Nhân lễ thánh Catarina Siena: ôn lại chuyện 50 năm về trước

0
1311

Phan Tấn Thành

Lễ thánh Catarina Siena năm nay trùng với một kỷ niệm đặc biệt, đó là 50 năm được phong Tiến sĩ Hội thánh, cùng với thánh Têrêsa Avila. Mặc dù biến cố này diễn ra vào ngày 4 tháng 10, nhưng tôi muốn lợi dụng ngày lễ phụng vụ kính thánh nữ để ôn lại một cuộc “phá rào” trong lịch sử Giáo hội. Bài này gồm 3 phần: 1/ Khái niệm về “Tiến sĩ Hội thánh”. 2/ Việc tặng tước hiệu cho phụ nữ: những vấn nạn và tiến trình nghiên cứu. 3/ Phụ thêm: Những tài liệu về thánh Catarina.

I. Khái niệm về “Tiến sĩ Hội thánh”

Trong tiếng Việt, nói đến “tiến sĩ” là nói đến bằng cấp. Nếu tôi không lầm thì bằng này đã có từ xưa lắm rồi, trước khi mở các trường đại học nữa. Ai đọc lịch sử cũng đều nhớ các cuộc thi để lấy bằng tú tài, cử nhân, tiến sĩ thời xưa. Dĩ nhiên, ai muốn đỗ bằng tiến sĩ thì phải có văn hay chữ tốt, thông kim bác cổ và sẽ được mời ra làm quan ngay. Khi tiếp xúc với văn hoá Tây phương, cha ông chúng ta đã dùng từ tiến sĩ để dịch danh từ docteur, tuy rằng hai từ ngữ không hoàn toàn tương đương với nhau, xét vì một đàng, từ docteur có thể dịch là tiến sĩ hay bác sĩ, đàng khác, bằng docteur gắn với khung cảnh đại học. Thành thực mà nói, ngày nay bằng docteur được cấp như văn bằng cao cấp của đại học, nhưng vào thời Trung cổ, tức là lúc các đại học mới ra đời, thì bằng này chỉ được trao cho ai được bổ làm giáo sư.

A. Doctor: Thầy dạy

Trong tiếng Latinh, từ doctor gắn liền với động từ docere, nghĩa là dạy dỗ. Chính trong khung cảnh này mà chúng ta lồng tước hiệu “Tiến Sĩ Hội Thánh.” Khi tôn phong một vị nào làm “Tiến Sĩ Hội Thánh”, Giáo Hội không có ý tỏ lòng khâm phục tài trí sâu sắc của họ cho bằng nhìn nhận họ đáng làm thầy dạy dỗ Dân Chúa. Dĩ nhiên tất cả các thánh đều đáng làm thầy dạy dỗ chúng ta, xét vì họ nêu gương nhân đức, đáng cho chúng ta bắt chước. Nhưng đối với thánh tiến sĩ, họ còn làm thầy theo nghĩa là họ để lại một học thuyết, một đạo lý qua các tác phẩm của họ. Nói cách khác, họ làm thầy bằng cuộc đời và bằng học thuyết.

B. Lịch sử tước hiệu Doctor Ecclesiae

Từ thế kỷ V, Giáo Hội đã nhìn nhận một vài giám mục hay linh mục làm “thầy” của mình, tuy rằng dưới một danh xưng khác, tức là “Cha của Giáo Hội” (quen dịch là “Giáo phụ”: Patres Ecclesiae). Theo Vincent de Lérins (+k.450), họ là “những người đã luôn luôn dạy dỗ đức tin và trung thành với đức tin; họ đã chết trong niềm trung thành với Đức Kitô, thậm chí có người đã được phúc chết vì Chúa” (Commonitorium). Tác giả đề ra bốn tiêu chuẩn để nhận biết một Giáo phụ: 1/ Thuộc về thời cổ; 2/ Đạo lý chính thống; 3/ Đời sống thánh thiện; 4/ Được Giáo Hội công nhận.

