Những Biến Chuyển Trong Thần Học Chúa Ba Ngôi Sau Công Đồng Vaticanô II

0
2701


Tác giả: Nt. Maria Đinh Thị Sáng, Dòng nữ Đaminh Tam Hiệp

 

Trong những thập niên vừa qua, thần học Ba Ngôi đã trở thành đối tượng nghiên cứu và là mối quan tâm mới mẻ của rất nhiều tác giả[1]. Giới học giả trẻ hôm nay vẫn không ngừng tổ chức những cuộc hội thảo để học hỏi, nghiên cứu và trình bày thần học Chúa Ba Ngôi dưới nhiều lối tiếp cận khác nhau: triết học và nhân học, phụng vụ và thánh nhạc, văn hóa và nghệ thuật, xã hội học và chính trị, phong trào nữ quyền và đối thoại giữa các tôn giáo[2]… Vì sao Chúa Ba Ngôi lại trở nên đề tài nóng bỏng trong các cuộc tranh luận thần học? Chúng ta sẽ ghi nhận một số lý do và các lãnh vực đã làm thần học Ba Ngôi theo truyền thống được canh tân và trở về vị trí trung tâm của đời sống đức tin và của các ngành thần học Kitô giáo.

1. Từ siêu hình trở về cuộc sống

Đã từ lâu niềm tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi thường bị hạn chế vào lãnh vực lý trí và siêu hình làm cho tín điều quan trọng này bị cô lập khỏi cuộc sống. Điều này đã gây ra không ít phản ứng tiêu cực. Chẳng hạn Immanuel Kant (1724-1804) có lần tuyên bố trong bài viết Conflict of the Faculties (năm 1798) như sau: “Giáo lý Chúa Ba Ngôi, cứ theo sát chữ mà nói, không thể đưa ra bất cứ cái gì thú vị và quan trọng cho đời sống đạo của các tín hữu, cho dù chúng ta nghĩ mình đã hiểu rõ giáo lý này; và rõ ràng nó càng không dính dáng gì đến cuộc sống, một khi chúng ta thấy nó vượt ra khỏi mọi quan niệm của chúng ta. Dù chúng ta có thờ lạy ba ngôi hay mười ngôi đi chăng nữa, thì cũng không có gì khác nhau cả”[3]. Vài năm sau đó Friedrich D. E. Schleiermacher (1768-1834) trong cuốn sách The Christian Faith cũng chất vấn về tầm quan trọng của việc thực hành đức tin Ba Ngôi: “Niềm tin của chúng ta vào Đức Kitô và tình bạn sống động của chúng ta với Ngài thì có lẽ như nhau, ngay cả khi chúng ta không biết đến bất cứ sự kiện siêu việt nào như sự kiện Ba Ngôi”[4]. Bàn luận về thần học Ba Ngôi theo truyền thống Kinh viện, Bernard Lonergan đã từng thu gọn vào một công thức khô khan có pha chút châm biếm: “Chúa Ba Ngôi là một chủ đề gồm năm đặc niệm (notiones) hay đặc tính, bốn mối tương quan (relationes), ba ngôi vị (personae), hai nhiệm xuất (processiones), một bản thể (substantia) hay bản tính (essentia) và không hiểu gì hết”[5].

Nhìn chung, hầu hết những lời phê bình nhắm về lối trình bày thần học Ba Ngôi theo truyền thống đều thấy Chúa Ba Ngôi không dính dáng gì đến các hệ luận của đời sống và đức tin của người Kitô hữu: “Dù cho các tín hữu tuyên xưng niềm tin chính thống vào Chúa Ba Ngôi, thì trong cuộc sống, họ gần như là các tín hữu “độc thần””[6].

Nhưng nhờ những cuộc tiếp xúc với các nền thần học khác, kể cả thần học của các Giáo hội Đông phương và Tin Lành, các nhà thần học Công Giáo, trong đó tiên phong là Karl Rahner[7] đã tìm cách phân biệt hai lối tiếp cận mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi: Trinitas immanens – Ba Ngôi nội tại – mầu nhiệm Ba Ngôi xét theo bản tính thâm sâu bên trong; và Trinitas oeconomicaBa Ngôi nhiệm cục – mầu nhiệm Ba Ngôi xét theo các tác động trong lịch sử cứu độ. Theo lối tiếp cận thứ nhất, Thiên Chúa hoàn toàn là một mầu nhiệm ẩn kín. Còn dưới lối tiếp cận thứ hai, mầu nhiệm Thiên Chúa liên hệ đến công cuộc cứu độ con người; con người không thể sống mà không có Ba Ngôi.

Vì thế giáo lý Ba Ngôi cần phải được trình bày sao cho thống nhất với đời sống của người tín hữu. Đức tin vào Chúa Ba Ngôi phải trở thành nền tảng cho đời sống đạo và niềm hy vọng đem lại ơn giải thoát. Nhiều ấn phẩm hiện nay cũng bày tỏ khát vọng muốn phục hồi niềm tin vào Chúa Ba Ngôi như trọng tâm của đời sống Kitô. Phong trào thần học trong những năm gần đây đã tìm thấy từ ngữ của mình để phát biểu và định hình cho thần học Ba Ngôi. Những người bênh vực nữ quyền, các nhà giải phóng, các nhà tư tưởng tiến bộ, các thần học gia Công Giáo bảo thủ, Tin Lành và Chính Thống Đông Phương, đều mong muốn giải thoát giáo lý Chúa Ba Ngôi ra khỏi vòng vây cô lập cuộc sống. Họ nhấn mạnh đến sự giải phóng con người và dấn thân vào lãnh vực chính trị, xã hội: Thiên Chúa Ba Ngôi không chỉ là nguồn mạch ơn cứu độ của chúng ta, mà còn là nền tảng và khuôn mẫu cho đời sống xã hội và những nỗ lực đấu tranh cho tự do, công lý và hòa bình.

Nhờ những nỗ lực tái trình bày tín lý Ba Ngôi và đưa ra những áp dụng vào cuộc sống của Giáo hội và thế giới, thần học Chúa Ba Ngôi gần đây được tươi trẻ lại, chứ không còn bị khô cằn như trước nữa.

