Sứ Điệp Ngày Giới Trẻ Thế Giới Của ĐGH Phanxicô – Năm 2015

0
650


SỨ ĐIỆP

NGÀY QUỐC TẾ GIỚI TRẺ LẦN THỨ XXX

CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

Chúa Nhật 29 Tháng 03 Năm 2015

***

***

“Phúc cho ai có tâm hồn thanh sạch, vì họ sẽ được thấy Thiên Chúa” (Mt 5:8)

 

 

Các bạn trẻ thân mến,

Chúng ta tiếp tục cuộc lữ hành thiêng liêng hướng về Cracovia, nơi sẽ diễn ra Ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần tới vào tháng 7 năm 2016. Chúng ta đã chọn các Mối Phúc Thật của Tin Mừng như chỉ nam hướng dẫn hành trình của chúng ta. Năm ngoái, chúng ta đã suy tư về Mối Phúc tinh thần thanh bần, được tháp nhập vào bối cảnh rộng lớn hơn của “Bài Giảng Trên Núi”. Chúng ta đã cùng nhau khám phá ý nghĩa cách mạng của các Mối Phúc và lời kêu gọi mạnh mẽ của Chúa Giêsu gửi đến chúng ta, mời gọi chúng ta can đảm trong cuộc phiêu lưu tìm kiếm hạnh phúc. Năm nay, chúng ta suy tư về Mối Phúc thứ sáu: “Phúc cho ai có tâm hồn thanh sạch, vì họ sẽ được thấy Thiên Chúa” (Mt 5,8).

1. Ước muốn hạnh phúc

Từ “phúc” hoặc “hạnh phúc” xuất hiện 9 lần trong phần thứ nhất bài giảng của Chúa Giêsu (x. Mt 5,1-12). Nó như một điệp ca nhắc nhớ chúng ta về lời kêu gọi của Chúa hãy cùng nhau tiến bước với Ngài trong hành trình là con đường dẫn đến hạnh phúc đích thực, mặc dù có đủ thứ thách đố.

Đúng vậy, hỡi các bạn trẻ thân mến, con người thuộc mọi thời đại và lứa tuổi đều tìm kiếm hạnh phúc. Thiên Chúa đã đặt trong tâm hồn mỗi người nam nữ một ước muốn không thể đè nén được, ước muốn hạnh phúc, sung mãn. Các bạn chẳng cảm thấy tâm hồn mình khắc khoải và liên tục tìm kiếm một điều thiện hảo có thể thỏa mãn khát vọng vô biên của các bạn sao?

Những chương đầu tiên trong sách Sáng Thế trình bày cho chúng ta hạnh phúc tuyệt vời mà chúng ta được kêu gọi tiến tới và hạnh phúc ấy hệ tại được hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa, với tha nhân, với thiên nhiên, với chính mình. Được tự do đến với Chúa, sống thân mật và hưởng kiến Ngài, đó là điều vốn có trong dự án của Thiên Chúa dành cho nhân loại ngay từ đầu và làm cho ánh sáng thần linh thấm nhập mọi quan hệ của con người bằng chân lý và sự trong sáng. Trong trạng thái tinh tuyền nguyên thủy, không có những “mặt nạ”, những cuộc lẩn tránh, những lý do để ẩn nấp nhau. Tất cả đều thanh khiết và minh bạch.

Khi người nam người nữ chiều theo cám dỗ và phá vỡ quan hệ hiệp thông tín thác với Thiên Chúa, thì tội lỗi đi vào lịch sử nhân loại (x. St 3). Người ta nhận thấy ngay hậu quả của tội lỗi cả trong những quan hệ với bản thân, với tha nhân và với thiên nhiên. Thật là bi thảm dường nào! Sự thanh khiết nguyên thủy như bị ô nhiễm. Từ lúc đó trở đi con người không còn có thể trực tiếp đến cùng Thiên Chúa nữa. Thay vào đó là xu hướng trốn tránh, người nam và người nữ phải che đậy sự trần truồng của mình. Vì thiếu ánh sáng đến từ sự ngắm nhìn Chúa, nên họ nhìn thực tại chung quanh một cách lệch lạc, thiển cận. “Địa bàn” nội tâm trước kia hướng dẫn họ trong sự tìm kiếm hạnh phúc nay bị mất điểm tham chiếu và những tiếng gọi của quyền lực, sở hữu và ham mê lạc thú với bất kỳ giá nào đưa họ vào vực thẳm sầu muộn và lo âu.

