Phan Thiên, OP.
Những cuộc tranh luận chung quanh thân thế của Đức Giêsu Kitô không chỉ có tính cách thuần túy siêu hình[1], hoặc chung quanh việc xác nhận các chi tiết về niên biểu lịch sử. Các câu hỏi chung quanh thân thế và sự nghiệp của Ngài có liên hệ tới vấn đề cứu rỗi của nhân loại nói chung và của từng người nói riêng. Thực vậy, mầu nhiệm nhập thể cần phải được nhìn dưới viễn ảnh cứu độ: Đức Kitô vừa là Thiên Chúa vừa là con người, bởi vì Ngài đã được đặt làm Đấng Trung gian giữa Thiên Chúa với con người. Mầu nhiệm thập giá và phục sinh lại càng liên can tới ơn cứu độ hơn nữa. Theo như thánh Phaolô đã quả quyết: nếu Đức Kitô không sống lại thì lòng tin của chúng ta sẽ trở nên hão huyền; thế nhưng, vì Đức Kitô đã sống lại cho nên chúng ta đã được cứu rỗi.
Chúng ta có thể nhận thấy một cái nhìn mới về mối liên hệ giữa Đức Kitô và sự cứu độ. Trước đây, xem ra Đức Kitô chỉ được coi là Đấng cứu độ khi chịu chết trên thập giá. Thế nhưng khi trở về với Kinh Thánh và các Giáo phụ, chúng ta thấy rằng mầu nhiệm cứu độ đã bắt đầu kể từ khi Ngôi Lời kết hợp với nhân loại, nghĩa là từ khi Nhập thể, nhờ đó nhân loại được hợp nhất với Thiên Chúa: “Ngôi Lời đã trở nên con người để con người được trở nên Thiên Chúa”[2], như thánh Irênê đã viết. Thánh Tôma Aquinô cũng đã coi tất cả cuộc đời của Đức Kitô mang giá trị cứu rỗi, kể từ khi thụ thai trong lòng đức Trinh nữ Maria, cho đến lúc ra đời, những năm ẩn dật tại Nadaret cũng như những lời giảng và việc làm trong cuộc đời công khai. Quan điểm này được sách Giáo Lý Hội Thánh Công giáo lấy lại ở số 517, và được quảng diễn ở các số 512-560. Dĩ nhiên cao điểm của công trình cứu chuộc là Mầu nhiệm Vượt qua (cuộc tử nạn và phục sinh) – như đã nói ở bài trước. Thế nhưng, câu hỏi được đặt ra là: cứu rỗi có nghĩa là gì? Phải hiểu thế nào về việc Đức Kitô là Đấng cứu rỗi nhân loại?
I. CỨU RỖI LÀ GÌ?
Trong tiếng Việt, chúng ta gặp thấy nhiều từ ngữ: cứu chuộc, cứu chữa, cứu thoát, cứu rỗi, cứu độ. Chắc hẳn các từ đó đã chịu ảnh hưởng không nhỏ của các tôn giáo khác[3]. Có lẽ quan niệm thông thường nhất trong đầu óc chúng ta là cứu chuộc: chúng ta mắc một món nợ mà không có cách nào trả nổi; trong tình trạng cùng khổ đó, Đức Kitô đã đến trả nợ thay cho ta, chuộc chúng ta khỏi cảnh làm tôi mọi của ma quỷ. Thực ra, quan niệm này không phải là cái gì riêng tư ở Việt Nam mà là chung của cả thần học Công giáo trong quá khứ. Tuy nhiên, nó chỉ diễn tả được một góc cạnh của ơn cứu độ, chứ không phải là toàn thể sự nghiệp của Đức Kitô. Sự nghiệp này đã được Tân ước diễn tả qua nhiều từ ngữ khác nữa: hòa giải và bình an (Ga 19,23; Ep 2,14): bình an với Thiên Chúa (Rm 5,1) cũng như hòa giải giữa loài người và với vũ trụ (Cl 1,15-20). Trong thư gửi Galat và Rôma, thánh Phaolô nhấn mạnh tới sự tự do (giải thoát) mà Đức Kitô đã mang lại: tự do khỏi tội lỗi và sự chết, tự do khỏi Lề luật và sợ hãi, tự do để sống theo thần khí. Thư gửi Do thái thì nêu bật tư tưởng hy lễ và giao ước mới. Theo sách Khải huyền, ơn cứu độ chỉ đạt tới độ sung mãn vào thời cánh chung, trong thành Giêrusalem trên trời, “nơi mà Thiên Chúa cư ngụ mãi mãi ở giữa nhân loại, khi Ngài lau sạch nước mắt cho họ, khi không còn sự chết cũng chẳng còn tang tóc, lầm than đau khổ nữa” (Kh 21,3-4). Hơn nữa, kể cả vũ trụ vật chất cũng sẽ được hưởng nhờ ơn cứu độ (Xc.1Cr 15,27; Ep 1,22; 3,10; Cl 1,18).