2. Từ tín điều được tuyên xưng đến sứ điệp cứu độ được san sẻ

Cái hố ngăn cách giữa đức tin Ba Ngôi và đời sống của người tín hữu cũng được tìm thấy trong việc cử hành phụng vụ. Thật vậy, phải thừa nhận rằng trong nhiều nhà thờ và họ đạo, các tín hữu chỉ nghe những bài giảng về niềm tin vô cùng quan trọng này mỗi năm có một lần, đó là vào ngày Chúa Nhật mừng kính Chúa Ba Ngôi. Một trong những nguyên do là giáo lý Ba Ngôi trong các chương trình triết – thần của các vị chủ chăn trước đây thường được trình bày như các lớp siêu hình, trừu tượng, khô khan, thiếu mạch lạc và thiếu những áp dụng thực tiễn. Ít khi người nhận ra rằng Hội thánh luôn tìm cách khơi dậy đức tin của các tín hữu vào Chúa Ba Ngôi trong các buổi cử hành phụng vụ. Cụ thể như:
  • Thánh lễ mở đầu với công thức “nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần” và kết thúc bằng việc ban phép lành nhân danh Chúa Ba Ngôi. Kinh tín kính Nixêa-Constantinôpôli mà các nhà thờ trên toàn thế giới đọc trong Thánh lễ đều nhắc nhở các tín hữu tin vào Chúa Ba Ngôi đã và đang can thiệp vào lịch sử cứu độ.
  • Lời tán tụng ca “ngắn” (như “Sáng danh Đức Chúa Cha, và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần”) và vinh tụng ca “dài” (như “Kinh Vinh Danh Thiên Chúa trên các tầng trời”) đều hướng đến Thiên Chúa ở trong ba ngôi vị.
  • Nội dung của các Kinh nguyện Thánh Thể đều lặp đi lặp lại danh thánh Ba Ngôi.
  • Các lời cầu nguyện trong Kinh thần vụ và các lễ nghi phụng vụ khác đều kết thúc bằng lời khẩn nguyện lên Chúa Ba Ngôi. Nhất là trong nghi thức Rửa tội với những ba lần lặp lại lời tuyên xưng đức tin cũng mời gọi các tín hữu chú ý tới đức tin Ba Ngôi là trung tâm của đời sống.
Rõ ràng là các bản văn phụng vụ vẫn muốn khẳng định Chúa Ba Ngôi là sứ điệp cứu độ, cho dù các nhà giảng thuyết không đưa Ba Ngôi vào trung tâm của đức tin.

Dù ngày hôm nay các tín hữu đã ý thức ít nhiều về điều đó, họ vẫn phải trả lời nghiêm túc cho câu hỏi: thờ lạy ba Ngôi hay một Ngôi thì có gì khác nhau hay không? Thưa có. Nhận thức của chúng ta về Thiên Chúa độc thần phải hoàn toàn khác với Ba Ngôi. Nếu chúng ta chỉ tôn thờ một Thiên Chúa độc nhất, chúng ta sẽ rơi vào thuyết nhất thể, nghĩa là bản thân và công trình cứu độ của Đức Kitô không nằm ở trung tâm của việc thờ phượng. Còn nếu chúng ta ý thức về Chúa Ba Ngôi trong lời kinh nguyện, ta sẽ thấy Đức Kitô cùng với Chúa Thánh Thần đáng được phụng thờ như Thiên Chúa, và ta sẽ nhờ Ngài, với Ngài và trong Ngài, mà quy về Chúa Cha mọi lời chúc tụng và tôn vinh.

Ngoài ra, khi tuyên xưng đức tin vào một Thiên Chúa duy nhất và Ba Ngôi trong khung cảnh của phụng vụ, chúng ta cần phải diễn tả sự hiệp thông với Giáo hội. Thật vậy, trở nên người Kitô hữu có nghĩa là đáp trả mạc khải của Thiên Chúa và tiếp nhận đức tin từ Giáo hội. Khi thông truyền đức tin cho chúng ta, Giáo hội vẫn tiếp tục sinh chúng ta làm con cái Chúa và nuôi dưỡng đức tin chúng ta nhờ ân huệ của Thánh Thần. Trở nên người Kitô hữu cũng có nghĩa là biết ra khỏi chính mình và đi vào hình thức hiện hữu mới của Thiên Chúa: nơi Người có các tương quan giữa các ngôi vị phân biệt, hướng tới nhau và không ngừng thông ban chính mình cho nhau; Người cũng thông ban chính mình cho con người và thế giới và nối kết mọi người trong Thánh Thần. Khi lãnh nhận Phép rửa nhân danh Ba Ngôi, người Kitô hữu cần phải nội tâm hóa hai thái độ nền tảng đã từng diễn ra nơi Ba Ngôi là nhậncho[8]

3. Khi khoa phê bình Thánh Kinh đặt vấn đề

Học giả R. P. C. Hanson trong cuốn sách dày cộm về khoa giáo phụ[9] nói rằng tất cả những ai tin vào đạo lý Chúa Ba Ngôi đều tìm thấy cơ sở của mình trên Sách Thánh. Cho dù Sách Thánh không trình bày đạo lý Ba Ngôi bằng các từ ngữ rõ ràng và trực tiếp, cho dù người ta dùng các quan niệm triết học và nội dung của truyền thống để hình thành giáo lý Ba Ngôi, thì tiêu chuẩn và uy tín của giáo lý đó vẫn luôn xây dựng trên Sách Thánh. Điều này đã không gây ra nhiều khó khăn khi mà Sách Thánh được đón nhận rộng rãi. Nhưng ngày nay mọi người đều công nhận rằng đạo lý Ba Ngôi không đơn giản được đọc ra từ các đoạn Thánh Kinh. Thậm chí có những tác giả trình bày thần học Ba Ngôi cách mạch lạc, giải thích các đoạn Sách Thánh để bảo vệ cho giáo lý Ba Ngôi, cũng tuyên bố rằng giáo lý Ba Ngôi tự nó không phải là một khẳng định của mạc khải, nhưng nó chỉ tới mạc khải[10]

Khoa phê bình Thánh Kinh và vấn đề đọc Thánh Kinh chủ chương theo hướng lịch sử thuần túy đã thay đổi cách đọc này. Phát sinh từ thời kỳ Khai Sáng của thế kỷ trước, khoa phê bình-lịch sử nhiều khi dựa vào các dữ liệu của Thánh Kinh, áp dụng các giai đoạn phân tích và phê bình bản văn, rồi đưa đến những kết luận sai lầm hoặc những phạm trù xa lạ với mạc khải. Ví dụ, khi nói về các tước hiệu gán cho Đức Giêsu như “Con Thiên Chúa”, “Con Người” và thậm chí “Đấng Mêsia”, một số học giả theo phương pháp phê bình-lịch sử bảo rằng các tước hiệu này đâu có nhất thiết ám chỉ đến thiên tính của Đức Giêsu. Khi đặt nghi vấn về niềm tin Đức Kitô là Thiên Chúa như vậy, tất nhiên họ đụng chạm đến nền tảng giáo lý Ba Ngôi. Cũng có một số người theo chủ nghĩa tự do cấp tiến áp dụng lối tiếp cận đó và cũng tuyên bố rằng các công thức Kitô học và Ba Ngôi của thời kỳ tiên khởi đã bị bóp méo dưới sự áp chế của các quan niệm triết học ngoại lai; Kitô giáo ngày ấy đã bị Hy Lạp hóa rồi[11].

