SỨ ÐIỆP PHỤC SINH URBI ET ORBI
CỦA ÐỨC THÁNH CHA BENEDICT XVI
Chúa Nhật 08 Tháng 04 Năm 2012
***
***
Anh chị em ở Roma và trên toàn thế giới thân mến!
“Surrexit Christus, spes mea” – “Chúa Kitô, niềm hy vọng của tôi đã sống lại”[1]
Ước gì tiếng nói vui mừng của Giáo Hội vang vọng đến tất cả anh chị em qua những lời mà bài thánh thi cổ đặt trên môi miệng của Maria Magdalena – là người đầu tiên gặp Chúa Giêsu sống lại vào buổi sáng Phục Sinh. Bà chạy đến gặp các môn đệ khác, và vui mừng loan báo: “Tôi đã thấy Chúa!” (Ga 20,18). Cả chúng ta, là những người đã đi qua sa mạc mùa Chay và những ngày Khổ Nạn đau buồn, hôm nay chúng ta cất lên tiếng kêu chiến thắng: “Chúa đã sống lại! Ngài đã sống lại thật!”.
Mỗi Kitô hữu lại trải qua kinh nghiệm của Maria Magdalena. Đó là một cuộc gặp gỡ làm đổi đời: cuộc gặp gỡ một Người duy nhất làm cho chúng ta cảm nghiệm trọn vẹn lòng nhân từ và chân lý của Thiên Chúa, Đấng giải thoát chúng ta khỏi sự dữ, không phải một cách hời hợt và thoáng qua, nhưng là giải thoát tận căn, chữa lành chúng ta hoàn toàn và phục hồi phẩm giá cho chúng ta. Đó là lý do tại sao bà Maria Magdalena đã gọi Chúa Giêsu là “niềm hy vọng của tôi”: vì chính Chúa đã cho bà được tái sinh, ban cho bà một tương lai mới, một đời sống tốt đẹp, được giải thoát khỏi sự dữ. “Chúa Kitô là niềm hy vọng của tôi” có nghĩa là mọi ước muốn điều thiện hảo của tôi đều thực sự có thể thành tựu nơi Ngài: với Ngài tôi có thể hy vọng một cuộc sống tốt lành, sung mãn, trường cửu, vì chính Thiên Chúa đã trở nên gần gũi với chúng ta, chia sẻ nhân tính của chúng ta.
Nhưng Maria Magdalena, cũng như các môn đệ khác, đã phải thấy Chúa Giêsu bị các thủ lãnh dân chúng loại trừ, bắt giữ, đánh đòn, kết án tử hình và đóng đinh. Thật không thể chịu đựng nổi khi thấy Đấng là hiện thân của Sự Tốt lành bị sự gian ác của con người khuất phục, chân lý bị dối trá chế giễu, từ bi bị báo thù lăng mạ. Với cái chết của Chúa Giêsu, dường như niềm hy vọng của những người tin nơi Ngài bị sụp đổ. Nhưng niềm tin ấy không hề tàn lụi: nhất là trong tâm hồn Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Chúa Giêsu, ngọn lửa ấy vẫn cháy sáng cả trong đêm đen. Trong thế giới này, niềm hy vọng không tránh khỏi phải đương đầu với những sự dữ tàn bạo. Không phải chỉ có bức tường sự chết mới ngăn cản hy vọng, nhưng còn có cả những mũi nhọn của ghen tương và kiêu ngạo, của dối trá và bạo lực nữa. Chúa Giêsu đã đi qua tấm lưới chết chóc ấy để mở một lối vào vương quốc Sự sống. Có một lúc dường như Chúa Giêsu bị đánh bại: tối tăm xâm chiếm trái đất, Thiên Chúa hoàn toàn im lặng, hy vọng là một từ gần như trống rỗng.
Thế rồi tảng sáng sau ngày Sabat, người ta thấy ngôi mộ trống. Rồi Chúa Giêsu tỏ mình ra cho Maria Magdalena, cho các phụ nữ khác, cho các môn đệ của Ngài. Niềm tin tái sinh sống động và mạnh mẽ hơn bao giờ hết, nay trở thành không thể chiến bại, vì dựa trên một kinh nghiệm quyết định: “Sự chết và sự sống đã giao tranh: một cuộc song đấu lạ lùng. Chúa tể sự sống đã chết đi, nhưng giờ đây lại sống để trị vì”. Các dấu hiệu phục sinh làm chứng rằng sự sống chiến thắng sự chết, tình yêu thắng oán ghét, từ bi thắng hận thù: “Tôi đã thấy mồ Đức Kitô đang sống, và vinh quang của Đấng phục sinh, thấy các thiên thần làm chứng, thấy khăn liệm và y phục”.
Anh chị em thân mến!
Nếu Chúa Giêsu đã sống lại, thì – và chỉ có như thế, điều thực sự mới mẻ đã xảy ra, điều ấy biến đổi tình trạng của con người và thế giới. Như thế, Ngài, Chúa Giêsu, là người mà chúng ta có thể tuyệt đối tín thác; không phải chỉ tín thác nơi sứ điệp của Ngài, nhưng nơi chính Ngài, vì Đấng Phục Sinh không thuộc về quá khứ, nhưng là hiện tại hôm nay, đang sống. Chúa Kitô là niềm hy vọng và an ủi đặc biệt đối với những cộng đoàn Kitô đang bị thử thách nhiều vì đức tin, bị kỳ thị và bách hại. Và Ngài hiện diện như sức mạnh hy vọng qua Giáo Hội của Ngài, gần gũi với mọi hoàn cảnh đau khổ và bất công của con người.
