SỨ ÐIỆP GIÁNG SINH URBI ET ORBI
CỦA ÐỨC THÁNH CHA BENEDICT XVI
Ngày 25 Tháng 12 Năm 2011
***
***
“Veni ad salvandum nos!” – “Xin hãy đến cứu chúng con!”
Anh chị em ở Roma và toàn thế giới thân mến!
Chúa Kitô đã sinh ra cho chúng ta! Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời và bình an dưới thế cho những người Chúa thương. Âm vang lời loan báo từ Bethlehem vọng đến tất cả mọi người, lời loan báo mà Giáo Hội Công Giáo làm vang vọng trên mọi đại lục, vượt ra ngoài biên cương của mọi quốc tịch, ngôn ngữ và văn hóa. Con của Ðức Trinh Nữ Maria đã sinh ra cho mọi người, là Ðấng Cứu Ðộ mọi người.
Một bài ca tiền xướng cổ kính của phụng vụ cầu khẩn Người như sau: “Lạy Ðấng Emmanuel, là vua và là nhà lập pháp của chúng con, là niềm hy vọng và ơn cứu độ cho mọi dân tộc: Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, xin đến cứu độ chúng con!”.
“Veni ad salvandum nos!” – “Xin hãy đến cứu chúng con!”; Ðó là tiếng kêu của con người mọi thời đại, họ cảm thấy không thể một mình khắc phục khó khăn và nguy hiểm. Họ cần đặt bàn tay mình trong một bàn tay lớn mạnh hơn, bàn tay từ trên cao hướng về con người. Anh chị em thân mến, bàn tay này chính là Ðức Giêsu, sinh bởi Ðức Trinh Nữ Maria tại Bethlehem. Ngài là bàn tay mà Thiên Chúa trao cho nhân loại, để dẫn đưa loài người ra khỏi vùng cát lún của tội lỗi và đặt họ đứng trên đá tảng, tảng đá vững chắc là Chân Lý và Tình Thương của Ngài (x. Tv 40,3).
Ðúng vậy, đó chính là ý nghĩa tên của Hài Nhi, danh hiệu, do ý Thiên Chúa, được Mẹ Maria và Thánh Giuse đặt cho Hài Nhi: Người được gọi là Giêsu, nghĩa là “Cứu Thế” (x. Mt 1,21; Lc 1,31). Người được Thiên Chúa Cha sai đến để cứu chúng ta, đặc biệt là khỏi sự ác sâu đậm, ăn rễ sâu nơi con người và trong lịch sử; sự ác ấy chính là sự xa cách Thiên Chúa, lòng kiêu căng tự phụ nghĩ mình có thể tự làm được, đặt mình làm kẻ cạnh tranh với Thiên Chúa và thay thế Ngài, tự phụ quyết định đâu là thiện và đâu là ác, là chủ tể sự sống và sự chết (x. St 3,1-7). Ðó là sự ác lớn lao, là tội lỗi tầy đình, mà con người chúng ta không thể tự mình giải thoát nếu không tín thác vào ơn phù trợ của Thiên Chúa, nếu không kêu lên cùng Ngài: “Veni ad salvandum nos – Xin hãy đến cứu chúng con!”.
Chính việc gióng lên Trời Cao lời kêu cầu ấy đặt chúng ta trong vị thế tốt, đặt chúng ta trong sự thật về chính chúng ta: thực vậy chúng ta là những người đã kêu lên cùng Thiên Chúa và được cứu thoát (x. Et 10,3f).[1] Thiên Chúa là Ðấng Cứu Ðộ, chúng ta là những người đang lâm nguy. Ngài là bác sĩ, chúng ta là bệnh nhân. Nhìn nhận điều này chính là bước đầu để tiến đến ơn cứu độ, hướng về lối đi ra khỏi mê hồn trận mà chúng ta tự khép mình trong đó do tính kiêu căng của mình. Ngước mắt lên trời, giang tay và cầu khẩn ơn phù trợ chính là lối thoát, với điều kiện có Ðấng lắng nghe, và có thể đến cứu chúng ta.
