“Nhà ở trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở trong nhà chúng ta”

0
1377

TĨNH TÂM THƯỢNG HỘI ĐỒNG

Suy niệm 2: “Nhà ở trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở trong nhà chúng ta”. (1/10/2023)

Fr. Timothy Radcliffe OP

Khi đến với Thượng Hội Đồng lần này, chúng ta mang đến những hy vọng trái ngược nhau. Nhưng đây không hẳn là trở ngại không thể vượt qua. Chúng ta được hợp nhất trong niềm hy vọng Thánh Thể, một niềm hy vọng bao trùm và siêu vượt lên trên mọi hy vọng mà chúng ta hướng tới. Tuy nhiên vẫn còn một nguồn khác gây căng thẳng, đó chính là các lối hiểu của chúng ta vốn đôi khi gây xung đột về Giáo Hội xét như một mái nhà.

Mọi sinh vật nếu muốn phát triển đều cần đến một nơi cư ngụ. Cá cần nước, chim cần tổ và chúng ta, nếu không có một mái nhà, chúng ta không thể sống. Mỗi nền văn hóa có lối hiểu khác nhau về mái nhà. Tài Liệu Làm Việc (Istrumentum Laboris) của Thượng Hội Đồng nói rằng: “Vùng Châu Á cho chúng ta hình ảnh về một người trước khi bước qua ngưỡng cửa nhà, phải cởi bỏ giày dép như dấu chỉ nói lên sự khiêm nhường mà nhờ đó, chúng ta chuẩn bị để gặp Chúa và anh chị em mình. Úc châu đưa ra hình ảnh con thuyền, và Phi châu gợi lên hình ảnh Giáo Hội như là gia đình của Thiên Chúa nơi có thể cho các thành viên một cảm thức thuộc về và chào đón họ trong sự đa dạng của họ (B.12). Tất cả những hình ảnh này cho thấy chúng ta cần một nơi mà ở đó, chúng ta vừa được đón nhận nhưng vừa bị thách thức. Khi ở dưới một mái nhà, chúng ta được là mình nhất và được mời gọi là mình hơn nữa. Mái nhà là nơi chúng ta được nhận biết, được yêu thương và cảm thấy an toàn. Tuy nhiên, sống dưới mái nhà còn thách thức chúng ta lên đường cho một cuộc phiêu lưu trong đức tin.

Chúng ta cần đổi mới để Giáo Hội trở nên mái nhà chung cho chúng ta nếu chúng ta muốn nói về một thế giới đang trải qua cơn khủng hoảng về tình trạng không nhà không cửa. Chúng ta đang tàn phá hành tinh bé nhỏ của mình. Hiện nay có hơn 350 triệu người đang tìm cách di cư, chạy trốn vì chiến tranh và bạo lực. Hàng ngàn người đã chết khi vượt biển chỉ mong tìm một mái nhà để cư ngụ. Không ai trong chúng ta có thể thực sự ở nhà trừ khi những người đó tìm được một nơi cư ngụ. Ngay tại các nước phát triển, vẫn có hàng triệu người đang ngủ ngoài đường. Những người trẻ thường gặp khó khăn khi phải mua cho mình một ngôi nhà. Ở khắp mọi nơi, vẫn có một thứ vô gia cư về tinh thần thật đáng sợ. Chủ nghĩa cá nhân cực đoan, sự đổ vỡ trong gia đình, sự bất bình đẳng ngày càng gia tăng cho thấy có một cơn sóng thần cô đơn đang tác động lên chúng ta. Các cuộc tự tử ngày càng gia tăng vì, nếu thiếu một mái nhà, theo nghĩa vật chất lẫn tinh thần, người ta không thể sống được. Yêu thương có nghĩa là về nhà với ai đó.

Vậy thì biến cố Biến Hình dạy chúng ta điều gì về mái nhà chung, hiểu là nơi Giáo Hội và nơi một thế giới đang bị tước đoạt này?

Trên núi Biến Hình, Đức Giêsu mời gọi những người bạn thân tín nhất đến và chia sẻ giây phút thân mật với Người. Chính các ông rồi sẽ cùng ở với Người trong vườn Ghếtsêmanê. Chính khi được ở trong vòng thân mật này với Đức Giêsu, các môn đệ cảm thấy mình được ở nhà đúng nghĩa nhất. Ở trên núi, Chúa đã cho các ông thấy viễn cảnh vinh quang và Phêrô, vì muốn giữ mãi khoảnh khắc này, nên đã thốt lên: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Môsê, và một cho ông Êlia”. Phêrô đã tới một nơi mà chỉ muốn giữ mãi giây phút thân mật.

