Sứ Điệp Ngày Thế Giới Hòa Bình Của ĐGH Phanxicô – Năm 2016

0
466


SỨ ĐIỆP

NGÀY THẾ GIỚI HÒA BÌNH LẦN THỨ 49

CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

Ngày 01 Tháng 01 Năm 2016

***

***

“Vượt thắng sự thờ ơ lãnh đạm và cố gắng đạt tới hòa bình”

 

 

Anh chị em thân mến,

1. Thiên Chúa không thờ ơ lãnh đạm! Đối với Thiên Chúa, nhân loại rất quan trọng, Thiên Chúa không bỏ rơi nhân loại! Tôi muốn liên kết những lời chúc mừng của mình nhân dịp đầu năm mới, với niềm xác tín sâu thẳm đó của tôi: Trong dấu chỉ của niềm hy vọng, tôi cầu mong phúc lành và bình an tràn trề cho tương lai của mỗi con người, mỗi gia đình, mỗi dân tộc và mỗi quốc gia trên mặt đất này, cũng như cho tương lai của các vị nguyên thủ quốc gia, cho các chính quyền và những nhà mang trách nhiệm của các tôn giáo. Thực ra, chúng ta không đánh mất niềm hy vọng rằng, trong năm 2016, tất cả sẽ tham gia một cách cương quyết và tin tưởng hầu hiện thực hóa nền công lý trên nhiều bình diện khác nhau cũng như làm việc cho hòa bình. Vâng, hòa bình này chính là ân sủng của Thiên Chúa và cũng là công việc của con người – là ân sủng của Thiên Chúa, nhưng ân sủng này được trao phó cho mọi người nam và mọi người nữ: Họ được kêu gọi để hiện thực hóa nó.

Bảo vệ những lý do dẫn tới niềm hy vọng

2. Những cuộc chiến tranh và những hành vi khủng bố với những hậu quả thê lương của chúng, với những cuộc bắt cóc, với những cuộc bách hại có động cơ sắc tộc và tôn giáo, và với sự lạm dụng quyền hành, đã nêu ra đặc tính của suốt năm vừa qua, từ đầu năm tới cuối năm, cũng như đã tăng lên rất nhiều tại rất nhiều khu vực trên khắp thế giới, đến độ chúng đã tiếp nhận những đặc tính của cái mà người ta có thể gọi là “cuộc thế chiến thứ ba tại nhiều khu vực”. Nhưng một số sự kiện của những năm trước đây và của chính năm vừa qua đã khích lệ tôi, nhân dịp đầu năm mới, tái kêu gọi mọi người đừng đánh mất niềm hy vọng vào khả năng của con người trong việc thắng vượt sự ác nhờ vào ân sủng của Thiên Chúa, và đừng hiến bản thân mình cho sự thất vọng cũng như cho thái độ thờ ơ lãnh đạm. Những biến cố mà tôi sẽ đề cập tới, đang chỉ cho thấy khả năng của nhân loại trong việc thực thi tình liên đới, trong việc vượt qua những mối quan tâm cá nhân cũng như vượt qua sự dửng dưng và thái độ thờ ơ lãnh đạm đối với những trạng huống khó khăn.

Trong số những biến cố đó, tôi muốn nhắc tới những nỗ lực mà chúng đã được thực hiện hầu giản lược hóa cuộc hội nghị của những nhà lãnh đạo trên khắp thế giới trong khuôn khổ của COP21,[1] với mục tiêu tìm ra những con đường mới, hầu chiến thắng sự biến đổi khí hậu và bảo đảm cho sự phồn thịnh của trái đất, tức ngôi nhà chung của chúng ta. Và điều đó chỉ dẫn tới hai biến cố vừa diễn ra trên bình diện toàn cầu: Cuộc hội nghị thượng đỉnh tại Addis Abeba để tập trung các phương tiện cho việc phát triển bền vững của trái đất, và việc chấp thuận chương trình nghị sự tới năm 2030 cho sự phát triển bền vững thông qua tổ chức Liên Hiệp Quốc, mà tổ chức này đang theo đuổi mục tiêu từ nay cho tới đó, bảo đảm cho tất cả mọi người, đặc biệt là cho các cư dân nghèo khổ trên mặt đất, một cuộc sống xứng nhân phẩm.

Đối với Giáo Hội, năm 2015 là một năm đặc biệt, bởi vì năm này được đánh dấu với ngày kỷ niệm lần thứ 50 việc công bố hai văn kiện của Công Đồng Vatican II, mà hai văn kiện này đang thể hiện một ý nghĩa hoàn toàn đặc biệt của Giáo Hội trong tình liên đới với thế giới. Khi công bố Công Đồng, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã muốn mở toang những cánh cửa của Giáo Hội, hầu cho mối tương quan giữa Giáo Hội và thế giới được mở rộng hơn. Cả hai văn kiện – Nostra aetate và Gaudium et Spes – đều là một sự diễn tả có tính kiểu mẫu về mối tương quan mới của sự đối thoại, của tình liên đới và của sự đồng hành mà Giáo Hội muốn đưa vào trong gia đình nhân loại. Trong Tuyên ngôn Nostra aetate (liên lạc của Giáo Hội với các Tôn Giáo ngoài Kitô Giáo), Giáo Hội được thúc đẩy và được mời gọi hãy mở ra cho cuộc đối thoại với các tôn giáo không thuộc Kitô giáo. Trong Hiến chế Gaudium et Spes (Vui Mừng và Hy Vọng), Giáo Hội muốn thực hiện một cuộc đối thoại với gia đình nhân loại về những vấn đề của thế giới, vì “niềm vui và hy vọng, đau buồn và sợ hãi của con người trong thời đại hôm nay, đặc biệt là của những người nghèo và của những người bị áp bức với đủ loại cách thức, […] cũng là niềm vui và hy vọng, đau buồn và sợ hãi của các môn đệ Chúa Kitô”,[2] như là một dấu chỉ của tình liên đới và của mối thiện cảm đầy lòng kính trọng.[3]

Từ viễn tượng đó, với Năm Thánh về Lòng Thương Xót, tôi muốn mời gọi Giáo Hội hãy cầu nguyện và làm việc để cho tất cả các Kitô hữu đều cho phép phát triển trong mình một con tim khiêm nhượng và đồng cảm, mà nó có khả năng công bố và làm chứng cho Lòng Thương Xót; có khả năng “tha thứ và trao hiến bản thân”; có khả năng mở ra “cho tất cả những ai đang sống trong những vùng ngoại vi khác nhau của kiếp nhân sinh, mà thế giới hiện đại sản sinh chúng ra trong những cách thế thường rất bi ai”, và không sa vào “sự thờ ơ lãnh đạm mà nó hạ thấp nhân phẩm; không rơi vào thói quen đánh mất xúc cảm và ngăn cản việc khám phá ra một cái gì đó mới; không rơi vào thói cay độc đầy tính hủy hoại”.[4]