Trong các Thánh Vịnh, chúng ta thấy tiếng kêu của nhân loại từ thẳm sâu của tâm hồn vọng đến Thiên Chúa: “Lạy Chúa, ai sẽ làm cho chúng con thấy điều thiện, nếu ánh sáng tôn nhan Chúa không còn ở nơi chúng con nữa?” (Tv 4,7). Chúa Cha, với lòng từ nhân vô biên, đã đáp lại lời khẩn cầu này và sai Con của Ngài đến. Trong Đức Giêsu, Thiên Chúa mặc lấy khuôn mặt nhân trần. Qua sự nhập thể, cuộc sống, chết đi và sống lại của Chúa Con, Thiên Chúa cứu chuộc chúng ta khỏi tội lỗi và mở ra cho chúng ta những chân trời mới, cho đến bấy giờ là điều không ta thể nghĩ tới được.

Và thế là, hỡi các bạn trẻ thân mến, trong Chúa Kitô những ước mơ thiện hảo và hạnh phúc của các bạn được thành tựu viên mãn. Chỉ có Chúa mới có thể thỏa mãn những mong đợi của các bạn, những mong đợi này bao nhiêu lần đã bị thất vọng vì những lời hứa hẹn giả dối của trần thế. Như thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói: “Chính Chúa là vẻ đẹp thu hút các bạn dường nào; chính Ngài khiêu khích các bạn bằng khát vọng biến cuộc đời các bạn thành cái gì cao cả”.[1]

2. Phúc cho những tâm hồn thanh sạch…

Bây giờ chúng ta tìm cách đào sâu để xem Mối Phúc này tiến qua tâm hồn thanh sạch như thế nào. Trước tiên chúng ta cần hiểu ý nghĩa từ “thanh sạch” theo Kinh Thánh. Theo văn hóa Do Thái, con tim là trung tâm các tình cảm, các tư tưởng và ý hướng của con người. Nếu Kinh Thánh dạy chúng ta rằng Thiên Chúa không nhìn vẻ bề ngoài, nhưng nhìn con tim (x. 1Sm 16,7), thì chúng ta cũng có thể nói rằng chính từ con tim mà chúng ta có thể thấy Thiên Chúa. Sở dĩ như vậy vì con tim tóm gọn trọn vẹn con người, cả xác lẫn hồn, trong khả năng yêu và được yêu.

Trái lại, về định nghĩa từ “thanh sạch”, thánh sử Matthew dùng từ Hy Lạp ‘katharos’ cơ bản có nghĩa là “sạch sẽ, tinh tuyền, không có những chất ô nhiễm”. Trong Tin Mừng, chúng ta thấy Chúa Giêsu gạt bỏ một quan niệm về sự tinh tuyền theo nghi thức gắn liền với bên ngoại, cấm mọi tiếp xúc với những sự vật và con người (trong số này có những người phong cùi và người ngoại kiều), bị coi là ô uế. Với những người biệt phái – giống như bao nhiêu người Do Thái thời ấy, họ không ăn nếu trước đó không thực hiện nghi thức thanh tẩy và họ tuân giữ nhiều truyền thống gắn liền với việc rửa các đồ vật, Chúa Giêsu nói dứt khoát rằng: “Không có gì từ bên ngoài con người, khi vào bên trong làm cho con người trở nên ô uế. Nhưng chính những điều xuất ra từ con người làm cho họ ô uế. Thực vậy, từ bên trong, nghĩa là từ tâm hồn con người, phát xuất những dự tính xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, ham hố, gian ác, lường gạt, tháo thứ, ghen tương, vu khống, kiêu hãnh, điên rồ” (Mc 7,15.21-22).

