NHÂN LUẬN TRONG HIẾN CHẾ GAUDIUM ET SPES

0
3169

Francesco Scanziani[1]

Hiến chế Gaudium et spes (GS) nói gì về con người? Một câu hỏi đã được nêu lên ngay từ những số đầu tiên của văn kiện nhưng ít khi được để ý. Tác giả không đi vào nội dung các vấn đề nhân-luận, nhưng muốn nêu bật hướng đi mà văn kiện đã mở ra cho môn nhân-luận thần-học, đó là nhìn con người dưới ánh sáng của Đức Kitô. Bài này gồm hai phần chính:  trước hết, phân tích những đoạn văn về nhân luận (cách riêng trong phần thứ nhất của Hiến chế); tiếp đến, vạch ra những nét chính của nhân luận GS: 1) Nguyên tắc căn bản: Đức Kitô, chân lý về con người. 2) Nội dung: ơn gọi của Thiên Chúa.  3) Con người: hình ảnh Thiên Chúa. 4) Con người và mối dây liên đới với Đức Kitô và với đồng loại. Tác giả cũng đưa vài nhận xét về những giới hạn của bản văn.

“Tuy công đồng Vaticanô II không dành riêng một văn kiện nào bàn về con người, nhưng Gaudium et spes, hiến chế mục vụ về Hội thánh trong thế giới ngày nay, cách riêng trong phần đầu, cung cấp cho chúng ta một tổng hợp quý báu về nhân-luận”. Nhận xét này của cha Luis Ladaria trong tác phẩm “Nhân luận thần học”[2] cũng được nhiều tác giả tán đồng[3].

Thật ra, nếu đọc thoáng qua lịch sử soạn thảo văn kiện này, người ta chỉ có cảm tưởng rằng, sau khi đã tìm hiểu bản chất và sứ mạng của Hội thánh trong các hiến chế tín lý, công đồng muốn đối thoại với thế giới, tìm câu trả lời cho những mối băn khoăn của thời đại hôm nay. Tuy nhiên, ngoài khía cạnh “ngoại giao” ấy, các chuyên viên soạn thảo ở hậu trường còn nhằm giải quyết nhiều vấn đề lòng thòng về thần học kéo dài từ nhiều thế kỷ qua. Riêng trong lãnh vực nhân-luận, thần học công giáo còn thiếu một khảo luận thống nhất về con người, đang khi triết học cận đại chú trọng đến con người như trung tâm của mọi suy tư. Một lý do của sự chậm trễ này có lẽ bắt nguồn từ sự phân biệt giữa “tự nhiên và siêu nhiên” (natura – supernatura), khiến cho thần học không thấy cần đối thoại với văn hóa thời đại (văn hóa nằm trong lãnh vực “tự nhiên”, còn thần học thuộc lãnh vực “siêu nhiên”). Cái “tự nhiên” được quan niệm như có thể hiện hữu biệt lập, không cần đến cái “siêu nhiên”. Nguy cơ của sự phân chia này là con người có thể hiện hữu và sinh hoạt mà không cần đến Đức Kitô, và như vậy, họ cũng chẳng cần biết sứ điệp của Hội thánh. Đó chẳng phải là nguồn gốc của hiện tượng vô thần hiện đại đấy ư? Vì thế đã đến lúc phải xoá bỏ sự phân chia hai cấp (tự nhiên – siêu nhiên) ấy[4]. Cần phải trình bày thế nào để Đức Kitô trở nên cần thiết cho sự thành tựu của con người. Đúng ra, đây là một sự chuyển hướng thần học đã được chuẩn bị trong suốt thế kỷ XX, trong các phong trào canh tân Kinh thánh, giáo phụ, phụng vụ, thần học. Chúng ta hãy xem điều này đã được thực hiện thế nào trong hiến chế Gaudium et spes.

1.Phân tích bản văn

Trước hết, chúng ta hãy nhìn xem cấu trúc của hiến chế:

    Lời mở đầu (1-3)

    Nhập đề: Tình cảnh của con người trong thế giới ngày nay (4-10)

    Phần thứ nhất: HỘI THÁNH VÀ ƠN GỌI LÀM NGƯỜI

           Lời mở đầu (11).

           Chương I. Phẩm giá con người (12-22).

            Chương II. Cộng đồng nhân loại (23-32)

            Chương III. Hoạt động của con người trong vũ trụ (33-39)

            Chương IV. Phận vụ của Hội thánh trong thế giới ngày nay (40-45)

    Phần thứ hai: MộT SỐ VẤN ĐỀ KHẨN THIẾT

           Lời mở đầu (46)

            Chương I. Phẩm giá cao quý của hôn nhân và gia đình (47-52)

            Chương II. Cổ vũ việc phát triển văn hóa (53-62)

            Chương III. Đời sống kinh tế xã hội (63-72)

            Chương IV. Đời sống cộng đồng chính trị (73-76)

            Chương V. Bảo vệ hòa bình và xây dựng cộng đồng các dân tộc (77-90)

    Kết luận (91)

Nhìn qua lược đồ này, ta thấy rằng phần lớn những đề tài bàn về con người nằm trong Phần thứ Nhất, và đặc biệt là ở chương Một. Theo cha Ladaria, “trong những chương đầu của GS, công đồng cung cấp một viễn ảnh về con người súc tích nhất so với các văn kiện khác”[5]. Vì thế chúng ta hãy phân tích các bản văn của đoạn này (1-45).

  1. Lời mở đầu (1-3). Con người, chủ đề của hiến chế

Mặc dù công đồng không trình bày một khảo luận hệ thống về nhân luận Kitô giáo, nhưng ngay từ đầu, văn kiện tuyên bố đặt con người làm chủ đề :

«tiêu điểm của những gì chúng tôi trình bày là con người duy nhất và toàn diện, với thể xác và linh hồn, tình cảm và lương tri, trí khôn và ý chí. Vì thế, khi công bố ơn gọi cao cả của con người và khẳng định là hạt giống thần linh đã được gieo vào trong con người, Thánh Công đồng muốn dành cho nhân loại sự cộng tác chân thành của Hội thánh nhằm thiết lập tình huynh đệ đại đồng phù hợp với on gọi ấy» (GS 3).

