Những nhà huyền bí giữa thời đại phát triển Kinh viện

0
557

Bạch Thành Duy OP

Trích Thời sự Thần học, Số 89 (tháng 8 – 2020)

Thế kỷ XII đánh dấu sự ra đời các đại học bên châu Âu, trong đó thần học cũng có một phân khoa, nơi đào tạo các giáo sư (magister) sau những năm rèn luyện về nhân văn và triết học (artes) và Kinh thánh (sacra pagina). Thần học trở thành một “khoa học” (scientia) nhờ việc sử dụng các công cụ triết học để tìm hiểu đức tin. Tuy nhiên, bên cạnh những người dùng lý trí để tìm hiểu chân lý đức tin, Chúa Thánh Thần còn ban cho Giáo hội những người phụ nữ “nói về Chúa” bằng chính cảm nghiệm huyền bí của mình, trong số đó có hai vị được Giáo hội nhìn nhận là “thầy dạy” (doctores), mặc dù họ không tham dự các lớp thần học. Bài này giới thiệu sáu “thầy” đã để lại giáo huấn cho Giáo hội: Clara Assisi (1193-1253), Mechthild Magdeburg (1207-1282/94), Julian Norwich (1342-1416?), Catarina Siena (1347-1380), Catarina Genova (1447-1510), Têresa Avila (1515-1582). Có người là nữ tu, nhưng phần nhiều là giáo dân. Tuy được xếp chung vào “thể văn huyền bí”, nhưng nói được là mỗi người diễn tả thực tại thần linh theo một ngôn ngữ khác nhau, tùy theo ơn riêng Chúa ban.

———–

Thông thường, khi nói đến các nhà thần học hay tư tưởng Kitô giáo thời Trung cổ, người ta nghĩ ngay đến những nhân vật như Anselmô, Albertô, Tôma Aquinô, Bonaventura. Quả thật, các ngài nổi tiếng nhờ lối tư duy sâu sắc, hợp lý và cách trình bày khá rõ ràng, rành mạch làm cho độc giả dễ nắm bắt. Tuy nhiên, bên cạnh các nam nhân, chúng ta cũng thấy có nhiều thần học gia là nữ giới đã góp phần không nhỏ trong công cuộc cải tổ làm thăng tiến đời sống Giáo hội. Sự đóng góp của họ đã được chứng minh cách rõ ràng qua thời gian và nơi đời sống của nhiều cá nhân cũng như hội đoàn. Điều đáng tiếc là trong các trường học người ta ít khi dạy về tư tưởng của các ngài, phải chăng tư tưởng của các vị khó hiểu hoặc không hệ thống? Hay có môt sự phân biệt nào khác? Trong bài viết tóm gọn mang tính tổng quát này, chúng tôi không dám luận bàn hay đi vào phân tích tư tưởng của vị nào, mà chỉ cố gắng giới thiệu với quý độc giả một vài nét chấm phá nơi những gương mặt nữ tiêu biểu đã làm cho đời sống Giáo hội trở nên sinh động, đầy hứng khởi, thêm mới mẻ và vui tươi. Các vị đã trở thành “những viên đá sống động” làm nên tòa nhà Giáo hội như thế nào? Vì Làm sao tư tưởng của các ngài vẫn luôn mang tính thời sự đối với mọi thời, đặc biệt đối với thời đại công nghệ 4.0 của chúng ta?

1. Clara Assisi (1193 – 1253)

a) Từ một sự nổi loạn

Clara Assisi, một trong những vị thánh được yêu mến nhất, sống vào thế kỷ XIII cùng thời với thánh Phanxicô Assisi. Ngài sinh trưởng trong một gia đình quý phái giàu có, nhưng đã từ bỏ vinh hoa phú quý để sống đơn sơ, khiêm nhường và nghèo khó, như Phanxicô Assisi gợi hứng. Lúc đó, Clara mới 18 tuổi và đang được bố mẹ lên kế hoạch để gả cho một người có thế giá. Thế nhưng, Clara một mực từ chối và năm lần bảy lượt cùng với một người bạn âm thầm đi gặp “người của Thiên Chúa” –Phanxicô Assisi– để nghe ngài giảng dạy và khuyên lơn. Người ta cho rằng Clara lần đầu nghe Phanxicô giảng ở Nhà thờ chính tòa San Rufino năm 1210. Vào Mùa xuân 1212, khi lên 18 tuổi, Clara đã đến gặp Phanxicô vài lần để tìm hướng dẫn tâm linh rồi cô đã quyết tâm dâng hiến cuộc đời cho Chúa theo lời đề nghị của Phanxicô, bất chấp sự phản đối dữ dội từ phía gia đình.[1]

Quả thật, vào đêm Chúa nhật Lễ Lá định mệnh năm 1212, Clara cùng với một người bạn thân đã trốn khỏi nhà mình để đi đến ngôi nhà thờ thánh Maria ở Portiuncula. Tại đây, Phanxicô đã cắt mái tóc dài của Clara và sau đó Clara khoác trên mình bộ áo vải thô nói lên lòng quyết tâm hiến thân để trở nên trinh nữ của Đức Kitô.[2] Khi gia đình Clara biết điều này, họ đã nhiều lần kéo đến  gây áp lực để “đòi lại” đứa con yêu dấu, nhưng mọi cố gắng từ phía gia đình lại càng tăng thêm nghị lực và lòng quyết tâm của Clara.

Phanxicô không phải là vị thầy hướng dẫn Clara trong tất cả mọi chuyện, nhưng trên hết ngay từ đầu họ là bằng hữu thân thiết. Tình bạn như thế này giữa các vị thánh là một chiều kích quan trọng và rất đẹp trong đời sống thánh hiến. Quả thật, khi hai tâm hồn tinh khiết đầy lửa mến cùng nhau hướng về Thiên Chúa, thì tình bạn của họ sẽ trở thành nguồn sức mạnh và là “đòn bẩy” thúc đẩy, hướng dẫn họ trên con đường hoàn thiện.[3]

b) Đến lối sống khó nghèo triệt để

Sau khoảng thời gian “lánh nạn” ở một số cộng đoàn tu viện khỏi áp lực từ phía gia đình, Clara đến nhà thờ Đamianô để “an cư lập nghiệp” ở đó suốt 40 năm cho đến khi ngài mất vào năm 1253. Ở đây, Clara đã quy tụ rất nhiều chị em và ngài sống một cuộc đời rất nhiệm nhặt. Giám mục Jacques Vitry khi đến thăm nước Ý đã rất bất ngờ với số lượng đông đảo các chị em và anh em thuộc mọi tầng lớp, giai cấp xã hội đã quy tụ thành từng cộng đoàn sống vì Chúa Kitô: “Họ từ bỏ mọi thứ vì Chúa Kitô, xa lánh thế gian. Họ gọi nhau là anh em hèn mọn, chị em hèn mọn và rất được Đức Thánh Cha và các Hồng Y trân trọng… Những người nữ sống chung với nhau ở các ngôi nhà ven thành phố. Họ không nhận của cải hay bất cứ thứ gì ngoài việc sống bằng lao động chân tay” (Letter of October 1216: FF, 2205, 2207).

Clara quyết sống nghèo không những về của cải vật chất mà cả về tinh thần. Thật vậy, ngoài việc từ chối đời sống tiện nghi, chị còn rất quan tâm đến đời sống chay tịnh nhiệm nhặt. Chị không hề sử dụng giày dép, ăn chay liên lỉ, bận chiếc áo nhặm cứng dệt bằng lông ngựa, và thắt lưng bằng những sợi dây thừng cứng, lấy vài cành nho trải lên mặt đất làm giường, lấy một khúc gỗ cứng làm gối. Tuy nhiên, Clara không bao giờ khuyên người khác sống theo lối quá nghiêm ngặt này. Chị luôn tạ ơn Thiên Chúa về ơn gọi này và thôi thúc chị em sống thật tốt trong ơn huệ này, nhưng chị hiểu rằng không phải ai cũng có thể sống ơn gọi khắc khổ nếu Thiên Chúa không kêu gọi và ban ơn cho. Thực tế, lối sống khắc khổ ấy khiến chị lâm vào tình trạng nguy hiểm. Sức khỏe của chị ngày càng suy yếu và ảnh hưởng nặng nề đến nếp sinh hoạt hàng ngày. Khi biết điều này, thánh Phanxicô đã lập tức can thiệp. Ngài nói rằng chết cho thế gian không phải theo nghĩa đen, nhưng là chết cho thế giới được sáng tạo, do vậy cần phải biết giữ cân bằng trong thế giới này mà không phải vì nó.[4]

Thực tế là lối sống khổ hạnh của Clara không phải nhắm đến sự đau khổ, tuyệt vọng, mà là nhắm đến niềm vui, bình an và hy vọng: những người đầy lửa mến không bao giờ cảm thấy cô đơn, buồn tủi. Họ không quan tâm phải ăn gì uống gì nhưng là tìm cách thức nào nhanh nhất, thanh thoát nhất để đến với Đấng mình yêu thương. Theo Clara, hành trình nên thánh càng gian khổ bao nhiêu, người thực hiện hành trình đó càng phải trên nên nhẹ nhàng, đơn giản bấy nhiêu, thì mới có thể đạt đến đích cách dễ dàng được. Điều này được miêu tả trong Thư gửi Agnes thành Prague:

“Hãy đặt tâm trí em trước tấm gương vĩnh hằng

Hãy đặt tâm hồn em trong ánh sáng vinh quang

Hãy để trái tim em trong Đấng Thánh cao sang

Và đời sống chiêm niệm sẽ biến đổi cuộc đời em theo hình ảnh Chúa Tể muôn loài”.

Đối với Clara, sự nghèo khó thánh thiện phải bắt đầu từ sự nghèo nàn về vật chất: không sở hữu bất cứ thứ gì. Sự nghèo nàn này cho ngài cơ hội để kết hợp với Thiên Chúa. Nếu tâm trí bạn thực sự gắn với Thiên Chúa, bạn sẽ chẳng cần thứ gì để bảo vệ hay che chở, vì tình yêu của Thiên Chúa sẽ bảo vệ, chở che và chăm sóc cho bạn.[5] Quả thật, điều làm cho người ta ấn tượng khi gặp Clara, đó là chị luôn mỉm cười, luôn vui tươi; không bao giờ buồn rầu, khó chịu, nhưng luôn hoan hỷ trong Chúa.

c) Làm chứng nhân Nước Trời

Vì muốn cộng đoàn của mình trở thành những Người Nghèo vì Nước Trời, Clara đã khẩn nài ĐGH Innôcentê III ban đặc ân sống nghèo. Lời thỉnh cầu đặc biệt này đã được Đức Giáo hoàng chấp thuận trong khoảng thời gian nhóm họp Công đồng Lateranô IV, tuy nhiên Công đồng vẫn chưa ủng hộ lối sống khắc khổ của Các Chị Em Nghèo Khó. Năm 1219, Hồng y Hugolino đã trao cho Các Chị Em Nghèo Khó một bản tu luật dựa trên bản tu luật của thánh Biển Đức. Tuy nhiên, bản tu luật này không đáp ứng được lòng mong mỏi sống thật sự khổ hạnh và nghèo khó của các chị em. Năm 1247, ĐGH Innocentê IV đã trao cho các chị em một tu luật mới do ngài viết ra và yêu cầu các chị em không sống theo bản tu luật của Hồng y Hugolino nữa. Thế nhưng, bản tu luật của Đức Innocentê IV cũng không đáp ứng được lòng mong mỏi của Clara và các chị em. Do đó, trước khi mất vào năm 1253, Clara đã tự viết tu luật cho dòng mình và đã được ĐGH Innocentê IV chấp thuận. Đây là lần đầu tiên một bản luật Dòng do một phụ nữ soạn thảo, được Giáo Hội chấp nhận.[6] Thật vậy, Ngày 9 tháng 8 năm 1253, Clara nhận được thư chấp thuận của Đức Innocentê IV. Người ta kể lại rằng chị đã nâng niu và hôn lên bản tu luật nhiều lần. Và ngày hôm sau, chị được đưa về với Chúa mãi mãi. Có thể nói rằng bản tu luật của Clara là một hiện tượng ngoại thường thời bấy giờ chiếu theo giáo luật, thế nhưng Giáo hội đã chấp nhận điều thật sự mới mẻ này như là hoa trái của Chúa Thánh Thần. Hơn nữa, điều này còn cho thấy vai trò của nữ giới thời Trung cổ. Họ đã đóng góp sức lực, sự sáng tạo cũng như tư tưởng để thay đổi xã hội và Giáo hội, chứ không phải chỉ là giới “chân yếu tay mềm” như người ta thường nghĩ. Sự xuất hiện của Dòng Clara đã gợi hứng cho nhiều người nữ từ bỏ thế gian, quy tụ lại thành cộng đoàn để sống đời nghèo khó và chiêm niệm làm chứng nhân Nước Trời.

