Một Vài Nét Đặc Trưng Về Khuôn Mặt Đức Kitô Theo Công Đồng Vatican II

0
1050


Lm Giuse Nguyễn Văn Am, SDB.

 

Chúng ta thường nghe nói Vatican II là công đồng nói về Giáo hội. Điều đó mới đúng một nửa mà thôi. Dù rằng Giáo hội hầu như có mặt trong mọi trang của các văn kiện Vatican II, cũng như là chủ đề tranh cãi nóng bỏng trong Vatican II thì tầng sâu nhất lại không phải là Giáo hội. Công đồng ấy nhắm đến Thiên Chúa trong Đức Kitô từ khởi đầu cho đến kết thúc.[1] Ở dưới tất cả là một Đức Kitô sống động, Đấng mặc khải, Đấng hoàn thành lịch sử, là alpha và omega của toàn vũ hoàn. Cũng chính Đức Kitô sinh động đời sống tín hữu, làm cho đức tin của họ xen nhập vào cuộc sống hằng ngày. Chính Người cho họ một tầm nhìn mới về đời sống, cá nhân và cộng đoàn. Và nếu không gặp được Người, danh xưng Kitô hữu chỉ là cái vỏ bề ngoài và sẽ bị quăng ra ngoài. Chính Đức Phaolô VI đã xác minh cung giọng này khi nói: “Trong những ngày này, không một ánh sáng nào chiếu sáng trên chúng ta mà không phải là Đức Kitô, ánh sáng thế gian. Không một chân lý nào khuấy động lòng trí chúng ta mà không phải là Lời của Đức Kitô, Thày dạy duy nhất của chúng ta. Không một khát vọng nào hướng dẫn chúng ta ngoài khát vọng là tuyệt đối trung thành với Đức Kitô”.[2]

Bài viết này tôi muốn đề cập đến một vẻ nào đó trong diện mạo của Đức Kitô, như được Vatican II trình bày. Tôi muốn thấy Đức Giêsu Kitô vẫn mặc khải đằng sau những dáng vẻ xem ra thất bại của Giáo hội trước những nhu cầu thời đại. Rồi tôi thử nhìn vào Đức Kitô nhập thể của Vatican II để có thể bàn đến nét đặc sắc của Vatican II khi trình bày vai trò quyết định của Người trong lịch sử. Qua lối tiếp cận mục vụ mới mẻ, Vatican II  đề xướng một lối nhìn Kitô học hôm nay trong hiện tình chúng ta.

I. ĐỨC KITÔ VỪA XA VỪA GẦN

Trước Vatican II, Đức Kitô luôn là vấn nạn lớn. Dưới ảnh hưởng của Luther, Đức Kitô được nhìn dưới góc cạnh mang dáng dấp “dụng ích”: Đức Kitô cho chúng ta. Chiều hướng thần học đó chi phối Bultmann đến nỗi ông bắt đầu tìm cách để khử huyền thoại về Đức Kitô, hầu chắt lọc ra được sự tinh ròng của con người Giêsu mà thôi. Với ông, người ta bắt đầu nói đến một Đức Kitô của niềm tin và một Đức Giêsu của lịch sử. Suy tư đã chia tách ra làm hai dường như không thể dung hòa. Dường như niềm tin đã làm cho diện mạo lịch sử của Đức Giêsu biến dạng, không còn gần gũi con người nữa. Các Kitô hữu sơ khai đã tô bóng Đức Kitô phục sinh.

Cùng lúc đó, bối cảnh của Vatican II, thập niên 1960, là bối cảnh của triết học hiện sinh và Marxism ngự trị. Dòng tư tưởng hiện sinh đặt mọi vấn đề đều liên quan đến con người. Con người là trên hết, vì “hiện hữu đi trước yếu tính” (J.P.Sartre). Dòng tư tưởng Marxit với hướng chiều qui nhân hẹp hòi mang đến một ơn cứu độ hoàn toàn có tính trần tục. Cả hai đều muốn nói rằng Thiên Chúa không cần thiết, chỉ con người mới đáng kể, là trung tâm và qui chiếu của mọi sự. Cả hai đều được mệnh danh là chủ thuyết nhân bản. Tuy thế, ẩn dưới vẫn là một chiều hướng “duy ích” nhìn về tôn giáo: tôn giáo làm gì cho tôi, Thiên Chúa có ích gì cho tôi; điều đó mới đáng kể. Quả có khác chi là một biến chứng của định hướng làm thần học của Luther mà ta đã nói ở trên. Đức Kitô có ý nghĩa cho cuộc đời tôi, cho phận người, đấy mới là điều quan trọng. Mà như thế, con người, chứ không phải Thiên Chúa, chiếm chỗ trung tâm! Trước bối cảnh đó, Vatican II đón chào những băn khoăn thâm sâu của con người, suy đi nghĩ lại chúng hầu tìm được một khoa biện giáo về ý nghĩa đời sống (the apologetic of meaning) nhưng lại không được đánh mất căn tính đích thực của Kitô học đã được 20 thế kỷ của Giáo hội sống và công bố.

Như thế, xem ra đặt Vatican II vào lại bối cảnh văn hóa đương thời cho ta nhiều thú vị. Thiên Chúa vừa xa vừa gần,[3] hay nói văn chương theo hình ảnh được Trịnh công Sơn sử dụng: Mặt trời lấp lánh trên cao vừa xa vừa gần.[4] Mặt trời xa muôn dặm, nhưng sức nóng và ánh sáng của nó thấm nhập mọi địa tầng vũ trụ, trong mọi lá cành, hoa quả. Trên vũ trụ thiêng liêng, Đức Kitô, mặt trời công chính, soi thấu mọi ngóc ngách tâm hồn và hoạt động chúng ta, cá nhân và tập thể, nhưng ta lại thấy xa lạ. Cho đến khi vũ trụ thiêng liêng của chúng ta nên đông lạnh, chúng ta mới bừng tỉnh về tính cách độc nhất vô nhị tuyệt đối của Người. Quả thế, chính ngay lúc con người đắc thắng hô lên, “chúng ta đã giết chết Đức Chúa” (Hegel, Nietzsche), cũng như xua đuổi Ngài khỏi đất nhân sinh thì nhân loại vẫn phải chân nhận, Thiên Chúa là vẻ đẹp thật cũ nhưng cũng lại thật mới, và thảm thương thay, con người yêu Chúa quá muộn màng. (Augustine) Thật vậy, “những tàn bạo của thế kỷ 20 minh chứng điều có thể xẩy ra nhân danh tiến bộ và phát triển là cố tình loại bỏ bất kỳ sự quy chiếu nào tới Thiên Chúa và đặt mình chống lại Giáo hội.” Không ít người thời đại hôm nay muốn đẩy Chúa Giêsu trở thành kẻ lang thang, không nơi trú ngụ. Thế nhưng lại một lần nữa “phiến đá mà những người thợ xây loại bỏ đã trở thành viên đá góc tường, đó là kỳ công của Thiên Chúa” (sứ điệp lễ Phục sinh) Thật vậy, sự Khôn ngoan của Thiên Chúa “vẫn đùa vui với con cái loài người” (Cn 8:31), và công trình xây dựng thế giới của con người sẽ chỉ nên giá trị dựa vào viên đá góc tường là chính Đức Kitô mà thôi.[5]

