người và bất cứ thứ gì khác có thể là nguyên nhân hoặc cơ hội phạm tội, hoặc chỉ là nguyên cớ cho vài sự bất toàn hay lạnh nhạt trong đời sống tâm linh.

  1. Con đường chiếu sáng

Thứ tám, mang nơi mình thập giá của Chúa Giê-su, với bốn cánh tay: cánh tay thứ nhất khổ chế các đam mê xấu, cánh tay thứ hai là từ bỏ tất cả những của cải tạm bợ nơi trần thế, cánh tay thứ ba là khước từ tình cảm tự nhiên với những người thân thuộc của mình, và cánh tay thứ tư là khinh chê và từ bỏ bản thân.

Thứ chín, gìn giữ một ký ức liên tục về tất cả những ơn phước chúng ta nhận được từ Thiên Chúa nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, kể từ khi sinh ra cho đến nay.

Thứ mười, kiên trì cầu nguyện suốt ngày đêm.

  1. Con đường kết hiệp

Thứ mười một, cảm nghiệm liên tục niềm vui thích thánh thiện ở nơi Thiên Chúa[85].

Thứ mười hai, khao khát mãnh liệt cho đạo thánh Chúa được tôn vinh; nghĩa là, khao khát rằng Chúa Giê-su được nhận biết, yêu mến và tôn kính bởi tất cả mọi người trong thế gian này.

Thứ mười ba, cảm thông thương xót với những nhu cầu của người thân cận trong hết mọi hoàn cảnh.

Thứ mười bốn, luôn luôn tạ ơn Thiên Chúa, tôn vinh Ngài trong mọi sự, và ca ngợi Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, mãi mãi.

Thứ mười lăm, sau khi đã làm những gì đã nói trên đây, chúng ta thâm tín rằng chưa đến đâu cả Đức Giê-su Ki-tô đã dạy: “Khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi”[86] (Lc 17,10).

CHƯƠNG 19: NHỮNG CHỈ DẪN THỰC TIỄN

[Trong chương cuối cùng, tác giả cô đọng những đạo lý vào năm lời khuyên thực tiễn dưới hình thức của “bộ ba”]

  1. Đức khó nghèo

Đức khó nghèo theo Tin Mừng có ba nền tảng:

Thứ nhất, khước từ mọi quyền lợi chính đáng;
Thứ hai, sử dụng điều độ những của cải trần thế;
Thứ ba, yêu mến những gì mà đức khó nghèo đòi buộc.

  1. Việc kiêng khem

Có ba điều liên quan đến việc kiêng khem:

Thứ nhất, làm suy giảm những ham muốn xác thịt và điều mà Kinh Thánh gọi là những mối bận tâm đến các nhu cầu của cuộc sống;
Thứ hai, đừng băn khoăn về lượng và phẩm của thức ăn;
Thứ ba, sử dụng cách điều độ những gì được dọn ra.

Những điều phải tránh[87]

Chúng ta nên tránh và sợ hãi ba thứ:

Thứ nhất, bên ngoài: bận tâm với những công chuyện làm ăn;
Thứ hai, bên trong: tìm công danh địa vị;
Thứ ba, quyến luyến của cải trần gian, những cảm nghĩ trần tục.

Những gì phải kiếm tìm

Chúng ta phải tìm kiếm ba điều:

Thứ nhất, khinh thường bản thân, và ước ao được người khác coi thường;

Thứ hai, cảm thương Chúa Giê-su chịu đóng đinh trên thập giá;

Thứ ba, sẵn sàng chịu bách hại và kể cả chịu chết vì danh Đức Giê-su Ki-tô và vì Tin Mừng của Người.

Đó là ba điều mà suốt ngày chúng ta cần suy niệm và nài xin Thiên Chúa qua những lời kinh nguyện tha thiết.

