Một Cái Nhìn Về Giáo Huấn Xã Hội Công Giáo: Quá Trình Hình Thành – 03

0
1151


Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp (OP),

Giám mục Giáo Phận Vinh.

 

MỘT CÁI NHÌN VỀ GIÁO HUẤN XÃ HỘI CÔNG GIÁO

***

***

PHẦN MỘT

NGUỒN GỐC & HÌNH THÀNH

QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH

 

Giáo huấn xã hội của Giáo Hội Công giáo có một quá trình hình thành và phát triển rất lâu dài, theo bối cảnh riêng của từng giai đoạn lịch sử. Trong quá trình hình thành tiệm tiến này, kinh nghiệm sống của các cộng đồng Kitô hữu quyện lẫn với suy tư của các Giáo phụ, các thánh tiến sĩ, các tư tưởng gia và Huấn quyền… để tạo thành những nét độc đáo của mỗi giai đoạn, cũng như của toàn bộ Giáo huấn xã hội.

Chương này sẽ trình bày một số nét tiêu biểu về tư tưởng của các thánh Giáo phụ, các thánh Tiến sĩ và các thần học gia Kitô giáo. Đây là một thời kỳ dài trải rộng từ thế kỷ thứ IV cho đến cuối thế kỷ XIX, nghĩa là cho đến lúc Giáo huấn xã hội được chính thức công bố qua thông điệp “Tân Sự” (1891).

1. CÁC GIÁO PHỤ VỚI CÔNG BẰNG XÃ HỘI

Các Giáo phụ đào sâu sứ điệp xã hội của Kinh Thánh và mạnh mẽ lên tiếng tố cáo tình trạng bất công xã hội. Đồng thời, các vị cống hiến cho Giáo Hội nhiều suy tư và giải pháp tích cực trong việc tranh đấu cho quyền lợi của người nghèo, theo tinh thần Kitô giáo. Hai chủ đề người ta thường gặp thấy trong các bài viết và bài giảng của các vị là: vận mệnh phổ quát của tài sản người nghèo có quyền dự phần vào tài sản chung của nhân loại.

Trung thành với sứ điệp xã hội của Kinh Thánh, các Giáo phụ không ngừng lặp lại luận điểm căn bản: Thiên Chúa là sở hữu chủ của tất cả tài sản và Người ban tặng nó cho mọi người. Do đó, không ai là sở hữu chủ tuyệt đối trên những gì mình đang chiếm giữ. Đúng ra, những người giàu chỉ giữ vai trò quản lý đối với tài sản chung của nhân loại. Vì thế, họ có nhiệm vụ chia sẻ tài sản đó với anh em đồng loại[1].

Sống trong một nền kinh tế nông nghiệp, khi mà tăng trưởng kinh tế thường là số không, các Giáo phụ rất dị ứng với cảnh giàu sang, vì nghĩ rằng để một người giàu lên thì nhiều người sẽ phải nghèo đi. Chính trong viễn ảnh đó, thánh Basiliô thẳng thắn cật vấn người giàu: “Bạn không phải là kẻ trộm đó sao? Tiền của trao cho bạn quản trị, bạn lại chiếm hữu. Kẻ trấn lột người khác được gọi là tên cướp, còn người không cho kẻ rách rưới mặc, khi anh ta có thể làm được điều đó, thì có xứng đáng mang một tên gọi khác chăng?

Chiếc bánh mà bạn cất giữ thuộc về người đói. Áo khoác mà bạn cất kỹ trong rương là của người trần trụi. Giày để mốc meo trong nhà bạn là giày của người chân không. Tiền bạc bạn chôn giấu thuộc về người cùng khổ”[2].

Thánh Gioan Kim Khẩu đã nêu câu hỏi thời danh về nguồn gốc của tài sản và theo ngài luôn luôn có cái gì bất ổn hay mờ ám trong nguồn gốc này: “Bạn hãy nói cho tôi biết nguồn gốc tài sản của bạn? Bạn đã lãnh nhận nó từ tay ai? Và kẻ đó đã nhận nó từ người nào? Người ta sẽ trả lời: từ ông, từ cha. Nếu thế, cứ đi ngược lên các thế hệ, bạn có thể chứng minh quyền sở hữu của ông ta là chính đáng không? Có lẽ bạn không làm nổi đâu, vì nguyên lý và cội rễ của nó nhất thiết là một sự kiện bất công nào đó. Tại sao? Bởi vì, từ thuở ban đầu Thiên Chúa đã không làm nên kẻ này giàu, người kia nghèo (…). Người đã cho tất cả mọi người cùng một Trái đất. Do đó, nó là của chung, vậy thì tại sao bạn đã dư thừa ê hề của cải, trong khi láng giềng của bạn lại chẳng có một đồng xu dính túi?”