Riêng về giáo lý Ba Ngôi, khoa phê bình lịch sử nhắm tới ít là vì hai phản ứng sau: 1/ Một số người nại vào các bản văn Tân ước để khẳng định rằng đạo lý Ba Ngôi đã được mạc khải cách minh nhiên; 2/ Một số khác dựa vào mệnh lệnh truyền giáo của Đức Giêsu trước khi về trời Mt 28,19 để ủng hộ mạnh mẽ cho giáo lý Ba Ngôi. Nhưng khoa phê bình cho thấy thực sự những câu Thánh Kinh đó chỉ thuộc về giai đoạn muộn màng của truyền thống Tân ước.

Dù sao đi nữa, không phải tất cả thần học gia đều hoàn toàn đồng ý với kết luận của khoa phê bình Thánh Kinh. Theo họ, các luận cứ đó không nhất thiết loại trừ giáo lý một Chúa Ba Ngôi. Hơn nữa, nếu trong Tân ước có nhiều loại Kitô học khác nhau, thì điều đó không có nghĩa là Giáo hội và các thần học gia đã sai lầm trong việc giải thích và tìm hiểu niềm tin vào thiên tính của Đức Kitô. Giáo hội tiên khởi đã tin và có kinh nghiệm về con người và hành động cứu độ của Đức Kitô phục sinh, mặc dù có nhiều lối diễn tả đa dạng và khác nhau. Các tín hữu cũng cảm nghiệm được sự gần gũi thân mật sống động với Ngài trong việc phụng tự, và ở nơi Ngài, họ đã thực sự gặp gỡ Thiên Chúa. Tất nhiên từ niềm tin đó, họ suy tư về mối tương quan của Đức Kitô với Thiên Chúa và dẫn tới thần học Ba Ngôi.

Điều này cũng áp dụng tương tự với Chúa Thánh Thần. Yếu tố quan trọng mang tính quyết định không chỉ đơn giản là các chứng từ của Thánh Kinh và các kết quả nghiên cứu phê bình. Đúng hơn, đó là thành quả của cả hai bên và của kinh nghiệm về ơn cứu độ và suy tư của cộng đồng Kitô hữu: Giáo hội tham dự vào đời sống của Thiên Chúa và sự tham dự này được thông ban bởi Chúa Thánh Thần. Dần dần họ nhận biết thiên tính của Thánh Thần và Ngài phân biệt với Chúa Cha; Ngài được Cha sai đến trần gian thi hành sứ mạng cũng giống như sứ mạng của Chúa Con[12]. Vì thế các bản văn Thánh Kinh không phải là những ghi nhận lịch sử mà là các chứng từ cho đức tin và phụng tự. Các bản văn còn nói về những việc Thiên Chúa đã thực hiện để làm cho mọi người nhận biết Người trong cộng đồng đức tin. Đức tin không gạt bỏ khoa phê bình nhưng bao gồm, và trong một mức độ nào đó, vượt lên trên nó nữa. Đức tin là tiêu chuẩn tối hậu.

Tóm lại, giáo lý Chúa Ba Ngôi không đơn giản nằm bên ngoài Thánh Kinh hay phải được xây dựng trực tiếp trên nền tảng bản văn Sách Thánh. Chúng ta cần phải tiếp tục khẳng định rằng Thiên Chúa được nhận biết trong Cựu ước và Tân ước là một Thiên Chúa. Vì Cựu ước và Tân ước là một khối duy nhất, nếu Cựu ước đã có những báo hiệu về cái sắp đến trong Tân ước, thì Thiên Chúa nhất thể tam vị cách nào đó cũng đã tiềm ẩn trong Cựu ước rồi, chẳng hạn qua Lời, Đức Khôn Ngoan, Thần khí và Hơi thở của Thiên Chúa. Sau đó Ngài được tuyên xưng trong phụng vụ và trong huấn quyền của Giáo hội. Như vậy, không có gì trong khoa phê bình lịch sử hiện đại cưỡng ép chúng ta từ chối mầu nhiệm Ba Ngôi được tỏ hiện cách tiệm tiến và liên tục qua:

  • những cách thức Thiên Chúa tỏ hiện trong Cựu ước;
  • được gọi tên dưới công thức tam vị trong Tân ước;
  • và được định nghĩa bằng các hạn từ Ba Ngôi, xuyên qua sự nhận thức và kinh nghiệm của Giáo hội về sứ mạng, cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô, trong Chúa Thánh Thần.

4. Khi mô hình thần học Tây phương cần chuyển hướng

Một điểm khác nữa nổi lên trong những cuộc tranh luận thần học Ba Ngôi đó là hai lối trình bày của truyền thống Đông phương và Tây phương. Trong hai thế kỷ đầu Tây phương ít dính líu vào các cuộc tranh luận về Ba Ngôi như bên Đông phương. Lý do không phải tại vì họ không biết hay không quan tâm gì tới vấn đề này, mà vì người Tây phương nghiêng về thực tiễn và mục vụ nhiều hơn, chứ ít chuyên về các suy lý “trừu tượng” như người Đông phương. Dần dần các giáo phụ đều biên soạn những khảo luận về Chúa Ba Ngôi và đặt tựa đề cho khảo luận của mình là “De Trinitate”. Giáo lý Ba Ngôi mà ngày nay chúng ta đang thừa hưởng phát xuất từ thánh Augustinô, và khi tiến triển tới thời thánh Anselmô và thánh Tôma Aquinô thì trở thành một di sản thần học Tây phương vững chắc[13]. Nhưng gần đây người ta cũng chĩa những lời chỉ trích bất khoan nhượng vào truyền thống Tây Phương:
a. Tây phương bắt đầu với sự duy nhất trong hữu thể của Thiên Chúa rồi tìm cách lắp ráp ba ngôi vị vào cái khung đó[14]. Thiên Chúa là Đấng duy nhất và có một bản tính duy nhất, đơn nhất, bất biến, bất khả phân chia. Vì ba ngôi vị cùng chung một bản tính cho nên cả ba có những ưu phẩm như nhau. Các ngôi vị có khác nhau là do các mối tương quan (relatio) với nhau. Sự khác biệt giữa ba ngôi vị diễn ra trong nội tại của Thiên Chúa; còn các hoạt động bên ngoài (operationes), thì cùng bởi một nguyên ủy duy nhất (unum principium) mà ra. Như vậy, theo quan điểm này, tính đơn nhất của Thiên Chúa có một ưu tiên xét về hữu thể học, nhưng lại gặp nhiều khó khăn để hiểu các ngôi vị như là trung tâm phân biệt của nhận thức, tư duy và hành động. Đành rằng sau này thánh Tôma đã triển khai đầy đủ quan niệm về ngôi vị theo các mối tương quan, nhưng người ta lại cật vấn: nếu chỉ có tương quan mà thôi, xét vì nó nối kết với Cha, Con và Thánh Thần, thì có phải là đặc tính của ngôi vị hay không? Hơn nữa, nếu cho rằng các hoạt động ngoại tại của Ba Ngôi là bất khả phân ly, thì khó mà thấy vai trò khác biệt của từng ngôi vị đảm nhận trong lịch sử cứu độ.
b. Vì Tây phương quá chú trọng tới một bản tính thần linh của Thiên Chúa, nên ít quan tâm đến việc trình bày Thiên Chúa là nguyên ủy của sự sống và xao lãng vai trò của mỗi ngôi trong công trình cứu độ. Nếu có bàn tới sự hiện diện của Ba Ngôi trong công trình tạo dựng và cứu chuộc (ad extra), thì họ cũng quy về một nguyên lý hoạt động duy nhất (ad intra). Do phương pháp trình bày nặng tính trừu tượng của bản thể, hệ quả là người đọc khó nắm được giáo lý Ba Ngôi hoặc không muốn bàn tới các quan niệm đi sâu vào đời sống nội tại của Ba Ngôi. Họ cũng tìm cách tránh né lối tiếp cận triết học tiên nghiệm để suy tư về Thiên Chúa trong tư cách là Ba Ngôi. Thay vào đó họ chọn lối trình bày Ba Ngôi dựa theo chương trình cứu độ được ánh sáng mạc khải soi chiếu và nhắm đến những “tiện ích” trong cuộc sống: Ba Ngôi giống như cộng đồng hoàn hảo, khuôn mẫu của tình yêu đích thực, dự phóng thành công nhất cho gia đình và xã hội.
 