  1. Những điều phải gẫm

Tiếp nữa, có ba đối tượng mà chúng ta nên suy gẫm thường xuyên:

Thứ nhất, Đức Giê-su Ki-tô qua cuộc Nhập thể, Khổ nạn và các mầu nhiệm khác;

Thứ hai, cuộc đời của các tông đồ và của các thánh trong Dòng chúng ta để noi gương bắt chước;

Thứ ba, đời sống gương mẫu mực của những con người sống Tin Mừng[88]. Họ là những người sống khó nghèo, đơn sơ, xả kỷ, đoàn kết với nhau trong đức ái; họ không nghĩ, không nói, không khao khát sự gì ngoại trừ chính Đức Giê-su Ki-tô và Đức Ki-tô chịu đóng đinh[89]; họ chỉ có một mối quan tâm duy nhất là vinh quang của Thiên Chúa và của các thánh, nên họ không ngừng khát mong đạt đến điều ấy, ngóng chờ cái chết đến giống như thánh Phao-lô: “Tôi khao khát chết đi để được ở với Đức Giê-su Ki-tô”[90]. Họ sẽ được dự phần vào kho tàng vô tận trên trời. Họ sẽ chìm ngập trong nguồn mạch của niềm vui muôn đời không thể nào diễn tả nổi, và sẽ được thỏa mãn với sự ngọt ngào vô biên.

Chúng ta hãy hình dung những con người ấy đã hát bài ca thiên thần khi còn ở trần thế bằng tiếng đàn của con tim, ngây ngất với việc chiêm ngưỡng. Việc suy niệm những điều ấy sẽ gợi lên trong bạn niềm trông mong cho thời buổi ấy được thể hiện. Nó sẽ mang lại cho tâm trí ta luồng sáng đánh tan đám mây của nghi ngờ và u mê ngu dốt, nhận ra những sai lầm của thời đại chúng ta, và kế hoạch nhiệm mầu của Thiên Chúa đối với các dòng tu được khai sinh từ buổi đầu của Hội thánh hoặc sẽ xuất hiện cho đến thời hoàn tất vinh quang của Chúa Giê-su, Đấng Cứu chuộc chúng ta.

Bạn hãy mang Đức Giê-su Ki-tô đã chịu đóng đinh trong tâm hồn, ngõ hầu một ngày kia Người sẽ mời bạn tham dự vào trong vinh quang bất diệt của Người. Amen.

————————————–

[1] Theo lưu truyền, thì để giữ cho tu viện tránh cảnh huyên náo, cha bề trên đã truyền cha Vicente không được làm phép lạ nữa. Một hôm đang đi đường, thấy một anh thợ nề từ cao té ngã, ngài bảo anh dừng lại chơi vơi giữa trời để chạy về xin  bề trên được phép cứu anh!. Dù sao, ngay tại Việt Nam, ở các “địa phận Dòng”, thánh nhân vốn nổi tiếng hay làm phép lạ. Tiếc rằng từ khi thầy Martinô Porres được phong thánh, ngài bị bỏ rơi!

[2] H. Fages, Histoire de saint Vincent Ferrier, Apôtre de l=Europe, 2 vol., Paris 1892-94. Notes et documents de l=histoire de saint Vincent Ferrier, 2 vol., Paris 1905. Procès de la canonization de saint Vincent Ferrier, Paris 1904. Oeuvres de saint Vincent Ferrier, Paris 1909.

[3] Thánh  phó tế của giáo phận Saragoza, tử đạo tại Valencia khỏang năm 304/5 (lễ kính 22/1). Nên lưu ý,  quen được phiên âm là Vinh sơn. Từ “sơn” nhắc tới ngọn núi; nhưng trong nguyên ngữ Latinh, Vincentius nói lên sự chiến thắng (vincere, vincens).

