Sứ Điệp Mùa Chay Của ĐGH Phanxicô – Năm 2014

0
899


LTS: Sáng ngày 04-02-2014, Đức Hồng Y Robert Sarah, người Guinée Equatoriale, bên Phi châu, Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh Cor Unum (Đồng Tâm) đã giới thiệu Sứ điệp Mùa Chay đầu tiên của Đức Thánh Cha Phanxicô. Hiện diện trong trên bàn chủ tọa cuộc họp báo còn có 2 vị Tổng thư ký và Phó Tổng thư ký của Hội đồng Đồng Tâm và ông Bà Davide Dotta và Anna Zumbo, thừa sai giáo dân tại Haiti.

***

SỨ ĐIỆP MÙA CHAY

CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

Năm 2014

***

***

“Ngài đã trở nên nghèo để làm cho chúng ta được giàu có

nhờ cái nghèo của Ngài” (x. 2Cr 8,9)

 

 

Anh chị em thân mến,

Nhân dịp Mùa Chay, tôi muốn cống hiến anh chị em vài suy tư có thể giúp anh chị em trong hành trình hoán cải bản thân và cộng đồng. Tôi lấy hứng từ câu nói của thánh Phaolô: “Thực vậy, anh chị em biết lòng quảng đại của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta: Ngài giàu sang, nhưng đã trở nên nghèo vì anh chị em, để anh chị em trở nên giàu sang nhờ cái nghèo của Ngài” (2Cr 8,9). Thánh Tông Đồ ngỏ lời với các tín hữu Kitô thành Corintô để khích lệ họ quảng đại trong việc giúp đỡ các tín hữu thành Jerusalem ở trong tình trạng túng thiếu. Những lời này của thánh Phaolô nói gì với các Kitô hữu chúng ta ngày nay? Lời nhắn nhủ trở nên nghèo khó, sống thanh bần theo tinh thần Tin Mừng có ý nghĩa gì đối với chúng ta ngày nay?

Ân sủng của Chúa Kitô

Trước tiên những lời ấy nói với chúng ta đâu là đường lối của Thiên Chúa. Thiên Chúa không tỏ mình bằng những phương thế quyền lực và giàu sang của trần thế, nhưng bằng những phương thế yếu đuối và nghèo nàn: “Ngài giàu sang, nhưng đã trở nên nghèo vì anh chị em..”.. Chúa Kitô, Con vĩnh cửu của Thiên Chúa, đồng hàng với Chúa Cha về quyền năng và vinh quang, đã trở nên nghèo; Ngài đã xuống giữa chúng ta, trở nên gần gũi với mỗi người chúng ta; Ngài đã cởi bỏ, “trở nên trống rỗng”, để trở nên giống chúng ta hoàn toàn (x. Pl 2,7; Dt 4,15). Mầu nhiệm nhập thể của Thiên Chúa cao cả dường nào! Chính tình yêu của Thiên Chúa là nguyên nhân mầu nhiệm ấy, một tình yêu là ân sủng, lòng quảng đại, ước muốn trở nên gần gũi, và không do dự hiến thân và hy sinh vì những thụ tạo mà Ngài yêu mến. Lòng bác ái, tình yêu, có nghĩa là chia sẻ trong mọi sự số phận của người mình yêu. Tình yêu làm cho trở nên giống nhau, kiến tạo sự bình đẳng, phá đổ các bức tường và những ngăn cách. Và đó là điều Thiên Chúa đã làm với chúng ta. Thực vậy, Chúa Giêsu “đã làm việc bằng đôi bàn tay của con người, đã suy nghĩ với trí thông minh của con người, đã hành động với ý chí của con người, đã yêu thương với trái tim của con người. Sinh bởi Đức Trinh Nữ Maria, Ngài đã thực sự trở nên một người trong chúng ta, giống chúng ta trong mọi sự ngoại trừ tội lỗi”.[1]