Chúa Giêsu Kitô là bằng chứng Thiên Chúa lắng nghe tiếng kêu của chúng ta. Không những thế! Thiên Chúa còn nuôi dưỡng một lòng yêu thương chúng ta mạnh mẽ đến độ Ngài không thể ở lại trong Ngài, Ngài ra khỏi mình và đến cùng chúng ta, chia sẻ cả thân phận của chúng ta (x. Xh 3,7-12). Câu trả lời mà Thiên Chúa ban trong Ðức Giêsu cho tiếng kêu của con người vượt xa vô biên sự mong đợi của chúng ta, đi tới mức độ liên đới không phải là phàm nhân, nhưng là thần linh. Chỉ Thiên Chúa là tình thương và tình thương là Thiên Chúa mới có thể chọn cách cứu vớt chúng ta bằng con đường ấy, một con đường chắc chắn là dài hơn, nhưng cũng là con đường tôn trọng sự thật về Ngài và về chúng ta: con đường hòa giải, đối thoại, cộng tác.
Vì thế, anh chị em ở Roma và trên toàn thế giới thân mến, trong lễ Giáng Sinh 2011 này, khi ngỏ lời với Hài Nhi Bethlehem, Con của Ðức Trinh Nữ Maria, chúng ta hãy khẩn cầu: “Xin hãy đến cứu vớt chúng con!”. Chúng ta hãy lặp lại lời ấy hiệp ý với bao nhiêu người đang sống trong tình trạng đặc biệt khó khăn và lên tiếng thay cho những người không có tiếng nói.
Chúng ta hãy cùng nhau cầu xin Chúa cứu giúp các dân tộc ở Vùng Sừng bên Phi châu đang chịu nạn đói và hạn hán, nhiều khi bị nặng thêm vì tình trạng bất an kéo dài. Ước gì cộng đồng quốc tế không quên trợ giúp cho đông đảo những người tị nạn từ miền ấy, đang bị thử thách cam go trong phẩm giá của họ.
Xin Chúa ban ơn an ủi cho các dân tộc ở vùng Ðông Nam Á, đặc biệt là Thailand và Philippines, vẫn còn ở trong tình trạng khó khăn trầm trọng vì những vụ lụt mới đây.
Xin Chúa cứu giúp nhân loại bị thương tích vì bao nhiêu cuộc xung đột còn làm cho Trái Ðất bị rướm máu hiện nay. Nguyện xin Hoàng Tử Bình An ban hòa bình và ổn định cho vùng đất nơi Người đã chọn để đến trong thế gian, và khuyến khích việc tái đàm phán giữa người Israel và Palestine. Xin Chúa chấm dứt tình trạng bạo lực tại Syrie, nơi quá nhiều máu đã đổ ra. Xin Người ban ơn hòa giải và ổn định cho Irak và Afganistan. Xin Người cho tất cả các thành phần xã hội trong các quốc gia Bắc Phi và Trung Đông sức hăng say mới trong lúc họ đang cố gắng theo đuổi công ích.
Nguyện xin cho việc hạ sinh của Đấng Cứu Độ nâng đỡ những triển vọng đối thoại và hợp tác tại Myanmar, trong việc tìm kiếm những giải pháp được sự đồng thuận. Xin cho việc Giáng Sinh của Đấng Cứu Thế đảm bảo sự ổn định chính trị cho những quốc gia trong Vùng Ðại Hồ bên Phi Châu và nâng đỡ quyết tâm của dân chúng ở miền Nam Sudan trong việc bảo vệ các quyền của mọi công dân.
Anh chị em thân mến,
Chúng ta hãy hướng nhìn về Hang Ðá Bethlehem: Hài Nhi mà chúng ta chiêm ngưỡng chính là ơn cứu độ chúng ta! Ngài đã mang đến cho thế giới một sứ điệp phổ quát hòa giải và an bình. Chúng ta hãy mở rộng con tim cho Ngài; Chúng ta hãy đón tiếp Ngài vào trong cuộc sống của chúng ta. Trong niềm tín thác và hy vọng, một lần nữa chúng ta hãy thưa cùng Ngài: “Veni ad salvandum nos! Xin đến cứu độ chúng con!”.
