Nguyên tác: Revelation and Believe
Tác giả: Werner Bulst
Chuyển ngữ: Thanh Phương, OP.
Ý niệm mạc khải tự bản chất là tương quan: mạc khải luôn luôn xảy ra trong tương quan với một cá nhân hay một cộng đoàn. Vì vậy ta có thể làm sáng tỏ bản chất của mạc khải Thiên Chúa nhờ nghiên cứu việc đáp trả mà mạc khải đòi hỏi nơi con người, tức là đức tin. Ngược lại, nhờ phân tích việc đáp trả này, chúng ta có thể củng cố ý niệm mạc khải.
Ở đây chúng ta sẽ không đề cập đến bản chất của đức tin và những khía cạnh có liên quan mà chỉ trình bày ngắn gọn những gì trực tiếp liên hệ tới tương quan giữa mạc khải và đức tin, tức là những điều làm sáng tỏ ý niệm mạc khải.
Theo mạc khải tự nhiên, con người có một hiểu biết tự nhiên về Thiên Chúa, hình thành từ việc nhận thức bản chất của sự vật. Sự nhận thức này cũng có thể trở thành một tiến trình suy diễn hồi tưởng (a reflexive inferantical process). Thế giới kinh nghiệm nội tại và ngoại tại của chúng ta nhất thiết đòi hỏi sự hiện hữu của một hữu thể tuyệt đối và có ngôi vị mà chúng ta gọi là Thiên Chúa. Dĩ nhiên, hiểu biết này rất khác biệt với hiểu biết nội giới khác của chúng ta: trước hết, vì Thiên Chúa đối với chúng ta vẫn còn là một cái gì đó “hoàn toàn ở ngoài”, hiểu biết của chúng ta về Người đồng thời là không biết. Thứ đến, tuy hiểu biết tự nhiên về Thiên Chúa đã chiếm hữu con người, nhưng vẫn còn gây cho họ sự sợ hãi nào đó đồng thời đòi hỏi một đáp trả.
Đối với mạc khải siêu nhiên ở trên trời, việc đáp trả của chúng ta sẽ chiêm niệm Thiên Chúa. Trong ánh sáng vinh quang, thông dự vào hiểu biết riêng của Thiên Chúa, chúng ta sẽ thấy chính bản tính của Người, và tự biết mình như chính Người biết chúng ta.
Đối với mạc khải siêu nhiên ở trần gian, theo Kinh thánh, những đáp trả của chúng ta như một hành vi tôn giáo căn bản – nghĩa là thái độ nền tảng của con người trong trật tự cứu độ – là đức tin. Vì vậy đức tin tuyệt đối cần thiết cho ơn cứu độ. Trong điều này, mọi kitô hữu đều như nhau. Chống lại quan điểm về “đức tin phó thác” của anh em Tin lành, cũng như chống lại những hệ phái khác nhau của thuyết phi lý hiện đại, thần học Công giáo đã nhấn mạnh đến đặc tính lý trí của đức tin. Nhưng ngay trong thần học Công giáo, cũng vẫn có những căng thẳng giữa một bên là thần học hệ thống và bên kia là thần học Thánh kinh về ý niệm mạc khải cũng như về ý niệm đức tin. Không có gì đáng ngạc nhiên nếu cho rằng giữa mạc khải và đức tin có một tương quan mật thiết.