Do đó ngày nay có nhiều nhà thần học Tây phương ủng hộ quan điểm của Đông phương, cho dù họ không hoàn toàn đồng ý với mô hình của Đông phương[15]. Thật vậy, bên Đông phương ba ngôi vị được đề cập như là một cộng đồng trong đó mỗi Ngôi đều là Thiên Chúa. Mô hình này cũng cung cấp một cơ sở tốt để hiểu được bản chất của đức tin mang tính cộng đồng và trở thành khuôn mẫu cho đời sống Giáo hội và xã hội. Dù vậy, không phải là họ không gặp khó khăn khi chọn lối nhìn Ba Ngôi khởi đi từ viễn tượng của các ngôi vị, trong đó Chúa Cha là nguyên ủy của Con và Thánh Thần và có vị trí trổi vượt. Mô hình này có nguy cơ là thiết lập một phẩm trật trong Thiên Chúa và dễ dẫn đến khuynh hướng Tam thần hoặc những hình thức tương tự như thế khi áp dụng[16].

5. Khi Thần Khí luận tìm được luồng gió mới

Ngày xưa ta có thể viết một nghiên cứu Kitô luận và bỏ sót Ba Ngôi, và ngược lại, ta có thể nghiên cứu Ba Ngôi mà không đề cập hoặc đề cập rất ít đến Đức Giêsu Nadaret. Cả môn cứu độ luận, khi xem xét hoạt động cứu độ của Đức Kitô “vì chúng ta”, người ta cũng thường lãng quên Chúa Thánh Thần[17]. Người ta không nhận ra rằng qua Chúa Thánh Thần, Đức Kitô đã trở thành Đấng cứu thế đầy quyền năng cho toàn thể thế giới và lịch sử như thế nào. Ví dụ, từ thời thánh Anselmô với tác phẩm có tầm ảnh hưởng phi thường Cur Deus homo (1098), các lối giải thích về sự cứu chuộc của Đức Kitô rất ít khi mang đặc tính Thần Khí luận. Làm ngơ sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong việc trình bày cứu độ luận và Kitô luận quả là một thiếu sót.

Trong số các khuyết điểm, các Kitô luận này thường không biết đến đặc tính cánh chung của đức tin Kitô giáo là tất cả mọi người và mọi loài, cuối cùng phải trở về với Chúa Cha, qua sứ mạng của Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Bên cạnh đó, người ta cũng ít trân trọng sự hiện diện của Thánh Thần trong toàn bộ công cuộc đời Đức Giêsu và sứ mạng của Ngài, từ khi Ngài được thụ thai đồng trinh và đón nhận Phép rửa cho tới lúc Ngài sống lại, từ khi Đấng Phục sinh tuôn đổ Thánh Thần trên các tông đồ và Giáo hội cho đến khi Ngài trở lại trong vinh quang vào ngày tận thế. Nhưng sau bài học từ Giáo hội Đông phương và sau đêm dài chôn vùi đề tài Thần Khí vào quên lãng, truyền thống thần học của chúng ta lại bừng tỉnh với những mối quan tâm mới về Ngôi vị và hoạt động của Thánh Thần, và như vậy tạo nhiều thuận lợi cho việc xem xét lại quan niệm về Thiên Chúa Ba Ngôi[18].

Trước hết chúng ta cần phải trình bày Kitô luận liên kết với Thần Khí luận và sau đó là suy tư về một Thiên Chúa trong ba Ngôi vị gọi là Kitô luận Thần Khí (Pneumatological Christology) hay Kitô luận Ba Ngôi (Trinitarian Christology). Ví dụ, chúng ta không được quên rằng từ lúc Đức Giêsu được thụ thai đồng trinh và chịu Phép rửa, Chúa Thánh Thần đã tích cực thánh hóa nhân tính của Đức Giêsu như thế nào. Trong sứ vụ công khai của Đức Giêsu và sứ điệp trọng tâm của Ngài về Nước Thiên Chúa đang đến và hiện diện, thì Chúa Thánh Thần là “chìa khóa để hiểu lời loan báo về triều đại Thiên Chúa trong Tin mừng Nhất Lãm”[19]. Mối tương quan con thảo của Đức Kitô đối với Cha “Abba” cần được thảo luận rộng rãi và giải thích trong cái nhìn về Thần Khí nữa…

Không chỉ việc rao giảng sứ điệp Nước Thiên Chúa, mà cả cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu cũng mang đặc tính Ba Ngôi cách sâu đậm. Có nhiều học giả tiếp cận với cái chết của Đức Giêsu trước hết như thảm kịch của Ba Ngôi nội tại[20]. Chúng ta cũng cần phải nhìn vào ngày Thứ Sáu, Thứ Bảy Tuần Thánh và Chúa Nhật Phục Sinh để thấy khuôn mặt của Thiên Chúa trong ba ngôi vị được tỏ lộ cho chúng ta, trước khi suy ngắm xem Tam nhật thánh này nói với chúng ta và lịch sử nhân loại điều gì. Nếu thập giá tỏ hiện các mối dây tình yêu của Ba Ngôi (tình yêu tuyệt đỉnh của Đức Kitô đối với thế gian và đối với Chúa Cha, tình yêu của Cha đối với chúng ta là kẻ tội lỗi qua việc Người hy hiến/trao nộp Con mình cho nhân loại, và ngọn lửa tình yêu của Thánh Thần thiêu đốt của lễ để nối kết Cha với Con) thì có thể nói sự Phục sinh của Đức Kitô và việc trao ban Thần Khí là giây phút nền tảng và chung cuộc của việc mạc khải mầu nhiệm tình yêu của Ba Ngôi và mối tương quan phụ tử hiệp nhất trong Thánh Thần vốn có trước từ thuở muôn đời.