Vậy hạnh phúc nảy sinh từ con tim thanh sạch hệ tại điều gì? Đi từ danh sách những điều ác làm cho con người trở nên ô uế mà Chúa Giêsu liệt kê, chúng ta thấy rằng vấn đề này liên hệ trước tiên tới lãnh vực các tương quan của chúng ta. Mỗi người chúng ta phải học cách phân định điều gì có thể làm cho con tim của mình bị “ô nhiễm”, học cách tạo cho mình một lương tâm ngay chính và nhạy cảm, có khả năng “nhận ra thánh ý Chúa, điều gì là tốt, làm đẹp lòng Chúa và hoàn hảo” (Rm 12,2). Nếu cần có một sự chú ý lành mạnh đối với việc bảo tồn thiên nhiên, không khí trong lành, nước và lương thực thanh khiết, thì chúng càng cần phải bảo tồn sự thanh khiết của những gì mà chúng ta quý chuộng nhất: đó là con tim và những liên hệ của chúng ta. Nền “sinh thái học nhân bản” sẽ giúp chúng ta hít thở không khí trong lành đến từ những điều đẹp đẽ, từ tình yêu chân thực, từ sự thánh thiện.

Có lần tôi đã đặt cho các bạn câu hỏi: “Kho tàng của bạn ở đâu? Bạn đặt con tim của mình trên kho tàng nào?.[2] Đúng vậy, con tim chúng ta có thể gắn bó với những kho tàng đích thực hoặc giả dối, nó có thể tìm được nơi an nghỉ đích thực hoặc bị ngái ngủ, trở nên lười biếng và bị mê sảng. Thiện ích quý giá nhất mà chúng ta có thể có được trong đời chính là quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa. Các bạn có xác tín về điều đó hay không? Các bạn có ý thức về giá trị khôn lường của các bạn trước mặt Chúa hay không? Các bạn có biết mình được Chúa yêu thương và đón nhận một cách vô điều kiện, như các bạn đang hiện hữu hay không? Khi nhận thức này bị suy giảm, thì con người trở thành một ẩn ngữ không thể hiểu được, vì chính sự ý thức mình được Thiên Chúa yêu thương vô điều kiện mang lại ý nghĩa cho đời sống chúng ta. Các bạn có cuộc nói chuyện của Chúa Giêsu với chàng thanh niên giàu có hay không (x. Mc 10,17-22)? Thánh sử Marco nhận xét rằng, Chúa chăm chú nhìn anh ta và Ngài yêu thương anh (x. Mc 10,21), rồi Ngài mời gọi anh hãy đi theo Ngài để tìm được kho tàng đích thực. Các bạn trẻ thân mến, tôi cầu chúc các bạn được cái nhìn của Chúa Kitô, đầy tình yêu thương, tháp tùng các bạn trong suốt cuộc đời.

Tuổi trẻ là thời kỳ trong đó nảy sinh sự phong phú về tình cảm hiện diện trong tâm hồn các bạn, ước muốn sâu xa, mong được một tình yêu chân thật, đẹp đẽ và cao cả. Bao nhiêu sức mạnh ở trong khả năng yêu thương và được yêu! Các bạn đừng để cho giá trị quí báu này bị biến thái, hủy hoại hoặc bị ô uế. Điều này xảy ra khi trong quan hệ của chúng ta có sự lợi dụng tha nhân vào những mục tiêu ích kỷ, đôi khi coi tha nhân như một đồ vật để thỏa mãn lạc thú mà thôi. Con tim bị thương tổn và sầu muộn sau những kinh nghiệm tiêu cực như thế. “Tôi xin các bạn đừng sợ tình yêu chân thực, tình yêu mà Chúa Giêsu và Thánh Phaolô đã dạy chúng ta như sau: “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả. Đức mến không bao giờ mất được” (1Cr 13,4-8).

