Bảy ân huệ Thánh Linh – ƠN CHỈ GIÁO

0
1047

Đời sống tâm linh tập XV, “Thánh Linh trong đời sống Kitô hữu”,
Nhà xuât bản Tôn giáo, Hà Nội 2017, trang 166-299.

Mục 4: ƠN CHỈ GIÁO

Ân huệ thứ tư tương ứng với nhân đức khôn ngoan, đưa chúng ta vào những nhân đức mang tính tri thức, khác với các ân huệ trước đây thiên về tâm tình. Để mở đầu, chúng ta nên giải thích vài từ ngữ.

I. Từ ngữ

Trong các ngôn ngữ châu Âu, ân huệ thứ tư mang tên là: consilium (La tinh), conseil (Pháp), counsel (Anh), có nghĩa là “lời khuyên, bàn luận, tư vấn”. Tuy nhiên, ân huệ này được dịch sang tiếng Việt bằng nhiều từ ngữ khác nhau: “chỉ giáo, chỉ bảo, biết lo liệu, mưu lược”.

Ân huệ này hỗ trợ cho nhân đức prudentia (La tinh), prudence (Pháp và Anh), thường được dịch là “khôn ngoan, khôn khéo”, nhưng đôi khi cũng được dịch là “thận trọng, dè dặt”. Mặt khác, trong các sách thần học, “khôn ngoan” cũng được dùng để dịch danh từ sapientia (La tinh), sagesse (Pháp), wisdom (Anh),[1] danh xưng của ân huệ thứ bảy. Để tránh sự lẫn lộn, chúng tôi sẽ dịch prudentia là nhân đức “khôn ngoan”, còn ân huệ cuối cùng được gọi là “ơn cao minh”.

II. Bản chất

A. Khái niệm

1. Kinh thánh

Như đã nói trên đây, tên gọi consilium có thể dịch là “lời khuyên bảo, tư vấn”. Trong đời sống thường nhật, chúng ta vẫn thường xuyên bàn hỏi với những người chuyên môn khi không biết cách xử sự trước những hoàn cảnh rắc rối. Khi bước sang lãnh vực tìm hiểu ý Chúa, khi muốn biết điều gì đẹp lòng Chúa, chúng ta càng cần đến những lời chỉ dẫn hơn nữa.

Nói cho cùng, ngoài Chúa ra, thử hỏi ai biết được ý muốn của Chúa? Không lạ gì, ông Gióp đã thú nhận: “Khôn ngoan, sức mạnh, mưu lược và tài thông hiểu đều thuộc về Thiên Chúa” (G 12,13). Điều này được áp dụng cách riêng cho đường nên thánh: duy một mình Thiên Chúa mới có thể soi sáng hướng dẫn ta. Đó là điều mà vịnh gia đã thâm tín, và ông cầu khẩn: “Thật con ở với Chúa luôn, tay con Ngài nắm chẳng buông chẳng rời, dắt dìu khuyên nhủ bao lời, một mai đưa tới rạng ngời quang vinh” (Tv 74,13); “Con chúc tụng Chúa hằng thương chỉ dạy” (Tv 16,7). Dĩ nhiên, Chúa không thể ban ơn chỉ dạy cho những ai không sẵn sàng lãnh nhận.

2. Ân huệ Thánh Linh

Chúng tôi xin tạm định nghĩa ân huệ này như sau:

Ơn chỉ giáo là một ân huệ của Thánh Linh nhờ đó linh hồn nhận ra cách chính xác, trong những hoàn cảnh cụ thể, điều gì thích hợp cần phải làm nhắm tới cứu cánh siêu nhiên”.

Ân huệ này bổ trợ cho nhân đức khôn ngoan để giúp cho linh hồn nhận biết chính xác điều gì phải làm trong một lúc nào đó. Nhân đức khôn ngoan hành động theo ánh sáng của lý trí; ân huệ chỉ giáo tác động cách siêu nhiên, giúp cho con người nắm bắt nhanh chóng vấn đề để hành động.