Nhưng rồi các môn đệ nghe thấy tiếng Chúa Cha. “Hãy vâng nghe lời Người”. Thế là họ phải xuống núi để tiếp tục lội bộ lên Giêrusalem mà không biết điều gì đang chờ đợi họ ở phía trước. Rồi đây các ông sẽ bị phân tán và được sai đến tận cùng trái đất làm chứng cho Vương Quốc, là mái nhà đích thực của chúng ta. Lúc này, chúng ta thấy được hai cách hiểu về mái nhà: Mái nhà là vòng tròn bên trong thân mật với Đức Giêsu khi ở trên núi và mái nhà là lời mời gọi tiến về Vương Quốc, ngôi nhà đích thực mà tất cả chúng ta sẽ thuộc về.

Tuy nhiên, những cách hiểu na ná về Giáo Hội như mái nhà chung đang phân rẽ chúng ta ngày hôm nay. Đối với một số người, mái nhà này được xác định nhờ truyền thống và lòng sùng kính cổ xưa, với các cấu trúc và ngôn ngữ cổ. Mái nhà Giáo Hội là nơi chúng ta lớn lên và yêu mến. Nó cho chúng ta một căn tính Kitô giáo rõ ràng. Nhưng đối với những người khác, Giáo Hội hiện tại dường như không còn là một mái nhà an toàn nữa. Nơi đó có sự chuyên quyền, đẩy ra bên lề nhiều người, nhiều phụ nữ, chẳng hạn chuyện ly dị và tái hôn. Đối với một số người nữa thì Giáo Hội quá Tây phương, nặng tính Âu châu. Tài Liệu Làm Việc (Instrumentum laboris) của Thượng Hội Đồng cũng đề cập đến người đồng tính và người sống hôn nhân đa thê mà trong đó, họ khát mong một Giáo Hội được đổi mới để họ cảm thấy mình được thật sự ở nhà, được nhìn nhận, được khẳng định và an toàn.

Đối với một số người, ý tưởng đón nhận tất cả, trong đó mọi người đều được chấp nhận bất kể họ là ai, bị coi là làm phá huỷ căn tính của Giáo Hội. Một bài hát tiếng Anh ở thế kỷ 19 có những ca từ: “Nếu mọi người đều là ai đó thì không ai là ai cả[1]”. Người ta tin rằng muốn có căn tính thì phải vạch ra ranh giới. Tuy nhiên, đối với những người khác, căn tính cốt lõi của Giáo Hội nằm ở sự cởi mở. Đức Thánh Cha Phanxicô nói, “Giáo Hội được mời gọi trở thành ngôi nhà của Chúa Cha, với những cánh cửa luôn rộng mở… nơi dành cho tất cả mọi người với tất cả các vấn đề của họ và hướng tới những người cảm thấy mình cần một lần nữa tiếp tục hành trình đức tin”[2].

Sự căng thẳng này luôn là tâm điểm đức tin của chúng ta kể từ khi Ápraham nghe tiếng Chúa gọi rời bỏ thành Ur. Cựu Ước có hai vấn đề luôn căng thẳng: Đó là ý tưởng về một dân được Chúa chọn và có Chúa ở cùng. Đây là một căn tính được trân trọng. Tuy nhiên, vẫn có đó ý tưởng chưa được khám phá về một căn tính phổ phát, rộng mở cho mọi dân tộc.

Căn tính Kitô giáo gồm cả đã biết và chưa biết, vừa được trao ban nhưng cũng là thứ cần phải đi tìm. Thánh Gioan nói: “Anh em thân mến, hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa; nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Đức Kitô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy. (1Ga 3,1-2). Chúng ta vừa biết mình là ai nhưng đồng thời lại chưa biết con người chúng ta sẽ trở thành.

