Lòng đạo đức kính Đức Mẹ

0
3230

“HƯỚNG DẪN VỀ LÒNG ĐẠO ĐỨC BÌNH DÂN VÀ PHỤNG VỤ”

Lòng đạo đức kính Đức Mẹ trong bối cảnh của lòng đạo đức bình dân

Corrado Maggioni, smm[1]

(Trích TSTH số 64 (tháng 5/2014) trang 104-139)

Trong bài này, trước hết tác giả giới thiệu văn kiện của bộ Phụng tự năm 2002 về lòng đạo đức bình dân và phụng vụ; kế đó, tác giả phân tích những việc đạo đức kính Đức Mẹ.

  1. Một thoáng nhìn văn kiện. 1.1. Hướng đi của công đồng Vaticanô II. 1.2. Số 13 của hiến chế Phụng vụ. 1.3. Thế nào là “bình dân”.
  2. Lòng đạo đức bình dân là gì. 2.1. Đạo đức bình dân và tín ngưỡng dân gian. 2.2. Đạo đức bình dân và cử hành phụng vụ. 2.3 Những câu hỏi bỏ ngỏ. 2.4. Việc cầu nguyện không chỉ giới hạn vào phụng vụ.
  3. Lòng đạo đức kính Đức Maria. 3.1 Lòng tôn kính Đức Mẹ của các Kitô hữu. 3.2.Các thời điểm của lòng đạo đức. 3.3. Một vài việc đạo đức được Huấn quyền khuyến khích. 3.4. Vài điểm tham chiếu khác.
  4. Kết luận

Chữ viết tắt.

HD = Văn kiện Hướng dẫn về lòng đạo đức bình dân và phụng vụ.

SC = Hiến chế của công đồng Vaticanô II về phụng vụ Sacrosanctum concilium

Phụng vụ được coi như “nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống Kitô giáo” (SC số 10). Nhưng phụng vụ đã đủ để nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng của các tín hữu không? Truyền thống còn để lại biết bao kinh nguyện và hành vi mà các tín hữu bày tỏ lòng tôn kính Chúa Giêsu, đức Mẹ Maria, các thánh, nhờ đó đức tin của họ đã được nâng đỡ. Những việc đạo đức ấy có giá trị gì không? Làm thế nào dung hòa được vị trí ưu việt của phụng vụ mà vẫn trân trọng các hình thức cầu nguyện khác, ngõ hầu giúp cho đời sống phụng tự của các cộng đoàn và của mỗi cá nhân được luôn tăng trưởng? Văn kiện “Hướng dẫn về lòng đạo đức bình dân và phụng vụ. Nguyên tắc và định hướng” của Bộ Phụng tự và Kỷ Luật, phát hành năm 2002, nhằm trả lời cho những câu hỏi căn bản ấy[2].

1. Một thoáng nhìn văn kiện “Hướng dẫn”

Văn kiện gồm hai phần, với Nhập đề trình bày phương pháp tiếp cận, với những thuật ngữ được sử dụng, những tiêu chuẩn cơ bản, những ngôn ngữ đặc trưng của lòng đạo đức bình dân, những cơ quan có trách nhiệm.

Phần I, với tựa đề “Những đặc tính chính yếu được xác định do lịch sử, huấn quyền và thần học”, cung cấp những dữ kiện để nhận thức vấn đề và các hệ luận. Trước hết, nhìn lại quá trình lịch sử của những thế kỷ trước đây và các vấn đề được đặt ra vào thời nay (chương 1). Tiếp đó là giáo huấn của Hội thánh về lòng đạo đức bình dân (chương 2). Sau cùng, văn kiện đề ra những nguyên tắc thần học để lượng giá và canh tân lòng đạo đức bình dân, nhờ đó tạo ra sự hài hoà với phụng vụ, theo ý muốn của công đồng Vaticanô II (chương 3).

Phần II, với tựa đề “Những định hướng nhằm đào tạo sự hài hoà giữa lòng đạo đức bình dân và phụng vụ”, đưa ra những chỉ dẫn và đề nghị cụ thể, chia thành 5 nhóm. Thứ nhất dựa theo năm phụng vụ, nhằm nêu bật sự liên kết giữa lòng đạo đức bình dân với việc cử hành phụng vụ (chương 4). Kế đến, nhóm thứ hai là các việc sùng kính đối với Đức Thánh Mẫu (chương 5). Nhóm tiếp theo là các việc tôn kính dành cho các thiên thần, các thánh và chân phước (chương 6). Việc cầu nguyện cho các người qua đời được gom vào một nhóm riêng (chương 7). Nhóm cuối cùng là các đền thánh và những cuộc hành hương (chương 8).

Mục tiêu của tập HD là định hướng, mặc dù đôi khi cũng đề phòng những lạm dụng hoặc sai lệch. Vì thế văn kiện mang hướng đi xây dựng và tích cực. Đối với mỗi việc tôn kính, văn kiện cung cấp những thông tin lịch sử (nguồn gốc), nhắc nhớ những nguyên tắc thần học làm cơ sở, đưa ra vào gợi ý cụ thể và những viễn ảnh mục vụ. Văn kiện đã nghiên cứu những khía cạnh khác nhau của lòng đạo đức bình dân: ngôn ngữ của lời nói và cử điệu, các công thức cầu nguyện cũng như lời ca, các ảnh tượng thánh, các thời điểm (những ngày, các tuần tam nhật và cửu nhật, các tháng), các nơi chốn (đền thánh, nhà thờ, nhà tiêng, đường đi, quảng trường, môi trường lao động …). Nguyên bản tiếng Ý có thêm mục lục phân tích, giúp cho việc tra cứu đề mục được dễ dàng.

Như vậy, chúng ta nắm trong tay một dụng cụ hữu ích cho công tác mục vụ tại các giáo xứ và đền thánh, cũng như cho việc huấn luyện các tín hữu, các cộng đoàn tu sĩ, các phong trào và hiệp hội. Thực vậy, mục tiêu của văn kiện là giúp cho việc hiểu biết các phương thức của việc phụng tự Kitô giáo, dưới hai hình thức phân biệt nhưng bổ túc cho nhau, đó là các cuộc “cử hành phụng vụ” của Hội thánh và “các hình thức cầu nguyện” khác.

Người ta sẽ đi ngược lại chủ ý của văn kiện này nếu họ chỉ cổ võ lòng đạo đức bình dân y như chúng đã được thực hành xưa nay hoặc lấy lại các việc đạo đức đã lỗi thời. Bản Hướng Dẫn không nhắm ủng hộ tất cả mọi hình thức đạo đức bình dân, nhưng muốn tiêm nhiễm một chiều hướng mới trong hoạt động mục vụ, bằng cách nêu bật mối tương quan với phụng vụ. Cuộc cải tổ phụng vụ của công đồng Vaticanô II không thể không để lại ảnh hưởng đến lòng đạo đức ngoài phụng vụ.

1.1 Hướng đi của công đồng Vaticanô II

Đã có những thời kỳ mà phụng vụ hầu như bị khép kín đối với các tín hữu. Công đồng Vaticanô II đã muốn “trả về” phụng vụ cho họ, bởi vì phụng vụ là một hành động liên can đến toàn thể dân Thiên Chúa. Khi nêu bật rằng phụng vụ là “chóp đỉnh mà tất cả các hoạt động của Giáo hội hướng tới và, đồng thời, là nguồn mạch từ đó trào ra mọi năng lực” (SC số 10), các nghị phụ cũng nhắc nhở rằng “đời sống thiêng liêng không chỉ giới hạn vào việc tham dự phụng vụ” (SC số 12). Thật vậy, “các việc đạo đức của dân Kitô giáo” cũng góp phần vào việc nuôi dưỡng tinh thần của các tín hữu (SC số 13).

Nhìn lại những năm sau công đồng, người ta nhận thấy những thái độ tương phản nhau tuỳ theo nơi chốn và truyền thống: nhiều nơi đã bỏ rơi các lối cầu nguyện lâu đời, với hậu quả là để lại những khoảng trống rỗng khó lấp đầy; nơi khác thì vẫn còn thịnh hành nhiều việc đạo đức bất toàn hay lệch lạc, không phù hợp với mạc khải và làm cản trở đời sống bí tích; có người chỉ trích những cách phát biểu đơn sơ của niềm tin. Dù thế nào đi nữa, lòng đạo đức bình dân cần được nâng đỡ bằng Tin mừng và cần kèm theo sự hoán cải cuộc đời.

Đức thánh cha Gioan Phaolô II đã coi việc duyệt lại lòng đạo đức bình dân như là một trong những trọng trách của việc canh tân phụng vụ. Trong tông thư Vicesimus annus ngài viết: “Lòng đạo đức bình dân không thể bị phớt lờ hoặc khinh thường, bởi vì nó mang nhiều giá trị phong phú, và tự nó đã biểu lộ thái độ tín ngưỡng trước mặt Thiên Chúa. Tuy nhiên nó cần được liên tục Tin-mừng-hóa, ngõ hầu niềm tin mà nó biểu lộ, luôn luôn được trưởng thành và chân chính. Các việc đạo đức của dân Kitô giáo cũng như những hình thức sùng mộ khác đáng được đón nhận và khuyến khích miễn là chúng không thay thế hoặc lẫn lộn với việc cử hành phụng vụ. Một kế hoạch mục vụ về phụng vụ cần phải dựa trên những sắc thái phong phú của lòng đạo đức bình dân, thanh lọc và hướng chúng về phụng vụ như là lễ vật của các dân tộc” (số 18). Thật là những lời khuyên quý báu, nhấn mạnh đến sự quan trọng phải trân trọng lòng đạo đức bình dân, thanh lọc khi cần thiết, đặt nền trên Tin mừng, quy hướng về phụng vụ mà không lẫn lộn cũng chẳng đối chọi.