Tuy nhiên, không chỉ những người vô tín mới đẩy Đức Kitô ra ngoài. Chính Vatican II cảnh giác rằng các tín hữu chịu trách nhiệm không nhỏ trước hiện tượng vô thần.[6] Tại sao? Các tín hữu tỏ lộ một sự lạnh nhạt hay đông cứng thiêng liêng khiến con người hôm nay thấy rằng Thiên Chúa không cần thiết. Chính sự dốt nát về đức tin so với sự minh mẫn trong khoa học đã góp phần tạo nên cơn lốc vô thần dửng dưng và lý thuyết. Nhiều Kitô hữu trình bày một đời sống theo tâm thức linh thánh và tôn giáo chung chung hơn là một đời sống có Đức Kitô là trung tâm và cùng đích tối hậu. Nếu thế, có lẽ chẳng quá khi khẳng định: giới trẻ đang xa lánh Giáo hội là hiện tượng có thật. Biết đâu, trước sự thật ấy, có lẽ ta phải đấm ngực để nhìn nhận một sự kiện khác là không ít thừa tác viên Giáo hội không nuôi họ bằng lương thực giàu chất dinh dưỡng, chưa cống hiến cho họ được một kinh nghiệm thật sự về  Thiên Chúa nhân từ. Biết đâu thừa tác viên linh mục chúng ta chưa tạo được một bầu khí thinh lặng tôn thờ mênh mang như kinh nghiệm đại hội giới trẻ ở Cologne, Đức (2005), Sydney, Úc (2008), Madrid, Tây Ban Nha (2011). Biết đâu những cử hành phụng vụ vô hồn khiến nhiều người cảm thấy ớn cầu nguyện. Có thể chăng Thánh kinh chưa phải là linh hồn của những bài giảng; thay vào đó lại đậm chất câu truyện khôi hài, văn vẻ hay chiều theo thị hiếu.[7] Tệ hơn nữa, đôi khi có những lời mắng chửi hoặc gay gắt hoặc chua cay, thóa mạ. Tất cả những điều đó cho thấy những chân lý thiết yếu trong mục vụ có thể bị lãng quên cách nào đó: Chỉ Lời Chúa mới có sức cứu độ và biến đổi; chỉ sự thinh lặng mang phẩm tính cầu nguyện mới chữa được vết thương sâu xa trong lòng người; chỉ sự nhân hậu và xót thương mới rung động được cõi lòng. Khi đó, chúng ta vô tình làm cho Đức Giêsu bị xua đuổi khỏi thế giới nhân sinh.

Bức tranh trên không nhằm phủ nhận ưu tư mục vụ của đa số linh mục. Chúng ta mong muốn các tín hữu đổi mới; các linh mục Việt nam vẫn nổi bật sức sống thiêng liêng này: sự cần mẫn tận tụy với các linh hồn. Tuy nhiên, chúng ta cần đi xa hơn chút nữa để thấy chỗ đứng của chính mình. Sức mạnh biến đổi không nằm nơi chúng ta. Lời của chúng ta chẳng thể đi vào lòng người nếu không có ơn Thánh Thần; mối giao tiếp của chúng ta chẳng phải là mục vụ nếu Thiên Chúa không được giới thiệu và ngự trị. Chỉ một mình Thiên Chúa mới làm chủ trái tim con người. Thật vậy, “Thâm sâu nhất, Thần Khí Thiên Chúa chính là tác giả của tiếng gọi đó và là “Đấng đào luyện” chân thật duy nhất”[8] của người tín hữu. Ghi nhận này khiến chúng ta cảnh tỉnh chính mình. Rất có thể xảy ra là chúng ta mang Đức Giêsu đến với mọi người, trừ chúng ta, vốn được coi như thể là loại “siêu tín hữu.” Chí ít, rất có thể một chút nào của lạc giáo Pelagio vẫn còn đọng lại nơi chúng ta. Cộng đoàn chúng ta điều khiển và cai quản phải hoàn hảo và gồm toàn những người có đời sống luân lý “tuyệt vời”, không được phép có bất kỳ “chướng tai gai mắt” luân lý nào. Ai phạm vào bị loại trừ ngay, vì làm ô nhơ cộng đoàn. Nhưng hướng đi mà Thiên Chúa muốn qua Vatican II không như thế. Công đồng muốn tất cả hãy bắt đầu lại từ Đức Kitô.[9]

Điều ấy, Thánh Gioan Thánh giá minh định rõ ràng: Thiên Chúa sẽ phán xét chúng ta về tình yêu. Hẳn nhiên, là linh mục-mục tử, chúng ta giao tiếp với nhiều người, làm rất nhiều việc, sắp xếp nhiều phận vụ. Không ai phủ nhận những điều tốt đẹp đó. Tuy nhiên, phải chăng đã đến lúc chúng ta cần tìm đến điều thiết yếu, quan trọng và ý nghĩa nhất trong căn tính chúng ta? Thiên Chúa không gọi chúng ta để làm người sắp xếp công việc. Ngài gọi chúng ta thành những tác viên. Ngài đặt chúng ta làm những quản lý, nhưng phải thắt đai lưng, chuyên cần và cầm đèn cháy sáng đón chờ Ngài đến. Ngài muốn chúng ta đi xa hơn một người quản lý suông. Ngài muốn chính chúng ta phải trải nghiệm Thiên Chúa ngày một sâu xa hơn (nhà thần nghiệm), phải là người ngôn sứ, nói lên lời có sức hiệp thông (dấu chỉ của Nước Trời), và phải là người tôi tớ, sẵn sàng rửa chân cho những người Đức Kitô yêu thương (con đường hoàng vương của sự phục vụ).[10] Thế nhưng có thể chúng ta vẫn coi chúng như ba đường rày song song mà trên đó kéo toa xe lửa là cuộc đời chúng ta. Nay có lẽ đã đến lúc chúng ta phải nhìn và nghiệm rõ ba chức năng đó một cách hòa hợp, thống nhất, bao trùm và năng động.[11] Chẳng thể nào sống chức năng này mà không có hai chức năng kia. Nói cách khác, đã đến lúc phải đặt sự thống nhất đời sống trở thành điểm tới trong tất cả những hoạt động mục vụ của chúng ta. Bằng không, chúng ta có thể sẽ góp phần một cách vô thức vào sự phân ly đức tin và cuộc sống, một trong những nguyên nhân làm nảy sinh vô thần.[12]

Hẳn đã rõ, có thời người ta đã dùng những ngôn ngữ rất “kêu” để nói về tác vụ linh mục, như người có uy quyền để làm cho bánh nên Mình thánh Chúa, làm cho những người sắp chết được vào cửa thiên đàng, và còn nhiều điều khác. Tôi không phủ nhận địa vị cao cả của tác viên linh mục, song chỉ lưu ý rằng chúng có thể tạo ra sự tự kiêu thiêng liêng.[13] Đã hẳn, Chúa Giêsu hiện diện nơi con người thừa tác viên. Nhưng đó chỉ là một trong muôn vàn hình thái mà thôi. Nhất thiết phải cho thấy Đức Giêsu hiện diện nơi Lời, nơi Thánh Thể, nơi cộng đoàn phụng vụ và cầu nguyện, nơi sự hiệp nhất, nơi những người nghèo khổ.[14] Sứ mệnh của Giáo hội là đây: chỉ cho con người những con đường Thiên Chúa đến thăm họ. Đức Gioan XXIII xác định  rằng “từ Đức Kitô và Giáo hội Người, sẽ đến cuộc chiến thắng chung cục và vĩnh cửu nơi từng tâm hồn của những kẻ được chọn giữa nhân loại,… từ tất cả mọi phương của trái đất, Giáo hội Đức Kitô đáp lời: Deo gratias, Deo gratias, như thể nói rằng “Vâng, lumen Christi: lumen Ecclesiae: lumen gentium.” Ánh sáng đức tin tinh ròng luôn cho thấy đâu là điều tối thượng và cùng đích tối hậu.