Nghèo khó tông đồ là điều căn bản nhất trong Tu luật của Các Chị Em Nghèo Khó. Tuy nhiên, Clara không xem sự nghèo khó là điều kiện tiên quyết của sự thánh thiện, mà theo gương Phanxicô, chị đón nhận điều đó vì tình yêu Đức Kitô trong tinh thần vui tươi từ bỏ. Hơn nữa, sống nghèo khó triệt để mở ra cho chị kinh nghiệm về hai chiều kích trong đời sống. Thứ nhất, nó giúp chị trong đời sống cầu nguyện kết hiệp với Chúa; thứ hai, đó là phương tiện hoàn thiện đức ái. Thật vậy, các thánh trước hết luôn là con người của cầu nguyện. Clara cũng không ngoại lệ. Chị cầu nguyện lâu giờ trước Thánh Thể sau các giờ kinh và cầu nguyện âm thầm suốt ngày trong các hoạt động của mình. Trong tu viện thánh Đamianô, chị không ngừng ăn chay hãm mình phạt xác và thực hiện các nhân đức. Dù là chị cả trong cộng đoàn, nhưng chị luôn tự mình phục vụ các chị em đau ốm, vui vẻ làm các việc nhỏ mọn nhất trong nhà. Hơn nữa, niềm tin của Clara vào sự Hiện Diện Đích Thực của Chúa Kitô nơi Thánh Thể quá mạnh mẽ đến nỗi hai phép lạ đã xảy ra: ngăn chặn quân Sarracen tấn công tu viện Đamianô và đẩy lùi quân lính của Vitalis Aversa tiến đánh và cướp phá thành Assisi[7].

Hai năm sau khi Clara qua đời (1255), ĐGH Alexander IV đã triệu tập đông đủ hàng giáo phẩm để tuyên thánh cho chị. Sau bài giảng về gương sống nghèo khó thánh thiện của Clara, Đức Giáo hoàng đã ghi danh chị vào sổ các vị hiển thánh để mọi Kitô hữu tôn kính và noi theo. Trong bài giảng tuyên dương Clara, Đức Alexander đã viết: Clara sống đời kín ẩn, nhưng cuộc sống của chị lại được tỏ lộ ra trước mặt thiên hạ; Clara khiêm hạ im tiếng, nhưng danh tiếng của chị lại được tung hô khắp nơi. Quả thật, những người làm cho thế giới ngày một tốt đẹp hơn chính là các vị thánh. Các ngài biến đổi thế giới cách vững chắc bằng cách “cài đặt” vào trong đó những nguồn năng lượng mà chỉ có tình yêu được gợi hứng từ Tin Mừng mới có thể khởi phát được.[8]

2. Mechthild Magdeburg (1207 – 1282/94)

Mechthild, sinh trưởng trong một gia đình quý tộc Saxon, là nhà thần bí đầu tiên viết tác phẩm bằng tiếng Đức, vì chị không biết tiếng Latinh. Năm lên 12 tuổi, Mechthild đã nhận ra ơn Chúa Thánh Thần thúc đẩy sống ơn gọi đời dâng hiến, thế nhưng mãi đến năm 22 tuổi chị mới quyết liệt theo đuổi ơn gọi của mình. Năm 1230, ở tuổi 23, chị đã rời khỏi nhà đi đến Magdeburg, gia nhập nhóm beguine[9] để trở thành nhà thần bí. Ở Magdeburg, Mechthild có thể xa lánh mọi sự cản trở từ phía gia đình và bạn bè để chuyên tâm sống đời khắc khổ và tu tập. Quả thật, dưới sự hướng dẫn các tu sĩ dòng Đa Minh về tâm linh, chị đã sống một cuộc đời cầu nguyện thâm sâu cũng như chịu nhiều đau khổ về thân xác. Những cảm nghiệm thần linh và xuất thần của chị ngày càng thường xuyên hơn khiến cha giải tội của chị nghi ngờ và yêu cầu chị viết ra những thị kiến đó. Khoảng năm 1270, Mechthild rời bỏ các beguines và xin gia nhập dòng Xitô ở Helfta, Eisleben. Ở đây, chị đã hội ngộ với Mechthild Hackeborn người có biệt danh là “Họa Mi của Thiên Chúa” và Gertrud Helfta được gửi vào Dòng lúc 5 tuổi. Thật tuyệt vời và lạ lùng khi cả ba chị đều là những nhà thần bí nổi tiếng thời bấy giờ cùng chung sống dưới một mái nhà.

Tác phẩm nổi tiếng nhất của Mechthild là cuốn The Flowing Light of the Godhead (Ánh Sáng Tuôn Chảy Từ Thiên Chúa). Tác phẩm này không phải là một tuyển tập thống nhất một chủ đề hay một thể loại mà bao gồm nhiều thể loại khác nhau: thần bí, thư từ, dụ ngôn, suy tư, cầu nguyện, phê bình và khuyên nhủ. Những bản viết tay này được trao cho một tu sĩ dòng Đa Minh – Henry Halle. Bản gốc được viết bằng tiếng Đức đã thất lạc, chỉ còn bản dịch (đã được Henry of Nördlingen biên soạn lại năm 1344). Một bản dịch tiếng Latinh gồm sáu tập viết tại Magdeburg được thực hiện bởi một anh em Đa Minh vào khoảng năm 1290.[10] Mechthild xác nhận rằng những gì được viết ra là do Thiên Chúa yêu cầu chị ghi lại từ những thị kiến, vì chị cho rằng mình không biết phải viết thế nào, nếu không được thấy và nghe bằng cặp mắt và bằng đôi tai linh hồn hay được cảm nghiệm trên toàn thể thân xác sức mạnh của Chúa Thánh Linh. Do vậy, cuốn sách viết về Thiên Chúa và những thị kiến mà Thiên Chúa cho chị thấy, chứ không phải cuốn sách viết về cuộc đời của Mechthild. Dường như khác với những văn sĩ bình thường, chị chỉ có thể viết trong cầu nguyện vì “điều đó hướng tâm hồn đói khổ vào trong sự vẹn toàn của Thiên Chúa và lôi kéo Thiên Chúa cao vời vào trong linh hồn nhỏ bé”[11].

Thật vậy, Mechthild thị kiến Niềm Hân Hoan của Ba Ngôi và nhận thấy rằng linh hồn con người chỉ có thể hoan hỉ khi được tham phần vào tình yêu và niềm vui của Ba Ngôi. Con người được Thiên Chúa trực tiếp dựng nên bằn tình yêu và niềm vui của Người. Hơn nữa, Mechthild nói rằng trong những lần thị kiến chị còn thấy thiên đàng, địa ngục, luyện ngục, ở những nơi này, chị được tiếp xúc với các linh hồn. Ví dụ, trong một thị kiến về luyện ngục, chị kể lại những gì mình được thấy: đó là một nơi nghiệt ngã chưa từng thấy bằng mắt phàm – một bồn tắm kinh hoàng, hỗn hợp lửa và hắc ín; nhiều khói, và mùi hôi thối. Một màn sương mù dày đặc bao trùm trên nó như một chiếc mũ đen. Những linh hồn đang nằm trong đó như những con cóc bẩn thỉu. Hình dạng của chúng giống như con người, nhưng chúng là những linh hồn và có sự tương đồng với ma quỷ.[12] Tuy nhiên, sau khi Mechthild cung cấp mô tả về luyện ngục này, Chúa Kitô nhắc cho chị biết về những linh hồn may mắn được định sẵn cho một ngọn núi phủ đầy hoa. Ở đó, họ sẽ tìm thấy nhiều hạnh phúc mà chị không thể nào diễn tả hết được. Điều này có nghĩa là Thiên Chúa muốn con người hướng đến sự tốt lành tuyệt hảo mà Người đã định sẵn để ban cho con người. Quả thật, Mechthild luôn tin tưởng rằng chỉ khi sống trong mối tương quan thân mật với Thiên Chúa, con người mới thật sự hạnh phúc. Để làm được điều đó, con người cần phải loại bỏ tất cả những gì cản trở họ đến gần Người. Đối với chị, mối tương quan giữa Thiên Chúa và linh hồn phải như tương quan giữa cô dâu và chú rể, và điều này ảnh hưởng đến cách cô nói về mối tương quan giữa Ba Ngôi của Thiên Chúa và linh hồn con người. Mối tương quan, do đó, thân mật có tính chất cá nhân riêng tư. Đó là câu chuyện của những người yêu nhau tương tự như câu chuyện tình trong sách Diễm Ca. Con người không thể sống ngoài tình thương của Thiên Chúa, bởi lẽ họ phát xuất từ Thiên Chúa và quy hướng về Người. Quả vậy, Thiên Chúa tạo dựng nên mọi loài thọ tạo và cho chúng tồn tại theo bản tính của nó nhưng không ngừng hướng về Đấng Tạo Thành.

Bên cạnh đó, Mechthild cũng viết về Luyện ngục. (Nên biết là vào thời ấy, bản chất của Luyện ngục vẫn còn là đề tài tranh luận giữa các nhà thần học, cách riêng giữa Đông phương và Tây phương). Luyện ngục là nơi mà những người được hứa cứu rỗi sẽ được thanh luyện tội lỗi trước khi có thể vào thiên đàng hưởng phúc vinh quang. Trong khi Hỏa ngục sẽ dẫn đến sự nguyền rủa đời đời, thì những người trong luyện ngục đã được định sẵn để được cứu sau khi đã đền bù hết mọi tội lỗi của họ. Đây cũng là đề tài được Mechthild đề cập như là chủ đề thần học chính của mình. Quả thật, chị cho biết đã nhiều lần được Chúa cho thị kiến Luyện Ngục. Và sự can thiệp của Mechthild đã giúp giải thoát linh hồn của những người trong luyện ngục bằng cách cầu nguyện liên lỉ cho họ. Mechthild, cũng giống như Julian, đã không hài lòng với khái niệm một Thiên Chúa yêu thương mà lại kết án tội nhân xuống địa ngục, vì tình yêu không bao giờ luận phạt mà chỉ có cứu vớt. Thật vậy, Mechthild cho rằng bằng cách cầu nguyện cho những kẻ đáng nguyền rủa, chị hy vọng vẫn giành được sự giải thoát linh hồn của họ.[13]

3. Julian Norwich (1342-1416?)

a) Kết nối những thị kiến thần bí

Julian Norwich, một trong những nhà thần bí có những đóng góp quan trọng cho Giáo hội, được tôn kính cả trong Giáo hội Công giáo và Anh giáo. Chị kết nối những thị kiến thần bí dựa vào cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, qua 20 năm chiêm niệm thần học sâu lắng và đã thể hiện trong tác phẩm Những Mạc Khải Về Tình Yêu Thiên Chúa Qua 16 Thị Kiến nổi tiếng.[14] Các thông tin về chị cũng chủ yếu dựa vào cuốn sách này.

Thật vậy, ngay từ nhỏ, Julian đã được tiếp thu những bài giáo lý căn bản về đức tin qua Kinh Thánh và truyền khẩu: một lối dạy đa dạng và phức tạp với nhiều hình thức khác nhau như chuyện kể, nguyên tắc, lịch sử, thơ ca, thị kiến ngôn sứ. Vì lý do này, chị đã trải qua những kinh nghiệm đầu đời về chân lý cốt lõi tôn giáo với những suy nghĩ và cảm thức đa dạng và phức tạp. Điều này giúp chị diễn tả kinh nghiệm đức tin bằng ngôn ngữ và truyền thống của riêng mình, do đó đã thổi sức sống mới vào những giáo thuyết cũ.[15] Ngoài ra, trong khoảng thời gian cuộc đời chị ở trần thế (1342-1416), mặc dù Giáo hội đang bị phân rẽ bởi nạn phân ly giữa hai Đức Giáo hoàng ở Avignon và Rôma và dân chúng đang chịu những hậu quả của cuộc chiến tranh kéo dài giữa vương quốc Anh và vương quốc Pháp, nhưng Thiên Chúa vẫn không ngừng dùng đến những con người nhỏ bé và tầm thường như chị làm “ngôn sứ” mời gọi con người sống yêu thương, bác ái, hòa bình và hoan hỉ.[16]