1.2 Dưới ánh sáng của Hiến chế phụng vụ số 13

Trong 130 số của Hiến chế về phụng vụ, chỉ có một số được minh thị dành cho các việc đạo đức của dân Kitô giáo. Đề tài này được bàn ở số 13, kết thúc chương I mang tựa đề “Bản chất của phụng vụ và tầm quan trọng đối với Hội thánh”, nhắc nhở sự liên kết giữa các việc đạo đức với phụng vụ, nhưng không được đồng hóa với nhau, bởi vì phụng vụ là sự biểu lộ cao cấp của việc phụng tự Kitô giáo. Đây là bản văn của công đồng:

Những việc đạo đức của đoàn dân Kitô giáo, miễn là thích hợp với các lề luật và quy tắc của Giáo Hội, thì vẫn luôn được khuyến khích, nhất là khi thực hành theo chỉ thị của Toà thánh.
Những thực hành mang tính cách thánh thiêng của các Giáo hội địa phương cũng được đặc biệt tôn trọng, khi được thi hành theo các chỉ thị của Giám mục, hợp với tập tục hoặc những bản văn đã được chính thức phê chuẩn.
Nhưng vì tự bản chất, Phụng vụ trổi vượt hơn những thực hành vừa nói đến, nên phải tổ chức các việc đạo đức ấy tuỳ theo các mùa phụng vụ để luôn phù hợp với Phụng vụ thánh, được khởi nguồn từ Phụng vụ và dẫn mọi người đến với Phụng vụ.

Để hiểu rõ tầm quan trọng của đoạn văn này, cần đọc nó trong mạch văn gắn liền với những đoạn trước đó. Sau khi đã nêu bật rằng phụng vụ là chóp đỉnh và nguồn mạch của đời sống Hội thánh (SC số 10), và cần chuẩn bị tâm hồn thích đáng để việc tham dự mang nhiều hoa trái (SC số 11), hiến chế khẳng định “đời sống thiêng liêng không chỉ giới hạn vào việc tham dự phụng vụ”; và thêm rằng mỗi người Kitô hữu được mời gọi tiến tới việc cầu nguyện liên tục, tư riêng, được diễn tả qua đời sống theo tinh thần Kitô giáo (SC số 12). Đến đây, văn kiện đề cập đến các việc đạo đức (SC số 13).

Những việc đạo đức của các Kitô hữu được bảo vệ bởi nhà chức trách có thẩm quyền. Những việc đạo đức được hiểu về những việc thờ phượng ngoài phụng vụ, thích hợp với các lề luật và quy tắc của Giáo hội và được khuyến khích bởi Tòa Thánh hoặc giám mục giáo phận, hợp với tập tục hoặc các sách đã được chính thức phê chuẩn. Do đó, không phải tất cả các kinh nguyện ngoài phụng vụ đều được đặt ngang hàng với nhau: có những hình thức nằm trong truyền thống của một Giáo hội địa phương (hay một dòng tu), và có những hình thức tạm gọi là không được phê chuẩn; lòng đạo đức bình dân được phân loại dựa theo tập tục và truyền thống của các Giáo hội địa phương.

Như thế việc “đánh giá” các việc đạo đức dựa trên mối liên hệ với phụng vụ, xét vì phụng vụ tự bản chất trổi vượt hơn các việc đạo đức khác. Sau khi nhắc nhở rằng cần tổ chức các việc đạo đức tuỳ theo các mùa phụng vụ, số 13 yêu cầu điều chỉnh các việc đạo đức dựa theo ba tiêu chuẩn: phù hợp với phụng vụ, khởi nguồn cách nào đó từ phụng vụ, và dẫn đưa dân Chúa đến phụng vụ.

Các tiêu chuẩn mà Hiến chế đặt ra cho các việc đạo đức thì đã được văn kiện HD mở rộng cho các hình thức khác của lòng đạo đức bình dân, nhắm phối hợp sự hài hoà giữa lòng đạo đức bình dân và phụng vụ.

1.3 Thế nào là “bình dân” ?

Trong khi Hiến chế nói đến “các việc đạo đức của dân Kitô giáo” (pii exercizi del popolo cristiano), văn kiện HD thích dùng thuật ngữ “lòng đạo đức bình dân” (pietà popolare). Đành rằng “các việc đạo đức” cũng thuộc về “lòng đạo đức” nhưng chúng không hoàn toàn đồng nghĩa. Các “việc đạo đức” được hiểu về một loại phụng tự có thể định hình rõ rệt (x. HD số 7 và 70-72), còn thuật ngữ “lòng đạo đức bình dân” là một phạm trù bao hàm nhiều hình thức cầu nguyện đa dạng, không thể đồng hóa với phụng vụ (x. HD số 6-10).

Chung quanh tính từ “bình dân”, điều thứ nhất cần lưu ý là nó không đối nghịch với “hàn lâm”, ra như lòng đạo đức bình dân đối nghịch với phụng vụ là một hình thức không bình dân. Các nghị phụ đã khẳng định rõ ràng rằng việc cử hành phụng vụ là một công việc của toàn dân Thiên Chúa, biểu lộ và huy động toàn thể Hội thánh (x. SC số 1 và 26). Mặt khác, ngay từ thời Trung cổ, các hình thức đạo đức bình dân đã được thực hành bởi các giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân, chứ không phải là “dành riêng” cho những người quê mùa thất học (đối lại với thiểu số trí thức). Từ nhiều thế kỷ, lòng đạo đức “bình dân” liên quan đến các giáo sĩ cũng như giáo dân, tuy rằng có những thời kỳ mà các giáo dân tham dự trực tiếp vào lòng đạo đức bình dân hơn là tham dự phụng vụ. Công đồng đã giúp tái khám phá và cổ vũ phụng vụ như là hành động của Thân Thể Chúa Kitô (Hội thánh), trong đó mỗi người – dù là giáo sĩ có chức thánh hay giáo dân – được mời gọi hãy tham dự bằng cách thi hành phận vụ “riêng” của mình (x. SC số 26).

Điều ghi nhận thứ hai là dưới thuật ngữ “đạo đức bình dân” người ta xếp các hành vi phụng tự không thuộc về phụng vụ. Theo nghĩa này, “lòng đạo đức bình dân” tương đương với “cầu nguyện ngoại-phụng-vụ”: đó là những lời nguyện và cử chỉ được thực hành riêng tư hay chung với cộng đoàn, để bày tỏ lòng chúc tụng và khẩn nài Thiên Chúa, Đức Kitô, Thánh Linh, Đức Mẹ, các thánh, cũng như việc cầu nguyện cho các linh hồn; những hình thức này giống ít nhiều với phụng vụ, nhưng không được chia sẻ quy chế của phụng vụ.

Điều thứ ba cần ghi nhận là “lòng đạo đức bình dân” (pietà popolare) khác với “tín ngưỡng bình dân” (religiosità popolare)[3] ở chỗ nó soi sáng bởi mạc khải của Kinh thánh Kitô giáo (x. HD số 9-10). Tuy biểu lộ cảm thức của con người trước mặt Thiên Chúa, và mang đậm dấu ấn của văn hóa xã hội, lòng đạo đức bình dân nổi bật vì tham chiếu về Tin mừng, chứ không chỉ là một tâm tình chủ quan hướng đến cõi siêu việt vô định[4].

2. Lòng đạo đức bình dân là gì?

Tìm câu trả lời cho câu hỏi này là hiểu được bản chất, mục đích, chức năng, những dạng thức, các giá trị và giới hạn của lòng đạo đức bình dân. Nói tắt, chúng ta hãy tìm hiểu tìm hiểu lòng đạo đức bình dân bằng cách phân biệt với cái không phải là đạo đức bình dân (tín ngưỡng dân gian, mê tín) cũng như phân biệt với phụng vụ.

2.1. Lòng đạo đức bình dân và tín ngưỡng dân gian

Khi phân biệt “lòng đạo đức bình dân” (pietà popolare) và “tín ngưỡng dân gian” (religiosità popolare), văn kiện HD (số 10) tìm cách mô tả những yếu tố đặc trưng của lòng đạo đức bình dân của các Kitô giáo: các hình thức thuộc văn hóa của một dân tộc diễn tả đức tin của Hội Thánh vào Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô. Tuy rằng “mỗi dân tộc đều cố gắng diễn tả cách nhìn toàn diện của mình đối với cõi siêu việt, cũng như quan niệm của mình về tự nhiên, về xã hội và về lịch sử, qua trung gian những lễ nghi phụng tự, và như thế, họ thực hiện một nỗ lực tổng hợp đặc biệt mang chiều kích vừa nhân bản vừa thiêng liêng vừa cao quý” (HD số 10), nhưng những lễ nghi phụng tự ấy không đương nhiên biểu lộ đức tin Kitô giáo. Cũng như nguyên việc chỉ tin vào Đấng linh thiêng nào đó thì không đủ để là Kitô hữu, thì không phải bất cứ lòng đạo đức nào cũng mang tính Kitô giáo nếu nó không làm sáng tỏ khuôn mặt của Đức Kitô và biểu lộ sự hiệp thông với Hội thánh. Vì thế, để được gọi là lòng đạo đức của Kitô giáo cần phải làm nổi bật sự liên hệ với mạc khải Tân ước và sự chuẩn nhận của Giáo hội (x. HD số 21 và 50).

Những nguy cơ khiến cho lòng đạo đức bình dân có thể trở nên lệch lạch (x. HD 65 và 57) cảnh giác chúng ta phải biết phân định khi nào là lòng đạo đức bình dân, và khi nào không phải hoặc không còn là lòng đạo đức bình dân nữa: những yếu tố cốt yếu của đức tin Kitô giáo thiếu vắng trong đó hoặc chỉ sơ sài; sự thiếu quân bình giữa lòng tôn kính các vị thánh với địa vị tối thượng của Chúa Kitô; hầu như không có nền tảng Kinh thánh; xa cách nhiệm cục bí tích; tách rời việc đạo đức với sự dấn thân trong cuộc sống luân lý; quan niệm vụ lợi về lòng đạo đức; chú trọng đến các cử chỉ mang tính phô trương; tạo cơ hội cho dị đoan, ma thuật, tướng số.

Bởi vì cần phải nắm bắt được cảm quan đức tin vào Chúa Kitô và với Hội thánh chứ không thể chỉ gắn liền với một thứ tín ngưỡng nào đó, cho nên người thực hành lòng đạo đức bình dân cần ý thức ý nghĩa của những cung cách, cử chỉ và lời lẽ của việc thờ phượng. Thật vậy, những hình thức bên ngoài giống nhau giữa lòng đạo đức bình dân và tín ngưỡng dân gian – chẳng hạn sự chay tịnh, các cuộc hành hương, vũ điệu, thắp nến, dìm mình trong nước vv. – có thể mang nội dung khác nhau. Vì thế, để có thể gọi là “lòng đạo đức của dân Kitô giáo” cần phải chứng tỏ một dữ kiện tích cực (đạo lý chân chính của Hội thánh) và cần tránh một dữ kiện tiêu cực (điều gì trái nghịch với đức tin Kitô giáo).