Như vậy, vách ngăn giữa Kitô luận (hay Cứu độ luận) và Thần Khí luận (hay Ba Ngôi) ngày nay không có lý do để tồn tại, nhưng cả hai đều quy chiếu về nhau. Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi được mạc khải cách trọn vẹn trong mầu nhiệm Vượt qua của Đức Kitô, và ngược lại, cuộc đời và sứ mạng của Ngài nơi dương thế cũng phải đặt nền tảng trên tư cách Ngài là Con Một của Chúa Cha dưới sự hoạt động và hướng dẫn quyền năng của Thánh Thần. Nếu trước khi phục sinh Con Thiên Chúa đã đến trong xác phàm nhờ Thánh Thần và trong suốt cuộc đời dương thế nhận lãnh Thánh Thần, thì sau khi Phục Sinh, Đức Kitô lại trao ban Thánh Thần cho các Tông đồ và Hội thánh. Tương quan giữa Đức Kitô và Thánh Thần không được hiểu như tương quan tùy thuộc hay chức năng, nhưng là tương quan liên vị trong Ba Ngôi. Kitô luận và Thần Khí luận sẽ tác động hỗ tương lẫn nhau trong ánh sáng của thần học Ba Ngôi[21].

Nhìn chung, dưới chiều kích Kitô luận và Thần Khí luận, thần học Chúa Ba Ngôi sẽ thấy Thánh Thần đến với Đức Giêsu trong mầu nhiệm Nhập Thể cũng chính là Ngôi Ba vốn phát xuất từ tình yêu của Cha và Con từ trước muôn đời. Nhưng trong nhiệm cục cứu độ, đặc biệt là trong biến cố Nhập thể, Thánh Thần xem ra có trước Đức Kitô để dẫn dắt Ngài thi hành sứ vụ, để rồi sau Phục sinh, Thánh Thần lại được Đức Kitô sai đến với các tông đồ và Giáo hội, để làm cho hệ quả của công cuộc cứu độ của Đức Kitô được đến với tâm hồn mỗi người và mọi người trên toàn cõi đất. Như vậy, có thể nói từ bản chất, hệ trật Ba Ngôi nội tại (Cha-Con-Thánh Thần) là vĩnh cửu và không có sự thay đổi, nhưng vì sự cần thiết của chương trình cứu độ chúng ta, Ngôi Hai và Ngôi Ba chấp nhận một sự “đảo ngược Ba Ngôi”[22] ở trong thời gian.

6. Khi phong trào bình quyền cất tiếng nói

Ngày nay phong trào bênh vực nữ quyền ở Tây phương và nhiều nơi khác đưa ra một số đề nghị gọi Thiên Chúa Ba Ngôi bằng nhiều danh xưng xa lạ với truyền thống, như[23]: “Nguồn Suối, Ngôi Lời và Thần Khí” (“Source, Word and Spirit”); “Đấng Tạo Hóa, Đấng Cứu Chuộc và Đấng Thánh Hóa” (Creator, Redeemer and Sancrifier”; “Thiên Chúa, Đức Kitô và Thần Khí” (“God, Christ and Spirit”); “Cha/Mẹ, Con và Người Bảo Trợ” (“Parent, Child and Paraclete”); “Mẹ, Con Gái và Thần Khí” (“Mother, Daughter and Spirit”); “Mẹ, Người Yêu và Bạn” (“Mother, Lover and Friend”); “Cha, Con và Mẹ” (“Father, Child and Mother”). Tại sao phong trào này muốn thay đổi tên gọi của Ba Ngôi? Bởi vì những tên gọi này cho thấy một Thiên Chúa vượt trên sự phân biệt phái tính và đứng về phía phụ nữ.

Thực ra lối giải thích Thánh Kinh đề cao quyền phụ nữ ra đời ở Hoa Kỳ vào khoảng cuối thế kỷ XIX và tìm lại được sức sống mới trong những năm 1970 khi kết hợp với phong trào giải phóng phụ nữ. Mục đích chung của họ là dành lại cho nữ giới các quyền bình đẳng với nam giới. Khi sử dụng các hình thức để giải thích Sách Thánh, một số người trong phong trào này muốn loại bỏ thế giá của Thánh Kinh, vì nghĩ rằng Thánh Kinh do đàn ông biên soạn nhằm duy trì sự thống trị của họ trên nữ giới. Một số khác tái khám phá thấy rằng phụ nữ Kitô giáo có một vị trí, vai trò và sự bình đẳng nào đó trong phong trào của Đức Giêsu và trong các cộng đoàn chịu ảnh hưởng của thánh Phaolô, nhưng sự bình đẳng đó đã bị che đậy trong các tác phẩm Tân ước, rồi dần dần bị khuynh hướng phụ hệ lấn át[24]. Do đó những từ ngữ, danh xưng nào trong Thánh Kinh khơi gợi nhân quyền của nữ giới thì rất dễ đụng chạm đến sự nhạy cảm của phụ nữ trong văn hóa hiện đại.

Ví dụ, họ nghĩ rằng các từ ngữ dành cho vương triều như “Vua”, “Chúa” và “Người cai trị” bây giờ đã giảm dần trong nhiều nền văn hóa. Nếu áp dụng các danh xưng này cho Ba Ngôi Thiên Chúa thì cũng có nguy cơ bị hiểu lầm. Còn danh xưng “Cha” nghe có vẻ gần gũi, riêng tư và thân mật hơn, nhưng lại gắn với một giới tính cụ thể. Hơn thế nữa, họ nghĩ rằng nếu dành cho Thiên Chúa các ngôn ngữ và hình ảnh của giới nam, thì phần nào hợp thức hóa sự thống trị của nam giới, củng cố cho quyền lực và não trạng cha chú của Kitô giáo rồi.

Trước những phản ứng như vậy, thần học Ba Ngôi cũng cần lưu ý trả lời cho các câu hỏi: Đức Giêsu đã dùng hình ảnh và ngôn ngữ nào để nói về Thiên Chúa? Các truyền thống Thánh Kinh gọi Thiên Chúa là Cha có giả định một khuynh hướng bài trừ phụ nữ hay không? Có khuyến khích thái độ trọng nam khinh nữ hay đánh giá thấp người nữ hay không?

Đức Giêsu sống kinh nghiệm thân mật với Thiên Chúa là Abbà[25] nhưng chẳng bao giờ miêu tả Thiên Chúa bằng các từ ngữ hàm ý đề cao nam giới. Trái lại, khi công bố về Nước Thiên Chúa, Ngài cũng áp dụng cho Thiên Chúa nhiều hình ảnh liên kết với phụ nữ trong thời của Ngài. Ví dụ, Ngài so sánh hành động cứu độ của Thiên Chúa với người phụ nữ tìm kiếm đồng bạc bị mất (Lc 15,8-10) hoặc với người phụ nữ nhào bột làm bánh (Lc 13,20-21; Mt 13,33). Tin Mừng thánh Gioan còn phác họa “giờ” chết và sự phục sinh của Đức Kitô như một người phụ nữ sinh con (Ga 16,21; 17,1). Việc Ngài bị đâm thâu cạnh sườn trên thập giá không chỉ muốn nói rằng Đức Kitô sinh ra Hội thánh như Evà được tạo thành từ Adam, mà còn muốn cho thấy Ngài như người mẹ đang nuôi dưỡng con (Ga 7,37-39; 19,34). Các giáo phụ như thánh Gioan Crisostomô (Catecheses 3.19; In Matthaeum, 82. 5) và các tác giả sau này đã trân trọng điều đó.