+ BENEDICTUS XVI
Giáo Hoàng
***
Sau sứ điệp, Ðức Thánh Cha đã đọc lời Chúc Mừng Giáng Sinh bằng 65 thứ tiếng. Bắt đầu bằng tiếng Italia, ngài nói: Chúc mừng lễ Giáng Sinh tốt đẹp cho dân Roma và Italia! Ước gì sự giáng trần của Chúa Kitô Cứu Thế và sự đón nhận Tin Mừng cứu độ của Chúa trong vui tươi đổi mới tâm hồn các tín hữu, mang lại hòa bình trong các gia đình, niềm an ủi cho những người đau khổ và trợ giúp dân chúng toàn quốc tăng trưởng trong sự tín nhiệm lẫn nhau để cùng nhau xây dựng một tương lai hy vọng, huynh đệ và liên đới hơn. Sau tiếng Trung Hoa, tiếng Nhật và Hàn Quốc, Ðức Thánh Cha đã cầu chúc bằng tiếng Việt: “Chúc Mừng Giáng Sinh”. Và Đức Thánh Cha kết thúc bằng tiếng Latin: “Lạy Chúa xin đến cứu vớt chúng con!”. Tiếp đến là nghi thức ban phép lành kèm theo ơn Toàn Xá cho thành Roma và toàn thế giới. Phép lành này được ban cho các tín hữu mỗi năm hai lần vào dịp lễ Giáng Sinh và Phục Sinh. Ðức Hồng Y Tauran, trưởng đẳng Phó Tế, nhắc nhở rằng: Tất cả mọi tín hữu đều có thể được lãnh nhận, kể cả những người theo dõi qua các đài phát thanh và truyền hình, miễn là giữ các điều kiện thường lệ là: xưng tội, rước lễ và cầu nguyện theo ý Ðức Thánh Cha.
***
PHÉP LÀNH TRỌNG THỂ
VỚI ƠN TOÀN XÁ CHO THÀNH ROMA VÀ TOÀN THẾ GIỚI
***
***
– Đức Thánh Cha: Xin các thánh tông đồ Phêrô và Phaolô là những vị mà chúng tôi dựa vào quyền bính và uy thế, cầu khẩn cho chúng ta trước Thiên Chúa.
– Cộng đoàn: Amen.
– Đức Thánh Cha: Nhờ lời cầu nguyện và công nghiệp của Ðức Trinh nữ Maria, của tổng lãnh thiên thần Micae, của thánh Gioan Baotixita, của các thánh tông đồ Phêrô Phaolô cùng toàn thể các thánh, xin Thiên Chúa toàn năng thương xót anh chị em và xin Chúa Kitô tha tội cho anh chị em cùng dẫn đưa anh chị em về cõi trường sinh.
– Cộng đoàn: Amen.
– Đức Thánh Cha: Xin Thiên Chúa toàn năng lân tuất ban ân xá, tha thứ tất cả tội lỗi của anh chị em, cho anh chị em được hưởng thời gian để làm việc đền tội thành tâm và có công hiệu, một tấm lòng thống hối và hoán cải đời sống, được ơn thánh và sự an ủi của Chúa Thánh Thần, cùng được sự kiên trì làm việc thiện cho đến cùng.
– Cộng đoàn: Amen.
– Đức Thánh Cha: Và xin phúc lành của Thiên Chúa toàn năng, là Chúa Cha + Chúa Con + và Chúa Thánh Thần xuống trên anh chị em và ở lại cùng anh chị em luôn mãi.
– Cộng đoàn: Amen.
– Đức Thánh Cha: “Benedicamus Domino!” (Nào Ta chúc tụng Chúa!).
– Cộng đoàn: “Deo Gratias!” (Tạ ơn Chúa!).
– Lm. Giuse Trần Đức Anh, O.P.,
chuyển ý từ nguyên bản tiếng Italia.
[1] Sách Esth bản Thánh Kinh LXX ngôn ngữ Hy Lạp