I. Ý NIỆM ĐỨC TIN TRONG THẦN HỌC HỆ THỐNG
Trong thần học hệ thống, đức tin thường được định nghĩa như “sự gắn bó vững chắc giữa trí khôn với những chân lý được Thiên Chúa mạc khải và Giáo hội trình bày”. Định nghĩa này phù hợp với định nghĩa của Công đồng Vaticano I, trong đó có dạy về phẩm tính siên nhiên của đức tin cùng với những yếu tố cần thiết khác: “Giáo hội Côn giáo dạy: đức tin là khởi điểm của ơn cứu độ con người, là một nhân đức siêu nhiên, nhờ đó, do ân sủng Thiên Chúa soi sáng và giúp đỡ, chúng ta tin những điều người mạc khải là thật, không phải do chân lý nội tại của những điều được nhận thức bởi ánh sáng tự nhiên của lý trí con người, nhưng vì quyền năng Thiên Chúa tự mạc khải, Đấng không thể lừa dối, cũng như không thể bị lừa dối”. Đặc tính lý trí của đức tin được trình bày rõ ràng nhất trong lời tuyên thệ chống duy tân thuyết: Tôi tuyên xưng rằng đức tin không phải là một cảm thức tôn giào mù quáng… nhưng là một sự chấp nhận đích thực của trí khôn đối với chân lý được nhận thức từ bên ngoài qua thính giác, bởi đó chúng ta tin là thật – vì Thiên Chúa rất chân thật – những điều đã được nói, minh chứng và mạc khải bởi một Thiên Chúa Ngôi vị, Đấng Tạo hoá và là Chúa.
II. Ý NIỆM ĐỨC TIN TRONG KINH THÁNH
Mặt khác, thần học Thánh kinh Công giáo và Kitô giáo hiện nay xác tín rằng: Theo Kinh thánh, ngoài khía cạnh lý trí trừu tượng (không bao giờ thiếu nhưng không nổi bật), đức tin còn có các yếu tố khác là: vâng lời, tin cậy, hy vọng và dấn thân cho Thiên Chúa hay Đức Kitô. Chúng ta có thể phân biệt cách đơn giản giữa đức tin theo nghĩa hẹp, nghĩa là hành vi tôn giáo nền tảng của con người trong trật tự siêu nhiên (theo thần học hệ thống) – và đức tin theo nghĩa rộng – nghĩa là cũng một hành vi nền tảng phối hợp với toàn bộ thái độ liên kết mật thiết với đức tin (theo Kinh thánh). Theo đó, đức tin là một thực tại sống động, không lý thuyết hay trừu tượng. Tuy thế, sự phân biệt này, dù không sai lầm, vẫn không hoàn toàn đi sát vấn đề.
“Đức tin” – theo Tân ước là “pistis” hay “pisteus” – là thái độ tôn giáo của con người đối với Thiên Chúa tự mạc khải. Qua đức tin (với phép rửa) con người trở nên một kitô hữu. Những thành viên của Giáo hội, theo Tân ước, thường được gọi cách đơn giản là “những người tin”. Trong nhiều từ ngữ được Cựu ước dùng để chỉ “những người tin”, Tân ước thích lấy từ “aman” để chỉ sự hiểu biết về đức tin. Bản 70 đã dùng từ “pistis” hay “pisteus” để nói về sự hiểu biết này. Thực ra, từ aman trong Cựu ước nói về thái độ con người đối với mạc khải Thiên Chúa, và được tuyệt đối sử dụng trong những đoạn quan trọng có tính cách thần học như Is 7,9: “Nếu các ngươi không vững tin, các ngươi sẽ không đứng vững” và Dt 2,4: “Người công chính, nhờ đức tin, sẽ được sống”. Khi nói Thiên Chúa chắc chắn, đáng tin, chân thật. Điều này phù hợp với sự kiện là chân lý của Thiên Chúa trong Cựu ước cũng được hiểu trước tiên như sự khả tín, đáng tin vô điều kiện. Đối với người Hy lạp, biểu tượng của chân lý không là “ánh sáng”, nhưng là “đá tảng”. Hình thức nguyên thuỷ của aman được dùng cho con người và có nghĩa là thái độ đáp trả của con người đối với mạc khải của Thiên Chúa: đức tin.
