Giáo Huấn Của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II Về Đời Thánh Hiến – ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN NỮ GIỚI

0
1226

ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN NỮ GIỚI
(15-3-1995)

1. Đời sống thánh hiến của phụ nữ có một vị trí rất quan trọng trong Giáo Hội. Chỉ cần nghĩ đến ảnh hưởng thâm sâu của đời sống chiêm niệm và cầu nguyện của các nữ tu, hoạt động mà họ thực hiện trong lãnh vực trường học và bệnh viện, việc hợp tác mà họ đem lại sức sống cho các giáo xứ ở nhiều nơi, những dịch vụ quan trọng mà họ đảm đương ở cấp độ giáo phận hay liên giáo phận, và những phận vụ đòi trình độ chuyên môn mà họ đảm nhận càng ngày càng nhiều trong phạm vi của Toà Thánh.

Ngoài ra, chúng ta nhớ rằng tại một vài quốc gia, việc loan báo Tin Mừng, sinh hoạt giáo lý và cả việc ban bí tích Thánh Tẩy cũng được giao phó cho phần lớn các nữ tu, là những kẻ tiếp xúc trực tiếp với người dân trong trường học và trong các gia đình. Chúng ta cũng không thể quên những phụ nữ khác, dưới nhiều hình thức thánh hiến tư và hiệp thông với Giáo Hội, sống đời dâng hiến cho Đức Kitô và phục vụ vương quốc của Người trong Giáo Hội, tựa như ngày nay có nhiều người gia nhập hàng ngũ các trinh nữ[1] nhờ việc thánh hiến đặc biệt cho Thiên Chúa trong tay đức Giám Mục giáo phận.

2. Chúc tụng Thiên Chúa vì đoàn ngũ đông đúc và muôn màu của các “nữ tỳ của Chúa”. Qua dòng lịch sử, họ vẫn nối tiếp và canh tân kinh nghiệm tuyệt vời của các phụ nữ đi theo Đức Giêsu và phục vụ Người cùng với các môn đệ (x. Lc 8,1-3) !

Không thua gì các tông đồ, họ đã cảm nhận được sức mạnh chinh phục của lời nói và tình yêu của Thầy chí thánh, và tự nguyện giúp đỡ và phục vụ Người hết mình trong các cuộc hành trình sứ vụ. Tin Mừng đã lộ ra sự hài lòng của Đức Giêsu, Người đã không thể không trân trọng những cách biểu lộ quảng đại và tế nhị theo tâm lý phụ nữ, nhưng phát xuất bởi niềm tin vào bản thân Người, chứ không phải là những biểu lộ thuần tuý nhân loại. Điển hình là tấm gương của Maria Mađalêna, một người nữ đi theo làm môn đệ và phục vụ Đức Kitô khi còn tại thế, rồi sau đó trở nên chứng nhân, và có thể nói là sứ giả tiên khởi về sự Phục Sinh của Người (x. Ga 20,17-18).

3. Trong sự gắn bó chân thành và trung thành ấy, có thể tiềm ẩn tâm tình muốn trao hiến đưa người nữ tới mối kết hiệp phu thê, và ở cấp độ tình yêu siêu nhiên, tới sự thánh hiến trinh tiết cho Đức Kitô, như tôi đã trình bày trong văn kiện Mulieris dignitatem (x. số 20).

Trong việc đi theo Chúa Kitô, được diễn đạt ra sự “phục vụ”, chúng ta cũng có thể khám phá ra một tâm tình khác về sự trao hiến chính mình của nữ giới, được Đức Maria diễn tả rất ý vị vào lúc kết thúc cuộc đối thoại với Thiên Thần : “Vâng tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38). Đó là một biểu hiện của đức tin và tình yêu, trở nên cụ thể trong việc vâng phục lời mời gọi của Chúa, và qua việc phục vụ Chúa và anh em : Đức Maria đã làm như thế, các phụ nữ đã theo Đức Giêsu cũng như thế, và cũng như tất cả những ai dõi theo dấu chân họ, đi theo Người qua trong dòng thời gian.