Có rất nhiều những lý do để tin vào khả năng của con người trong việc cùng hành động, trong tình liên đới và trong sự nhìn nhận mối liên kết và sự lệ thuộc lẫn nhau, và luôn có sự lưu tâm cách đặc biệt tới những thành viên yếu đuối nhất cũng như luôn lưu tâm tới việc bảo vệ và duy trì niềm hạnh phúc chung. Hành vi của một sự đồng trách nhiệm có tính liên đới này chính là nền tảng cho ơn gọi căn bản, tức ơn gọi trở nên huynh muội và chung sống. Phẩm giá và những mối tương quan giữa con người với nhau chính là điều căn bản đối với con người mà Thiên Chúa đã muốn sáng tạo nên theo hình ảnh của Ngài và giống như Ngài. Với tư cách là những thụ tạo được phú bẩm cho một phẩm giá bất khả nhượng, chúng ta hiện hữu trong mối tương quan với những người anh chị em, mà đối với họ, chúng ta đang mang một trách nhiệm và thể hiện tình liên đới. Nếu không có mối tương quan này, con người sẽ bớt đi phần nhân tính của mình. Chính vì thế mà thái độ thờ ơ lãnh đạm được coi như là một mối đe dọa đối với gia đình nhân loại. Trong khi chúng ta bắt đầu con đường trong một năm mới, tôi muốn mời gọi tất cả hãy nhận ra tình hình đó, hầu vượt thắng thái độ thờ ơ lãnh đạm cũng như cố gắng dựng xây hòa bình.

Một số hình thức thờ ơ lãnh đạm

3. Thái độ lãnh đạm của một số người nào đó mà họ khép kín con tim mình hầu không lưu tâm tới những người khác; họ nhắm chặt đôi mắt mình lại để khỏi nhìn thấy những gì chung quanh, hay tránh né để những vấn đề của người khác khỏi đụng chạm tới mình, nói lên đặc điệm của một mẫu người đang tương đối phổ biến và có thể được bắt gặp trong bất cứ thời đại lịch sử nào. Nhưng trong thời đại của chúng ta, không còn phải nghi ngờ gì nữa, thái độ đó đã vượt qua lãnh vực cá nhân để tiếp nhận một chiều kích có tính toàn cầu, và phát sinh ra hiện tượng “toàn cầu hóa sự thờ ơ lãnh đạm”.

Hình thức đầu tiên của sự thờ ơ lãnh đạm trong xã hội loài người chính là sự thờ ơ đối với Thiên Chúa, thờ ơ đối với tha nhân, và sự thờ ơ đối với thế giới thiên nhiên cũng bắt nguồn từ sự thờ ơ đó. Đây là một trong những hậu quả khó khăn nhất của một chủ nghĩa nhân bản sai lạc cũng như của chủ nghĩa duy vật thực tiễn trong sự liên tưởng tới một lối tư duy theo chủ nghĩa tương đối và hư vô. Con người nghĩ rằng, họ cần phải trở thành sáng lập viên của chính họ, của cuộc đời họ và của xã hội. Họ cảm thấy mình không bị lệ thuộc và không chỉ khao khát chiếm được chỗ của Thiên Chúa, nhưng còn khao khát bùng lên một cách hoàn toàn mà không có Thiên Chúa. Sau đó họ lại nghĩ, họ chẳng có tội tình gì với bất cứ ai ngoại trừ chính mình, và chỉ cần được sở hữu quyền bính.[5] Chống lại sự nhận thức về bản thân một cách lệch lạc này, Đức Giáo Hoàng Benedict XVI đã nhắc nhớ rằng, chẳng phải con người, cũng chẳng phải sự phát triển của họ đang ở trong tình trạng trao cho bản thân họ ý nghĩa cuối cùng.[6] Và trước đó, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI cũng đã khẳng định: “Chỉ có chủ nghĩa nhân bản nào mà nó mở ra với tuyệt đối, trong niềm biết ơn đối với một ơn gọi mà nó trao tặng một quan điểm chính xác về cuộc sống con người, mới là chủ nghĩa nhân bản đích thực”.[7]

Sự thờ ơ đối với tha nhân thủ đắc những khuôn mặt khác nhau. Có những con người được thông tin một cách rất tốt, nghe radio, đọc báo chí, theo dõi những chương trình truyền hình, nhưng thực hiện điều đó với sự do dự trong lòng, đồng thời trong một tình trạng của việc tập cho quen. Những người ấy có một trí tưởng tượng mông lung của những bi kịch mà chúng hành hạ nhân loại, nhưng không cảm thấy mình bị dính lứu, không cảm thấy sự đồng cảm. Đó là thái độ của những người mà họ biết rõ, nhưng lại chỉ hướng cái nhìn, hướng sự suy nghĩ và hành động về chính bản thân mình. Thật tiếc là chúng ta phải xác nhận rằng, việc gia tăng những thông tin về bản thân mình ngay trong thời đại chúng ta, không đồng nghĩa với sự gia tăng mối quan tâm đối với những vấn đề, khi sự gia tăng ấy không xuất hiện cùng với một sự mở ra của ý thức trong ý nghĩa của tình liên đới.[8] Vâng, sự thờ ơ ấy có thể kéo theo một sự bão hòa nào đó theo mình, mà sự bão hòa đó làm tê liệt và tương đối hóa tính nghiêm trọng của những vấn đề thành bình thường. “Một số người chỉ tìm thấy niềm vui một cách thuần túy trong việc đổ lỗi cho những người nghèo và những quốc gia nghèo, với những điều khát quát hóa một cách quá mức những điều tồi tệ, và ngỡ rằng đã tìm thấy giải pháp trong một ‘sự giáo dục’, mà nó trấn an họ và biến họ thành những sinh vật được thuần hóa và vô hại. Điều đó sẽ còn đáng trách hơn nếu như những người bị loại trừ nhìn thấy cục bướu của cộng đồng đang phát triển, mà cục bướu ấy chính là sự tham nhũng đã bén rễ sâu trong nhiều quốc gia – trong nhiều chính phủ, trong giới kinh doanh và trong các cơ quan, độc lập với những lý tưởng chính trị của những nhà cầm quyền”.[9]