[4] Xin nhắc lại vài niên biểu. Do lời khẩn khỏan của thánh Catarina Siena, năm 1376 Đức Grêgôriô IX (người Pháp) rời bỏ Avignon trở về Rôma. Sau khi ngài qua đời (27/3/1378), các hồng y bầu Đức Urbanô VI (người Ý) lên kế vị. Vị tân giáo hoàng tìm cách hạn chế ảnh hưởng của các hồng y người Pháp (được bổ nhiệm trong thời kỳ giáo triều được đặt tại Avignon). Các hồng y người Pháp bất mãn, bầu một người đồng hương làm giáo hoàng – Clementê VII – ngày 20/9/1378, và dời giáo đô về Avignon. Thế là Giáo hội có hai giáo hoàng: Urbanô VI (1378-1389) ở Rôma và Clementê VII (1378-1394) ở Avignon. Dòng Đaminh cũng bị phân tán thành hai phe, mỗi phe ủng hộ một giáo hoàng (Elias Raymond theo Avignon, Raymundo Capua theo Roma). Sự phân chia không phải chỉ do vùng địa lý (Pháp – Italia), nhưng thậm chí ngay trong tu viện Valencia, anh em cũng chia làm hai phe. Trong tác phẩm nói trên, cha Vicentê chứng minh rằng cuộc bầu cử Giáo hòang Urbanô VI là vô hiệu, và bênh vực Giáo hòang Clêmentê.

[5] Năm 1389, Tỉnh hội đã trao chức Praedicator generalis cho cha Vicentê đã có học vị Magister in s. Theologia. Các sử gia không thể xác định cha đã thi bằng Magister ở đâu và lúc nào.

[6] Theo các sử gia, Vicentê đã trải qua một cuộc khủng hỏang. Bị mắc bệnh gần chết, cha nhận được một thị kiến ngày 3/10/1298,  làm biến đổi cuộc đời. Chúa Cứu thể (cùng với hai thánh Đaminh và Phanxicô) hiện ra chữa lành, và sai cha đi rao giảng Tin mừng. Cha thuật lại thị kiến này cho ĐGH Bênêđictô XIII. Một năm sau, ngày 22/11/1399, cha lên đường.

[7] Các bức họa thường trình bày thánh Vicentê như là “thiên thần Khải huyền” kèm theo câu trích dẫn “Timete Deum et date illi honorem, quia venit hora iudicii eius” (Apoc. 14,7), khiến ta có cảm tưởng rằng đầu đề của các bài giảng của thánh nhân là ngày tận thế đã gần kề! Thực ra đề tài thế mạt (Kitô giả, Quỷ vương) thường gặp thấy nơi các nhà giảng thuyết đương thời, sống vào thời đại khủng hoảng luân lý tôn giáo và xã hội (Giáo hội chia rẽ, chiến tranh, dịch tễ). Tuy nhiên, tận thế không phải là trọng tâm của các bài giảng của cha Vicentê. Trong chương cuối của Khảo luận về đời sống tâm linh, cha đề nghị các tập sinh hãy lấy Chúa Kitô làm chủ đề suy gẫm: Đức Kitô chịu khổ nạn và phục sinh; Đức Kitô được biểu lộ nơi cuộc sống của các thánh nhân; Đức Kitô hạnh phúc của những người đã đi theo con đường bát phúc. Đó mới thực là ý nghĩa cánh chung cứu độ (chứ không phải là nỗi kinh hòang của ngày tận thế).

[8] Sau khi đã ép Gioan XXIII và Grêgôriô XII từ chức, và bất chấp sự ngoan cố của Bênêđictiô XIII.

[9] Về tiểu sử thánh Vicentê bằng tiếng Việt, xem:  Andrew Pradel O.P., Thánh Vinh Sơn Phêriê, Học viện Đaminh, Nhà xuất bản Thời Đại,  Hà Nội 2014.

[10] X. Adolfo Robles Sierra, Introduccion al Tratado de la Vida Espiritual, Valencia 1996.

[11] Xc. Hiến pháp tiên khởi của dòng Đaminh,  Lời tựa.

[12] Xc. Cv 1,1

[13] Xc. Pl 3,8

[14] LUDOLPHUS DE SAXONIA, Vita Christi, I, c. 71; cf. VENTURINO DE BERGAMO, Tractatus et epistolae spirituales, 5. p. 98.