2.2. Lòng đạo đức bình dân và cử hành phụng vụ

Đây là hai hình thức cầu nguyện song hành hoặc là hai hình thái với những đặc tính không trà trộn, nhưng cả hai đều hợp pháp tuy dù khác biệt về uy tín? Bàn về tương quan giữa lòng đạo đức bình dân với phụng vụ, sách HD cho thấy sự liên kết và đồng thời sự phân biệt.

Lòng đạo đức bình dân luôn hiện hữu trong Giáo hội, nhưng không thể nói rằng ở thời nào nó cũng tách rời hoặc đối chọi với phụng vụ. Điều này đã xảy ra vào một vài giai đoạn nào đó[5], tuy với những sắc thái khác biệt tuỳ thuộc vào những thời gian và không gian. Hiểu biết lịch sử mối tương quan ấy trải qua hai ngàn năm là một tiền đề để hiểu rõ lý do và cách thức của sự nối kết và tách rời giữa hai bên. Bản HD đã dành chương I để tóm lược lịch sử vấn đề (số 22-59)[6], và nhận xét rằng: “lịch sử cho thấy rằng tương quan giữa phụng vụ và lòng đạo đức bình dân thoái hóa dần vào những thời kỳ mà ý thức về các giá trị chủ yếu của phụng vụ giảm sút trong tinh thần của các tín hữu” (số 48).

Vị trí tột đỉnh của phụng vụ là ánh sáng làm sáng tỏ tầm quan trọng và ý nghĩa của lòng đạo đức bình dân. Công đồng viết: “mọi cử hành phụng vụ, vì là hoạt động của Chúa Kitô tư tế và của Hội thánh là Thân thể của Người, là hoạt động thánh thiêng tuyệt hảo và không có một hoạt động nào của Hội thánh đạt được hiệu quả ngang hàng và ngang cấp” (SC 7); và “bản chất của phụng vụ thì cao cấp hơn” so sánh với các việc đạo đức (SC 13). Ta có thể nhận thấy rằng để hiểu được lòng đạo đức bình dân là gì, thì cần nêu bật ý nghĩa của phụng vụ, sự cao cả cũng như vai trò không thể thay thế của phụng vụ trong việc đưa chúng ta sống với Chúa Kitô. Chúng ta hãy nhắc lại một vài nguyên tắc

Nhiệm cục phụng vụ và bí tích được định nghĩa dựa trên sự hiện diện thật sự của Chúa Kitô (x. SC số 7). Sự hiện diện tương tự như vậy không được nói khi bàn về lòng đạo đức bình dân[7]. Điều này không có nghĩa là hạ giá tất cả những gì không nằm trong nhiệm cục bí tích, nhưng là nhằm đánh giá đúng mức.

Phụng vụ tuỳ thuộc vào ý muốn của Chúa Giêsu đã thiết lập bí tích và vào lời tuyên bố của Hội thánh. Câu châm ngôn “Hội thánh làm nên phụng vụ, và phụng vụ làm nên Hội thánh” không thể áp dụng cho lòng đạo đức bình dân. Các hoạt động phụng vụ thiết lập và tăng gia sức sống của Hội thánh: mặc dầu có nhiều lễ điển khác nhau bên Đông và bên Tây, nhưng bản chất của phụng vụ vẫn không thay đổi. Thánh lễ cử hành trong cộng đoàn các thánh tông đồ và trải qua các thời đại cho đến hôm nay trên khắp thế giới vẫn đồng nhất về bản chất và mục đích vẫn là một, đó là tưởng niệm cái chết và phục sinh của Đức Kitô và thông dự vào mầu nhịêm vượt qua của Người. Ngược lại, không thể nói rằng lòng đạo đức bình dân vào thời thánh Augustinô cũng giống như vào thời đại chúng ta tại một nước ở miền Bắc hay miền Nam châu Âu. Vì thế, các việc đạo đức mà chúng ta biết được kể từ thời Trung cổ thì không thiết yếu cho việc sống trong Chúa Kitô.

Phụng vụ thì cần thiết để sống và tăng trưởng trong Đức Kitô ở trong Hội thánh, còn lòng đạo đức thì nhiệm ý mặc dù đôi khi vẫn được khuyến khích[8]. Điều này không có nghĩa là coi thường các hình thức cầu nguyện và sùng mộ, nhưng là đánh giá đúng mức[9]. Trên thực tế, đôi khi lòng đạo đức bình dân trở thành “tối cần” đối với các tín hữu (kể cả các giáo sĩ) khi mà nó là hình thức thờ phượng duy nhất có thể thực hành được trong một hoàn cảnh đặc biệt (vì không có Thánh Lễ, hay không thể tham dự Thánh lễ vì bệnh tật, ngăn trở, quản thúc).

Việc cử hành phụng vụ đối chiếu với lòng đạo đức bình dân có thể ví như cái khách thể đối lại cái chủ thể (nhưng không phải là chủ quan, dựa theo sở thích của riêng tôi, bởi vì nó đã được giáo quyền chuẩn nhận)[10]. Cái “khách thể” muốn nói rằng thực tại diễn ra vượt quá khả năng và lòng tốt của con người, bởi vì phụng vụ là công trình của Thiên Chúa. Còn cái “chủ thể” muốn nói đến mối tương quan của con người với Thiên Chúa khởi đi từ thế giới riêng tư, trong chiều kích nhân bản. Thực vậy, một chiều kích quan trọng của lòng đạo đức bình dân là khung cảnh thời gian, xã hội, văn hoá của con người.

Nếu trong phụng vụ, tác nhân chính yếu là Thiên Chúa, và được định nghĩa theo chiều hướng từ-trên-đi-xuống; chiều hướng từ-dưới-đi-lên của Hội thánh (ngợi khen, khẩn nài) là sự đáp trả – trong, với, nhờ Đức Kitô – tiếp theo tác động của Thiên Chúa. Lòng đạo đức bình dân nhấn mạnh đến chiều hướng “đi lên” tuy không thiếu chiều hướng “đi xuống”[11], nhưng không thể so sánh về hiệu quả ngang cấp bậc với phụng vụ (x. SC 1)..

Trong phụng vụ, không có gì là riêng tư cả, bởi vì luôn luôn là hành động của Hội thánh (x. SC 26). Lòng đạo đức bình dân là riêng tư cho dù được thực hiện cùng với người khác, kể cả khi được chủ toạ bởi một linh mục, nhưng nó không chuyển sang lãnh vực “Hội thánh” như là trong phụng vụ. Trong nghi điển Rôma, Giáo hội chỉ đòi hỏi sự “đồng nhất” trong lãnh vực phụng vụ: một phụng vụ như nhau trong một Hội thánh duy nhất, đối lại với những biểu thức đa dạng của lòng đạo đức bình dân.

Vì thế cần phải nuôi dưỡng một cái nhìn thần học đúng đắn về việc thờ phượng trong Hội thánh: trong đó có một trái tim và một sự tuần hoàn của máu. Có một hệ trật các giá trị, trong đó mọi cái đều quan trọng ở đúng vị trí của nó: ở chính trung tâm là các bí tích (do Chúa Kitô thiết lập), rồi đến các á-bi-tích (do Hội thánh thiết lập), lòng đạo đức bình dân (những công thức và thực hành được Hội thánh phê chuẩn và khuyến khích nhưng không dưới một hình thức ràng buộc[12]). Trong Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo, chủ đề lòng đạo đức bình dân được đề cập ở đoạn nói về các á-bí-tích, tiếp theo các việc chúc lành (x. 1674-1676). Để kết luận, nên trích dẫn số 58 của văn kiện HD:

“Phụng vụ và lòng đạo đức bình dân là hai cách biểu lộ chân chính của phụng tự Kitô giáo, dù cho hai bên không tương đương với nhau. Hiến chế về Phụng vụ cho thấy rõ là thay vì muốn đối lập với nhau hoặc đặt ngang hành với nhau, thì nên hoà hợp với nhau. (…). Phụng vụ và lòng đạo đức bình dân là hai cách biểu hiện phụng tự cần có một mối tương giao phong phú, dù cho phụng vụ luôn phải là điểm quy chiếu cho phép “hướng dẫn một cách sáng suốt và cẩn trọng những mong muốn nồng nhiệt được cầu nguyện và sống theo đặc sủng”, là những điều được biểu lộ trong lòng đạo đức bình dân. Về phần mình, với những giá trị biểu trưng và biểu cảm, lòng đạo đức bình dân có thể giúp phụng vụ chu toàn công việc hội nhập văn hóa, và cũng có thể cung cấp cho phụng vụ những yếu tố khích lệ nhằm gia tăng sức năng động và sáng tạo một cách hữu hiệu”.

2.3. Những câu hỏi bỏ ngỏ

Khi nói rằng lòng đạo đức bình dân chuẩn bị cho việc cử hành phụng vụ và nối dài ra, thì cần phải hỏi: lòng đạo đức nào? Đừng nên vơ đũa cả nắm. Không phải bất kỳ hình thức đạo đức nào cũng giúp việc chuẩn bị hay thấm nhuần điều được cử hành trong phụng vụ vào một ngày hay một mùa nào đó, chẳng hạn như Đàng Thánh giá thích hợp vào Mùa Chay (HD 133) cũng tựa như Đàng Đức Mẹ (tức là suy gẫm 7 sự đau đớn của Mẹ Sầu bi: HD 137); còn Đàng Ánh sáng thì thích hợp cho mùa Phục sinh và các ngày chúa nhật (HD 153).