Ngày nay, huyền bí phu thê xem ra yếu ớt nơi các thiếu nữ bước vào con đường tu trì, bởi vì não trạng, học đường, văn chương không đề cao khuynh hướng này. Mặt khác, chúng ta thấy nhiều thánh nữ đã tìm thấy nhiều hướng khác nhau để diễn tả mối tương quan thánh hiến với Thiên Chúa, tựa như là : phục vụ Nước Chúa, tận hiến cho Chúa để phục vụ Ngài trong những người anh em nghèo khổ, cảm thức sống động về quyền chủ tể của Ngài (“lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con” Ga 20,28), kết hiệp với hy tế Thánh Thể, lòng thảo hiếu với Giáo Hội, ơn gọi thực hành công tác từ thiện, ước muốn làm người nhỏ bé hoặc chót bét trong cộng đoàn tín hữu, hoặc trở thành trái tim của Giáo Hội, hoặc dâng một đền thờ bé nhỏ cho Chúa Ba Ngôi ở trong tâm hồn mình. Đó là một vài chủ đề của những cuộc đời đã được Đức Kitô chiếm đoạt, giống như cuộc đời của thánh Phaolô và nhất là như Đức Maria (x. Pl 3,12).

Ngoài ra, đối với mọi nữ tu, có thể rất hữu ích nhấn mạnh đến ý nghĩa của sự tham dự vào thân phận “Người Tôi Tớ của Thiên Chúa” (x. Is 41,9 ; 42,1 ; 49,3 ; Pl 2,7 Y), đó chính là thân phận của Đức Kitô linh mục và hiến lễ. Đức Giêsu đã đến để “phục vụ”, qua việc ban sự sống của mình “làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28). Việc phục vụ ấy trở thành mẫu gương cho chúng ta bắt chước và diễn tả ra việc “phục vụ” anh em (x. Mt 20,25-27) sự thông dự vào cuộc hiến tế cứu chuộc của Chúa. Điều này không loại trừ, nhưng bao hàm sự thể hiện tính cách hiền thê của Giáo hội qua việc kết hợp với Đức Kitô, và qua việc liên tục áp dụng cho thế giới những hoa trái của ơn cứu chuộc do Người thực hiện nhờ chức tư tế của thập giá.

4. Theo Công Đồng, mầu nhiệm của sự kết hiệp phu thê của Giáo Hội với Đức Kitô được tượng trưng ở nơi mỗi người thánh hiến (x. GH 44), nhất là nhờ việc tuyên giữ lời khuyên Phúc Âm về khiết tịnh[2]. Tuy nhiên có thể hiểu rằng sự tượng trưng này thể hiện cách đặc biệt nơi người nữ thánh hiến, mà các sách phụng vụ quen gán cho họ danh hiệu “hiền thê của Đức Kitô” (sponsa Christi). Đành rằng ông Tertulianô đã áp dụng hình ảnh hôn lễ với Thiên Chúa cho bất cứ người nam hay người nữ khi viết rằng : “Biết bao người nam và người nữ trong hàng ngũ Giáo Hội, khi chủ trương sống tiết độ, đã ưa kết hôn với Thiên Chúa”[3], nhưng không thể phủ nhận rằng linh hồn của người nữ có khả năng sống cách đặc biệt sự kết hôn thần bí với Đức Kitô, và mô phỏng nơi mình khuôn mặt và trái tim của Giáo Hội hiền thê. Vì thế trong nghi lễ tuyên khấn của các nữ tu và các trinh nữ thánh hiến giữa đời, bài hát hay lời điệp ca “Hãy đến, hỡi hiền thê của Đức Kitô.” (Veni sponsa Christi) làm tâm hồn họ tràn ngập cảm xúc, cuốn hút đương sự và toàn thể cộng đoàn vào một bầu khí huyền nhiệm linh thiêng.

5. Như hệ luận bởi việc kết hiệp với Đức Kitô như tư tế hoặc như lang quân, ý nghĩa của thiên chức làm mẹ thiêng liêng cũng được triển khai nơi phụ nữ. Sự trinh khiết – hay khiết tịnh Phúc Âm – mang theo sự khước từ làm mẹ thể lý, nhưng để diễn tả ra thành chức làm mẹ ở trật tự cao hơn, theo kế hoạch của Thiên Chúa, được chiếu sáng nơi thiên chức làm mẹ của Đức Trinh Nữ Maria. Mỗi người trinh khiết thánh hiến đã được xếp đặt để đón nhận nơi Chúa một ân huệ ngõ hầu tái diễn, theo một mức độ nào đó, chức làm mẹ của Đức Maria với đặc tính phổ quát và phong phú thiêng liêng.

