“Lời” Nhập Cuộc Vào Lịch Sử Loài Người

0
1574


Paul Cao Chu Vũ, O.P.

 

Công Đồng Vatican II viết: “Thiên Chúa nhân lành và khôn ngoan đã muốn mặc khải chính mình và tỏ cho mọi người biết mầu nhiệm thánh ý Người. Nhờ đó, loài người có thể đến cùng Chúa Cha, nhờ Chúa Kitô, Ngôi Lời nhập thể, trong Chúa Thánh Thần, và được thông phần bản tính của Thiên Chúa. Trong việc mặc khải này, với tình thương chan chứa của Người, Thiên Chúa vô hình đã ngỏ lời với loài người như với bạn hữu. Người đối thoại với họ để mời gọi và đón nhận họ hiệp nhất với Người”.[1]

Thiên Chúa đã nói và đã làm như thế trong lịch sử loài người. Hay cũng có thể diễn tả “Lời” đã nhập cuộc vào lịch sử loài người.[2] Sự nhập cuộc của Lời là chủ điểm mà người viết muốn trình bày trong bài này. Sự nhập cuộc ấy biểu lộ, thực hiện và hoàn tất mầu nhiệm thánh ý Thiên Chúa đối với vận mệnh của con người.

I. “LỜI” ĐƯỢC BAN LÚC KHỞI ĐẦU

1. Nơi thế giới vạn vật, đặc biệt nơi con người

Kinh Thánh nhiều lần khẳng định Thiên Chúa sáng tạo vũ trụ bằng “Lời” đầy quyền năng của Người. Sách Sáng Thế mô tả công trình sáng tạo vũ trụ một cách rất độc đáo: Thiên Chúa tuyên phán điều gì thì liền có như vậy (xc. St 1,1-27). Các sách khác cũng viết: “Chúa dùng Lời Chúa mà tác thành vạn vật” (Kn 9,1-2); “một Lời Chúa phán làm ra chín tầng trời, một hơi Chúa thở tạo thành muôn tinh tú; Vì Người đã phán, và muôn loài xuất hiện, Người ra lệnh truyền, tất cả được dựng nên” (Tv 33; 6,9),.v.v… Lời được ban ra và trở thành hiện thực như Thiên Chúa muốn nơi công trình vũ trụ.

Như vậy, với sự hiện hữu của vũ trụ thì Lời siêu việt của Thiên Chúa đã nhập cuộc vào lịch sử của tạo thành, khai mào cho toàn thể lịch sử mặc khải. Từ đó, vũ trụ trở thành “tiếng” cho “Lời” siêu việt: “Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, không trung loan báo việc tay Người làm” (Tv 19,2). Vũ trụ tươi đẹp trở thành nơi Thiên Chúa biểu lộ mầu nhiệm thánh ý Người trước mắt con cái loài người.

Phần loài người, Kinh Thánh mặc khải họ đã được tạo dựng “theo hình ảnh Thiên Chúa” có khả năng nhận biết và yêu mến Đấng Tạo Hóa, và cũng được ban cho một ơn gọi “thần linh”“đến thông hiệp với chính Thiên Chúa và tham dự vào hạnh phúc của Người như con cái”.[3] Vậy nên, con người đã thao thức tìm kiếm Đấng Thần Linh của mình, và dường như đã nhận được tín điệp từ “Lời” siêu việt của Người nơi vũ trụ.

Thực vậy, nhờ sự hiểu biết của lý trí, con người, khi chiêm ngắm sự vận hành, tính trật tự và vẻ đẹp của vũ trụ càn khôn, đã có thể nhận biết một “Ông Trời” quyền năng như nguyên lý khởi đầu và cứu cánh của mọi sự trong trời đất.[4] Trong thư gửi các tín hữu thành Rôma, phần đông gốc dân ngoại, thánh Phaolô đã viết: “Quả vậy, những gì người ta không thể nhìn thấy được nơi Thiên Chúa, tức là quyền năng vĩnh cửu và thần tính của Người, thì từ khi Thiên Chúa tạo thành vũ trụ, trí khôn con người có thể nhìn thấy được qua những công trình của Người” (Rm 1,20).

Và trong chính cuộc sống, con người đã có thể nhận biết một vị Thiên Chúa nhân lành. Người quan phòng thế giới cách diệu kỳ. Người điều hành và chở che sự hiện hữu muôn loài muôn vật bằng tình yêu thương vô lượng.

“Hết mọi loài ngửa trông lên Chúa

đợi chờ Ngài đến bữa cho ăn.

Ngài ban xuống, chúng lượm về,

Ngài mở tay, chúng thoả thuê ơn phước.

Chúa ẩn mặt đi, chúng rụng rời kinh hãi;

lấy sinh khí lại, là chúng tắt thở ngay, mà trở về cát bụi” (Tv 104,27-29).