Ngoài ra chúng ta cũng thấy Thánh Kinh dành cho Thiên Chúa ngôn ngữ của nữ giới, khi liên kết Thần Khí với việc sinh nở (Ga 3, 6; Rm 8, 18-27). Tin mừng Gioan cũng cống hiến cho thần học nữ quyền một hình ảnh rất đặc biệt để trình bày các mối tương quan nội tại giữa Ba Ngôi: “Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha (in sinu Patris)” (Ga 1,18). Thượng hội đồng Tôlêđô XI năm 675 còn mạnh dạn gán cho Chúa Cha có một dạ con (de utero Patris) khi chống lại dưỡng tử thuyết[26].

Vì thế, nếu chú ý tới mục đích trọn vẹn của Tân ước và truyền thống Giáo hội, ta sẽ thấy rằng khởi đi từ kinh nghiệm về Thiên Chúa, một giáo lý Ba Ngôi có hệ thống không dính dáng chút nào với não trạng đề cao nam giới. Cho nên ta không nên gạt bỏ cách gọi tên truyền thống của Kitô giáo – “Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần” – mặc dù trong công thức đó có hai danh từ dành cho nam giới (và một dạng bất định!). Chắc không phải tình cờ khi chúng ta thường xuyên làm “dấu thánh giá” kèm theo lời tung hô và khẩn cầu “nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”. Các danh xưng này gắn với nền tảng Thánh Kinh và lịch sử thần học, chuyển tải những ý nghĩa sâu sắc và duy trì cái cốt lõi của căn cước Kitô giáo.

Trong viễn tượng của thần học nữ quyền, giáo lý Ba Ngôi cũng cần phải nhấn mạnh hơn nữa chiều kích hiệp thông của xã hội và của các mối tương quan, trong đó phẩm giá của người phụ nữ được nhìn nhận như những nhân vị, những chủ thể có đầy đủ ý thức và tự do.

7. Khi các cuộc đối thoại liên tôn nở rộ

Vào những thập niên cuối của thế kỷ XX, thần học Ba Ngôi cũng bừng dậy trước sự nở rộ của các cuộc đối thoại liên tôn và những kết quả đạt được của thần học các tôn giáo[27]. Thật vậy, trước đây, khi đối thoại với người Do Thái và các tôn giáo khác, truyền thống của Giáo hội thường triển khai thần học Logos của các giáo phụ Giustinô Tử đạo, Ôrigene, Athanasiô thành Alêxandria và của các tác giả Kitô giáo khác. Theo đó, những điều tốt đẹp, thánh thiện và chính trực ẩn chứa trong văn hóa, truyền thống và tôn giáo của các dân tộc là do có “hạt giống của Lời” ở trong đó. Lối nhìn này khám phá ra cách thế mà toàn thể nhân loại cùng chia sẻ sự hiện diện đầy quyền năng của Ngôi Lời. Tuy nhiên, quan điểm tích cực đó cũng có thể khuyến khích một lối nhìn giản lược chương trình cứu độ vào một mình Đức Kitô mà thôi (Christomonism) và vô tình đặt hoạt động vô biên của Chúa Thánh Thần ra khỏi bức tranh cứu độ. Điều đó cũng có nghĩa là lãng quên chiều kích Ba Ngôi.

Trong những năm vừa qua, một số tác giả[28] theo đuổi cuộc đối thoại giữa các tôn giáo đã lưu ý rất nhiều đến hoạt động phổ quát của Chúa Thánh Thần. Họ nhận ra rằng chính nhờ Ngài mà trái tim con người cảm nhận được Thiên Chúa và những chứng cứ về Thiên Chúa (Cv 14,17); mỗi cuộc gặp gỡ đích thân của Thiên Chúa đối với con người ở bên trong Giáo hội Kitô giáo và bên ngoài Giáo hội đều xảy ra trong và qua Thánh Thần. Lối tiếp cận “thần khí” (và Ba Ngôi) trong cuộc đối thoại liên tôn, đã chú ý tới một số chứng từ trong Kitô giáo của những thế kỷ đầu. Ví dụ, thánh Leô Cả (+461) đã viết: “Khi các môn đệ của Chúa được tràn đầy Thánh Thần vào ngày lễ Ngũ Tuần, thì đây không phải là lần đầu tiên Ngài thi hành vai trò của mình, mà Ngài đã trải rộng lòng nhân hậu với các tổ phụ, các tiên tri, các tư tế và mọi người lành thánh từ thời trước. Họ đã được dưỡng nuôi bởi cùng một Thánh Thần thánh hóa … cho dù mức độ của các ơn ban này không như nhau” (Sermo, 76. 3). Đề cập đến “mọi người lành thánh từ thời trước”, có lẽ thánh Giáo hoàng muốn nói đến ông Gióp, Hoàng hậu Sheba, bà Ruth và những người không phải là Do Thái được ca tụng trong truyền thống Thánh Kinh … đã sống dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Từ chỗ khám phá ra sự hiện diện tích cực và phổ quát của Ngài mà nhiều người đã nhận ra Ba Ngôi tỏ hiện chính mình trong lịch sử. Việc khám phá ra sự hoạt động tích cực của Chúa Thánh Thần trong các thánh hiền của các dân tộc, cho dù có phần giấu ẩn, đã khuyến khích nhiều tác giả đóng góp những suy tư mới vào cuộc đối thoại liên tôn và hơn nữa, nhìn thấy mô hình Tam vị ở trong tư tưởng của một số tôn giáo thế giới (ví dụ: Trimurti của Ấn giáo, Tam bảo hay Tam thân của Phật giáo, Triết lý Tam Tài).