Lý do thúc đẩy Chúa Giêsu trở nên nghèo không phải là sự nghèo nàn tự nó, nhưng – như thánh Phaolô đã nói – “… là để anh chị em trở nên giàu sang nhờ cái nghèo của Ngài”. Đây không phải là một kiểu chơi chữ, một kiểu nói để gây ấn tượng! Trái lại đó là một sự tổng logic của Thiên Chúa, logic yêu thương, logic Nhập Thể và Thập Giá. Thiên Chúa đã không làm cho ơn cứu độ rơi xuống chúng ta từ trên cao, như kẻ thương người lấy của dư thừa của mình mà làm phúc bố thí. Đó không phải là tình yêu của Chúa Kitô! Khi Chúa Giêsu bước xuống sông Jordan và chịu phép rửa của Gioan Tẩy Giả, Ngài không hành động vì thấy cần phải thống hối, hoán cái; Ngài làm như thế để nhập hàng giữa dân chúng là những người đang cần ơn tha thứ, Ngài ở giữa chúng ta là những người tội lỗi, và gánh lấy tội lỗi của chúng ta. Đó chính là con đường Ngài chọn để an ủi chúng ta, cứu thoát chúng ta, giải phóng chúng ta khỏi tình trạng lầm than. Chúng ta có ấn tượng mạnh vì Thánh Tông Đồ nói rằng chúng ta đã được giải thoát không phải nhờ sự giàu sang của Chúa Kitô, nhưng nhờ cái nghèo của Ngài. Tuy Thánh Phaolô biết rõ “những sự phong phú khôn lường của Chúa Kitô” (Ep 3,8), “là người được thừa tự mọi sự” (Dt 1,2).

Như thế, cái nghèo mà Chúa Giêsu dùng để giải thoát chúng ta và làm cho chúng ta trở nên giàu sang, là gì? Thưa đó chính là cách thức Ngài yêu thương chúng ta, Ngài trở nên người thân cận của chúng ta như Người Samaritano nhân lành đến gần người bị bỏ mặc giở sống giở chết bên vệ đường (x. Lc 10,25tt). Điều mang lại cho chúng ta tự do chân thực, ơn cứu độ thực sự và hạnh phúc đích thực chính là tình yêu thương xót, dịu dàng và chia sẻ của Ngài. Cái nghèo của Chúa Kitô làm cho chúng ta được giàu sang chính là sự kiện Ngài làm người, gánh lấy những yếu đuối của chúng ta, tội lỗi của chúng ta, thông truyền cho chúng ta lượng từ bi vô biên của Thiên Chúa. Cái nghèo của Chúa Kitô là sự giàu sang lớn nhất: Chúa Giêsu giàu lòng tín thác vô biên nơi Thiên Chúa Cha, tín thác nơi Cha trong mọi lúc, luôn luôn và chỉ tìm kiếm thánh ý và vinh danh Thiên Chúa. Ngài giàu sang như một trẻ em giàu sang khi cảm thấy được yêu thương và mến yêu cha mẹ, và không nghi ngờ một giây phút nào về tình thương và sự dịu dàng của cha mẹ. Sự giàu sang của Chúa Giêsu chính là Con Thiên Chúa; tương quan có một không ai với Chúa Giêsu chính là đặc ân cao cả nhất của Đấng Messiah nghèo khó này. Khi Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy mang lấy “ách nhẹ nhàng” của Ngài, Ngài mời gọi chúng ta hãy trở nên giàu có bằng “cái nghèo giàu sang” và “sự giàu sang nghèo” của Ngài, chia sẻ với Ngài tinh thần con thảo và huynh đệ, trở nên con cái trong Con của Ngài, là anh em trong người Anh Trưởng Tử (x. Rm 8,29).

Người ta nói rằng có một điều sầu muộn duy nhất, đó là sầu muộn vì không được nên thánh (L. Bloy); chúng ta cũng có thể nói rằng có một sự lầm than đích thực duy nhất, đó là: không sống như con cái Thiên Chúa và như những người em của Chúa Kitô.