Trong những trường hợp khác, sự thờ ơ lãnh đạm lại biểu lộ trong hình thức của một sự thiếu quan tâm đối với thực tế chung quanh, đặc biệt là đối với những thực tế đang còn ở xa. Một số người ưa thích trước việc không tìm tòi, không hỏi han tin tức, và sống sự sung túc cũng như sự tiện nghi của mình trong sự điếc lác đối với tiếng kêu đầy đau khổ của nhân loại khổ đau. Hầu như chúng ta không nhận ra được rằng, chúng ta đã trở nên bất khả trong việc cảm thấy mình có sự đồng cảm đối với người khác, đối với sự bất hạnh của họ. Chúng ta không còn quan tâm tới việc chăm sóc cho họ, đến nỗi không còn muốn biết xem điều gì đang xảy ra với họ, chúng ta coi việc chăm sóc họ như là một trách nhiệm đang nằm xa chúng ta, chẳng liên quan gì tới chúng ta.[10] Từ đó dẫn tới chuyện chúng ta “quên những người khác (điều mà Thiên Chúa Cha không bao giờ làm), nếu như điều đó tốt với chúng ta và chúng ta cảm thấy mình hạnh phúc; cũng như sẽ dẫn tới chuyện chúng ta không bận tâm tới những vấn đề của họ, tới nỗi khổ đau của họ và tới những điều bất công mà họ đang phải chịu đựng… Và rồi con tim của chúng ta sẽ sa vào sự thờ ơ lãnh đạm: trong khi nó tương đối tốt với tôi và tôi cảm thấy hạnh phúc, tôi lại quên đi những người mà nhiều điều không ổn đang xảy ra cho họ”.[11]

Vì chúng ta đang sống trong một ngôi nhà chung, nên chúng ta không được phép bỏ qua việc tự hỏi, tình hình sức khỏe của ngôi nhà này đang như thế nào – trong Thông điệp Laudato Si’, tôi đã cố gắng để thực hiện việc đó. Việc làm ô nhiễm nước và không khí, việc khai thác những cánh rừng một cách bừa bãi và việc hủy hoại môi trường thường là hoa trái phát sinh từ sự thờ ơ lãnh đạm của con người đối với những người khác, vì tất cả đều đứng trong mối tương quan với nhau. Giống như thái độ của con người đối với thú vật cũng đang gây ảnh hưởng trên những mối tương quan của mình đối với những người khác[12] – sự hoàn toàn thinh lặng của những người mà họ tự cho phép mình thực hiện ở bất cứ đâu điều mà họ không bao giờ dám thực hiện trong ngôi nhà riêng của mình.[13]

Trong những trường hợp này hay trường hợp khác, sự thờ ơ lãnh đạm chính là nguyên cớ đặc biệt của sự khép kín và sự bàng quan, và rốt cuộc dẫn tới sự thiếu bình an với Thiên Chúa, với tha nhân và với thế giới thụ tạo.

Sự đe dọa nền hòa bình xuyên qua việc toàn cầu hóa tính thờ ơ

4. Sự thờ ơ đối với Thiên Chúa đang vượt quá lãnh vực riêng tư và tinh thần của cá nhân, và lan rộng sang lãnh vực công cộng và xã hội. Vì thế, Đức Giáo Hoàng Benedict XVI đã lên tiếng: có “một mối liên kết khắng khít  giữa sự tôn vinh Thiên Chúa và nền hòa bình của nhân loại trên trái đất”.[14] Vì “nếu không có sự mở ra với siêu việt tính thì trong thực tế, con người sẽ dễ dàng trở thành chiến lợi phẩm cho chủ nghĩa tương đối, và sau đó sẽ thật là khó đối với con người trong việc thực thi đức công chính và trong việc dấn thân cho hòa bình”.[15] Sự lãng quên và việc khước từ Thiên Chúa, mà chúng ta dụ dỗ con người đừng nhìn nhận những tiêu chuẩn về chính mình nữa, nhưng lại lấy chính bản thân mình làm tiêu chuẩn, đã sản sinh ra sự độc ác và bạo lực vô độ.[16]

Trên bình diện cá nhân và cộng đồng, sự thờ ơ đối với tha nhân – tức người con gái của sự thờ ơ đối với Thiên Chúa – sẽ tiếp nhận những đặc tính của sự trì trệ và sự dửng dưng. Những đặc tính này sẽ hình thành nên một môi trường nuôi cấy mà trên đó những tình trạng bất công và tình trạng bất bình đẳng xã hội một cách nặng nề sẽ tiếp tục tồn tại, rồi sau đó, về phía mình, những tình trạng này sẽ có thể dẫn tới những cuộc xung đột, hay trong một trường hợp nào đó, sẽ phát sinh ra bầu khí bất mãn, dẫn tới nguy cơ, không sớm thì muộn sẽ làm leo thang bạo lực và bất an.

Trong ý nghĩa này, sự thờ ơ và sự dửng dưng phát sinh từ đó, sẽ thể hiện một sự sai phạm nặng nề trong mối liên hệ đến bổn phận của từng người, tương ứng với những khả năng của họ và vai trò mà họ đang có trong xã hội nhằm góp phần đưa đến niềm hạnh phúc chung, đặc biệt là đưa đến hòa bình, mà nó là một trong những kho tàng giá trị nhất của nhân loại.[17]

Nếu sự thờ ơ lại liên quan đến bình diện tổ chức và thể chế – thờ ơ đối với người khác, đối với phẩm giá, đối với những quyền căn bản và đối với sự tự do của họ – và được kết cặp với một nền văn hóa bị đóng ấn bởi đầu óc lợi nhuận và sự thèm khát khoái lạc, thì nó sẽ hỗ trợ và đôi khi còn biện hộ cho những hành vi và những cương lĩnh chính trị, mà rốt cục chúng chỉ đe dọa hòa bình. Một thái độ thờ ơ như thế cũng sẽ có thể đi rất xa, để bênh vực cho một số hình thức chính sách kinh tế đáng khiển trách, mà những hình thức ấy sẽ dẫn tới những bất công, chia rẽ và bạo lực, chỉ vì đuổi theo sự sung túc của riêng mình hay của quốc gia mình. Thực ra, không hiếm những kế hoạch kinh tế và chính trị của con người lại nhắm vào sự đạt được hay duy trì quyền lực và sự giầu sang, thậm chí bằng mọi giá, kể cả việc chà đạp những quyền lợi và những nhu cầu căn bản của người khác dưới chân mình. Nếu những người dân thấy rằng, những quyền lợi căn bản cũng như lương thực, nước uống, sự chăm sóc y tế và công ăn việc làm đang bị khước từ đối với họ, họ sẽ cố gắng giành cho được những điều ấy bằng bạo lực.[18]

Từ đó, sự thờ ơ đối với môi trường thiên nhiên thông qua việc tào điều kiện cho sự phá rừng, cho việc làm ô nhiễm không khí cũng như làm phát sinh các thảm họa thiên nhiên mà chúng làm bật gốc toàn thể các xã hội khỏi môi trường sống của mình, và làm cho những xã hội ấy bị bất ổn và bất an, sẽ tạo ra những hình thức mới của sự nghèo túng, và tạo ra những tình trạng mới của sự bất công với những hậu quả tai hại không ngừng đối với sự an toàn và hòa bình của xã hội. Có bao nhiêu cuộc chiến tranh đã bị gây ra và sẽ còn có bao nhiêu cuộc chiến tranh khác sẽ bị gây ra vì thiếu tài nguyên hay để thích ứng với nhu cầu về tài nguyên thiên nhiên không bao giờ có thể làm thỏa mãn?[19]