[15] Xc. 2 Cr 8,9

[16] Vào thời của thánh Vincentê, sách vở còn hiếm và đắt tiền. Các tu viện phải chu cấp những sách cần thiết cho việc thi hành tác vụ bằng cách trang bị các thư viện chung.

[17] Mt 11, 25-29

[18] Mt 5,3

[19] Để hiểu những quy tắc xem ra nghiêm khắc về sự thinh lặng, thiết tưởng nên biết tập tục của Dòng Giảng thuyết, nơi mà hiến pháp đã gọi “thinh lặng là cha của giảng thuyết” (silentium pater praedicatorum).

[20] LUDOLPHUS DE SAXONIA, Vita Christi, I, c. 58.

[21] Mt 5,8: “Phúc cho ai cho tâm hồn thanh sạch vì họ sẽ được nhìn thấy Chúa”.

[22] Tv 75,3

[23] 1 Cr 6,17

[24] Xc. Mt 16,24

[25] Is 5,20

[26] Is 38,14

[27] LUDOLPHUS DE SAXONIA, Vita Christi, II, c. 20.

[28] Ga 6,15

[29] Hr 12,2

[30] Is 64,5

[31] LUDOLPHUS DE SAXONIA, Vita Christi, I, c. 16.

[32] Tv 39,3

[33] LUDOLPHUS DE SAXONIA, Vita Christi, I, c. 16.

[34] Ibid.

[35] Pl 1,6

[36] LUDOLPHUS DE SAXONIA, Vita Christi, I, c. 16.

[37] Pl 3,8

[38] LUDOLPHUS DE SAXONIA, Vita Christi, I, c. 16.

[39] 1 Cr 12,3

[40] Ga 15,5

[41] Is 26,12

[42] Tv 115,1

[43] Ga 15,5

[44] Xc. St 28,12-13.

[45] 1 Tm 2,4

[46] Lc 10,16

[47] Xc. Constitutiones primaevae O.P. Hiến pháp tiên khởi dòng Đaminh . I, 6; VENTURINI DE BERGAMO, Tractatus et epistolae spirituales, 5, p. 95.

[48] Nên nhớ là bên Âu châu, bánh mì là lương thực căn bản, cũng tương tự như cơm ở Việt Nam.

[49] Trong hiến pháp dòng Đaminh (cho tới công đồng Vaticanô II) cũng như trong các dòng đan tu, các tu sĩ phải giữ chay từ lễ suy tôn Thánh giá (14 tháng 9) cho đến lễ Phục sinh năm sau. Vào những ngày chay, chỉ được dùng một bữa no; các ngày không giữ chay thì được ăn hai bữa. Vào thời thánh Vincentê, kinh giờ Chín (ora Nona) được đọc sau bữa trưa, kinh Đêm (Matutinum) được đọc vào giữa khuya (ngày nay được thay thế bằng Kinh Sách, nhưng có thể đọc bất cứ lúc nào trong ngày, chứ không buộc đọc vào ban đêm nữa).

[50] Xc. VENTURINO DE BERGAMO, Tractatus et epistolae spirituales, 7, p. 106.

[51] Xc. Constitutiones primaevae O.P. I, 6; GUILLAUME de SAINT-THIERRY, Epistola ad fratres de Monte Dei (PL 180, 329).

[52] Hc 2,4; Mt 18,26.

[53] Xc. Mt 27, 34; Tv 68, 22.

[54] LODULFO DE SAJONIA, Vita Christi, II, c. 63,

[55] Tu luật thánh Âu tinh, chương 5, câu 5, được trích dẫn trong Hiến pháp của Dòng Anh em giảng thuyết.

[56] Lời chúc tụng trước khi ăn, xem hiến pháp tiên khởi của dòng. Xc. Benedictio ante collationem, Constitutiones primaevae O.P. I, 7.