Vì vậy, con người nghiệm thấy Thiên Chúa hiện diện thật gần gũi bên mình, nhưng Người cũng ở thật xa họ. Người hiện diện cách huyền nhiệm khôn dò khôn thấu, một sự hiện diện thoát khỏi các giác quan và vượt trên trí tri của loài người.

“Kỳ diệu thay, tri thức siêu phàm,

quá cao vời, con chẳng sao vươn tới!

Đi mãi đâu cho thoát thần trí Ngài,

lẩn nơi nào cho khuất được Thánh Nhan?

Con có lên trời, Chúa đang ngự đó,

nằm dưới âm ty, vẫn gặp thấy Ngài.

Dù chắp cánh bay từ phía hừng đông xuất hiện,

đến ở nơi chân trời góc biển phương tây,

tại đó cũng tay Ngài đưa dẫn,

cánh tay hùng mạnh giữ lấy con” (Tv 139,5).

Và con người còn nhận thấy một tiếng của “Lời Chân Lý”, không do họ nghĩ suy đặt ra, nhưng tồn tại ngay trong sâu thẳm tâm hồn họ, mà chúng ta gọi là lương tâm. Lời đó khuyến dụ mỗi người phải yêu mến và thi hành điều thiện cũng như tránh xa điều ác. Lời đó luôn được nói với mỗi người trong mọi hành động vì chính cuộc sống của nó. Tuân theo lương tâm chính là phẩm giá của con người. Và vì vậy, lương tâm cũng là quan toà xét xử hành vi của mỗi người xứng với những việc họ làm. Hiểu biết như thế, Kitô giáo xác tín: “Lương tâm là tâm điểm sâu kín nhất và là cung thánh của con người, nơi đây con người chỉ hiện diện một mình với Thiên Chúa và tiếng nói của Người vang dội trong thâm tâm họ”.[5] Người nói với mỗi người bằng lời lương tâm, hầu con người có thể sống chính trực mà mưu cầu hạnh phúc. Qua lương tâm, Lời can dự vào cuộc sống của mỗi người cách nhiệm mầu.

2. Nơi các tổ phụ

Thật vậy, Thiên Chúa đã mặc khải Lời của Người qua công trình tạo dựng, và Lời đã nên như ánh sáng chiếu giãi mầu nhiệm Thiên Chúa trên khắp vũ trụ. Song mầu nhiệm thánh ý Thiên Chúa còn muốn tiến sâu hơn nữa vào lịch sử con người; Người muốn nhập cuộc vào lịch sử của những con người cụ thể. Người muốn mặc khải chính mình dưới một thể thức đặc biệt: biểu lộ mình như một người bạn kết ước thâm giao với những con người được Người tuyển chọn và yêu mến.

a. Thiên Chúa ban lời kết giao với Adam và Eva

Thuở ban đầu, Thiên Chúa đã kết giao với Adam và Eva như những người bạn. Sách Sáng Thế miêu tả: lúc gió chiều hiu hiu thổi, Thiên Chúa đi dạo trong khu vườn Eden (xc. St 3,9). Quả là một hình ảnh đẹp diễn tả sự hiện diện gần gũi của Thiên Chúa với phàm nhân mà Người yêu mến. Trong cuộc mặc khải này, Thiên Chúa mời gọi đôi bạn tham dự vào ơn cứu độ “thiên định” (viam salutis surpenae: ơn cứu độ từ trời – đây là một thuật ngữ được các Giáo phụ sử dụng để diễn tả hồng ân của Chúa).[6]

Tiếc thay, mối thâm giao giữa Thiên Chúa và con người đã bị phá đổ, do ý định được trở nên thần linh “biết điều thiện điều ác” của Adam và Eva. Nghe theo lời dối trá xuôi tai của Satan, những người bạn của Thiên Chúa đã quay lưng lại với Người bằng hành vi bất tuân mệnh lệnh Người đã truyền cho họ.

Dẫu tình bằng hữu giữa Thiên Chúa với con người đã bị phá đổ, nhưng Thiên Chúa không từ bỏ con người. Người đã ban cho loài người một lời hứa cứu độ. Lời ấy khơi lên niềm hy vọng hoà giải con người với Thiên Chúa khi Satan – kẻ chia rẽ tình bằng hữu giữa Thiên Chúa và con người – bị tống cổ ra ngoài: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó” (St 3,15).

b. Thiên Chúa ban lời giao ước cho Noê

Khi khước từ Thiên Chúa, thì sớm muộn gì loài người cũng khước từ nhau. Kinh Thánh thuật lại: liền sau biến cố sa ngã của Adam và Eva là câu chuyện Cain giết người anh em của mình Aben. Thế là “vì một người duy nhất mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết; như thế, sự chết đã lan tràn tới mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội” (Rm 5,12).