Từ sự thờ ơ tới Lòng Thương Xót: Sự hoán cải con tim

5. Năm ngoái, trong Sứ điệp nhân Ngày Hòa Bình Quốc Tế: “Không còn phải là những người nô lệ nữa, nhưng là những người anh em”, tôi đã nhắc tới hình ảnh đầu tiên của Kinh Thánh về mối tương quan huynh đệ giữa con người với nhau – đó là hình ảnh về Cain và Abel (x. St 4,1-16) – hình ảnh đó nên điều khiển sự quan tâm tới việc nhìn xem mối tương quan huynh muội đầu tiên đã bị phản bội như thế nào. Cain và Abel là anh em của nhau. Cả hai đều được sinh ra từ cùng một cung lòng, cả hai đều sở hữu những phẩm giá ngang nhau và đều được tác thành theo họa ảnh của Thiên Chúa và giống như Ngài; nhưng tình huynh đệ thuộc về công trình sáng tạo của họ đã bị đổ vỡ. “Cain đã không chỉ không chịu đựng được người em của mình là Abel, nhưng ông còn giết em mình vì sự ghen tương”.[20] Và như thế, tội giết em ruột đã trở thành hình thức phản bội, và việc Cain khước từ tình huynh đệ của Abel chính là sự đổ vỡ đầu tiên trong các mối tương quanh huynh muội gia đình, cũng như trong tình liên đới và trong sự kính trọng lẫn nhau.

Nhưng rồi Thiên Chúa đã can thiệp để kéo con người đi tới chỗ có trách nhiệm đối với những người đồng loại của mình, và Ngài đã thực hiện điều đó giống hệt như Ngài đã từng làm khi Adam và Eva, cặp cha mẹ đầu tiên, đã phá vỡ mối hiệp thông với Đấng Tạo Hóa. “Đức Chúa phán với Cain: “Abel em ngươi đâu rồi?”. Cain thưa: “Con không biết. Con là người giữ em con hay sao?”. Đức Chúa phán: “Ngươi đã làm gì vậy? Từ dưới đất, tiếng máu của em ngươi đang kêu lên Ta!” (St 4,9-10).

Cain đã giả vờ như ông không biết điều gì đã xảy ra với em trai của ông, và ông nói rằng, ông không phải là người bảo vệ của em trai mình. Ông cảm thấy mình không có trách nhiệm gì với sự sống của em trai ông, với diện mạo của em trai ông. Ông cảm thấy mình không bị liên lụy. Ông đã thờ ơ lãnh đạm đối với em trai của mình, mặc dù ông và em trai ông được liên kết với nhau từ một xuất xứ chung. Thật đáng buồn biết chừng nào! Quả là một thảm kịch về tình huynh muội, về gia đình và nhân loại! Điều này chính là sự xuất hiện đầu tiên của sự thờ ơ lãnh đạm giữa những người anh chị em với nhau. Trái lại, Thiên Chúa không hề thờ ơ: Trong cặp mắt của Ngài, máu của Abel vô cùng giá trị, Ngài đòi Cain phải báo cáo về chuyện đó. Vì thế, ngay từ những ngày đầu của nhân loại, Thiên Chúa đã mạc khải mình như là Đấng quan tâm tới diện mạo của con người. Sau này, khi con cái Israel rơi vào tình trạng nô lệ tại Ai Cập, Thiên Chúa đã lại tái can thiệp. Ngài nói với Moses: “Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai Cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành hạ. Phải, Ta biết các nỗi đau khổ của chúng. Ta xuống giải thoát chúng khỏi tay người Ai Cập, và đưa chúng từ đất ấy lên một miền đất tốt tươi, rộng lớn, miền đất tràn trề sữa và mật” (Xh 3,7-8). Lưu tâm tới những lời mà chúng mô tả về sự can thiệp của Thiên Chúa là điều rất quan trọng: Ngài nhìn, nghe, biết, ngự xuống và cứu thoát, hay giải phóng. Thiên Chúa không hề thờ ơ lãnh đạm. Ngài lưu tâm và hành động.

Bằng một cách thức giống hệt như thế, trong Đức Giêsu – Con Một của Ngài – Thiên Chúa đã xuống giữa nhân loại, đã đón nhận thân xác, và trong tất cả, ngoại trừ tội lỗi, đã bày tỏ tình liên đới với nhân loại. Đức Giêsu đã đồng hóa mình với nhân loại với tư cách là “Trưởng Tử giữa một đàn em đông đúc” (Rm 8,29). Ngài không tự thỏa mãn với việc giảng dậy giữa đám đông quần chúng, nhưng Ngài còn lo lắng chăm sóc cho họ, đặc biệt nhất là khi Ngài thấy rằng, họ đang đói khát (x. Mc 6,34-44) hay không có công ăn việc làm (Mt 20,3). Cái nhìn của Ngài không chỉ hướng đến những con người, nhưng cũng còn hướng cả đến những con cá dưới biển, những con chim trên trời, những cỏ cây to nhỏ; Ngài bao bọc toàn thể thế giới thụ tạo. Dĩ nhiên là Đức Giêsu thấy, nhưng Ngài không tự giới hạn vào chuyện đó, mà Ngài còn đụng chạm tới con người, nói với họ, thực hiện những điều có lợi cho họ, cũng như thực hiện điều tốt đẹp cho những người đang cần tới. Và không phải chỉ có thế, nhưng Ngài còn để cho mình bị gây xúc động và đã khóc (x. Ga 11,33-44).  Và ngài đã hành động để dập tắt sự đau khổ, nỗi buồn rầu, nỗi khốn cùng và cả sự chết nữa. Đức Giêsu đã dậy chúng ta trở nên nhân hậu như Thiên Chúa Cha – Đấng ngự trên trời (x. Lc 6,36). Trong dụ ngôn người Samari nhân hậu (x. Lc 10,29-37), Ngài đã lên án việc không thực hiện sự giúp đỡ khi tận mắt chứng kiến cảnh khốn cùng của người đồng loại: “Ông ta nhìn thấy nạn nhân và vẫn tiếp tục đi” (Lc 10,31.32). Đồng thời, thông qua dụ ngôn này, Ngài mời gọi các thính giả của Ngài – đặc biệt là các môn đệ của Ngài – hãy học theo để dừng lại trước những người đau khổ của thế giới này, để xoa dịu những nỗi khổ đau của họ; dừng lại trước những vết thương của người khác, để chăm sóc cho họ với những phương dược mà mình đang có sẵn, dành cho họ thời gian riêng của mình, bất chấp rất nhiều những bận rộn. Thực ra, sự thờ ơ luôn tìm cách thoái thác: phải tuân thủ các quy định lễ nghi, phải làm cho xong một đống công việc, vì những khác biệt quan điểm, điều vẫn làm cho chúng ta giữ khoảng cách với nhau, vì những thiên kiến thuộc đủ hình thức mà chúng ngăn cản chúng ta trở thành người thân cận của người khác.