B. Sự cần thiết

Ơn chỉ giáo rất cần thiết để kiện toàn nhân đức khôn ngoan. Trong ngôn ngữ thông thường, người khôn ngoan có thể hiểu như là người tinh khôn sắc sảo, tài trí mưu lược. Đó là quan niệm theo tâm lý thực nghiệm, nhưng trong thần học luân lý, nhân đức khôn ngoan mang một nghĩa đặc biệt: đó là sự lựa chọn các phương tiện thích hợp nhất để đạt được mục đích, luôn quy hướng về cứu cánh tối hậu của cuộc đời. Sách GLCG (số 1806) định nghĩa là: “nhân đức giúp cho lý trí thực tiễn biết phân định điều thiện hảo đích thực trong mọi hoàn cảnh, và lựa chọn những phương thế thích hợp nhất để thực hiện điều thiện ấy”. Nhân đức này đòi hỏi phải trải qua nhiều chặng phải đắn đo trước khi hành động: nhớ lại quá khứ, thông hiểu hiện tại, học hỏi người khôn, sắc sảo khi gặp cảnh huống cấp bách, lý luận để tìm giải pháp, tiên liệu những hậu quả, dự phòng tương lai, thận trọng.[2] Tuy nhiên, có những tình huống bất chợt và phức tạp đòi hỏi phải giải quyết nhanh chóng vì có liên quan đến phần rỗi linh hồn; lúc ấy ta cần đến ơn chỉ giáo, chứ nhân đức không đủ. Chúa Giêsu đã hứa: “Thầy sẽ xin Chúa Cha ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác, đến với anh em luôn mãi… Đấng ấy sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14,16.26; x. Ga 16,14).

Ơn chỉ giáo tác động như một thứ trực giác hoặc bản năng siêu nhiên, để biết cách xử sự trong hoàn cảnh éo le, chẳng hạn như khi phải dung hòa giữa mềm mại với cương quyết, bảo vệ bí mật và nói sự thật, khôn ngoan như con rắn và đơn sơ như bồ câu (Mt 10,16). Chúng ta có thể lấy vài thí dụ về tác động của ơn chỉ giáo trong cuộc đời Đức Giêsu được thuật lại trong Phúc âm: khi phải điệu ra trước mặt vua Hêrôđê (Lc 23,6-9), khi xử sự với một phụ nữ ngoại tình (Ga 8,1-11), khi trả lời về việc nộp thuế cho hoàng đế Cêsarê (Mc 12,13-17).

C. Công hiệu của ơn chỉ giáo

1. Đề phòng nguy cơ lương tâm giả dối. Khi phải giải quyết các vấn đề luân lý, người ta thường nại đến “tiếng nói lương tâm” để che đậy một tình cảm lệch lạc nào đó. Thánh Augustinô đưa ra một nhận xét thật chí lý: “Cái gì mình thích thì bảo là tốt, cái gì mình khoái thì bảo là thánh”. Cần có ánh sáng của Thánh Linh để soi sáng lý trí, vạch cho thấy những đám mây mù của đam mê đang vây quanh nó.

2. Gợi lên những biện pháp cho những người có trách nhiệm hướng dẫn người khác. Nếu trong đời sống cá nhân, chúng ta cần đến ơn chỉ giáo để biết cách cư xử phù hợp với ý Chúa, thì những người có trách nhiệm hướng dẫn người khác lại càng cần biết bao. Trong lãnh vực tự nhiên, luân lý đã phân biệt hai thể loại khôn ngoan: khôn ngoan “cá nhân” và khôn ngoan “lãnh đạo” (hoặc “xã hội”);[3] trong lãnh vực siêu nhiên, ta cũng có thể nói đến hai lãnh vực áp dụng ơn chỉ giáo: chỉ bảo cho mình và cho người khác. Tìm ra một hướng đi cho mình đã khó rồi, phương chi tìm ra một hướng đi cho người khác hoặc cho cộng đoàn. Đây là ân huệ cần thiết cho các cha giải tội, các vị linh hướng; cũng như các vị mục tử trong Giáo hội. Trong lịch sử Giáo hội, những mẫu gương của ơn huệ này không thiếu. Tuy nhiên, bên cạnh những vị từng trải vì là mục tử, tựa như như thánh Antonino giám mục Firenze (1389-1459), thánh Gioan Vianney – cha sở họ Ars, chúng ta thấy những con người chất phác mộc mạc nhưng đã trở thành “cố vấn” cho giáo hoàng (thánh Catarina Siena), hoặc những người trẻ tuổi mà đã chín chắn để đảm nhận chức vụ giám tập (thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu).