Thật vậy, nếu nhìn mạc khải dưới một hình thái đặc thù nào đó, thì những khía cạnh khác nhau của đức tin có thể hiện ra. Yếu tố hiểu biết trong đức tin phù hợp với việc Thiên Chúa tự mạc khải chính mình. Con người tin vào mạc khải, và vì vậy, được thông dự vào sự hiểu biết mà con người không thể đạt tới bằng cách khác. Yếu tố này luôn luôn là “địa tầng” sâu xa nhất (mặc dầu không luôn luôn được diễn tả rõ ràng nhất) của thái độ tin, vì mạc khải trước hết có nghĩa là điều Thiên Chúa cho con người biết.
Con người làm cho đức tin trở thành của riêng mình. Theo đó, “việc ban đức tin” được nhấn mạnh đặc biệt khi Thiên Chúa tự mạc khải bằng những lời rõ ràng; nhưng điều này vẫn đúng đối với việc tự biểu lộ của Thiên Chúa trong công việc và sự hiện ra của Người: vì Thiên Chúa đang hoạt động trong lịch sử và Israen nhận biết Thiên Chúa như Cựu ước vẫn thường lặp đi lặp lại. Và nhận thức này cũng giả định trước thái độ tin nơi con người: đó là sự hiểu biết của đức tin. Vì vậy, Đức Giêsu mạc khải vinh quang Người qua những việc Người làm và các môn đệ Người tin vào Người. Hiểu biết, như một phần cấu trúc của đức tin được tìm thấy trong Kinh thánh Cựu ước, đặc biệt trong văn phẩm của Gioan, nơi những hạn từ đức tin và hiểu biết thỉnh thoảng được dùng “hoán chuyển với nhau” (xc. Ga 6,69 và 1Ga 4,16). Cũng thế, trong Dt 11, một chương nổi tiếng về đức tin, có hai đoạn mà ý nghĩa “hoán chuyển” này được trình bày rõ ràng: “Nhờ đức tin, chúng ta hiểu rằng vũ trụ đã được hình thành bởi Lời Thiên Chúa…” (11,3) và “ai đến gần Thiên Chúa, thì phải tin là có Thiên Chúa và tin Người ban phần thưởng cho những ai tìm kiếm Người” (11,6). Cũng vậy, trong Is 43,10, có những từ ngữ tương tự từ ngữ của Gioan: “Chính các ngươi là nhân chứng của Ta, – sấm ngôn của Đức Chúa – để các ngươi nhận biết và tin Ta, và hiểu rõ Ta vẫn là Ta… chính Ta đây là Đức Chúa, ngoài Ta ra, chẳng có ai cứu độ”.
Đối với lệnh truyền của Thiên Chúa, con người đáp trả bằng vâng phục. Điều đó đúng khi nội dung của mạc khải là một lệnh truyền của Thiên Chúa: chẳng hạn lệnh truyền của Thiên Chúa đối với Abraham là phải rời bỏ quê hương, hiến tế Isaac con ông… – trong đó có khía cạnh đòi vâng phục (xc Gl 12,1; Dt 11,8). Do đức tin, Abraham trở thành “cha những kẻ tin” (cũng xem Gl 22,11tt và Dt 11,17). Nhưng mặc khải tự nó, ngay cả khi độc lập với nội dung đích thực của nó, cũng luôn luôn là một lệnh truyền của Thiên Chúa đối với con người, kẻ không được tự do nói có hay không đối với mạc khải. Vì vậy, đức tin tự nó luôn luôn là một hành động vâng phục về phía con người. Thánh Phaolô đã nói rõ ràng về điều này: “sự vâng phục của đức tin” (Rm 1,5). Người thường dùng chữ “đức tin” và “vâng phục” trong cùng một ý nghĩa (xc Rm 1,8; 16,10). Tương tự trong 1 Pr 1,22, chúng ta đọc thấy “sự vâng phục đối với chân lý của Thiên Chúa”.