Lòng Thương Xót chính là “con tim” của Thiên Chúa. Vì thế, nó cũng phải là con tim của tất cả những ai nhận mình như là thành viên của một gia đình to lớn của những người con cái Ngài; đó là một con tim mà nó đập liên hồi ở bất cứ nơi đâu mà phẩm giá con người – một sự phản ánh dung nhan Thiên Chúa trong các thụ tạo của Ngài – đang bị đưa ra làm trò đùa. Đức Giêsu đã cảnh báo chúng ta rằng: Tình Yêu đối với người khác – đối với người lạ, đối với các bệnh nhân, đối với các tù nhân, đối với những người vô gia cư, và thậm chí là đối với những kẻ thù – chính là tiêu chuẩn để Thiên Chúa kết án những hành vi của chúng ta. Số phận đời đời của chúng ta tùy thuộc vào đó. Vì thế, không hề ngạc nhiên trước việc Thánh Phaolô Tông Đồ  đã đòi hỏi các tín hữu Rô-ma phải vui với người vui và phải khóc với người khóc (x. Rm 12,15), hay trước việc Ngài đặt những người Corinto vào trong con tim của Ngài để tổ chức các cuộc quyên góp như là dấu chỉ của tình liên đới đối với những thành viên đang đau khổ của Giáo Hội (x. 1Cr 16,2-3). Còn Thánh Gioan thì viết: “Nếu ai có của cải thế gian và thấy anh em mình lâm cảnh túng thiếu, mà chẳng động lòng thương, thì làm sao Tình Yêu Thiên Chúa ở lại trong người ấy được?” (1Ga 3,17; x. Gc 2,15-16).

Vì thế, “điều quan trọng nhất đối với Giáo Hội và đối với sự đáng tin cậy trong công cuộc loan báo Tin Mừng của Giáo Hội chính là việc Giáo Hội sống và làm chứng cho Lòng Thương Xót ở vị trí đầu tiên! Ngôn ngữ và những cử chỉ của Giáo Hội phải thúc đẩy Lòng Thương Xót, và như thế phải thẩm thấu vào trong những con tim của nhân loại cũng như phải thúc đẩy họ chọn đi theo con đường trở về với Thiên Chúa Cha. Chân lý đầu tiên của Giáo Hội chính là Tình Yêu Chúa Kitô. Giáo Hội biến mình thành nữ môn đệ và thành nữ trung gian của Tình Yêu, mà Tình Yêu ấy dẫn tới việc tha thứ và sự tự hiến chính mình. Vì thế, bất cứ nơi đâu có sự hiện diện của Giáo Hội, thì ở đó, Lòng Thương Xót của Thiên Chúa Cha cũng phải trở nên rõ ràng và hiển nhiên. Trong các Giáo xứ, các Cộng Đoàn, các hiệp hội và các phong trào của chúng ta, nghĩa là bất cứ nơi đâu có sự hiện diện của các Kitô hữu, thì ở đó cũng phải có thể nhận ra được một đại dương Lòng Thương Xót”.[21]

Và như thế chúng ta cũng được kêu gọi thực hiện một chương trình sống thực sự từ Tình Yêu, từ mối cảm thông, từ Lòng Thương Xót và từ tình liên đới, thực hiện một lối cư xử trong các mối tương quan của chúng ta với nhau.[22] Điều đó đòi hỏi sự hoán cải tâm hồn: Ân sủng của Thiên Chúa sẽ biến con tim bằng đá của chúng ta thành một con tim bằng thịt (x. Ed 36,26), mà nó có khả năng mở ra với những người khác với tình liên đới đích thực. Thực ra, điều này mang nhiều ý nghĩa hơn là “một cảm giác mơ hồ hay sự cảm động hời hợt vì sự đau khổ của rất nhiều người ở gần hay ở xa”.[23] Tình liên đới chính là “sự dứt khoát chắc chắn và bền bỉ trong việc dấn thân cho niềm hạnh phúc chung, nó có nghĩa là góp phần mang đến niềm hạnh phúc cho tất cả mọi người và cho từng người, vì tất cả chúng ta đều có trách nhiệm đối với tất cả mọi người”,[24] vì mối cảm thông phát sinh từ tình huynh đệ.

Do đó, tình huynh đệ được hiểu như là thái độ luân lý và xã hội mà nó tương ứng một cách tốt nhất với sự ý thức về những điều gây phiền toái của thời đại chúng ta và về sự phụ thuộc lẫn nhau một cách rõ ràng – một sự phụ thuộc lẫn nhau đang ngày một tăng, đặc biệt là trong một thế giới toàn cầu hóa, giữa đời sống cá nhân và xã hội của mình tại một nơi xác định, và cuộc sống của những người khác trong phần còn lại của thế giới.[25]

Thúc đẩy một nền văn hóa liên đới và Thương Xót hầu thắng vượt sừ thờ ơ lãnh đạm

6. Tình liên đới với tư cách là một nhân đức luân lý và là một thái độ xã hội, một hoa trái của sự hoán cải cá nhân, sẽ thúc đẩy sự dấn thân của nhiều cá nhân mà họ mang trách nhiệm trong ngành giáo dục và đào tạo.

Trước tiên, tôi nghĩ tới các gia đình mà họ đang được kêu gọi để thực hiện một sứ mạng giáo dục có tính ưu tiên và nhất thiết. Họ hình thành nên địa điểm đầu tiên mà tại đó, những giá trị thuộc về Tình Yêu, tình huynh muội, sự chung sống, sự chia sẻ lẫn cho nhau, sự lưu tâm và sự chăm sóc cho người khác sẽ được sống và được thúc đẩy. Các gia đình ấy cũng chính là lĩnh vực được ưu tiên để tiếp tục chuyển giao Đức Tin, được bắt đầu từ những cử chỉ đơn giản đầu tiên của lòng đạo đức mà những người mẹ dậy dỗ và giải thích cho con cái của họ.[26]

Các nhà giáo dục và các giáo viên mà họ có sứ mạng mang tính đòi hỏi cao trong việc giáo dục những người trẻ, tại các nhà trường hay trong các trung tâm thiếu nhi và trung tâm thanh niên khác nhau, họ được kêu gọi làm cho mình trở nên ý thức rằng, trách nhiệm của họ liên quan tới chiều kích luân lý, tinh thần và xã hội của con người. Những giá trị như sự tự do, sự tôn trọng lẫn nhau và tình liên đới sẽ có thể được giới thiệu bởi những lứa tuổi cao hơn. Trong một lời dành cho những người có trách nhiệm trong các cơ quan có sứ mạng giáo dục, Đức Benedict XVI đã nói rằng: “Ước gì bất cứ lãnh vực nào thuộc công việc đào tạo cũng đều trở thành một địa điểm của sự mở ra đối với sự siêu việt và đối với những người khác; sẽ trở thành nơi để đối thoại, để gắn bó và để lắng nghe, trong đó những người trẻ sẽ cảm thấy rằng, những khả năng thuộc về cá nhân của họ cũng như những giá trị nội tại sẽ được tôn trọng, và họ sẽ học để biết kính trọng những người khác. Ước chi họ sẽ tập cho quen để đón nhận niềm vui mà nó bắt nguồn từ việc người ta thực hành Đức Bác Ái và mối cảm thông với tha nhân hết ngày nọ sang ngày kia, và tham gia một cách tích cực vào việc kiến tạo nên một xã hội nhân bản và huynh đệ”.[27]