Chúng ta nên ghi nhận điều mới mẻ của công đồng, xét về phương pháp cũng như về  về nội dung. Công đồng đứng về phía con người, để suy tư, giải thích các dữ kiện thần học nhìn từ phía con người. Đối chiếu với Lumen gentium ta thấy sự khác biệt về phương pháp của GS: không phải là phương pháp diễn dịch (từ trên đi xuống), nhưng là phương pháp quy nạp (từ dưới đi lên), từ con người và cùng với con người đi lên Thiên Chúa, từ thụ tạo đến Tạo Hoá. Hiến chế GS  chấp nhận “khúc ngoặt nhân bản” của thời cận đại, mở cửa đối thoại với văn hóa cận đại. Đã đến lúc đối thoại với thế giới thay vì xa lánh. Xét về nội dung, chúng ta thấy cái nhìn về “con người toàn diện”, mang tính hợp nhất giữa những yếu tố tương phản (hồn và xác, trí và tâm, vv). Chương trình của hiến chế là trình bày “ơn gọi làm người”, nghĩa là nhãn quan Kitô giáo về con người. Văn kiện đã hé mở hai chiều kích của con người: một đàng con người mang trong mình một “hạt giống thần linh” mở rộng đến siêu việt; đàng khác con người mở ra tình huynh đệ đại đồng, nghĩa là tình liên đới xã hội nằm trong bản chất của con người.

  1. Nhập đề (4-10)

Nhập đề trình bày “tình cảnh của con người trong thế giới ngày nay” vạch ra vài nét đặc trưng thời nay: hy vọng và lo âu (số 4), những biến chuyển sâu rộng  (số 5), những biến đổi trong phạm vi xã hội (số 6), những biến đổi về tâm lý, luân lý và tôn giáo  (số 7), những chênh lệch trong thế giới ngày nay(số 8), những khát vọng phổ quát hơn của nhân loại (số 9), những vấn nạn sâu xa hơn của con người (số 10). Cái nhìn bao quát nhằm thâu thập các dữ kiện, những “dấu chỉ của thời đại” liên quan đến tất cả mọi người, dù có tín ngưỡng hay không. Rõ ràng là văn kiện áp dụng phương pháp quy nạp, khởi đi từ việc phân tích kinh nghiệm của con người, nhằm thiết lập một cuộc đối thoại với thế giới, để rồi đi lên đến chỗ thảo “kế hoạch” ở số 10[6], vạch ra tình trạng mất quân bình vào thời buổi hôm nay, và gợi lên những câu hỏi sâu xa trong thâm tâm con người, mà hiến chế muốn trả lời:

«Hội thánh tin rằng Đức Kitô, Đấng đã chết và đã sống lại vì mọi người, nhờ Thánh Thần của Người đã trao ban ánh sáng và sức mạnh để con người có thể đáp trả ơn gọi cao cả của mình. Hội thánh tin rằng dưới bầu trời này chẳng có danh hiệu nào khác được ban cho loài người để nhờ đó mà họ được cứu rỗi. Cũng thế Hội thánh tin rằng ý nghĩa, then chốt, trung tâm và cùng đích của toàn thể lịch sử nhân loại đều ở nơi Đức Kitô là Chúa và là Thầy của mình. Hơn nữa, Hội thánh còn khẳng định rằng qua mọi biến đổi, có nhiều điều vẫn không đổi thay, những điều đặt trên nền tảng sâu xa nhất là chính Chúa Kitô, Đấng hôm qua, hôm nay và mãi mãi vẫn là một. Vì thế, dưới ánh sáng của Chúa Kitô là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử giữa muôn loài thọ sinh, công đồng muốn ngỏ lời với mọi người để làm sáng tỏ mầu nhiệm về con người và để cùng nhau tìm giải đáp cho những vấn đề chính yếu của thời đại chúng ta».

Sau khi đã lắng nghe những vấn đề của con người thời đại, công đồng phát biểu niềm tin của mình bằng cách quy hướng về Đức Giêsu Kitô: nhờ ánh sáng của Người mà các vấn đề được soi sáng và giải đáp. Đây là chìa khóa dẫn vào những chương kế tiếp: cần phải nhờ đến Đức Kitô thì con người mới nhận ra ơn gọi của mình. Đức Kitô được giới thiệu như trung tâm và cứu cánh của lịch sử. Dựa theo các bản văn Tân ước, Đức Kitô được trình bày trong hai mối tương quan: với Thiên Chúa và với loài người. Trong tương quan với Thiên Chúa, Người là hình ảnh của Thiên Chúa (imago Dei); trong tương quan với nhân loại, Người là trưởng tử của loài thụ tạo. Cả hai tư tưởng dựa trên thư gửi Colosê. Như chúng ta sẽ thấy, ý tưởng “hình ảnh Thiên Chúa” là phạm trù căn bản của nhân luận Kitô giáo; tuy nhiên ở đây, GS áp dụng tiên vàn cho Đức Kitô, ra như muốn nêu bật sự liên hệ giữa Đức Kitô với con người, giữa Kitô-luận và nhân-luận. Vì thế, Hội thánh cần phải nhờ đến ánh sáng của Đức Kitô để tìm hiểu mầu nhiệm con người. Tiếc rằng ở đây, chưa thấy bản văn giải thích nguồn gốc của mối liên hệ ấy. Dù sao, GS đã xác định hướng đi cho nhân-luận Kitô-giáo: cần phải quy chiếu về Đức Kitô.

  1. Chương Một: Phẩm giá của con người (12-22).

Chương I (Hội thánh và ơn gọi làm người) rõ ràng muốn bàn đến con người, mở đầu với những câu hỏi: “con người là gì? Hội thánh nghĩ gì về con người?” (số 11 và 12).

Trên đây, hiến chế đã điểm qua những lối tiếp cận về nhân-luận, nhưng đến số 12, văn kiện cho thấy lối tiếp cận riêng của Kitô giáo, đó là mặc khải:

«Thánh Kinh dạy rằng con người đã được tạo dựng “theo hình ảnh Thiên Chúa” có khả năng nhận biết và yêu mến Đấng tạo dựng mình, được Ngài đặt làm chủ mọi thụ tạo trên trái đất để quản trị và sự dụng chúng mà ngợi khen Thiên Chúa» (GS 12b-c).

Như thế con người được nhìn như là imago Dei (hình ảnh Thiên Chúa), với hai mối tương quan: đối với Thiên Chúa (có khả năng yêu mến Ngài) và đối với vạn vật (làm chủ, x. Tv 8,5-7). Đạo lý này dựa theo trình thuật của sách Sáng thế về việc tạo dựng.

