Mạc Khải Và Việc Nhập Thể

0
3138


Bình Hòa, OP.

 

Thần học hiện đại có khuynh hướng nhấn mạnh đến mối liên hệ chặt chẽ giữa mạc khải và con người Chúa Kitô. Chúa Kitô là tất cả mạc khải, là trung tâm của toàn thể lịch sử mạc khải.

Trong Cựu Ước, để tìm hiểu mạc khải, người ta chỉ cần xét đến những mối tương quan giữa mạc khải và lịch sử. Còn trong Tân ước thì xét đến những mối tương quan giữa Chúa Kitô và mạc khải. Trong nỗ lực tìm hiểu những mối tương quan giữa Chúa Kitô và mạc khải, người ta đã nêu lên những thắc mắc như: Chúa Kitô liên hệ thế nào tới mạc khải. Chúa Kitô sử dụng những đường lối nhập thể để mạc khải Thiên Chúa và chương trình cứu chuộc của Người cho chúng ta như thế nào? Ảnh hưởng của kế hoạch này trên mạc khải như thế nào Địa vị của Chúa Kitô, các thánh Tông đồ và Giáo hội trong mạc khải như thế nào? Có sự đối nghịch giữa mạc khải về chủ vị và mạc khải về chân lý hay không?

Để trả lời những vấn nạn trên đây, chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu những điểm sau đây:

– Khả tri tính của kế hoạch nhập thể đối với mạc khải

– Sự sung mãn và tính cách thiết thực của việc nhập thể

– Mạc khải bằng đường lối nhập thể

– Mệnh đề của nhân loại, chân lý của Thiên Chúa

– Địa vị của Chúa Kitô trong mạc khải

– Địa vị của các Tông đồ trong mạc khải

– Chỗ đứng của Giáo hội trong mạc khải

1. Tính cách khả tri của kế hoạch nhập thể đối với mạc khải

Chứng minh sự xứng hợp của một mầu nhiệm, chính là chứng tỏ tính cách khả tri của mầu nhiệm đó, nghĩa là nói lên sự hòa hợp, sự ăn khớp với nhau giữa các yếu tố bên trong.

Thiên Chúa qua việc nhập thể đã bày tỏ chính mình và đã được nhận biết nơi Ngôi Lời. Việc Người tự bộc lộ ra bên ngoài, chính là sự bộc lộ của Ngôi Lời tự nội (immanent), Đấng muôn đời ở trong cung lòng Chúa Ba Ngôi, là Lời đời đời của Thiên Chúa, cũng là Đấng tỏ bày Lời cho con người. Chúa Kitô là Chúa Con, là người Con tuyệt tác nhất của Chúa Cha đến trần gian mạc khải cho con người biết định mệnh, địa vị làm con của loài người. Vậy không gì có thể mạc khải cho con người một cách hoàn hảo hơn là Chúa Kitô. Các Giáo phụ như Justin, Irénée, Clément d’Alexandrie, Origène coi Chúa Kitô là Đấng mạc khải của Thiên Chúa, duy một mình Người là vị mạc khải có thể (le seul révélation possible). Thiên Chúa nhập thể vì muốn tỏ bày cho con người. Vì con người không phải là một hữu thể tinh thần thuần túy những là một hữu thể gồm tinh thần và thể xác, nên Thiên Chúa đã thông truyền chân lý cho con người bằng đường lối cụ thể, mang chất thể tính. Nơi Thiên Chúa Kitô, Thiên Chúa hiện diện theo kiểu loài người để con người nhìn vào Người mà hiểu biết về Thiên Chúa. Lời Thiên Chúa muôn thủa đã thành Tin mừng, điều Thiên Chúa muốn nói về Người thì Chúa Kitô đã nói theo cách thế nhân loại. Vậy việc nhập thể là một việc rất xứng hợp cho việc mạc khải cho con người nhận biết Thiên Chúa cũng như chương trình cứu độ của Người.

2. Sự sung mãn và tính cách thiết thực của việc nhập thể

Việc nhập thể là cao cao điểm của mạc khải. Nhân tính của Chúa Kitô chính là sự bộc lộ chính Thiên Chúa, chứ không phải chỉ là một cái vẻ bề ngoài (auto – expression de – Dieu – hors – de – lui – même). Nhân tính nơi Chúa Kitô cũng thuộc về một ngôi vị Chúa Con, mọi hành động, mọi cử chỉ của Chúa kitô là những hành động của Thiên Chúa. Thiên Chúa là tình yêu, nhưng tình yêu đó được Thiên Chúa tỏ bày trong một con người. Thiên Chúa đã mặc lấy xác phàm để nói hết cho con người theo mức độ con người có thể hiểu. Chúng ta gặp Chúa Kitô, chính là gặp chính Thiên Chúa hằng sống.