Theo thánh nhân, mỗi người có quyền sử dụng của cải trần gian để thỏa mãn nhu cầu chính đáng của bản thân và của gia đình. Tất cả những gì còn lại thuộc về người nghèo và chúng ta có trách nhiệm chuyển giao những của cải đó cho họ: “Không chia sẻ cho người nghèo của cải thuộc về họ là ăn cắp và cướp lấy mạng sống của họ. Của cải chúng ta đang chiếm giữ, không phải là của chúng ta, nhưng là của họ” (Laz. 1,6). Sâu thẳm hơn, ngài yêu cầu các tín hữu thể hiện hành động bác ái – yêu thương và cố nhận diện khuôn mặt của Đức Kitô nơi những người nghèo khổ. Trong đời sống tôn giáo, cần đề cao giá trị tâm linh và nhân bản trên việc xây dựng những đền đài vật chất. Ngài nói: “Bạn muốn tôn vinh Thân thể Đức Kitô ư? Vậy đừng ngoảnh mặt làm ngơ khi thấy Người trần trụi. Xin đừng tôn thờ Người ở đây, trong thánh đường, đầy nhung lụa gấm vóc, trong khi lại bỏ mặc Người ở bên ngoài, trần truồng và giá lạnh. Đấng đã tuyên bố: “Này là mình Thầy”, cũng chính là Đấng đã nói: “Anh thấy Tôi đói mà không cho ăn”(…). Nào có ích gì nếu bàn tiệc Thánh thể đầy những bình bằng vàng, trong khi chính Chúa đang chết đói? Hãy lập tức làm dịu cơn đói của Người và sau đó, với những gì còn sót lại, bạn sẽ trang hoàng bàn thờ”[3].

Bên phương Tây, thánh Ambrosiô cũng luôn lặp đi lặp lại nguyên tắc căn bản: Trái đất là gia tài chung và tặng vật để mọi người cùng hưởng dụng, người giàu cũng như người nghèo. “Thế nhưng, lòng tham đã phân chia ra quyền sở hữu. Đòi cho riêng mình cái thuộc về toàn thể nhân loại hay đúng hơn, cái dành cho mọi sinh vật, cũng có thể được coi là chính đáng, nếu như ngươi biết chia sẻ ít nhất một phần cho những người nghèo”.

Thánh Giám mục Milano lấy lại quan điểm của thánh Basiliô và cho rằng người tham lam là “người không bằng lòng với những nhu cầu cần thiết. Kẻ cướp là ai? Là người cướp đoạt, vơ vét tài sản của người khác. Anh tưởng rằng anh không phải là kẻ tham lam hay kẻ cướp sao? Của chung thiên hạ giao cho anh điều hành, anh lại giữ lấy cho riêng mình, như thế không phải là tham lam, hoặc ăn cướp thì còn là gì nữa? Lột áo kẻ khác là ăn cướp. Có dư áo mà thấy người khác ở trần cũng thây kệ, thì cũng là một hình thức ăn cướp. Anh nên nhớ: gạo anh tích trữ trong kho là gạo của người nghèo, áo anh cất trong tủ là áo của người trần trụi, giày anh để mốc meo trong xó là giày của kẻ chân không”.

Dựa trên lập luận và quan điểm thần học đó, thánh Grêgoriô Cả có lý để quả quyết: “Khi trao tặng những thứ cần thiết cho người nghèo, chúng ta không làm vì lòng quảng đại cá nhân, nhưng chỉ trả lại cho họ những gì thuộc về họ. Qua đó, chúng ta chu toàn trách nhiệm công bằng hơn là thực hiện một hành vi bác ái”.

Đối với thánh Augustinô, việc làm phúc bố thí, chia cơm sẻ áo là cần, nhưng chưa đủ. Điều thiết yếu là phải làm sao để không còn ai nghèo đói và cũng chẳng cần ai phải làm phúc cho ai. Xin trích dẫn một bản văn rất ý nghĩa và sâu sắc: “Chúng ta không nên ước ao có những người nghèo khổ để có dịp làm phúc. Nếu bạn đem cơm gạo cho kẻ đói ăn, tốt hơn là làm thế nào để chẳng còn ai đói khát, và bạn sẽ không cần cho ai cả. Bạn cho người rách mặc, nhưng nếu ai cũng có áo thì chẳng cần cho ai nữa… Tình yêu chân thật là ước muốn cho người khác được hạnh phúc, không thiếu thốn gì cả… Vì nếu bạn muốn giúp đỡ người nghèo khổ có lẽ bạn muốn coi mình hơn họ và coi họ kém bạn, vì cần đến bạn. Điều lý tưởng là làm sao chẳng ai phải cần đến ai và tất cả chúng ta chỉ lệ thuộc vào Thiên Chúa thôi”.