Chúng ta đã biết nguồn gốc và lý do vì sao vào thời Trung đại nảy ra nhiều kinh nguyện thay thế hay song hành với phụng vụ: dân gian cảm thấy thoải mái khi được đọc kinh hoặc hát bằng ngôn ngữ của mình, theo cách thức dễ hiểu hơn, phát xuất cách nào đó từ phụng vụ do các giáo sĩ cử hành bằng tiếng latinh. Những hình thức ấy không nảy sinh từ ý tưởng muốn thay thế phụng vụ, mặc dù trên thực tế đã xảy ra: đức tin, việc cầu nguyện, việc bác ái tìm được cách thức diễn tả nơi lòng đạo đức bình dân hơn là nơi phụng vụ, tuy dù các tín hữu vẫn tham dự thánh lễ chúa nhật (vì là luật buộc) chứ không bỏ.

Chúng ta nên cẩn thận đừng quá giản lược đến độ đề cao bên này mà coi nhẹ bên kia (x. HD số 50-57, cách riêng số 53). Khi nói rằng thời Trung cổ, phụng vụ thì hoàn toàn tiêu cực còn lòng đạo đức bình dân thì hoàn toàn tích cực, người ta ngụ ý cho rằng phụng vụ chỉ để ý hình thức bên ngoài, còn lòng đạo đức bình dân mới đi sâu vào nội tâm. Nguy cơ vụ hình thức và phô trương chi phối cả phụng vụ lẫn lòng đạo đức bình dân. Đối tượng của việc huấn luyện, hôm qua cũng như hôm nay, là giúp các tín hữu hiểu biết cầu nguyện là gì, trước khi nói đến cầu nguyện như thế nào.

Ngày nay, cần tìm ra những phương thế để kết nối những cách thực hành mà trước đây thường bị tách rời: phụng vụ và lòng đạo đức bình dân là hai cách thế cầu nguyện Kitô giáo: chúng sánh đôi với nhau? hay là bên cao bên thấp? Hay là một bên thì cần luật lệ, bên kia thì cứ để tự do sáng tạo?

Chúng tôi xin trưng dẫn một vài thí dụ. Có những hình thức đạo đức không tương phản với phụng vụ, chẳng hạn một cuộc hành hương về một đền thánh, nơi đó các tín hữu lãnh nhận bí tích hoà giải và tham dự Thánh lễ. Tuy nhiên có những hình thức đạo đức khó dung hợp, thí dụ tháng 3 kính thánh Giuse và mùa Chay, tháng 5 kính Đức Mẹ và mùa Phục sinh. Thật khó dung hòa vài hình thức đạo đức – ra đời vào những thời điểm mà việc tham dự phụng vụ bị coi nhẹ – với những đòi hỏi của tinh thần phụng vụ hiện nay. Sự bất khả tương hợp có thể dẫn đến sự loại trừ nhau; tuy nhiên nếu trộn lẫn với nhau thì cũng chẳng đơn giản gì. Đây là một thách đố lớn cho việc mục vụ và giáo dục đức tin.

Ngoài ra, có những việc đạo đức ra đời để thay thế phụng vụ, chẳng hạn như kinh Mân côi với 150 kinh Lạy Cha và Kính mừng bắt nguồn từ việc các trợ sĩ thay thế 150 thánh vịnh mà các giáo sĩ đọc trong kinh thần vụ. Chúng ta đã biết ảnh hưởng của kinh Mân côi đối với các giáo dân và tu sĩ. Phải chăng khám phá giá trị của Phụng vụ Giờ kinh có nghĩa là bỏ đọc kinh Mân côi, bởi vì kinh này được đặt ra để thay thế kinh nhật tụng? Phải xử trí thế nào cho các dòng tu hay hội đoàn mà vị Sáng lập đã buộc đọc kinh Mân côi chung với nhau mỗi ngày?

Tóm lại, vấn nạn có thể đặt ra cách vắn tắt như sau: ai đã tham dự phụng vụ (Thánh Lễ, Bí tích, Phụng vụ Giờ kinh, vv) có cần đến những hình thức cầu nguyện khác nữa không? Việc cử hành phụng vụ đã đủ để nâng đỡ đời sống tâm linh hay không, hay cũng cần đến việc đạo đức bình dân nữa? Làm thế nào nuôi dưỡng đức tin của người giáo dân ngoài Thánh lễ ngày chúa nhật?

Sách Hướng dẫn nhận xét như sau: “Ở thời đại chúng ta, đề tài về tương quan giữa phụng vụ và lòng đạo đức bình dân cần được nhìn trước hết dưới ánh sáng của các chỉ dẫn trong hiến chế Sacrosanctum Concilium; các chỉ dẫn ấy tìm cách xác định tương quan hài hoà giữa hai lối diễn tả lòng đạo đức, từ định đề kép sau đây: lòng đạo đức bình dân thì khách quan lệ thuộc vào phụng vụ, đồng thời tìm thấy trong phụng vụ mục đích của mình. Điều này có nghĩa là cần phải tránh đặt vấn đề tương quan giữa phụng vụ và đạo đức bình dân như là hai vế đối lập, hoặc tương đương hoặc thay nhau. Thật vậy, đang khi ý thức về tầm quan trọng trong hàng đầu của Phụng vụ và tìm cách biểu hiện đúng đắn nhất, thì ta không được làm mờ đi bản chất sâu xa của lòng đạo đức bình dân, cũng như coi thường hay xem như dư thừa, hoặc thậm chí coi những việc ấy như có hại cho đời sống phụng tự của Giáo hội” (số 50).

2.4. Việc cầu nguyện Kitô giáo không chỉ giới hạn vào phụng vụ

Vì phụng vụ là chóp đỉnh, cho nên để có thể đạt tới đó ta cần phải chuẩn bị tâm hồn đích đáng. Vì phụng vụ là nguồn mạch, cho nên đòi hỏi người tham gia hãy cố gắng cẩn thủ và thấm nhuần các nhiệm tích để đưa vào cuộc sống. Trong chuyển động tiến lên phụng vụ và xuất phát từ phụng vụ, lòng đạo đức bình dân (cầu nguyện riêng hay chung, các việc đạo đức, các việc khổ chế, sự thinh lặng, hồi tầm, suy niệm, vv) tìm thấy chỗ đứng của mình.

Mặt khác, những chủ đề quen thuộc của lòng đạo đức bình dân (lòng tôn kính dành cho đời thơ ấu hoặc cuộc khổ nạn của Chúa Cứu thế, lòng tôn kính Đức Mẹ và các thánh, việc cầu nguyện cho các linh hồn) bắt nguồn từ các buổi cử hành phụng vụ: các buổi cử hành phụng vụ là nguồn gốc của sự phát triển của các việc đạo đức đó. Bằng chứng là những việc đạo đức phong phú nhất diễn ra xung quanh các lễ Phục sinh và Giáng sinh.

Phải chăng việc tái khám phá phụng vụ sẽ dẫn đến việc loại bỏ lòng đạo đức bình dân? Nếu hiểu về một vài hình thức đạo đức nào đó thì thật đúng như vậy, khi mà nó đối chọi hoặc chồng nhất lên phụng vụ. Tuy nhiên, nói là “loại trừ” thì không chính xác, bởi vì vấn đề phức tạp hơn nhiều; tốt hơn nên dùng các động từ: “định hướng”, “thẩm định”, như bản văn HD đã lưu ý:

“các phong trào canh tân phụng vụ cũng như sự phát triển cảm thức phụng vụ nơi các tín hữu đã giúp cho việc thẩm định lòng đạo đức bình dân đối với phụng vụ. Đây là một điều tích cực đáng ghi nhận, bởi vì phù hợp với hướng đi thâm sâu của lòng đạo đức Kitô giáo” (số 49).

Tuy nhiên phải việc cổ võ “cưỡng bách” phụng vụ có thể trở thành tiêu cực, làm thiệt hại cho các hình thức cầu nguyện khác: đề nghị cử hành Thánh Lễ vào các tuần tam nhật và cửu nhật gắn liền với một hình thức đạo đức bình dân thì đâu phải là tái khám phá vị trí trung tâm của phụng vụ. Chủ trương “chỉ có Thánh lễ mà thôi” thì chẳng giúp ích cho phụng vụ và cũng chẳng có lợi cho lòng đạo đức bình dân. Việc huấn luyện cầu nguyện có thể được thực hiện bằng những phương thế khác với phụng vụ.

Giữa Kinh Chiều mùa Vọng và tuần cửu nhật kính Đức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội, thì khách quan mà nói, phải dành ưu tiên cho kinh nguyện phụng vụ. Tuy vậy, cần phải lưu ý đến hoàn cảnh cụ thể: rất có thể là tại một cộng đoàn nào đó, tuần cửu nhật giúp họ cầu nguyện sốt sắng hơn là Kinh Chiều. Tôi nói như vậy để tránh những quyết định hấp tấp gây thiệt hại cho việc cầu nguyện. Khi cầu nguyện riêng tư thì chuyện lựa chọn không thành vấn đề, nhưng khi cầu nguyện chung, thì cần phải cân nhắc thận trọng, tránh những xung khắc gây căng thẳng. Điều này đòi hỏi một sự huấn luyện để tìm ra giải pháp dung hoà thay vì loại trừ[13].

Dù sao, đã nói đến huấn luyện thì hiểu là chấp nhận phải từ bỏ cái gì đó, tức là điều gì lệch lạc, không thể dung hợp với việc phụng tự của Hội thánh. Nếu một việc đạo đức không dẫn đưa người tín hữu đến việc cử hành mầu nhiệm Chúa Kitô thì hẳn nhiên là phải dẹp bỏ. Điều này có thể xảy ra nơi việc cử hành vài lễ hội mừng thánh quan thầy, trong đó chỉ nhắc đến vị thánh ấy, mà chẳng dẫn đến việc tham dự bí tích.

Việc tái khám phá giá trị của Phụng vụ Giờ kinh không có nghĩa là chỉ cổ võ việc đọc Kinh Sáng và Kinh Chiều như là kinh nguyện duy nhất cho hết mọi người. Điều này có thể thực hiện dễ dàng đối với một cộng đoàn tu sĩ, một chủng viện, những ai lui tới nhà thờ và có sách nguyện. Nhưng đối với những người bận công ăn việc làm không thể đến nhà thờ, thì không còn cách cầu nguyện nào khác hay sao? Đây là lúc huấn luyện họ về những hình thức cầu nguyện khác (thờ lạy Mình Thánh Chúa, đọc kinh Mân côi, đọc Kinh thánh, đàng Thánh giá, vv), không phải như là một hình thức song hành với kinh nguyện phụng vụ, nhưng là một sự hỗ trợ cho đời sống tâm linh. Thật vậy, một nhân tố giúp cho sự phát triển lòng đạo đức bình dân là vì dễ thực hiện: công thức ngắn gọn dễ nhớ thuộc lòng, không cần phải mở sách.