Giáo hội hiệp thông một lòng để ca tụng Thiên Chúa. Khắp nơi chỉ có một tiếng hô to Alleluia. Sự hiệp thông đích thực biểu lộ ở đây. Nó chấp nhận và đón chào sự khác biệt trong sự đồng lòng, nghĩa là, hiệp thông chỉ là thực sự khi đi liền với sự tham gia. Bằng không, sự hiệp thông sẽ thành không tưởng. Chính vì thế, Công đồng Vatican II sử dụng hình ảnh Dân Thiên Chúa để diễn tả đời sống trong Giáo hội mà sau này Đức Gioan Phaolô II cũng như Đức Bênêđictô XVI tóm kết bằng khái niệm sự hiệp thông. Như thế, chúng ta phải luôn ghi nhớ, sự hiệp thông của Vatican II nói đến là sự hiệp thông của Dân Thiên Chúa, nghĩa là, của sự thông phần, sự tham gia:[15]

Trong một vài phương hướng, có nỗi sợ hãi được ám chỉ hơn là diễn đạt rõ rằng rằng hình ảnh “dân Chúa” đã bị hiểu sai, và tạo nên một khóe nhìn về giáo hội mang tính cách “xã hội học” hơn là “thần học”, tạo nên mối nguy hiểm là sự biến chất thành một khóe nhìn “dân chủ” xuông. Ta nhấn mạnh nhiều đến ý tưởng sự hiệp thông, song lại nhấn mạnh ít hơn đến sự thông phần… Cũng về mặt này có một sự phê bình nào đó về nguyên lý bổ trợ mà được một số người coi là có giá trị trong xã hội học chứ không phải trong giáo hội học.[16]

Đoạn văn hàm ý rõ ràng: Chủ nghĩa dân chủ cũng như não trạng giáo sĩ trị đều xa lạ với ý định của Chúa Giêsu về Giáo hội.Sai lầm đó dẫn tới lãng quên sự bình đẳng tuyệt đối của người tín hữu trong đức tin, mà Augustinô đã từng ca tụng.[17]

Như thế, rõ ràng khát vọng sâu xa của con người là tìm về gặp gỡ Đấng là Trưởng Tử của họ, là Hình Ảnh đích thực của họ, một diện mạo vừa gần vừa xa với con người hôm nay, khi lối nhìn duy tục dường như thắng thế.

II. VẬT LỘN CHO MỘT HƯỚNG ĐI: PHƯƠNG PHÁP LUẬN

Có lẽ nhận định rõ bước tiến của xã hội đương thời, Đức Gioan XXIII lẫn Đức Phaolô VI muốn đưa Đức Kitô về lại với nhân loại, trong diễn văn khai mạc Vatican II của các ngài. Dẫu thế, riêng với Đức Gioan XXIII, khi tuyên bố công đồng Vatican II phải mang tính mục vụ, chính ngài và toàn Giáo hội chưa hề biết sẽ phải tiến hành ra sao và phải khai phá những đặc nét nào để thành một công đồng mục vụ. Chưa có tự điển thần học nào trong Giáo hội định nghĩa một công đồng mục vụ! Giáo hội đang phải mày mò tìm kiếm ý nghĩa đích thực. Giáo hội chưa có câu trả lời thích đáng cho chính mình, huống chi cho những vấn đề của thế giới.[18] Những lược đồ được soạn thảo trước công đồng cho thấy điều này. Tất cả vẫn được trình bày như một thứ sách giáo khoa của hàng chục năm trước. Công đồng phải vật lộn, y như Giacop, cho một định hướng tốt đẹp. Trong quá khứ tầm nhìn “yếu tính” như thống trị Giáo hội. Yếu tính của Thiên Chúa, con người và thế giới vẫn y nguyên. Các cấu trúc phẩm trật không thay đổi vì bản chất Giáo hội đâu có thay đổi gì.

Nhưng nay, công đồng tuyên bố con người đã thay đổi từ lối nhìn tĩnh sang lối nhìn động.[19] Xác quyết xem ra vắn gọn, nhưng phản ánh đúng nếp nghĩ của con người hôm nay. Ngôn ngữ của giới trẻ là ngôn ngữ của hình ảnh động, YouTube, powerpoint hơn là những ngôn ngữ trừu tượng. Tâm tính con người thay đổi vì những hoàn cảnh sống (Marx), những tập tục hay cấm kỵ (Freud), những cuộc chiến sinh tồn (Darwin), những tiến bộ khoa học kỹ thuật (W. James, Hume), những cấu trúc ngôn ngữ (Wittgenstein), v.v. Nhìn sâu vào những hiện tượng đó như dấu chỉ Thiên Chúa ban cho Giáo hội, Công đồng khẳng định não trạng của con người hôm nay đã thay đổi sâu xa. Hẳn nhiên, công đồng đâu nói rằng bản tính con người giờ đây đổi sang một bản tính mới. Công đồng muốn cho thấy con người ngày nay đã đặt vấn đề một cách khác. Nếu thế, buộc tư duy thần học của Giáo hội phải chuyển mình, thần học cần phải tìm ra một phương pháp thích đáng để đến với con người. Xã hội thay đổi, thần học chuyển mình, đó là thực tại. Dưới một góc cạnh nào đó, con người thời đại thay đổi ngôn ngữ tư duy của Giáo hội về đức tin.

Đây là cả một đoạn đường dài, dàn trải từ bản nháp của Lumen Gentium (LG) đến bản nháp của Gaudium et spes (GS). So sánh hai văn kiện LG và GS có thể mang đến vài điều thú vị. Chúng ta biết Hiến chế GS, hiến chế được soạn và bàn thảo cuối cùng, chỉ thật sự bắt đầu khi mà các chuyên viên của những văn kiện khác đã tạm ổn. Họ đã cùng nhau học đón chào và chia sẻ những lối nhìn đa dạng. Điều này lộ rõ nếu chúng ta chăm chú so sánh hai văn kiện về Giáo hội.

“Trong LG, GH được mô tả phát xuất từ sự hiệp thông giữa Ba Ngôi hoạt động xuyên suốt trong lịch sử nhân loại hầu GH nên bí tích của sự hiệp thông sung mãn ấy.[20] “Ánh sáng muôn dân chính là Chúa Kitô” (LG 1), “Bởi ý định khôn ngoan nhân lành, hoàn toàn tự do và mầu nhiệm” (LG 2), “Chúa Con được phái đến do Chúa Cha, Đấng đã tuyển chọn chúng ta nơi Người, trước khi tạo dựng vũ trụ” (LG 3) và “Chúa Thánh Thần được phái đến trong ngày lễ Hiện Xuống” (LG 4) “triệu tập tất cả những người tin kính và mong đợi Chúa Kitô, Đấng ban ơn cứu độ và hiệp nhất” (LG 9). Ta không sợ để nói đó là một Giáo Hội nhìn từ trên, dù rằng đây đó ta vẫn thấy những xác quyết Giáo hội đi trong lịch sử nhân loại.

Đang khi đó, trong GS, Giáo hội được nhìn như đang lữ hành trong lịch sử cụ thể, tức ở đây và lúc này. Lịch sử ấy đầy dẫy những ưu sầu và hy vọng, những lo âu và đấu tranh. Lịch sử ấy được coi như cuộc đấu tranh và vật lộn không dứt cho phẩm giá của mình, cá nhân cũng như tập thể. Lịch sử ấy chất chứa nhiều yếu tố “làm thối nát nền văn minh nhân loại […] và càng bôi nhọ chính những kẻ chủ động hơn là những kẻ phải chịu sự nhục mạ, đồng thời cũng xúc phạm nặng nề đến danh dự của Đấng Tạo Hóa.” Lịch sử ấy đầy những khoảng cách giữa giàu và nghèo, Nam và Bắc, tiến bộ và chậm phát triển. Đấy là lịch sử hiện sinh, chứ không phải lịch sử trong thế giới ý tưởng của Platon hay bản tính của Aristote. Theo cách đó, Giáo hội như được nhìn từ bên dưới.”[21]

Phương pháp luận này cho phép Giáo hội không đặt mình ở trên con người nữa, nhưng là một người bạn ở giữa họ, cũng đang lên đường tìm kiếm Đấng Khôn tả.[22] Nó khiến Giáo hội nhận ra không có một nhân loại trừu tượng. Chỉ có những con người ở đây và lúc này. Nếu vậy, ta không thể miễn cưỡng chấp nhận rằng nhân loại hôm nay không còn suy nghĩ như trước nữa. Đúng thế, những vấn đề không thể chạm được trong quá khứ, “như Thiên Chúa, như hôn nhân, như gia đình, v.v. thì lại thành vấn đề lớn. Khắp nơi, nhân phẩm, tự do, quyền sống… được hô vang. Và Giáo hội bỗng thấy mình như hụt hẫng nào đó: là thực tại cho con người, nhưng Giáo hội lại chẳng có sẵn đấy những giải đáp cho những vấn đề mới.[23] Chưa khi nào Giáo hội thốt lên như thế! Kinh nghiệm này làm cho Giáo hội hiểu rõ sự khiêm nhường thẳm sâu là gì.