[57] LUDOLPHUS DE SAXONIA, Vita Christi, II, c. 63.

[58] LUDOLPHUS DE SAXONIA, Vita Christi, II, c. 63;  VENTURINO DE BERGAMO, Tractatus et epistolae spirituales, 9, p. 118.

[59] Tv 2,11

[60] Tv 2,12

[61] Cl 1,23

[62] LUDOLPHUS DE SAXONIA, Vita Christi, I, c. 16.

[63] Rm 12,11

[64] Ở đây thánh Vincentê tiếp nhận truyền thống của dòng Xitô về việc suy gẫm về cuộc khổ nạn của Chúa và bắt chước Chúa Kitô. Truyền thống này cũng được nối dài nơi thánh Bônaventura và các tác giả khác.

[65] Dc 2,14

[66] Kn 8,1

[67] Xin nhắc lại là thời xưa, kinh Đêm được đọc vào nửa đêm (vết tích còn để lại là lễ Nửa đêm mừng Chúa Giáng sinh), kéo dài ít là một giờ nếu hát tất cả 9 thánh vịnh. Có nơi nguyện kinh Đêm muộn hơn, và sau đó nghỉ một lát và bắt đầu Kinh Sáng.

[68] Cho đến giữa thế kỷ XX, các tu sĩ dòng Giảng Thuyết thường xuyên mặc cappa (áo choàng đen). Thánh Vicentê cho phép bỏ cappa vào mùa hè (khí hậu nóng nực), và chỉ giữ lại scapulare (áo che vai màu trắng, quen gọi là áo phép, hoặc áo Đức Mẹ). Vào thời ấy, các tu sĩ mặc áo dòng thường xuyên: áo dòng là y phục che thân, mặc cả ngày đêm, chứ không phải chỉ là “áo chức” khoác vào khi cử hành phụng vụ.

[69] LUDOLPHUS DE SAXONIA, Vita Christi, II, c. 6.

[70] Ibid.

[71] Mt 18,10

[72] Xc.1 Cr 13,12

[73] 1 Cr 14,15

[74] Xc. 1 Ga 2,27

[75] 2 Tm 2,14

[76] Từ khúc này trở đi, các học giả tranh luận về các nguồn mà thánh Vincentê sử dụng như LUDOLPHUS DE SAXONIA, Vita Christi, II, c. 41; VENTURINI DE BERGAMO, De remediis contra tentationes spirituales, Ed. 1904, Pars secunda, pp.  136-145. X. PEDRO OLIVI, Spirituali e Beghini in Provenza, Roma 1959, pp. 282-287.

[77] “Phản Ki-tô” (Antrichristus),  đôi khi cũng được dịch là “Quỷ Vương” hay “Kitô giả”, là một biểu tượng được Tân ước sử dụng để nói đến một nhân vật tự xưng là Mêsia của thời chót. X. Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo số 675-676.

[78] 1 Tx 5,20

[79] LUDOLPHUS DE SAXONIA, Vita Christi, II, c.41; VENTURINO DE BERGAMO, II, pp. 131-134; PEDRO OLIVI, Spirituali e Beghini in Provenza, pp. 278-281.

[80] Lc 10,25-28

[81] BERNARDUS, Comm. in psalm. “Qui habitat”, I (PL 183,1878).

[82] LUDOLPHUS DE SAXONIA, Vita Christi, I, c.16.

[83] Xc. Gl 2, 20; LUDOLPHUS DE SAXONIA, Vita Christi, I, c.16.

[84] Xc. Tv 38, 13.

[85] Tv 33,9

[86] Lc 17,10

[87] Xc. VENTURINI DE BERGAMO, Tractatus et epistolae spirituales, 9, pp. 119-120.

[88] Theo các sử gia, thánh Vicentê mô tả một thời đại mà Giáo hội sẽ được canh tân nhờ những con người thánh thiện, sống theo Tin mừng.

[89] 1 Cr 2,2.

[90] Pl 1,23.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here