Việc huấn luyện phụng vụ không loại trừ mà còn đòi hỏi việc huấn luyện lòng đạo đức. Theo chiều hướng ấy, số 59 của HD đã mang tựa đề tầm quan trọng của huấn luyện:

“Dưới ánh sáng của những điều vừa trình bày, việc huấn luyện – cho giáo sĩ cũng như giáo dân – rõ ràng là một phương thế thích hợp để giải quyết những nguyên nhân gây mất quân bình hoặc gây căng thẳng giữa phụng vụ và lòng đạo đức bình dân. Ngoài sự huấn luyện cần thiết về phụng vụ là công việc lâu dài mà lúc nào cũng phải tái khám phá và đào sâu … cũng cần phải có một sự huấn luyện về lòng đạo đức bình dân nhằm tạo nên một linh đạo hài hoà và có phẩm chất. Thật vậy, “đời sống thiêng liêng không chỉ giới hạn vào việc tham dự phụng vụ mà thôi” (SC 12), nên nếu ta chỉ giới hạn vào việc huấn luyện phụng vụ thì chưa đủ để đảm bảo cho sự tăng trưởng thiêng liêng đúng đắn của người tín hữu trong mọi chiều kích. Hơn nữa, cử hành phụng vụ, và đặc biệt là việc tham dự Thánh lễ, không thể đem lại kết quả trong một cuộc sống thiếu vắng cầu nguyện cá nhân, và không có những giá trị được chuyển giao qua những hình thức sùng mộ truyền thống của dân Chúa. Thời nay, thói quen hướng về các hành vi tín ngưỡng bắt nguồn từ Đông phương và đã được biến báo, là dấu chỉ cho thấy một sự tìm kiếm tâm linh liên quan đến ý nghĩa của cuộc sống, của sự đau khổ, của sự chia sẻ. Các thế hệ sau công đồng – theo cách khác nhau tuỳ mỗi quốc gia – không có kinh nghiệm về những hình thức sùng mộ như các thế hệ trước. Vì thế muốn cho đời sống thiêng liêng của các tín hữu có thể triển nở một cách thực sự nơi các cá nhân, thì cần phải lồng trọn vẹn vào chưởng trình huấn giáo và huấn luyện về di sản do lòng đạo đức bình dân tạo nên, và đặc biệt là những việc đạo đức đã được Huấn quyền khuyến khích”.

3. Lòng đạo đức kính Đức Mẹ Maria dựa theo sách “Hướng dẫn”

Lòng đạo đức “phụng vụ” kính Đức Mẹ và lòng đạo đức “bình dân” kính Đức Mẹ đều có chung một đối thể là bản thân của Đức Trinh nữ Maria Thánh mẫu của Thiên Chúa: điều này thuận lợi cho sự hài hoà giữa các hình thức phụng tự, theo nghĩa là đức tin của Hội thánh tuyên xưng và cử hành Đức Mẹ cần phản chiếu trong lòng đạo đức bình dân dành cho Người. Do đó phải gạt bỏ những hình thức đạo đức nào tách rời Đức Mẹ ra khỏi Chúa Kitô, hoặc đặt Đức Mẹ trong vị thế biệt lập, hay hướng về một Đức Mẹ khác với chân dung của sách Tin mừng và đức tin Kitô giáo. Chúng ta nên nhắc lại những lời sâu sắc của hiến chế Lumen gentium : “Hội thánh đã chấp nhận nhiều hình thức đạo đức Đức Thiên Mẫu trong khuôn khổ giáo lý lành mạnh và chính thống, tuỳ theo hoàn cảnh thời gian và nơi chốn, hợp với tính cách và trình độ của các tín hữu. Những hình thức này, khi tôn vinh Người Mẹ thì cũng làm cho các tín hữu nhận biết, yêu mến và làm vinh danh Chúa Con, và tuân giữ trọn vẹn các lệnh truyền của Người, bởi lẽ nhờ Người mà muôn vật được tạo thành (x.Cl 1,15-16), và Chúa Cha hằng hữu đã muốn tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người (Cl 1,19). Thánh Công đồng minh nhiên truyền dạy điểm đạo lý công giáo này, đồng thời cũng khuyến khích tất cả con cái Hội thánh hãy nhiệt tâm phát huy lòng sùng kính Đức Trinh nữ, nhất là trong phụng vụ, và hãy trân trọng những việc thực hành và những việc đạo đức tôn kính Người đã được Huấn quyền cổ võ qua các thế kỷ” (số 66-67).

Hoà hợp lòng đạo đức phụng vụ và bình dân kính Đức Mẹ không có nghĩa là lẫn lộn, bởi vì đó là hai hình thức phụng tự khác biệt về nhiều phương diện (bản chất, từ ngữ, nhịp điệu, cách thức …)[14].

3.1 Lòng tôn kính Đức Maria của các Kitô hữu

Lòng tôn kính dành cho Đức Thánh Mẫu – các kinh nguyện, cử chỉ, thời điểm, nơi chốn, ảnh tượng, bài ca – chiếm một chỗ đặc biệt trong phụng vụ cũng như trong lòng đạo đức bình dân. Về lòng đạo đức phụng vụ, chúng ta hãy nghĩ đến việc kính nhớ Đức Maria trong kinh nguyện Tạ ơn từ lâu đời, việc kính nhớ Mẹ vào dịp lễ Chúa Phục sinh và cách riêng trong mùa Giáng sinh, rồi đến các lễ kính Đức Mẹ bên Đông cũng như bên Tây.

Về lòng đạo đức bình dân, việc tôn kính Đức Mẹ chiếm một chỗ đứng đáng kể trong lịch sử hai ngàn năm của Kitô giáo. Sách HD nhắc đến vết tích của lòng tôn kính này từ thời xa xưa nơi các tác phẩm nguỵ thư thế kỷ II (gây tác dụng cho những thời kế tiếp), kinh Sub tuum praesidium, những bức tranh trong hang toại đạo Priscilla (x. HD số 23). Qua thời Trung cổ, sách HD nói đến các buổi trình diễn, các bài ca ngợi, kinh Mân côi thay thế bộ thánh vịnh (x. HD số 32), và có thể kể thêm kinh Truyền tin, các kinh cầu, các kinh đọc chung hoặc riêng. Kế thừa thời Trung cổ, vào thời kỳ sau công đồng Trentô, nhiều việc đạo đức ra đời như phương thế bảo vệ đức tin công giáo và nuôi dưỡng linh đạo các tín hữu (các hiệp hội Thánh mẫu, các ảnh tượng: HD số 41). Sau cùng, vào thế kỷ XIX, sách HD nhắc đến những việc đạo đức liên quan tới các biến cố phi thường – các phép lạ, những lần Mẹ hiện ra (x. HD số 45). Ý thức chiều sâu của lòng tôn sùng Đức Mẹ nơi các tín hữu, sách HD đã dành nhiều chỗ cho đề tài này, bởi vì đây cũng là môi trường điển hình cho sự hoà hợp giữa phụng vụ và lòng đạo đức bình dân.

Trong chương IV, dưới tựa đề “Năm phụng vụ và lòng đạo đức bình dân”, Sách HD đã nêu bật lòng đạo đức phụng vụ kính Đức Mẹ trong suốt năm, gắn liền những việc tôn kính Mẹ với các buổi cử hành phụng vụ. Trong mùa Vọng và Mùa Giáng sinh, phụng vụ cử hanh nhiều lễ trọng kính Mẹ (lễ Đức Mẹ vô nhiễm, lễ Thánh gia, lễ Đức Thánh Mẫu). Trong mùa Chay, người ta nhớ đến “Đàng Đức Mẹ” (ngắm các sự đau đớn) cùng với “Đàng Thánh giá”. Liên quan đến Tam nhật Vượt qua, sách HD nhắc đến việc tưởng nhớ Mẹ Sầu bi (thứ 6 tuần thánh), “Giờ Đức Mẹ” (thứ 7 tuần thánh), cuộc hội ngộ của Đức Mẹ với Chúa Phục sinh và kinh Lạy Nữ vương thiên đàng (Chúa nhật Phục sinh). Sự hịêp thông với Đức Mẹ cũng được nhắc đến trong thời gian chuẩn bị và vào chính lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống. Trong phần còn lại của năm phụng vụ, sách HD nhắc đến lễ Dâng Con trong đền thờ, lễ kính Trái tim vẹn sạch Đức Mẹ, lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời.

Như thế việc kính nhớ Đức Mẹ đâm rễ trong năm phụng vụ, nhưng không chỉ giới hạn ở đây. Còn rất nhiều việc tôn kính khác, được thực hiện hoặc chung hoặc riêng, nuôi dưỡng đời sống tâm linh của các tín hữu và các cộng đoàn, qua những lời khẩn cầu, ca khen và bắt chước Người. Vì thế, sách HD dành riêng chương V cho “sự sùng kính đối với Mẹ Thánh của Chúa”, để nhắc nhớ những nguyên tắc, thời điểm và thể thức của lòng tôn kính, đồng thời đưa ra những hướng dẫn nhắm đánh giá và hoà hợp với phụng vụ.

Chương này được mở đầu với vài nguyên tắc dẫn nhập, nhấn mạnh rằng:

“lòng đạo đức bình dân đối với đức Trinh nữ Maria, vừa đa dạng trong những cách biểu thị, vừa sâu sắc trong những động lực, là một sự kiện đáng chú ý và phổ quát của Hội thánh. Sự sùng kính này bộc phát từ niềm tin và lòng yêu mến của dân Chúa đối với Đức Kitô, Đấng Cứu chuộc nhân loại, và từ sự thấu hiểu sứ mạng Thiên Chúa đã giao phó cho Đức Maria Nazareth trong kế hoạch cứu độ; vì thế Đức Trinh nữ không chỉ là Mẹ của Chúa và Mẹ của Đấng Cứu thế, mà còn là Mẹ của tất cả mọi người trên bình diện ân sủng” (số 183).