Vào thời Noê, sự tội lan tràn khắp mặt đất. Với cách diễn tả bình dân, tác giả viết Thiên Chúa thấy vậy thì hối tiếc vì đã làm ra loài người. Người quyết định thanh tẩy cõi đất bằng hồng thuỷ, Người tiêu diệt loài người sa đoạ, trừ gia đình ông Noê: “Ông là người công chính, hoàn hảo giữa những người đồng thời, và ông đi với Thiên Chúa” (St 6,9). Noê được kể là bạn hữu của Thiên Chúa trong thời này. Vì vậy, Thiên Chúa đã cứu ông và gia đình ông trong trận hồng thuỷ kinh hoàng.

Sau cuộc thanh tẩy mặt đất bằng nước, Thiên Chúa đã ban tặng Noê một lời “giao ước vĩnh cửu” và phổ quát đối với mọi xác phàm trên mặt đất. Thiên Chúa hứa mọi loài thọ sinh sẽ được Người bảo bọc chở che, sẽ không bao giờ tiêu diệt chúng nữa (xc. St 9,8-16).

c. Thiên Chúa ban lời giao ước cho Abraham

Trận hồng thuỷ đã không thể huỷ diệt tận gốc rễ sự tội. Tội lỗi vẫn thống trị loài người cách bạo tàn. Chính trong hoàn cảnh bi đát ấy, Thiên Chúa khởi sự kế hoạch cứu độ: giải phóng loài người khỏi ách thống trị của tội lỗi.

Thiên Chúa đã tuyển chọn ông Abram thuộc thị tộc Terach, thành Ur. Người ngỏ lời kết tình bằng hữu với ông. Người ban cho ông ba lời hứa: một dân tộc, một vùng đất làm gia nghiệp và một mối phúc lớn lao cho danh dự của ông: “nhờ ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc” (St 12,3). Để xác nhận lời đoan hứa, Thiên Chúa ký kết Giao ước với Abram (xc. St 15,17-18; 17,1-22). Đồng thời, Người ban tặng cho ông một tên mới: từ “Abram”, ông được đổi thành “Abraham”, tức là “người cha của vô số dân tộc” (St 17,5). Được mang một danh hiệu mới có nghĩa là từ đây ông sẽ đảm nhận một vai trò mới trong chương trình cứu độ phổ quát của Thiên Chúa. Tin lời Thiên Chúa hứa, Abraham lãnh nhận dấu hiệu của Giao ước qua nghi thức cắt bì (xc. St 17,10).

Thực hiện lời hứa ban dòng dõi cho Abraham, Thiên Chúa đã ban cho ông một người con, là Isaac, vào thời thân xác ông đã chết và lòng dạ của vợ ông đã tàn cỗi (xc. Rm 5,19). Nhưng chướng kỳ thay, Thiên Chúa đòi Abraham hiến tế Isaac để phụng sự Người. Trước lời hứa và lời yêu sách nghịch lý của Thiên Chúa, Abraham cúi đầu tuân phục. “Ông đã chẳng mất niềm tin, chẳng chút nghi ngờ lời Thiên Chúa hứa; trái lại, nhờ niềm tin, ông đã nên vững mạnh và tôn vinh Thiên Chúa, vì ông hoàn toàn xác tín rằng: điều gì Thiên Chúa đã hứa thì Người cũng có đủ quyền năng thực hiện” (Rm 7,20-21). Như thế, một lần nữa, Abraham khẳng định niềm tin của ông vào mầu nhiệm thánh ý của Thiên Chúa. Và ông đã không nhầm khi đặt niềm tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa. Người đã khấng nhận lòng dạ trung tín của ông: Đức Chúa chặn đường gươm sát tế Isaac của Abraham, Người trả lại cho ông người con yêu quý duy nhất.

Từ Isaac, Thiên Chúa từng bước thực hiện lời đã hứa cùng Abraham: Isaac sinh hạ hai người con trai là Esau và Giacob. Giữa hai dòng dõi của Abraham, Thiên Chúa tuyển chọn Giacob làm truyền nhân để thực hiện lời hứa. Người ban cho Giacob một tên mới là “Israel”. Israel sinh hạ mười hai người. Họ là tổ tiên của mười hai thị tộc Israel.

II. “LỜI” ĐƯỢC BAN CHO TUYỂN DÂN ISRAEL

Được Thiên Chúa tiên liệu, con cháu của tổ phụ Abraham, của Isaac, và của Israel, đến định cư trên đất Ai Cập. Họ sinh sôi, ngày càng đông đúc và hùng mạnh: họ lan tràn khắp xứ Ai Cập trong một thời gian khá dài 430 năm. Sự bành trướng của dân Israel khiến các Pharaô và người Ai Cập phải nghi ngại. Vì vậy, các Pharaô cưỡng bách con cái Israel phải lao động cực nhọc, và truyền giết tất cả các bé trai sơ sinh người Israel. Trong lúc ấy, con cái Israel kêu cầu Thiên Chúa. Thiên Chúa đã nghe và đã thấy thảm cảnh của dân Israel, Người nhớ lại lời đã hứa với tổ phụ Abraham, Isaac và Israel, và Người hành động.