Theo Kinh thánh, đối tượng của mạc khải là chính Thiên Chúa và ý muốn cứu độ nhân loại của Người. Từ đó, đức tin như thái độ tôn giáo nền tảng đối với mạc khải cần phải có đặc tính “tin cậy” và “hy vọng”. Thực tế, trong Cựu ước, không có khía cạnh nào khác của đức tin được nhấn mạnh nhiều như hai khía cạnh trên. Điều này đặc biệt áp dụng cho đức tin của Abraham, một đức tin gắn bó không mệt mỏi với chân lý của Thiên Chúa và trung thành với lời hứa của Người, “tuyệt vọng mà vẫn cậy trông” (Gl 15,6; Rm 4,16). Trong đức tin – nghĩa là tin cậy vào Chúa hơn “ngựa chiến xe trận” và – Israen tìm được hạnh phúc của mình hơn cả lương dân: Tv 20,8; Is 31,1; 40,31tt… Lòng đạo đực trong các Thánh vịnh đặc biệt tràn đầy thái độ này. Trong nhiều đoạn văn Tân ước, đức tin cũng có nghĩa là sự tin cậy không thể lay chuyển.
Do đó, trong Phúc âm Nhất lãm: sự “yếu tin” mà Chúa Giêsu vẫn thường quở mắng các môn đệ Người, chính là thiếu tin cậy. Khi kẻ nào “tin” rằng điều mình nói sẽ xảy ra, thì kẻ ấy sẽ thấy nó thành sự (Mc 11,23). Như tin cậy và hy vọng, đức tin trong Dt 11 “là bảo đảm cho những điều ta hy vong” (11,1). Nhiều thí dụ tiếp theo khác làm sáng tỏ điều này, kể cả thí dụ về Abraham. Đức tin là việc đáp trả đối với những lời hứa của Thiên Chúa (xc 11,9tt; 11,13; 11,17). Theo 1 Pr 1,21, đức tin của người kitô hữu chính là niềm hy vọng vào Thiên Chúa; “Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em” (3,15). Theo thần học của thánh Phaolô, yếu tính của đức tin là con người không được cậy dựa vào công việc riêng của mình, nhưng vào ân sủng của Thiên Chúa đã trao phó cho con người trong Đức Giêsu Kitô.
Bất cứ ở đâu mạc khải đến với con người qua sứ điệp trung gian của các ngôn sứ, tông đồ hay Giáo hội, thì trước hết, tin là chấp nhận sứ điệp này. Hoạt động truyền giáo của Giáo hội tiên khởi là một bằng chứng. Tin nghĩa là chấp nhận sứ điệp của Đức Giêsu như Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng Cứu Thế, và là Chúa: Cv 2,41; 1,4; 8,12; 1Cr 15,11; Ep 1,13… “Đức tin đến từ việc nghe sứ điệp”: Rm 10,17.
Chấp nhận sứ điệp Đức Kitô chỉ là khía cạnh “chính thức” của đức tin. Sự chấp nhận này cốt yếu là vâng phục Thiên Chúa, Đấng ban ơn cứu độ của Người trong sứ điệp; trong đức tin, con người nhận biết và đón nhận Đức Giêsu như Đấng Kitô và Con Thiên Chúa; trong đức tin, con người hoàn toàn đặt niềm tin vào Thiên Chúa, từ bỏ mọi tin tưởng vào chính mình. Vì chính Thiên Chúa tự mạc khải Người và ơn cứu độ của Người cho chúng ta trong Đức Kitô, nên tin vào Đức Kitô đồng thời là tin vào Thiên Chúa, như được nói rõ trong Gl 12,44. Tin vào Thiên Chúa duy nhất chân thật và hằng sống được hiểu ngầm là phải có trước việc hiểu và chấp nhận sứ điệp mạc khải của Thiên Chúa trong Đức Kitô (xc Tx 1,9).