Có thể nhận thấy điều đó nơi công cuộc giáo dục giới trẻ tiến đến đức tin mà nhiều phụ nữ thánh hiến đảm nhận. Ai cũng biết rằng nhiều Hội Dòng nữ được sáng lập và đã xây dựng vô số trường học để truyền đạt nền giáo dục ấy ; đối với sự giáo dục, nhất là các thiếu nhi, thì những đức tính của phụ nữ rất là quý giá và không thể thay thế được. Ngoài ra, cũng có thể nhận thấy điều đó nơi biết bao công cuộc từ thiện bác ái dành cho những người nghèo, những người bệnh tật, tàn phế, những kẻ bị bỏ rơi, nhất là thiếu nhi và trẻ sơ sinh đã một thời bị xếp vào loại vô thừa nhận : trong tất cả các trường hợp này, trái tim của phụ nữ đã đổ tràn những kho tàng của sự tận tâm và thương xót. Sau cùng, có thể nhận thấy điều đó nơi nhiều hình thức cộng tác vào việc phục vụ các giáo xứ và các đoàn thể công giáo, nơi mà càng ngày người ta càng thấy rõ hơn những khả năng của phụ nữ trong sự cộng tác vào sinh hoạt mục vụ.

6. Nhưng giữa các giá trị hiện tại trong đời sống thánh hiến nữ giới, phải luôn luôn nhìn nhận vị trí hàng đầu của cầu nguyện. Cầu nguyện là hình thức chính yếu của việc thực hiện và diễn tả sự thân mật đối với Thiên Chúa là hôn phu của mình. Tất cả các nữ tu được mời gọi trở thành những phụ nữ cầu nguyện, những phụ nữ đạo đức, những phụ nữ của đời sống nội tâm, của “đời sống cầu nguyện”. Dĩ nhiên chứng từ cho ơn gọi này rõ ràng hơn cả nơi các Hội Dòng chiêm niệm, nhưng điều này cũng đúng đối với các Hội Dòng hoạt động, họ phải quan tâm bảo vệ giờ giấc cầu nguyện và chiêm niệm, đáp ứng nhu cầu và những đòi hỏi của các linh hồn được thánh hiến và những chỉ thị của Tin Mừng. Chúa Giêsu đã yêu cầu tất cả môn đệ phải cầu nguyện, Người đã muốn nêu bật giá trị của đời sống cầu nguyện và chiêm niệm với tấm gương của một phụ nữ, Maria làng Bêtania được ca ngợi vì đã “chọn phần tốt nhất” (Lc 10,42) : lắng nghe lời Chúa, hấp thụ lời Ngài và biến thành bí quyết của cuộc sống. Đây không phải là ánh sáng thắp lên cho tất cả mọi đóng góp tương lai của phụ nữ vào đời sống cầu nguyện của Giáo Hội hay sao ?

Vả lại, việc chuyên cần cầu nguyện cũng là bí quyết của sự bền chí trong việc cam kết trung thành với Đức Kitô ; sự bền chí cần được nêu gương cho tất cả mọi người trong Giáo Hội. Chứng từ xác quyết của một tình yêu không sờn có thể trở nên một sự hỗ trợ đắc lực cho những phụ nữ khác ở trong hoàn cảnh khủng hoảng, mà dưới khía cạnh này, đang gây nhiều phiền muộn cho xã hội chúng ta. Chúng ta cùng ao ước và cầu nguyện sao cho nhiều người nữ thánh hiến, khi mang trong mình con tim hiền thê của Đức Kitô và biểu hiện ra cuộc sống, thì cũng bộc lộ và làm cho mọi người hiểu rõ thêm lòng trung thành của Giáo Hội trong sự kết hợp với Đức Kitô hôn phu của mình : trung thành trong chân lý, trong bác ái, trong niềm khao khát ơn cứu độ cho tất cả mọi người.

——————————

[1] x. Bộ Giáo Luật, số 604.

[2] x. Sắc lệnh Perfectae caritatis, 12.

[3] Tertulliano, De exort. cast., 13: PL 2, 930A; CC 2,1035,35-39.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here