Chính Thiên Chúa đích thân tự mạc khải Người một cách cụ thể nơi Chúa Kitô. Thiên Chúa làm người như mọi người, như lời thánh Gioan làm chứng, là một thực tại thiết thực trong lịch sử. Nơi Chúa Kitô, Thiên Chúa đã trao ban mình cho con người không giữ lại một chút gì và qua những đường lối của con người.

Nhưng việc nhập thể không phải là tất cả mạc khải, nhưng chỉ là đường lối được Thiên Chúa chọn để mạc khải và tỏ mình ra và làm cho con người nhận biết Thiên Chúa, chương trình cứu độ, theo mức độ của loài người. Chúa Kitô là Người – Thiên Chúa (homme –Dieu) đã xuất hiện để bày tỏ cho con người cách đầy đủ nhất và thiết thực nhất.

3. Mạc khải bằng đường lối nhập thể

Một khi chúng ta đã chấp nhận Chúa Con nhập thể thì chúng ta cũng phải quả quyết rằng Người cũng tiếp nhận hết mọi đường lối của bản tính nhân loại để bày tỏ sư mạng, con người, nguồn gốc, và lý lịch của Người… Vì thế, những lời nói, giáo huấn và cả đến những hành động, thái độ, cử chỉ, cách cư xử, tất cả cuộc sống nhân loại của Chúa Kitô sẽ là điều thiết thực để mạc khải cho chúng ta chiều sâu của mầu nhiệm Thiên Chúa.

Chúa Kitô đã sinh sống như loài người, một người Na-gia-rét: khi hoạt động sứ vụ, Người đã tuyển chọn các môn đệ giống như các tiến sĩ luật thời bấy giờ thường làm. Người đã ra tay chữa bệnh, cứu khổ, đói khát,… và kèm theo lời giảng (facere – docere), giáo dục luân lý, dạy cho biết về nước trời. Mạc khải được thực hiện theo hai cách: hành động và lời nói. Lời nói đóng một vai trò quan trọng chính yếu trong hành động và lời giảng của Chúa Kitô, có thể nói, lời nói là yếu tố cần thiết và thiết yếu của mạc khải. Các biến cố có ý nghĩa mạc khải cũng phải nhờ những lời nói giải thích ý nghĩa. Có thể nói được rằng: lời nói, ngôn từ là sự biểu lộ của một con người, bộc lộ những phán đoán, những chân lý. Đối tượng của mạc khải không những chỉ có các biến cố lịch sử, mà còn có những mầu nhiệm nên cần có lời nói để diễn tả hoặc để xác định.

4. Mệnh đề của nhân loại, chân lý của Thiên Chúa

Dường như việc nhập thể đã giải đáp vấn nạn gay go mà mạc khải đặt ra, nghĩa là việc thông truyền trung thực ý định của Thiên Chúa cho nhân loại. Qủa thực, Chúa Kitô đến tỏ bày những mầu nhiệm cho nhân loại, tất cả mạc khải của Người đều phát xuất từ chính thị kiến mà Chúa Con nhìn thấy nơi Thiên Chúa. Chúa Kitô là Đấng nhìn thấy những mầu nhiệm, cũng là Đấng vừa là Thiên Chúa vừa là con người. Ngôi Lời Thiên Chúa không nói ngôn ngữ của chúng ta, Người chỉ nói với Chúa Cha. Nhưng Ngôi Lời nhập thể thì nói với chúng ta. Người cũng chính là ngôi vị hằng sống trong lòng Chúa Cha, diễn tả điều mà Người biết bằng những từ ngữ của nhân loại. Sự kết hợp hai bản tính trong một ngôi vị duy nhất đã tạo nên một chếc cầu từ thế giới Thiên Chúa, vốn không thể hiểu thấu, đến thế giới loài người khả giác, và đồng thời cũng đảm bảo cho sự truyền đạt. Chúa Kitô là người thấy Thiên Chúa hoàn hảo và đầy đủ nhất và Người đã diễn tả bằng ngôn ngữ loài người điều Người thấy. Như vậy, sự chuyển tiếp được thực hiện từ thị kiến Thiên Chúa đến việc biểu lộ có tính cách nhân loại.Dĩ nhiên sự diễn tả cũng theo cách thức loại suy và ngôn ngữ loài người bao giờ cũng có giới hạn, trong khi đó chân lý của Thiên Chúa thì hoàn toàn vô hạn, cao xa.