Julian kể lại rằng vào tháng 5 năm 1373, có lẽ vào ngày 13 trong tháng ấy, chị bất ngờ lâm trọng bệnh nằm liệt giường ba ngày tưởng như giờ chết đã gần kề, nhưng khi một vị linh mục vội vã đến thăm và dùng Thánh giá để ban phép lành, chị đã không những mau chóng khỏe mạnh mà còn nhận được 16 mạc khải. Sau này, chị đã viết và diễn giải về 16 mạc khải đó trong cuốn sách Những Mạc Khải về Tình Yêu của Thiên Chúa.[17] Các tác phẩm của Julian thường nhắm tới nguồn an ủi, niềm hy vọng và các vấn nạn như: mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người, bản tính của Thiên Chúa và Ba Ngôi, bản tính của con người, và tội lỗi. Julian nhấn mạnh đến tình yêu Thiên Chúa dành cho con người. Thật vậy, vì yêu mà Thiên Chúa tạo dựng con người, như chính Chúa đã cho chị biết ý nghĩa về những thị kiến mà chị đã được thấy trước đây: “‘Con có hiểu rõ ý muốn của Chúa trong điều này không? Hãy biết rằng: Tình yêu là những gì Người muốn. Ai đã mạc khải điều đó cho con? Tình yêu. Tại sao Người lại mạc khải cho con? Vì yêu.’ Vì thế, tôi đã được dạy cho biết rằng tình yêu là ý muốn của Chúa chúng ta”[18]. Julian giải thích rằng chị thấy có một sự hiệp nhất sâu xa giữa Đức Kitô và nhân loại. Bất cứ khi nào Người chịu đau khổ, con người cũng chịu khổ đau theo, và tất cả mọi sinh vật đều chịu đau khổ với Người. Hơn thế nữa, chị cho rằng Thiên Chúa muốn được con người nhận biết, mong đợi và tín thác.[19]

b) Nữ ẩn sĩ tiêu biểu thời Trung Cổ

Được linh hứng bởi tình yêu thần linh, Julian chuyển đến sống trong một cái lều gần nhà thờ thánh Julian ở Norwich nước Anh. Người ta cho rằng chị đã lấy tên của mình từ thánh Julian, bổn mạng của gần nơi chị sống đời ẩn sĩ rất nhiều năm cho tới khi qua đời. Nếp sống “ẩn sĩ” (anchorite, recluse) có lẽ xa lạ với chúng ta, nhưng vào thời Trung cổ, nhiều người nữ đã chọn lối sống này dựa trên các điều luật đã được soạn ra cho họ, chẳng hạn như các điều luật được soạn thảo bởi thánh Aelred of Rievaulx.[20] Thật vậy, ngay từ thời đầu của Kitô giáo, đã có nhiều nữ ẩn sĩ từ bỏ thế gian mà rút lui vào sa mạc để sống kết hợp với Chúa qua đời sống cầu nguyện và chiêm niệm, nhưng vào thời Julian, có nhiều thay đổi, những người sống đời ẩn sĩ vẫn cư ngụ giữa các thành phố hay làng mạc gần với các nhà thờ. Thực tế, thành phố, nơi Julian ẩn cư, là một nơi náo nhiệt, có cảng biển hoạt động tích cực, dân cư đông đúc bậc nhất nước Anh thời bấy giờ và nhà thờ thánh Julian là một trong hàng trăm nhà thờ được xây dựng khang trang.[21] Điều này cho thấy Julian sống đời ẩn sĩ nhưng là một lối sống khác lối sống ẩn sĩ truyền thống thời đầu của Kitô giáo.

Chị “xa lánh” thế gian, nhưng không từ bỏ con người mà thật ra việc xa lánh đó cốt chỉ để mở ra tương quan với Thiên Chúa và gặp gỡ con người khi họ đến xin tư vấn hay viếng thăm “đó không phải là một chọn lựa có tính cách cá nhân chủ nghĩa; chính nhờ việc được sống gần gũi với Chúa như thế, những gì đã nuôi dưỡng nơi chị cũng trở thành khả năng để cố vấn cho nhiều người, giúp đỡ những ai sống khốn khó trong cuộc đời này”[22]. Thật vậy, những người chọn lựa lối sống thân mật với Thiên Chúa như Julian lãnh hội được sự khôn ngoan đích thực của Người, điều mà thế gian không có được, nên ngày càng có nhiều người tìm đến với các ẩn sĩ để tìm lời khuyên giải. Đời sống ẩn tu hay đan tu, do vậy, đóng vai trò quan trọng trong việc mang bình an, niềm vui và hy vọng cho thế giới bên ngoài.

Quan trọng hơn, Julian chọn lối sống tách biệt để có cơ hội và thời gian chú tâm chiêm ngưỡng Dung mạo Đức Giêsu trên thập giá. Thật vậy, những thị kiến của Julian khởi đi từ những mối liên hệ giữa nỗi đau thể xác nơi bản thân và cảnh tượng đau khổ của Đức Kitô trên thập giá hiện ra trước mắt chị. Khi chiêm ngưỡng những nỗi đau đớn Chúa phải chịu trên thập giá, chị đáp trả bằng chính sự đau đớn trên thân xác mình. Do vậy, nỗi đau khổ của Chúa vừa chữa lành vừa dẫn chị đến sự hiểu biết sâu xa hơn về Thiên Chúa. Chị thú nhận rằng những thị kiến sẽ chẳng ích lợi gì nếu chúng không sinh hoa trái trong đời sống “Tôi không trở nên tốt lành vì những mạc khải, nhưng chỉ khi tôi yêu mến Thiên Chúa hơn”[23], vì tình yêu là nguyên nhân của mọi hoạt động và công trình Thiên Chúa tạo dựng cho và vì con người “Tôi đã được mạc khải cho thấy rằng Thiên Chúa tạo dựng chúng ta vì yêu thương; tình yêu của người luôn đầy tràn và tuyệt đối trước sau như một. Và trong tình yêu này, Người đã thực hiện mọi công trình; đã tạo nên mọi thứ có ích cho chúng ta; và cũng nhờ tình yêu đó mà cuộc đời của chúng ta sẽ muôn đời”[24].

c) Dung mạo người mẹ nơi Đức Giêsu

Tư tưởng về tội lỗi của Julian khá xa lạ đối với tư tưởng thời bấy giờ. Thật vậy, thời này các nhà giảng thuyết thường tập trung vào sự hoán cải của tội nhân, việc đền tội và sám hối, còn Julian thì có lối nghĩ khác. Chị cho rằng con người phạm tội cũng tương tự như những đứa bé mới biết đi không chịu vâng lời mẹ, chúng không biết mình đang phạm phải sai lầm. Thiên Chúa như mẹ hiền không phải cứ chấp nhất vào sai lầm của người con cho bằng qua đó Người dạy con cái của mình cư xử sao cho đúng. Như ngôn sứ Isaia nói: “Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ” (Is 49,15). Khi ngắm nhìn Thiên Chúa, Julian không nhìn thấy vết nhơ tội lỗi nào, do đó, chị khẳng định rằng tội lỗi mặc dù là kinh nghiệm rất chân thật nơi con người, nhưng không hề tồn tại nơi Thiên Chúa. Do vậy, tội lỗi là hư vô, mà hư vô thì không thể ngăn cản kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa dành cho nhân loại.[25] Chị nhấn mạnh đến tình yêu trong đời sống thiêng liêng, đặc biệt dùng tình yêu mẫu tử để phác họa tình yêu thần linh “Thiên Chúa là tình yêu và chỉ khi nào người ta cởi mở hoàn toàn với tình yêu này, tin tưởng trọn vẹn vào nó, để cho nó trở thành ngọn hải đăng duy nhất trong cuộc đời, thì tất cả mọi thứ sẽ được biến đổi, bình an đích thực, niềm vui chân thực sẽ được tìm thấy và lúc đó người ta mới có khả năng lan tỏa đến những người chung quanh”[26]. Thiên Chúa quả thực như Người Cha, đồng thời cũng là Người Mẹ. Do đó, bất cứ khi nào đề cập đến Ba Ngôi, chị đều dùng từ “Mẹ của chúng ta” khi nói về Chúa Kitô.[27]

Julian không phải là người đầu tiên dùng hình người Mẹ để diễn tả tư tưởng thần học của mình về Đức Kitô. Thật vậy, các giáo phụ thời xưa đã dùng hình ảnh này. Đặc biệt, các nhà thần học thời bấy giờ cũng thường dùng hình ảnh người Mẹ trong các khảo luận, bài giảng hay lời cầu nguyện như: Anselmô Canterbury, Bernarđô Clairvaux, Aelred Rievaulx, Hincmar Rheims, Bônaventura, Tôma Aquinô, Richard Rolle and William Flete.[28] Những truyền thống đạo đức này dựa trên cảm thức con người được tạo dựng theo hình ảnh và giống như Thiên Chúa và con người Đức Giêsu là hình mẫu hoàn hảo và tiêu biểu nhất cho sự trọn vẹn hình ảnh và giống như Thiên Chúa. Vì thế, vai trò của Đức Giêsu được phác họa như người Mẹ dựa trên ba mô thức căn bản: trước hết, người mẹ là người có khả năng sinh ra thế hệ mới; thứ hai, người mẹ yêu thương và nhân hậu với con của mình; thứ ba, người mẹ dưỡng nuôi con cái bằng chính thân mình và máu của người. Ngoài ra, Julian cũng suy tư về tình mẫu tử của Ba Ngôi kết nối với việc sinh ra.[29] Theo chiều kích thần học, lời giảng giải của Julian về tình mẫu tử của Thiên Chúa thật tuyệt vời. Dưới góc độ cá nhân, nó mang sự chữa lành lớn lao, vì khi đọc các tài liệu của chị, chúng ta mang trong mình kinh nghiệm cá nhân về mối tương quan mẫu tử, cả về phía người con lẫn người mẹ. Thật vậy, tất cả những gì Julian tìm kiếm là được kết hiệp với Thiên Chúa trong tình yêu qua việc cầu nguyện liên lỉ. Chị không cầu xin Thiên Chúa mạc khải cho biết bản chất về điều tốt và điều dữ, ý nghĩa của Ba Ngôi, số phận của những người bị kết án, hay bất cứ mầu nhiệm nào. Chị không thể hiện sự tò mò, nhưng một lòng khao khát đến gần Thiên Chúa. Chính lòng khao khát kết hợp với Chúa đã chọc thủng tấm màn che giữa hai thế giới.

4. Catarina Siena (1347 – 1380)

a) Lối sống kỳ lạ

Chị Catarina Siena được các học giả trung cổ quan tâm chủ yếu vì hai nguyên do. Thứ nhất, chị là một trong những phụ nữ lạ thường nhất trong lịch sử Châu Âu, một bậc thầy tâm linh cực kỳ hấp dẫn, đồng thời cũng là người bênh vực có uy thế cho hòa bình và hòa giải. Thứ hai, chị sống đời khổ hạnh cực kì phi thường khi bảy năm liền không hề ăn uống gì ngoại trừ rước Thánh Thể mà vẫn sống khỏe mạnh bình thường như bao người khác.[30] Đời sống của chị là một thông điệp mạnh mẽ thúc đẩy chúng ta tiến bước về phía sự thánh thiện để ngày càng trở nên người môn đệ hoàn hảo hơn của Chúa Kitô.

Catarina có một tuổi thơ hết sức khác lạ so với những đứa trẻ khác. Chị thích đời sống cầu nguyện và sống cô tịch chứ không thích đời sống ồn ào náo nhiệt như chúng bạn. Năm lên sáu tuổi, Catarina lần đầu tiên được thị kiến Chúa Giêsu trên nhà thờ thánh Đa Minh ở Siena, và khi lên bảy, chị đã khấn hứa với Đức Maria rằng sẽ sống khiết trinh. Đến năm 15 tuổi, do gia đình thúc ép chuyện hôn nhân, Catarina đã ăn chay liên tục và cắt mái tóc đẹp của mình để thể hiện tình yêu dành cho một mình Chúa Giêsu. Thật vậy, dù còn ít tuổi, nhưng chị đã thể hiện tình yêu dâng hiến cũng như đời sống khiết trinh của mình bằng cách thực hành lối sống khổ hạnh, cầu nguyện liên lỉ và đánh tội hàng giờ.[31] Chắc hẳn những hình thức tu đức như đền tội bằng cách phạt xác hay ăn chay hãm mình đến nỗi thân thể hao mào suy kiệt này hầu như không xảy ra trong thời đại chúng ta. Thế nhưng, đó lại là phương thế tuyệt vời trong nếp nghĩ thời Catarina để chứng tỏ tình yêu mãnh liệt và quyết tâm chọn lựa đời sống chỉ dành cho Chúa Giêsu.