Trước viễn tượng thần học các tôn giáo được đủ lông đủ cánh, thần học Ba Ngôi sẽ trình bày Chúa Cha là nguồn gốc của những con đường cứu độ (các tôn giáo); Đức Kitô là Đấng Trung Gian duy nhất và phổ quát cứu độ tất cả mọi người không trừ một ai, bởi vì Ngài cũng là Ngôi Hai Thiên Chúa; Thánh Thần không ngừng hoạt động và hiện diện trong các dân tộc, tôn giáo và truyền thống tốt lành của nhân loại, và Ngài dùng quyền năng vô biên mà làm cho họ thông phần vào mầu nhiệm Vượt qua của Đức Kitô. Như vậy, Thiên Chúa cứu độ nhân loại là “ba” và thực hiện chương trình của Người theo cách thức riêng của từng Ngôi vị. Không thể có nhiệm cục cứu độ của Chúa Thánh Thần dành riêng cho những người ngoài Kitô giáo, tách khỏi nhiệm cục của Ngôi Lời nhập thể dành cho những ai tin vào Ngài. Thiên Chúa cứu độ thế giới bằng “hai bàn tay”.[29] Sứ mạng của Ngôi Lời và của Thần Khí cùng hướng đến nhau: “Hạt giống của Lời” có mặt trong các tôn giáo là do chính Thần Khí gieo vãi, để chuẩn bị cho toàn cõi tạo thành, lịch sử và con người hướng tới sự trưởng thành viên mãn nơi Đức Kitô[30]. Ngõ hầu tất cả mọi người, Kitô hữu và người không tin vào Đức Kitô được trở nên con cái Chúa Cha nhờ Chúa Con và trong Chúa Thánh Thần, và toàn cõi địa cầu, bao gồm các tôn giáo, đều được biến đổi thành quê hương của Ba Ngôi, vương quốc của tình thương, công lý và hòa bình đích thực ngự trị.

8. Kết luận: Thần học Ba Ngôi như tường thuật câu chuyện tình

Theo truyền thống lâu đời, tại các chủng viện hay học viện triết-thần, thần học Chúa Ba Ngôi (De Deo Trino) chỉ được trình bày sau mầu nhiệm Thiên Chúa duy nhất (De Deo Uno). Cả hai đều là mầu nhiệm siêu hình với các khái niệm trừu tượng: bản thể, bản tính, ngôi vị. Hậu quả là mầu nhiệm Ba Ngôi chỉ là một ngoặc đơn trong chương trình thần học và không ảnh hưởng gì tới đời sống đạo! Nhưng tiếp nhận những bước canh tân về phương pháp tiếp cận khởi đi từ Công đồng Vaticanô II[31], tiếp xúc và nghiên cứu các ngành thần học khác, văn hóa và tôn giáo, lắng nghe được những nỗi vui mừng và âu lo của xã hội, các nhà thần học làm cho mầu nhiệm Ba Ngôi đi vào lịch sử cứu độ nhiều hơn, và trở thành trọng tâm của đức tin Kitô giáo và sinh hoạt của Hội Thánh, chứ không còn bị cô lập như xưa nữa. Nhờ đó môn học Chúa Ba Ngôi không còn bị giới hạn vào một chương của thần học tín lý, nhưng bao trùm tất cả “thần học”. Trong cấu trúc này, các ngành thần học cần phải quy chiếu về thần học Ba Ngôi, và ngược lại, thần học Ba Ngôi cần phải kết hợp với các ngành thần học khác như Thánh Kinh, Kitô học, Thánh Linh học, Giáo hội học, Phụng vụ và Bí tích, Thánh mẫu học, Truyền giáo học, Đại kết, Cánh chung học, Đời sống tâm linh và các ngành thần học tình huống…[32].

Đưa Ba Ngôi về vị trí trung tâm của thần học, hay là tìm lại quê hương của Ba Ngôi sau một thời bị lưu đày[33] không phải là đủ. Nhiệm vụ của thần học Ba Ngôi là phải đề nghị và truyền trao một tương quan, một cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa nữa. Thật vậy, luận bàn về Ba Ngôi cũng có nghĩa là nói về chân lý của một Thiên Chúa và tường thuật những gì xảy ra bên trong mối tương liên giữa ba Ngôi Vị. Đó là truyền đạt một cuộc gặp gỡ mới mẻ và cuốn hút từ Chúa Cha qua Chúa Con, cho tới khi ban tặng Chúa Thánh Thần, Đấng can thiệp vào sức năng động trao ban thân mình giữa Cha và Con.

Trên cơ sở đó chúng ta có thể nói thần học Ba Ngôi như sự tường thuật một câu chuyện tình gồm có ba hồi chính. Trước hết là lắng nghe Ngài tự sự về thiên tình sử của Ngài qua Sách Thánh, là chấp nhận “tưởng nhớ” (tiên vàn là cầu nguyện và phụng vụ trong lời tri ân) những biến cố nền tảng, đặc biệt là cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô, nơi đó Thiên Chúa tự mạc khải chính mình trong lịch sử (auditus fidei). Tuy nhiên lắng nghe không bao giờ hàm ý thụ động, mà là “nói lên lời yêu thương” của con người. Khi tìm cách diễn tả lời yêu thương, chúng ta không nhằm một diễn luận hoa mỹ, hàn lâm và thông thái (intellectus fidei), bởi vì nó xuất phát từ những tình huống của con người hiện nay bị điều kiện hóa bởi các thực tại phức tạp của xã hội và thế giới, xen lẫn niềm vui và nỗi buồn, hy vọng và lắng lo, thăng tiến và hủy diệt. Sau cùng, việc lắng nghe, tưởng nhớ Thiên Chúa và đồng hành với lịch sử loài người tất nhiên mở ra những con đường mới mẻ ở phía trước và khám phá ra những đòi hỏi cần phải dấn thân (praxis fidei).

Dù sao Thiên Chúa Ba Ngôi vẫn còn là một câu chuyện không thể kể hết được. Ý thức được điều đó, thần học mới nghiêm túc nói về một cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa, nơi Đức Giêsu, nhờ Chúa Thánh Thần, nghĩa là chính mầu nhiệm của Chúa Ba Ngôi. Ba Ngôi phải trở nên rất “cần thiết hơn bao giờ hết” giống như một người bạn, một người yêu ở trong mối tương quan tự do, tuy khẳng khái và kiên quyết. Điều này hoàn toàn hòa hợp với phong cách của Thiên Chúa của giao ước: chính Ba Ngôi đã tự đặt mình trong một mối tương giao với nhân loại, với một lịch sử cụ thể. Chính Ba Ngôi đã đi bước trước tiến về phía chúng ta, đề nghị một mối tình và ban tặng chính mình cho chúng ta. Tường thuật hay diễn luận về Ba Ngôi cũng là trở nên một lữ khách cùng với Dân Thiên Chúa tiến về quê hương Tam Vị. Trên cuộc hành trình đó, cứu cánh Quê hương luôn vạch trần tính thiển cận và mọi sở hữu thế tục của chúng ta, không ngừng mời gọi chúng ta tiến bước trong tư thế của người nghèo khất thực chân lý, tìm kiếm công bình và tình thương, đổi mới con tim và đời sống. Thiên Chúa Ba Ngôi sẽ làm cho lịch sử và quê hương của chúng ta trở thành lịch sử và quê hương của chính Ngài[34].
 


[1] Xem John Thompson, Modern Trinitarian Perspectives, Oxford University Press, New York 1994; Gerald O”Collins, SJ, The Holy Trinity: The State of the Questions, trong: Stephen T. Davis – Daniel Kendall – Gerald O”Collins, The Trinity. An Interdisciplinary Symposium on the Trinity, Oxford University Press, 2001, tr. 1-25.