Như vậy LG và GS bổ sung nhau rõ ràng:

“Với LG, GH cắm neo kiên vững vào một cực là TC, còn với GS, GH cắm rễ đời sống mình vào một cực thứ hai là thế giới con người. Gắn chặt vào hai cực ấy mới làm cho Giáo hội tươi trẻ. Khóe nhìn từ trên cao phải khiến GH phụng sự con người như Thiên Chúa muốn; còn khóe nhìn từ bên dưới làm cho GH buộc phải gặp được Cứu Chúa nơi con người. Thất bại điều này, Giáo hội sẽ vong thân, và muối Giáo hội đã hết vị. Ơn gọi của Giáo hội là đây: tôi tớ của TC để phục vụ con người và tôi tớ của con người để dâng lại cho TC tất cả những gì Ngài ban cho con người vốn theo tự nhiên muốn tôn mình là chúa tể. Nói theo FABC, ơn gọi của Giáo hội là yêu thương và phục vụ. GH phải vừa đam mê và trung thành với TC cũng như vừa đam mê và trung thành với con người.[24]

Nếu là để phục vụ con người, thì sự phục vụ ấy không thể theo cung cách của một kẻ ban phát từ trên. Giáo hội từ Vatican II muốn dứt khoát chọn những đau khổ, vui mừng, âu lo của con người làm của mình.[25] Lối tiếp cận này mang Giáo hội trở về với nhân loại hơn. Giáo hội không thể đi ra khỏi thế giới con người để tìm Thiên Chúa.[26] Một Giáo hội lãnh đạm trước những gì đang xảy ra trong thế giới sẽ không nghe được tiếng Thiên Chúa. Quả thực, Giáo hội không thể gặp gỡ Đức Chúa một cách cô độc. Không có ơn cứu độ cho người tín hữu theo cá nhân chủ nghĩa.[27] Ơn cứu độ của Kitô giáo không đi đôi với cá nhân chủ nghĩa. Được tạo dựng vì con người, Giáo hội cũng không thể đạt đến Nước Thiên Chúa mà không có con người. Charles de Foucauld gặp được Thiên Chúa khôn tả giữa những anh chị em Hồi giáo. Đáng kính Phanxicô Nguyễn văn Thuận kinh nghiệm Thiên Chúa khi trở thành bạn với những người bách  hại mình. Maximilien Kolbe nói hùng hồn về Thiên Chúa khi ôm lấy án tử của người bạn không quen. Ta chỉ kể ra một ít thí dụ giữa cả đám mây chứng nhân (x. Hr 12:1; Hr 11:1-40). Thiên Chúa nói cho Giáo hội trong cõi nhân sinh.

Không chỉ như thế. Xác quyết trên khiến Giáo hội ý thức mạnh mẽ chiều kích lữ hành của mình. Giáo hội phải cùng kiếm tìm Thiên Chúa với con người.[28] Cùng lên đường với con người, Giáo hội mới cống hiến cho con người những giải đáp chân thật cho những vấn đề của họ mà thôi, vì lẽ Giáo hội đã cắm neo vững chắc vào tương lai của Thiên Chúa. Đi với những con người nghèo khổ của thế giới dưới muôn vàn hình thức mới cũ cho phép Giáo hội bỏ đi bộ áo hoàng vương đã từng được khoác lên Giáo hội từ thời Constantin, điều mà Đức Gioan XXIII và Phaolô VI mong muốn.

III. ĐỨC KITÔ, ĐẤNG MẶC KHẢI

Cho dù “Giáo hội không có một chương trình nào ngoại trừ chương trình mà chính Đức Kitô đã ban cho Giáo hội”,[29] thì cuộc vật lộn về phương pháp luận giúp Giáo hội tìm được sự thống nhất hữu cơ giữa những góc cạnh đa dạng. Nếu đã có lúc chúng ta nhìn các văn kiện của Công đồng như những tài liệu rời rạc, thì nay ta cần thay đổi lối nhìn đó. Đúng hơn, chúng cho thấy một tổng thể duy nhất của đức tin, hơn là những giải đáp cho từng khía cạnh của Giáo hội. Hình vẽ dưới đây minh thị lối nhìn.

Tâm điểm của Giáo hội không gì khác hơn là Đức Kitô như Lời sống động của Thiên Chúa và như Hiến tế Tạ ơn duy nhất được Chúa Cha chiếu nhận vì phần rỗi nhân loại (propter homines). Thật vậy, Đức Kitô chính là mặc khải chung cục của Thiên Chúa nhân hậu và trung tín cho con người và ta chẳng cần phải mong đợi một mặc khải cứu độ nào khác. Giáo hội sống với đức tin này. Đây không phải là sự tự kiêu trí thức. Phải hơn, đánh mất điều này, Giáo hội chẳng cho thế giới được điều nó cần nhất. Giáo hội chẳng còn ích gì, chỉ còn bị ném ra ngoài cho người ta chà đạp lên. Giáo hội sống với đức tin rằng chỉ Đức Kitô mới làm cho con người có thể bước đi mạnh mẽ (x. Cv 3:1-8) Sự khiêm nhường chân thật của Giáo hội là đây: “Tôi [giáo hội] có điều mà các bạn tìm kiếm, điều mà các bạn thiếu”.[30] Thế giới hôm nay cần, trong chiều sâu nhất của nó, không gì khác hơn là Đức Kitô, vì chính Người mới tỏ cho ta con người là ai.[31] Không phải chính trị gia, nhưng là các thánh mới bày tỏ chân lý sung mãn về phẩm giá con người. “Nhờ sự thánh thiện này một cách sống nhân bản hơn được cổ xúy trong xã hội trần thế này”.[32]

Không chỉ thế. Thiên Chúa mới ban cho con người sức mạnh để hiện thực phẩm giá đó. Đức Kitô không chỉ là lời mà cũng là hành động của Thiên Chúa. Sự duy nhất của lời và hành động nơi Đức Giêsu là nguyên lý làm nên sự mới mẻ của mặc khải Thiên Chúa. Đức Giêsu là lời sống động của Thiên Chúa, sắc bén hơn gươm hai lưỡi (x. Hr 4:12). Cuộc vượt qua của Người là tờ khế ước vĩnh cửu, là giao ước mới, không bao giờ qua đi. Đức Giêsu chịu đóng đinh (x. Ga 19:28-30) là lời mạnh mẽ công bố cõi lòng của Thiên Chúa đã mở ra và vĩnh viên không đóng lại (x. Ga 19:33-34). Chính LỜI sống động DUY NHẤT này mang đến cho con người sự thống nhất triệt để làm họ trưởng thành và tự do sung mãn như những con người mới. Nếu thế giới này đã không có Đức Kitô, thử hỏi nhân loại này sẽ đi về đâu.