Đối với một số người, căn tính Kitô giáo trên hết là thứ đã được trao ban, đó chính là Giáo Hội mà chúng ta biết và yêu mến. Đối với những người khác, căn tính Kitô giáo luôn có tính tạm thời, nó nằm ở phía trước, khi chúng ta tiến về Vương Quốc, nơi mà mọi bức tường sẽ bị phá đổ. Cả hai ý tưởng này đều cần thiết! Nếu chúng ta nhấn mạnh đến căn tính đã được trao ban: Công giáo là như thế này! thì chúng ta có nguy cơ biến nó thành một giáo phái. Nếu chúng ta chỉ nhấn mạnh đến cuộc phiêu lưu hướng đi tìm một căn tính vẫn chưa được khám phá thì chúng ta có nguy cơ trở thành một phong trào mơ hồ mang tên Giêsu. Tuy nhiên, Giáo Hội là dấu chỉ và bí tích cho sự hiệp nhất của toàn nhân loại trong Chúa Kitô (LG. 1) bao gồm cả hai ý tưởng đó. Chúng ta lên núi để nếm trải vinh quang nhưng chúng ta cũng phải tiến lên Giêrusalem, nơi có Thượng Hội Đồng đầu tiên của Giáo Hội.

Làm sao chúng ta có thể sống được sự căng thẳng cần thiết này? Mọi thần học đều bắt nguồn từ sự căng thẳng như người ta giương cung để mũi tên được bắn ra. Sự căng thẳng này nằm ở trọng tâm của Tin Mừng Gioan. Thiên Chúa đến và cư ngự trong chúng ta: “Ai yêu mến Thầy thì giữ lời Thầy, Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, chúng ta sẽ đến và ở với người ấy” (14:23) Nhưng Chúa Giêsu cũng hứa, mái nhà của chúng ta nằm ở nơi Thiên Chúa: “Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em.” (Ga 14,2).

Khi chúng ta nghĩ Giáo hội là một mái nhà, một số người trong chúng ta chủ yếu nghĩ, Thiên Chúa đến cư ngụ nơi mái nhà là chính chúng ta, và những người khác nghĩ, trở về nhà là về với Thiên Chúa. Cả hai ý tưởng này đều đúng. Chúng ta phải nới rộng căn lều cảm thông của mình tới những người có suy nghĩ khác biệt. Chúng ta quý trọng vòng tròn thân mật trên núi, nhưng chúng ta cũng phải đi xuống và tiến lên Giêrusalem như những kẻ lang thang và không có nơi cư ngụ. “Hãy vâng nghe Lời Người”.

Vậy nên trước tiên, Thiên Chúa đến và ở trong chúng ta. Ngôi Lời đã trở nên người phàm trong một người Do Thái ở Palestine đầu thế kỷ thứ nhất, được nuôi dưỡng theo phong tục và truyền thống của dân tộc mình. Ngôi Lời trở nên xác phàm trong mỗi nền văn hóa của chúng ta. Trong những bức tranh Truyền tin của Ý, chúng ta thấy những ngôi nhà xinh xắn bằng đá cẩm thạch, có cửa sổ mở ra, có những cây ô liu, những khóm hồng, khóm huệ. Một hoạ sĩ người Hà Lan vẽ Đức Maria bên cạnh chiếc lò sưởi xinh đẹp, ấm áp để vượt qua cái lạnh. Dù mái nhà của chúng ta có như thế nào đi nữa thì Thiên Chúa vẫn có thể đến và ở lại. Trong ba mươi năm thầm lặng, Thiên Chúa đã đến và ở tại Nadaret. Đó là một nơi tầm thường khiến Nathanaen thốt lên cách khinh miệt: “Từ Nadaret thì có cái gì hay” (Ga 1,46). Philípphê chỉ trả lời: “Hãy đến mà xem.”

Mọi mái nhà của chúng ta là Nadaret. Đó là nơi có Thiên Chúa hiện diện. Thánh Charles de Foucauld nói: “Hãy để cuộc sống ở Nadaret làm hình mẫu cho bạn, trong tất cả sự đơn giản và rộng lớn của nó…Cuộc sống ở Nadaret có thể được sống ở bất cứ đâu. Hãy sống cuộc sống đó ở bất cứ đâu nơi bạn hữu ích nhất cho người lân cận.[3]” Dù chúng ta ở đâu và bất cứ điều gì chúng ta đã làm, Thiên Chúa vẫn đến và cư ngụ nơi chúng ta: “Này Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta”. (Kh 3,20).