Khi mời gọi các bạn tái khám phá vẻ đẹp của ơn gọi con người sống tình yêu, tôi nhắn nhủ các bạn hãy nổi lên chống lại xu hướng lan tràn tầm thường hóa tình yêu, nhất là khi người ta tìm cách thu hẹp tình yêu vào khía cạnh tính dục, loại bỏ mọi đặc tính thiết yếu của vẻ đẹp, sự hiệp thông, chung thủy và trách nhiệm. Các bạn trẻ thân mến, “trong thứ văn hóa tạm bợ, tương đối, nhiều người rao giảng rằng điều quan trọng là hưởng thụ trong lúc này, và không bõ công dấnthân trọn đời, đưa ra những chọn lựa chung kết, mãi mãi, vì ta không biết ngày mai sẽ ra sao. Trái lại, tôi xin các bạn hãy trở thành những nhà cách mạng, tôi xin các bạn hãy đi ngược dòng; đúng vậy, theo nghĩa đó tôi xin các bạn hãy nổi lên chống lại thứ văn hóa tạm bợ, xét cho cùng, thứ văn hóa này tin rằng các bạn không có khả năng yêu thương thực sự. Tôi tín thác nơi các bạn trẻ và cầu nguyện cho các bạn. Hãy can đảm đi ngược dòng. Và hãy can đảm sống hạnh phúc”.[3]

Các bạn trẻ là những người thám hiểm tài ba! Nếu các bạn dấn thân khám phá giáo huấn phong phú của Giáo Hội trong lãnh vực này, các bạn sẽ thấy Kitô giáo không hệ tại một mớ những điều cấm đoán bóp nghẹt ước muốn hạnh phúc của chúng ta, nhưng là một dự phóng cuộc sống có khả năng làm cho con tim chúng ta say mê!

3… vì họ sẽ được thấy Thiên Chúa

Trong con tim của mỗi người nam nữ luôn vang vọng lời mời gọi của Chúa: “Các con hãy tìm thánh nhan Ta!” (Tv 27,8). Đồng thời chúng ta luôn phải đối đầu với thân phận nghèo nàn của chúng ta là người tội lỗi. Ví dụ chúng ta đọc thấy trong sách Thánh Vịnh: “Ai có thể lên núi Chúa? Ai có thể ở nơi thánh? Thưa đó là người có bàn tay vô tội và con tim trong trắng” (Tv 24,3-4). Nhưng chúng ta không nên sợ hãi hoặc nản chí: trong Kinh Thánh, và trong lịch sử mỗi người, chúng ta thấy rằng Thiên Chúa luôn đi bước đầu. Chính Ngài thanh tẩy chúng ta để chúng ta có thể được nhận vào trước nhan thánh Ngài.

Ngôn Sứ Isaia, khi nhận được lời mời gọi của Chúa nói nhân danh Ngài, Ông kinh hãi và nói: “Ôi, khốn thay cho tôi! Tôi bị hư mất rồi, vì tôi là người có môi miệng ô uế” (Is 6,5). Nhưng Chúa đã thay tẩy ông, và sai một thiên thần đến chạm vào miệng ông và nói: “Lỗi ngươi đã biến mất, và tội ngươi đã được đền bù” (Is 6,7). Trong Tân Ước trên hồ Gennesaret, khi Chúa Giêsu gọi các môn đệ đầu tiên và làm phép lạ mẻ cá lạ lùng, Simon Phêrô sấp mình xuống dưới chân Chúa và nói: “Lạy Chúa, xin hãy xa con, vì con là kẻ tội lỗi” (Lc 5,8). Chúa trả lời ngay: “Đừng sợ; từ nay con sẽ là kẻ đánh cá người” (Lc 5,10). Và khi một trong các môn đệ Chúa Giêsu hỏi Ngài: “Lạy Chúa, xin tỏ cho chúng con thấy Cha và vậy là đủ cho chúng con rồi”, Thầy đáp: “Ai thấy Thầy, thì cũng thấy Cha Thầy” (Ga 14,8-9).