Chúng ta thường nói Thánh kinh, truyền thống và huấn quyền như ba nguồn đảm bảo mặc khải chân thật của Thiên Chúa. Công đồng nói khác hẳn: chỉ có một nguồn mạch Lời Chúa được chuyển đến bằng hai kênh rạch lời Chúa và Truyền Thống sống động. Còn huấn quyền không ở trên Lời Chúa, nhưng chỉ như tôi tớ phục vụ Lời Chúa mà thôi. Quyền bính trong Giáo hội lại càng phải đi tìm Thiên Chúa hơn ai hết. Có như thế, Giáo hội mới làm chứng rằng chỉ một mình Đức Kitô hằng sống điều hành Giáo hội. Ratzinger nhận xét thật chí lý:

Thật vậy, tựa đề đúng thực của Hiến chế là Dei Verbum, về Lời Chúa, hơn là về mạc khải (hạn từ chuyên môn của thần học). Hạn từ đó âm vang lại toàn thể lịch sử cứu độ, chứ chẳng phải một vài cuốn sách trong truyền thống giáo hội. Đó là một lịch sử gồm “Lời và hành động của Thiên Chúa liên kết chặt chẽ với nhau… mà tột đỉnh, trung tâm và sự mặc khải sung mãn của nó ở trong con người và công việc của Đức Kitô.[33]

Có thể chúng ta nghĩ rằng xác quyết về tính duy nhất trong lời Thiên Chúa với hai kênh rạch chính và một phương tiện để đảm bảo sự chân chính của Lời Chúa chỉ là những xác quyết trừu tượng và lý thuyết. Bề ngoài là thế. Nhưng suy tư nghiêm chỉnh, chúng ta thấy rõ điều ấy xuất phát và làm vững mạnh cho đức tin Kitô giáo vào Thiên Chúa duy nhất trong Ba ngôi. Kitô giáo không phải là thứ độc thần của triết học Hy lạp, vị Thần linh lạnh lùng và vô cảm. Kitô giáo luôn khẳng định Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần. Như thế, Hiến chế đưa ra ba quy luật: trước hết, nội dung và tính duy nhất của toàn Thánh kinh là Đức Giêsu Kitô.[34] Hai quy luật khác là “truyền thống sống động và tính loại suy của đức tin.” Như vậy, khi giải thích Thánh kinh buộc ta phải giải thích theo Thần khí vốn đã dẫn dắt, linh hứng và duy nhất cả Cựu và Tân ước. Truyền thống sống động biểu lộ nguyên tắc mang chiều kích thần khí còn sự loại suy của đức tin cho phép một sự tìm hiểu đức tin. Như thế,

Chú giải theo Thần khí sẽ mang tính Kitô học, giáo hội và thần học. Bằng cách linh hứng kinh thánh và soi sáng cho chúng ta hiểu biết kinh thánh, Thánh Thần dẫn chúng ta tới Đức Kitô, giáo hội và  thần học dựa trên mặc khải dứt khoát. Ngược lại, nhãn quan Kitô học, giáo hội và thần học sẽ giúp chúng ta hiểu và giải thích kinh thánh được linh hứng bởi Thần khí.

Theo ánh sáng này, Thiên Chúa, chứ không phải con người, mới chiếm chỗ tối thượng.[35] Và chỉ trong Ngài, con người tìm được chính mình. Theo đó, cám dỗ của thế hệ hôm nay là nhìn về Đức Kitô chỉ như một người sống và hy sinh cho tha nhân đến cùng. Đúng. Nhưng không đủ. Vì rõ ràng Đức Kitô trước khi thật sự “yêu họ đến cùng” thì luôn hằng bận rộn với công việc của Cha như một tuyệt đối (x. Lc 2:49). Nếu thế hệ trẻ không thể dành thời giờ cho cầu nguyện tôn thờ sẽ không thể đi hết chặng đường lịch sử của mình. “Nếu một tông đồ không ý thức giá trị của sự thinh lặng đầy Thiên Chúa, hoạt động của họ sẽ là một công việc nhân đạo, xã hội cao thượng, nhưng không phải là một công việc tông đồ Kitô hữu, sự trải dài tư cách linh mục duy nhất của Đức Kitô”.[36]

Trong một thế giới ngày càng tôn vinh chủ nghĩa tương đối, Vatican II cho thấy chỗ đứng biệt loại của Kitô giáo là thế nào. Chỗ đứng ấy không hủy đi, nhưng tiếp đón và làm hoàn hảo những giá trị vốn có trong những nỗ lực của nhân loại kiếm tìm Thiên Chúa, cả triết học, văn hóa lẫn tôn giáo đến nỗi Thiên Chúa vẫn sử dụng chúng để cứu nhân loại. Những giá trị của các tôn giáo không biến mất với Đức Kitô; các giá trị khoa học và kỹ thuật không biến thành sự dữ trong Nước Chúa; những giá trị văn hóa nghệ thuật vẫn tồn tại trong ngày quang lâm. Miễn là Đức Kitô hiện diện và được tôn vinh ở đó, theo cách thức ngài muốn và khi nào ngài muốn.[37] Đức tin vào Thiên Chúa tự mặc khải chính mình luôn phải chiếm chỗ ưu việt và tối thượng.[38]

IV. ĐỨC KITÔ NHẬP THỂ

Chính lối tiếp cận mục vụ vừa nói ở trên, tức là, lối hành động của Đấng biết rõ chiên của mình, cách tương quan xuất phát từ tình yêu mục tử, rõ ràng được khởi hứng từ mầu nhiệm nhập thể. Nếu đúng là thế, chúng ta lại thấy lối tiếp cận ấy lại cho Giáo hội tầm nhìn mới về Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta. Người không đến tham quan thế giới, nhưng đến ở với những con người tầm thường và bình dân. Người không đến ngủ trong thế giới như trong một khách sạn, những đến và ở lại với chúng ta trong căn phòng chật trội của ta để làm nó trương rộmg mãi. Công đồng Vatican II không còn phải tranh cãi Đức Giêsu có hai bản tính, như những công đồng đầu tiên của Kitô giáo. Xác tín không lay chuyển rằng Đức Giêsu Kitô, vừa thật là Thiên Chúa vừa thật là con người, Vatican II lại thấy được chiều sâu của mầu nhiệm ấy cho đời sống tín hữu chúng ta. Hiến chế phụng vụ viết như sau:

Phụng vụ góp phần rất nhiều trong việc giúp các tín hữu thể hiện nơi cuộc sống và tỏ bày cho những người khác thấy mầu nhiệm Chúa Kitô và bản tính đích thực của Giáo Hội chân chính, một Giáo Hội có đặc tính vừa nhân loại vừa thần linh, vừa hữu hình vừa chứa đựng những thực tại vô hình, vừa nhiệt thành hoạt động vừa sốt sắng chiêm niệm, hiện diện nơi trần gian nhưng chỉ như người lữ hành; và trong Giáo Hội, yếu tố nhân loại phải quy hướng và lệ thuộc vào yếu tố thần linh, những thực tại hữu hình phải quy hướng về những thực tại vô hình, những hoạt động phải hướng về chiêm niệm, và những gì hiện tại phải hướng về thành đô tương lai mà chúng ta đang tìm kiếm.[39]

Đoạn văn qui chiếu đến mầu nhiệm nhập thể như nền tảng cho đời sống phụng vụ vốn là một sự tôn thờ mang có tính chất hữu hình và vô hình. Sự thờ phượng trong phụng vụ Kitô giáo không thể là duy linh hay duy hình thức. Kitô hữu không thể nại đến lối lập luận theo tâm tình tôn giáo dân ngoại để không nhận lãnh bí tích. Phụng vụ Kitô hữu cho thấy “Giáo hội như một dấu chỉ được đặt lên cao trước mặt muôn dân”.[40]