Vậy chúng ta hãy quý trọng những nơi chúng ta đã gặp Đấng Emmanuel, là “Thiên Chúa-ở-cùng-chúng-ta”. Chúng ta yêu thích phụng vụ vì trong đó chúng ta thoáng thấy vẻ đẹp thần linh, chúng ta yêu thích ngôi nhà thờ gắn bó thời thơ ấu. chúng ta thích lòng sùng kính bình dân. Tôi rất yêu thích nguyện đường Benedictine Abbey vĩ đại của trường tôi, đó là nơi lần đầu tiên tôi cảm nhận như thể cánh cửa thiên đường mở ra. Mỗi người trong chúng ta đều có ngọn núi Tabor của riêng mình, nơi đó, chúng ta thoáng thấy vinh quang Thiên Chúa. Chúng ta cần tất cả những điều này. Vì vậy, khi phụng vụ bị thay đổi hoặc nhà thờ bị phá hủy, người ta cảm thấy đau đớn vô cùng như thể ngôi nhà của họ trong Giáo Hội bị phá hủy. Như Phêrô, chúng ta luôn muốn lưu giữ giây phút thân mật.

Mỗi Giáo Hội địa phương là một mái nhà dành cho Thiên Chúa. Đức Mẹ đã hiện ra tại Walsinham thuộc nước Anh, tại các nguyện đường vĩ đại thời Trung cổ, ở Lộ Đức, ở Guadalupe thuộc Mêxicô, Czestochovwa thuộc Ba Lan, La Vang thuộc Việt Nam và Donglu (Thừa Đức) thuộc Trung Quốc. Chẳng có cuộc cạnh tranh nào cho nơi Đức Mẹ hiện ra cả. Ở Anh, chúng tôi nói: “Tin Mừng là Chúa yêu bạn, còn tin buồn là Chúa cũng yêu thương mọi người khác”. Thánh Augustinô nói rằng: “Thiên Chúa yêu thương mỗi người chúng ta như thể chỉ có một người”[4]. Tại Vương cung thánh đường Đức Bà Phi Châu ở Angeria, có dòng chữ: “Priez pour nous et pour les Musulmans” ‘Cầu cho chúng con và cho những người Hồi giáo”.

Thông thường các linh mục nhận thấy con đường Thượng Hội Đồng thật khó để đón nhận. Các giáo sĩ chúng tôi thường là những người coi sóc các nơi thờ phượng và cử hành phụng vụ tại đó. Các linh mục cần có một ý thức mạnh mẽ về căn tính, một esprit de corp – tinh thần đồng đội. Nhưng các giáo sĩ sẽ là ai trong một Giáo Hội không còn tính giáo sĩ? Làm thế nào hàng giáo sĩ có thể đón nhận một căn tính nào khác không mang tính giáo sĩ? Đây là một thách thức lớn đối với việc đổi mới Giáo Hội. Chúng ta hãy đón nhận không sợ hãi một sự hiểu biết mới mang tính huynh đệ về chức linh mục thừa tác! Có thể chúng ta sẽ dần nhận ra, việc đánh mất căn tính này lại là một phần nằm trong căn tính đã có của linh mục. Ơn gọi giáo sĩ là một ơn gọi vượt lên trên mọi căn tính, vì “chúng ta là ai bây giờ vẫn chưa được bày tỏ”. (1Ga 3,2).

Ngày hôm nay, Chúa đến cư ngụ tại những nơi mà thế giới coi thường. Một người anh em Đa Minh chúng tôi tên là Frei Betto mô tả việc làm sao Thiên Chúa đến ở tại một nhà tù ở Brazil. Có một số tu sĩ Đa Minh bị nhốt tù vì phản đối chế độ độc tài (1964-1985). Anh Betto viết: “Vào ngày Giáng sinh, ngày lễ Chúa đến và ở lại, chúng tôi tràn ngập niềm vui. Đêm Giáng sinh trong tù… Cả nhà tù ca hát như thể bài hát đó dành cho chúng tôi, hạnh phúc và tự do, lời hát phải vang lên khắp thế giới. Những nữ tù nhân cất tiếng hát và chúng tôi vỗ tay… Mọi người ở đây đều biết rằng Giáng sinh là như vậy, có ai đó đang được tái sinh. Và với các bài hát, chúng tôi chứng thực rằng chúng tôi cũng đã được tái sinh để đấu tranh cho một thế giới không còn khóc than, không còn hận thù hay áp bức. Thật là tuyệt vời khi nhìn thấy những người trẻ áp mặt sát vào song sắt để cất lên tiếng hát của tình yêu. Đó là kỉ niệm không bao giờ quên được. Đó không phải là cảnh tượng dành cho các thẩm phán, công tố viên hoặc cảnh sát đã bắt giữ chúng tôi. Họ coi vẻ đẹp của đêm nay không thể chấp nhận được. Những kẻ đàn áp sợ một nụ cười, thậm chí cả một nụ cười yếu ớt.”