Tước hiệu “Tiến Sĩ Giáo Hội” ra đời muộn hơn. Năm 1295, đức thánh cha Bonifaciô VIII trao tặng tước hiệu này cho 4 Giáo phụ Tây phương rất quen thuộc: Ambrôsiô, Augustinô, Giêrônimô, Grêgôriô Cả. Điều này có nghĩa là từ nay, bên cạnh các thánh Tông đồ, Tử đạo, có thêm một “hàng ngũ” mới trong Phụng vụ, với bài lễ và kinh nguyện riêng. Sau Công đồng Trentô, vào năm 1567, tước hiệu này cũng được đức thánh cha Piô V (OP) trao cho thánhTôma Aquinô, dòng Đa Minh, xét vì ảnh hưởng đạo lý của thánh nhân trong toàn thể Giáo Hội, đặc biệt nơi các văn kiện của Công đồng Trento vừa bế mạc. Bởi vậy, khi xếp thánh Tôma vào hàng “Tiến Sĩ,” xem ra đức Piô V muốn coi vị thánh này ngang hàng với bốn Giáo phụ vừa kể, tuy rằng tước hiệu Giáo phụ chỉ được áp dụng cho các thánh sống trong những thế kỷ đầu của Kitô giáo. Năm 1568, đức thánh cha Piô V cũng trao tặng tước hiệu ấy cho bốn Giáo phụ Đông phương: Basiliô, Grêgôriô Nazianzô, Gioan Kim Khẩu và Athanasiô. Có lẽ ngài không ngờ rằng mình đã mở đường cho một tiến trình tôn phong “Tiến Sĩ Hội Thánh” vẫn còn kéo dài cho đến nay.

C. Điều kiện để được phong tước hiệu “Tiến Sĩ Hội Thánh”

Trên nguyên tắc cần phải có 3 điều kiện[1]:

1) Thứ nhất, sanctitas: phải là một vị đã được phong hiển thánh. Do đó, cho dù là một học giả hết sức nổi tiếng nhưng chỉ mới được phong chân phước, thì chưa thể tiến hành hồ sơ tặng tước hiệu “Tiến Sĩ”.

2) Thứ hai, eminentia doctrinae: vị thánh ấy đã để lại một học thuyết lỗi lạc có ảnh hưởng đến đời sống của Giáo Hội.

3) Thứ ba, cần phải được đức thánh cha hay Công đồng hoàn vũ tuyên bố. Nói khác đi, cần phải có thẩm quyền tối cao của Giáo Hội công bố, chứ không để mặc cho công luận định đoạt. Dĩ nhiên là cộng đồng Dân Chúa có quyền thỉnh nguyện Toà thánh để xin trao tước hiệu “Tiến Sĩ” cho vị thánh nào đó, nhưng thẩm quyền quyết định thì dành cho Toà thánh, qua bộ Phong thánh và bộ Giáo lý Đức tin.

II. Việc tặng tước hiệu Tiến sĩ Hội thánh cho phụ nữ

Trong ba điều kiện vừa nêu, không có ngăn trở nào liên quan đến giới tính. Trên thực tế,  người ta ngầm hiểu rằng còn một điều kiện thứ bốn nữa, đó là không thuộc nữ giới, dựa theo lời của thánh Phaolô: “Mulíeres ín ecclésiis taceant” (Các phụ nữ phải làm thinh trong nhà thờ: 1 Cor. 14, 34), “Mulierí docere non permítto” (Tôi không cho phép phụ nữ giảng dạy: 1 Tm 2, 12).