3. Trong lãnh vực của ơn chỉ giáo, các sách tu đức quen nhắc đến sự “biện phân thần khí” (discretio spirituum, discernement des esprits, discernment of spirits), một thuật ngữ đã được nói đến trong Tân ước (diakriseis pneumaton: 1Cr 12,10) và được các sư phụ sa mạc khai triển (diakrisis), chẳng hạn như ông Origène (De principiis), thánh Athanasio (De vita sancti Antonii), Cassiano (Collationes) và vào thời cận đại, nổi tiếng nhất là thánh Inhaxio Loyola (Ejercicios espirituales). Trên hành trình tu đức, con người không chỉ được hướng dẫn bởi “thần khí thánh” mà còn bởi “thần khí xấu” (cũng tựa như các ngôn sứ chân chính và ngôn sứ giả hiệu được nói đến trong Kinh thánh).[4] Vài tiêu chuẩn phân định đã được các thánh Tông đồ vạch ra, chẳng hạn như: đức tin tông truyền (Gl 1,9; 1Cr 12,3; 1Ga 4,2); những hoa trái (xem quả biết cây: Mt 7,16-20). Vấn đề trở thành phức tạp hơn khi phải quyết định không phải là giữa cái tốt và cái xấu, nhưng là giữa cái tốt và cái hoàn hảo (chẳng hạn như khi phải quyết định giữa ơn gọi hoạt động tông đồ và ơn gọi sống đời chiêm niệm). Lúc ấy, quả thật ơn chỉ giáo rất cần thiết.

4. Tăng gia sự tùng phục với các nhà cầm quyền trong Giáo hội. Chúng ta vừa nói đến công hiệu của ơn chỉ giáo đối với những người có trách nhiệm lãnh đạo trong Giáo hội: họ phải đề ra những hướng đi cho những kẻ thuộc cấp. Tuy vậy, ta có thể nói đến một công hiệu lạ kỳ (xem ra mâu thuẫn) của ơn chỉ giáo là dạy cho người tín hữu biết bàn hỏi với người khác, cách riêng với những nhà hữu trách trong Giáo hội. Thật ra chính Thánh Linh đã xếp đặt như vậy, nghĩa là Ngài muốn cho con người được hướng dẫn bởi những người khác. Thánh kinh để lại nhiều tích chuyện về điều này. Ông Saulô đã được Chúa hiện ra kêu gọi làm tông đồ nhưng ông được lệnh đi tìm ông Anania để biết phải làm gì. (x. Cv 9,1-6). Thiên Chúa vẫn dùng đường lối ấy trong cuộc đời các thánh: Ngài muốn cho họ học đức kiêm nhường, tùng phục những đại diện của Ngài trên trần gian. Thậm chí có khi xẩy ra sự xung khắc giữa điều mà Ngài gợi ý với ý muốn của bề trên (hay linh hướng), thì Ngài muốn chúng ta nghe theo những vị này. Thánh Têrêsa Giêsu đã nói rõ như vậy: “Mỗi khi Chúa dạy tôi điều gì trong lúc cầu nguyện, và cha giải tội bảo tôi điều khác, thì Chúa trở lại nói ràng tôi phải tuân theo cha giải tội. Sau đó, tôi trở lại xin Chúa hãy dạy bảo”.[5] Kể cả khi một vài cha giải tội thiếu kinh nghiệm khuyên thánh nữ hãy bỏ qua các lần Chúa hiện ra (vì đó là ma quỷ), thì Chúa dạy người hãy vâng lời chứ đừng tranh luận. Thánh nữ đã học được bài học: mỗi khi Chúa truyền phải thực hiện một công tác nào, thì người đi bàn hỏi ngay với các cha giải tội (tuy không nói rằng Chúa truyền để cho các ngài không bị cảm thấy áp lực; chỉ sau khi các ngài nhất trí nên làm điều gì với sứ điệp từ trời, thì thánh nữ mới nói cho các ngài biết nếu Chúa truyền. Nếu thiếu sự nhất trí, thánh nữ xin Chúa thay đổi ý kiến của các cha giải tội, tuy vẫn tuân phục các ngài đang khi chờ đợi. Như vậy ta thấy đây là một dấu hiệu của sứ điệp từ Chúa. Nếu một mặc khải hoặc thị kiến nào thúc giục sự bất tuân, thì có thể xem đó là giả dối hoặc đến từ ma quỷ.