Nên ghi nhận là văn kiện không dựa trên một định nghĩa triết học về con người nhưng đi thẳng vào mặc khải, tuy vẫn còn bất toàn bởi vì chỉ dựa trên Cựu ước chứ chưa đả động đến vai trò của Đức Kitô trong cuộc tạo dựng cũng chẳng đụng đến căn tính của Người là imago Dei. Đây là lần đầu tiên mà một công đồng bàn về con người là “hình ảnh Thiên Chúa”, nhưng mới chỉ trưng dẫn các đoạn văn của Cựu ước (St 1,26; Tv 8,5; Kn 2,23). Phải chờ đến số 22 mới thấy một trưng dẫn Tân ước.

Những đoạn văn kế tiếp đề cập nhiều vấn đề nhân sinh: tội lỗi làm lu mờ hình ảnh Thiên Chúa và gây ra nhiều xáo trộn trong bản thân cũng như với tha nhân và thế giới  (số 13); các yếu tố cấu thành con người: sự hợp nhất của linh hồn và thân xác (số 14); trí tuệ và khôn ngoan (n. 15); lương tâm (số 16); tự do (n. 17); mầu nhiệm sự chết (số 18); chủ thuyết vô thần (số 19-21).

Chương này đụng đến nhiều chủ đề nhân-luận, nhưng không theo một thứ tự hệ thống nào. Những đoạn bàn về chủ thuyết vô thần xem ra không ăn khớp với toàn bộ chương này. Ngoài ra nên ghi nhận là khi bàn về những đề tài này, văn kiện không nhắc đến Đức Kitô (ngoại trừ số 18, khi đối chọi thảm kịch cái chết với sự chiến thắng của Đức Kitô). Ngoài ra, ở số 17 khi bàn đến tự do, văn kiện trình bày nó như là “dấu chỉ cao cả nhất của hình ảnh Thiên Chúa”. Một lần nữa, không có trưng dẫn nào về Đức Kitô khi nói đến “hình ảnh Thiên Chúa”. Ngay cả khi nói đến ơn Chúa trợ lực cho sự tự do đã bị tổn thương, văn kiện cũng chẳng nhắc đến Đức Kitô.

Thế nhưng, vào cuối chương, sự quy chiếu về Đức Kitô được cô đọng nơi số 22, mang tựa đề “Đức Kitô con người mới”, là một trong những đoạn văn tuyệt vời nhất của hiến chế. Chúng ta hãy hình dung toàn thể chương Một như một cuộc đối thoại về ơn gọi của con người. Mở đầu là câu hỏi: “Hội thánh nghĩ gì về con người?” (số 11), sau khi đã lắng nghe những băn khoăn của thời đại (từ số 4 đến số 10). Như ta đã thấy, suốt chương này, văn kiện tìm cách giải thích phẩm giá của con người dựa trên khái niệm “hình ảnh Thiên Chúa”. Bây giờ, đến lúc kết thúc, hiến chế mới đưa ra câu khẳng định quyết liệt: “mầu nhiệm về con người chỉ thật sự được sáng tỏ trong mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể”, và sẽ giải thích tại sao.

Chúng ta hãy phân tích bản văn súc tích này, gồm 6 khoản. Trước khi đi vào chi tiết, thiết tưởng nên nói qua tựa đề của số 22: De Christo novo homine (Đức Kitô, con người mới). Trong những dự thảo đầu tiên, tựa đề là De Christo homo perfecto (Đức Kitô, con người hoàn hảo), nhưng sau đó đã được sửa lại như hiện này, bởi vì muốn nêu bật thảm kịch của con người trong lịch sử cứu độ: con người đã bị sa ngã và bị thương tích, vì thế cần được chữa lành. Tư tưởng này được thánh Phaolô diễn tả nơi thuật ngữ “con người mới”, đối chọi với “con người cũ”, con người cần được ơn cứu chuộc.

  • 1. Nguyên tắc căn bản: mối liên hệ giữa Đức Kitô với con người.

Khoản mở đầu này cung cấp cho ta chìa khoá dẫn đưa vào nội dung của bản văn: “duy chỉ trong mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể mà mầu nhiệm về con người mới thật sự được sáng tỏ”.

Thật vậy, chân lý về con người được tìm thấy nơi bản thân của đức Giêsu Nazareth: chính Người “giúp con người hiểu biết đầy đủ về chính mình và nhận ra ơn gọi vô cùng cao quý của mình”. Chỉ nơi Đức Kitô, con người hiểu biết căn tính của mình cách tường tận. Như vậy, các chân lý về con người liên hệ chặt chẽ với các chân lý về Đức Kitô: nhân-luận được móc nối với Kitô-luận. “Bởi thế, không lạ gì khi những chân lý đã nói ở trên đều tìm thấy nguồn gốc và đạt tới đỉnh điểm nơi Đức Kitô”. Tại sao vậy? “Bởi vì Ađam, con người đầu tiên, chính là hình ảnh của Đấng sẽ đến là Đức Kitô”, dựa theo thư gửi Rôma 5,14. Chúng ta nên ghi nhận hai điều sau đây.

Thứ nhất, mối tương quan giữa con người với Đức Kitô đã hiện hữu ngay từ buổi đầu: ông Ađam được quy chiếu về Đức Kitô, chứ không phải Đức Kitô được quy chiếu về ông Ađam. Như vậy, không phải ông Ađam giải thích Đức Kitô, nhưng Đức Kitô giải thích ông Ađam. Vì thế để có thể hiểu biết con người thì phải quay về với Đức Kitô, chứ không thể nào chỉ dừng lại ở định nghĩa triết học về bản tính con người.

Thứ hai, mối tương quan này được thiết lập ngay từ lúc tạo dựng. Ở ghi chú cuối trang, bản văn trưng dẫn một câu nói của ông Tertullianô: “Vì vậy, bất cứ điều gì mà bùn đất đã biểu thị đều nhắm Đức Kitô, Đấng sẽ đến”[7]. Nên biết là ông Tertullianô còn nói thêm là nắm bùn ấy không chỉ mang hình ảnh của Đức Giêsu mà còn là bảo chứng (pignus) của việc Nhập thể. Như thế, mối liên hệ giữa Đức Kitô với nhân loại không chỉ bắt nguồn do tình trạng tội lỗi, nhưng đã được nhắm tới ngay từ lúc khởi nguyên. Công đồng mở ra một viễn tượng mới về tương quan giữa Đức Kitô với nhân loại, bắt đầu ngay từ khi tạo dựng; tiếc rằng chiều hướng này không được khai triển.