Vì thế, lời Chúa mời gọi gặp Ngài cũng được gửi đến mỗi người trong các bạn, dù bạn ở nơi nào và hoàn cảnh nào nào đi nữa. Chỉ cần “quyết định để cho Chúa gặp bạn, không ngừng tìm kiếm Chúa mỗi ngày. Không có lý do để ai có thể nghĩ rằng lời mời gọi đó không phải là cho mình”.[4] Tất cả chúng ta đều là người tội lỗi, cần được Chúa thanh tẩy. Nhưng chỉ cần một bước tiến nhỏ hướng về Chúa Giêsu để khám phá thấy rằng Chúa vẫn luôn chờ đợi chúng ta với vòng tay rộng mở, đặc biệt là trong bí tích Hòa Giải, là cơ hội ưu tiên để gặp gỡ lòng từ bi Chúa thanh tẩy và tái tạo con tim chúng ta.

Đúng vậy, các bạn trẻ thân mến, Chúa muốn gặp gỡ chúng ta, để cho chúng ta thấy Ngài. “Nhưng bằng cách nào?” – các bạn có thể hỏi tôi như vậy. Cả thánh nữ Thérèse Avila, sinh tại Tây Ban Nha cách đây đúng 500 năm, khi còn nhỏ đã nói với cha mẹ: “Con muốn thấy Thiên Chúa”. Rồi thánh nữ đã khám phá con đường cầu nguyện “như một tương quan thân hữu thân mật với Đấng mà chúng ta cảm thấy được Ngài yêu thương”.[5] Vì thế, tôi hỏi các bạn: các bạn có cầu nguyện không? Các bạn có biết mình có thể nói với Chúa Giêsu, nói với Chúa Cha, với Chúa Thánh Linh, như thể nói với một người bạn thân tín nhất hay không! Các bạn hãy thử làm như vậy đi, một cách đơn sơ. Các bạn sẽ khám phá điều mà một nông dân ở làng Ars xưa kia đã nói với Thánh Cha Sở trong làng: khi con cầu nguyện trước Nhà Tạm Mình Thánh Chúa, “con nhìn Chúa và Chúa nhìn con”.[6]

Một lần nữa tôi mời gọi các bạn hãy gặp gỡ Chúa bằng cách siêng năng đọc Kinh Thánh. Nếu các bạn chưa có thói quen thì hãy bắt đầu bằng các sách Tin Mừng. Hãy đọc mỗi ngày một đoạn. Hãy để cho Lời Chúa nói với con tim các bạn, soi sáng bước đi của các bạn (x. Tv 119,105). Các bạn hãy khám phá thấy rằng chúng ta cũng có thể “thấy” Thiên Chúa cả nơi khuôn mặt của những người anh em, nhất là những người bị lãng quên nhất: những người nghèo, người đói khát, người nước ngoài, các bệnh nhân và những người bị cầm tù (x. Mt 25,31-46). Các bạn có bao giờ cảm nghiệm điều đó chưa? Các bạn trẻ quý mến, để đi vào tiêu chuẩn của Nước Thiên Chúa, cần nhìn nhận mình là người nghèo với người nghèo. Một con tim tinh tuyền nhất thiết cũng phải là một con tim từ bỏ, biết hạ mình xuống và chia sẻ cuộc sống của mình với những người túng thiếu nhất.

Cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa trong kinh nguyện, qua việc đọc Kinh Thánh và đời sống huynh đệ sẽ giúp các bạn biết Chúa và bản thân mình rõ hơn. Như đã xảy ra cho “các môn đệ trên đường Emmaus” (x. Lc 24,13-35), tiếng Chúa Giêsu làm cho con tim chúng ta nồng cháy và mắt các bạn sẽ mở ra để nhận ra sự hiện diện của Chúa trong đời sống chúng ta, và qua đó khám phá dự phóng tình thương mà Chúa dành cho cuộc sống chúng ta.