1. “Lời” được ban cho Môsê

Trong mầu nhiệm thánh ý Thiên Chúa, một bé trai, con cái của người Israel, tên là Môsê, đã may mắn thoát chết, và được công chúa của Pharaô nhận làm con. Cậu lớn lên trong triều đình. Tuy vậy, Môsê không quên dòng giống của mình. Một hôm, Môsê đã giết chết một người Ai Cập để bênh vực người anh em Israel. Sự việc bị tiết lộ, Môsê trốn sang đất Madian. Nơi đây, ông được trao “Lời” để trở thành vị cứu tinh giải phóng dân Israel khỏi cảnh nô lệ Ai Cập.

Trên núi Khoreb, Môsê thấy bụi gai bốc lửa mà không cháy rụi (xc. Xh 3). Ông lại gần, và trong bụi gai ông được thị kiến với Thiên Chúa. Thiên Chúa đã ban “Lời” cho Môsê. Người trao cho Môsê một sứ mệnh giải phóng: “Ta sai ngươi đến với Pharaô để đưa dân Ta là con cái Israel ra khỏi Ai Cập” (Xh 3,9-10). Để bảo đảm cho sứ vụ của Môsê, Thiên Chúa đã mặc khải Danh Thánh của Người: “Ngươi sẽ nói với con cái Israel thế này: ‘YHWH’, Thiên Chúa của cha ông anh em, Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, Thiên Chúa của Giacob, sai tôi đến với anh em. Đó là danh Ta cho đến muôn thuở, đó là danh hiệu các ngươi sẽ dùng mà kêu cầu Ta từ đời nọ đến đời kia” (Xh 3,15).

Thực vậy, theo quan niệm của người Đông Phương, “danh tánh” biểu lộ căn cước của một ngôi vị. Vậy, khi biểu lộ Danh Thánh “YHWH” huyền bí, Thiên Chúa mặc khải bản tính thần linh của Người: Thiên Chúa Toàn Năng siêu việt (Xh 6,2), nhưng cũng thật gần gũi với con người, Người là “Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, Thiên Chúa của Giacob”, Đấng đã tuyển chọn và ban lời hứa cho các tổ phụ. Vì Người là Thiên Chúa trung tín và giàu lòng thương xót, nên giờ đây Người đến để giải thoát con cháu họ khỏi ách nô lệ. Người sẽ dùng quyền năng mà thực hiện cuộc giải phóng này. Lời giao ước xưa được ban cho các tổ phụ nay còn nguyên giá trị cho con cháu: “YHWH, Thiên Chúa của tổ tiên, nay cũng là Thiên Chúa của con cháu”: “Ta sẽ nhận các ngươi làm dân riêng của Ta, và đối với các ngươi, Ta sẽ là Thiên Chúa. Các ngươi sẽ biết rằng Ta, YHWH, là Thiên Chúa các ngươi, Đấng cứu các ngươi khỏi phải làm việc khổ sai cho người Ai Cập. Ta sẽ đưa các ngươi vào miền đất mà Ta đã giơ tay thề sẽ ban cho Abraham, Isaac và Giacob. Ta sẽ ban đất ấy cho các ngươi làm sở hữu. Ta là YHWH” (Xh 6,7-8).

Được Thiên Chúa bảo đảm bằng Danh Thánh cao cả và lời hứa phù trợ: “Ta sẽ ở với ngươi!” (Xh 6,12), ông Môsê trở lại Ai Cập. Tại đây, cùng với ông Aharon – người phụ tá, Môsê thực hiện mười đại họa lạ lùng để buộc Pharaô phải phóng thích dân Israel (xc. Xh 7-10).

2. “Lời” giải phóng con cái Israel

Thực vậy, chín đại họa ban đầu Môsê thực hiện đã không làm Pharaô đổi ý, ông cầm buộc con cái Israel trong ách nô lệ. Nhưng sự cứng lòng của Pharaô lại là cơ hội để Thiên Chúa của Israel giơ tay hùng mạnh mà cứu dân Người. Đích thân Thiên Chúa sẽ ra tay thực hiện đại họa khủng khiếp thứ mười.