Năm 16 tuổi, Catarina bắt đầu bước sang một giai đoạn mới. Thật vậy, năm này, được thúc đẩy bởi một thị kiến về thánh Đa Minh, chị đã xin gia nhập Dòng Ba Đa Minh, một nhánh nữ ở Mantellate. Khi được bề trên Dòng chấp thuận, chị biến phòng riêng của mình thành “tập viện” để sống tách biệt với bên ngoài suốt ba năm với lối sống giữ nếp cầu nguyện lâu giờ, ăn uống kham khổ và đánh tội. Và vào cuối thời điểm này, Catarina đã được thị kiến có một cuộc hôn nhân huyền bí với Chúa Giêsu. Người đã trao cho chị một chiếc nhẫn cưới mà chỉ mình chị mới có thể nhìn thấy. Thị kiến này được cho là cao trào trong đời sống tâm linh và cũng là kết thúc thời gian sống “ẩn dật” của chị để bước ra khỏi “phòng loan” mà đến với mọi người, nhất là những người đang khao khát Chúa.[32] Đến năm 23 tuổi, bị thôi thúc bởi lối sống khổ hạnh quá mãnh liệt, Catarina chỉ rước Thánh Thể, uống ít nước, ăn một ít thảo mộc và rau xanh. Những thực hành chay tịnh này củng cố cho tinh thần dứt khoát về việc chối từ hôn nhân và tăng sức cho chị trong việc cầu nguyện lâu giờ. Thật vậy, chị khao khát sống đời khiết trinh để dâng mình cho Chúa ngay từ lúc còn nhỏ tuổi.[33] Khoảng năm 1370, Catarina trải qua một kinh nghiệm huyền bí về việc chị chết đi và sống lại. Điều này đã được bề trên Dòng Đa Minh lưu tâm. Năm 1374, khi 26 tuổi, vì muốn thăng tiến hơn nữa trong đời sống tâm linh, chi chính thức xin Dòng cho một vị linh hướng và kết quả là chị được cha Raymond Capua linh hướng cho đến lúc qua đời. Ngoài cha Raymond, còn có thầy Bartolomeo Domenici, cũng thuộc Dòng Đa Minh, làm bạn đồng hành tâm linh với chị suốt cuộc đời. Vào tháng Tư năm 1375, Chúa cho chị nhận các dấu đanh (chỉ có chị mới có thể nhìn thấy và chỉ hiện rõ khi ngài qua đời) và tuyên bố về cuộc ly giáo vào 4 năm sau đó.

b) Linh đạo của Catarina

Sau thời gian gần 3 năm (1364-1367) sống tách biệt với thế giới bên ngoài để gặp gỡ thân mật với Chúa qua các hoạt động như chuyên chăm cầu nguyện, làm việc nhà như người đầy tớ và học đọc, Catarina bắt đầu trở lại với thế giới bên ngoài. Chị tham gia vào sứ vụ phục vụ người nghèo khổ và chăm sóc kẻ đau ốm để yêu thương họ như yêu vị hôn phu của mình. Một số người thấy đời sống đạo hạnh của chị nên đã tập họp quanh chị và gọi chị là “mẹ”. Trước những tấm lòng chân thành đó, chị đã đồng hành cũng như giúp đỡ họ cho đến lúc cuối đời. Khi danh tiếng về đời sống thánh thiện của chị tỏa lan khắp nơi, rất nhiều người thuộc mọi giai cấp xã hội đã đến để xin chị lời khuyên giải: những người thuộc tầng lớp quý tộc, chính trị gia, họa sĩ và thường dân, những người nam nữ sống đời thánh hiến và cả ĐGH Grêgôriô XI đang sống ở Avignon vào thời điểm đó.[34] Vai trò của Catarina được ví như “con tàu được chọn” để chuyên chở ân phúc của Chúa Kitô đến với những ai đón nhận giáo lý của Người.

Thật vậy, điều làm người ta ngạc nhiên là Catarina, một người nữ không quyền thế, không chức tước gì, và ít được học hành đã cả gan đến gặp ĐGH Grêgôriô XI để khuyên ngài trở về Rôma và Đức Giáo hoàng đã nghe lời chị. Tuy nhiên, điều không may là Đức Grêgôriô XI đã qua đời không lâu sau đó. Những cố gắng hàn gắn của Catarina dường như không có được kết quả như mong muốn. Thật vậy, sau khi Đức Grêgôriô XI qua đời, nội bộ Giáo hội chia rẽ[35] sâu sắc dẫn đến xuất hiện hai Đức Giáo hoàng , đó là Đức Urbanô VI ở Rôma và Đức Clêmentê VII ở Avignon. Chắc hẳn Thiên Chúa muốn tôi tớ Người – Catarina – được nghỉ ngơi và hưởng phúc Nước Trời, dù Giáo hội đang còn phải trải qua nhiều thanh luyện và thử thách.

Một đặc điểm khác của linh đạo Catarina liên quan đến những cảm xúc đau khổ bao gồm sự tế nhị, hay xúc động, dễ mủi lòng và có khả năng thương cảm sâu sắc. Thật vậy, hầu như vị thánh nào cũng được tặng ban cho khả năng dễ xót thương trước phận người. Họ nên như Đức Giêsu không giấu nổi nước mắt trước cái chết của anh Lazarô, trước nỗi đau của Maria và Matta, hay trước cảnh tượng sắp tàn của thành Giêrusalem. Theo Catarina, những giọt nước mắt của các thánh được hòa trộn với máu của Chúa Kitô, “Hãy tưởng nhớ Chúa Kitô chịu đóng đinh, Vị Thiên Chúa và là con người (…). Hãy đặt Chúa Kitô chịu đóng đinh làm đối tượng ở trước mặt các bạn, hãy ẩn náu trong các vết thương của Người, hãy đắm chìm vào máu của Người”.[36] Chúng ta có thể thấy rằng Catarina sống vào thời đại mà vai trò phụ nữ không được mấy coi trọng trong xã hội lẫn giáo hội. Chị là một trong những gương mặt rất họa hiếm tham gia vao việc hướng dẫn đời sống tâm linh và chính trị có tầm ảnh hưởng quốc tế.

Đối với Catarina, Đức Kitô, trước hết và trên hết, là Đấng Cứu Chuộc mọi người. Vai trò cứu thế là điều mà chị hằng suy ngẫm trong lòng. Chị cũng đưa ra nhiều hình ảnh liên quan đến chủ đề này, đó là chiên, hiến tế, thập giá và máu. Thật vậy, Đấng nhập thể đã phục hồi mối tương quan giữa Thiên Chúa và loài người, bằng cách phục hồi hình ảnh Thiên Chúa nơi con người. Như thế, Đức Kitô chính là cây cầu nối. Hình ảnh này chiếm một phần rất lớn trong quyển Đối Thoại từ chương 26 đến 87. Cây cầu tượng trưng cho sự quan tâm chăm sóc của Đức Kitô dành cho con người và khả năng phục vụ của Người làm cho con người có thể đến gần với Thiên Chúa. Đồng thời, nó cũng chỉ ra và nói cho độc giả về con người, vì mục đich linh đạo của chị là hướng người ta đến với Thiên Chúa, và đó cũng là mục đích tối hậu của những thị kiến của chị nhắm tới.[37] Bởi thế, nơi chị Catarina, chúng ta học được một điều cực kỳ cao quí đó là nhận biết và yêu mến Cúa Giêsu Kitô và Giáo Hội của Người. Trong cuốn “Cuộc Đối Thoại với Thiên Chúa Quan Phòng”, chị đã miêu tả Đức Kitô, với một hình ảnh đặc biệt, như một chiếc cầu lơ lửng giữa trời và đất. Chiếc cầu này được cấu thành bởi 3 bậc thang tuyệt vời bao gồm đôi bàn chân, cạnh sườn và miệng của Chúa Giêsu. Khi nâng mình lên theo 3 bậc thang này linh hồn trải qua ba giai đoạn của mọi con đường thanh luyện, đó là từ bỏ tội lỗi, thực hành các nhân đức và yêu thương, kết hiệp trong tình yêu mến ngọt ngào với Thiên Chúa[38]:

Cây cầu này bắc từ trời xuống đất, nhờ sự kết hợp mà cha đã thực hiện với con người, được Cha tạo thành từ bùn đất. Con nên biết cầu này, tức là Con Một của Cha, có ba bậc: hai bậc dưới được làm bằng gỗ của thánh giá, còn bậc thứ ba thì ở trong sự cay đắng lớn lao, khi người ta cho Ngài uống mật đắng và giấm chua. Ba bậc này chỉ cho con biết ba trạng thái của linh hồn.

Bậc thứ nhất, là hai bàn chân của Ngài và có nghĩa là tình cảm; cũng như hai bàn chân nâng đỡ thân xác, thì tình cảm nâng đỡ linh hồn. Hai bàn chân bị đâm thủng sẽ được dùng làm những bậc để leo lên cạnh sườn là bậc thứ hai; nơi đây bí mật của trái tim sẽ được giãi bày cho con[..] Linh hồn đi từ bậc thứ hai tới bậc thứ ba nghĩa là tới miệng đầy sự ngọt ngào, là nơi linh hồn tìm được sự bình an sau cuộc đại chiến do các tội lỗi của nó gây nên.[39]

Tình yêu dành cho Đức Kitô thôi thúc Catarina khổ chế và hành động để có thể cộng tác vào công việc canh tân Giáo hội cũng như làm cho mọi người nhận thức về lợi ích khi sống mật thiết với Chúa Kitô hơn. Một lần kia, chị cầu xin “cho trái tim được vẹn sạch”, Chúa hiện ra và lấy đi trái tim của chị. Vài ngày sau, Người hiện ra và trao cho chị trái tim, nhưng đây là trái tim của Chúa chứ không phải của chị nữa. Sau lần đó, chị cảm thấy yêu thương tha nhân thật nhiều với chính trái tim của Chúa. Thật vậy, tình yêu với trái tim của Chúa nghĩa là phải chịu trăm bề đau khổ và thử thách “Tình yêu càng lớn, đau đớn và lao nhọc càng tăng; sự đau khổ gia tăng theo mức độ tình yêu […] Khi linh hồn yêu mến Thiên Chúa, tình yêu thần linh, kết hợp chặt chẽ với nó một cách nhẫn nại hoàn hảo, đến độ không tách rời nhau. Cũng thế, linh hồn muốn yêu mến Cha thì nó cũng phải vì Cha mà chịu đựng mọi đau khổ do Cha gửi đến”[40].

Cuối cùng, những tư tưởng được Thiên Chúa mặc khải cho chị chưa bao giờ là không mang tính thời sự. Thật vậy, chị để lại một di sản tư tưởng lớn bao gồm 382 lá thư từ đầu những năm 1370 đến 1380, một cuốn sách có tựa đề Đối Thoại và một số lời cầu nguyện được các bạn của chị ghi lại. Tuy nhiên, tư tưởng cũng như cách trình bày trong các tác phẩm này không dễ tiếp cận đối với nhiều người. Những lá thư chủ yếu để trả lời cho nhiều người thuộc mọi thành phần trong xã hội đặt câu hỏi cho chị hoặc xin chị những lời khuyên giải. Còn cuốn Đối Thoại được viết vào khoảng thời gian 1377-1378.[41] Phần chính của cuốn sách này ghi lại những kinh nghiệm thần bí về Chúa Kitô cũng như về Giáo hội được Chúa Cha mạc khải cho. Về những điều lạ lùng quanh những hoạt động viết lách của Catarina, Cha Raymond, vị linh hướng của chị, đã cho biết rằng: Catarina viết trong sự linh hứng của Chúa Thánh Thần; chị viết trong cơn ngất trí, tất cả các giác quan không nhận thức được điều gì đang xảy ra chung quanh mình.[42]

5. Catarina Genova (1447-1510)

a) Thánh nữ giữa đời thường

Khi nói đến các vị thánh, người ta thường nghĩ ngay đến các tu sĩ, linh mục, giám mục hay giáo hoàng, ít người nghĩ đến giáo dân với nếp sống bình thường. Hơn thế nữa, thời Trung cổ này người ta cách nào đó chuộng lối sống “ẩn dật” – xa lánh thế gian và “đánh tội” để hãm dẹp các đam mê thế tục, nhờ đó họ mới có thể kết hiệp với Chúa và có thể thị kiến những điều lạ lùng. Có vẻ như muốn nên thánh, người ta phải chọn một lối sống khác thường và khác người. Nhân đức “anh hùng” do đó, được đề cao một thời. Người ta ít nói đến việc nên thánh trong đời sống gia đình hay trong ơn gọi khác. Do vậy, một trong những người “phá cách” – Catarina thành Genova – đã làm thay đổi lối nhìn, nếp nghĩ cũng như mang lại nét gì đó đặc biệt trong thời đại này. Thật vậy, có nhiều vị thánh tên Catarina, như thánh Catarina Sienna, thánh Catarina Alexandria, thánh Catarina Labouré ở Paris, thánh Catarina Bologna và thánh Catarina Genova.

Câu chuyện về cuộc đời Catarina chứng minh một điều rằng không nhất thiết phải là một tu sĩ ẩn dật mới có thể nên thánh mà người ta có thể nên thánh ngay trong gia đình, nơi công sở hay bất cứ trong chức vụ nào. Thực tế, Catarina đã lập gia đình, làm việc hầu như toàn thời gian tại một bệnh viện lớn trong thành phố, giữ các chức vụ từ tầm thường nhất đến cao cấp nhất trong bệnh viện.[43] Sống giữa đời thường như thế nhưng đời sống nội tâm của chị thật sâu sắc, chẳng kém những vị sống ẩn dật. Điều này thể hiện qua một số tác phẩm nổi tiếng như: Cuộc Đối Thoại Giữa Linh Hồn và Thể Xác, Đối Thoại Thiêng Liêng, Cuộc Đời và Giáo Thuyết, Khảo luận về Luyện Ngục. Hơn nữa, chị là một trong những nhà thần bí tầm cỡ nhất đã được tôn kính ngay khi chị còn tại thế và cả sau này. Tư tưởng giáo thuyết của chị cũng được xem là một trong những tư tưởng cao siêu nhất trong truyền thống Công giáo Âu châu.[44]