Xin Chúa Kitô Phục Sinh ban hy vọng cho Vùng Trung Đông, và cho mọi nhóm chủng tộc, văn hóa và tôn giáo của vùng ấy biết cộng tác với nhau mà thúc đẩy công ích và tôn trọng các quyền con người. Đặc biệt tại Syria, xin cho tình trạng đổ máu chấm dứt và bước vào ngay con đường tôn trọng, đối thoại và hòa giải, theo lời kêu gọi của cộng động quốc tế. Ước gì nhiều người tị nạn từ quốc gia này đang cần được trợ giúp nhân đạo sẽ nhận được sự đón tiếp và tình liên đới có thể làm vơi đi những khổ đau khốn cùng của họ. Xin cho chiến thắng Phục Sinh khích lệ nhân dân Iraq không quản ngại cố gắng trong việc theo đuổi con đường ổn định và phát triển. Xin cho người Israel và Palestine tại Thánh Địa can đảm mở lại tiến trình hòa bình.
Chúa đã chiến thắng sự ác và sự chết, xin Ngài nâng đỡ các cộng đoàn Kitô tại châu Phi, ban cho họ hy vọng để đương đầu với những khó khăn, làm cho họ trở thành những người xây dựng hòa bình và tác nhân phát triển nơi xã hội của họ.
Xin Chúa Giêsu Phục sinh an ủi các dân tộc đang đau khổ ở vùng Sừng châu Phi và giúp họ hòa giải với nhau; xin Chúa cứu giúp Vùng Đại Hồ, Sudan, và Nam Sudan, và ban cho cư dân ở đây sức mạnh tha thứ. Xin Chúa Kitô Vinh Hiển ban cho nước Mali là nơi đang trải qua những phát triển tế nhị về chính trị, được an bình và ổn định. Xin niềm vui phục sinh của Chúa đổ tràn năng lực cần thiết cho Nigeria là nơi vừa diễn ra những cuộc tấn công khủng bố dã man, để nước này xây dựng lại một xã hội an bình và biết tôn trọng tự do tôn giáo của các công dân.
Chúc tất cả anh chị em một lễ Phục Sinh hạnh phúc!
+ BENEDICTUS XVI
Giáo Hoàng
***
Sau đó, Ðức Thánh Cha đã chúc mừng lễ Phục Sinh bằng 65 thứ tiếng khác nhau, trong đó có cả tiếng Việt. Trong lời chào bằng tiếng Hòa Lan, Ðức Thánh Cha cám ơn tín hữu đã tặng hoa rất đẹp để trang hoàng thềm đền thờ thánh Phêrô. Ngoài các thứ tiếng Tây Âu, cũng có các tiếng Ðông Âu, Bắc Âu, Tiểu Á, Phi châu và Á châu. Ðức Thánh Cha đã chúc mừng lễ Phục Sinh bằng tiếng Hoa, Nhật, Ðại Hàn và Việt Nam. Tiếp đến, Ðức Hồng Y Jan Louis Tauran, trưởng đẳng Phó Tế, tuyên bố Ðức Thánh Cha Benedict XVI ban phép lành toàn xá cho những người hiện diện cũng như tất cả những ai lãnh nhận phép lành qua các đài phát thanh và truyền hình và các kỹ thuật truyền thông mới, theo thể thức do Giáo Hội thiết định. Chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa toàn năng gìn giữ Ðức Giáo Hoàng hướng dẫn Giáo Hội lâu dài và ban cho Giáo Hội trên toàn thế giới được bình an và hiệp nhất.
***
PHÉP LÀNH TRỌNG THỂ
VỚI ƠN TOÀN XÁ CHO THÀNH ROMA VÀ TOÀN THẾ GIỚI
***
***
– Đức Thánh Cha: Xin hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô, là những vị mà chúng tôi dựa vào quyền bính và uy thế, cầu khẩn cho chúng ta trước Thiên Chúa.
– Cộng đoàn: Amen.
– Đức Thánh Cha: Nhờ lời cầu nguyện và công nghiệp của Đức Trinh Nữ Maria diễm phúc, của Tổng lãnh thiên thần Micae, của thánh Gioan Baotixita, của các thánh tông đồ Phêrô, Phaolô, cùng toàn thể các Thánh, xin Thiên Chúa toàn năng thương xót anh chị em, và xin Chúa Kitô tha tội cho anh chị em cùng dẫn đưa anh chị em về cõi trường sinh.
– Cộng đoàn: Amen.
– Đức Thánh Cha: Xin Thiên Chúa toàn năng lân tuất ban ân xá, tha thứ tất cả mọi tội lỗi của anh chị em, cho anh chị em được hưởng thời gian để làm việc đền tội thành tâm và có công hiệu, một tấm lòng thống hối và hoán cải đời sống, được ơn thánh và sự an ủi của Chúa Thánh Thần, cùng được sự kiên trì làm việc thiện cho đến cùng.
– Cộng đoàn: Amen.
– Đức Thánh Cha: Và xin phúc lành của Thiên Chúa toàn năng, là Chúa Cha + Chúa Con + và Chúa Thánh Thần xuống trên anh chị em và ở lại cùng anh chị em luôn mãi.
– Cộng đoàn: Amen.
– Đức Thánh Cha: “Benedicamus Domino!” (Nào Ta chúc tụng Chúa!).
– Cộng đoàn: “Deo Gratias!” (Tạ ơn Chúa!).
– Lm. Giuse Trần Đức Anh, O.P.,
chuyển ý từ nguyên bản tiếng Italia.
[1] Ca tiếp liên Lễ phục sinh.