Dù sao, để trình bày vấn đề cách trung thực, cần thêm rằng có khi Thánh Linh trực tiếp hướng dẫn mà không qua một trung gian nào hết. Chúng ta có thể thấy một thí dụ nơi thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu: hầu như chị không nhận được linh mục nào làm linh hướng, thế mà chị đã biết hướng dẫn bản thân và các tập sinh. Chị viết rằng Chúa dìu dắt chị từng bước một, cách riêng trong vai trò hướng dẫn các tập sinh, một điều hoàn toàn vượt khả năng của mình (A 22r-v). Ra như Chúa ban cho chị đọc được lương tâm của các tập sinh (A 23r; 26r).

III. Chân phúc tương ứng: thương xót

Thánh Augustinô gắn ân huệ chỉ giáo với chân phúc dành cho kẻ có lòng thương xót: “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5,7).

Thật ra, phạm vi của ơn chỉ giáo rất rộng: Thánh Linh ban ơn huệ này để điều khiển các nhân đức luân lý (khiêm tốn, khiết tịnh, công bình…). Dù vậy, trong mỗi nhân đức có một điểm đặc trưng được nhìn như hành động tiêu biểu (chẳng hạn việc tử đạo đối với đức hùng mạnh). Vì thế, có thể coi lòng thương xót như là một đặc trưng của ơn chỉ giáo. Để hiểu rõ vấn đề, cần xác định bản chất của lòng thương xót.

1. Lòng thương xót

Lòng “thương xót” hẹp nghĩa hơn là lòng bác ái. Lòng bác ái bao gồm tất cả mọi người, không phân biệt giàu nghèo. Lòng thương xót giới hạn vào những người “khốn khổ” (misericordia tiếng La tinh cùng gốc với miseri: kẻ cùng cực, đáng thương xót; miserable tiếng Pháp và tiếng Anh). Ta không cần thương xót những kẻ có tiền tài, địa vị quyền thế.

Thương xót rộng hơn là bố thí. Người ta kể ra 14 việc thương xót: 7 việc phần xác và 7 việc phần hồn. Bố thí chỉ là một việc làm nhằm đến một nhu cầu thể xác của tha nhân. Thương xót còn nhắm đến các nhu cầu của linh hồn nữa (thứ nhất: lấy lời lành mà khuyên người; thứ hai: sửa dạy kẻ mê muội…), nhất là thương xót cốt ở tấm lòng, chứ không dừng lại ở công việc thực hiện.

Nói cho cùng, thương xót là tâm tình của kẻ đại độ, hướng đến người khốn cùng dưới mọi hình thức. Theo nghĩa chặt, duy chỉ có Thiên Chúa mới thể hiện được lòng thương xót đối với nhân loại,[6] bởi vì ngài là nguồn mọi thiện hảo, còn chúng ta đều thiếu thốn dưới phương diện này hay phương diện khác (thể xác, tinh thần, đạo đức, văn hóa). Tuy vậy, chúng ta được mời gọi chia sẻ lòng thương xót của Chúa cho tha nhân, do đức ái thúc đẩy.