Bất chấp những khó khăn và tình trạng tranh tối tranh sáng của thời Phong kiến, một số vị hữu trách trong Giáo Hội đã cố gắng thực hiện sứ điệp xã hội nơi giáo huấn của các Ngôn sứ và của chính Đức Kitô. Nhiều luật lệ và biện pháp cụ thể được đưa ra nhằm thực hiện lý tưởng bác ái và huynh đệ của Kitô giáo.

Kể từ năm 321, Giáo Hội cho phép thâu nhận và quản lý tiền của do các tín hữu dâng cúng. Người ta thường gọi những tài sản này là “tài sản của Thiên Chúa” hay “tài sản của người nghèo”. Từ thế kỷ V, dưới thời Giáo chủ Simplicio (468- 483), Giáo luật bắt buộc các vị lãnh đạo trong Giáo Hội phải chia cho người nghèo ¼ tài sản này. Một số Công đồng Miền được triệu tập trong thế kỷ V và VI còn xác định hành động trợ giúp người nghèo nói trên là một bổn phận pháp lý. Ai giữ lại những tài sản đó sẽ bị vạ và coi như một kẻ giết hại người nghèo (necator pauperum).

Giáo chủ Gregoriô Cả (590–604) áp dụng cho toàn thể Giáo Hội mệnh lệnh bắt buộc phải chia cho người nghèo ít nhất ¼ lợi tức. Đối với các chủ chăn âm mưu tránh né việc thi hành mệnh lệnh này, Công đồng Arles (836) tuyên bố: “Các chức sắc của Giáo Hội cần biết rằng tài sản của Giáo Hội được giao phó cho các vị quản trị, không theo tư cách là tài sản riêng, mà là tài sản của Chúa để thoả mãn nhu cầu của tha nhân. Cũng cần biết rằng tài sản của Giáo Hội không có gì khác hơn là những gì mà các tín hữu đã dâng cúng, như giá chuộc tội của họ và gia tài của những người nghèo khổ”[4].

Với thời gian, từ trong Giáo Hội đã hình thành nhiều tổ chức để cung cấp lương thực cho những người đói khát, giáo dục trẻ em, chữa trị các bệnh nhân và săn sóc những người già nua. Tại mỗi giáo xứ có nhà cứu trợ và tại trụ sở của mỗi giáo phận có “Domus Dei” (Nhà Đức Chúa Trời). Đây là những trung tâm đón tiếp khách hàng hương và chăm nuôi những người nghèo khổ, già nua, bệnh tật.

Giám mục thường được gọi là “cha của người nghèo” và “trạng sư của những người bé mọn”. Công đồng Toledo IV (633) tuyên bố: “Các Giám mục không được từ chối trách nhiệm mà Thiên Chúa đã giao phó để bảo vệ và bênh vực dân chúng. Bởi vậy, khi thấy các quan Tòa và những ông chủ trở thành kẻ thù của những người nghèo, trước tiên, với tư cách Giám mục, phải khiển trách họ. Nếu họ không muốn hối lỗi, thì trình lên nhà Vua thái độ cao ngạo đó, bởi vì những ai mà không chịu thi hành công lý do lời cảnh cáo của Giám mục, thì hoặc là quyền lực của nhà vua sẽ khuất phục họ hay sẽ bị coi là phạm nhân trước Công đồng”[5].

Để có thể thi hành một cách hữu hiệu vai trò “người cha và người bênh vực những người nghèo”, công đồng Macon (585) đã đưa thêm một số quyết định cụ thể: Các Tòa Giám mục không nuôi chó. Các nghị phụ tuyên bố: “Chúng tôi muốn rằng các Tòa Giám mục, do hồng ân của Chúa được xây dựng để niềm nở đón tiếp mọi người, không hề có bất cứ sự phân biệt nào, không được nuôi chó. Phải làm sao để những người tin tưởng tìm gặp nơi các Giám mục sự nâng đỡ cho cảnh khốn cùng của họ, không rơi vào cảnh thân thể bị rách nát vì chó cắn. Bởi vì Tòa Giám mục phải được bảo vệ bởi tình thương, chứ không bằng bạo lực, bằng việc phước đức, chứ không bằng những vết cắn độc hại. Do đó, thật là quái đản và bất kính, nơi mà danh Chúa luôn được ca tụng, lại có chó dữ và chim săn mồi” (Can. 13).