Mạc khải của Chúa Kitô không chỉ gồm những loại suy được mạc khải, nhưng còn gồm những phán đoán nối kết các loại suy này với nhau. Ví dụ như: Chúa Cha và Chúa Con là một, thì chỉ nhờ Chúa Kitô nói, con người mới biết và chấp nhận bằng đức tin chứ không thể bằng suy luận của nhân loại được.

5. Địa vị của Chúa Kitô trong mạc khải

Chúa Kitô vừa là Thiên Chúa mạc khải, vừa là Thiên Chúa được mạc khải; là đường, là dấu chỉ mạc khải, là sự đáp trả lời mạc khải.

Người là Thiên Chúa mạc khải, Ngôi Lời Thiên Chúa, Chúa Con, Chúa Giêsu Kitô, tất cả là một. “Người là hình ảnh Thiên Chúa vô hình” (Cl 1, 15; 2Cr 4, 4), “là phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa” (Dt 1, 3). Người là mạc khải muôn đời của Chúa Cha. Chúa Kitô là căn nguyên và là tác giả của mạc khải, vì mạc khải bắt nguồn nơi Chúa Kitô cũng như trong Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Người là ánh sáng chiếu soi để làm cho thấy Thiên Chúa, Ngôi lời Thiên Chúa, Con một Chúa Cha; Người được sinh ra để mạc khải, để ban cho thế giới mạc khải trọng vẹn.

Người là Thiên Chúa được mạc khải, là Thiên Chúa chân thật mà Người giảng dạy, là Thiên Chúa đã được Người loan báo và được nhận biết nơi Người, đến nỗi khi tuyên xưng Chúa Con thì người ta cũng tuyên xưng Chúa Cha. Chúa Kitô vừa là Thiên Chúa phán dạy, là chứng nhân và là đối tượng của chúng ta, là tác giả và đối tượng của mạc khải, Đấng mạc khải mầu nhiệm và Người cũng đích thực là mầu nhiệm. Với tư cách là Ngôi Lời nhập thể, Người là sự biểu lộ mạc khải; với tư cách là Ngôi Lời Thiên Chúa, Người đích thực là chân lý mà Người giảng dạy. Người là chân lý lôi kéo, cứu gỡ chúng ta ra khỏi sự dối trá, và là tình yêu đem chúng ta ra khỏi tính ích kỷ của chúng ta. “Người là chân lý và là sự sống” (Ga 14, 1), là chân lý giảng dạy chúng ta (Tt 2, 12), “Các ngươi hãy nghe lời Người” như lời Chúa Cha phán và đã được ghi lại trong Phúc âm (Mt 17, 5). Về phương diện này, không một vị sáng lập tôn giáo nào có thể so sánh với Người. Trong các tôn giáo khác, giáo lý và đối tượng giáo lý được phân biệt với vị sáng lập.Ở đây, trái lại, giáo lý của Chúa Kitô lấy Chúa Kitô làm đối tượng. Đức tin của chúng ta vào Đức Kitô cũng là vào Thiên Chúa.Ơn cứu độ là một sự lựa chọn thuận theo hay chống đối Chúa Kitô, Pascal nói rằng: “Chúa Giêsu Kitô là đối tượng tất cả và là trung tâm mà tất cả hướng về”. Chúa Kitô là đường lối của mạc khải, nghĩa là phương cách được Chúa Con dùng để làm cho Người được đón nhận, và cho chúng ta biết chúng ta là ai. Người là con đường mạc khải cho chúng ta sự sống và là con đường sự sống. Trong Cựu ước, Thiên Chúa đã sử dụng tâm linh (psychisme) của các ngôn sứ để tỏ mình ra. Trong việc nhập thể, Người kết hợp với bản tính nhân loại để tỏ mình ra, để biểu lộ chương trình cứu độ qua lời nói, cử chỉ, hành động, thái độ, cách cư xử của Chúa Kitô. Chúa Kitô chính là sự bộc lộ ra bên ngoài của Ngôi lời nội tại (Verbe immanent) để cho con người nghe và cảm nghiệm được bằng những đường lối xác phàm. Do đó, tất cả sự nhận biết về Thiên Chúa chân thật, cũng như tất cả ơn cứu độ đến với chúng ta đều qua Chúa Kitô.