Chứng tá của chúng ta

Chúng ta có thể nghĩ rằng “con đường” nghèo như thế là con đường của Chúa Giêsu, trong khi chúng ta, là những người đến sau Ngài, chúng ta có thể cứu vớt thế giới bằng những phương thế thích hợp của con người. Không phải như vậy. Trong mọi thời đại và mọi nơi, Thiên Chúa tiếp tục cứu vớt con người và thế giới nhờ cái nghèo của Chúa Kitô, Đấng trở nên nghèo trong các Bí tích, trong Lời Chúa và trong Giáo Hội của Ngài, là một dân tộc gồm những người nghèo. Sự giàu sang của Thiên Chúa không thể đến với chúng ta qua sự giàu sang của chúng ta, nhưng luôn luôn và chỉ qua cái nghèo của chúng ta, bản thân và cộng đoàn, được Thần Khí của Chúa Ktiô linh hoạt.

Noi gương Thầy Chí Thánh, các Kitô hữu chúng ta được kêu gọi hãy nhìn đến tình cảnh lầm than của anh chị em chúng ta, động chạm đến, gánh lấy và hoạt động cụ thể để thoa dịu những lầm than ấy. Lầm than (miseria) không đồng nghĩa với nghèo (povertà); lầm than là sự nghèo nàn không có lòng tín thác, không có tình liên đới, không có hy vọng. Chúng ta có thể phân biệt ba loại lầm than: lầm than vật chất, lầm than luân lý và lầm than tinh thần. Lầm than vật chất vẫn thường được gọi chung là sự nghèo khổ và đè nặng trên những người sống trong hoàn cảnh không xứng đáng với con người: những người bị thiếu các quyền cơ bản và nhu yếu phẩm như lương thực, nước, những điều kiện vệ sinh, công ăn việc làm, khả năng phát triển và tăng trưởng về văn hóa. Đứng trước lầm than này, Giáo Hội cống hiến dịch vụ của mình, diakonia, để đi gặp gỡ những người túng thiếu và chữa lành nhưng vết thương làm xấu xí khuôn mặt của nhân loại. Nơi những người nghèo và những người rốt cùng, chúng ta nhìn thấy tôn nhan của Chúa Kitô; khi yêu thương và giúp đỡ những người nghèo, chúng ta yêu mến và phụng sự Chúa Kitô. Sự dấn thân của chúng ta cũng nhắm làm sao để chấm dứt những vụ vi phạm phẩm giá con người trên thế giới, những kỳ thị và lạm dụng là nguồn gốc gây ra lầm than trong bao nhiêu trường hợp. Khi quyền lực, sa hoa và tiền bạc trở thành thần tượng, thì người ta coi chúng quan trọng hơn đòi hỏi phải phân phối công bằng những của cải. Vì thế, các lương tâm cần hoán cải, trở về với công lý, sự bình đẳng, sự điều độ và chia sẻ.

Điều không kém phần gây lo âu chính là lầm than luân lý, nó hệ tại trở nên nô lệ cho những tật xấu và tội lỗi. Bao nhiêu gia đình lo âu vì có một trong những phần tử của mình, thường là người trẻ, nghiện ngập rượu, ma túy, cờ bạc và dâm ô! Bao nhiêu người đã đánh mất ý nghĩa cuộc sống, thiếu những viễn tượng tương lai và mất hy vọng! Và bao nhiêu người bị bó buộc sống trong lầm than luân lý do những điều kiện xã hội bất công, thiếu công ăn việc làm, khiến họ không còn phẩm giá mang mang cơm bánh về nhà, thiếu bình đẳng trong các quyền giáo dục và sức khỏe. Trong những trường hợp ấy, lầm than luân lý có thể được gọi là một sự bắt đầu tự sát. Hình thức lầm than này cũng là nguyên nhân làm cho nền kinh tế suy sụp, nó luôn gắn liền với lầm than tinh thần mà chúng ta khi chúng ta xa lìa Thiên Chúa và từ khước tình thương của Ngài. Nếu chúng ta cho rằng mình không cần Thiên Chúa, Đấng đang giơ tay cho chúng ta trong Chúa Kitô, vì chúng ta nghĩ mình tự mãn, thì chúng ta đang đi vào con đường thất bại. Thiên Chúa là Đấng duy nhất có thể cứu vớt và giải thoát chúng ta thực sự.