Cũng vậy, Thánh kinh, dưới một nghĩa rất thật là Lời, cũng rập khuôn mầu nhiệm nhập thể. Dựa trên chính chân lý là Thiên Chúa nói với chúng ta qua Người Con, Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời trở thành xác phàm, một người được sai đến với mọi người đã nói lời của Thiên Chúa,[41] công đồng cho thấy “trong việc biên soạn các sách Thánh, Thiên Chúa đã chọn những con người và nhờ họ dùng tài năng và công sức, để khi chính Ngài hành động trong con người và qua con người, họ viết ra như những tác giả đích thực tất cả những gì Chúa muốn, và chỉ những điều đó mà thôi”.[42] Những dòng chữ đó rõ ràng cho thấy theo ánh sáng Kitô học, nền tảng của Thánh kinh là mầu nhiệm nhập thể. Điều này còn lặp lại khi công đồng viết về trách nhiệm của khoa chú giải ngày nay: “phải cẩn thận tìm hiểu điều thánh sự thật sự có ý diễn đạt và điều Thiên Chúa muốn bày tỏ qua lời lẽ của các ngài”.[43] Một đoạn khác còn minh chứng mạnh mẽ hơn nữa:

Trong Thánh Kinh, sự “hạ cố” kỳ diệu của Đức Khôn Ngoan vĩnh cửu đã được tỏ hiện, trong khi vẫn bảo toàn phẩm tính chân thật và thánh thiện của Thiên Chúa, “để chúng ta biết được lòng nhân từ khôn tả của Thiên Chúa và nhận ra Ngài đã thích ứng lời nói của Ngài đến mức nào, khi Ngài đã biết trước và quan tâm đến nhân tính của chúng ta”[44]. Quả thế, các lời của Thiên Chúa được diễn tả bằng ngôn ngữ loài người, đã trở nên tương tự với lời nói loài người, cũng như xưa Ngôi Lời của Chúa Cha vĩnh cửu đã mặc lấy xác thịt yếu đuối của loài người, đã trở nên giống như con người.[45]

Khi trình bày về những tội lỗi của Giáo hội, công đồng minh chứng Giáo hội “như một cộng đoàn đây niềm tin, cậy mến, như một cơ cấu hữu hình… vừa là cộng đồng được tổ chức theo cơ chế phẩm trật, vừa là nhiệm thể Đức Kitô, là đoàn thể hữu hình và cũng là cộng đoàn thiêng liêng, … không được nhìn Giáo hội như hai thực thể, nhưng đúng hơn, tất cả chỉ làm nên một thực tại đa phức, được kết thành từ yếu tố nhân loại và thần linh”.[46] Rõ ràng ý tưởng về mầu nhiệm nhập thể nằm ở dưới. Chẳng lạ gì, công đồng viết mầu nhiệm Giáo hội có thể sánh ví cách loại suy với mầu nhiệm ngôi lời nhập thể.[47] Chính như thế, sự thánh thiện trong Giáo hội không được nhìn theo tính cách luân lý, nhưng trên hết một sự thánh thiện nhìn nhận những yếu đuối và sa ngã của mình song được ân sủng nâng dậy.[48] Do đó, sự thánh thiện của Kitô hữu “vươn đến đời sống Kitô hữu viên mãn và đức ái trọn hảo”, nhưng “cũng giúp phát huy một lối sống nhân bản hơn trong xã hội trần thế”,[49]… theo gương Đấng “đã muốn lao động với đôi tay của mình và không ngừng cùng với Chúa Cha làm việc để cứu rỗi mọi người, khi vui mừng trong hy vọng và vác đỡ gánh nặng cho nhau”.[50] Sự thánh thiện của môn đệ Đức Kitô luôn phải hài hòa hai khía cạnh: người con của thế giới và người con của Thiên Chúa.[51]

Khi công đồng trình bày về truyền giáo, công đồng nhìn ngay đến Chúa Giêsu Kitô “với cả thần tính trọn vẹn đã hòa nhập trong xác thể”. Công đồng nêu rõ “bằng con đường nhập thể đích thực, Con Thiên Chúa đã đến làm cho loài người được thông phần vào bản tính Thiên Chúa”.[52] Như thế, nhà truyền giáo cũng phải “tiếp xúc và thấm nhập dần dần những gì liên quan đến con người”[53], “liên kết với họ trong mọi hoàn cảnh… chia vui sẻ buồn với họ, biết rõ những khát vọng và các vấn đề của họ về cuộc sống”.[54]  Không tham gia chính trị đảng phái, họ phải “nâng cao nhân phẩm và chuẩn bị những điều kiện sống hợp nhân bản hơn”.[55]  Nói cách khác, nhà truyền giáo bắt chước Đức Kitô để nhập thể vào chính dòng văn hóa và dân tộc mình được sai tới, thông chia cùng một phận số của họ. Chính điều này đã khai mở cho suy nghĩ thần học của Á châu về hội nhập văn hóa. Khuôn mẫu đích thực của hội nhập văn hóa là Ngôi lời nhập thể. Nhưng mầm mống của nó ta đã đọc thấy trong GS như sau:

chính Chúa Kitô là con người hoàn hảo đã tái tạo nơi con cháu của Ađam hình ảnh Thiên Chúa đã bị tội nguyên tổ làm sai lệch. Vì trong Người, bản tính nhân loại đã được tiếp nhận chứ không bị tiêu diệt, nên trong chúng ta, bản tính ấy cũng được nâng cao, đạt tới một phẩm giá siêu việt. Thật vậy, khi nhập thể, Con Thiên Chúa cách nào đó đã liên kết với tất cả mọi người. Người đã làm việc với đôi tay con người, đã suy nghĩ bằng trí óc con người, đã hành động với ý chí con người, đã yêu thương bằng quả tim con người. Sinh bởi Trinh Nữ Maria, Người đã thực sự trở nên một người giữa chúng ta, giống như chúng ta trong mọi sự, ngoại trừ tội lỗi.[56]

V. ĐỨC KITÔ CHỦ TỂ HƯỚNG DẪN VÀ THÂU HỌP LỊCH SỬ CÙNG VẠN VẬT

Nhưng nếu phải nói nét nổi bật nơi diện mạo Đức Kitô như được Vatican II vẽ lên trong GS, thì tôi nói đến nhãn quan về một Đức Kitô điều khiển và làm chủ lịch sử. Công đồng thấy rõ biến động lịch sử thật muôn mặt. Hết vương quốc Xeda đến vương quốc Charlemagne, hết Tần sang Hán Sở tranh hùng đến Mãn Thanh, hết Vua Lê Chúa Trịnh đến nhà Nguyễn, hết thế chiến I đến thế chiến II sang chiến tranh lạnh, rồi chiến tranh kinh tế. Trong biến chuyển đó, có những trào lưu đã giải thích về lòng người và lịch sử theo biện chứng tinh thần hay biện chứng duy vật. Xem ra thật khác nhau và đối nghịch, thì rốt cục cả hai giống nhau ở một điều là một năng lực vô ngã xoay vần vũ trụ và lịch sử. Con Tạo điều khiển vũ trụ và lịch sử trong ngẫu hứng. Mọi sự là may rủi.

Nhưng Vatican II không chấp nhận nhãn quan đó. Cho dù không thể có những câu trả lời sẵn và tức khắc trước mọi vấn đề của con người, thì Vatican II xác tín Đức Kitô là chủ lịch sử. Đức tin không cho phép chúng ta nhìn ngây thơ về lịch sử. Công đồng không chỉ bằng lòng nói Giáo hội tin gì, nhưng còn cho thấy tin tạo nên sự khác biệt nào trong lịch sử. Chân lý mặc khải có đem lại cho đời sống một hướng chiều mới nào không? Công đồng cho thấy các tín hữu phải dấn thân vào đời sống kinh tế, chính trị, hòa bình, gia đình, v.v. Đức tin không cho phép họ ngồi yên trên cao. Họ phải xuống khỏi bục cao quyền uy để rồi mới được cất nhắc lên đến tận trời. Họ phải lao tác như thể không mỏi mệt cho mọi người. Thế nhưng, họ không phải là chủ thể. Chủ thế của lịch sử chỉ có một, đó chính là Chúa Giêsu Kitô. Thật thế, chẳng hạn dưới góc cạnh kinh tế, người tín hữu lao động cho bản thân và gia đình, lên tiếng trước những bất công, và sẵn sàng trợ giúp những kẻ cơ hàn. Nhưng mục tiêu của điều ấy không gì khác hơn “tìm kiếm Nước Thiên Chúa,… chu toàn đức công bình dưới sự thúc đẩy của tình bác ái yêu thương”.[57]  Họ lao động vì vương quốc Đức Kitô.