Trong “đêm ấy”, Thiên Chúa rảo khắp đất Ai Cập và sẽ giết hại tất cả con trai đầu lòng và cả những con súc vật đầu lòng của dân Ai Cập, còn con cái Israel phải làm thịt chiên, lấy máu bôi lên cửa; dấu máu là dấu để Thiên Chúa cứu sống nhà ấy, rồi phải ăn hối hả thịt chiên và trong tư thế sẵn sàng ra đi (xc. Xh 12,1-14). Đêm đó sẽ là “đêm ĐỨC CHÚA canh thức để đưa họ ra khỏi đất Ai Cập; đêm đó thuộc về YHWH, đêm canh thức của toàn thể con cái Israel, qua mọi thế hệ” (Xh 12,42). Đêm ấy đã khắc sâu trong ký ức của một dân tộc được Thiên Chúa tuyển chọn và yêu thương: “Các ngươi phải lấy ngày đó làm ngày tưởng niệm, ngày đại lễ mừng YHWH. Qua mọi thế hệ, các ngươi phải mừng ngày lễ này: đó là luật quy định cho đến muôn đời” (Xh 12,14).

Chứng kiến đại họa khủng khiếp, Pharaô sợ hãi tháo cởi ách nô lệ cho con cái Israel, họ được tự do ra đi. Dưới sự lãnh đạo của Môsê, đoàn dân Israel tiến về phía Đông để vào đất Canaan mà Đức Chúa đã hứa ban cho tổ tiên của họ. Thế nhưng, ngay sau đó Pharaô đổi ý, ông xua chiến xa và kỵ binh truy đuổi con cái Israel, bắt họ trở về kiếp nô lệ. Thấy quân lực Pharaô truy đuổi phía sau, còn phía trước là Biển Sậy chặn ngang lối thoát, dân Israel hoảng loạn trong cảnh cùng đường. Thế nhưng chính trong cơn bĩ cực này, con cái Israel được tận mắt chứng kiến hành động đầy quyền năng của Đấng là YHWH, Người hành động như Người đã hứa:

“YHWH phán với ông Môsê: “Có gì mà phải kêu cứu Ta? Hãy bảo con cái Israel cứ nhổ trại. Phần ngươi, cầm gậy lên, giơ tay trên mặt biển, rẽ nước ra cho có lối đi khô ráo ngay giữa lòng biển, để con cái Israel đi vào. Còn Ta, Ta sẽ làm cho lòng người Ai Cập ra chai đá. Chúng sẽ tiến vào theo sau các ngươi. Bấy giờ Ta sẽ được vẻ vang hiển hách khi đánh bại Pharaô cùng toàn thể quân lực, chiến xa và kỵ binh của vua ấy. Người Ai Cập sẽ biết rằng chính Ta là YHWH, khi Ta được vẻ vang hiển hách vì đã đánh bại Pharaô cùng chiến xa và kỵ binh của vua ấy”.

Cuộc Vượt qua Biển Sậy đánh dấu một chặng mốc lịch sử mới của con cái Israel. Từ đây, họ là những con người tự do; sự tự do mà “Lời” quyền năng của YHWH ban tặng. Qua “Lời” ấy, con cái Israel tin vào Thiên Chúa: Đấng cao cả uy hùng, Đấng cứu độ Israel, Đấng ban tặng cho họ “núi gia nghiệp” Người đã hứa cùng các tổ phụ, và cũng là Đấng hiện diện cách gần gũi, hướng dẫn và đồng hành với họ qua ông Môsê – tôi trung của Người.

3. Lời giao ước với dân Israel

Hành trình trong sa mạc, con cái Israel đến núi Sinai. Tại đây, Thiên Chúa đã ngỏ lời giao ước với toàn thể cộng đồng Israel, qua trung gian Môsê. Giao ước ấy không do công trạng của đám dân nô lệ mới được giải phóng, nhưng do lòng nhân ái của Thiên Chúa đã và đang dành cho họ: “Các ngươi thấy Ta đã xử với Ai Cập thế nào, và đã mang các ngươi như trên cánh chim bằng, mà đem đến với Ta” (Xh 20,4). Vì trung tín với lời đoan hứa cùng các tổ phụ, Thiên Chúa đã dấn thân vào vận mạng của Israel. Người quy tụ họ thành một cộng đồng và nhận họ làm dân riêng. Sự tuyển chọn ấy được bảo chứng bằng Giao ước. Như thế, Giao ước Sinai đặt nền tảng cho một vận mệnh mới của cộng đồng Israel. Từ đây:

– YHWH là Thiên Chúa của Israel, còn Israel là sở hữu riêng của YHWH.

– Thiên Chúa hiện diện giữa dân, và dân trung thành thực thi thánh ý Thiên Chúa.

Giao ước Sinai được cụ thể trong “Thập Ngôn” được khắc trên hai phiến đá (Xh 20,1-17; Đnl 5,6-18). “Thập ngôn” là lẽ sống cho cuộc đời mới của cộng đồng Israel; là mười lời Thiên Chúa chỉ đường, dẫn lối cho cuộc sống của con cái Israel trong sự tự do; sự tự do mà tự nó vốn rất chênh vênh bên bờ vực của thảm kịch nô lệ dẫn đến sự chết. Thực vậy, sau khi thoát ách nô lệ Ai Cập, cộng đồng Israel không tránh khỏi nguy cơ rơi vào cảnh nô lệ của ngẫu tượng, của đam mê dục vọng. Do vậy, vì yêu thương và trung tín với Giao ước, Thiên Chúa đã truyền ban cho dân của Người “Thập Ngôn” như là con đường chính trực, dẫn đến miền đất của Đức Chúa, miền đất của sự sống và tự do.