Một số người trong các bạn đang hoặc sẽ cảm thấy tiếng Chúa gọi sống đời hôn nhân, thành lập một gia đình. Ngày ngay nhiều người nghĩ rằng ơn gọi này là “lỗi thời”, nhưng không phải như vậy! chính vì lý do đó, toàn thể cộng đồng Giáo Hội đang sống thời kỳ đặc biệt suy tư về ơn gọi và sứ mạng của gia đình trong Giáo Hội và trong thế giới ngày nay. Ngoài ra, tôi mời gọi các bạn hãy cứu xét ơn gọi sống đời thánh hiến hoặc linh mục. Thật là đẹp dường nào khi thấy các bạn trẻ đón nhận ơn gọi hiến thân trọn vẹn cho Chúa Kitô và phục vụ Giáo Hội của Người! Với tâm hồn thanh khiết các bạn hãy tự hỏi và đừng sợ điều mà Thiên Chúa yêu cầu các bạn! Từ lời thưa “xin vâng’ đối với tiêng gọi của Chúa, các bạn sẽ trở thành những hạt giống mới mang lại niềm hy vọng trong Giáo Hội và xã hội. Các bạn đừng quên: thánh ý Chúa là hạnh phúc của chúng ta!

4. Hành trình tiến về Cracovia

“Phúc cho ai có tâm hồn thanh sạch, vì họ sẽ được thấy Thiên Chúa” (Mt 5,8).

Các bạn trẻ thân mến, như các bạn thấy, Mối Phúc này có liên hệ mật thiết tới cuộc sống của các bạn và là một bảo đảm hạnh phúc của các bạn. Vì thế tôi lập lại một lần nữa: hãy có can đảm sống hạnh phúc!

Ngày Quốc Tế Giới Trẻ năm nay dẫn tới giai đoạn cuối cùng trong hành trình chuẩn bị tiến về cuộc hẹn lớn trên thế giới của các người trẻ tại Cracovia, vào năm 2016. Cách đây đúng 30 năm thánh Gioan Phaolô II đã thiết lập trong Giáo Hội những Ngày Quốc Tế Giới Trẻ. Cuộc lữ hành này của giới trẻ qua các đại lục dưới sự hướng dẫn của Người kế vị thánh Phêrô thực sự là một sáng kiến do sự quan phòng của Chúa và có tính chất ngôn sứ. Chúng ta cùng nhau cảm tạ Chúa vì những thành quả quý giá mà Ngày Quốc Tế này đã mang lại trong cuộc sống của bao nhiêu người trẻ trên trái đất! Bao nhiêu khám phá quan trọng, nhất là khám phá Chúa Kitô là Đường, là Sự thật và là Sự Sống, và khám phá Giáo Hội như một đại gia đình hiếu khách! Bao nhiêu thay đổi trong cuộc sống, bao nhiêu chọn lựa ơngọi đã nảy sinh từ những Ngày Quốc Tế Giới Trẻ! Xin Thánh Giáo Hoàng, bổn mạng các Ngày Quốc Tế Giới Trẻ, phù hộ cuộc lữ hành của chúng ta tiến về Cracovia. Và xin cái nhìn từ mẫu của Đức Mẹ Maria, Đấng Đầy Ơn Phúc, tuyệt đẹp và tinh tuyền, tháp tùng chúng ta trong hành trình này.

 

Ban hành tại Vatican, ngày 31 tháng 01 năm 2015,

Lễ Thánh Gioan Bosco.

+ FRANCISCUS

Giáo Hoàng

 

 

– Lm. Giuse Trần Đức Anh, O.P.,

chuyển ý từ nguyên bản tiếng Italia.

 

 

 


[1] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Huấn từ đêm canh thức cầu nguyện tại Tor Vergata, Ngày 19-8-2000: Insegnamenti XXIII/2 (2000), pp. 212.

[2] x. Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Bài phỏng vấn với vài bạn trẻ người Bỉ, Ngày 31-3-2014.

[3] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Huấn từ trong buổi gặp gỡ các bạn thiện nguyện tại Ngày Quốc Tế Giới Trẻ ở Rio, Ngày 28-07-2013.

[4] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium (Niềm vui Tin Mừng), Ngày 24-11-2013, số 3.

[5] St. Thérèse Avila, Sách sự sống, 8,5.

[6] Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, số 2715.