A. Hồi ký của cha Ballestrero

Từ lâu lắm rồi, nhiều họa sĩ đã vẽ một vài thánh nữ đang viết lách hay ngồi giảng dạy. Đặc biệt là thánh nữ Têrêsa Avila đã được nhiều người đồng hương tặng biệt hiệu là Magistra, và đại học Salamanca trao  bằng “tiến sĩ danh dự” năm 1622[2]. Nhưng mãi đến cuối thể kỷ XIX, nhân dịp kỷ niệm 300 năm ngày thánh nữ tạ thế (1882), phong trào cổ động phong tiến sĩ Hội thánh mới đến gõ cửa Tòa thánh, và hồ sơ chính thức được đệ lên đức thánh cha Piô XI năm 1922 (nhân dịp kỷ niệm 300 năm phong thánh). Đức thánh cha đã trao cho một ủy ban thần học để xét xem việc phong tiến sĩ cho phụ nữ có đi ngược lại lệnh cấm của thánh Phaolô không. Tuy được trả lời là không có gì ngăn trở, nhưng đức thánh cha để dành quyết định cho các vị kế nhiệm. Hồ sơ được cất kỹ trong văn khố đến hơn nửa thế kỷ!

Hồ sơ chỉ được mở lại dưới thời giáo hoàng Gioan XXIII.  Nhân dịp kỷ niệm 25 năm tôn phong tiến sĩ cho thánh Têrêsa, hồng y  Anastasio Ballestrero OCD, nguyên tổng quyền dòng Carmelô Cải tổ, đã kể lại “vài chuyện riêng tư” như sau[3]. Thấy ĐTC hâm mộ đạo lý của thánh nữ, cha đã mạnh dạn đề nghị xin cho ngài được phong tiến sĩ Hội thánh. ĐTC đưa ra vấn nạn của 1Cr 14,34, nhưng đồng thời yêu cầu cha tìm cách nhờ các chuyên viên giải quyết. Tiếc rằng ĐTC Gioan XXIII  đã sớm về chầu Chúa. Đến khi được vị kế nhiệm tiếp kiến, cha Ballestrero lại lặp lại ý định ấy. Sau khi suy nghĩ một thời gian, ĐTC Phaolo VI đồng ý tiếp tục nghiên cứu vấn đề, nhưng yêu cầu tìm thêm một vị nữa để thiên hạ bớt ngỡ ngàng, Cha tổng quyền dòng Cát-minh gợi ý thánh Catarina Siena. Đề nghị này được tán thành, và cha được ủy phải đi liên lạc gấp với cha Aniceto Fernandez để xúc tiến công việc.

B. Tiến trình nghiên cứu

Chúng ta trơ lại với các dữ kiện do cha Valentino Macca cung cấp. Có thể chia tiến trình nghiên cứu việc phong tiến sĩ cho phụ nữ thành bốn bước như sau.

1/ Tham khảo chuyên viên (1965-66).  Tòa thánh giao cho một ủy ban chuyên viên thuộc  bốn dòng khác nhau[4], để nghiên cứu vấn đề: có gì ngăn trở phong tiến sĩ Hội thánh cho các phụ nữ không? Các chuyên viên không những đã trả lời là “Không” mà còn giới thiệu vài “ứng viên” nữa. Các đoạn văn của thánh Phaolô không liên quan đến việc các phụ nữ không được phép giảng dạy trong Giáo hội, nhưng chỉ có tính cách kỷ luật: quy tắc này chỉ nhằm ngăn cản những bà nào không có đặc sủng mà cứ thích lên tiếng làm mất trật tự trong các buổi họp phụng vụ! Những phụ nữ “ứng viên” có thể là thánh Têrêsa Avila, Catarina Siena, Gertrude, Têrêsa Lisieux

2/ Ý kiến của Bộ Lễ nghi[5] (1966-67). Sau khi nhận được ý kiến thuận của các chuyên viên, ngày 17/1/1966, ĐTC yêu cầu bộ xét vấn đề có thể cấp tiến sĩ Hội thánh cho các phụ nữ không. Trong phiên họp ngày 20/12/1967, các thành viên của Bộ đã trả lời là chấp thuận[6]. Trước đó hai tháng (ngày 15/10/1967), nhân buổi tiếp kiến dành cho Đại hội Thế giớiTông đồ giáo dân, ĐTC đã ngỏ ý cho biết ngài ước mong sẽ phong tiến sĩ Hội thánh cho thánh Têrêsa Avila và Catarina Siena.