Phần cộng đồng Israel, điều duy nhất Giao ước đòi hỏi họ phải trung thành với Thiên Chúa, nghĩa là tuân giữ “Thập Ngôn”. Và dân đã cam kết: “Tất cả những gì YHWH đã phán, chúng tôi sẽ thi hành và tuân theo” (Xh 24,7). Ngược lại, nếu Israel phản bội YHWH, thì tội lỗi ấy có thể cắt đứt Giao ước mà họ có được bởi tình yêu của Thiên Chúa; sự bất tuân của Israel có thể làm phương hại đến việc Thiên Chúa thực hiện những lời Người đoan hứa.

Và điều đã xảy ra: lịch sử giao ước giữa Thiên Chúa và Israel là thiên sử về sự bất trung của dân Israel, và về sự trung tín của Thiên Chúa. Ngang qua mọi bất trung của Israel, Thiên Chúa mãi “đeo đuổi” dân Người tuyển chọn. Nhiều lần và bằng nhiều cách, Người sai các ngôn sứ của Người đến nhắc nhở Dân hoán cải và trung thành với Giao ước. Với những lần như thế, họ quay về với Thiên Chúa, nhưng chẳng bao lâu, họ lại ra đi “ngoại tình” với các thần minh của dân ngoại. Vì thế, YHWH, qua miệng ngôn sứ Hôsê, đã phải xót xa: “Tình yêu của các ngươi khác nào mây buổi sáng, mau tan tựa sương mai” (Hs 6,4).

Hệ quả là tội “ngoại tình” của Dân đã làm tổn hại Giao ước. Những lời hứa của Giao ước đã không có cơ may trở thành hiện thực. “Thập ngôn” của Giao ước Sinai mãi còn đó và tồn tại trong lịch sử Israel như một bằng chứng tố cáo những hành vi bất nghĩa của Israel đối với những hành vi nhân ái Thiên Chúa (xc. Đnl 31,26). Sự tình như thế cứ mãi tiếp diễn cho đến thời “sau hết”, Thiên Chúa sẽ hoàn tất lời hứa cứu độ với các tổ phụ theo một thể thức khác.

III. “LỜI” HÓA THÀNH MỘT CON NGƯỜI

Tội bất trung với Giao ước của Israel không vì thế mà gây trở ngại cho lịch sử của “Lời” dấn thân vào lịch sử loài người. Israel đã từ khước để cho Lời giao ước hiện diện và đồng hành với họ. Dẫu vậy, Thiên Chúa luôn là Đấng Sáng Khởi. Và đây là cách thức Thiên Chúa đã thực hiện để đưa “Lời” nhập cuộc vào thế giới loài người một cách mới mẻ và chung quyết:

“Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán vời cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào những ngày sau hết này, Thiên Chúa đã phán với chúng ta qua một Người Con, mà Thiên Chúa đặt làm người thừa hưởng muôn vật, và cũng nhờ Người Con ấy mà Thiên Chúa đã dựng nên vũ trụ. Người là phản ánh vẻ vinh quang, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa. Người là Đấng duy trì muôn vật bằng lời quyền năng của mình” (Dt 1,1-3).

1. Lời đến để sống với và sống cho mọi người

Quả vậy, khi đến thời viên mãn, Thiên Chúa đã sai chính Con Một – là Lời trọn hảo của Chúa Cha đến trần gian, Người đã trở nên một con người, mang tên “Giêsu”. Người đến “cắm lều” giữa loài người, Người bước vào thế giới của loài người, để con người có thể tiếp xúc với mầu nhiệm Thiên Chúa, nhờ đó mà được sống (xc. Ga 1,14-18).

Giờ đây, Thiên Chúa không nói Lời siêu việt với con người qua các trung gian, nhưng chính nơi Đức Giêsu, Thiên Chúa hạ cố, sống phận người và sống thật gần với con người, hầu ngỏ lời với loài người như một người bạn đồng phận.

Lời giờ đây mang một khuân mặt của một con người “Giêsu”: Người đã chia sẻ niềm vui với mọi người (xc. Ga 2,1-12; Lc 10,21); đã khóc trước những nỗi đau của phận người (xc. Lc 19,21; Ga 11,35; Dt 5,7); đã nhận lấy nơi mình những cơn thử thách, cám dỗ của cuộc nhân sinh (xc. Mt 4,1tt; Mc 1,12-13; Lc 4,1-13; Dt 4,15); đã nhận lấy cái chết, mà là một cái chết ô nhục, bi thương nhất giữa cõi người (xc. 1Cr 1,23). Song cũng chính từ cái chết ấy, mà một đời sống mới bất diệt được hứa ban cho tất cả những ai tin vào Đức Giêsu, Đấng Phục Sinh.