Những người cung cấp các dịch vụ văn hóa và những nhà hoạt động trong lãnh vực truyền thông xã hội cũng mang một trách nhiệm đối với lãnh vực giáo dục và đào tạo, đặc biệt là trong những xã hội hiện đại, trong đó việc nắm chặt những phương tiện truyền thông càng ngày càng được phổ biến một cách mạnh mẽ. Sứ mạng trước tiên của họ chính là việc đặt mình vào trong sự phục vụ chân lý chứ không phải là phục vụ những mối quan tâm cá nhân. Vì các phương tiện truyền thông “không chỉ thông tin tinh thần của những người nhận tin, nhưng chúng cũng còn tạo hình cho nó và do đó có thể góp phần to lớn vào việc giáo dục giới trẻ. Thật là quan trọng khi lưu ý để mối liên kết giữa sự giáo dục và truyền thông được khắng khít nhất: Sự giáo dục diễn ra thông qua sự truyền thông mà nó ảnh hưởng một cách tích cực hay tiêu cực trên sự hình thành con người”.[28] Những nhà giới thiệu văn hóa và những nhà hoạt động trong lãnh vực truyền thông cũng phải lưu ý rằng, cách thức mà những thông tin được tiếp nhận và phổ biến như thế nào, luôn luôn phải là phương thức chính trực và có thể chấp nhận được xét về khía cạnh luân lý.

Hòa bình: Hoa trái của một nên văn hóa liên đới, xót thương và đồng cảm

7. Trong niềm ý thức về mối đe dọa thông qua một sự toàn cầu hóa sự thờ ơ lãnh đạm, chúng ta không được phép bỏ qua việc nhìn nhận rằng, ngay cả vô vàn những sáng kiến và những hành động cũng đang thích ứng với tất cả những trạng huống vừa được nêu ra ở trên, mà những sáng kiến và những hành động đó chứng thực cho sự đồng cảm, cho Lòng Thương Xót và cho tình liên đới mà đối với chúng, con người có khả năng thực hiện.

Tôi muốn nhắc tới một số những mẫu gương về sự dấn thân đáng ca ngợi, mà những mẫu gương đó chỉ cho thấy, mỗi người đều có thể thắng vượt thói thờ ơ như thế nào, khi người ta quyết định không tránh né cái nhìn của mình trên tha nhân – những ví dụ điển hình về những hình thức hành động cụ thể trên con đường dẫn tới một xã hội nhân bản.

Có rất nhiều những tổ chức phi chính phủ và những nhóm Caritas cả trong lẫn ngoài Giáo Hội, mà những thành viên của những tổ chức và của những nhóm ấy, trong trường hợp có dịch bệnh, thiên tai, hay những cuộc xung đột vũ trang, nhận lấy những vất vả và những nguy hiểm về cho bản thân để chăm sóc những người bị tổn thương cũng như chăm sóc các bệnh nhân, và an táng những người qua đời. Bên cạnh những con người ấy, tôi cũng muốn kể đến những cá nhân và những hiệp hội mà họ mang đến sự giúp đỡ cho những người di cư, tức những người đang băng qua những sa mạc hay đang vượt đại dương để kiếm tìm những điều kiện tốt hơn cho cuộc sống. Những hành vi đó chính là những công việc của đức xót thương đối với thân xác và tâm hồn, mà chúng ta sẽ bị kết án theo những hành vi đó vào lúc kết thúc cuộc sống chúng ta.

Tôi cũng nhớ tới các ký giả và những phóng viên chụp hình mà họ thông tin một cách công khai và chính thức về những trạng huống khó khăn mà chúng kêu gọi lương tâm cũng như kêu gọi những người mà họ dấn thân cho việc bảo vệ nhân quyền, đặc biệt là đối với những quyền của những nhóm thiểu số về sắc tộc và tôn giáo, của các dân tộc bản địa, của phụ nữ và trẻ em, và của tất cả những người đang sống trong những trạng huống dễ bị thương tổn nhất. Trong số họ cũng có nhiều Linh mục và các nhà truyền giáo, mà họ, bất chấp những mối hiểm nguy và những thiếu thốn – đặc biệt là trong những cuộc xung đột vũ trang – luôn luôn đứng về phía các tín hữu của mình với tư cách là những mục tử tốt lành, và hỗ trợ họ.

Ngoài ra: có biết bao nhiêu là những gia đình đang nỗ lực trong giữa vô vàn những khó khăn cả về mặt xã hội cũng như về khía cạnh công ăn việc làm một cách cụ thể, và phải trả giá bằng rất nhiều hy sinh để “đi ngược dòng” trong việc giáo dục con cái họ về những giá trị của tình liên đới, của mối cảm thông và của tình huynh muội. Biết bao nhiêu là gia đình đang mở con tim và những căn nhà của họ ra cho những người đau khổ cũng như cho những người tị nạn và di cư! Tôi muốn cám ơn một cách đặc biệt tất cả những cá nhân, những gia đình, những Giáo xứ, các cộng đoàn Dòng Tu, các Đan viện và các thánh địa, mà họ đã phản ứng lại lời kêu gọi của tôi một cách nhanh chóng để đón nhận những gia đình tị nạn.[29]

Sau cùng, tôi muốn nhắc đến những người trẻ mà họ đã cộng tác để hiện thực hóa những dự án của tình liên đới, cũng như tất cả những người đã và đang mở đôi tay mình ra để giúp đỡ những tha nhân đang lâm cảnh cùng khốn trong các thành phố, trong đất nước của mình hay trong những vùng miền khác nhau trên khắp thế giới. Tôi muốn cám ơn tất cả những người đã tham gia trong những hành động thuộc loại này, ngay cả khi chúng không được biết đến một cách công khai, và tôi khích lệ họ: Sự đói khát đức công chính của họ sẽ được no thỏa, Lòng Thương Xót của họ sẽ làm cho chính họ thấy được Lòng Xót Thương, và cho tới bao lâu họ còn là những người xây dựng hòa bình thì họ sẽ vẫn còn được gọi là con cái Thiên Chúa (x. Mt 5,6-9).