2. NGƯỜI NGHÈO GIỮA LÒNG GIÁO HỘI GIÀU SANG

Rất tiếc, với thời gian, tương tự nhiều tổ chức nhân loại khác, các tổ chức phục vụ người nghèo của Giáo Hội đã bị biến chất và suy đồi! Các sử gia vẫn gọi thế kỷ X là “thế kỷ sắt” của giáo triều, thế kỷ vô luân nhất trong tất cả lịch sử của Giáo Hội. Với sự xuất hiện của “Nước Tòa Thánh”, cơ cấu của Giáo Hội đã biến thành một “thế lực chính trị” và tài sản của Giáo Hội không còn là tài sản của những người nghèo nữa, mà được dùng để phục vụ các thế lực chính trị và cuộc sống vương giả của các chức sắc trong Giáo Hội. Vào giai đoạn này, nhiều bậc vị vọng trong Giáo Hội thường chủ tâm kiếm tìm quyền bính, tiền bạc và đời sống vương giả. Các vị bận tâm nhiều đến “tài sản của người nghèo” hơn là “chính người nghèo”. Công tác phục vụ người nghèo không những giảm dần và, hơn nữa, những quà tặng ít ỏi dành cho người nghèo thường chỉ tới tay một nhóm người phần nào có liên hệ với Giáo Hội. Những người nghèo đích thực, thê thảm và đáng thương nhất đã bị bỏ rơi.

Kể từ cuối thế kỷ XI, dân số châu Âu tăng nhanh, thiên tai lụt lội và việc phát hành tiền tệ đã làm tăng thêm số người lang thang và bị loại trừ. Rất nhiều trường hợp, cảnh khốn cùng đã biến họ thành lớp người nguy hiểm. Người nghèo bấy giờ trở thành lớp người đáng ngờ vực và gây âu lo. Nhiều người sống bên lề xã hội, du thủ du thực, tụ tập trong những khu rừng hay kéo nhau về vùng ven đô để kiếm sống qua ngày.

Tình trạng căng thẳng xã hội và tôn giáo này nhiều lần đã bùng phát, một cách rất rõ nét, qua các “phong trào người nghèo” suốt dọc thế kỷ XI và XII. Đây là một phong trào phức tạp và dị nghĩa, trộn lẫn các lý do tôn giáo, chính trị, kinh tế và xã hội. Nói chung, những phê phán trước đây thường được đưa ra để chống lại người giàu, bấy giờ lại trở thành lời tố cáo chống lại nhà cầm quyền và hàng Giáo phẩm. Nhưng có những trường hợp lời tố cáo gay gắt và cực đoan của phong trào này đã dẫn đến bạo động hay ly giáo.

Dĩ nhiên, phong trào người nghèo không chỉ là đất dụng võ của lạc giáo và các nhóm phản kháng mà thôi, mà nó cũng là nguồn gốc của nhiều Hội Dòng và phong trào canh tân trong Giáo Hội: như Joachim de Fiore, thánh Bernarđô, Stephano de Muret, thánh Phanxicô khó nghèo, thánh Đa-Minh… là những khuôn mặt chính ở thời Trung Cổ đã lựa chọn khó nghèo Tin Mừng và đồng hành với người nghèo giữa một Giáo Hội giàu sang và quyền thế. Chúng ta có thể nói lý do của Tin Mừng và lý do của người nghèo nối kết chặt chẽ với nhau trong chọn lựa của các vị. Khi đối diện với một hàng giáo phẩm quá giàu sang giữa lúc đại đa số dân chúng sống trong cảnh lầm than, nhiều nhà giảng thuyết cho rằng để có thể rao giảng Tin Mừng của Đức Giêsu khó nghèo phải sống nghèo và phải đứng về phía người nghèo như Người đã thực hiện.