Vậy khi chúng ta thoáng thấy vẻ đẹp của Chúa nơi núi Tabor, nơi mà, giống như Phêrô, chúng ta muốn dựng lều của mình. Điều đó thật tốt, tuy nhiên “Hãy vâng nghe lời Người”. Chúng ta tận hưởng khoảnh khắc đó nhưng rồi phải xuống và tiếp tục lội bộ đến Giêrusalem. Theo một nghĩa nào đó, chúng ta phải trở thành người vô gia cư. “Con cáo có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Lc 9,58). Các môn đệ đi bộ lên Giêrusalem, thành thánh nơi Danh Chúa ngự trị, nhưng Chúa Giêsu thì lại chết bên ngoài tường thành vì lợi ích của tất cả những người sống bên ngoài tường thành, như Thiên Chúa đã tỏ mình ra cho dân Người nơi sa mạc và bên ngoài trại. James Alison viết: “Chúa ở giữa chúng ta như một người bị loại ra ngoài”[5]. “Vì thế, Chúa Giêsu đã chịu khổ hình ngoài cửa thành, lấy máu mình mà thánh hoá toàn dân. Vậy ta hãy ra khỏi trại mà đến với Người, cam lòng gánh vác nỗi khổ nhục Người đã chịu.” (Hr 12,12)

Đức Tổng Giám mục Carlos Aspiroz da Costa OP đã viết cho Gia đình Đa Minh khi ngài còn là Tổng Quyền: “Ở ngoài trại” là ở giữa “những người” bị gạt ra bên ngoài. Chính nơi đây chúng ta gặp được Thiên Chúa. Lữ hành đòi chúng ta phải từ bỏ mọi thể chế, đòi chúng ta phải ra khỏi những nhận thức, những niềm tin đóng gói do một nền văn hoá nào đó, vì chính khi “ở ngoài trại”, chúng ta gặp gỡ được Thiên Chúa là Đấng vượt mọi kiểm soát. “Ở ngoài trại” chúng ta gặp gỡ được Người khác, và nhận ra chúng ta là ai và chúng ta phải làm gì.[6]” Chính khi đi ra ngoài mà chúng ta tìm đến một mái nhà mà trong đó “không còn chuyện phân biệt Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô. (Gl 3,26).

Vào những năm 1980, khi suy ngẫm về phản ứng của Giáo Hội đối với bệnh Siđa, tôi đã đến thăm một bệnh viện ở London. Người tư vấn nói với tôi rằng có một thanh niên xin gặp một linh mục tên là Timothy. Nhờ Chúa quan phòng, tôi xoay sở để xức dầu cho anh ta ngay trước khi anh qua đời. Anh ấy yêu cầu được cử hành thánh lễ tại nhà thờ chính toà Westminster, một trung tâm của Công giáo tại Anh. Lễ hôm đó, xung quanh anh gồm những người đi lễ hằng ngày, những người mắc bệnh Siđa, y tá, bác sĩ và những người bạn đồng tính của anh. Anh từng là người phải ở bên ngoài, vì bệnh tật, vì xu hướng tính dục của anh, nhưng giờ đây anh chết và được nằm ở trung tâm. Anh được vây quanh bởi những người mà Giáo Hội một thời đã là nhà của họ và những người mà bình thường chẳng bao giờ đến nhà thờ.

Cuộc sống của chúng ta được nuôi dưỡng bởi những truyền thống và lòng sùng kính đáng quý trọng. Nếu chúng mất đi, chúng ta đau đớn. Nhưng chúng ta cũng phải nhớ đến tất cả những người chưa từng cảm thấy Giáo Hội là một mái nhà. Đó là những người phụ nữ thấy họ không được công nhận trong chế độ phụ hệ của những ông già da trắng như tôi!; những người cảm thấy rằng Giáo hội quá Tây phương, quá Latinh, quá thuộc địa. Chúng ta phải tiến tới một Giáo Hội trong đó họ không còn ở bên lề mà là ở trung tâm.