Hòa bình trong chỉ dấu của Năm Thánh về Lòng Thương Xót

8. Trong tinh thần của Năm Thánh về Lòng Thương Xót, bất cứ ai cũng đều được mời gọi hãy nhận ra sự thờ ơ lãnh đạm đang biểu lộ trong cuộc sống của mình như thế nào, và được mời gọi thực hiện một sự dấn thân cụ thể hầu góp phần cải thiện thực tế mà mình đang sống trong đó, khởi đi từ chính gia đình mình, từ giới hàng xóm láng giềng hay từ lãnh vực công ăn việc làm.

Ngay cả các chính phủ cũng được mời gọi thực thi những hành vi cụ thể, những cử chỉ can đảm đối với những người yếu đuối nhất trong cộng đồng mình, cũng như đối với các tù nhân, những người di cư, những người thất nghiệp và các bệnh nhân. Điều liên quan đến các tù nhân, có lẽ đang cấp thiết trong nhiều trường hợp, chính là việc quyết định những biện pháp cụ thể hầu cải thiện những điều kiện sống của họ trong các nhà tù. Ở đây, người ta nên dành một mối quan tâm đặc biệt cho những người mà họ đang bị tước đoạt mất sự tự do của mình và vẫn đang còn chờ một bản án dành cho mình,[30] nên nhắm tới mục tiêu điều trị và phục hồi trong việc đưa ra những hình phạt, và nên cân nhắc những khả năng hầu đặt vào trong những bản dự thảo luật những hình phạt thay thế cho việc bỏ tù. Trong mối liên hệ này, tôi muốn canh tân lời kêu gọi của tôi dành cho các chính quyền của các quốc gia, hãy bãi bỏ án tử hình tại những nơi mà án này vẫn đang còn hiệu lực, và hãy lưu tâm tới khả năng thực hiện một sự ân xá.

Liên quan đến những di dân, tôi muốn mời gọi hãy cân nhắc tới những bản dự thảo luật về sự di cư, để những dự thảo luật đó – trong sự tôn trọng những bổn phận và những trách nhiệm hỗ tương – được ghi đậm dấu ấn bởi thái độ sẵn sàng đón nhận, và có thể đơn giản hóa sự hội nhập của những di dân. Từ quan điểm này, phải thực hiện một sự quan tâm đặc biệt tới những điều kiện cư trú dành cho các di dân, khi người ta cân nhắc tới điều rằng, cuộc sống đang tiềm tàng mối nguy đẩy họ vào trong sự phân biệt đối xử.

Ngoài ra, trong Năm Thánh này, tôi cũng muốn hướng một lời kêu gọi khẩn thiết tới những nhà có trách nhiệm của các quốc gia, xin họ hãy thực hiện những hành động cụ thể vì lợi ích của những người anh chị em của chúng ta mà họ đang phải đau khổ vì việc thiếu công ăn việc làm, thiếu đất canh tác và nhà cửa. Tôi nghĩ tới việc tạo ra những chỗ làm với lao động xứng nhân phẩm, hầu đấu tranh chống lại nạn thất nghiệp trong xã hội, mà nó đang liên lụy tới một số lớn những gia đình và người trẻ, cũng như đang có những hậu quả hết sức nghiêm trọng đối với mối tương quan của toàn xã hội. Không có công ăn việc làm thì cảm nhận đối với phẩm giá riêng sẽ bị suy yếu trong mức độ rất cao, làm cho niềm hy vọng bị giảm bớt, và chỉ có thể được cân bằng theo từng phần nhờ vào sự cứu trợ – ngay cả khi rất cần thiết -, mà sự cứu trợ đó được xác định đối với những người thất nghiệp và gia đình của họ. Một mối quan tâm đặc biệt phải được dành cho những người phụ nữ – mà tiếc rằng họ vẫn đang còn bị phân biệt kỳ thị trong lãnh vực lao động – cũng như phải được dành cho một số phạm trù của những công nhân viên mà những điều kiện lao động của họ không được an toàn hay có nhiều nguy hiểm, và tiền lương của họ không cân xứng với ý nghĩa và tầm quan trọng của nghĩa vụ xã hội mà họ phải chu toàn.

Để kết thúc, tôi muốn kêu gọi mọi người hãy thực hiện những bước đi hữu hiệu nhằm cải thiện những điều kiện sống của các bệnh nhân, bằng cách là tất cả những khả năng tiếp cận với sự điều trị y khoa và khả năng tiếp cận với những loại thuốc men cần thiết cho sự sống, kể cả khả năng được chăm sóc tại nhà, đều được bảo đảm.

Những nhà mang trách nhiệm của các quốc gia cũng được mời gọi canh tân mối tương quan của họ đối với các dân tộc khác với một cái nhìn về những giới hạn riêng của mình, và hãy tạo điều kiện cho tất cả mọi người đều có được một sự bao bọc thực sự và sự góp phần vào cuộc sống của cộng đồng quốc tế, hầu cho tình huynh đệ được hiện thực hóa ngay cả trong gia đình các quốc gia.

Từ quan điểm này, tôi muốn hướng một lời kêu gọi đến tất cả mọi người: hãy khước từ việc làm cho các dân tộc khác bị vướng vào vòng xung đột hay chiến tranh, mà những cuộc xung đột hay chiến tranh đó không chỉ hủy hoại những gia tài vật chất hay văn hóa của họ, cũng không chỉ hủy hoại những thành tựu của họ, nhưng còn – và trong thời gian dài – hủy hoại sự bất khả xâm phạm về luân lý và tinh thần của họ nữa; hãy xóa bỏ các món nợ quốc tế của các quốc gia nghèo nhất, hay quản lý những món nợ đó ở mức có thể chấp nhận được; vận dụng những hình thức của một chính sách cộng tác mà chúng không bị khống chế bởi sự chuyên chế của một số ý thức hệ, nhưng thay vào đó, tôn trọng những giá trị của các cư dân địa phương, và tuyệt đối không gây tổn thương cho quyền căn vản và bất khả nhượng của những em bé chưa được sinh ra.

Tôi trao phó những suy tư này – cùng với những niềm ước mong tốt nhất của tôi nhân dịp năm mới – cho lời bầu cử của Đức Maria, cho người Mẹ luôn luôn lưu tâm tới những nỗi thống khổ của nhân loại, để Mẹ cầu nguyện cho chúng ta, hầu cho lời cầu xin của chúng ta được tăng thêm sức mạnh bởi Đức Giêsu, Con của Mẹ, Hoàng Tử Hòa Bình, và xin Người chúc lành cho sự dấn thân hằng ngày của chúng ta vì lợi ích của một thế giới huynh đệ và liên đới.

 

Ban hành tại Vatican, cạnh Đền Thờ Thánh Phêrô,

ngày 08 tháng 12 năm 2015,

Đại lễ kính Đức Trinh Nữ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội,

dịp khai mạc Năm Thánh ngoại Thường Lòng Chúa Thương Xót.