Một chi tiết nữa cũng đáng được ghi nhận. Hiến chế viết rằng “Khi mặc khải mầu nhiệm Chúa Cha và tình yêu của Ngài, Đức Kitô cũng giúp con người hiểu biết đầy đủ về chính mình và nhận ra ơn gọi vô cùng cao quý của mình”. Ta nhận thấy có sự liên kết giữa mầu nhiệm Thiên Chúa với mầu nhiệm con người. Khi mặc khải Thiên Chúa và tình yêu của Ngài (như là Cha), đức Kitô cũng mặc khải bản thân (như là Con), và tỏ cho con người biết ơn gọi của mình (là trở nên con cái của Chúa). Như vậy, ngay từ muôn đời, chúng ta đã được kêu gọi hiệp thông với Thiên Chúa, được kêu gọi trở nên con cái của Ngài trong Đấng là Con của Ngài. Những điều này sẽ được giải thích ở các khoản kế tiếp (“người Kitô hữu được nên giống hình ảnh Chúa Con là Trưởng tử của đoàn anh em đông đảo” “ngõ hầu những người con trong Chúa Con kêu lên trong Thánh Thần: Abba, Cha ơi”).

  • 2. Đức Kitô là hình ảnh của Thiên Chúa và con người hoàn hảo.

Khoản thứ hai nêu bật hai đặc điểm của mối tương quan giữa Đức Kitô với con người: đề tài “hình ảnh Thiên Chúa” và “con người hoàn hảo”.

Trước hết, đề tài “hình ảnh Thiên Chúa” dựa trên Cl 1,15 (Đức Kitô là “hình ảnh Thiên Chúa vô hình”), nhưng xem ra văn kiện chưa khai triển tương quan của Đức Kitô với con người vào lúc tạo dựng. Vài giáo phụ đã nói rằng khi ông Ađam được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, thì đã được nhắm đến Đức Kitô. Hơn thế nữa, các giáo phụ còn khai thác mối tương quan giữa Đức Kitô với tình trạng con người sa ngã khi phân biệt giữa “hình ảnh Thiên Chúa” (imago) với “giống như Thiên Chúa” (similitudo). Sau khi phạm tội, con người vẫn còn giữ được “hình ảnh Thiên Chúa”, nhưng không còn “giống như Thiên Chúa” nữa; tình trạng này chỉ được khôi phục nhờ Đức Kitô. Ngoài ra, bản văn công đồng chưa đả động đến tư tưởng của thánh Phaolô về việc Thiên Chúa “tiền định” cho chúng ta trở nên cơ nghiệp của Ngài trong Đức Kitô (Ep 1,11).

Thứ hai, Đức Kitô được diễn tả như là “con người hoàn hảo” (homo perfectus). Bản văn đã được sửa đổi nhiều lần. Bản dự thảo viết rằng: “Đức Kitô như Thiên Chúa, là hình ảnh của Đấng vô hình”, nhưng đã được sửa lại cho phù hợp với tư tưởng của thánh Phaolô. Đức Kitô là hình ảnh Thiên Chúa, không phải chỉ vì là Thiên Chúa mà còn vì là con người nữa. Để diễn tả ý tưởng “con người hoàn hảo”, bản văn Latinh viết là homo perfectus (thay vì perfectus homo). Thuật ngữ perfectus homo mang ý nghĩa chuyên môn trong tín lý, được các công đồng Ephêsô và Calxêđônia sử dụng để khẳng định nhân tính toàn vẹn của Đức Kitô  (x. GS 38 và 45). Thuật ngữ homo perfectus mang nhiều nghĩa súc tích hơn: Người là con người hoàn hảo, không những theo nghĩa luân lý (không có tội lỗi và nết xấu), nhưng theo nghĩa là con người thành tựu: nhân loại đạt tới sự viên mãn nơi Đức Kitô. Nơi Người “bản tính con người đã được tiếp nhận chứ không bị tiêu huỷ”: nhân tính không bị lu mờ hoặc tiêu diệt bởi sự kết hiệp với thiên tính, nhưng được nâng lên, thành tựu mỹ mãn. Sự gần gũi Thiên Chúa không làm cho thụ tạo bị suy giảm hoặc tiêu tan, trái lại còn kiện toàn sung mãn đến nỗi có thể nói được rằng nơi Đức Kitô “con người trở nên người hơn”, và: “ai càng theo Đức Kitô, con người hoàn hảo, thì càng nên người hơn nữa” (GS 41).

Câu nói này đã kết hợp chặt chẽ Kitô-luận với nhân-luận. Cha Ladaria bình luận rằng: “sự tăng trưởng trong Đức Kitô có nghĩa là tăng trưởng trong tình người. Làm người Kitô hữu không làm chúng ta tách xa thế giới loài người, nhưng giúp ta gần gũi với nó hơn và sung mãn hơn”[8].

Một chi tiết khác được xen vào mối liên hệ giữa Đức Kitô và con người, đó là sự liên đới của Đức Kitô với toàn thể nhân loại: “Khi nhập thể, Con Thiên Chúa cách nào đó đã kết hợp với mỗi người”. Một đàng, Công đồng sử dụng ngôn ngữ truyền thống nói đến sự kết hợp ngôi vị. Đàng khác, Công đồng dùng một lối nói lỏng lẻo “cách nào đó”, bởi vì chưa tìm được một công thức chính xác để diễn tả một thực tại cao siêu.

  • 3. Ơn Cứu chuộc

Khoản thứ ba trình bày mầu nhiệm cứu chuộc được thực hiện nhờ cái chết trên thập gia. Chúng ta nắm bắt một khía cạnh nữa của mối liên hệ giữa Đức Kitô với con người, đó là khía cạnh huyền nhiệm: “Người đã yêu thương tôi và đã hiến mạng vì tôi” (Gl 2,20). Tình liên đới của Đức Kitô với nhân loại được biểu lộ qua việc chết thay cho họ. Tiếc rằng trong các bản Tân ước được trưng dẫn ở cuối trang để chứng tỏ sự liên đới (2Cr 5,18-19; Cl 1,20-22), thiếu một đoạn quan trọng là 1Cr 15,49: “Cũng như chúng ta đã mang hình ảnh người bùn đất mà ra, thì chúng ta cũng sẽ được mang hình ảnh Đấng từ trời mà đến”. Thánh Phaolô đối chiếu lúc khởi nguyên với lúc kết thúc.