Khi “Lời” hóa thành con người Giêsu, thì Người không còn là Lề Luật để kết tội con người, nhưng đã trở nên bạn hữu của “quân thu thuế và phường tội lỗi” (Mt 11,19). Không mang theo ách nặng nề của Lề Luật, Người là điểm tựa êm ái cho tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề (xc. Mt 11,28). Bởi vì ở Nơi Người, con người được Thiên Chúa tha thứ, yêu thương và được cứu độ: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (Ga 3,16-17). Như thế, “Lời” nhập thể trở thành “Tin Mừng cứu độ” cho những kẻ nghèo hèn, tội lỗi.

Khi “Lời” hóa thành nhục thể, thì Lời không còn thuần túy là lời Thiên Chúa dạy bảo, mà chính là hành động của “ngón tay” Thiên Chúa thực hiện trên phàm nhân. Điều này có nghĩa là “Triều đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông” (Lc 11,20). Lúc này, nơi Đức Giêsu, chính Thiên Chúa đích thân đến gặp gỡ và thiết lập vương quyền yêu thương của Người trên trần gian. “Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Người” (Cv 10,38). Qua sự hiện diện và hoạt động của Đức Giêsu, chính Thiên Chúa là Đấng hành động: Người nhập cuộc vào cuộc sống của nhân loại một cách mới mẻ ngay trong giây phút này. Vì thế, “thời gian đã nên trọn” (Mc 1,15); vì thế đây là thời gian sám hối và chay tịnh, nhưng cũng là thời gian của niềm vui, vì trong Đức Giêsu, Thiên Chúa đã đến với nhân loại. Trong Đức Giêsu, Thiên Chúa hoạt động và thống trị; Người thống trị theo cách thức của Thiên Chúa, thống trị không phải bằng quyền lực của thế gian, nhưng bằng sức mạnh của tình yêu “cho đến cùng” (Ga 13,1), cho đến thập giá.[7] Chính từ hôm nay, trong Đức Giêsu, Thiên Chúa cư ngụ giữa con người và con người được sống với Thiên Chúa.

2. Lời đến để ban sự sống sung mãn cho những kẻ tin

Thực vậy, niềm khát khao khôn cùng của con người là khát khao được sống và sống sung mãn. Khát vọng ấy quả thực phản ánh mầu nhiệm thánh ý Thiên Chúa khi tạo dựng con người: Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình. Thiên Chúa muốn con người được sống như Thiên Chúa là Đấng Hằng Sống. Vì vậy, khi nhập cuộc vào thế giới của loài người, sứ mệnh mà Đức Giêsu nhận được từ Chúa Cha chính là làm cho con người được sống. Đức Giêsu xác nhận sứ mệnh ấy khi nói: “Thật vậy, ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết” (Ga 6,40).

Với sứ mệnh đem đến sự sống cho con người, Đức Giêsu đã gọi mình là “bánh trường sinh”, thứ lương thực làm cho con người được sống đời đời. Đức Giêsu nói: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (Ga 6,51).

Đức Giêsu là bánh trường sinh mang lại sự sống đời đời bởi chính Người là Lời sự thật của Thiên Chúa, là con đường đích thực dẫn con người đến dự phần vào sự sống của Thiên Chúa. Đức Giêsu nói: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6).

Như thế, người ta cần tin vào Đức Giêsu để được sống, như Đức Giêsu đã tuyên bố: “Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!” (Ga 6,35). Khi tiếp xúc với Đức Giêsu, kẻ tin được nuôi dưỡng từ Thiên Chúa hằng sống, bởi được lãnh nhận “bánh trường sinh” làm lương thực cho sự sống. Người ta có thể dễ dàng nhận biết rằng thứ lương thực trần gian chỉ làm cho con người đỡ đói, chứ không làm no thoả cõi lòng; là thứ lương thực duy trì sự sống tạm thời, chứ không thể đem lại sự sống đời đời. Thực là “con người cần bánh, cần lương thực cho thân xác, nhưng sâu xa hơn con người cần đến lời tình yêu, cần chính Thiên Chúa. Ai ban cho con người những điều này, sẽ ban cho họ “cuộc sống tràn đầy”.[8] Đức Giêsu ban cho kẻ tin vào Người một “cuộc sống tràn đầy”, vì lẽ được hội ngộ với Đức Giêsu chính là được gặp gỡ Chúa Cha (xc. Ga 14,9); tin vào Đức Giêsu là được dự phần vào sự sống đời đời của Thiên Chúa (xc. Ga 6,39).