3/ Lập hồ sơ. Sau khi đã giải quyết được vấn nạn tiên quyết, chặng kế tiếp là nộp “hồ sơ”, giống như các vụ án phong thánh, và cụ thể là hai thánh Têrêsa Avila và Catarina Siena. Theo danh từ chuyên môn của bộ Phong thánh, hồ sơ được gọi là Positio, trong đó trình bày tiểu sử, các tác phẩm, đạo lý nổi bật, ảnh hưởng đối với Giáo hội. Hồ sơ được bổ túc với các thỉnh nguyện của các Hồng y, giám mục, các dòng tu, các đại học, những thành phần khác nhau của Dân Chúa. Như vậy, chúng ta có hai hồ sơ:

a) Têrêsa : Urbis et Orbis. Concessionis tituli Doctoris et extensiones eiusdem tituli ad universam Ecclesiam necnon Officii et Missae  de communi Doctorum Virginum in honorem Teresiae Abulensis  Virginis Ordinis Carmelitarum Discalceatorum Parentis.

b) Catarina: Urbis et Orbis: Concessions tituli Doctoris et extensionis eiusdem tituli ad universam ecclesiam necnon officii et missae de communi doctorum virginum in honorem s. Catharinae Senensis, virginis Tertii Ordinis s. Dominici.[7]

Hồ sơ được nộp cho bộ Phong thánh vào cuối tháng 5 năm 1969

4/ Cuộc họp của Bộ phong thánh

a) Ngày 15/7/1969. Bộ đã họp và, sau khi nghe tường trình của hồng y Arcadio Laraona, đồng thanh bỏ phiếu chấp nhận thánh Têrêsa xứng đáng mang tước hiệu tiến sĩ Hội thánh. Kết quả được đệ lên Đức thánh cha. Sau khi được phê duyệt, Bộ thảo nghị định ngày 21/7/1969

b) Ngày 2/12/1969, Bộ đã họp và, sau khi nghe tường trình của hồng y Michael Browne O.P., đã đồng thanh bỏ phiếu chấp nhận thánh Catarina xứng đáng mang tước hiệu tiến sĩ Hội thánh. Kết qua được đệ lên Đức thánh cha. Sau khi được phê duyện, Bộ tháo nghị định ngày 8/1/1970.

C. Lễ nghi công bố

1/ Thánh Têrêsa Avila

– Lễ nghi công bố diễn ra trong Thánh lễ cử hành tại đền thánh Phêrô, ngày chúa nhật 27/9/1970. Bài giảng bằng tiếng Ý và tiếng Tây ban nha, đăng trong công báo Tòa Thánh: AAS 62 (1970), 590-596. Trong bài giảng, ngoài việc đề cao đạo lý của thánh nữ, Đức thánh cha còn giải thích vấn nạn được nêu lên liên quan đến việc tôn phong Tiến sĩ cho một phụ nữ.

– Tông thư Multiformis sapientia, tuy được ký cùng ngày, nhưng được đăng muộn hơn trên công báo Tòa thánh,  AAS 63 (1971), 185-192, tóm tắt tiểu sử, đạo lý, thủ tục phong tiến sĩ.

2/ Thánh Catarina Siena

– Lễ nghi công bố diễn ra trong Thánh lễ cử hành tại đền thánh Phero một tuần lễ sau, ngày 4/10/1970, nhân lễ thánh Phanxico, đồng bổn mạng nước Ý với thánh nữ. Bài giảng bằng tiếng Ý được đăng trên AAS 62 (1970), 673-678. Tường thuật buổi lễ này được ghi lại trong Analecta Sacri Ordinis Fratrum Praedicatorum vol.39 (1969-1970), trang 587-593[8]. Trong những giám mục dòng hiện diện cho Đức Cha Hoàng Văn Đoàn. (Hình như các nữ tu Đaminh Việt Nam có cử hai đại biểu là  tổng quyền Hội dòng Catarina Tam Hiệp và Thánh Tâm).