Lòng thương xót ấy được dành cho những kẻ khốn cùng xét về thân xác hoặc tinh thần.

2. Lòng thương xót và ơn Chỉ giáo

Đâu là mối liên hệ giữa lòng thương xót và ơn chỉ giáo? Ơn chỉ giáo bổ túc cho đức khôn ngoan, giúp chúng ta điều khiển cuộc đời. Để đưa ra một quyết định khôn ngoan, điều thứ nhất là nhận ra sự thật của vấn đề, nắm bắt được thực trạng. Ơn chỉ giáo giúp cho chúng ta biết được sự thật về thân phận yếu hèn của con người. Ơn chỉ giáo vạch cho ta thấy tình trạng yếu đuối của bản thân chúng ta, cũng như cho thấy tình trạng khốn khổ của nhân loại sống dưới ách tội lỗi. Từ đó, nó cũng giúp cho chúng ta nhìn tha nhân với cặp mắt thương xót, giống như Chúa Giêsu khi đối diện với người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình (Ga 8,11), hoặc khi gặp ông Dakêu (Lc 19,9-10). Và đây chính là điều cần thiết cho người có trách nhiệm điều khiển hướng dẫn người khác. Lòng thương xót sẽ là chìa khóa mở cửa cho họ hiểu được tâm trạng của người đến xin hướng dẫn.

Đối lại, chúng ta thấy rằng nhiều lần các kinh sư và luật sĩ đã bị Chúa Giêsu khiển trách vì sự phán đoán lệch lạc của họ. Sự phán đoán sai lầm bắt nguồn từ tấm lòng cứng cỏi chai đá, giả hình. “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi” (Ga 8,7). “Tại sao anh thấy cái rác trong con mắt người anh em, mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không để ý tới?” (Mt 7,3). “Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ cho ngươi vì ngươi đã van xin ta, thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao?” (Mt 18,32-33).

IV. Thực hành

A. Tiêu cực

Những nết xấu trái nghịch với ơn chỉ giáo cũng là những nết xấu tương phản với đức khôn ngoan, hoặc vì bất cập, hoặc vì thái qua.[7]

1. Đối nghịch vì bất cập là hai tật: hấp tấp và liều lĩnh

Hấp tấp khi hành động có nghĩa là quyết định khi chưa suy tính kỹ càng. Nó có thể là hậu quả của tính kiêu căng (tự ý quyết đoán, cho rằng mình sáng suốt cho nên chẳng cần bàn hỏi với ai hết), hoặc của tính nóng nảy hoặc của đam mê nào đó.

Liều lĩnh: không chịu tìm hiểu cặn kẽ tất cả các hoàn cảnh, không dự liệu những hiệu quả sẽ gây ra.

2. Đối nghịch do thái quá là chậm chạp quá đáng. Đành rằng trước khi hành động ta cần phải suy xét cẩn thận, nhưng khi đã quyết định theo ánh sáng của Thánh Linh, thì cần phải thực hành nhanh chóng, trước khi hoàn cảnh thay đổi và mất thời cơ.

B. Tích cực

Ngoài những phương thế chung cho tất cả mọi ân huệ, những điều nói dưới đây giúp chúng ta cách riêng để chuẩn bị cho tác động của ơn chỉ giáo.