  • 4. Con người là hình ảnh Thiên Chúa

Triệt này cũng bàn về hình ảnh Thiên Chúa như triệt hai, nhưng lần này nhìn về phía con người. Đây là lần đầu tiên, văn kiện quy hướng rõ rệt về Đức Kitô: “người Kitô hữu trở nên giống với hình ảnh của Chúa Con”. Như vậy, Tân ước đã đọc lại và đào sâu thêm Cựu ước: Đức Kitô là hình ảnh Thiên Chúa; và rồi con người nên giống với hình ảnh ấy, nghĩa là “hình ảnh của hình ảnh”. Các đoạn Tân ước được trưng dẫn là Rm 8,29 và Cl 3,10-14. Lẽ ra có thể trích dẫn thêm 1Cr 15,45-49 để móc nối lúc ban đầu với lúc kết thúc[9].

Cần ghi nhận sự quy chiếu về Thánh Thần ở chỗ này: Thánh Thần ban cho con người khả năng làm việc thiện. Chiều kích Tam vị của nhân luận đã được phác thảo: con người được nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô nhờ tác động của Thánh Thần.

  • 5. Ơn gọi duy nhất của toàn thể nhân loại

Khoản này mở rộng tầm nhìn đến tất cả mọi người: chỉ có một ơn gọi duy nhất cho hết mọi người. Lời tuyên bố này muốn vượt qua sự chia cách giữa “tự nhiên” và “siêu nhiên”: “chúng ta không thể nào quan niệm sự nhập thể theo kiểu như sự kiện toàn bên ngoài cho một trật tự tự nhiên hoặc tạo dựng khép kín”[10]. Tính từ divina (ơn gọi “từ Thiên Chúa”) xem ra thích hợp hơn là tính từ “siêu nhiên” (supernaturalis). Tiếc rằng văn kiện không xác định rõ hơn về vai trò của Đức Kitô trong ơn gọi này: ra như việc quy chiếu về Đức Kitô chỉ gắn với sự cứu chuộc và cánh chung, chứ không gắn với việc tạo dựng[11].

Dù sao, công đồng chỉ khẳng định mối dây liên kết giữa Đức Kitô với toàn thể nhân loại chứ không đưa ra luận cứ: “Chúng ta phải tin chắc rằng Thánh Thần ban cho mọi người khả năng tham dự vào mầu nhiệm Phục sinh theo cách thế mà chỉ có Chúa biết”. Lời tuyên bố này mang tính cách dè dặt (theo cách thức mà Thiên Chúa biết) và được gán cho tác động của Chúa Thánh Thần.

  • 6. Tổng hợp: vẻ cao cả của mầu nhiệm con người

Khoản cuối cùng của số 22 lặp lại luận đề căn bản: sự cao cả của mầu nhiệm con người được mặc khải toàn vẹn và dứt khoát nơi Đức Kitô và nhờ Đức Kitô. Dù sao, ở đây, văn kiện muốn nêu bật một ý nghĩa mới của mặc khải Đức Kitô, đó là chiều kích Tam vị của ơn cứu độ: “con người đạt đến sự viên mãn khi mà, do quyền năng của Thánh Thần, trở nên người con trong Chúa Con và thông dự vào mối tương quan độc nhất của Đức Giêsu với Chúa Cha. Ơn cứu độ mang chiều kích cộng đồng”[12].

Chắc hẳn chương Một là sự đóng góp quy mô nhất của công đồng Vaticanô II cho nhân-luận. Những chương kế tiếp mở rộng viễn ảnh Kitô giáo về con người sang chiều khích cộng đồng và vai trò trong vũ trụ. Chúng tôi chỉ tóm tắt những nét chính, và nêu bật hai nhận xét đã nói trên đây, đó là: đặt sự quy hướng về Đức Kitô vào cuối chương, và không làm rõ tương quan giữa Đức Kitô với sự tạo dựng.

  1. Chương II: Cộng đồng nhân loại

Chương Hai mở rộng nhân-luận ra chiều kích cộng đồng, thay vì đóng khung trong khuôn khổ cá nhân. Có thể xem như là kết quả của sự tiến triển Kitô giáo về quan niệm “chủ vị” (persona) bao hàm chiều kích xã hội và hiệp thông, cũng như quan niệm về con người khởi đi từ Đức Kitô. Tuy nhiên, ta không thấy sự liên lạc chặt chẽ giữa chương này với chương Một và với Đức Kitô.

Thực vậy, mối liên hệ giữa loài người được móc nối với Đức Kitô, nhưng xem ra cách thứ yếu: “Tính chất cộng đồng được kiện toàn và hoàn tất nhờ công trình của Đức Giêsu Kitô” (GS 32,2). Người ta có cảm tưởng rằng Đức Kitô đến kiện toàn sự liên đới  đã hiện hữu trước đó. Xem ra “sự liên đới giữa loài người” độc lập với “sự liên đới trong Đức Kitô”. Một lần nữa, chúng ta thấy thiếu mối liên hệ giữa Đức Kitô với việc tạo dựng: phải chăng sự liên kết nhân loại đã được nhắm đến trong Đức Kitô vào lúc tạo dựng, hay là Đức Kitô chỉ đến kiện toàn sự liên kết đã được thành hình rồi?[13]

  1. Chương III: Hoạt động của con người trong vũ trụ

Chương Ba thêm vào một chiều kích nữa của nhân-luận: vai trò của con người trong thế giới. Liên quan đến vấn đề đang bàn, chúng ta nên ghi nhận đề tài hình ảnh Thiên Chúa được nhắc đến ở số 34 nhưng lại không nhắc đến Đức Kitô. Thêm vào đó, số 38 khẳng định lần đầu tiên (và duy nhất) về vai trò của Đức Kitô trong việc tạo dựng (“Lời Thiên Chúa, Lời mà nhờ đó muôn vật được tạo thành, đã mặc lấy xác phàm và đến sống trên trái đất của con người”), mở đường cho một cái nhìn thống nhất về công trình cứu độ[14]. Tuy nhiên, trong chương này, một lần nữa, Đức Kitô được nhắc đến trong số áp chót, và xem ra đến kiện toàn hoạt động của con người (vốn đã tự lập) nhờ mầu nhiệm Phục sinh.