Thánh nữ chào đời tại Genova thuộc miền Bắc Ý. Gia đình Catarina thuộc về dòng quý tộc tại Genova: dòng họ Fieschi. Trong đó, hai vị giáo hoàng là Đức Innocentê IV (1243-1254) và Đức Adriano V (1276) đều xuất thân từ dòng họ này. Catarina là con út trong năm anh chị em. Thân phụ của chị là ông Giacomo Fieschi đã qua đời lúc còn trẻ tuổi. Năm mười sáu tuổi, Catarina bị mẫu thân và huynh trưởng ép gả cho Giuliano Adorno. Đây là cuộc hôn nhân gượng ép, mang tính chính trị, không tình yêu và ông chồng chỉ lo ăn chơi và chạy theo các bóng hồng khác làm Catarina tuyệt vọng và đau khổ.[45] Sống tình trạng khốn khổ đó, chị đã có lúc cũng chạy theo thói tục hội nhập vào những cuộc ăn chơi của giới quý tộc. Tuy nhiên, lối sống đó không làm chị hài lòng và không khỏa lấp được nỗi trống vắng trong lòng chị. Năm 1417, đang khi tỏ bày với cha giải tội những điều làm mình khổ tâm, chị đã trải qua một kinh nghiệm thiêng liêng tuyệt diệu “Trái tim của chị bị mũi tên tình thương vô biên của Thiên Chúa bắn trọng thương, và chị lập tức thị kiến hết sức rõ ràng về tình trạng sa ngã khốn khổ của mình và sự trọn lành của Thiên Chúa. Chị lăn ra ngất trí”. Thật vậy, chị cho biết đã được nhìn thấy tình trạng khốn khổ cũng như những điều sắp xảy ra nơi chị và lòng bao dung của Thiên Chúa bao bọc, khiến chị ngất trí.[46] Trái tim chị được đánh động bởi sự nhận thức này về chính mình – sự nhận biết về cuộc đời trống rỗng mà chị đang theo đuổi và về tình thương bao la của Thiên Chúa. Kinh nghiệm này thúc bách quyết định chuyển hướng toàn bộ cuộc đời chị. Chị từ bỏ hết những gì là xoa hoa phù phiếm của trần gian, thay vào đó, chị dành thời gian cầu nguyện lâu giờ, sống khắc khổ, thức suốt đêm để cầu nguyện hãm mình đền tội và tận hiến đời mình để phục vụ người nghèo và bệnh nhân. Đời sống của chị đã đánh động trái tim ông chồng đến nỗi ông cũng xin gia nhập Dòng Ba Phanxicô. Thế là hai vợ chồng cùng nhau ăn chay, cầu nguyện và hết lòng chăm lo cho người nghèo và phục vụ bệnh nhân.[47] Quả thật, đời sống của Catarina chứng minh một điều rằng một khi tương quan với Thiên Chúa trở nên thâm sâu thì không những mọi khổ đau trong đời sống trần thế của chị được chữa lành mà còn cả những tương quan từ phía người khác (ông chồng) cũng được biến đổi mà trở nên trọn vẹn.

b) Tiếp xúc với Thiên Chúa

Ước muốn được trở thành tu sĩ từ thuở còn nhỏ của Catarina không được ba mẹ chấp nhận, thay vào đó, khi vừa đến tuổi trưởng thành, chị đã phải vâng lời ba mẹ để kết hôn với một người chỉ ham mê thú vui trần thế. Chị bị bỏ rơi ngay từ những ngày tháng đầu tiên của đời sống gia đình. Điều đó làm cho chị hụt hẫng và niềm hy vọng về một gia đình êm ấm hạnh phúc coi như vỡ tan. Thế nhưng, Thiên Chúa không bỏ rơi ai bao giờ “Dầu cha mẹ có bỏ con đi nữa, thì hãy còn có CHÚA đón nhận con.” (Tv 27,10). Người vẫn hằng dõi theo bước chân của những kẻ đau khổ và lôi cuốn họ đến với tình thương của Người. Trong cuốn sách Cuộc Đời, Catarina cho biết rằng chị được hướng dẫn và dạy bảo chỉ bởi tình yêu ngọt ngào của Thiên Chúa. Chị phó thác hoàn toàn vào tay Chúa trong suốt 25 năm, không có bất kì sự trợ giúp nào ngoài trừ sự hướng dẫn của Thiên Chúa. Trong khoảng thời gian này chị được nuôi sống hoàn toàn bởi đời sống cầu nguyện liên lỉ và rước Mình Thánh Chúa mỗi ngày (đây là điều rất đặc biệt vào thời đó).[48] Chị luôn giữ kín về những thị kiến được mạc khải, cũng như những kinh nghiệm thần bí mà Thiên Chúa ban cho, vì chị luôn cảm nghiệm được sự nhỏ bé của mình trước ân hệ bao la của Thiên Chúa. Có những lúc Catarina đắm chìm trong tình yêu thần linh đến nỗi chị phải ẩn mình đi như không còn hiện diện trên thế gian này nữa. Tình yêu của Thiên Chúa bao bọc khiến chị ước mong thuộc về Người hoàn toàn, không cần đến thân xác hay linh hồn chống đỡ. Chị muốn tan biến trong tình yêu thần linh đó.

Quả thật, càng chìm đắm trong tình yêu thần linh, Catarina càng say mê trong đời sống cầu nguyện. Có những hôm chị cầu nguyện suốt đêm ngày ngay cả trong lúc làm việc hay nghỉ ngơi. Và điều này càng tỏ rõ khi các mối tương quan của chị với tha nhân càng trở nên thân ái. Chị luôn gặp thấy khuôn mặt Thiên Chúa nơi tha nhân. Đời sống thần bí không tạo ra khoảng cách giữa mọi người hay làm cho người ta rơi vào một thế giới trừu tượng viễn vông, nhưng làm cho con người đến gần nhau hơn và thôi thúc người ta hành động với trái tim của Thiên Chúa cũng như ngắm nhìn với ánh mắt của Người. Hơn thế nữa, Catarina luôn muốn giữ các điều răn của Chúa cách trọn vẹn nhất, vì chị cảm nghiệm được những ngọt ngào của chúng “Lạy Đấng Thương Xót, nếu người ta giữ các điều răn của Ngài một, thì con những muốn giữ mười, vì chúng quá ngọt ngào và đầy yêu thương. Ngài chẳng bao giờ buộc điều gì dẫn đến sự dữ, ngược lại những ai vâng lời Ngài sẽ có được bình an, hạnh phúc, yêu thương và được nên một với Ngài. Điều này không thể hiểu được đối với những ai chưa kinh nghiệm nó.”[49] Catarina cũng nói đến những sự đối nghịch trong tâm tính con người, như thánh Phaolô trong thư Rôma đã đề cập. Quả thật, con người bị chi phối bởi tính xác thịt nên nhiều lúc người ta làm điều họ không muốn và không làm điều họ muốn “Vẫn biết rằng Lề Luật là bởi Thần Khí, nhưng tôi thì lại mang tính xác thịt, bị bán làm tôi cho tội lỗi. Thật vậy, tôi làm gì tôi cũng chẳng hiểu: vì điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét, thì tôi lại cứ làm” (Rm 7,14-15).

Dường như tất cả những nhà thần bí đều rất nhạy cảm trước vẻ đẹp của Thiên Chúa được tỏ lộ nơi trần thế. Đặc biệt, họ luôn thiết tha với đời sống của con người và với những gì Thiên Chúa tặng ban cho con người. Trong cuốn Đối Thoại, linh hồn Catarina thắc mắc với Thiên Chúa tại sao Người lại quá say mê con người. Chị muốn biết nguyên nhân của tình yêu cao cả mà Thiên Chúa luôn dành cho con người, trong khi, họ luôn chống đối Người trong mọi sự, rời xa tình thương đó, một thế giới câm, điếc, mù lòa và ngu xuẩn. Chị không hiểu được tại sao Thiên Chúa vẫn cứ “say mê” trong tình yêu của Người. Và Thiên Chúa đã trả lời rằng chị đã yêu cầu điều vượt quá sự hiểu biết của mình. Nếu Thiên Chúa tỏ cho chị một chút tia sáng hiểu biết về tình yêu đó, chắc chắn chị sẽ không thể sống được nếu không được cứu bằng ân sủng của Người. Thiên Chúa trả lời chị: trước tiên Người là Thiên Chúa, Đấng Tự Hữu, không thay đổi. Thiên Chúa yêu thương con người trước cả khi tạo dựng nên họ. Thiên Chúa yêu con người bằng tình yêu vô tận, tinh khiết, đơn sơ và chân thành và chẳng cần nguyên do gì cả. Thiên Chúa không thể không yêu thương kẻ mà Người đã dựng nên cho vinh quang của Người. Thiên Chúa cũng ban cho con người nhiều phương tiện để đạt được cứu cánh của đời mình, qua những ân huệ tự nhiên và siêu nhiên. Bên cạnh đó, con người được ban cho mọi thứ tốt đẹp và nhất là có ý chí tự do, do vậy Thiên Chúa dùng tình thương để “chiến đấu” cho đến khi con người chịu khuất phục trước Thiên Chúa. Và Người sẽ đổi mới con người từng chút một bằng những công cụ bí mật của mình chứ không bao giờ bỏ rơi cho đến khi họ đạt được cứu cánh trong kế hoạch của Thiên Chúa.[50]

Một trong những tác phẩm nổi tiếng của Catarina Genova là Khảo luận về Luyện ngục. Tuy nhiên, đừng vội nghĩ rằng chị đã được mạc khải cho biết về Luyện ngục như là một nơi chốn, hay chị đã nhìn thấy các linh hồn nơi đó phải thanh luyện thế nào. Đúng hơn, chị nói về ngọn lửa thanh tẩy trong tâm hồn “linh hồn thánh thiện này, trong khi vẫn còn ở trong thân xác, đã được đưa vào trong Luyện ngục bởi ngọn lửa sốt mến của Thiên Chúa để thanh tẩy khỏi mọi bợn nhơ, nhờ đó, khi từ giã đời này, chị có thể được diện kiến Thánh nhan Thiên Chúa. Nhờ ngọn lửa tình yêu mà chị hiểu thấu được nơi linh hồn mình tình trạng của các linh hồn tín hữu nơi Luyện ngục, nơi họ đang được thanh tẩy khỏi mọi hoen ố, vết nhơ tội lỗi mà chưa được tẩy sạch nơi trần gian này”[51]. Như vậy, cuốn sách này kể về hành trình thanh tẩy của linh hồn cho đến khi kết hợp hoàn toàn với Thiên Chúa, khởi đi từ những kinh nghiệm thâm sâu về những đau khổ do tôi lỗi gây ra đối nghịch với tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Catarina không khởi sự bằng sự sống đời sau để kể về những khốn khổ các linh hồn phải chịu nơi Luyện ngục, (điều này thường gặp thấy vào thời Trung cổ), nhưng chị bắt đầu bằng những kinh nghiệm nội tâm thâm sâu trong chính cuộc đời mình trên hành trình về với đời sống vĩnh cửu.

Thường khi nói về Luyện ngục, người ta thường chỉ nghĩ đến những sự khốn khó mà các linh hồn phải chịu. Thế nhưng, Catarina lại đưa ra một hình ảnh khá lạ lẫm và thú vị. Đó là sự bình an nơi các linh hồn trong Luyên ngục: Không sự bình an nào có thể so sánh được bình an nơi các linh hồn trong Luyện ngục, ngoài trừ bình an triên Thiên đàng. Bình an được Thiên Chúa cho tăng lên mãi, đồng thời các trở ngại, vướng mắc dần dần được tẩy rửa. Các vết nhơ tội lỗi liên tục được tẩy sạch, nhờ đó linh hồn mới ngày càng trở nên trinh sạch mà mở ra hiệp nhất với Thiên Chúa. Đối với con người, Thiên Chúa như ánh sáng và mặt trời soi chiếu và thanh luyện họ ngày một trở nên sáng trong nên giống như Thiên Chúa. Khi vết nhơ dần dần tiêu tan đi mất thì các linh hồn hoàn toàn trần trụi trống rỗng trước ánh sáng thần thiêng, hạnh phúc tăng trưởng và giảm bớt thời hạn đền tội kia đi cho tới khi hoàn tất xong thời gian đền tội.[52] Tuy nhiên, sự đau khổ nơi Luyện ngục vẫn được Catarina đề cập tới, vì tội lỗi che khuất linh hồn khỏi ánh sáng của Thiên Chúa. Khi vết nhơ dần dần tiêu tan đi mất thì các linh hồn hoàn toàn trần trụi trống rỗng trước ánh sáng thần thiêng, hạnh phúc tăng trưởng và giảm bớt thời hạn đền tội kia đi cho tới khi hoàn tất xong thời gian đền tội. Tuy thế sự đau đớn triền miên chẳng hề giảm bớt, cho dù thời gian có được giảm bớt, nhưng khi ý chí, được hiệp nhất với Thiên Chúa để được thuần mến, và để phụng mệnh thần thiêng của Người, thì những linh hồn này chẳng bao giờ còn cho những sự đau đớn của họ là đau đớn nữa.[53] Hơn nữa, Catarina khẳng định rằng con người quyết định số phận của mình trong đời sống dương gian này, vì khi đã chết đi họ không còn cơ hội để làm lại từ đầu. Trong chương IV của cuốn Luyện ngục, Catarina viết “Khi đời sống này chấm dứt, linh hồn mãi mãi lưu lại thiện hay ác tùy theo những gì người ta thực hiện ở cõi đời này”. Khoảnh khắc lâm chung rất quan trọng vì bấy giờ là cơ hội cuối cùng hoặc con người quyết chí ăn năn hoặc ở lì trong tội lụy. Và khi đó Thiên Chúa sẽ phán xét.