Tin Mừng là thuốc giải độc đích thực chống lại lầm than tinh thần: Kitô hữu được mời gọi mang vào mọi môi trường lời loan báo giải thoát, theo đó có sự tha thứ tội lỗi đã phạm, Thiên Chúa cao cả hơn tội lỗi chúng ta và Ngài yêu thương chúng ta một cách nhưng không, luôn luôn, và chúng ta được dựng nên để hiệp thông và sống vĩnh cửu. Chúa mời gọi chúng ta hãy trở thành những người hân hoan loan báo sứ điệp từ bi và hy vọng ấy! Thật là đẹp khi cảm nghiệm niềm vui loan truyền tin mừng đó, chia sẻ kho tàng đã được ủy thác cho chúng ta, để an ủi những con tim tan vỡ và mang lại hy vọng cho bao nhiêu anh chị em chúng ta đang bị bóng đêm bao phủ. Vấn đề ở đây là đi theo và noi gương Chúa Giêsu, Đấng đã đi đến với người nghèo và tội nhân như một mục tử đi tìm con chiên bị lạc mất, và Ngài đến gặp chúng ta với đầy tình yêu thương. Khi hiệp nhất với Chúa, chúng ta có thể can đảm mở ra những con đường mới để loan báo Tin Mừng và thăng tiến con người.

Anh chị em thân mến,

Ước gì Mùa chay này thấy được toàn thể Giáo Hội sẵn sàng và mau mắn làm chứng cho những người đang sống trong tình trạng lầm than vật chất, luân lý và tinh thần: làm chứng về sứ điệp Tin Mừng, được tóm tắt trong việc loan báo tình thương của Chúa Cha từ bi, sẵn sàng ôm lấy mỗi người trong Chúa Kitô. Chúng ta có thể thi hành điều ấy theo mức độ chúng ta được trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, Đấng đã trở nên nghèo và làm cho chúng ta được giàu sang bằng cái nghèo của Ngài. Mùa Chay là mùa thích hợp để cởi bỏ, làm cho chúng ta tự hỏi đâu là điều chúng ta có thể chịu thiếu để giúp đỡ và làm cho người khác trở nên phong phú nhờ cái nghèo của chúng ta. Chúng ta đừng quên rằng sự nghèo nàn đích thực gây đau khổ: một sự cởi bỏ mà không có chiều kích thống hối thì không có giá trị. Tôi không tín nhiệm việc làm phúc mà chẳng làm cho chúng ta mất mát hoặc không gây đau đớn nào.

Xin Chúa Thánh Linh, – nhờ Ngài “chúng ta vốn là người nghèo, nhưng có khả năng làm bao nhiêu điều phong phú: như người không có gì cả, nhưng lại sở hữu tất cả” (2Cr 6,10),- nâng đỡ những quyết tâm trên đây của chúng ta và củng cố trong chúng ta mối quan tâm và trách nhiệm đối với sự lầm than của con người, để chúng ta trở nên từ bi và là những người thực thi lòng từ bi. Với lời cầu chúc ấy, tôi hứa cầu nguyện cho anh chị em, để mỗi tín hữu và mỗi cộng đoàn Giáo Hội tiến bước một cách hiệu quả trong hành trình Mùa Chay, và tôi xin anh chị em cầu nguyện cho tôi.

Xin Chúa chúc lành cho anh chị em và xin Đức Mẹ gìn giữ anh chị em.

 

Ban hành tại Vatican, ngày 26 tháng 12 năm 2013,

Lễ Thánh Stephano, Phó Tế và là Vị Tử Đạo tiên khởi.

+ FRANCISCUS

Giáo Hoàng

 

 

– Lm. Giuse Trần Đức Anh, O.P.,

chuyển ý từ nguyên bản tiếng Italia và Pháp.

 

 

 

 


[1] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Gaudium et Spes (Vui mừng và Hy vọng), số 22,2.