Chính vì thế, người tín hữu phân định rõ sự tiến bộ trần thế và vương quốc Thiên Chúa. Điều ấy có nghĩa rằng:

Lời Thiên Chúa, Lời mà nhờ đó muôn vật được tạo thành, đã làm người, một con người toàn hảo, để cứu rỗi mọi người và thâu kết vạn vật. Chúa là cùng đích của lịch sử nhân loại, là điểm quy tụ mọi ước vọng của lịch sử và văn minh, là trung tâm của nhân loại, là niềm vui của tâm hồn và là sự viên mãn của mọi niềm khao khát[58]. Chính Người là Đấng Chúa Cha đã làm cho sống lại từ cõi chết, đã tôn vinh và cho ngự bên hữu, đặt làm thẩm phán kẻ sống và kẻ chết. Được tác sinh và quy tụ trong Thần Khí của Người, chúng ta đang tiến bước trong cuộc hành trình hướng về chung cục lịch sử nhân loại, một chung cục phù hợp với ý định yêu thương của Người: “thâu kết trong Chúa Kitô muôn loài trên trời dưới đất” (Ep 1,10).

Chính Chúa đã nói: “Đây chẳng bao lâu nữa Ta sẽ đến, và Ta đem theo lương bổng để trả cho mỗi người tuỳ theo việc họ đã làm. Ta là Alpha và Ômega, là Đầu và Cuối, là Khởi Nguyên và Cùng Tận” (Kh 22,12-13).[59]

Đoạn văn trên không phải là một lời tuyên tín vững chắc của Vatican II sao? Ở đây, những vấn nạn cơ bản mà Kant nêu ra như “tôi biết gì? Tôi hy vọng gì?” được trả lời cách triệt để và lịch sử. Không còn phải là một thứ không tưởng của chính trị đảng phái, nhưng dựa trên một ngôi vị mật thiết nhất với xã hội con người trong chiều sâu nhất, vì Đức Kitô liên hệ với từng con người một cách nào đó.[60]

Đức Giêsu Kitô là câu trả lời sung mãn, đầy đủ, và tột cùng cho những ước vọng sâu kín nhất của con người: Thiên Chúa là tất cả trong mọi sự. Người là tương lai của nhân loại. Tương lai ấy vẫn luôn ẩn hiện trong mọi biến cố. Chính vì thế, công đồng nói đến bổn phận phải đọc dấu chỉ thời đại. Trong bất kỳ trạng huống nào đều có những dấu chỉ nghịch lại với tương lai huy hoàng của con người, nhưng cũng đều có những dấu chỉ khẳng định rằng Thiên Chúa vượt lên trước. Chúng ta cần phải nhận ra điều Vatican II mang đến cho não trạng đức tin của các Kitô hữu hôm nay.

Hồng Y Ratzinger một ngày kia nói: “Đây chính là điều mà Công đồng Vatican II muốn: phú cho Kitô giáo một lần nữa năng lực để nắn hình lịch sử.” Kitô giáo nắn hình lịch sử qua việc nắn hình tự do của tác nhân lịch sử là con người. Nó nắn hình lịch sử bằng cách công bố Tin mừng về tình yêu Thiên Chúa, bằng cách cống hiến những gương sáng của các thánh, và bằng việc làm cho ân sủng biến đổi của tình yêu Thiên Chúa trong các bí tích nên sẵn đó cho con người.

Có phải là tự kiêu vô lối không khi nói Kitô giáo nắn hình thế giới? Câu trả lời không dựa trên, ngay cả những gì đã thành đạt, nhưng tiên vàn dựa trên chính kế hoạch của Thiên Chúa muốn qui tụ mọi sự vào Đức Kitô. “Chúa là cùng đích của lịch sử nhân loại, là điểm quy tụ mọi ước vọng của lịch sử và văn minh, là trung tâm của nhân loại, là niềm vui của tâm hồn và là sự viên mãn của mọi niềm khao khát”.Kế hoạch thần linh là thế đó, không gì cản trở được. Chính điều này mới làm cơ sở vững chắc nhất và bất khả ngộ cho nhân phẩm. Đúng vậy, thực tại tội lỗi vẫn còn trong lịch sử và dường như còn mạnh mẽ hơn như chúng ta kinh nghiệm ngày nay thì Đức Kitô vẫn lớn hơn bởi lẽ ngài đã sống và làm việc với tất cả những giá trị và giới hạn của khả năng nhân linh. Dựa trên chính Đức Kitô là HÌNH ẢNH CỦA THIÊN CHÚA, một người sa ngã không ngừng là một người. Họ không bao giờ mất đi nhân phẩm.[61] Và đó là điều ta phải luôn để ý. Ngoài ra, có nơi chính bản tính con người một khả năng không chết là vượt thắng những rào cản sai lầm và tìm đường tới chân lý. Thiên Chúa, với sự quan phòng bách chiến bách thắng của Ngài, luôn hiện diện với sự trợ giúp của Ngài. Đức Giêsu chính là con người hoàn hảo, liên đới với mọi người và từng người. Ý nghĩa con người chỉ thành toàn nơi Đức Kitô. Đức Kitô có đủ quyền năng để đưa đến hoàn tất mọi điều Người đã khởi sự. Tất cả mọi quyền lực trên trời dưới đất, kể cả sự chết, đều phải khuất phục Người.

Nếu thế, con người không có lý do gì để thất vọng. Mầu nhiệm Thiên Chúa bao phủ toàn thể vũ trụ và nhân loại.

Đấy là mầu nhiệm mời gọi, khơi mào sự đáp trả trong tự do chân thật, không chút cưỡng bách. Thiên Chúa liên lỷ đối thoại với con người, bất chấp họ ương ngạnh đến đâu. Lịch sử cứu độ minh chứng sự thật trên. “Ngài không muốn dùng sức mạnh để ép buộc những kẻ chống đối Ngài. Thật vậy, Nước Ngài không cần được bảo vệ bằng bạo lực, nhưng được xây dựng khi chân lý được minh chứng và lắng nghe”.[62] Thiên Chúa là tự do, và Ngài cũng chỉ muốn con cái mình được tự do đích thực mà thôi. Và Ngài sẽ làm mọi sự để dẫn đến cùng đích đó: tự do khỏi Satan để được nên con cái tự do của Thiên Chúa. Phụng sự Thiên Chúa là tự do. Nói cách nghịch lý, nô lệ cho Thiên Chúa là tự do cao cả nhất.

KẾT LUẬN

Khác với những công đồng khác, Vatican II trình bày cho chúng ta diện mạo Đức Kitô như vị Mục Tử Nhân lành quyền năng. Chính Đức Kitô cho thấy rõ Tình yêu mạnh hơn sự chết, Thiên Chúa luôn luôn vĩ đại hơn. Tình yêu mục tử của Người không chịu thua bất cứ điều gì. Người đã để lại tình yêu mục tử như cốt lõi của trái tim Giáo hội. Điều đó, chúng ta dần dần lãnh hội ra.

Chính vị Mục Tử biết từng con chiên, xuống trở thành một trong chúng và sống giữa chúng như con chiên đầu đàn (x. thánh ca Phục sinh). Người khai mở một con đường khác để đến gặp Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần: khởi từ chính những con người vốn được yêu mến đến cùng và là hình ảnh của Người. Nhờ Thần khí, Giáo hội phải khám phá lại con đường mục vụ ấy để đến gặp vị Chúa đang chờ đợi mình.