  1. Chương IV: Phận vụ của Hội thánh trong thế giới ngày nay

Phần thứ nhất của GS kết thúc với một chương tổng hợp để nhìn lại ý nghĩa của chặng đường đã đi. Cuộc đối thoại giữa Hội thánh và thế giới dựa trên những gì đã nói về con người (GS 40).

Đây là một sự đóng góp quý báu của GS về phương-pháp-luận: nhân luận được đặt làm nền tảng cho mối tương quan giữa Hội thánh với thế giới, và để định hướng cho những vấn đề luân lý sẽ được đề cập trong phần thứ hai.  Không phải vì tình cờ mà thánh Gioan Phaolô đã sử dụng nhân luận như phương pháp cho Giáo huấn của Hội thánh về xã hội, khi cho thấy rằng: “con người là con đường căn bản của Hội thánh” (thông điệp Redemptor hominis 13-14).

Điều này cho thấy tầm quan trọng của cái nhìn nhân-luận của công đồng với những hướng đi có thể khai triển sâu rộng. Tuy nhiên, khi đọc lại một văn kiện của công đồng, cần phải phân biệt điều mà công đồng nhắm đến vào lúc soạn thảo và điều được phát triển tiếp sau đó, để tránh những thứ phóng dọi quá mức những điểm mới mẻ hoặc những giới hạn của nó.

II. Nhân luận của hiến chế Gaudium et spes: nhận xét

Trong số các văn kịên của công đồng Vaticanô II, hiến chế GS  đã gây được chú ý hơn cả  không những về những quan điểm mới mẻ mà còn về phương pháp tiếp cận. Duy có điều là rất ít tác giả chú ý đến các đề tài nhân luận. Hầu hết các quyển chú giải đều nhấn  mạnh đến tương quan giữa Hội thánh với thế giới, về các “dấu chỉ thời đại”, hoặc các vấn đề luân lý trong phần thứ hai. Vì thế cũng ít người tìm hiểu tầm quan trọng của những đóng góp vào nhân luận thần học của văn kiện này[15].

Có lẽ Luigi Sartori giúp cho chúng ta nắm bắt tư tưởng của hiến chế khi đặt trong bối cảnh lịch sử của nó. Theo tác giả này, các chương 1-3 muốn trình bày một nhân sinh quan Kitô giáo để đối thoại với các quan điểm của thời đại về con người:

«Chúng ta có thể đọc ba chương này trong tấm kính của ba trào lưu nhân văn của thời cận đại: trào lưu bắt nguồn từ cách mạng tự do (cách mạng Pháp và các cuộc tranh đấu cho nhân quyền); trào lưu bắt nguồn từ cuộc cách mạng xã hội (các cuộc cách mạng cộng sản, những cuộc tranh đấu cho công bằng xã hội); trào lưu bắt nguồn từ cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật (một hiện tượng phổ quát tuy dù chưa được phát biểu thành ý thức hệ)[16].

Trong bối cảnh đối thoại với ba trào lưu ấy, Sartori đọc lại ba chương đầu để khám phá ra sự tương đồng của nhân-sinh-quan Kitô giáo cũng như những nét độc đáo. Một cách cụ thể, đối thoại với chủ nghĩa tự do, truyền thống Kitô giáo định nghĩa con người như là nhân vị (chương 1: Phẩm giá của nhân vị). Đối lại với quan điểm tập thể, muốn chống lại chủ nghĩa cá nhân bằng cách xoá bỏ cá vị, công đồng nêu bật chiều kích cộng đồng của nhân vị, vừa mở rộng đến sự hiệp thông vừa bảo vệ cá biệt. Sartori cũng nhận xét rằng mặc dù đã có một truyền thống lâu đời, nhưng suy tư thần học trong lãnh vực này vẫn còn nghèo nàn ở chương hai (Cộng đồng nhân loại) so với các chương khác. Sau cùng, đứng trước sự tiến bộ của khoa học và kỹ thuật, công đồng đã nêu bật vị trí độc đáo của con người trong vũ trụ, trình bày lao động như là cộng tác vào công trình tạo dựng  (chương 3 Hoạt động con người trong vũ trụ).

Có lẽ một cách giải thích như vậy làm sáng tỏ ý định của công đồng là muốn đối thoại với các trào lưu tư tưởng của thời đại, nhưng đồng thời cũng cho thấy sự thiếu một bố cục chặt chẽ giữa ba chương này. Việc nối kết ba chiều kích của nhân luận với nhau là nhiệm vụ của thần học.

Sau khi đã phân tích bản văn của công đồng, bây giờ chúng ta hãy rút ra vài nét nổi bật của nhân-luận theo GS.

  1. Nguyên tắc nền tảng: Đức Kitô là chân lý của con người

GS đã đưa ra một quy tắc để định hướng cho nhân luận Kitô giáo, đó là khởi đi từ Đức Kitô: Đức Giêsu Kitô là chân lý về con người. Trước câu hỏi của con người về chính mình, Đức Kitô không chỉ đưa ra câu trả lời nhưng chính Người là câu trả lời. Nhân luận Kitô giáo cần phải khởi đi từ Đức Giêsu và từ mặc khải, chứ không phải từ một định nghĩa triết học về bản tính con người.

Điều này cần được áp dụng không những trên lý thuyết mà cả trong thực hành nữa: “Đức Kitô mang lại cho con người ánh sáng và sức mạnh để đáp ứng sứ mạng cao cả của mình”. Nơi Người, không những là ta có thể hiểu biết mà còn có thể tìm thấy con đường để thể hiện ơn gọi của mình, đến nỗi có thể khẳng định rằng “ai đi theo Đức Giêsu, con người trọn hảo, thì càng nên người hơn” (GS 41).