Ngoài việc tìm hiểu ý nghĩa của các từ ngữ sử dụng trong Kinh Thánh, thần học còn phải cố gắng diễn đạt qua các phạm trù tư tưởng của thời đại hôm nay, ngõ hầu cho thấy con người hôm nay vẫn còn trông mong và cần được ơn cứu độ. Sự cứu độ giả thiết một tình trạng nguy kịch mà con người muốn thoát ra. Trong đời sống thường nhật, những từ ngữ “cứu cấp, cứu chữa, cứu nguy, cứu hỏa,…” đều gắn liền với một tình trạng hiểm nguy đe dọa tính mạng tài sản của cá nhân hay của cộng đoàn. Bước sang lãnh vực tôn giáo, chúng ta cũng gặp thấy bối cảnh đó, điển hình là Phật giáo: giáo lý nhà Phật muốn giúp cho con người vượt qua bể khổ, giải thoát khỏi cảnh trầm luân. Thế thì chúng ta phải nói làm sao về quan niệm cứu rỗi của Kitô giáo?
Câu trả lời không thuần nhất, không những tại vì trăm người trăm ý, mà còn tại vì những môi trường văn hóa xã hội của các tác giả nữa.
Tại các nước Âu – Mỹ, nơi mà các nhu cầu vật chất đã được giải quyết và người dân đã được hưởng những quyền tự do căn bản, thì sự cứu rỗi được trình bày như là giải thoát khỏi những băn khoăn lo âu vì tính cách hữu hạn hiện sinh, nhất là khi phải đối diện với bệnh nan y, quyết định tự do, và nhất là cái chết.
Tại những nước còn phải chịu cảnh thiếu thốn nghèo đói, thì sự cứu rỗi được trình bày không những dưới khía cạnh tinh thần (cứu rỗi thiêng liêng, cứu rỗi linh hồn) mà còn bao gồm khía cạnh nhân sinh toàn diện nữa (thoát khỏi cảnh nghèo đói, bệnh tật, dốt nát). Đức Kitô đã khai mào Nước Thiên Chúa không những qua việc tha thứ tội lỗi mà còn qua việc chữa lành bệnh tật, dạy dỗ kẻ dốt nát, ban bánh cho người đói. Ngoài ra, khuynh hướng thần học giải phóng còn muốn đề cao vai trò trách nhiệm của con người trong việc kiến tạo nước trời, qua việc phân tích những lý do chính trị xã hội đưa tới cảnh nghèo đói bất công cũng như qua việc dấn thân bài trừ các căn do ấy. Dĩ nhiên, trong bối cảnh này, vai trò của Giáo hội không phải chỉ giới hạn vào việc công bố Tin mừng giải phóng, nhưng còn phải dấn thân vào công cuộc giải phóng người nghèo, giúp họ sống xứng đáng với nhân phẩm.