Trong bối cảnh lịch sử đặc biệt đó, nhiều thánh nhân đã lên tiếng yêu cầu cải tổ Giáo Hội. Tiếng nói của các vị đôi khi rất gay gắt, na ná như ngôn từ của các ngôn sứ trong Cựu Ước hay của “phong trào người nghèo” ở thời đó. Để dẫn chứng, xin trích một bản văn của thánh Bernarđô, một bậc thầy tâm linh của thời Trung cổ. Ngỏ lời với các Giám mục, thánh nhân thẳng thắn đặt vấn đề: “Những người trần trụi kêu la, những người đói khổ chất vấn: Hỡi các chức sắc của Giáo Hội, các vị hãy trả lời cho chúng tôi, tại sao các vị dùng vàng để làm thắng ngựa? Tại sao không sử dụng vàng đó để giảm thiểu đói lạnh? Khi chúng tôi chết một cách thê thảm vì đói rét, các vị làm gì với bao nhiêu áo bông thêu thùa lộng lẫy và cất kỹ trong tủ? Thuộc về chúng tôi những gì các vị đã lấy một cách bất công. Những gì các vị đang tiêu xài phung phí, các vị đã tước đoạt của chúng tôi một cách dã man. Chúng tôi không phải là tạo vật của Thiên Chúa và được máu Đức Kitô cứu chuộc như các vị sao?(…). Các vị đã sử dụng cuộc đời chúng tôi để làm giàu. Tất cả những gì làm tăng thêm vẻ phù hoa của các vị đã được lấy từ nhu cầu thiết yếu của chúng tôi. Và tật xấu luôn phát sinh từ gốc rễ tham dục. Chính nó dẫn đưa các vị đến hư mất, trói ghì các vị và đe dọa, trấn lột chúng tôi”[6].

Thánh Bernarđô cũng cố gắng thuyết phục Giáo chủ Eugeniô III trở thành người bảo vệ những người nghèo khổ, cô thân cô thế. Trong một lá thư rất thân tình gửi Đức Giáo chủ, thánh nhân can đảm nêu lên những yêu sách mang tính ngôn sứ: “Sự lừa đảo, gian manh, bạo động lộng hành khắp nơi trên mặt đất. Cường quyền ác bá thì vô kể, còn người bảo vệ kẻ vô tội lại quá ít. Khắp nơi, người quyền thế áp bức người nghèo. Chúng ta không thể nhắm mắt trước thảm trạng người áp bức người, chúng ta không thể chối từ công lý cho những người đang gánh chịu bất công (…). Không cần thiết ngài phải xét xử tất cả mọi trường hợp, nhưng những trường hợp được đệ trình lên, ngài nên phân tích cẩn thận và đồng thời giải quyết trong một thời gian ngắn. Ước mong sao sẽ đến tay ngài trường hợp của các bà góa, của những người nghèo và của những người không có tiền để trả (quan toà)! Những trường hợp khác có thể giao cho thuộc hạ”.

Để giảm bớt tình trạng lầm than của người nghèo, các luật gia và luân lý gia cố gắng đưa ra nhiều tiêu chuẩn đạo đức xây dựng trên công bằng và bác ái. Họ phân biệt rõ rệt trường hợp ăn trộm vì thói xấu và ăn trộm vì đói khổ. Trường hợp sau cùng này được đối xử một cách nhân từ và cảm thông, nhiều khi không bị qui trách. Trước câu hỏi mang tính luân lý: Có được phép lấy của người khác để cứu mạng sống trong trường hợp túng đói hay không? Nhiều luật gia và thần học gia khẳng định là được, bởi vì mọi sự trở thành tài sản chung trong trường hợp khẩn thiết do túng đói. Quan điểm này được Uguccio de Pisa công thức hóa như sau: Theo luật tự nhiên, mọi sự là của chung, vì vậy trong trường hợp khẩn thiết được sử dụng tài sản của người khác để cứu mạng sống[7].

Một số thần học gia và các nhà giảng thuyết đã đào sâu đề tài khó nghèo và phẩm giá của người nghèo từ viễn quan Kitô học. Hành động dấn thân tranh đấu cho quyền lợi của người nghèo và đề cao nhân phẩm của họ không phải chỉ dựa trên lý do nhân bản, mà trước hết và trên hết là do đòi hỏi của niềm tin Kitô giáo. Từ đó nở rộ một trào lưu thần học lên án sự giàu sang của hàng Giáo phẩm và chủ trương rằng sống khó nghèo theo tinh thần Tin Mừng là một điều kiện tất yếu để bước theo Đức Kitô.

Theo Hiduin (1188-1193), Đức Giêsu không những đã sống nghèo, mà hơn nữa “đã chọn những người đơn sơ và dốt nát chứ không chọn các triết gia, mời gọi người nghèo chứ không phải những người mặc áo gấm”. Raul Ardent nhấn mạnh tầm quan trọng của một châm ngôn tu đức thời danh: “Nudus nudum Christum sequi” (trần trụi để bước theo Đức Kitô trần trụi). Ông lấy khó nghèo tình nguyện làm yếu tố căn bản của nền tu đức mới. Maurice de Sully (1160-1196), Giám mục Paris, gọi những người nghèo hèn, bệnh tật, bé mọn là “gia nhân” và “người thân cận” của Chúa[8].