Sự đóng góp quan trọng nhất của công đồng cho nhân-luận không hệ ở chỗ khai triển vài đề tài cho bằng thiết lập nguyên tắc nền tảng ở số 22: gắn liền nhân-luận với Kitô-luận. “Những chân lý đã nói ở trên đều tìm thấy nguồn gốc và đạt tới đỉnh điểm nơi Đức Kitô”.  Tất cả mọi vấn đề nhân luận cần tìm một tiêu chuẩn nơi Người ngõ hầu đề ra một cái nhìn thực sự là của Kitô giáo.

Nguyên tắc này sẽ mang lại cho môn nhân-luận thần-học một nguyên lý thống nhất, vượt qua sự phân tán các đề tài như trước đây[17]. Tuy nhiên, trên thực tế, sau công đồng, ít sách giáo khoa đi theo hướng này, vì thế không lạ gì mà mỗi tác giả trình bày nội dung một cách khác nhau.

  1. Nội dung: ơn gọi của Thiên Chúa

Một hệ luận từ nguyên tắc vừa nói là lời khẳng định về ơn gọi duy nhất mà Thiên Chúa dành cho hết mọi người. Như vậy là công đồng vượt qua khuôn mẫu phân chia giữa “tự nhiên và siêu nhiên”, để xây dựng một kế hoạch duy nhất của Thiên Chúa.

Trên thực tế, không dễ gì xoá bỏ sự phân chia hai cấp độ “tự nhiên và siêu nhiên”, giữa tạo dựng và cứu chuộc. Một đàng, người ta chưa thiết lập được mối liên hệ giữa Đức Kitô với sự tạo dựng. Khi định nghĩa con người là hình ảnh Thiên Chúa, bản văn chưa quy chiếu về Đức Kitô là hình ảnh Thiên Chúa. Đàng khác, người ta chưa xác định được thế nào là ơn gọi duy nhất về phía Thiên Chúa: phải chăng tất cả mọi người đều được kêu gọi trở thành con Thiên Chúa? Phải chăng Đức Kitô mặc khải Thiên Chúa là Cha thì cũng mặc khải rằng tất cả chúng ta đều là con Thiên Chúa?

  1. Con người: hình ảnh Thiên Chúa

Công đồng đã lấy lại truyền thống Kinh thánh và giáo phụ khi định nghĩa con người là “hình ảnh Thiên Chúa”. Thực vậy, để trả lời câu hỏi “con người là gì?”, công đồng cũng sử dụng nhiều phạm trù cổ điển (tựa như hồn và xác), nhưng câu trả lời dứt khoát hơn cả là hình ảnh Thiên Chúa, để rồi từ đó hướng về Đức Kitô. Nói cho đúng, khi phân tích bản văn, ta thấy sự ngập ngừng của công đồng: đôi khi các bản văn chỉ dừng lại ở ý nghĩa của Cựu ước (GS 12.24.26.29.34.41), và chỉ có hai đoạn hướng về Đức Kitô (GS 10 và 22), trong đó chỉ có một lần áp dụng cho loài người (GS 22d).

  1. Hai mối liên đới: với Đức Kitô và giữa loài người với nhau

Sau cùng, một điểm nữa đáng nêu bật là công đồng nêu bật mối liên đới giữa Đức Kitô với loài người, và giữa loài người với nhau. Tiếc rằng công đồng chỉ mới phác thảo chứ chưa đi sâu vào vấn đề.

Mối liên hệ giữa Đức Kitô với loài người được khẳng định qua những lời sau: “Khi nhập thể, Con Thiên Chúa cách nào đó đã kết hợp với mỗi người”. Tuy nhiên, nói như vậy thì có nguy cơ là chỉ giới hạn mối liên hệ này kể từ lúc nhập thể. Phải chăng trước đó, Đức Kitô chưa có liên hệ với nhân loại? Cảm tưởng này cũng được gợi lên ở cuối chương Hai, khi nói rằng tình liên đới (đã hiện hữu) được kiện toàn nhờ công trình của Đức Kitô (GS 32).

Nhận xét này cũng được áp dụng cho mối liên hệ  “hàng ngang” giữa loài người. Mặc dầu chiều kích xã hội nằm trong yếu tố cấu thành của bản tính con người, nhưng công đồng chưa thiết lập được nền tảng cuối cùng nơi Đức Kitô, từ đó nảy ra tình huynh đệ đại đồng.

  1. Những giới hạn

Khi đọc lại bản văn công đồng, bên cạnh những bài học mà chúng tôi đã ghi nhận, thiết tưởng cũng nên nêu lên vài giới hạn.

a) Vai trò của Đức Kitô

Có lẽ giới hạn đáng kể nhất là chưa làm nổi bật mối liên hệ giữa Đức Kitô với loài người ngay từ lúc khởi nguyên. Việc quy hướng về Đức Kitô xem ra xảy đến sau đó, như cái gì thêm vào từ bên ngoài. Thật ra, công đồng cũng có đả động đến mối liên hệ giữa Đức Kitô với nhân loại ngay từ lúc tạo dựng, nhưng chỉ gợi ý chứ không đi sâu vào vấn đề.

b) Duy trì lược đồ tự nhiên-siêu nhiên

     Nhận xét vừa rồi gây cảm tưởng là sự phân biệt giữa tự-nhiên và siêu-nhiên (giữa tạo dựng và cứu chuộc) vẫn còn được duy trì. Cảm tưởng này càng tăng hơn nữa khi mà các chương của phần thứ nhất đặt Chúa Kitô ở cuối cùng. Điều này có thể được giải thích do chủ ý đối thoại, nghĩa là sự quy chiếu về Đức Kitô được trình bày sau khi đã lắng nghe những lập luận từ phía thế giới. Tuy vậy, hình như nói chung, công đồng chấp nhận rằng thế giới này có một trật tự riêng, tự lập; Đức Kitô đến để kiện toàn và bổ túc cho trật tự ấy mà thôi.

c) Chiều kích Tam vị

     Hiến chế GS bị phê bình là còn thiếu vắng tác động của Thánh Thần. Thực ra, văn kiện có nhắc đến vai trò của Thánh Thần trong lịch sử. Có điều là vào thời ấy, thần học về ân sủng chưa khai triển chiều kích Tam vị trong mầu nhiệm cứu độ[18].