– Tông thư Mirabilis in Ecclesia, tuy được ký cùng ngày, nhưng được đăng muộn hơn trên AAS 63 (1971) 674-683, toawsmt tiểu sử và giá trị đạo lý của thánh nữ. Nên lưu ý là thánh Catarina là một giáo dân chứ không phải là tu sĩ.

III. Phụ thêm. Những tài liệu liên quan đến thánh Catarina Siena

1/ Văn kiện giáo hoàng

Ngoài những bài giảng Thánh lễ vào dịp lễ phụng vụ hằng năm hoặc tiếp kiến các phài đoàn, thiết tưởng có hai văn kiện quan trọng sau đây liên quan đến học thuyết của thánh nữ.

– ĐTC Gioan Phaolô II, Tông thư Amantissima Providentia (ban hành vào ngày 29/4/1980, nhân kỷ niệm 600 năm ngày thánh nữ qua đời). Xem bản dịch trên mạng của Trung Tâm Học vấn Đa Minh: https://catechesis.net/thanh-catarina-siena-qua-tong-thu-amantissima-providentia/

– ĐTC Bênêđictô XVI, giới thiệu thánh Catarina trong loạt bài huấn giáo về các thánh tiến sĩ Giáo hội (ngày 24/10/2014). Xem bản dịch trên mạng của Trung Tâm Học vấn Đa Minh: https://catechesis.net/thanh-nu-catarina-siena-tien-si-hoi-thanh/

2/ Thư mục dành cho ai muốn tìm hiểu thêm về thánh nữ Catarina (bằng tiếng Anh) do chaThomas McDermott OP soạn: www.drawnbylove.com

—————————

[1] Các điều kiện cổ điển được đức thánh cha Bênêđictô XIV đã đúc kết trong tác phẩm Doctrina de servorum Dei beatificatione et beatorum canonizatione (1749), Lib.IV, Pars secunda, cap.XI, n.13

[2] Valentino Macca di S. Maria, Il dottorato di santa Têrêsa. Sviluppo storico di una idea, in “Ephemerides Carmeliticae” 21 (1970/1-2) 35-113.

[3] A. Ballestrero, Il Magistero Di Têrêsa Di Gesu, Dottore Della Chiesa , in: “Rivista di Vita Spirituale” XL (1995), pp. 667 – 682.

[4] Đó là các cha Pietro de la Madre di Dio OCD, Alessio Benigr OFM, Carlo Boyer SJ, Alvaro Huerga OP.

[5] Vào năm 1969, bộ Lễ nghi được tách ra hai bộ “Phụng tự và kỷ luật bí tích” và bộ “Phong thánh”.

[6] Sacra Rituum Congregatio. Positio peculiaris. Super dubio: « An titulus et cúltus Doctoris Ecclesiae tribuí possit sanctis Mulieribus, quae sanctitate et eximia doctrina ad commune Ecclesiae bonum magnopere contulerunt». Romae, Typis Pol. Vaticanis, (94 p.)

[7] X. Suzanne Noffke, O.P, Catherine of Siena, Justly Doctor of the Church? in: “Theology Today” 60 (April 2003): 49-62.

[8] Trước đó, vào ngày 29/4/1970, cha Aniceto Fernandez, Bề trên tổng quyền đã gửi một lá thư cho toàn dòng để chuẩn bị cho cơ hội long trọng này. Xem bản dịch trên mạng của Hội dòng Đaminh Tam hiệp: https://daminhtamhiep.net/2014/04/thu-cua-cha-be-tren-ca-dong-da-minh-vao-dip-dgh-phaolo-vi-ton-phong-catarina-len-bac-tien-si/

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here