Pièrre de Blois (1130-1200) đi xa hơn nữa. Ông gọi “người nghèo là Đại diện của Đức Kitô”. Trong lá thư khá gay gắt, gửi một Giám mục đã không thi hành việc phân phát tài sản cho người nghèo, ông viết: “Người nghèo là đại diện của Đức Kitô. Chính vì thế Chúa đã đau lòng biết bao khi thấy bị từ chối và khinh miệt trong người nghèo, đồng thời Người vui mừng khi được đón nhận trong người nghèo. Do đó, nếu ngài mở kho lẫm của ngài cho những người hành khất, ngài sẽ không bị lời chúc dữ: “Vô phúc cho ai giấu lương thực của dân chúng”. Xin hãy rọng tay phân phát những gì mà ngài đã tham lam tích lũy”[9].

3. QUAN ĐIỂM CỦA THÁNH TÔMA AQUINÔ

Truyền thống Kitô giáo đưa ra hai xác quyết đối nghịch: Quyền của người nghèo được tham dự vào tài sản chung phải tôn trọng quyền tư hữu, nhưng hầu như không bận tâm đến sự mâu thuẫn nội tại của chúng. Ở thời đó, người ta chưa thấy một khảo luận nghiêm túc nào để đưa ra một giải thích nhất quán về hai xác quyết căn bản nhưng hàm chứa sự mâu thuẫn và đối nghịch nhau. Thánh Tôma Aquinô đã cố gắng đưa ra một giải thích hữu lý giữa vận mệnh phổ quát của tài sản và quyền tư hữu.

3.1. Quyền lợi của người nghèo

Theo Tôma Aquinô, bản tính con người được thể hiện đích thực trong mỗi cá nhân, nên quyền tư hữu, cũng như tất cả các quyền khác, đều bắt nguồn nơi chính mỗi cá nhân, chứ không phải nơi bất cứ quyền tập thể giả định nào của xã hội, được hiểu như “pháp nhân”. Tuy nhiên, vì bản tính con người, tự bản chất, hàm chứa chiều kích xã hội, quyền tư hữu này chỉ là một hình thức tham dự vào quyền tự nhiên và công cộng. Về điểm này, Tôma Aquinô viết những dòng độc đáo: “Tính tập thể của tài sản thuộc về quyền tự nhiên, không theo nghĩa là quyền này đòi hỏi rằng tất cả mọi sự đều phải thuộc về tập thể và chẳng có gì riêng tư, mà có ý nói rằng việc phân chia các hình thức chiếm hữu không thuộc về luật tự nhiên, mà phát xuất từ quy ước của dân luật. Do đó, các hình thức tư hữu trong việc chiếm dụng tài sản không tương phản với luật tự nhiên, trái lại bổ túc cho nó nhờ lý trí”[10].

Như vậy, thay vì hủy bỏ tính tập thể tự nhiên của tài sản, tư hữu đã bổ túc và phong phú hóa nó. Quyền lợi nguyên thủy của mọi người được tham dự vào tài sản chung, nhất là khi rơi vào cảnh khốn cùng, vẫn tiếp tục hiện hữu. Tài sản của nhân loại, ngay cả sau khi đã được tư hữu hóa, vẫn duy trì tính chất tập thể trong việc sử dụng. Bản văn sau đây của tác giả nói rõ vị thế ưu tiên của quyền tự nhiên đối với tài sản chung: “Những gì thuộc về luật lệ của con người thì không thể vô hiệu hóa luật tự nhiên hay luật thần linh. Thế mà, theo luật tự nhiên, được thiết lập do sự quan phòng thánh thiêng, thì những vật hạ đẳng phải nhằm thỏa mãn nhu cầu của con người. Đây cũng là lý do nhằm giải quyết phần tài sản mà một số người chiếm hữu một cách thừa thãi, phải được sử dụng để nuôi sống người nghèo, theo luật tự nhiên. Đó cũng là điều mà nhiều người cho rằng thánh Ambrosio đã nói và được trích dẫn trong các Sắc lệnh: “Bánh anh tích trữ là bánh của người nghèo đói, áo anh cất trong tủ là áo của người trần trụi, tiền bạc của anh là tiền chuộc và giải thoát những người khốn cùng, nhưng anh chôn kỹ trong lòng đất”[11].