Thiết tưởng cũng có thể nói như vậy đối với tất cả các văn kiện của công đồng, ra đời vào thập niên 60 của thế kỷ trước. Công đồng đánh dấu một giai đoạn chuyển tiếp trong thần học. Các bản văn công đồng mang dấu vết của một sự “thoả hiệp” giữa các khuynh hướng thần học khác nhau, nhằm đạt được một sự “đồng thuận”, thay vì biểu quyết theo đa số (và đè bẹp thiểu số). Ý thức được điều ấy, ta có hiểu được vì sao một đàng văn kiện muốn trình bày một cái nhìn duy nhất về ơn gọi mà Thiên Chúa dành cho nhân loại, đàng khác văn kiện cũng muốn tôn trọng lập trường của những người nhìn nhận một sự tự trị cho trật tự tạo dựng.

Mặt khác, công đồng không phải là một diễn đàn thần học, và các văn kiện công đồng không phải là sách giáo khoa thần học. Ta không thể trông mong tìm thấy nơi các văn kiện công đồng một thiên khảo luận về nhân-luận với bố cục chặt chẽ. Công đồng chỉ vạch ra những hướng đi; các nhà thần học sẽ tiếp tục đào sâu thêm các viễn tượng đã được mở[19].

Hiểu như vậy, nếu ai hỏi: “có một nhân-luận trong hiến chế GS không?” thì có lẽ phải phân biệt: hiến chế đã đưa những câu trả lời cho các vấn đề của con người, chứ không có một khảo luận hệ thống về nhân luận. Ngoài ra thiết tưởng cũng nên thêm rằng hiến chế GS chưa phải là tất cả công đồng Vaticanô II. Giáo huấn của hiến chế này cần được bổ túc với giáo huấn của các văn kiện khác, chẳng hạn như hiến chế Dei verbum về mạc khải, sắc lệnh Ad gentes về truyền giáo, đó là chưa nói đến tuyên ngôn Dignitatis humanae về tự do tín ngưỡng.

Đức thánh cha Gioan Phaolô II, một người đã góp phần vào việc soạn thảo hiến chế GS, sẽ đẩy mạnh hơn nữa những hướng đi mà văn kiện này mở ra, chẳng hạn như trong thông điệp Redemptor hominis, Laborem exercens.

Tóm lại, với những giá trị và giới hạn của mình, GS mở ra một hướng đi, đó là cần đặt Kitô-luận làm nền tảng cho nhân-luận. Đây là một nguyên tắc chỉ đạo. Thần học hậu công đồng cần tiếp tục phần còn lại[20].

_____________________________________

[1] Phóng dịch bài:  “L’antropologia sottesa a Gaudium et spes. Invito alla lettura”, đăng trong tập san Scuola Cattolica  135 (2007) 625-652. Tác giả là một linh mục giáo sư phân khoa thần học Bắc Ý.

[2] L. Ladaria, Introduzione alla antropologia teologica, Piemme, Casale Monferrato 1992, 21-38: 26. Id., «L’uomo alla lu­ce di Cristo nel Vaticano II», in Vaticano II: bilancio e prospettive. Venticinque anni dopo, 1962-1987, Ed. Cittadella, Assisi 1987, 939-951.

[3] X. F.G. Brambilla, «Il concilio Vaticano II e l’antro­pologia teologica», La Scuola Cattolica 114 (1986) 663-676; P. Coda, «L’uomo nel mi­stero di Cristo e della Trinità. L’antropologia della “Gaudium et spes”», Lateranum (1988) 164-194; G. Colzani, «Cristocentrismo e umanesimo cristiano nella “Gaudium et spes”», Rivista del Clero Italiano 75 (1994) 339-354; P. Miccoli, L’antropologia cri­stiana alla luce dei documenti del Concilio Vaticano II, Grafischiena, Fasano di Pu­glia 1972; M. Aparicio Valls, La plenitud del ser humano en Cristo. La Revelación en la «Gaudium et Spes», Pontificia Università Gregoriana, Roma 1997.

[4] G. Colombo, L’ordine cristiano, Glossa, Milano 1993, 14-15.

[5]  L. Ladaria, «L’uomo alla luce di Cristo nel Vaticano II», 939.

[6]  L. Ladaria, «L’uomo alla luce di Cristo nel Vaticano II», 940.

[7] “quodcumque limus exprimebatur Christus cogitabatur homo futurus”, De carnis resurrectione 6. Pl 2,802.

[8] L. LADARIA, Introduzione, 28.

[9]  L. Ladaria, «L’uomo alla luce di Cristo nel Vaticano II», 945.

[10] L. Ladaria, «L’uomo alla luce di Cristo nel Vaticano II», 946.

[11] L. Ladaria, «L’uomo alla luce di Cristo nel Vaticano II», 945.

[12] L. Ladaria, «L’uomo alla luce di Cristo nel Vaticano II», 945.

[13] L. Ladaria, «L’uomo alla luce di Cristo nel Vaticano II», 946.

[14] L. Ladaria, «L’uomo alla luce di Cristo nel Vaticano II», 947.

[15] F.G. BRAMBILLA, “Il Concilio Vaticano II e l’antropologia teologica”,  La Scuola Cattolica 114 (1986) 663-676.

[16]  L. Sartori, La Chiesa nel mondo contemporaneo, 36.

[17] F.G. Brambilla,  Antropologia teologica, Queriniana, Brescia 2005, 101.

[18] P. Coda, «L’uomo nel mistero di Cristo e della Trinità», 165.

[19] L. Ladaria, «L’uomo alla luce di Cristo nel Vaticano II», 951.

[20] Chú thích của người dịch. Sách Tóm lược Học thuyết xã hội của Giáo hội (Compendio della dottrina sociale della Chiesa) do Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hoà bình xuất bản năm 2004, đã dựa trên cấu trúc của GS để phân chia các đề mục trong phần thứ hai, với các đề mục:  gia đình, lao động, kinh tế, cộng đồng chính trị, công đồng quốc tế, bảo vệ môi trường, bảo vệ hoà bình. (Đối chiếu với các chương của phần hai của GS 1. Gia đình. 2. Văn hóa. 3. Kinh tế. 4. Cộng đồng chính trị. 5. Cộng đồng nhân loại và bảo vệ hoà bình). Dù sao, nguyên tắc căn bản của Giáo huấn xã hội là phẩm giá con người, nhìn từ mạc khải Thiên Chúa, cũng như từ triết học. Đây là nội dung của phần thứ nhất của tác phẩm, với trọng tâm là chương ba bàn nhân vị và nhân quyền (số 105-159), dựa theo hiến chế GS.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here