Do đó, trong Tân ước cũng như trong Cựu ước, tính cách cá vị, riêng tư của đức tin được nhấn mạnh. Vì – theo Tân ước – Thiên Chúa tự mạc khải như ơn cứu độ của chúng ta – trong Đức Kitô – nên tin cũng là tin “vào Người”, “vào Đức Kitô”. Tân ước nhiều lần nói về “tin vào Đức Kitô”, nhưng ngay cả khi Tân ước chỉ nói đơn giản “tin” hay “trung thành”, hầu như chúng ta luôn phải thêm chữ “vào Đức Kitô”. Tin là nhận biết Người như là Chúa và là Đấng cứu độ chúng ta, là gắn bó với Người (Gl 20,20; 1,4; 8,35; Gl 3,29…) “Tin” – như tin Thiên Chúa – tương đối ít xuất hiện: các môn đệ phải tin rằng Đức Kitô là Thiên Chúa (Ga 8,24); Phúc âm được viết về “anh em tin rằng Đức Giêsu là Đức Kitô” (Ga 20,30; xc 1Cr 15,3-5; Dt 11,6). Nhưng ở đây, việc “tin rằng” không như một đối tượng riêng của đức tin, nhưng đúng hơn, là điều được nói đến trong đó: Đức Giêsu như là Đấng Kitô, Đấng chết và sống lại vì tội lỗi chúng ta, vì tội lỗi tôi. Điều này mở ra cho chúng ta một tổng hợp giữa quan niệm của Kinh thánh về đức tin với quan niệm của thần học tín lý.
III. TỔNG HỢP NHỮNG QUAN NIỆM KINH THÁNH VÀ TÍN LÝ VỀ ĐỨC TIN
Nơi nào mạc khải của Thiên Chúa gặp thấy trong sứ điệp và giáo huấn của Giáo hội thì đức tin chủ yếu có hình thức một sự chấp nhận sứ điệp này: “Tôi tin những gì Thiên Chúa đã mặc khải và dạy phải tin qua Giáo hội Người”. Hành vi này của đức tin chắc chắn là một hành vi của lý trí (được thực hiện bởi ân sủng của Thiên Chúa và trong tự do), một sự chấp nhận lời tuyên xưng của Giáo hội. Giáo hội nhấn mạnh tính cách hợp lý đó. Tuy nhiên trong khi làm như vậy, Giáo hội cũng đã làm cho khía cạnh thực của đức tin được nhấn mạnh một chiều.
Cần lưu ý một điều: “tin rằng” chỉ là khía cạnh “chính thức” của đức tin – vốn hiện hữu trong Giáo hội. Đức tin, nếu là sự hoàn hảo của con người nội tâm, vốn tồn tại “trong lòng” (Rm 10,9), chứ không trong sự khẳng định như thế. Nhưng đúng hơn, cần thêm rằng khẳng định đó hướng tới chính thực tại, nghĩa là tới Thiên Chúa và việc cứu độ của Người trong Đức Giêsu Kitô. Vì vậy, đức tin ngay cả khi được diễn tả như lời tuyên bố về một điều gì (và vì vậy được hình thành trong lý trí) vẫn là sự thuận theo cá vị đối với Đức Kitô, là việc đáp trả cá nhân và gắn bó với Người, Đấng tự mạc khải như ơn cứu độ của chúng ta, như ơn cứu độ của tôi; đó là sự thuận theo cá vị với ơn cứu độ được biểu lộ và loan báo cho tôi trong mạc khải – “khởi điểm của ơn cứu độ”. Trong bất cứ hành động nào của đức tin nội tâm, luôn có một khởi điểm của tình yêu với một chiều kích tương tự. Vì vậy, Đức Kitô trực tiếp nói với chúng ta, không phải trong một thể chế phi nhân hay chỉ trong một bức thư chết, nhưng trong một Giáo hội, thân thể huyền nhiệm của Người: trong đó, chính Người hiện diện với chúng ta.