Tiếp nối quan điểm của các Giáo phụ, thánh Tôma vẫn chủ trương tất cả những gì dư thừa nơi tài sản của người giàu thuộc về người nghèo. Do đó, người giàu bắt buộc phải phân phát của cải dư thừa này cho người nghèo. Thánh nhân coi đây là một một nghĩa vụ thuộc đức công bằng.

Để hiểu rõ hơn giải pháp dung hòa của Tôma giữa quyền tư hữu và quyền tự nhiên cho phép người nghèo được tham dự vào tài sản chung của nhân loại, cần thiết một vài phân biện nho nhỏ sau đây:

* Nếu chúng ta chỉ nhìn quyền lợi như hậu quả và hệ luận của việc trao đổi, nghĩa là theo công bằng giao hoán, thì người nghèo chẳng có quyền đòi hỏi gì cả, vì chẳng có gì để trao đổi. Tuy nhiên, đây là một lối giải thích sai lầm, bởi vì đã giản lược tất cả các chiều kích rộng lớn của công bằng vào công bằng giao hoán mà thôi.

* Ngược lại, nếu hiểu quyền lợi này theo công bằng phân phối thì mọi người, với tư cách là thành viên của cộng đồng – xã hội, đều có quyền tham dự vào tài sản chung và được nhận “phần riêng của mình”. Vì thế, công bằng phân phối bao trùm một lãnh vực rộng lớn hơn điều mà người ta thường nghĩ.

* Khi xác định những gì mà cộng đồng phải phân phối cho các thành viên để mỗi người có thể sống một cách thỏa đáng, công bằng phân phối không loại bỏ tất cả mọi hình thức bất quân bình tự nhiên (như sức khỏe, khả năng thiên phú, tỉ lệ đóng góp…) để chủ trương một thứ “quân bình cào bằng” theo kiểu bần cùng hóa. Tuy nhiên, cũng không thể chấp nhận hiện tượng cách biệt quá sâu thẳm giữa giàu – nghèo, để duy trì và bảo vệ tình trạng « kẻ ăn không hết, người lần không ra». Chính vì vậy, thánh Tôma đề nghị một thứ “quân bình tỷ lệ” trong hành động phân phối: “Trong công bằng phân phối, người ta trả lại cho mỗi người cái mà toàn thể mắc nợ mỗi thành viên và món nợ này càng lớn khi thành viên đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng (…). Do đó, công bằng phân phối không xác định mức độ phân phối dựa trên sự bình đẳng vật đối vật, mà theo tương quan tỉ lệ giữa sự vật với con người. Nói cách khác, khi một người đóng góp cho cộng đồng nhiều hơn các người khác thì sẽ được phân phối nhiều hơn”. Trái với công bằng giao hoán, trong công bằng phân phối tính bình đẳng được thiết lập theo “tỉ lệ số học”[12].

Sau khi đã phân tích quan niệm công bằng theo thánh Tôma, Th. Delos đã kết luận với một nhận định sâu sắc như sau: Quan niệm công bằng phân phối của thánh Tôma dựa trên thực tế bất quân bình xã hội để thay thế quân bình chủ nghĩa bằng “công bằng tỉ lệ” và dựa trên nguyên tắc bình đẳng nền tảng giữa người với người, bất chấp những bất bình đẳng về xã hội, để đảm bảo cho mỗi người những điều kiện sống xứng đáng với nhân phẩm. Nhân danh tính bình đẳng tự nhiên giữa người với người này, mỗi cá nhân có quyền căn bản trong công bằng phân phối[13].

Thánh Tôma đã bảo vệ một cách dứt khoát quan niệm công bằng này, vì thực ra đây chỉ là một hệ luận tất nhiên của quan điểm nền tảng về vận mệnh phổ quát của tất cả tài sản trên Trái đất và quyền của người nghèo được tham dự vào tài sản đó. Thành ra, nghĩa vụ của các sở hữu chủ là làm sao quản trị tốt tài sản đang nắm giữ, đồng thời tạo điều kiện để người nghèo được tham dự vào tài sản chung này, nhất là khi họ lâm cảnh khốn cùng.

3.2. Chiếm hữu riêng hay chung

Truyền thống Kitô giáo chưa biết tới quan niệm quyền tư hữu đối lập với “tài sản chung” hay “quốc hữu” như ở thời đại chúng ta. Thánh Tôma không hề sử dụng từ “tư hữu” theo nghĩa hiện đại, mà thường sử dụng hạn từ “chiếm hữu riêng” và “chiếm hữu chung”.