Như vậy, mặc dù Đức Kitô đã thực hiện công cuộc cứu độ từ hai ngàn năm qua, nhưng thần học không ngừng suy tư về ý nghĩa của biến cố đó. Điển hình là tựa đề của các thông điệp quan trọng của Đức Gioan Phaolô II đều gắn thêm danh từ cứu độ: Redemptor Hominis (Đấng Cứu độ nhân loại), Redemptoris Mater (Thân mẫu Đấng Cứu độ), Redemptoris Missio (Sứ vụ của Đấng Cứu độ). Ủy ban thần học quốc tế cũng dành ra một văn kiện để suy tư về thần học cứu độ (Alcune questioni sulla teologia della redenzione, 1994). Nói cho cùng, bàn về ơn cứu độ tức là bàn về con người. Thần học về ơn cứu độ muốn nêu bật mối tương quan giữa Kitô học và Nhân học (Christologia – Anthropologia), một hướng đi đã được Công Đồng Vaticano II vạch ra trong hiến chế “Vui mừng và Hy vọng”. Đức Kitô đã mặc khải cho con người biết thiên chức của mình, và đã mở đường để thực hiện thiên chức đó. Đạt được ơn cứu độ có nghĩa là đạt tới khát vọng cao siêu nhất của con người và thể hiện các tiềm năng của con người, xét như cá thể và xét như toàn thể cộng đồng. Huấn quyền của Giáo hội sau công đồng đào sâu thêm khái niệm về sự cứu rỗi toàn diện con người[4]. Cũng dưạ trên niềm xác tín đó mà Huấn quyền trình bày một học thuyết xã hội.
II. ƠN CỨU RỖI PHỔ QUÁT?
Trước Công Đồng Vatican II, hầu như các nhà thần học Công giáo đều cho dân ngoại phải xuống hỏa ngục hết: “Extra Ecclesiam, nulla salus”[5]. Công Đồng Vatican II, đặc biệt là ở số 16 của Hiến chế về Hội thánh[6], đã nhìn nhận rằng các người ngoài Kitô giáo có thể được cứu rỗi. Thực ra, vấn đề cứu rỗi không tùy thuộc vào một công đồng hay làvào ý kiến đa số của các nhà thần học! Sự cứu rỗi là một hồng ân của Thiên Chúa ban mà không cần phải bàn hỏi với các thần học gia! Nhiệm vụ của thần học là phải khiêm tốn học hỏi đường lối của Thiên Chúa, chứ đừng lấy tư tưởng của mình làm ý Chúa! Kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa được mặc khải qua Đức Kitô. Đức Kitô đã bày tỏ tình yêu của Chúa Cha dành cho hết mọi người, đi trước công trạng của họ. Đức Kitô cũng cho biết rằng mình đến không phải để được phục vụ nhưng mà để phục vụ và cứu chuộc hết mọi người (xc. Mc 10,45). Khi thiết lập bí tích Thánh Thể, Đức Kitô đã khẳng định là Ngài đổ máu ra vì phân rỗi của hết mọi người (Mt 26,28).
Như vậy là Kinh Thánh cho thấy ý định cứu rỗi phổ quát của Thiên Chúa[7], đồng thời ơn cứu rỗi được ban nhờ Đức Kitô, vị Trung gian giữa Thiên Chúa và loài người (1Tm 2,5-6). Thế nhưng từ sau Công Đồng Vatican II, tiếp theo các cuộc đối thoại với các tôn giáo hoàn cầu, một số nhà thần học cho rằng cần phải đặt lại vấn đề. Nói rằng “Thiên Chúa muốn cứu rỗi hết mọi người” thì dễ chấp nhận rồi; nhưng nói rằng “Thiên Chúa ban ơn cứu rỗi qua Đức Kitô” thì xem ra quá ngạo nghễ, bởi vì làm hạ giá các tôn giáo khác, coi các vị sáng lập các tôn giáo không ra gì. Thế thì còn mong gì đối thoại với nhau được nữa? Nhằm giải quyết vấn nạn đó, có người đề nghị rằng cần phải phân biệt giữa Đức Giêsu và Đức Kitô. Đức Giêsu là một con người lịch sử, chịu giới hạn bởi thời gian và không gian, cho nên không thể nào có tính cách phổ quát và tuyệt đối được. Vai trò Trung gian tuyệt đối phải dành cho Đức Kitô, Ngôi Lời hằng hữu, có trước mọi loài thọ sinh. Sự phân biệt này cũng có phần đúng của nó, nhưng đâu còn duy trì được sự đồng nhất về bản vị giữa Đức Kitô và Đức Giêsu nữa: xem ra như là hai nhân vật khác biệt nhau!