Khi Thomas Merton trở thành người Công giáo, ông đã khám phá ra “Thiên Chúa, Đấng mà trở thành trung tâm ở bất cứ đâu, bất cứ hoàn cảnh nào và không bị chu vi nào giới hạn, đang tìm thấy tôi”. Vì vậy, canh tân Giáo Hội cũng giống như nhào bột làm bánh mì. Người ta kéo các góc cạnh của nắm bột vào giữa và đẩy phần giữa ra bên lề để mọi chỗ được lấp đầy oxy. Người ta làm ra ổ bánh bằng cách phá đi sự phân biệt giữa các góc cạnh và trung tâm, để cho ổ bánh của Thiên Chúa, để trung tâm của Người hiện diện khắp mọi nơi. Người là Đấng có chu vi không ở đâu cả và đang tìm đến chúng ta.

Tôi còn một ý tưởng cuối cùng rất gắn gọn. Nhiều lần trong quá trình chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng này, người ta đặt ra câu hỏi: “Làm sao chúng ta có thể yên thân trong ngôi nhà Giáo Hội với đầy các bê bối khủng khiếp về lạm dụng tình dục?”. Đối với nhiều người, đây là giọt nước tràn ly. Họ đã thu dọn hành lý và ra đi. Tôi đặt câu hỏi này trong một cuộc họp của các hiệu trưởng Công giáo ở Úc, nơi mà Giáo Hội đã bị biến dạng khủng khiếp bởi vụ bê bối này. Họ đã ở lại như thế nào? Làm sao họ vẫn còn có thể ở nhà?

Một người trả lời bằng cách trích dẫn Carlo Carretto (1910 – 1988), Tu sĩ dòng Tiểu đệ của thánh Charles de Foucauld. Những gì Carretto nói trong đó đã tóm tắt tính mơ hồ của Giáo Hội: vừa là nhà, vừa không phải là nhà của tôi, vừa biểu lộ và vừa che giấu Thiên Chúa.

“Nào tôi đã chẳng chỉ trích người quá nhiều sao, ôi Giáo hội của tôi, dẫu vậy, tôi rất đỗi yêu người! Người làm tôi bị tổn thương hơn bất kỳ ai, nhưng tôi lại mắc nợ người nhiều hơn ai hết. Dẫu muốn thấy người sụp đổ, nhưng tôi lại rất cần sự hiện diện của người. Người mang đến cho tôi biết bao tai tiếng, nhưng chỉ một mình người mới giúp tôi thấy rõ sự thánh thiện của người…Biết bao lần tôi muốn đóng sập cánh cửa tâm hồn trước mặt người – nhưng, mỗi đêm tôi vẫn cứ nguyện xin được từ giã cõi đời trong vòng tay vững chãi của người! Tôi không thể sống xa người, bởi đã nên một với người rồi, cả khi người không còn là mình nữa. Bởi thế, tôi chạy đi đâu đây? Lập nên một Giáo hội khác chăng? Nhưng tôi không thể thiết lập một Giáo hội vắng bóng những khuyết điểm như thế, vì đó cũng là những khuyết điểm của chính tôi.”[7]

Ở cuối Tin Mừng Mátthêu, Đức Giêsu nói: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Nếu Chúa ở lại, làm sao chúng ta ra đi được? Thiên Chúa đã ở lại mãi mãi trong chúng ta với tất cả những hạn chế và tai tiếng. Thiên Chúa vẫn ở trong Giáo Hội của chúng ta bất chấp mọi lũng đoạn và lạm dụng. Do đó chúng ta phải ở lại. Thiên Chúa ở với chúng ta để dẫn chúng ta vào những không gian rộng mở hơn của Vương Quốc. Chúng ta cần Giáo Hội là mái nhà hiện tại của chúng ta với tất cả những yếu đuối của nó, nhưng cũng cần hít thở luồng oxy đầy tràn Thánh Thần của mái nhà tương lai không biên giới của chúng ta.

Chuyển ngữ: Tôma Trần Hiệu O.P

Hiệu đính: Giuse Nguyễn Cao Luật O.P

 —————————–

[1] W. S. Gilbert, The Gondoliers, 1889

[2] Evangelii Gaudium para 47.

[3] Cathy Wright LSJ St Charles de Foucauld: His Life and Spirituality, p.111

[4] Confessions. Book 3

[5] Knowing Jesus p.71

[6] Letter to the Order on Itinerancy (Bản tiếng Việt trong “Can đảm hướng tới tương lai”, Học viện Đa Minh 2016. Tr 707)

[7] Timothy Radciffe OP. Alive in God, Bản tiếng Việt: “Sống sinh động và dồi dào trong Thiên Chúa”. Học viện Đa Minh 2022, Tr. 263-264.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here