Đối diện với câu hỏi: “Con người có được phép chiếm hữu một cái gì làm của riêng không?”, Tôma không trả lời một cách đơn giản có hay không, mà đã đưa ra một phân biện thời danh có khả năng tổng hợp tư tưởng của các Giáo phụ.

a)- Về phương diện quản trị: Theo thánh Tôma, “con người có hai thái độ đối với tài sản ngoại tại. Trước hết, quyền quản trị và phân phối chúng. Dưới góc độ này, con người được phép chiếm hữu tài sản một cách riêng tư”. Và thánh Tôma đưa ra ba lý do để biện minh cho quan điểm này:

* Khi mỗi người trách nhiệm một công việc thì tốt hơn tình trạng “cha chung không ai khóc”. Lý do hiển nhiên: “Mỗi người thường quản trị chu đáo những gì được giao phó cho riêng họ hơn là khi được giao chung cho mọi người hoặc nhiều người, bởi vì mỗi cá nhân thường tránh những gì cực nhọc và đùn trách nhiệm cho người khác”

* Việc quản trị tài sản cũng có trật tự hơn khi giao cho mỗi người coi sóc một công việc, trong khi đó sẽ phát sinh xáo trộn nếu mọi người trách nhiệm một cách không rõ rệt về mọi sự”.

* Hòa bình sẽ được bảo đảm tốt hơn nếu mỗi người thỏa mãn với những gì mình có, trong khi đó tình trạng lộn xộn, thiếu rõ ràng và minh bạch thường là nguyên nhân của tranh chấp, khiếu kiện.

b)- Về phương diện sử dụng. Theo thánh Tôma, con người cũng có quyền sử dụng các tài sản ngoại tại để thỏa mãn nhu cầu thiết yếu và để phát triển bản thân. Nhưng về phương diện này, không nên chiếm hữu tài sản một cách riêng tư, mà nên để tài sản làm của chung, ngõ hầu những người nghèo khổ cũng được tham dự vào tài sản chung của nhân loại.

Xin trích dẫn một bản văn tiêu biểu của Tôma Aquinô: “Con người không được chiếm hữu các tài sản trần gian như của riêng mình, mà như tài sản chung, theo ý nghĩa là phải chia sẻ tài sản này cho những người túng thiếu. Vì thế, thánh Phaolô viết: “Anh hãy truyền cho những người giàu ở trần gian này (…) phải ăn ở rộng rãi và sẵn sàng chia sẻ”[14].

Như vậy, đối với Tôma, không hề có một quyền “tư hữu” tuyệt đối và bất khả xâm phạm. Quyền “tư hữu” được chấp thuận và biện minh vì lý do quản trị, kinh tế và tâm lý. Nó được coi là một phương tiện để quản trị tốt hơn tài sản chung, chứ không hủy bỏ nguyên tắc nền tảng về vận mệnh phổ quát của tài sản và quyền căn bản của người nghèo được tham dự vào tài sản chung của nhân loại.

 


[1] R. Sierra Bravo đã tuyển tập hầu như tất cả các bản văn của các Giáo phụ về vấn đề kinh tế – xã hội trong tác phẩm đồ sộ mang tựa đề “Doctrina social y económica de los Padres de la Iglesia. Colección general de textos y documentos”, Madrid, 1967; El mensaje social de los Padres de la Iglesia. Selección de textos, Madrid, 1989; D. Ruiz Bueno, Padres Apostólicos, BAC, Madrid, 1985.
[2] PG 31, 261 tt.
[3] Bài dẫn giải về Tin Mừng theo thánh Mathêu, 50, 3-4; PG 58, 508-509.
[4] Công đồng Arles, c. 19.
[5] J. Vives, Concilios visigóticos e hispanorromanos, Barcelona, 1963, 204.
[6] San Bernado, Trattato sui costumi e i doveri dei vescovi, 2,7 (PL.182, 815 – 816).
[7] Jure naturae omnia sunt communia, id est tempore necessitatis indigen-tibus communicanda.
[8] Vidua, pupillus, infirmus, exsul, inops sunt familia Domini
[9] Trích dẫn theo J.I. González faus, Vicari di Cristo. I poveri nella teologia e nella spiritualità cristiane, EDB, Bologna, 1995, 153-154.
[10] Tổng luận thần học, 2-2, q.66, a.2, ad 1.
[11] Ibidem, a. 7.
[12] Ibidem, q. 61, a.2
[13] Th. Delos, Notes et appendices de Somme théologique II-II, q.57-62, Cerf, Paris, 1932, 208; D. Dognin, Justice distributive et Philosophie économique, Le Saulchoir, 1962.
[14] Tổng luận thần học, II-II, q. 66, a. 2.