6. Têresa Avila (1515-1582)

a) Từ hạnh các thánh bước ra

Têresa Giêsu, tên gọi đầy đủ là Têresa de Cepeda y Ahumada, sinh trưởng trong một gia đình đạo đức ở Avila, nước Tây Ban Nha. Chị rất tự hào về lối giáo dục của cha mẹ. Chi kể rằng thân phụ của chị rất ham mê đọc sách Gương các thánh và ông cũng hướng dẫn con cái của mình đọc những cuốn sách ấy. Còn thân mẫu thì luôn luôn hướng dẫn con cái trên con đường đạo đức qua việc sùng kính, cầu nguyện với Đức Mẹ và các thánh. Chị chưa bao giờ thấy ba mẹ mình quý mến điều gì ngoài việc lành. Họ luôn thương yêu người nghèo và đồng hành với những kẻ bệnh hoạn tật nguyền.[54] Đời sống của chị được thể hiện rõ ràng nhất qua các tác phẩm như: Tự truyện (1562), Đường Trọn Lành (1566), Lâu Đài Nội Tâm (1577), Sách Các Nền Tảng (viết vào giữa những năm 1573 và 1582).

Thật vậy, ngay từ thời thơ ấu, Têresa thường hay đọc sách hạnh các thánh với người anh hơn chị khoảng bốn tuổi. Có lần khi đọc hạnh các thánh tử đạo, Têresa và người anh có khát khao mãnh liệt hưởng phúc tử đạo đến độ họ chạy nhanh ra khỏi nhà, muốn được chết như một chứng nhân tử đạo và tiến lên cõi trời để có thể nhìn ngắm Thiên Chúa. Thực tế, hai anh em đã thảo luận thao thao bất tuyệt về các thánh tử đạo và các cách thức để tử đạo, rồi họ cùng nhau đi đến xứ Moors, nhưng trên đường đi hai anh em đã gặp ông cậu và bị ông đuổi về. Sau khi “thất bại” vì không thể đi đến chỗ quân bách hại đạo để làm chứng cho Đức Kitô, hai anh em Têresa lại ước muốn trở thành những ẩn sĩ. Quả thật, họ tưởng tượng khu vườn ăn trái nhà ba mẹ là khu rừng để rồi tự biến mình thành những ẩn sĩ sống trong đó. Hai anh em tự xây nhà cho mình (mặc dù “nhà” sụp đổ ngay sau đó), bố thí thức ăn cho người nghèo, giả bộ sống cách biệt để cầu nguyện. Có lẽ người ta sẽ nghĩ rằng những câu chuyện trong sách hạnh các thánh khiến cho Têresa có những cảm xúc bốc đồng nhất thời. Tuy nhiên, thực tế lại khác, chính nhờ những gương mẫu nơi trang sách cũng như nhờ lòng sùng kính Đức Maria thời thơ ấu, chị đã nhận ra được hai nguyên lý căn bản của chân lý: một mặt “Mọi thứ trên trần gian này sẽ qua đi”, mặt khác chỉ có Thiên Chúa mới hiện hữu đời đời. Điều này xuất hiện nhiều lần trong bài thơ nổi tiếng của chị.

Đừng để điều chi phiền lòng bạn

Chớ để điều gì khiến bạn đảo điên

Tất cả rồi ra thành tro bụi

Chỉ có Thiên Chúa mới hữu tồn

Kiên nhẫn là vũ khí nên khôn

Đến gần bên Chúa

Chẳng chi buồn phiền.[55]

Lúc Têresa lên 12 tuổi, thân mẫu qua đời và chị đã dâng những nỗi đau khổ này cho Đức Maria rồi nhận Người làm mẹ của mình. Kể từ đó, Đức Mẹ luôn chở che chị bất cứ khi nào chị chạy đến với người. Có một quảng thời gian Têresa không còn đọc sách hạnh các thánh nữa mà thay vào đó là những cuốn sách mang nội dung phàm tục, dẫn đến đời sống hờ hững, xao lãng. Tuy nhiên, sau khi đi học ở trường Santa María de las Gracias của các nữ tu dòng thánh Augustinô, Têresa lại bắt đầu đam mê đọc các sách thiêng liêng, đặc biệt các bộ kinh điển về thánh Phanxicô. Điều này đã giúp cho đời sống nội tâm cũng như đời sống cầu nguyện của chị được thăng tiến mau chóng. Ngày 2 tháng 11 năm 1537 Têresa gia nhập tu viện Chúa Nhập Thể của Dòng Cát Minh ở Avila. Ba năm sau chị bị bệnh nặng, nằm liệt giường và bị hôn mê đến nỗi như sắp “về nhà Cha”. Khi chiến đấu với bệnh tật thể xác, Têresa cũng nhận thấy một cuộc chiến chống lại sự yếu đuối muốn cưỡng lại lời mời gọi của Thiên Chúa trong nội tâm. Đó là chị nhận ra sự sống chỉ có thể đến từ Thiên Chúa chẳng ai có thể làm chủ được nó. Hơn nữa, con người luôn muốn lìa xa Thiên Chúa, lìa xa tiếng gọi của Người. Sau khi khỏe lại, chị được dẫn đi thăm một số anh em của mình và chị lại cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa dành cho chị qua những lần gặp gỡ này.

Ngoài ra, Têresa có cơ hội thiết lập nhiều mối tương quan thân hữu thiêng liêng với nhiều vị thánh, và đặc biệt là với thánh Gioan Thánh Giá. Đồng thời, ngài cũng nuôi dưỡng tâm hồn mình bằng việc đọc sách về các vị Giáo phụ, như thánh Giêrônimô, thánh Grêgôriô Cả, và thánh Augustinô. Chính tình bằng hữu thiêng liêng này đã tạo cho chị nhiều động lực, sức mạnh và hứng khởi trong đời sống tâm linh.[56] Têresa phải rời xa những người thân thuộc vào năm 1543. Thật vậy, cha của chị qua đời và tất cả các anh chị em ruột, từng người một, dần dần di cư sang châu Mỹ. Mùa Chay năm 1554, lúc đó Têresa được ba mươi chín tuổi, đạt đến ngưỡng cao nhất của cuộc chiến chống lại những yếu đuối của bản thân. Trong cuốn Cuộc Đời, chị kể lại tất cả những nỗi đau khổ, cũng như mất mát chị hứng chịu suốt chặng đường này. Đặc biệt, vũ khí giúp chị tăng cường sức mạnh để tiếp tục ơn gọi của mình là cầu nguyện. Theo Têresa, có bốn cấp độ cầu nguyện. Cầu nguyện chính là đi vào tương quan với Thiên Chúa. Nhờ tương quan đó, Thiên Chúa dẫn dắt con người đi vào nguồn suối sự sống. Từng bước một, Thiên Chúa ban ơn cho mỗi người theo mức độ và thời gian mà Ngài đã định để có thể đạt tới tình trạng chiêm niệm qua việc đọc kinh “Lạy Cha, kính Mừng”. Dần dần, đời sống cầu nguyện đưa người ta tới tình cảm mật thiết như hai người bạn chỉ muốn kề bên nhau, nhìn nhau và yêu nhau, chứ không cần thốt lên lời nào nữa.[57] Khi ngọn lửa tình yêu Thiên Chúa đến mức cao trào nhất, đời sống nội tâm sung mãn nhất, Têresa được thôi thúc thực hiện cuộc cải tổ dòng Cát Minh. Năm 1562 ngài thiết lập Tu viện Cát Minh cải tổ đầu tiên ở Avila, với sự ủng hộ của đức giám mục thành phố, đức cha Don Alvaro de Mendoza, và sau đó chị cũng nhận được sự chấp thuận của cha Gioan Baotixita Rossi, Tổng quyền dòng Cát Minh thời bấy giờ. Những năm sau đó, Têresa tiếp tục thiết lập những Tu viện Cát Minh dành cho nữ, tất cả 17 Tu viện. Khi gặp Gioan Thánh Giá, chị đã cùng người thiết lập Tu viện đầu tiên dành cho những anh em Cát Minh cải tổ ở Duruelo, cách Avila không xa. Đến năm 1580, Têresa được Tòa thánh công nhận dòng Cát Minh cải tổ của ngài là một tỉnh dòng độc lập.[58]

b) Con đường vươn tới ánh sáng

Nếu như lý trí được ví như ánh sáng soi dẫn tâm hồn thì chỉ tâm hồn mới có khả năng làm cho con người thành ánh sáng. Quả thật, khi đọc cuốn “Tự Thuật” của thánh Augustinô, Têresa đã có những cảm nghiệm rất sâu sắc và xác tín về mối tương quan của mình với Thiên Chúa “cảm nhận về sự hiện diện của Thiên Chúa ập đến trên tôi thật bất ngờ, đến nỗi tôi không hồ nghi chút nào rằng, Thiên Chúa ở trong tôi, và tôi hoàn toàn chìm đắm trong Người”. Chính đời sống nội tâm đã định hình hướng đi và mục đích cho cuộc đời của chị. Tuy nhiên, việc đến gần với Thiên Chúa và tiếp xúc với Người không phải là chuyện một sớm một chiều mà chuyện cả đời, là câu chuyện của một hành trình dài suốt kiếp người. Hành trình ấy đòi hỏi người ta phải cố gắng không ngừng với lòng tin tưởng vào tình yêu bao la của Thiên Chúa.

Trước hết, con đường dễ dàng nhất vẫn là khởi đi từ cầu nguyện. Chị Têresa cho biết rằng người ta khó có thể mau chóng học biết yêu mến Chúa cách hoàn hảo được, vì người ta quá lừng khừng và bủn xỉn trong việc tự hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa. Nhiều khi người ta tưởng mình đã dâng hiến tất cả cho Thiên Chúa, mà kì thực, “họ mới chỉ dâng cho Người chút lợi tức hay mớ hoa trái trong ruộng vườn thôi, còn tiền vốn và quyền sở hữu thửa ruộng, người ta vẫn giữ lại cho riêng mình”. Ngay trong đời sống tu trì, Têresa cũng kinh nghiệm những điều rất chân thực và sâu sắc, đó là khi vào nhà dòng, bước vào đời sống tu trì theo đuổi con đường hoàn thiện, người ta được mời gọi để từ bỏ triệt để cái tôi, thế nhưng, giả sử có ai làm tổn thương danh dự của họ thì tức khắc họ chẳng còn nhớ gì đến lời hứa dâng hiến của mình. Người ta liền giật khỏi bàn tay Thiên Chúa quyền tự trị của mình, mặc dù bề ngoài họ vẫn ra vẻ ngoan ngùy vâng phục ý muốn của Thiên Chúa.[59] Theo chị, nếu không hoàn toàn từ bỏ mình, thì người ta sẽ không bao giờ được Thiên Chúa trao tặng cho kho tàng quý báu. Và không có con đường tắt nào (không đòi hỏi sự hy sinh và gian khó) để có thể đạt được điều đó.

Quả thật, qua đời sống cầu nguyện liên lỉ, người ta mới thực sự bước vào đời sống mật thiết với Thiên Chúa và mới có kinh nghiệm về người trong đời sống. Mặc dù tâm nguyện và khẩu nguyện luôn cần thiết, tuy nhiên cầu nguyện, theo Têresa, không phải là lảm nhảm suốt ngày, nhưng còn phải là Cầu Nguyện Yên Tĩnh. Chính ở đây mà người ta mới có thể hồi tâm và đụng chạm đến thế giới siêu nhiên. Cũng chính ở đây mà người ta mới có thể cảm nếm, hưởng thụ niềm vui sướng hân hoan trong linh hồn. Đây là “một tia nhỏ của tình mến Thiên Chúa mà Người bắt đầu nhóm lên trong linh hồn, vì Ý Người muốn là linh hồn phải hiểu bản chất của tình yêu đầy khoái cảm này”. Hơn nữa, đó là công trình của Chúa Thánh Thần chứ không phải của ma quỷ. Con người cần đáp lại bằng cách bước đi trong âm thầm, không làm ầm ĩ hay tìm câu chữ, suy tư để diễn tả hoặc nói lời cảm ơn “hãy trầm tĩnh như con ong nhỏ khôn ngoan” biết vào tổ để làm mật thay vì bay loạn xạ ra bên ngoài.[60] Khi kiên nhẫn theo cách thức cầu nguyện đó, linh hồn sẽ đạt tới bậc cao hơn, đó là giống như người tay cầm nến bước vao cái chết mà người đó mong mỏi. Chính trong cái chết diễm phúc ấy, linh hồn cảm nếm niềm vui sướng không lời diễn tả “đó là một tình trạng ngớ ngẩn vinh hiển, một sự đảo điên thiên đàng, nơi đó sự khôn ngoan đích thực được chiếm hữu và linh hồn ngây ngất với niềm hân hoan khôn xiết tả”. Hơn nữa, mặc dù được Chúa ban cho những ân huệ cao cả trong đời sống thiêng liêng, nhưng Têresa không phải cảm thấy mình xứng đáng, ngược lại, chị luôn cảm thấy bất xứng và mong Chúa đừng tuôn đổ quá nhiều điều tốt lành vào linh hồn còn đầy bất toàn của mình “Ôi lạy Chúa, xin hãy cẩn trọng với việc Ngài làm, đừng vội quên bao điều gian ác con đã phạm. Vì để thứ tha cho con, Ngài đã phải quên hết chúng đi rồi, nhưng để hạn chế những ân huệ của Ngài, con khẩn nài xin Ngài hãy nhớ đến chúng. Ôi lạy Đấng Hóa Công của con, xin đừng đổ tuôn bao ân phúc trọng đại vào cái bình nứt nẻ như thế, vì Ngài biết rõ đã bao lần con tiêu xài hoang phí”.[61] Rõ ràng, đây không phải là những câu sáo ngữ hay giả bộ khiêm tốn của Têresa, mà là những lời thốt lên từ đáy lòng, những lời thốt lên trong niềm vui sướng hân hoan bao la quá mức mà Thiên Chúa như Vầng Thái Dương chói lọi chiếu soi vào linh hồn.