Chúa Kitô là dấu chỉ của mạc khải: Dấu chỉ vừa có tính cách bền vững, cương quyết và có tính cách tượng trưng vinh quang của Thiên Chúa toàn năng và ba lần thánh. Giáo lý, sự thánh thiện và sức mạnh việc làm của Chúa Kitô đã nói lên điều muốn nói: Người là Thiên Chúa ở giữa con người và chứng tá của Người là chân thực. Người chính là lý do cho sự khả tín. Người chính là Con người mới mà Người loan báo, tất cả trở nên sinh động bởi Chúa Thánh Thần.

Sau cùng, Chúa Kitô là sự đáp trả hoàn hảo của nhân loại với mạc khải. Nơi Chúa Kitô, chúng ta thấy hai nhịp: một đi xuống và một đi lên, nghĩa là từ Thiên Chúa xuống loài người và từ loài người cứu độ lên Thiên Chúa. Chúa Kitô là mạc khải tình yêu Chúa Cha và là sự đáp lại tình yêu này. Người là sự thực hiện kiểu mẫu đầu tiên và tuyệt hảo cho việc đáp lại tình yêu Thiên Chúa. Chúa Kitô là qui luật của tất cả sự đáp lại và của tất cả sự gặp gỡ với Thiên Chúa. Do cách cư xử nhân loại của Chúa Con, Đấng luôn làm theo ý Chúa Cha, Người là kiểu mẫu tiên khởi của thái độ hiếu thảo của nhân loại được Chúa Cha thương yêu nhân loại. Tóm lại, Chúa Kitô là sự sung mãn cảu mạc khải, là tuyệt đỉnh của mạc khải.

6. Vị trí của các Tông đồ trong mạc khải

Các Tông đồ là gạch nối giữa Chúa Kitô và Giáo hội. Mạc khải đến với chúng ta theo các giai đoạn từ Thiên Chúa đến Chúa Kitô và Chúa Kitô đến Giáo hội. Các Tông đồ là những chứng nhân ưu việt duy nhất được chọn từ trước, được tách biệt ra để làm tôi tớ của Chúa Kitô. Các Ngài là nền tảng của Giáo hội, là mầm mống của một dân mới và là chủ nhân của dân này; các Ngài trực tiếp thi hành mệnh lệnh của Chúa, từng sống, học hỏi với Chúa Kitô, về Chúa Kitô, về Thiên Chúa qua Đức Kitô và hấp thụ mọi giáo huấn của Chúa Kitô. Các tông đồ là những người duy nhất trong lịch sử nhân loại được phúc sống với Chúa Kitô, nên không ai hiểu Chúa Kitô bằng các ngài. Hơn nữa, các ngài còn được Chúa Thánh Thần trực tiếp soi sáng hướng dẫn.

7. Chỗ đứng của Giáo hội trong mạc khải

Trường hợp các thánh Tông đồ thì khác với trường hợp của Giáo hội. Sự khác biệt này được nói lên trong thư thứ nhất của thánh Gioan: “Điều vẫn có ngay từ lúc khởi đầu, điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống…” (1 Ga 1, 1-2). Các tín hữu không phải là những người trực tiếp biết Chúa Kitô, nhưng chỉ biết Người qua trung gian chứng tá của những người đã sống với Người: các Tông đồ. Các Tông đồ, như chúng ta đã nói ở trên, là những chứng nhân trực tiếp, đã công bố Tin mừng mà họ đã nhận được cho dân chúng kể từ sau khi Chúa Thánh Thần xuống trên họ và ở với họ. Các Kitô hữu thông dự vào kinh nghiệm của các Tông đồ qua đường lối chứng tá của các Tông đồ và bằng việc tin vào chứng tá này; họ thông điệp với Ngôi Lời sự sống nhờ lời giảng khách quan của các Tông đồ và họ tiếp nhận lời giảng một cách chủ quan do đức tin của mỗi người. Các Tông đồ, những chứng nhân trực tiếp đã khai mở thời gian của Giáo hội, và khai sinh Giáo hội. Giáo hội là một cộng đồng thừa hưởng trọn vẹn chứng tá của Giáo hội luôn phùhợp với những dữ kiện của Kinh thánh và của truyền thống khi Giáo hội nói về giáo lý của các Tông đồ, về giáo lý mạc khải, về mạc khải được truyền đạt do các Tông đồ hoặc về kho tàng bảo tồn đức tin. Mạc khải xét về mặt khách quan là chứng tá của các Tông đồ được trao cho ký ức của Giáo hội.

Tóm lại, Giáo hội là người thừa hưởng mạc khải trọn vẹn, đặc biệt được truyền lại cho các Tông đồ. Giáo hội có nhiệm vụ bảo tồn mạc khải trong tầm mức sinh động, nghĩa là làm cho mạc khải đến với mọi người khắp mọi nơi và mọi thời.