1. Khiêm tốn nhìn nhận rằng mình u mê dốt nát và cần đến ánh sáng từ trời cao. Lời cầu khiêm tốn và kiên vững có sức lôi kéo lòng Chúa thương xót. Mỗi sáng khi thức dậy, chúng ta hãy xin Thánh Linh hướng dẫn bảo ban chúng ta suốt ngày. Trước khi bắt tay vào một công việc nào, chúng ta hãy vắn tắt thầm thĩ cầu nguyện. Trong những lúc khó khăn hay gian nguy, trước khi phải ra một quyết định quan trọng hoặc đề ra một chỉ thị cho người khác…

2. Tập thói quen suy nghĩ chín chắn. Đành rằng việc thực hành nhân đức khôn ngoan nhiều khi gặp phải nhiều khó khăn, và vì thế chúng ta cần đến ơn chỉ giáo của Thánh Linh. Tuy vậy, chúng ta đừng bắt Chúa phải bù đắp cho những lơ đễnh của mình, nhưng hãy cố gắng làm điều gì có thể được trong tầm tay của mình, rồi Chúa sẽ ban thêm ơn. Như vừa nói trên đây, trái nghịch với ơn chỉ giáo là tật “hấp tấp” hoặc là tật “chần chừ”. Không dễ gì dung hòa giữa hai thái cực ấy! Nhiều khi chúng ta phải chờ đợi lâu năm mới tìm thấy một giải đáp. Trong khi chờ đợi, chúng ta nên học đức kiên nhẫn và phó thác, như lời nguyện thời danh của chân phúc Henry Newman:

Ôi ánh sáng dịu hiền, xin hãy dẫn dắt con trong bóng tối đang vây quanh con; đêm đen nghịt và nhà còn xa… Xin hãy dẫn dắt những nẻo đường con đi; con không xin cho được nhìn thấy con đường dài, nhưng chỉ xin dẫn con từng bước một. Trước đây, con đã không xin như thế: con muốn thấy rõ con đường sẽ đi; nhưng giờ đây, xin Chúa hãy dẫn dắt con. Trước đây, con muốn vạch ra con đường cho mình; nhưng bây giờ, con chỉ xin Chúa đừng bỏ rơi con, cho đến khi nào đêm tàn và con chắc rằng Chúa sẽ dẫn con về với Chúa.

3. Chú ý lắng nghe Vị Thầy nội tâm. Nếu chúng ta biết tạo ra khoảng thinh lặng trong tâm hồn và tắt những tiếng động của thế gian, thì chúng ta sẽ dễ nghe tiếng Chúa hơn, bởi vì Ngài thường thỏ thẻ trong con tim (x. Hs 2,14). Linh hồn cần biết tránh tiếng huyên náo bên ngoài để lắng nghe những bài học về sự sống đời đời mà vị Tôn sư dạy chúng ta, giống như cô Maria Bêtania xưa kia (x. Lc 10,39).

4. Ngoan ngoãn tuân phục những kẻ mà Thiên Chúa đã đặt vào chức vụ lãnh đạo trong Giáo hội. Chúng ta hãy noi gương các thánh. Trên đây chúng ta đã thấy thánh Têrêsa vâng lời các cha giải tội hơn là nghe theo Chúa, và Chúa đã khen thánh nữ về điểm này. Một linh hồn khiêm tốn, ngoan ngoãn, thì có điều khiện thuận lợi hơn để được ơn trên hướng dẫn. Ngược lại, linh hồn nào tự mãn, chống đối những kẻ thay mặt Chúa thì khó mà nghe được lời Chúa dạy bảo.

————————————-

[1] X. ĐSTL XII, trang 78.

[2] Về 8 thành phần toàn vẹn của đức khôn ngoan, xem ĐSTL XII, trang 93-95.

[3] X. ĐSTL XII, trang 95-96.

[4] X. ĐSTL III (Thần học về Đời sống tâm linh), trang 369-372.

[5] Thánh Têrêa, Vida, chương 26,5.

[6] Summa Theologiae, I, q.21, a.3: “misericordia est Deo maxime attribuenda, tamen secundum effectum, non secundum passionis affectum”. Lòng thương xót của Thiên Chúa đã được mặc khải từ trong Cựu ước (Xh 34,6-7). Lòng thương xót được biểu lộ qua việc tha thứ các lỗi lầm của tội nhân. Thánh Phaolô tuyên xưng Thiên Chúa là “cha giàu lòng thương xót” (2Cr 1,3; Ep 2,4).

[7] ĐSTL XII, trang 98-101.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here