Như thế, việc cầu nguyện lần hồi giúp cho người ta đến gần Thiên Chúa, tiếp xúc với Người và kinh nghiệm về Người. Đời sống cầu nguyện thâm sâu, mà theo chị Têresa là trải qua bốn cấp độ, do đó, sẽ làm cho người ta chìm ngập trong niềm âu yếm ngây ngất, một niềm âu yếm làm cho linh hồn luôn cảm thấy hạnh phúc ngập tràn và hơn nữa linh hồn mong mỏi nó được tiêu tan đi trong dòng lệ hân hoan. Kết quả là, người ta sẽ ngày càng ý thức rõ rệt về thân phận yếu đuối, mỏng giòn của mình, lòng khiêm nhường cũng trở nên vững chắc hơn và đặc biệt linh hồn cũng nhận thức rõ về sự bất xứng của mình. Quả vậy, sự thật hiển nhiên là con người vẫn cứ còn đó dù ít hay nhiều những “hỉ, nộ, ái, ố”, tuy nhiên một khi đời sống mật thiết với Chúa được xây dựng cách vững chắc, thì Người luôn ra tay chở che bao bọc “Lạy Giêsu của con, thật là cảm động biết bao, khi một linh hồn đã đạt được độ cao thâm trong đời sống này phạm tội và Ngài liền sải cánh tay ra nâng dậy, lòng xót thương của Ngài luôn sẵn sàng mở rộng để cứu vớt”[62]. Con đường của niềm vui đích thật, theo Têresa, là con đường trở nên hoàn thiện trong Đức Kitô, do vậy, hoàn toàn không bao giờ là do sức riêng của con người, hay sáng kiến của con người mà phải phát xuất từ Thiên Chúa, hay từ thập giá Đức Kitô, từ việc chiêm ngắm cuộc đời của Người. Đời sống tâm linh hay nói đúng hơn đời sống tương quan với Chúa Kitô luôn được Têresa Avila đặt lên trước hết. Chị là chứng nhân bất khuất của Chúa về sự hiện hữu và hoạt động của Người trong thế gian. Tất cả các hoạt động của chị đều thể hiện sự khao khát tìm kiếm và thuộc trọn về Người, bởi vì nếu Chúa đã không dạy bảo thì chị đã chẳng thâu lượm được bao nhiêu qua sách vở và khi Chúa đã dạy qua kinh nghiệm, chị mới thấy những gì đã học được chẳng là gì cả. Như thế, Têresa đã tìm biết việc bầu bạn với Chúa là khởi nguyên cho đời sống, cho mọi hoạt động của mình. Quả thật, đây là tình bằng hữu mà tất cả chúng ta cần đến, điều mà chúng ta phải kiếm tìm lại mỗi ngày không ngơi nghỉ. Cầu mong cho gương sáng của thánh Têresa, sự chiêm niệm thâm sâu và hoạt động có hiệu quả của thánh nhân, khích lệ chúng ta mỗi ngày biết dành ra một khoảng thời gian thích hợp để cầu nguyện, rộng mở tâm hồn cho Thiên Chúa, kiếm tìm Thiên Chúa, nhận biết Thiên Chúa, khám phá tình bằng hữu của Thiên Chúa và đạt được sự sống đích thực; thật thế, nhiều người trong chúng ta vẫn tự nhủ: “Tôi không sống, tôi không sống thực sự, bởi vì tôi không thi hành những điều cốt yếu nhất trong cuộc đời tôi”.[63]

Kết luận

Chúng ta đã tìm hiểu khái quát sáu nhân vật nữ nổi bật thời Trung cổ (Thế kỷ XII-XVI). Các ngài là những nhà tư tưởng và thần học lớn của Giáo hội. Một số trong các ngài được suy tôn là Tiến sĩ Hội thánh, nghĩa là giáo thuyết được Hội thánh công nhận và đem ra thực hành. Các ngài tuy khởi sự bằng nhiều con đường khác nhau, nhưng chung lại ta thấy quy về ba điều. Thứ nhất, tất cả đều khởi đi từ tình yêu. Thật vậy, tất cả các ngài đều nhấn mạnh đến tình yêu, đến sự ràng buộc trong tình yêu được thể hiện giữa Ba Ngôi Thiên Chúa, giữa Chúa Kitô và Hội thánh, giữa Chúa Kitô với con người và giữa con người với Chúa. Tình yêu là trung tâm của mọi tương quan. Thứ hai, tất cả đều thể hiện qua một hành trình tâm linh đặc biệt. Khởi đi từ việc “xa lánh” thế gian tức là sống kết hiệp và chiêm ngắm Thiên Chúa qua đời sống cầu nguyện và chiêm niệm đến việc mở ra với tha nhân. Như chúng ta thấy, thời này lối sống “ẩn tu” không còn là sống ở những nơi tách biệt khỏi xã hội, nhưng là ẩn tu giữa lòng thành phố. Đây là một thông điệp mạnh mẽ về “Thiên Chúa đã làm người và cư ngụ giữa chúng ta” được các ngài hiện thể qua chính đời sống của mình. Thứ ba, ý niệm về quyền lực. Quyền lực trước tiên thuộc về Thiên Chúa. Dù khi đã nổi tiếng về đời sống nhân đức, nhưng các ngài luôn phục tùng quyền bính nơi những người đại diện Giáo hội. Điều gì đẹp lòng Thiên Chúa thì cũng làm hài lòng con người. Ngoài ra, các ngài là những người nữ “chân yếu tay mềm”, nhưng rõ ràng đời sống và lời nói lại rất có uy thế. Chẳng hạn, Catarina thành Siena đã cố vấn cho Đức Giáo hoàng và khuyên nhủ ngài về Rôma. Trong các thành nơi các ngài cư ngụ, hàng ngày có rất nhiều người từ thường dân đến quan quyền vua chúa và các vị chức sắc trong Giáo hội đều tới thăm và xin lời chỉ giáo của các ngài.

Hơn nữa, trong một thế giới nơi mà các quốc gia chứng tỏ sức mạnh của mình bằng các loại vũ khí chiến đấu tối tân và sức mạnh của đồng tiền, sự xuất hiện của các ngài cho thấy có một nguồn sức mạnh đích thật có thể hóa giải mọi bất hòa, bạo lực và chiến tranh, đó là tình yêu. Thật vậy, thay vì chứng tỏ quyền lực bằng cơ bắp, súng đạn, các ngài đã sử dụng “quyền lực mềm” hiệu quả và sinh ích. Các ngài không gây ảnh hưởng bằng bạo lực hay tiền bạc để đe dọa hay mua chuộc, nhưng là bằng đời sống yêu thương lôi cuốn. Đời sống của các ngài tác động lên các giá trị nhân bản làm nảy lên nơi tha nhân những thắc mắc dẫn đến cơ may thay đổi lối sống cũng như nếp nghĩ, để rồi những gì người ta muốn làm cũng chính là ý muốn của Thiên Chúa.

Thật vậy, đời sống ân nghĩa với Thiên Chúa đã làm cho cuộc đời của các ngài nên như “ngọn đuốc thần linh” có sức hấp dẫn và “đốt cháy” bất kỳ những ai đến gần. Có thể nói rằng điều các ngài làm có ý nghĩa nhất cho nhân loại đó là mang lại niềm hy vọng lớn lao cho một thế giới đầy bất toàn, nhiều khổ đau và đang mất phương hướng. Ở bất kỳ cuộc đời của vị nào, chúng ta cũng gặp thấy họ phải chịu rất nhiều thử thách trong đau khổ, nhưng trên khuôn mặt bao giờ cũng hiện lên nét bình an và tâm hồn luôn an vui để rồi tỏa ra bên ngoài một sự hấp dẫn kì lạ. Điều này nếu có được là nhờ một phương thế hết sức căn bản và cực kỳ quan trọng trong đời sống của các ngài, đó là đời sống cầu nguyện. Có thể nói đời sống cầu nguyện thâm sâu là “ánh sáng” soi dẫn, là “bản lề” giữ vững các ngài trong từng bước đi và nơi mỗi hành động. Nhờ thế, các ngài không thể trở thành những người vô cảm, ngược lại, là những người rất nhạy cảm trước nỗi thống khổ, tuyệt vọng và nhu cầu căn bản nhất của con người. Điều đó thúc đẩy các ngài không ngừng trở nên nghèo khó và hèn mọn đích thực để sống mật thiết với Thiên Chúa và đến gần thân phận con người nơi thế gian “chị nào thấy mình ít được để ý giữa chị em, thì hãy kể là mình có phúc nhất; và thật sự như vậy, nếu chịu đựng được đúng như phải chịu, chị sẽ không thiếu vinh dự ở đời này và cả đời sau nữa”[64]. Các ngài là những ngọn đuốc tình yêu sống động được Thiên Chúa đốt lên để truyền cảm hứng, sức sống và ánh sáng cho trần thế; tư tưởng của các ngài luôn mang tính thời sự thôi thúc những ai đang theo đuổi con đường trọn lành tiến xa hơn nữa. Đời sống các ngài thể hiện ra vẻ đẹp và tình yêu của Thiên Chúa, điều thực sự hấp dẫn, lôi cuốn và biến đổi thế giới. Các ngài thật xứng đáng với lời ca tụng:

“Các hiền sĩ sẽ chói lọi như bầu trời rực rỡ, 

những ai làm cho người người nên công chính, 

sẽ chiếu sáng muôn đời như những vì sao.”

 ——–

Các tác phẩm của sáu tác giả

Thánh Clara Assisi

Saint Clare of Assisi. Early Documents. Edited and translated by Regis J. Armstrong, O.F.M., Cap. New York: Paulist Press, 1988.

Francis and Clare: Complete Works. Edited by Regis J. Armstrong and I. C. Brady. New York: Paulist Press, 1982.

Mechthild Magdeburg

The Revelations of Mechthild of Magdeburg, or The Flowing Light of the Godhead. Translated by Lucy Menzies. London: Longmans, Green, 1953.

Mechthild von Magdeburg, Flowing Light of the Divinity. Translated by Christiane Mesch Galvani; edited and with an introduction by Susan Clark. New York: Garland Publishing, 1991.

Julian Norwich

Julian of Norwich: Showings. Translated and with an introduction by Edmund Colledge, O.S.A., and James Walsh, S.J. New York: Paulist Press, 1978.

Thánh Catarina Siena

Catherine of Siena: The Dialogue. Translated and with an introduction by Suzanne Noffke, O.P. New York: Paulist Press, 1980.

The Letters of St. Catherine of Siena. 3 vols. Edited and translated by Suzanne Noffke. Tempe, AZ: Arizona Center for Medieval and Renaissance Studies, 2000, 2001, 2007.

Thánh Catarina Genova

Catherine of Genoa. Purgation and Purgatory, The Spiritual Dialogue. Translated by Serge Hughes. New York: Paulist Press, 1979.

Thánh Têresa Avila

 Teresa of Avila. The Collected Works. 3 vols. Translated by Kieran Kavanaugh, O.C.D., and Otilio Rodriguez, O.C.D. Washington, D.C.: Institute of Carmelite Studies, 1980.

————————–

Tài liệu tham khảo

1. Andrea J. Dickens, The Female Mystic: Great Women Thinkers of the Middle Ages, New York: I.B.Tauris, 2009.

2. Andrew Louth, The Origins of the Christian Mystical Tradition From Plato to Denys (2nd edition), New York: Oxford University Press, 2007.

3. Carol Lee Flinders, Enduring Grace: Living Portraits of Seven Women Mystics, New York: HarperCollins e-books, 2007.

4. Ray C. Petry, Late Medieval Mysticism, Kentucky: The Westminster Press, 2006.

5. Peter Tyler, The Return to the Mystical, Ludwig Wittgenstein, Teresa of Avila and the Christian Mystical Tradition, New York: International Publishing Group,

6. Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Những Bài Giáo Lý về Các Nhà Tư Tưởng thời Trung Cổ, lấy từ trang Web (truy cập tháng 6/2020): https://w2.vatican.va/content/benedict-xvi/en/audiences/2009.index.html

——————-

[1] X. Carol Lee Flinders Enduring Grace: Living Portraits of Seven Women Mystics, 42.

[2] X. Giáo Hoàng Biển Đức XVI, Bài Giáo Lý về Các Nhà Tư Tưởng thời Trung Cổ, https://w2.vatican.va/content/benedict-xvi/en/audiences/2010/documents/hf_ben-xvi_aud_20100915.html.

[3] X. Giáo Hoàng Biển Đức XVI, Bài Giáo Lý về Các Nhà Tư Tưởng thời Trung Cổ, https://w2.vatican.va/content/benedict-xvi/en/audiences/2010/documents/hf_ben-xvi_aud_20100915.html.