Một chủ trương khác còn đi xa hơn nữa, khi cho rằng trong suốt đời mình Đức Giêsu chuyên tâm rao giảng và phục vụ Thiên Chúa. Đức Giêsu có bao giờ nghĩ tới chuyện đặt mình làm trung gian với Thiên Chúa đâu? Bởi vậy chúng ta cũng có thể gác chuyện trung gian của Đức Kitô qua một bên, ngõ hầu dễ đối thoại với các tôn giáo khác. Tất cả chúng ta hãy cố gắng phục vụ Thiên Chúa và nhân loại, thăng tiến nhân sinh, cổ võ công lý hòa bình. Tiêu biểu cho chủ trương này là John Knick và Paul Knitter. Có thể nói là Đức Gioan Phaolô II đã viết Thông điệp “Sứ Vụ Đấng Cứu Độ”[8] nhằm trả lời cho các thuyết vừa nói. Ở số 5-6, thông điệp viết rằng không thể nào tách rời Đức Kitô ra khỏi Đức Giêsu được. Qua tới số 20, Đức Thánh Cha nhận rằng sứ mạng của Hội thánh là phục vụ Nước Chúa, nhưng việc phục vụ nước Thiên Chúa không thể tách rời khỏi việc rao giảng Tin mừng mà nội dung là Đức Giêsu Kitô[9]. Dù vậy, thần học vẫn còn tiếp tục tìm hiểu thêm về mối tương quan giữa Đức Kitô với các tôn giáo, một đề tài trước đây không được để ý tới.
KẾT LUẬN
Còn rất nhiều vấn đề liên quan tới sự cứu rỗi. Đây không phải chỉ là câu chuyện trừu tượng nhưng có liên hệ chặt chẽ tới cuộc sống của từng người và của toàn thể nhân loại. Dù sao đi nữa, khi tuyên xưng rằng Đức Kitô là Đấng Cứu độ nhân loại, người tín hữu nhìn nhận một mối liên hệ sinh động với ngài. Đức Kitô không phải là một lý tưởng cao siêu, cũng chẳng phải là một nhân vật xa vời thuộc về quá khứ. Đức Kitô đã yêu thương tôi và đã trao hiến mình cho tôi. Ngài là “Đường, Sự thực, Sự sống”, và muốn cho tôi kết hợp với ngài như cành nho với cây nho, ở lại trong ngài, cũng như ngài sống trong tôi. Tuyên xưng Đức Kitô là Đấng Cứu độ có nghĩa là trở thành môn đệ của ngài, và sẵn sàng sống chết theo Ngài. Thánh Phaolô đã định nghĩa cuộc sống của mình hướng về Đức Kitô: sống trong Đức Kitô, sống với Đức Kitô, sống cho Đức Kitô.
[1] Khái niệm về bản thể, bản tính,…
[2] Adversus Haereses 3,19,1; Xc. Atanaxiô, De Incarnatione 54,3
[3] Thí dụ: Cứu độ với cứu nhân độ thế
[4] Xc. Tông huấn “Loan Báo Tin Mừng”, số 31-36; Thông điệp “Sứ Vụ Đấng Cứu Độ”, số 58-59
[5] Ai ở ngoài Hội thánh thì không được rỗi linh hồn
[6] Hiến chế “Lumen Gentium”
[7] Nghĩa là Chúa muốn cứu rỗi hết mọi người
[8] Thông điệp “Redemptoris Missio”, 7/12/1990
[9] Xc. Tất cả chương 2 (gồm các số 12-20), nhằm giải thích các chiều kích của Nước Thiên Chúa.