Sau khi đã phân tích những động lực dựa trên cảm nghiệm, truyền thống văn hóa, kinh nghiệm của các Kitô hữu đối với Đức Mẹ, văn kiện nêu bật rằng bên cạnh các đặc tính khách quan, trổi vượt và không thể thay thế của phụng vụ, cũng cần lưu ý đến tấm quan trọng của những hình thức ngoại-phụng-vụ dành cho Đức Maria (x. số 183). Những hình thức này cần tìm nơi phụng vụ nguồn cảm hứng, điểm tham chiếu và mục đích tối hậu (x. số 184).

Dưới ánh sáng của những đặc trưng của phụng tự Kitô giáo và dựa trên những chỉ dẫn, của Huấn quyền, bản HD xác định rằng:

“các việc đạo đức kính Đức Maria phải bao hàm những đặc điểm sau đây, tuy chúng có thể thay đổi tuỳ theo từng việc sùng kính:

– Chúng diễn đạt đặc tính Chúa Ba ngôi, là điểm phân biệt sự phụng tự Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần, mà Tân ước mặc khải; cũng như diễn đạt đặc tính Đức Kitô, Đấng trung gian duy nhất và thiết yếu; cũng như chiều kích Thánh Linh, bởi vì mọi hình thức sùng kính đích thực đều phát xuất từ Thánh Linh và được hoàn thành trong Thánh Linh; cuối cùng chiều kích Hội thánh, bởi vì những người đã lãnh bí tích rửa tội làm thành dân thánh của Chúa thì họp nhau cầu nguyện nhân danh Đức Kitô (x. Mt 18,20) và hợp nhất với nhau trong sự hịêp thông các thánh;

– Chúng luôn luôn quy chiếu về Kinh thánh, được dẫn giải trong khuôn khổ Thánh Truyền; hoàn toàn đúng theo đức tin nguyên tuyền của Hội thánh, tôn trọng những yêu sách của phong trào đại kết; chúng chú ý cân nhắc những phương diện nhân học của các biểu tượng phụng tự sao cho những biểu tượng này phản ánh một quan nịêm đúng đắn về con người và phù hợp với những yêu sách của nó; chúng làm sáng tỏ chiều kích cánh chung vốn là cốt yếu của sứ điệp Tin mừng; cuối cùng chúng minh họa tính cách truyền giáo và nghĩa vụ chứng tá thuộc các môn đệ của Chúa” (số 186).

3.2 Các thời điểm của các việc tôn kính Đức Mẹ

Trong chương V, một mục được dành cho những việc đạo đức kính Đức Mẹ dưới tiêu đề “thời điểm” (số 187-191).

Trước tiên là “lễ phụng vụ” kính Đức Mẹ (số 187), thường là đầu mối phát triển các việc đạo đức, (thí dụ kinh Truyền tin tiếp theo lễ Truyền tin), nhưng cũng có thể là thành quả của một việc đạo đức (chẳng hạn lễ Đức Mẹ Mân côi). Dù sao, các việc tôn kính và các việc sùng mộ thường có mối liên quan, trực tiếp hay gián tiếp, với những lễ được mừng trong lịch phụng vụ. Nên nhắc lại các “lễ phụng vụ” cần được cử hành theo những quy tắc phụng vụ, và phải tuân giữ hệ trật giữa các “hành vi phụng vụ” và các “việc đạo đức” đi kèm theo. Về những giá trị và những nguy cơ của các lễ bình dân tôn kính Đức Mẹ (chẳng hạn như lễ bổn mạng của một giáo xứ), nên lưu ý đến những chỉ dẫn ở các số 230-233 (chương VI).

Trong số những ngày cổ truyền kính nhớ Đức Mẹ, nổi bật nhất là ngày thứ bảy (HD số 188): việc kính Đức Mẹ ngày thứ bảy đã được nhìn nhận trong phụng vụ (vào những ngày và giờ đã dự trù trong Sách Lễ Rôma, Bộ sưu tập các bài lễ kính Đức Mẹ, Phụng vụ các giờ kinh) cũng như trong nhiều hình thức đạo đức bình dân (các kinh nguyện, việc tôn kính đặc biệt, nhất là trong các dòng tu và hiệp hội). Ngày thứ bảy cũng liên quan đến việc tôn kính Trái tim vẹn sạch Đức Mẹ và việc thực hành 5 ngày thứ bảy đầu tháng (HD số 174).

Liên quan đến các thời điểm, cũng nên nhắc đến các tuần ba ngày, bảy ngày, chính ngày nhằm chuẩn bị mừng lễ phụng vụ (HD số 189). Cần thực hành những thời điểm này cách phù hợp với các mùa phụng vụ. Đó là những cơ hội để cung cấp cho các tín hữu một cái nhìn chính đáng về vai trò của Đức Maria trong mầu nhiệm Đức Kitô và Hội thánh, và giúp cho các tín hữu chuẩn bị mừng lễ bằng cách đổi mới cuộc đời Kitô hữu qua bí tích Thống hối và Thánh Thể.

Sau cùng, sách HD dừng lại ở các “tháng Đức Mẹ” (số 190-191), đề nghị vài định hướng căn bản. “Bên Tây phương, các tháng dâng kính Đức Mẹ nảy sinh vào một thời kỳ mà những quy chiếu vào phụng vụ như là chuẩn mực của phụng tự Kitô giáo còn rời rạc, và chúng đã phát triển song song với phụng tự trong phụng vụ. Tình trạng này đã gây ra những vấn đề mục vụ về phụng vụ còn tồn tại đến nay, và cần được lượng định cẩn thận” (số 190). Về tháng 5, văn kiện nhắc nhớ rằng “cần chú trọng đến những đòi hỏi của phụng vụ, những mong đợi khác nhau của các tín hữu, và sự trưởng thành đức tin của họ, và cũng nên nghiên cứu toàn bộ các vấn đề mà việc thực hành ‘tháng Đức Mẹ’ đặt ra trong khuôn khổ của ‘mục vụ chung’ của Giáo hội địa phương; như thế, cần thiết phải tránh những tình huống đả phá gây hoang mang cho các tín hữu, như có thể xảy ra khi đòi dẹp bỏ ‘tháng Đức Mẹ’. Trong phần lớn các trường hợp, giải pháp thích hợp hơn cả là tìm sự hài hoà giữa các yếu tố của ‘tháng Đức Mẹ’ với mùa theo năm phụng vụ song hành với thời gian ấy. Như vậy, chẳng hạn như trong tháng Năm, mà phần lớn trùng hợp với 50 ngày của mùa Phục sinh, các việc đạo đức cần phải làm nổi bật sự tham gia của Đức Trinh nữ vào mầu nhiệm Vượt qua (x. Gv 19, 25-27) và vào biến cố Ngũ tuần (x. Cv 1, 14), là biến cố đã khai mở lộ trình của Hội thánh” (số 191).

3.3 Một vài việc đạo đức được Huấn quyền khuyến khích

Tiếp đó chương V bước sang một vài việc đạo đức được Huấn quyền khuyến khíc, cung cấp những chỉ dẫn và định hướng để việc thực hành mang lại nhiều kết quả (số 192-207).

Việc cỗ võ “lắng nghe Lời Chúa và cầu nguyện” của công đồng Vaticanô II đã gặp được sự thực thi hữu hiệu ngay cả trong những việc tôn kính Đức Thánh mẫu, bởi vì lòng đạo đức Kitô giáo luôn tham chiếu về Kinh thánh. Dù sao, tấm gương đầu tiên mà đức Maria tỏ ra cho các tín hữu là “kẻ phục vụ lời của Chúa”. Chúng ta biết rằng, vào những năm sau công đồng, nhiều nơi tổ chức những buổi “cử hành Lời Chúa” về những chủ đề về Đức Mẹ (hoặc cũng mang tên là “buổi canh thức”, “chia sẻ Lời Chúa”). Sách HD ghi nhận điều ấy, và khuyến khích các hình thức cầu nguyện và cũng là huấn giáo về Đức Mẹ. Đồng thời, bản văn cũng nhận xét rằng “kinh nghiệm cho thấy là các buổi cử hành Lời Chúa đừng nên mang tính cách thuần tuý học thức hoặc giáo huấn; cần phải dành thời gian cho các phương thế biểu hiện đơn sơ và thân thương của lòng đạo đức bình dân – các bài ca, các kinh nguyện, các cách thức tham gia – đập vào trái tim con người (HD số 194).

Một việc đạo đức phổ quát là kinh Truyền tin, qua đó các tín hữu kéo dài lời chào của thiên sứ đến người Trinh nữ Nazareth. Người ta thường đọc kinh này 3 lần mỗi ngày, và sách HD khuyến khích duy trì tập tục ấy, hoặc ít là đọc 3 kinh Kính mừng. Đôi khi có thể đọc kinh Truyền tin cách trang trọng hơn với việc hát kinh Kình mừng (HD số 195). Trong mùa Phục sinh, kinh Truyền tin được thay thế bằng kinh Lạy Nữ Vương thiên đàng (HD số 196).

Kinh Mân côi đã được đề cập khá rộng trong Sách CN (số 197-202), nhắc lại những đặc tính nổi bật của kinh nguyện kính Đức Mẹ nhưng lại dựa trên các mầu nhiệm của Chúa Kitô. Bên cạnh những giải thích về ý nghĩa của kinh nguyện, tài liệu này còn đưa ra nhiều đề nghị thực hành, liên quan đến việc làm phép tràng hạt, dung hòa việc chiêm ngắm các mầu nhiệm với những lễ phụng vụ, thêm những đoạn ở cuối phần thứ nhất của kinh Kính mừng để giúp việc chiêm niệm. Dĩ nhiên, chúng ta cần bổ túc thêm với những hướng dẫn của tông thư Rosarium Virginis Mariae của đức thánh cha Gioan Phaolô II được ban hành (ngày 16/10/2002) sau khi xuất bản sách HD.