Thiết thực hơn, Đức Giêsu mời gọi những kẻ tin vào Người đến lãnh nhận “bánh trường sinh” là chính thịt và máu Người. Đức Giêsu nói: “Bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống… Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy” (Ga 6,50.54-57). Điều Đức Giêsu nói về lương thực thật sự ban sự sống cho con người là mình và máu Người trở thành hiện thực nơi mầu nhiệm thập giá. Qua hy tế thập giá, Đức Giêsu đã đổ máu và hiến tế thân xác của Người để nên lương thực thần linh cho con người.

Cuộc hiến tế ấy hôm nay vẫn được tiếp diễn nơi bí tích Thánh Thể. Nơi đây, Thiên Chúa ban cho nhân loại một thứ lương thực thật sự – tấm “bánh đích thực từ trời” ban sự sống đời đời. Bánh giúp con người sống thật sự sâu thẳm của mình. Nói một cách mãnh mẽ hơn, nơi bí tích Thánh Thể, con người được dự phần vào sự sống của Thiên Chúa: Thiên Chúa trao ban “xác thể” cho chúng ta, để chúng ta trở thành “thần khí” trong Người. Như vậy, quả thực Thánh Thể là một hồng ân lớn lao mà Đức Giêsu ban cho những kẻ tin vào Người. Việc lãnh nhận Thánh Thể ban cho những kẻ tin một đời sống được tiền dự vào đời sống trong Thiên Chúa và với Thiên Chúa ngay từ hôm nay.[9]

Kết luận

Tin Mừng Gioan đã tóm kết lịch sử của Lời nhập cuộc vào lịch sử của tạo thành như sau: Lúc khởi đầu đã có Lời, và Lời là Thiên Chúa. Nhờ Lời mà vạn vật được tạo thành, được hiện hữu. Lời là Thần Linh siêu việt, nhưng chính Lời đã nhập cuộc vào lịch sử của tạo thành; Lời đã đến và ở trong thế gian. Lời đã được ban cho loài người và sau hết Lời đã trở nên một con người để ai tin vào Danh Người thì được quyền trở nên con cái Thiên Chúa (xc. Ga 1,1-14).

Trong suốt chiều dài lịch sử ấy, Mầu nhiệm Lời hóa thành con người Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, chính là đỉnh cao của mầu nhiệm thánh ý Thiên Chúa: Người muốn kết tình bằng hữu với con người, và mời gọi họ hiệp thông với Người trong chính sự sống của Người. Thế nhưng, mầu nhiệm ấy đã không được hoàn tất theo thể thức Giao ước Lề Luật giữa Thiên Chúa và Israel, cho đến khi Lời Thiên Chúa nhận lấy nơi mình bản tính nhân loại. Bằng thể thức ấy, Lời dấn thân trọn vẹn vào lịch sử của loài người. Thiên Chúa đã đến với nhân loại nơi Đức Giêsu. Khi đến sống với chúng ta, Người đem theo đức tin, niềm hy vọng và tình yêu ban tặng chúng ta, ngõ hầu chúng ta được dự phần vào đời sống trong Thiên Chúa và với Thiên Chúa.

***

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Kinh Thánh – Lời Chúa cho mọi người, bản dịch của CGKPV, NXB. Tôn giáo, 2006.

2. Thánh Công Đồng chung Vatican II, bản dịch của Giáo Hoàng học viện thánh Piô X, 1972.

3. La Bible de Jerusalem, Dẫn vào Thánh Kinh, bản Việt ngữ của Tanila Hoàng Đắc Ánh, 1994.

4. Joseph Ratzinger, Đức Giêsu thành Nazareth, bản Việt ngữ của Aug. Nguyễn Văn Trinh.

5. Phan Tấn Thành, O.P., Thần học mặc khải, Học viện Đaminh, 2005.

 

 

 

 

 

 


[1] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Dei Verbum (Lời Thiên Chúa), số 2.

[2] Theo ngôn ngữ của dân Hipri, “Dabar”, Việt ngữ chuyển thành “Lời”, diễn tả lời nói cũng như hành động của Thiên Chúa. (Xc. Parole, Dictionaire encyclopedicque de la Bible, 2002).

[3] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Gaudium et Spes (Vui mừng và Hy vọng), số 21.

[4] Xc. Công Đồng Vatican II, Hiến chế Dei Verbum (Lời Thiên Chúa), số 4.

[5] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Gaudium et Spes (Vui mừng và Hy vọng), số 16.

[6] Xc. Phan Tấn Thành, O.P., Thần học Mặc khải, Trung Tâm Học Vấn Đaminh, tr. 52.

[7] Xc. Joseph Ratzinger, Đức Giêsu thành Nazareth, bản Việt ngữ của Aug. Nguyễn Văn Trinh, tr. 81.

[8] Joseph Ratzinger, sđd, tr. 237.

[9] Xc. Joseph Ratzinger, sđd, tr. 239.