Trên con đường này, Giáo hội luôn nhìn tới kết cục đầy ánh sáng của mình. Đó không phải là con đường dẫn tới ảo tưởng. Trái lại, con đường đó cho Giáo hội hiểu rõ thế nào là tự do của con cái Thiên Chúa, và vương quốc tự do là gì, có tác động gì trên lối đường mục vụ của mình. “Noi gương hiền lành và khiêm nhường của Chúa Kitô, các ngài [môn đệ Đức Kitô] rao giảng lời Chúa với tất cả lòng tin tưởng vào sức mạnh thần linh của lời có khả năng phá tan các quyền lực chống lại Thiên Chúa, giúp mọi người trở về tin kính và vâng phục Chúa Kitô”.[63] Những lời đó minh xác rõ thế nào là Đức Kitô của Vatican II được cống hiến cho thế giới hôm nay đang bị thương dưới nhiều góc cạnh sâu xa mà chỉ có thể được thuyên chữa bằng phương dược của lòng thương xót mà thôi: Đức Kitô Mục tử nhân lành, rất mực xót thương là vị Lương Y duy nhất của con người hôm nay.


[1]X. Công đồng Vatican II, LG 1-3; DV 1-3; SC 1-3; GS 22; 44-45; Đức Phaolô VI, diễn từ khai mạc Công đồng Vatican II, khóa 2.

[2]Đức Phaolô VI, diễn từ khai mạc Công đồng Vatican II, khóa 2.

[3]Augustine, God was “deeper in me than I am in me” (interior intimo meo).

[4]Trịnh công Sơn, Bốn mùa thay lá.

[5]X. Công đồng Vatican II, GS 92; 93; GE 3; 12; DH 15; x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptor hominis.

[6]X. Công đồng Vatican II, GS 19

[7]X. Những tham luận và góp ý của Đại hội Dân Chúa 2010.

[8]P. Chavez, vocation and formation.

[9]Bộ tu sĩ, Huấn thị “khởi phát lại từ Đức Kitô”.

[10]X. P. Chavez, Called to livein fidelity Don Bosco’s apostolic project. “Work and temperance”or the radical approach of the Gospel in Salesian consecrated life.

[11]P. Chavez, vocation and formation: gift and task

[12]X. Công đồng Vatican II, GS 20-21; 43.

[13]Roch Kereszty, O.Cist., LINH MỤC VÀ VIỆC TÂN PHÚC ÂM HÓA

[14]X. Công đồng Vatican II, SC 7; Đức Phaolô VI, Mysterium fidei.

[15]X. Hội đồng Giám mục Việt nam, Thư chung hậu đại hội Dân Chúa 2010, số 27.

[16]Ratzinger, Theological Hightlights of Vatican II.

[17]X. Augustine, Sermo 46, 1-2; CCL 41, 529-530.

[18]X. Công đồng Vatican II, GS 33.

[19]X. Công đồng Vatican II, GS 5; cũng x. 6-8.

[20]x. Công đồng Vatican II, LG 1-8.

[21]Nguyễn văn Am, “MỘT KHÓE NHÌN VỀ GIÁO HỘI THEO HIẾN CHẾ GAUDIUM ET SPES:THÁCH ĐỐ VÀ PHÚC LÀNH CHÚA BAN CHO GIÁO HỘI TRONG THẾ GIỚI”.

[22]X. Công đồng Vatican II,GS 3; 5; 42-44.

[23]X. Công đồng Vatican II, GS 33.

[24]Nguyễn văn Am, “Một khóe nhìn về Giáo hội theo hiến chế mục vụ Gaudium et spes: thách đố và phúc lành Chúa ban cho Giáo hội trong thế giới”.

[25]X. Công đồng Vatican II, GS 1; x. Hội đồng Giám mục Việt nam, Thư chung hậu đại hội Dân Chúa 2010

[26]X. Gioan Phaolô II, Redemptor hominis; Bênêđictô XVI, Deus caritas est, phần II.

[27]X. Công đồng Vatican II, GS 43.

[28]X. Bênêđictô XVI, Spe Salvi.

[29]Bênêđictô XVI, diễn văn trong ngày đăng quang giáo hoàng

[30]Đức Phaolô VI, Ecclesiam Suam,  95.

[31]X. Đức Gioan Phaolô II, Redemptor hominis;

[32]Công đồng Vatican II,  LG 40.

[33]J. Ratzinger, Theological Hightlights of Vatican II, Paulist Press; x. DV 2

[34]Trong thông điệp Spiritus Paraclitus(1920) Giáo hoàng Bênêđictô XV ghi nhận: “In Christum enim velut centrum omnes utriusque Testamenti paginae vergunt (Tất cả các trang của hai giao ước dẫn tớiĐức Kitô như tâm điểm). Lùi về thế kỷ XVI, William Tyndale viết: “Thánh kinh xuất từ Đức Kitô và được trao ban để dẫn chúng ta tới Đức Kitô. Vì thế, bạn phải đi cùng Thánh kinh như theo một hàng thẳng, cho đến khi bạn tới gặp Đức Kitô, vốn là cùng đích của con đường và là chỗ an nghỉ”. Còn kinh sĩ dòng Augustinô Hugh of St. Victor, thế kỷ XII chia sẻ một tầm nhìn Kitô học tương tự: “Toàn Thánh kinh nói về Đức Kitô và tìm được sự hoàn thành của mình nơiĐức Kitô, bởi vì nó chỉ tạo nên một cuốn sách, cuốn sách sự sống vốn là Đức Kitô.”

[35]X. Công đồng Vatican II, DV 21; 26.

[36]Đức Phanxicô

[37]X. Công đồng Vatican II, GS 72; 61-62; 76; 93

[38]X. Bộ Giáo lý Đức tin, Tuyên ngôn Dominus Iesus.

[39]Công đồng Vatican II, SC 2

[40]Công đồng Vatican II, SC 2; cũng x. Hội đồng Giám mục Việt nam, Thư chung hậu đại hội Dân Chúa 2010, số 14.

[41]x. Công đồng Vatican II, DV 4.

[42]Công đồng Vatican II, DV 11.

[43]Công đồng Vatican II,DV 12.

[44] T.GIOAN KIM KHẨU, InGen. 3, 8 (hom. 17, 1): PG 53, 134. “Thích ứng” tiếng Hy Lạp là synkatábasis.

[45]Công đồng Vatican II, DV 13.

[46]Công đồng Vatican II, LG 8.

[47]X. Công đồng Vatican II, LG 8.

[48]x. Công đồng Vatican II,LG 8; 40.

[49]Công đồng Vatican II, LG 40

[50]Công đồng Vatican II, LG 41.

[51]X. Công đồng Vatican II, LG 36; cũng x. Hội đồng Giám mục Việt nam, Thư chung hậu đại hội Dân Chúa 2010, số 33.

[52]Công đồng Vatican II, AG 3.

[53]Công đồng Vatican II,  AG 6.

[54]Công đồng Vatican II, AG 12.

[55]Công đồng Vatican II, AG 12; cũng x. Hội đồng Giám mục Việt nam, Thư chung hậu đại hội Dân Chúa 2010, số 14, 35.

[56]Công đồng Vatican II, GS 22.

[57]Công đồng Vatican II, GS 72.

[58]x. Đức Phaolô VI, Huấn từ 3.2.1965: L”Osservatore Romano, 4.2.1965.

[59]Công đồng Vatican II, GS 45.

[60]X. Công đồng Vatican II, GS 11.

[61]X. Đức Gioan Phaolô II, Thông điệp Thiên Chúa giàu lòng thương xót.

[62]Công đồng Vatican II, DH 12.

[63]DH 11.