+ FRANCISUS

Giáo Hoàng

 

 

– Lm. Giuse Trần Đức Anh, O.P.,

chuyển ngữ từ bản tiếng Italia.

 

 

 

 


[1] [Chú thích riêng]: Hội Nghị quốc tế về biến đổi khí hậu lần thứ 21, diễn ra từ ngày 30/11 – 11/12/2015 tại Paris (COP21). Theo CNN, có khoảng 40.000 đại biểu từ 195 quốc gia tham dự COP21, với mục tiêu đạt được thỏa thuận có tính ràng buộc pháp lý đầu tiên để hạn chế khí thải nhà kính, làm chậm quá trình biến đổi khí hậu, ngăn ngừa toàn cầu nóng lên thêm 2 độ C – ngưỡng sẽ gây ra ngập lụt toàn cầu theo khuyến cáo của các nhà khoa học. Nhiệt độ trung bình ngày nay là 15 độ C. Theo BBC, kể từ khi cuộc cách mạng công nghiệp bắt đầu năm 1750, lượng CO2 đã tăng hơn 30% trong khí quyển, và cao nhất trong lịch sử 800.000 năm trở lại. Theo đó, lượng CO2 thải ra từ đốt nhiên liệu hóa thạch toàn cầu chiếm 57% khí thải nhà kính, tiếp đó là CO2 phát ra từ cháy rừng, hoặc đốt chất thải nông nghiệp chiếm 17%. Khí thải nhà kính khác như methane chiếm 14%, N20 chiếm 8%, cũng do con người tạo ra, nhưng chiếm tỷ lệ ít hơn so với CO2 từ nhiên liệu hóa thạch.

[2] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Gaudium et Spes (Vui Mừng và Hy Vọng), số 1.

[3] Ibid., số 3.

[4] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Tông thư Misericordiae Vultus (Khuôn Mặt Xót Thương), Ngày 11-04-2015, số 14-15.

[5] Xc. Đức Giáo Hoàng Benedict XVI, Thông điệp Caritas in Veritate (Bác Ái Trong Chân Lý), Ngày 29-06-2009, số 43.

[6] Ibid., số 16.

[7] Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Thông Điệp Populorum Progressio (Phát Triển Các Dân Tộc), Ngày 26-03-1967, số 42.

[8] Đức Giáo Hoàng Benedict XVI, Thông điệp Caritas in Veritate (Bác Ái Trong Chân Lý), Ngày 29-06-2009, số 19: “Xã hội ngày càng được toàn cầu hóa làm cho chúng ta trở thành hàng xóm của nhau, nhưng không làm cho chúng ta trở thành những người anh chị em. Lý trí, đối với một mình nó, có khả năng nhận thức được sự bình đẳng giữa những con người và hình thành nên cuộc sống chung giữa những công dân, nhưng không đạt tới được việc tạo nên tình huynh đệ”.

[9] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium (Niềm Vui Tin Mừng), Ngày 24-11-2013, số 60.

[10] Vgl. ebd., 54.

[11] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Sứ điệp Mùa Chay, Năm 2015.

[12] Xc. Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Thông điệp Laudato Si’ (Chăm Sóc Ngôi Nhà Chung), Ngày 24-05-2015, số 92.

[13] Ibid., số 51.

[14] Đức Giáo Hoàng Benedict XVI, Diễn văn nhân dịp đầu Năm Mới trước các thành viên của Ngoại Giao Đoàn bên cạnh Tòa Thánh, Ngày 07-01-2013.

[15] Ibidem.

[16] Xc. Đức Giáo Hoàng Benedict XVI, Diễn văn trong ngày hồi tâm của cuộc đối thoại và cầu nguyện cho công lý và hòa bình trên thế giới, Assisi, Ngày 27-10-2011.

[17] Xc. Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium (Niềm Vui Tin Mừng), Ngày 24-11-2013, số 217-237.

[18] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium (Niềm Vui Tin Mừng), Ngày 24-11-2013, số 59: “Cho tới bao lâu sự khai trừ và sự bất bình đẳng xã hội trong xã hội và giữa các dân tộc với nhau vẫn chưa được khắc phục, thì cho tới lúc đó người ta vẫn chưa thể khử trừ được bạo lực. Người nghèo và những dân tộc nghèo túng nhất sẽ vẫn còn bị ép buộc phải sử dụng bạo lực, nhưng nếu không có sự đồng đều trong các cơ hội, những hình thức khác nhau của thái độ thù địch và chiến tranh sẽ tìm được mảnh đấy màu mỡ, mà không trước thì sau, mảnh đất ấy sẽ dẫn tới sự phát triển nhanh chóng. Nếu cộng đồng địa phương, quốc gia hay quốc tế chừa lại một phần của chính nó trong những vùng ngoại vi cho số phận của chính phần bị bỏ lại đó thì sẽ không có bất cứ chương trình chính trị, cũng chẳng có bất cứ lực lượng trật tự hay nền văn minh nào có thể bảo đảm được sự bình yên một cách không hạn chế được. Điều đó sẽ diễn ra không phải chỉ vì sự bất bình đẳng xã hội khơi lên những phản ứng có tính bạo lực của những người bị loại ra khỏi hệ thống, nhưng còn vì hệ thống xã hội và kinh tế đang có sự bất công ngay từ gốc rễ. Nếu như sự thiện có khả năng trải rộng thế nào, thì sự ác mà người ta tán thành, cũng có khả năng như thế, nghĩa là nới rộng sự bất công cũng như khuếch trương sức mạnh hủy hoại của nó, và trong âm thầm, thay đổi tận gốc những nền tảng căn bản của hệ thống chính trị và xã hội ấy, mà có vẻ như nó muốn bám rễ thật chắc”.

[19] Xc. Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Thông điệp Laudato Si’ (Chăm Sóc Ngôi Nhà Chung), Ngày 24-05-2015, số 31; 48.

[20] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Sứ điệp Ngày Thế Giới Hòa Bình, Năm 2015, số 2.

[21] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Tông thư Misericordiae Vultus (Khuôn Mặt Xót Thương), Ngày 11-04-2015, số 12.

[22] Ibid., số 13.

[23] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollecitudo Rei Socialis (Quan Tâm Đến Vấn Đề Xã Hội), Ngày 30-12-1987, số 38.

[24] Ibidem.

[25] Ibidem.

[26] Xc. Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Bài Giáo Lý trong buổi Tiếp Kiến Chung vào thứ tư hàng tuần, Ngày 07-01-2015.

[27] Đức Giáo Hoàng Benedict XVI, Sứ điệp Ngày Thế Giới Hòa Bình, Năm 2012, số 2.

[28] Ibidem.

[29] Xc. Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Bài Huấn Dụ trong buổi Đọc Kinh Truyền Tin Chung, Ngày 06-09-2015.

[30] Xc. Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Diễn Văn trước phái đoàn tổ chức luật hình sự quốc tế, Ngày 23-10-2014.