Trong những hình thức cầu nguyện với Đức Mẹ có các Kinh cầu (số 203), “chủ yếu được cấu thành bằng một loạt lời kêu cầu dâng lên Đức Mẹ, kế tiếp nhau theo một nhịp điệu đồng nhất, tạo ra như thể một bầu không khí cầu nguyện với hai nhịp ca tụng và nài xin. Thật vậy, những lời kêu cầu, thường rất ngắn, gồm hai phần: phần thứ nhất là một lời ca tụng (chẳng hạn: Đức Nữ có lòng khoan nhân), phần thứ hai là một lời nài xin (cầu cho chúng tôi). Văn kiện cũng nhắc lại rằng có nhiều công thức kinh cầu, một số được phổ biến rộng rãi, một số khác chỉ giới hạn trong khuôn khổ địa phương hay một dòng tu. Kể từ khi đức thánh cha Lêô XIII truyền đọc kinh cầu Loretô để kết thúc kinh Mân côi, nhiều người cho rằng kinh cầu là phụ lục của kinh Mân côi. “Thực ra, kinh cầu là một hình thức phụng tự độc lập; kinh này có thể dùng riêng để bày tỏ việc tôn vinh Đức Mẹ, hoặc dùng như một bài hát khi đi rước kiệu, hoặc như thành phần của một buổi cử hành Lời Chúa hay những buổi cử hành khác” (HD số 203).

Sau cùng, văn kiện HD thêm ba hình thức tôn kính tuỳ gắn liền với vài linh đạo đặc thù nhưng cũng được thực hành khá phổ quát: dâng mình hay ký thác cho Đức Mẹ (số 204), áo Đức Mẹ Carmêlô và các áo phép khác (số 205), các ảnh đeo (số 206). Văn kiện không chỉ giải thích ý nghĩa của chúng, nhưng còn khuyến khích hãy phát triển tâm tình nội tại khi thực hành.

Chương V kết thúc với việc trình bày thánh thi “Akathistos”, một kinh nguyện điển hình của lòng tôn kính Đức Mẹ bên các giáo hội Đông phương, và ngày nay cũng được phổ biến bên Tây phương (số 207).

3.4 Những tham chiếu khác về lòng đạo đức bình dân kính Đức Mẹ và về ngôn ngữ của nó.

Văn kiện HD còn bao gồm nhiều điểm tham chiếu về một vài hình thức bình dân, bằng ngôn từ hay cử điệu, có liên quan đến việc tôn kính Đức Mẹ tuy không chỉ giới hạn vào lãnh vực này mà thôi. Tôi chỉ muốn ghi nhận vài điều.

Dưới khía cạnh thần học, ai cũng biết mối tương quan giữa bí tích Thánh Thể với Đức Mẹ, mà được dân Thiên Chúa diễn tả qua việc phối hợp lòng tôn sùng Thánh Thể với lòng tôn kính Đức Maria[15]. Tuy nhiên, nền tảng thần học cần được diễn tả đúng đắn trong lòng đạo đức, như văn kiện HD đã viết: “Các tín hữu không nên đưa những việc đạo đức tôn kính Đức Mẹ và các thánh vào trong giờ chầu Thánh Thể. Tuy nhiên, do mối liên hệ khắng khít hằng kết hợp Mẹ Maria với Đức Kitô, việc suy nịêm các mầu nhiệm Nhập thể và Cứu chuộc trong kinh Mân côi cũng có thể góp phần đem lại cho việc cầu nguyện một định hướng Kitô-luận sâu xa” (số 165).

Việc tôn kính các ảnh tượng (HD số 238-244) giữ chỗ quan trọng đối với lòng tôn kính Đức Mẹ, dưới nhiều hình thức: tranh vẽ, các tượng với kích thước lớn nhỏ khác nhau, phù điêu: “các tín hữu đến cầu nguyện trước những ảnh tượng đó, hoặc trong các nhà thờ hay tại tư gia. Họ trang hoàng ảnh tượng bằng bông hoa, ánh sáng và đá quý; họ chào kính các ảnh tượng đó các trịnh trọng trang nghiêm, họ rước kiệu các ảnh tưởng, họ treo những biển tạ ơn bên cạnh để tỏ lòng tri ân, họ đặt ảnh tượng trong những hang vòm hay những ngai tòa nhỏ dựng ngoài đồng hoặc trên đường đi” (số 239).

Các ảnh tượng là cách diễn đạt sứ điệp Tin mừng bằng hình ảnh, là những dấu hiệu đưa chúng ta hướng về Chúa Kitô và các thánh, là sự hỗ trợ cho việc cầu nguỵên, là sự thôi thúc chúng ta bắt chước tấm gương của Đấng được trưng bày, là hình thức huấn giáo (số 240-241), đôi khi trở thành biểu tượng của một dân tộc (số 242); ngoài ra đôi khi cũng là tác phẩm có giá trị nghệ thuật, mặc dù các ảnh tượng thánh nhắm đưa tới huyền nhiệm chứ không phải để thưởng thức nghệ thuật (số 243). Văn kiện vạch ra những khía cạnh khác nhau đáng được lưu ý, không những về đạo lý mà cả về mỹ thuật (số 243-244): “Những chỉ thị đối với các ảnh tưởng đặt trong nhà thờ – liên quan đến chân lý đức tin, cũng như về hệ trật, vẻ đẹp, phẩm tính – cũng phải được áp dụng cho những ảnh tượng và đồ vật sử dụng trong lòng sùng mộ ở tư gia và cá nhân” (số 18).

Các cuộc rước kiệu với ảnh tượng Đức Mẹ cũng giữ vị trí quan trọng trong việc đạo đức bình dân, cách riêng nhân dịp các lễ trọng. Văn kiện một đàng nhìn nhận giá trị của nó (HD số 245-247), nhưng đàng khác cũng lưu ý rằng: “cũng như đối với các việc đạo đức khác, các cuộc rước kính các thánh vẫn có khả năng phát sinh một vài sai lầm làm tổn thương đức tin Kitô giáo, tựa như: những việc đạo đức này lấn át các bí tích, những biểu hiện bên ngoài được đặt nặng hơn sự chuẩn bị tâm hồn bên trong; xem cuộc rước kiệu như là tột đỉnh của buỗi lễ; coi Kitô giáo chỉ như là một đạo của vị thánh; hạ giá cuộc rước kiệu xuống quang cảnh lễ hội trình diễn, chứ không còn là biểu dương đức tin. Để bảo toàn tính cách đích thực của cuộc rước là biểu lộc đức tin, các tín hữu cần được hướng dẫn cho biết bản chất riêng biệt của cuộc rước theo quan điểm thần học, phụng vụ và nhân văn” (số 246-247).

Trong những cử chỉ mà dân Thiên Chúa bày tỏ lòng tôn kính đối với Đức Mẹ, chúng ta còn gặp thấy những cuộc hành hương về các đền thánh. Văn kiện HD dành chương VIII cho chủ đề “Các đền thánh và các cuộc hành hương”, tuy không chỉ giới hạn vào các đền thánh kính Đức Mẹ. Trên thực tế, chúng ta biết rằng một số khá lớn các cuộc hành hương hướng đến các đền Thánh mẫu. Trong chương này, văn kiện minh thị nhắc đến Đức Maria dưới khía cạnh đại kết tại các thánh điện (số 278), và kể ra những thánh điện nổi tiếng kính Đức Mẹ trong quá trình lịch sử (số 284-285).

Dĩ nhiên các cử chỉ và dấu hiệu của lòng đạo đức bình dân cũng chi phối lòng tôn kính Đức Mẹ: “Ta có thể kể tập quán hôn hay chạm tay vào ảnh tượng, nơi thánh, thánh tích, hay vật thánh; hành hương hay rước kiệu; đi vài lộ trình đặc biệt bằng chân trần hay bằng đầu gối; dâng phẩm vật, dâng nến hay bảng tạ ơn; mặc y phục đặc biệt; quỳ gối hay phủ phục; đeo ảnh hay mang phù hiệu … Những lối biểu hiện ấy, được truyền lại qua bao thế kỷ từ đời nọ sang đời kia, đều là những phương tiện trực tiếp và đơn giản nhằm biểu lộ ra ngoài những tình cảm trong tâm hồn của người tín hữu, đồng thời cũng biểu lộ quyết tâm sống đạo chân thật. Nếu thiếu chiều kích nội tâm này, các cử chỉ biểu tượng có nguy cơ trở thành những thói quen trống rỗng, và tệ hơn nữa, có thể rơi vào mê tín dị đoan” (số 15).

Một lãnh vực bao la của lòng đạo đức bình dân là các kinh nguyện. Văn kiện nhận định như sau: “ Mặc dù những bản kinh và lời nguyện được soạn thảo bằng ngôn ngữ nói được là kém nghiêm nhặt so với các kinh nguyện phụng vụ, nhưng chúng cũng phải lấy cảm hứng từ các bản văn Kinh thánh, từ Phụng vụ, từ các giáo phụ và Huấn quyền, đồng thời phải phù hợp với đức tin của Hội thánh. Việc sử dụng những bản kinh hãy những lời nguyện đạo đức có tính cố định và công khai cần phải được Bản quyền đía phương phê chuẩn” (số 16).

Gắn liền với các bản kinh là các bài hát. Lòng đạo đức bình dân đã sáng tác nhiều thánh thi và thánh ca kính Đức Mẹ, và có thể áp dụng những điều mà sách HD đã viết: “việc chăm lo gìn giữ các bài truyền thống được kế thừa từ các thế hệ trước phải được liên kết với cảm thức của Kinh thánh và Hội thánh, và do đó, cần thiết phải duyệt lại thường xuyên những bài ca hiện hành và sáng tác những bài ca mới” (số 17).

Kết luận

Mục tiêu của văn kiện này không phải là cổ động hoặc tẩy chay lòng đạo đức bình dân, nhưng là cho thấy giá trị, ý nghĩa của các việc ấy. Cần tránh hai thái cực: một bên là đề cao phụng vụ và coi thường các việc đạo đức khác; một bên là duy trì các việc đạo đức cổ truyền mà không quan tâm đến việc cử hành phụng vụ. Văn kiện này muốn trình bày một cái nhìn quân bình không chỉ trên nguyên tắc mà cả trong thực hành, bằng cách giải thích nguồn gốc và ý nghĩa của mỗi hình thức đồng thời đề nghị những cách thức thực hành.