[4] X. Sđd., 46.

[5] X. Sđd., 47.

[6] X. Sđd., 58.

[7] X. Sđd., 63.

[8] X. Giáo Hoàng Biển Đức XVI, Bài Giáo Lý về Các Nhà Tư Tưởng thời Trung Cổ, https://w2.vatican.va/content/benedict-xvi/en/audiences/2010/documents/hf_ben-xvi_aud_20100915.html.

[9] Xét về nguồn gốc danh xưng đã có ít là bốn lối giải thích : a) Abeguinus, beguina phát xuất từ Albigensis và như vậy đã bị nghi ngờ là lạc giáo; b) danh xưng béguine ám chỉ màu vải beige mà họ dùng làm y phục ; c) danh xưng bắt nguồn bởi động từ beghen là cầu nguyện ; d) tên vị sáng lập là Lambert le Bègue (+1180), một linh mục giáo phận Liège. Nguồn gốc danh xưng không rõ rệt, nguồn gốc lịch sử cũng chẳng sáng sủa hơn ! Không ai biết rõ nhóm này ra đời vào hòan cảnh nào, do ai sáng lập. Chỉ biết rằng vào cuối thế kỷ XII, tại Hà lan, Bỉ và những vùng lân cận, có một nhóm phụ nữ muốn sống một hình thức tu trì khác với nếp sống của các đan viện xưa nay. Những phụ nữ này sống gần các thánh đường của các dòng hành khất. Có khi họ sống riêng rẽ, nhưng thường họ sống thành nhóm gọi là béguinage. Nếp sống của họ thanh bần đạm bạc, với chủ trương bắt chước Chúa Kitô. Họ sinh sống bằng việc may, đan, thêu thùa, và nhất là nghề dệt (một công nghệ đang trên đường phát triển vào thời đó). Vài người cũng chăm sóc những người già yếu bệnh tật, hoặc giáo dục thiếu nhi. Họ năng họp nhau cầu nguyện chung tại nhà thờ. Họ không tuyên khấn vĩnh viễn, nhưng chỉ hứa tuân giữ đức khiết tịnh bao lâu sống trong cộng đòan. Họ cũng hứa tuân giữ nội quy của nhà và bề trên. Các hội viên được thong dong, muốn rời bỏ cộng đòan lúc nào cũng được, để trở về nhà riêng hoặc để lấy chồng. Với dòng thời gian, các nhóm beguines tăng số, và đôi khi họp thành một khu phố với thánh đường riêng. Vì thế vấn đề cơ cấu tổ chức cũng được đặt ra. Mặt khác, nhiều người nhìn họ với cặp mắt không mấy thiện cảm. Một đàng nếp sống của họ gây được sự khâm phục của nhiều người. Đàng khác, họ sống lập lững giữa trạng thái nữ tu (mà không chịu vào đan viện) và trạng thái giáo dân (mà không lập gia đình), khiến cho giáo quyền không kiểm sóat được họ. Tình trạng trở nên căng thẳng hơn khi công đồng họp tại Vienne (1311-12) kết án một vài phần tử trong nhóm bị kết tội lạc giáo vì đi theo phái Fratres de libero spiritu, là một khuynh hướng (phát triển trong từ 1260 đến 1400) chủ trương kết hiệp với Thiên Chúa tới mức độ cảm nghiệm hòa đồng với Ngài. Các phần tử cũng coi nhẹ luật lệ luân lý và các cơ chế của Giáo hội và đòi giải tán các beguinage. Một năm trước đó (1310), tại Paris, chị Marguerite Porete bị kết án thiêu sinh vì phạm tội lạc giáo. Mười năm sau (1321), đức Gioan XXII đã nới rộng lệnh của công đồng, và cho phép họ được tiếp tục nếp sống. Mặt khác, sang thế kỷ XIV, nhiều nhóm beguine bên Đức nhờ các tu sĩ Đaminh hướng dẫn, và không ít cộng đòan beguine đã trở thành đan viện Đaminh.

[10] X. Andrea J. Dickens, The Female Mystic: Great Women Thinkers of the Middle Ages, (New York: I.B.Tauris, 2009), 82.

[11] Carol Lee Flinders Enduring Grace: Living Portraits of Seven Women Mystics, 67.

[12] X. Andrea J. Dickens, The Female Mystic: Great Women Thinkers of the Middle Ages, 85.

[13] X. Sđd., 92.

[14] Revelations of Divine Love in Sixteen Showings X. Sđd., 141.

[15] X. Carol Lee Flinders Enduring Grace: Living Portraits of Seven Women Mystics, 101.

[16] X. Giáo Hoàng Biển Đức XVI, Bài Giáo Lý về Các Nhà Tư Tưởng thời Trung Cổ, https://w2.vatican.va/content/benedict-xvi/en/audiences/2010/documents/hf_ben-xvi_aud_20101201.html

[17] X. Carol Lee Flinders Enduring Grace: Living Portraits of Seven Women Mystics, 101.

[18] X. Giáo Hoàng Biển Đức XVI, Bài Giáo Lý về Các Nhà Tư Tưởng thời Trung Cổ, https://w2.vatican.va/content/benedict-xvi/en/audiences/2010/documents/hf_ben-xvi_aud_20101201.html

[19] X. Andrea J. Dickens, The Female Mystic: Great Women Thinkers of the Middle Ages, 146.

[20] X.Giáo Hoàng Biển Đức XVI, Bài Giáo Lý về Các Nhà Tư Tưởng thời Trung Cổ,  https://w2.vatican.va/content/benedict-xvi/en/audiences/2010/documents/hf_ben-xvi_aud_20101201.html

[21] X. Carol Lee Flinders Enduring Grace: Living Portraits of Seven Women Mystics, 104.

[22] Giáo Hoàng Biển Đức XVI, Bài Giáo Lý về Các Nhà Tư Tưởng thời Trung Cổ, https://w2.vatican.va/content/benedict-xvi/en/audiences/2010/documents/hf_ben-xvi_aud_20101201.html

[23] Andrea J. Dickens, The Female Mystic: Great Women Thinkers of the Middle Ages, 148.

[24] Giáo Hoàng Biển Đức XVI, Bài Giáo Lý về Các Nhà Tư Tưởng thời Trung Cổ, https://w2.vatican.va/content/benedict-xvi/en/audiences/2010/documents/hf_ben-xvi_aud_20101201.html

[25] X. Andrea J. Dickens, The Female Mystic: Great Women Thinkers of the Middle Ages, 149.

[26] Giáo Hoàng Biển Đức XVI, Bài Giáo Lý về Các Nhà Tư Tưởng thời Trung Cổ, https://w2.vatican.va/content/benedict-xvi/en/audiences/2010/documents/hf_ben-xvi_aud_20101201.html

[27] X. Carol Lee Flinders Enduring Grace: Living Portraits of Seven Women Mystics, 118.

[28] X. Andrea J. Dickens, The Female Mystic: Great Women Thinkers of the Middle Ages, 150. Xem thêm: Caroline Walker Bynum, Jesus as Mother: Studies in Spirituality of the High Middle Ages. Berkeley: University of California Press, 1982.

[29] X. Carol Lee Flinders Enduring Grace: Living Portraits of Seven Women Mystics, 119.

[30] X. Andrea J. Dickens, The Female Mystic: Great Women Thinkers of the Middle Ages, 157.

[31] X. Carol Lee Flinders Enduring Grace: Living Portraits of Seven Women Mystics, 128.

[32] X. Giáo Hoàng Biển Đức XVI, Bài Giáo Lý về Các Nhà Tư Tưởng thời Trung Cổ, https://w2.vatican.va/content/benedict-xvi/en/audiences/2010/documents/hf_ben-xvi_aud_20101201.html

[33] X. Andrea J. Dickens, The Female Mystic: Great Women Thinkers of the Middle Ages, 158.

[34] X. Giáo Hoàng Biển Đức XVI, Bài Giáo Lý về Các Nhà Tư Tưởng thời Trung Cổ, https://w2.vatican.va/content/benedict-xvi/en/audiences/2010/documents/hf_ben-xvi_aud_20101201.html

[35]  Từ đầu thế kỷ XIV, giáo hoàng Clêmentê V (1305-1314) đóng đô ở Avignon cho đến khi giáo hoàng Gregorio XI trở lại Roma năm 1370. Sau khi vị này băng hà, năm 1378, đức Urbanô VI được bầu kế vị, nhưng ngài đã làm một số hồng y bất bình, nên họ bầu Clêmentê VII, và vị này bỏ sang Avignon. Hai giáo hoàng ra vạ tuyệt thông lẫn nhau. Thế là bắt đầu cuộc “ly giáo Tây phương”. Sau khi đức Urbanô qua đời, các hông y ở Roma thay vì suy phục Clêmentê VII, thì lại bầu Bonifaxio IX (1389-1404), rồi Gregorio XII. Đang khi đó Clêmentê VII (người Pháp) được kế vị bởi Benedicto XIII (1394-1417), người Tây-ban-nha. Năm 1394, đại học Paris đề nghi ba giải pháp để giải quyết vấn đề vía cessionis (cả hai giáo hoàng cùng từ chức), vía compromissi (đối thoại giữa hai giáo hoàng), vía concilii (triệu tập công đồng để giải quyết). Vì hai giải pháp đầu tiên không thể xúc tiến cho nên phải qauy sang giái pháp thứ ba. Một công đồng được triệu tập tại Pisa năm 1409; nhưng phải chờ đến công đồng Constanza năm 147 nội vụ mới được giải quyết.

[36] X. Giáo Hoàng Biển Đức XVI, Bài Giáo Lý về Các Nhà Tư Tưởng thời Trung Cổ, https://w2.vatican.va/content/benedict-xvi/en/audiences/2010/documents/hf_ben-xvi_aud_20101201.html

[37] X. Andrea J. Dickens, The Female Mystic: Great Women Thinkers of the Middle Ages, 164.

[38] X. Giáo Hoàng Biển Đức XVI, Bài Giáo Lý về Các Nhà Tư Tưởng thời Trung Cổ, https://w2.vatican.va/content/benedict-xvi/en/audiences/2010/documents/hf_ben-xvi_aud_20101201.html

[39] Catarina, Đối Thoại, số 26.

[40] Sđd., số 5.

[41] X. Andrea J. Dickens, The Female Mystic: Great Women Thinkers of the Middle Ages, 161.

[42] Sđd., 162.

[43] X. Carol Lee Flinders Enduring Grace: Living Portraits of Seven Women Mystics, 153.

[44] X. Sđd.

[45] X. Catarina Genova, The Life and Doctrine of Saint Catarina of Genova, (MI: Grand Rapids, Christian Classics Ethereal Library), 9.

[46] X. Giáo Hoàng Biển Đức XVI, Bài Giáo Lý về Các Nhà Tư Tưởng thời Trung Cổ, http://www.vatican.va/content/benedict-xvi/en/audiences/2011/documents/hf_ben-xvi_aud_20110112.html

[47] Ray C. Petry, Late Medieval Mysticism, (Kentucky: The Westminster Press, 2006), 392.

[48] X. Giáo Hoàng Biển Đức XVI, Bài Giáo Lý về Các Nhà Tư Tưởng thời Trung Cổ, http://www.vatican.va/content/benedict-xvi/en/audiences/2011/documents/hf_ben-xvi_aud_20110112.html

[49] X. Catarina Genova, The Life and Doctrine of Saint Catarina of Genova, 59.

[50] X. Catarina Genova, The Life and Doctrine of Saint Catarina of Genova, 146.

[51] Sđd., 172.

[52] X. Ray C. Petry, Late Medieval Mysticism, 396.

[53] X. Catarina Genova, The Life and Doctrine of Saint Catarina of Genova, 173.

[54] X. Têresa Avila, The Life of St. Teresa of Jesus, of the Order of Our Lady of Carmel, (Translated from the Spanish by David Lewis), 36.

[55] X. Giáo Hoàng Biển Đức XVI, Bài Giáo Lý về Các Nhà Tư Tưởng thời Trung Cổ, https://w2.vatican.va/content/benedict-xvi/en/audiences/2011/documents/hf_ben-xvi_aud_20110202.html

[56] X. Têresa Avila, The Life of St. Têresa of Jesus, of the Order of Our Lady of Carmel, 42.

[57] X. Sđd., 72-103.

[58] X. Giáo Hoàng Biển Đức XVI, Bài Giáo Lý về Các Nhà Tư Tưởng thời Trung Cổ, https://w2.vatican.va/content/benedict-xvi/en/audiences/2011/documents/hf_ben-xvi_aud_20110202.html

[59] X. Teresa Avila, The Life of St. Teresa of Jesus, of the Order of Our Lady of Carmel, 73.

[60] X. Sđd., 93.

[61] X. Sđd., 104.

[62] X. Sđd., 109.

[63] X. Giáo Hoàng Biển Đức XVI, Bài Giáo Lý về Các Nhà Tư Tưởng thời Trung Cổ, https://w2.vatican.va/content/benedict-xvi/en/audiences/2011/documents/hf_ben-xvi_aud_20110202.html

[64] Têresa of Avila, The Way of Perfection, (MI: Grand Rapids, 2000), chương 3, 3.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here