[2] Hội nghị toàn quốc về Chúa Ba Ngôi vừa mới diễn ra tại Đại học Tor Vergata ở Rôma từ ngày 26-28/05/2011. Hội nghị quy tụ hơn 60 diễn giả gồm các các học giả, tiến sĩ thần học và nghiên cứu sinh. Xem http://mondodomani.org/teologia/2011partecipanti.htm

[3] I. Kant, “Conflict of the Faculties” trong: Religion and Rational Theology, (trans. A. W. Wood – G. di Giovanni), The Cambridge Edition of the Works of Immanuel Kant, Cambridge University Press, Cambridge 1996, tr. 264.

[4] F. D. E. Schleiermacher, The Christian Faith, (trans. H. R. Mackintosh – J. S. Stewart), T. & T. Clark, Edinburgh 1928, tr. 741.

[5] Trích theo Gerald O”Collins, The Holy Trinity: The State of the Questions, tr. 2.

[6] K. Rahner, The Trinity, (trans. J. Donceel), Burns and Oats, London 1970, tr. 10.

[7] Xem K. Rahner, Osservazione sul trattato “De Trinitate”, in Saggi Teologici, Paoline, Roma 1965, tr. 587-634; Il Dio trino come fondamento originario e trascendente della storia della salvezza, in Mysterium Salutis, II/1 (J. Feiner – M. Lohrer), Queriniana, Brescia 1969, tr. 401-507.

[8] Xem Joseph Ratzinger, Đức tin Kitô giáo hôm qua và hôm nay, NXB Tôn giáo, Hà Nội 2009 (nguyên tác tiếng Đức 1968), tr. 97. 198.

[9] Xem R.P.C. Hanson, The Search for Christian Doctrine, T. & T. Clark, Edinburgh 1988, tr. 825.

[10] Xem Karl Barth, Church Dogmatics, I/1, T. & T. Clark, 2ed. Edinburgh 1975, tr. 375; Andrea Aguti, Karl Barth e la riscoperta teologica della Trinità, Convegno nazionale di Roma (26-28/05/2011) trong: http://mondodomani.org/teologia/bertini2011.htm

[11] British Council of Churches, The Forgotten Trinity. The Report of the B.C.C. Study Commission on Trinitarian Doctrine Today, Inter-Church House, London 1989, vol. 1, tr. 7.

[12] Xem John Thompson, Modern Trinitarian Perspectives, tr. 8.

[13] Xem Colin Gunton, “Augustine, the Trinity and the Theological Crisis of the West,” Scottish Journal of Theology, vol. 43, no. 19, tr. 33-58.

[14] Xem Sđd, tr. 34-35.

[15] Xem Jürgen Moltmann, Trinità e Regno di Dio. La dottrina su Dio, Queriniani, Brescia 1983 (nguyên tác tiếng Đức 1980), tr. 19tt.

[16] Xem Sarah Coakley, “Persons” in the “Social” Doctrine of the Trinity: A Critique of Current Analytic of Discussion, trong: Stephen T. Davis – Daniel Kendall – Gerald O”Collins, The Trinity. An Interdisciplinary Symposium on the Trinity, Oxford University Press, 2001, tr. 123-144.

[17] Xem Y. Congar, Pneumatologie ou “Christomonisme” dans la tradition latine, in Ecclesia a Spiritu Sancto edocta, Gembloux 1979, tr. 41-63.

[18] Xem F. Lambiasi, Lo Spirito Santo: mistero e presenza. Per una sintesi di pneumatologia, EDB, Bologna 1987, tr. 20-26; G. Colombo, “Cristomonismo e pneumatologia o cristocentrismo e Trinità?” in Teologia IX (1984), tr. 189-220; N. Ciola, Teologia trinitaria. Storia – Metodo – Prospettive, EDB, Bologna 1996, tr. 205-218.

[19] Xem J. D. G. Dunn, “Spirit and Kingdom”, Expository Times, 32 (1970-1), tr. 36.

[20] Xem J. Moltmann, Trinità e regno di Dio. La dottrina su Dio, Queriniana, Brescia 1983; P. Martinelli, Il Mistero della morte in Hans Urs von Balthasar. Il mistero pasquale come rivelazione dell”amore Trinitario di Dio, Gregorian University Press, Roma 1996.

[21] Xem N. Ciola, Teologia trinitaria. Storia – Metodo – Prospettive, EDB, Bologna 1996, tr. 212-215.

[22] Xem Hans von Balthasar, Theodrama III: The Action, Ignatius Press, San Francisco 1994. Nguyên bản 1983; tr. it., Teodrammatica, III, tr. 481.

[23] Xem Gerald O”Collins, SJ, The Holy Trinity: The State of the Questions, tr. 13-17.

[24] Xem Ủy ban Kinh thánh Giáo hoàng, Việc giải thích Kinh Thánh trong Hội thánh, Học viện Đa Minh 2004, tr. 72-73.

[25] Xem Mary Rose D’Angelo, “Abbà/Padre” trong: Dizionario di teologie femministe, Claudiana, Torino 2010 (nguyên tác Dictionary of Feminist Theologies, John Knox Press, Westminster 1996), tr. 35-36.

[26] Xem M. Benedetta Zorzi, Che genere di Trinità? La teologia trinitaria alla prova dell”epistemologia femminista, Convegno nazionale di Roma (26-28/05/ 2011) trong: http://mondodomani.org/teologia/zorzi2011.htm

[27] Sơ lược về những vấn đề nóng bỏng của thần học các tôn giáo, xin xem văn kiện của Ủy ban Thần học Quốc tế, Kitô giáo và các tôn giáo (30/9/1996), phần I.

[28] Chân dung nổi bật của thần học các tôn giáo trong những thập niên qua là Jacques Dupuis, Toward a Christian Theology of Religious Pluralism, Orbis Books, Maryknoll, NY 1997.

[29] Thánh Irênê, Adversus Haereses IV, 7, 4; B. Studer, Dio salvatore nei Padri della Chiesa, Borla, Roma 1986, tr. 97-98. Về mối tương quan chặt chẽ giữa Ngôi Lời và Thánh Thần trong chương trình cứu độ duy nhất của Chúa Cha dựa trên nền tảng Kinh Thánh, xin xem Y. Congar, The Word and the Spirit, G. Chapman, London 1986, tr. 15-20.

[30] Xem ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris missio (1990), số 28; Tông huấn Ecclesia in Asia (1999), số 16.

[31] Xem Sắc lệnh Optatam Totius, số 16.

[32] Xem B. Mondin, La Trinità: mistero d’amore. Trattato di teologia trinitaria, Edizioni Studio Domenicano, Bologna, 1993, tr. 28-29.

[33] Kiểu nói của Bruno Forte, Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi như một lịch sử, NXB Tôn Giáo, Hà Nội 2010 (nguyên bản tiếng Ý 1988), tr. 18-20.

[34] Bruno Forte, Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi như một lịch sử, tr. 285.