Điều này giả thiết một công tác mới của các nhà hữu trách, đó là huấn luyện các tín hữu trong việc thực hành các việc đạo đức: không những giải thích ý nghĩa của một hình thức nào đó, nhưng tìm cách để gắn việc thực hành với toàn thể đời sống Kitô hữu: việc đạo đức cần được nuôi dưỡng với Lời Chúa và bí tích, và đưa đến đời sống hiệp thông với Hội thánh và dấn thân vào việc thực hành đức bác ái.

Văn kiện này bàn đến những “việc đạo đức” đã được thực hành rồi. Các soạn giả đã chủ ý sử dụng thuật ngữ “lòng đạo đức bình dân” (pietà popolare) thay vì “tín ngưỡng dân gian” (religiosità popolare). Các việc “đạo đức” đã được chuẩn nhận rồi, và cần được thực hành cách ý thức hơn, tránh những lệch lạc. “Tín ngưỡng dân gian” thì rộng rãi hơn, bởi vì có thể gặp thấy ở nơi các tôn giáo khác. Tuy nhiên, công cuộc “loan báo Tin mừng” và “hội nhập văn hóa” không thể nào làm ngơ trước hiện tượng “tín ngưỡng dân gian”, xét vì nó cũng mang nhiều giá trị văn hóa đạo đức của một địa phương hay một dân tộc, và có thể hướng về sự phụng tự Kitô giáo. Như đã nói trên đây, “lòng đạo đức bình dân” là một cụm từ bao quát, bởi vì nó bao gồm không chỉ các kinh nguyện mà còn các cử điệu, các hành động, các bài ca, các nghệ phẩm.

————————————–

Phụ thêm

1/ Về lòng tôn kính Đức Mẹ ở Việt Nam, có thể đọc thêm các bài viết sau đây, trong đó các tác giả lưu ý đến ảnh hưởng của Đạo Mẫu khá mạnh nơi tín ngưỡng dân Việt nếu chưa nói là chung cho cả miền Đông Á (Phật bà Quan âm):

2/ Văn kiện của Tòa Thánh chỉ dừng lại ở những “việc đạo đức” của các Kitô hữu đã được giáo quyền chấp nhận. Lãnh vực “tín ngưỡng dân gian” còn rộng lớn hơn nhiều. Bất cứ tôn giáo nào cũng có một “hình thức chính thống” hợp với quy điển (có lẽ chỉ có trong sách vở) và một “hình thức dân gian” (được thực hành bởi các tín đồ, pha phôi với nhiều tục lệ văn hóa địa phương).

[1] Nguồn: “Direttorio su Pietà popolare e Liturgia”. La pietà popolare mariana nel contesto della pietà popolare” đăng trong: LA VERGINE MARIA NEL CAMMINO ORANTE DELLA CHIESA, Centro di Cultura Mariana, Roma 2003. Vì khuôn khổ bài báo đòi hỏi, chúng tôi đã rút gọn nhập đề và kết luận.

[2] Nguyên bản tiếng Ý: Direttorio su Pietà popolare e Liturgia. Principi e orienta­menti (được ban hành ngày 17/12/2001); bản dịch tiếng Việt của Uỷ Ban Văn hóa của Hội đồng Giám mục Việt Nam, dựa trên bản văn Pháp ngữ. Lưu hành nội bộ, TPHCM 2003, 347 trang. Như sẽ thấy dưới đây, văn kiện sử dụng nhiều từ ngữ khác nhau mà có lẽ bản dịch tiếng Việt chưa tìm được từ ngữ tương đương: pio esercizio (việc đạo đức), devozioni (việc sùng mộ), pietà popolare (lòng đạo đức bình dân), religiosità popolare (tín ngưỡng bình dân). Trong tiếng Việt, “đạo đức” được hiểu theo nhiều nghĩa, chẳng hạn như “đạo đức học” (có nghĩa là luân lý), sách Đạo Đức của Lão tử. Ở đây, đạo đức đường dùng để dịch từ pietas; trong tiếng Latinh ám chỉ lòng hiếu thảo đối với cha mẹ, được biểu lộ qua những cử chỉ cung kính.

[3] Chú thích của người dịch: “tín ngưỡng bình dân” cũng có thể dịch là “tín ngưỡng dân gian”. Popolare tiếng Ý ( popularis tiếng Latinh, populaire tiếng Pháp, popular tiếng Anh) mang nhiều ý nghĩa. Theo nguyên gốc Latinh, popularis là tính từ bắt nguồn bởi danh từ populus (dân, nhân dân, dân tộc); vì thế, popularis có nghĩa là cái thuộc về nhân dân, phổ biến trong dân chúng (“dân gian”); tuy nhiên, đôi khi cũng được hiểu như là thuộc về hạng dân đen (“quần chúng”), đối với tầng lớp trí thức khoa bảng, tương tự như “bình dân” trong tiếng Việt, dùng trong các thuật ngữ: quán cơm bình dân, lớp học bình dân, ngôn ngữ bình dân.

[4] Nhiều khi hai thuật ngữ “đạo đức bình dân” và “tín ngưỡng dân gian” được dùng lẫn lộn, kể cả trong các văn kiện của Huấn quyền. Đức Phaolô VI đã quyết định sử dụng thuật ngữ “đạo đức bình dân” kể từ tông huấn Evangelii nuntiandi số 48. Xem chú thích 9 của HD số 6.

[5]   Thời Trung cổ, người ta nói đến một thứ “nhị nguyên phụng tự” (dualismo cultuale): x. HD số 33.

[6] Chương I “Phụng vụ và lòng đạo đức bình dân dưới ánh sáng của lịch sử” lần lượt bàn đến: 1/ Những thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo (số 23-27); 2/ Thời Trung cổ (số 28-33); 3/ Thời Cận đại (số 34-43); 4/ Thời Hiện đại (số 44-46).

   [7] Trong tông huấn Marialis cultus 48, đức thánh cha Phaolô VI nói đến sự khác biệt giữa việc kính nhớ các mầu nhiệm Chúa Kitô trong phụng vụ và sự suy niệm các mầu nhiệm ấy khi đọc kinh Mân côi.

[8]    HD số 11 nêu bật điều ấy: “Vị trí ưu tiên của phụng vụ đối với những hình thức cầu nguyện hợp phác khác của Kitô giáo cần phải được âm vang trong ý thức của các tín hữu: nếu các bí tích là cần thiết để được sống hịêp nhất với Chúa Kitô, thì ngược lại, những hình thức khác nhau của lòng đạo đức bình dân lại một tích cách nhịêm ý: Để minh họa cách rõ ràng, ta có thể nêu lên nguyên tắc của Giáo hội truyền buộc phải tham dự thánh lễ ngày Chúa nhựt; còn những việc đạo đức, dù có thể được khuyến khích và rất thịnh hành trong cộng đoàn tín hữu cách thường xuyên, nhưng không bao giờ mang tính bó buộc, dầu cho một số cộng đoàn hay từng cá nhân chấp nhận như bó buộc cho mình. Nguyên tắc này cần được truyền đạt cho các linh mục và giáo dân trong quá trình đào tạo. Thật vậy, cần phải khẳng định dứt khoát tính ưu tiên của kinh nguyện phụng vụ và năm phụng vụ so với mọi thực hành sùng mộ khác. Tuy nhiên tính ưu tiên này không bao giờ được hiểu như là loại trừ, chống đối và gạt bỏ”. Xem thêm số 73.

[9]   Thí dụ kinh Mân côi đã được minh thị khuyến khích trong việc đào tạo và đời sống tâm linh của các giáo sĩ và tu sĩ: x. Bộ Giáo luật, đ. 246, § 3; 276, § 2, 5°; 663, § 4. Xem thêm ĐGH Gioan Phaolô II, tông huấn Vita consecrata 95; BỘ GIÁO SĨ , Kim chỉ nam cho sứ vụ và đời sống các linh mục, 1994, số 39.

[10] X. SC 13 và HD 21.

[11] Kể cả lòng đạo đức bình dân cũng do sự thúc đẩy của Thánh Linh, x. HD 50

[12]  Mặc dù được Bản quyền phê chuẩn, các sách đạo đức chỉ mang tính cách đề nghị. Đàng Thánh giá có 14 chặng như chúng ta đã quen biết, nhưng không cấm thay đổi con số và những mầu nhiệm suy niệm (HD số 133-134); truyền thống kinh Mân côi đã thành cố định với 15 mầu nhiệm, nhưng con số và việc xướng các mầu nhiệm có thể thay đổi (x. HD số 200). Theo đường hướng đó, đức thánh cha Gioan Phaolô II đã thêm vài mầu nhiệm của cuộc đời công khai của Chúa Giêsu, được đặt trên là “các mầu nhiệm sự sáng” (Tông thư Rosarium Virginis Mariae số 19 và 21).

[13]  Xem đề nghị của sách HD về cách thức cử hành tuần Cửu nhật mừng lễ Giáng sinh (số 103) và tuần Cửu nhật mừng lễ Hiện xuống (số 155).

[14]  Sách HD viết: “Một đàng, cần phải tránh hiện tượng chồng chéo lên nhau (giữa phụng vụ và lòng đạo đức bình dân), bởi vì ngôn ngữ, nhịp độ, hình thức, các điểm nhấn thần học về lòng đạo đức bình dân thì khác biệt rõ rệt với những yêu tố tương ứng trong hành động phụng vụ. Cũng thế, nên vượt qua bất cứ sự cạnh tranh hay đối lập có thể xảy ra đối với các cử hành phụng vụ, bằng cách xác định vị thế ưu tiên của ngày Chúa nhật, các ngày lễ trọng, các mùa và ngày theo phụng vụ. Đàng khác, cần tránh khoác hình thức phụng vụ cho những việc đạo đức, bởi vì chúng phải duy trì sắc thái, tính đơn sơ và ngôn ngữ đặc thù của chúng” (số 13; xem thêm số 74).

[15]   Chú thích của người dịch. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã dành một chương trong thông điệp Ecclesia de Eucharistia (16/4/2003) để trình bày “Người phụ nữ của Thánh Thể” (số 53-58). Đề tài này cũng được lặp lại trong tông huấn Sacramentum caritatis (22/2/2007) của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI (số 33). X. Phan Tấn Thành, Bí tích tình yêu (Đời sống tâm linh tập IX), Học viện Đaminh 2011, trang 327-336.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here