Từ đó, đức tin là việc đáp trả cá vị của con người đối với Thiên Chúa tự mạc khải và ban ơn cứu độ (nghĩa là thông dự vào đời sống thần linh của Người). Để hành động như thế, con người phải được ơn thánh siêu nhiên trợ giúp, vì nếu chỉ với lý trí, việc chấp nhận hoàn toàn những luận đề của mạc khải được coi như là đáng tin, thì chẳng cần một nâng đỡ siêu nhiên nào.
Nhưng con người phải được nâng lên trật tự thần linh, nếu con người muốn gặp gỡ cá vị với Thiên Chúa bằng việc đáp trả của đức tin. Chỉ có thể, đức tin mới là khởi điểm của cuộc gặp gỡ cứu độ có tính cách trao ban lẫn cho nhau giữa Thiên Chúa và con người. Như thế, con người – không phải là hiểu biết – mà là con người hiểu biết “tin”, con người thi hành cách tự do và có trách nhiệm với trách nhiệm với hành động tin mà Thiên Chúa đòi hỏi con người qua Giáo hội. Thực vậy, đức tin của chúng ta tự bản chất là một hành động vâng phục như công đồng Vatican I dạy rõ: “là sự phục tùng hoàn toàn của lý trí và ý chí”.
Như thế, đức tin thuần tuý siêu nhiên, theo giáo huấn của Giáo hội – hợp với Kinh thánh – là một đức tin “hữu lý”, vì Thiên Chúa làm cho mạc khải của Người khả tín đối với chúng ta qua những dấu chỉ trong đó Người tự mạc khải, và cùng với những dấu chỉ, Người còn kèm theo những lời rõ ràng của Người. Tuy nhiên, vì nội dung của mạc khải (theo chiều kích có liên quan đến các mầu nhiệm Thiên Chúa, đối tượng riêng của mạc khải) nằm ở ngoài “tầm tay” của lý trí nhân loại, nên đức tin đúng nghĩa luôn là một hành động tin cậy, trong đó con người phó thác mình cho chân lý của Thiên Chúa bằng sự “hiến tế lý trí”. Thêm vào đó, đức tin cũng là một hành động tin cậy vì nội dung hiện thực của nó, vì nó coi trọng những lời hứa của Thiên Chúa và xác nhận sự trung thành của Người. Ai quả quyết và xác tín nội tâm là Thiên Chúa đã gọi họ tới đời sống vĩnh cửu qua Đức Kitô, người đó sẽ tức khắc đạt tới hành động tin cậy. Theo lý luận, hành động tin và tín thác chỉ là một hành động duy nhất, không phân biệt như hai hành động có liên hệ với nhau.
Tuy vậy, điều đó không ám chỉ rằng ngoài sự tín thác gắn liền trong hành động tin, không có một nhân đức tín thác độc lập (mặc dù nhân đức đó không thể có nếu không có đức tin).
Vì vậy một hiểu biết sâu xa về mạc khải đều có liên đới trong việc đáp trả của đức tin. Đức tin của người Kitô hữu là việc đáp trả của con người với hành động mạc khải và cứu độ của Thiên Chúa trong lịch sử: qua dòng thời gian, Người đã ban ơn cứu độ trong Thiên Chúa nhập thể và đã cho chúng ta biết điều đó và việc đáp trả của con người đối với Thiên Chúa được nâng lên trật tự thần linh của ân sủng; mặc khải cũng là hồng ân khôn tả của ân sủng Thiên Chúa. Tự bản chất đức tin có tính cách Giáo hội, vì mạc khải và ơn cứu độ đến với chúng ta chỉ trong Giáo hội và chỉ trong Giáo hội, chúng ta mới có thể được đón nhận. Đức tin cũng có tính cách cánh chung, đồng thời là niềm hy vọng của con người đối với việc trở lại chung cuộc của Đức Kitô và trong đời sống vĩnh cửu.